3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

MỘT SO SÁNH VÔ CÙNG KHẬP KHIỄNG - Thứ Hai Tuần 2 MC A

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Ngày kia, Paderewski đến London công diễn. J. Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Quá cảm kích; về nhà, Parker gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’, những gì tôi làm chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi toác ra từng mảnh!”. Và dù không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là nên giống người nhạc sĩ! Để được vậy, ông cần một trái tim vĩ đại như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại! 

Kính thưa Anh Chị em,

Parker “Cần một trái tim vĩ đại như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa cũng có một trái tim! Và thú vị hơn, nếu phải so sánh dù là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’ về mức độ nhân ái, Chúa Giêsu buộc chúng ta lấy trái tim mình đem so với trái tim của Thiên Chúa! Ngài nói, “Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Đó không phải là một câu nói chót lưỡi đầu môi, mà là một cam kết sống! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa là một tình yêu không ngưng nghỉ, không mệt mỏi, dành cho nhân loại. Ngài yêu thương nó với một tình yêu không thể hiểu thấu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, một tình yêu lớn đến nỗi chỉ một mình Ngài mới có thể hiểu! Rõ ràng, so với tình yêu vô bờ này, tình yêu của con người sẽ luôn què quặt, chắp vá, dẫu đó là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’.

Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu không ngại cảnh báo những gì chúng ta thường vấp phải, “Đừng xét đoán!”, “Đừng kết án!”. Ngài biết, trái tim của chúng ta là một chiến trường thực sự! Hãy xem, mặc dù rất khó, nhưng chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc mặc dù không còn nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn tìm cách ‘cung phụng’ vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Đó là đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác được thần tượng hoá. Chúa Giêsu luôn nhìn vào trái tim, Ngài đặt cược vào mặt tốt!

Vậy đâu là thái độ đúng đắn? Đaniel trong bài đọc hôm nay là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta! Lời nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người; đó là một lời cầu nguyện khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin lòng thương xót, “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác”. Thật là ‘hàm ân’ với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Anh Chị em,

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”. Nói cách khác, chúng ta cần một trái tim như trái tim của Thiên Chúa; và Chúa Giêsu đã làm người, với một trái tim, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi trần một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng; những giọt máu, giọt nước cuối cùng nhỏ xuống cho đến khi trái tim Ngài khô đét. Bởi lẽ, trong đó, chỉ có xót thương! Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi tự so mình với người khác; thế mà, không phải với họ, chính Chúa Giêsu mới là ‘người mẫu’ để chúng ta so sánh, dẫu đây là một so sánh không tưởng. Trong sự tha thứ và xót thương, sự rộng lượng của Chúa Giêsu là không thể đo lường. Ngài đã chuộc lấy nhân loại, trong đó có bạn và tôi. Vì thế, trái tim của Ngài đáng cho chúng ta ao ước và bắt chước!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần nhiều hơn những con người có một trái tim mềm, xin ban cho con một trái tim có tên “Giêsu!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KHỔ ĐAU VÀ LÒNG TIN – MÔISEN VÀ CHÚNG TA - Chúa Nhật 2 MC A

Chúa nhật thứ II mùa Chay, Hội Thánh trình bày khuôn mặt hiển dung vinh quang của Chúa Giêsu để, như xưa, Chúa Giêsu mạc khải trước cuộc phục sinh vinh thắng và khải hoàn của Ngài, thì nay, qua việc trình bày khuôn mặt hiển dung này, Hội Thánh hướng chúng ta, chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Trong cuộc hiển dung ấy có hai nhân vật Cựu Ước, thì một trong hai là thủ lãnh Môisen.

TỪ THỦ LÃNH MÔISEN.

Tên Môisen được cấu thành bởi hai từ:

– “Môi” nghĩa là “nước” (tiếng Ai cập cổ từ “Mo” nghĩa là “nước”). Chúng ta có thể đọc theo hai cách: Môisen hay Môsê).

– “Sa” nghĩa là “con trai” hoặc “ses” nghĩa là “cứu ra khỏi nước”.

– Người mẹ nuôi của thủ lãnh Môisen là công chúa Ai cập, hình như tên là Thermuthis, một trong 4 công chúa của Pharaô Ramesses II.

– Trong một lần tắm trên sông Nile, Thermuthis đã vớt Môisen từ trong một cái thúng do bà Jochebed, mẹ của Môisen thả trên sông Nile.

– Có lẽ Thermuthis, từ khi nhận cậu bé làm con nuôi, đã đặt tên cho cậu là Môsê (hay Môisen – đứa con trai ra khỏi nước) để ghi nhớ việc nàng vớt Môisen từ trên dòng sông Nile.Cũng như Tổ phụ Abraham, Thủ lãnh Môisen là nhân vật mạnh mẽ, sáng ngời trong đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

Dẫu đầy gian nan trong sứ mạng giải phóng dân tộc, từ khi bắt đầu nhận lãnh lệnh truyền của Chúa, rồi bao nhiêu lần chứng kiến việc Chúa đánh đòn vua và dân Aicập, đến lúc tổ chức lễ Vượt qua, lúc phải thực hiện hành trình Vượt qua, rồi cùng dân rày đây mai đó nơi sa mạc đầy chết chóc, nào bị dân chúng trách móc, bị đe dọa giết chết…, Thủ lãnh Môisen không hề phản bội đức tin, không một chút mảy may nghi ngờ lòng thương xót của Chúa.

Có lúc áp lực như đè nặng quá sức, như lấy hết mọi sức lực, như khó có thể trụ nổi, Thủ lãnh như muốn chết đi. Thủ lãnh phải đau xót thốt lên:

“Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn.” (Ds 11, 12 tt).

Nhờ đức tin và lòng yêu mến Chúa của mình, Thủ lãnh Môisen được Chúa tin tưởng trao cho sứ mạng đưa dân của Người thoát cảnh lầm than nô lệ cho Aicập. Người đã nâng Thủ lãnh lên thành một nhà giải phóng dân tộc lừng danh.

Do lòng tin và tình yêu mến dành cho Thiên Chúa, Thủ lãnh Môisen trở thành người của lịch sử, lập trang sử mới cho dân riêng của Chúa cả về đời sống trần thế lẫn đời sống đức tin.

 Thủ lãnh Môisen được Chúa trao cho vị trí quan trọng đến nỗi, khi ngắm nhìn chân dung của Thủ lãnh, Tân Ước phải thốt lên: “Những người tin vào ông Môisen, thật sự là tin vào Đức Kitô, và gương mặt của họ cũng như gương mặt của Môisen phản ánh vinh quang của Chúa” (2Cr 3, 18).

Đến tận cuối đời, Thủ lãnh Môisen vẫn trung thành liên đới với dân dù liên tục đón nhận đau khổ và gánh nặng từ dân mà ra.

Do tội bất trung của dân, nhất là những lần dân phản kháng và chống đối Thiên Chúa, vì tình liên đới này, Thủ lãnh Môisen đã phải nằm xuống bên ngoài hứa địa. Thủ lãnh hoàn thành xuất sắc chính lời mà bản thân từng thốt lên: “Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”.

ĐẾN CHÚNG TA.

Dù là ai, sống trong cuộc đời, chắc chắn không ít lần nếm trải đau khổ và hạnh phúc. Rất có thể đau khổ triền miên, hạnh phúc lại chỉ như ánh chớp lóe, rồi lịm tắt, để lại lối đi tăm tối mênh mông. Lúc đó đức tin bị thử thách nặng nề.

Hãy nhìn ngắm mẫu gương Thủ lãnh Môisen, nhờ đó, chúng ta thêm nghị lực và ý chí mà sống đời sống đức tin của mình.

Hãy luôn xác tín rằng, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trao ban lòng từ nhân và tình thương yêu vô cùng của Ngài. Dù phải bế tắc tận cùng hay trong ánh sáng chứa chan của hạnh phúc, Chúa vẫn luôn đưa dẫn lịch sử nhân loại đi vào mầu nhiệm cứu độ trọn vẹn và hoàn hảo.

Thánh ý Chúa luôn khôn ngoan. Chúa sẽ chăm sóc, sẽ quan phòng xếp đặt tất cả những gì cần thiết cho cuộc đời chúng ta theo ý Chúa. Hãy nhớ, trước mặt Chúa, ơn phần rỗi của ta mới là điều quan trọng trên hết. Hãy trung thành trong mọi hoàn cảnh để đạt tới ơn cứu rỗi Chúa ban.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy, dù đau khổ tự bản chất là xấu, tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin, trong tương quan với ơn cứu độ, nhất là trong lòng yêu mến và tín thác cho Thiên Chúa, đau khổ vẫn mang lại nhiều giá trị tích cực to lớn.

Đau khổ sẽ tinh luyện tâm hồn chúng ta tinh ròng, giúp chúng ta yêu mến Chúa hơn. Đau khổ cho chúng ta trưởng thành về nhân cách, về sức chịu đựng, về lòng trông cậy nơi Chúa, nếu biết hiến dâng lên Chúa tất cả sự chấp nhận của mình. Đau khổ dạy ta bài học của tình yêu, thông cảm, nhờ đó ta hiểu sâu xa hơn nỗi đau của anh chị em xung quanh…

Hãy hiến dâng Thiên Chúa đức tin của bản thân. Hãy mạnh dạn tin để thấy ơn Chúa kỳ diệu trong từng khoảnh khắc của đời ta. Lời thánh Phaolô căn dặn đáng được chúng ta ghi khắc: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thấn” (Eph 6, 20).

“Mọi tên lửa” mà ta “có thể dập tắt”, là sự nghi nan, là lòng mất bình an, là lời trách móc Thiên Chúa, là bao nhiêu chai lỳ, là tội lỗi, là sự chán nản muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc… Tất cả chỉ nhờ đức tin, và trong đức tin mà ta chiến thắng, và sẽ tồn tại trong ơn cứu độ đời đời mà thôi.

Vậy, đặt đức tin và lòng yêu mến trọn đời mình nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, Con của Ngài, mỗi người hãy cất cao lời xác tín: “Cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÊN HOÀN HẢO - Thứ Bảy Tuần 1 MC A

“Các con hãy nên hoàn hảo, như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo!”.

Lincoln Steffens viết, “Không gì hoàn hảo trên thế giới này! Bức tranh tuyệt vời nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được cất lên. Không gì hoàn hảo, không người nào hoàn hảo trên thế giới này! Thiên Chúa ra lệnh cho con người hoàn thiện mọi sự, và nó làm cách chậm chạp, sai lầm… những gì Ngài có thể hoàn thiện toàn bị trong chớp mắt! Vậy mà nó phải hoàn thành tất cả; ngay cả bản thân nó, nó ‘được gọi để nên hoàn hảo!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con người ‘được gọi để nên hoàn hảo’”, đúng như Steffens nhận định. Đó là ý muốn của Thiên Chúa như hai bài đọc hôm nay cho biết. Môisen kêu gọi dân nên hoàn hảo; cũng vậy, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ, “Hãy nên hoàn hảo, như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo!”.

Qua sách Đệ Nhị Luật, Môisen mời gọi con cái Israel bước đi trong đường lối Chúa, tuân giữ huấn thị của Ngài; ông nói, “Để ngươi trở thành dân thánh của Chúa”. Rõ ràng, Israel được gọi để nên một dân thánh, một dân ‘được gọi để nên hoàn hảo’. Thánh Vịnh đáp ca nói lên niềm vui của dân Chúa, “Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời!”.

Hoàn hảo là ơn gọi của những ai theo Chúa, không hơn không kém! Nếu chỉ nhắm đến mức ‘khá tốt’, bạn có thể thực sự trở thành ‘khá tốt’; nhưng ‘khá tốt’ vẫn ‘chưa đủ tốt’ đối với Chúa Giêsu. Ngài muốn những ai theo Ngài phải thực sự tốt, thực sự hoàn hảo! Đây là một lời mời ở cấp độ cao, ‘được gọi để nên thánh!’. Hoàn hảo có nghĩa là mỗi người cố gắng sống từng phút giây trong ân sủng Chúa. Tất cả chỉ có thế! ‘Ở đây và lúc này’, bạn đắm mình trong ân sủng! Ngày mai chưa đến, và hôm qua đã vĩnh viễn ra đi; tất cả những gì bạn có, là những khoảnh khắc hiện tại duy nhất này, đó là những khoảnh khắc mà mỗi người ‘được gọi để nên hoàn hảo’.

Nói đến hoàn hảo’, chúng ta thường nghĩ đến những gì thuộc về các thánh vĩ đại; thế nhưng, bên cạnh các thánh chúng ta đọc biết đâu đó, hàng ngàn vị thánh khác chưa từng được ghi lại trong lịch sử, và nhiều vị thánh tương lai khác đang sống khắp nơi trên thế giới. Hãy tưởng tượng, ngày kia trên trời, chúng ta vui mừng gặp lại những vị thánh cao cả bạn và tôi từng biết; và bạn sẽ ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy vô vàn khuôn mặt thánh thiện lạ lẫm mà chúng ta mới biết lần đầu. Đó là những thiện nam tín nữ thuộc mọi đấng bậc, đã tìm cho mình con đường hạnh phúc thực sự. Họ là những con người khám phá ra rằng, họ ‘được gọi để nên hoàn hảo’.

Anh Chị em,

“Các con hãy nên hoàn hảo!”. Qua thời gian, chúng ta cảm nghiệm rằng, càng sống từng giây phút trong ân sủng và càng cố gắng đầu phục từng phút giây theo ý muốn của Chúa, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ và thánh thiện. Và dẫu như “bức tranh tuyệt vời nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được cất lên”, nhưng nếu chúng ta biết xây dựng dần dần những thói quen giúp cho mọi khoảnh khắc trở nên dễ dàng hơn cho việc nên thánh; thì theo thời gian, những thói quen được hình thành đó sẽ làm cho mỗi người trở nên những con người mà chúng ta phải trở thành. Và đâu là tiêu chuẩn? Chúa Giêsu tiết lộ, “Như Cha các con trên trời!”. Ngài là thước đo cho mọi cố gắng vươn lên của chúng ta. Không nhìn vào kết quả, Thiên Chúa chỉ nhìn vào nỗ lực của bạn và tôi khi chúng ta vượt lên chính mình từng ngày để nên giống Chúa Giêsu. Và đó là nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘được gọi để nên hoàn hảo’, cho con cam kết sống từng giây phút trong thánh thiện; giúp con sống khoảnh khắc hiện tại ‘ở đây, lúc này’ cho Chúa, với Chúa và trong Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LỘT BỎ THÓI HƯ - Chúa Nhật 2 MC A

Khi đến Thái Lan, du khách thường tìm đến chùa Vàng ở Wat Traimit tại Bangkok để chiêm ngắm bức tượng Phật ở tư thế ngồi cao đến 3 mét, nặng 5 tấn rưỡi !

Theo sử sách thì bức tượng nầy được đúc bằng vàng nguyên khối, vào khoảng từ thế kỷ 13 đến 15. Trong thời chiến tranh nổ ra giữa Thái Lan và Miến Điện, người Thái sợ bức tượng quý báu nầy lọt vào tay người Miến nên đã trát bê tông bao bọc tượng, che giấu khối vàng bên trong nhằm đánh lừa quân địch. Thế là những thế hệ người Thái sau nầy cứ tưởng đây chỉ là bức tượng bê tông tầm thường nên có thời bị đặt vào nơi bất xứng và bị lãng quên.

Vào năm 1955, bức tượng được di dời đến một ngôi đền mới. Trong khi vận chuyển, một số giây thừng ràng quanh tượng bị đứt làm cho tượng ngã lăn xuống đất, lớp bê tông bọc tượng bị nứt ra, cho thấy ánh vàng lấp lánh bên trong. Thế là nhờ sự cố không may nầy, người ta phát hiện ra đây là bức tượng vàng nguyên khối rất đẹp và quý báu đã bị che phủ bằng bê tông suốt hàng trăm năm qua.

Thế là từ đó, bức tượng trước đây bị xem thường, rẻ rúng vì bị bọc bởi một lớp bê tông xấu xí, giờ đây trở nên bức tượng vàng rất đáng quý trọng, được nhiều Phật tử chiêm ngưỡng, ái mộ, được du khách khắp nơi thăm viếng, được xem là quốc bảo của Thái Lan.

 

Trong 33 năm sống ở dương gian, Chúa Giê-su cũng sống trong hoàn cảnh tương tự. Mặc dù Ngài vốn là Thiên Chúa toàn năng uy quyền vinh hiển, nhưng đã hạ mình xuống thế, mặc lấy thân xác người phàm, trở nên người bình dị. Vì thế Ngài bị xem thường.

Thế rồi qua biến cố hiển dung trên núi, vinh quang rạng ngời được ẩn giấu nơi Chúa Giê-su được biểu lộ, nên ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan mới thấy được sự sáng láng vinh hiển của Ngài, mới biết được Ngài là Con chí ái của Thiên Chúa Cha.

 

Hôm nay, Ki-tô hữu chúng ta cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Nhờ lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con Thiên Chúa, thành chi thể của Chúa Giê-su, là đền thờ của Chúa Thánh Thần… có giá trị cao quý hơn bất cứ báu vật nào trên thế gian.

Tuy nhiên, sự cao quý tốt đẹp nầy thường bị bao bọc bởi một “lớp bê tông”, tựa như bức tượng Phật vàng ở Thái Lan, làm cho chúng ta bị mất giá trị trước mặt người đời.

Nơi người nầy, lớp “bê tông” bao bọc có thể là tính kiêu căng, tự phụ, tham lam, ích kỷ… Nơi người khác là lòng ghen ghét, hận thù… Những “lớp bê tông” nầy làm cho người ta trở nên tầm thường, xấu xa, mất giá…

Tiếc thay, nhiều người không muốn phá bỏ “lớp bê tông” xấu xí nầy, cứ để cho nó đeo bám vào người cho đến chết.

Còn chúng ta, hôm nay mỗi người hãy tự hỏi mình: Đến bao giờ tôi mới quyết tâm đục bỏ lớp vỏ xấu xí nầy để nét đẹp của người Ki-tô hữu được tỏ ra?

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xưa kia trên núi cao, Chúa để cho vinh quang của Chúa, vốn bị che phủ bởi thân xác phàm trần, được biểu lộ… để cho ba môn đệ thân tín được thấy chân dung đích thực của Chúa.

Xin Chúa cũng giúp chúng con lột bỏ những thói hư tật xấu đang bao bọc chúng con, để dung mạo người con Thiên Chúa nơi chúng con được tỏ ra trước mặt mọi người. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

TIN MỪNG MAT-THÊU 17, 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

NHỮNG CHỦ QUAN ĐẠO ĐỨC - Thứ Sáu Tuần 1 MC A

“Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, với ‘những chủ quan đạo đức’, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình. Khi điều này xảy ra, tốt trở nên xấu; nhân đức trở thành tệ nạn; công chính trở nên bất chính! Như một giảng viên giáo lý, người đã kể những mẫu chuyện về sự giả hình của giới biệt phái; sau đó, cô ấy nói với các trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không như những người biệt phái!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, với nhận xét “Sự kiêu ngạo rất tinh tế” của Powell, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘những chủ quan đạo đức’. Thú vị hơn, điều này lại xảy ra nơi những kẻ tưởng mình là ‘thánh’, các luật sĩ và biệt phái. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ, nói với môn đệ của Ngài về họ rằng, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các luật sĩ và biệt phái? Không nhiều! Thật đáng nghi! Bởi lẽ, công chính của họ chỉ là thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh thiện. Và điều gì ở bên trong những linh hồn như thế? Ở đó, hẳn rất nhiều tự mãn, tự lừa dối bản thân với ‘những chủ quan đạo đức’. Đó là một thái độ hợm hĩnh khi họ tự cho mình là thánh hơn người! Đọc Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó; thế nhưng, trên thực tế, bạn và tôi cũng rất dễ để trở nên mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, bài đọc thứ nhất hôm nay cho biết, người cùng thời với Êzêkiel cũng vấp phải ‘những chủ quan đạo đức’ khi họ nghĩ rằng, họ chính trực, Chúa thì không! Vì thế, Thiên Chúa phán, “Các ngươi nói, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, ‘Có phải đường lối của Ta không chính trực? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?’”.

Như vậy, xem ra ranh giới giữa ‘chính trực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện và vờ thánh thiện’ khá mong manh! Đó là lý do tại sao tôi phải luôn xét mình với một nhận thức sâu sắc về sự giới hạn và khốn cùng của bản thân. Tôi đang theo đuổi một ‘thánh thiện thực’, hay đang ruổi theo một ‘thánh thiện ảo’ khi chỉ tìm kiếm cái tôi và tô vẽ nó? Nói cách khác, tôi thích ‘giả vờ làm thánh’ hay thích ‘nên thánh thực’ mà không giả vờ? Đừng quên, “Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc”. Vì thế, thái độ đúng đắn của bạn và tôi là xin Ngài xót thương. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Anh Chị em,

“Nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa khiêm tốn nhìn nhận phận mình; mùa tháo cởi và ném xa ‘những chủ quan đạo đức’. Cốt lõi của sự thánh thiện thực nơi một con người là chính trực bên trong lẫn bên ngoài. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng Toàn Thánh, hiền lành và khiêm nhượng, cũng là Đấng từng nói, “Nào ai bắt tôi được lỗi gì!”. Vì rằng, như nước với dầu, kiêu ngạo xa lạ với thánh thiện, không bao giờ hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa Giêsu không thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu căng! Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu hãnh! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứu con khỏi những huyễn danh phù phiếm; giúp con cởi bỏ và liệng xa ‘những chủ quan đạo đức’, hầu con có thể yêu thương đón nhận anh chị em con. Lạy Chúa, xin thương xót con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories