3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Xin Ơn Chúa giúp để chống trả Tên Cám Dỗ

Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay Thánh. Phúc âm trình bày cho chúng ta một cuộc chiến đấu làm theo ý Chúa Cha hay là theo ý của Satan. Quả thật, trước khi sứ vụ cứu thế khai mào, Chúa Giêsu đã vào hoang địa, ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và ở đó chịu Satan cám dỗ.

Satan lợi dụng thời gian này để tấn công và cám dỗ Chúa đi khác đường lối của Chúa Cha, đây cũng là cám dỗ bất tuân giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam. Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn làm chủ. Vì là con người, Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mt 4,1-11).

Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta phải ý thức rằng, những quỉ kế mà ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay.

Satan là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Có người không tin có Satan, họ cho rằng, Satan là một sản phẩm do trí tưởng tượng của con người hoặc là sự dữ trừu tượng pha trộn trong con người và thế giới. Không! 

Kinh thánh nói nhiều lần về Satan như một hữu thể cụ thể và có thực. Hắn là một thiên thần sa ngã. Chúa Giêsu khẳng định khi nói : “Hắn là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá” (Ga 8,44). Thánh Phêrô ví ma quỉ như con sử tử gầm thét : “Đối thủ của anh em là ma quỉ như sư tử rống, nó lượn rình tìm sao nuốt được một ai” (1Pr 5,8). Và Chân phước Phaolô VI, Giáo hoàng dạy chúng ta : “Ma quỉ là kẻ thù số một, nó cám dỗ rất tinh vi. Chúng ta biết rằng nhân vật tối tăm và phá rối này thực sự tồn tại và tiếp tục hành động“.

Nó làm thế nào? Thưa, nó nói dối, lừa dối chúng ta. Baudelaire viết : “Chiến thắng lớn nhất của ma quỉ là làm cho chúng ta tin rằng ma quỉ không hiện hữu“. Nó nói dối chúng ta thế nào?

Hắn trình bày hành động xấu như thể là tốt, hắn thúc giục chúng ta làm điều xấu, hắn gợi lên những lý do để biện minh cho tội lỗi của chúng ta. Sau khi lừa dối chúng ta rồi, hắn làm cho chúng ta lo lắng và buồn bã. Hỏi chúng ta có bao giờ cảm thấy điều đó không?

Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và đã vâng phục cho đến chết ; sự bất tuân ấy được diễn tả như thế nào ? Nội dung của sự cám dỗ ấy là gì ? 

Chúa Giêsu là con người hoàn toàn như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, nên những thử thách mà Người phải đương đầu, những cám dỗ Người phải chịu, cũng là những thử thách, những cám dỗ của nhân loại hôm nay. Cám dỗ ấy là cám dỗ về vật chất tư lợi, uy quyền danh vọng, và về hưởng thụ thỏa mãn các đam mê trần tục.

Của cải vật chất là một cám dỗ lớn, mãnh liệt, không trừ một ai, từ em bé mới có trí khôn cho đến người già sắp lìa cõi thế, từ người buôn bán giữa chợ cho đến vị bậc vị vọng ở nơi nhà thờ. Tự bản chất, vật cất không xấu ; xã hội phải làm ra của cải thì mới tồn tại và phát triển được; con người phải có điều kiện vật chất tối thiểu mới có thể sống. Nhưng tiền là một người đầy tớ tốt, và là một ông chủ xấu. Biết sử dùng và làm chủ của cải, chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả những việc ích Nước lợi Dân. Trái lại, khi nô lệ của cải, để của cải làm chủ, nó sẽ hủy hoại tất cả những giá trị đạo đức, từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, cho mẹ con cái, cho đến những giá trì về công bằng xã hội, về đạo đức và tôn giáo.

Danh vọng là một cám dỗ cũng mạnh không kém. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng lẫn lộn danh dự với danh vọng. Thực ra danh dự thì ai cũng cần ; có danh dự thì mới có thể sống vui, sống xứng đáng là con người. Mất hết danh dự, con người nhiều khi không còn thiết sống nữa. Nhưng danh vọng thì khác ; danh vọng thường phát xuất từ một địa vị cao, hoặc một đời sống giầu có, hoặc từ sự thành công được nhiều người biết đến và khen ngợi. Người ham mê danh vọng là người thích được người khác vỗ tay đề cao, thích được nổi bật giữa đám đông. Có người ham mê danh vọng đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh cả những giá trị đạo đức, chạy theo danh vọng nhiều khi là thả mồi bắt bóng và dẫn tới những sụp đổ bi đát nhất.

Cám dỗ thứ ba là quyền lực. Ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Thường khi đã có tiền và danh vọng, điều mà người ta ao ước là có quyền trên những người khác, điều khiển người khác. Các tranh chấp về quyền hành làm nảy sinh những biến động xã hội rất tai hại, có khi còn phát sinh giặc giã chiến tranh và gieo rắc đau khổ tan tóc trên nhiều người. Có những người đang nắm quyền cố gắng giữ chặt quyền bính bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn bất chính và phi nhân.

Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan ; nên Người được các thánh Giáo phụ gọi là Ađam mới, sinh ra một nhân loại mới, sống bằng sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ mình là con người mới được tái sinh nhờ Phép rửa, được kêu mời sống ơn gọi đó. 

Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đập vỡ đầu con rắn độc ác, giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ mỗi ngày và sống Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen. 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

SỨC MẠNH ĐỂ CHIẾN THẮNG NHỮNG CÁM DỖ

Theo các sách Tin Mừng, việc Chúa Giêsu bị cám dỗ ngay trước khởi đầu cuộc đời công khai của Ngài cho thấy một cách rất rõ ràng sẽ có sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của con người, vốn lâu nay nằm dưới ách thống trị của Thần dữ. Ngài mang đến cho nhân loại sự giải thoát qua công trình cứu chuộc của Ngài. Chúa Kitô, Thủ lãnh mới của nhân loại, đã bắt đầu cuộc giải thoát đó và sẽ chiến thắng quyền lực của Satan hoành hành nơi Ađam sa ngã. Vào giờ khổ nạn của Ngài, “hoàng tử của thế gian này” sẽ bị loại bỏ. Tin Mừng nói về cuộc cám dỗ báo trước sự chiến thắng của Đức Kitô.

Khi chọn lựa đoạn Tin Mừng này để bắt đầu Mùa Chay, Giáo hội tuyên bố rằng chiến thắng của Chúa Kitô cũng sẽ là chiến thắng của chúng ta. Chính cơn cám dỗ của Satan với Chúa Kitô, cuộc chiến đấu của Chúa Kitô, và chiến thắng của Chúa Kitô được kéo dài nơi chúng ta cũng như nơi mọi người mọi sự chung quanh chúng ta; cố gắng của chúng ta là nhờ Ngài và sức mạnh của chúng ta cũng đến từ Ngài; Ngài sẽ là chiến thắng của chúng ta trong lễ Phục sinh và nhất là trong ngày Cánh chung, ngày mà Thiên Chúa chiến thắng trong mọi sự.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Sáng Thế 2:7-9; 3:1-7 nói về sự sáng tạo và sự sa ngã của con người. Có một sự tương phản nổi bật giữa Tổ Tiên của chúng ta trong Vườn Địa Đàng: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (Stk 3: 6) và Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4: 10). Chính tội lỗi của Tổ Tiên chúng ta đã khiến Chúa Giêsu đến để phục hồi mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. “Ôi tội hồng phúc!” (O felix culpa!) như phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh nói về tội lỗi đầu tiên đó. Sự yếu đuối của Tổ Tiên chúng ta đã dẫn đến sự xuất hiện của Chúa Giêsu và tất cả những gì có ý nghĩa mà Ngài đem lại cho cuộc sống của chúng ta. Ngay cả đằng sau những biến cố tội lỗi đau thương khiến con người lạc lối thì trên thực tế tình yêu của Thiên Chúa vẫn tràn đầy, vẫn tìm kiếm đưa họ về trong yêu thương: “Thế mà Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 8) vì “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).

Trong bài đọc thứ hai là thư gửi tín hữu Rôma 5:12-19, Thánh Phaolô nói về một số hiệu quả lớn lao của ơn cứu độ do Chúa Kitô mang đến cho nhân loại: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội… Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Mt 5: 12-5). Thánh Phaolô nhấn mạnh sự kiện rằng Chúa Kitô, qua cái chết của Ngài, không chỉ chiến thắng tội lỗi mà còn tuôn đổ ân sủng thiêng liêng cách dồi dào và dư đầy trên nhân loại, khiến họ trở thành anh em của Ngài và nhờ đó họ trở nên con cái Thiên Chúa, đến nỗi không gì có thể so sánh được giữa thế giới được cứu độ nhờ cái chết của Chúa Kitô và thế gian tội lỗi chiếm ưu thế cho đến lúc đó. Thánh Phaolô so sánh Đấng Cứu Thế với Ađam của câu chuyện Sáng Thế: “Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật, còn Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1Cor 15: 45). Điều mà thánh Phaolô muốn đưa ra là sự vĩ đại vô song của Đấng Cứu Độ và những phúc lành mà Ngài mang lại cho nhân loại – được đem ra so sánh với con người đầu tiên sa ngã: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Mt 5: 17).

Tin Mừng trích từ Thánh Mátthêu 4:1-11 trình bầy biến cố đầu tiên chuẩn bị sứ mạng công khai của Chúa Giêsu: bốn mươi ngày đêm chay tịnh, sau đó là những cám dỗ. Trình thuật này đã được chọn làm bài đọc trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay để soi sáng chúng ta.

Những cơn cám dỗ mà Chúa Kitô đã để cho mình gánh chịu, đối với chúng ta là nguồn khích lệ và an ủi. Nếu Chúa Kitô là Chúa và là chủ của chúng ta bị cám dỗ, thì chúng ta không thể và không được mong đợi sống một đời sống Kitô hữu mà không trải qua những thử thách tương tự. Ba cám dỗ mà Satan đặt ra cho Chúa Kitô là những đề xuất khiến Ngài quên đi mục đích sống của mình – sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. Ngài bị thúc đẩy có được tất cả những tiện nghi trong cuộc sống, tất cả vinh quang mà con người có thể mang lại cho Ngài, tất cả của cải và quyền lực mà thế giới này mang lại. Các cơn cám dỗ đó cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về kinh nghiệm con người mà Chúa Giêsu đang trải qua. Ngài là Đấng, trong mầu nhiệm Nhập Thể, đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta cùng những cuộc chiến đấu – ngay cả những cám dỗ của chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15). Khi đưa ra định hướng và ý nghĩa cho cuộc sống của mình, chúng ta cũng bị cám dỗ tìm kiếm sự an toàn nơi những ngẫu tượng giả trá (Cl 3:5): lạc thú và của cải, quyền lực, địa vị và danh vọng. Những cám dỗ của Đấng Cứu Độ cũng liên quan đến những thứ giả trá này. Dù đói nhưng Ngài vẫn từ chối thức ăn lôi cuốn, Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra sự hão huyền về niềm vui và của cải, đồng thời tìm thấy sự an toàn của mình trong chân lý và đức tin vào Ngài. Khi quay lưng lại với chiến thắng kiểu trần thế mà nhiều người Israel đương thời gắn liền với sự xuất hiện của đấng Mêsia, Ngài mời gọi chúng ta nhận ra rằng việc thi hành quyền lực một cách ích kỷ đối với người khác chỉ dẫn đến cay đắng. Khi quyết không từ bỏ sứ mệnh thực hiện đường lối của Cha mình, không để mình bị lôi kéo tham gia vào chính trị của “các vương quốc trần gian”, Ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến hòa bình thực sự mà các dân tộc khao khát.

Những cám dỗ cơ bản của chúng ta trong cuộc sống đều giống như thế: những tiện nghi và thú vui thể xác, sự nể trọng giả tạo bề ngoài từ người khác, của cải và quyền lực. Có hàng triệu đàn ông và phụ nữ trên trái đất ngày nay – nhiều người trong số họ chỉ là những Kitô hữu trên danh nghĩa – đã đầu hàng trước những cám dỗ này và đang lãng phí cuộc đời của họ để theo đuổi những cái bóng không thể đạt được này. Nhưng ngay cả khi họ tìm cách có được một số cái bóng đó, họ sẽ sớm nhận ra rằng chúng chỉ là những món đồ trang sức hào nhoáng chóng qua. Họ sẽ phải rời xa chúng rất sớm.

Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn vào lòng mình và thành thật xem xét phản ứng của mình trước những cám dỗ này. Chúng ta có bắt chước Đấng Cứu Độ và vị lãnh đạo của chúng ta và nói “Hãy xéo đi Satan” (Mt 4: 10) không? Mục đích của chúng ta trong cuộc sống không phải là thu thập kho báu, danh dự hay thú vui của trần thế. Chúng ta chỉ ở đây trong một thời gian ngắn ngủi. Để xứng đáng với cuộc sống bất tận mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta, liệu chúng ta có dại dột đánh đổi gia sản thừa kế của mình để lấy một mớ hỗn độn giống như Êsau bán quyền trưởng nam cho Giacóp chỉ vì một bát cháo đậu không: “Êsau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Giacóp. Bấy giờ Giacóp cho Êsau bánh và cháo đậu. Êsau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Êsau đã coi thường quyền trưởng nam” (Stk 25:29-34)?

Chúa Giêsu bị cám dỗ và Ngài đối phó thê nào với Satan? Hôm nay, sau khi đi lễ về, bạn hãy trao đổi điều này với người thân trong gia đình của bạn, nhấn mạnh rằng bản thân sự cám dỗ không phải là một tội lỗi, nhưng chúng ta phải bám vào Lời Chúa để chống lại nó, như Chúa Kitô đã làm. Mùa Chay là một cơ hội vàng để nhìn lại quá khứ của chúng ta và đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai vĩnh cửu của chúng ta, vì như lời thánh Phaolô nói: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5: 17).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

CẦN CẢ NHỮNG BẤT LỰC - Thứ Bảy Sau Lễ Tro

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”.

Một thiếu nữ được bác sĩ cho biết, “Cô không bao giờ có thể thoát khỏi ngục tù đau đớn tật nguyền của mình!”. “Ồ, không!”, cô trả lời, “Còn rất nhiều cách để sống trong những giới hạn, nếu tôi không mệt mỏi chiến đấu với chúng!”. Thiếu nữ đó là Helen Keller, một nhà văn vừa mù, vừa điếc, người đã viết, “Hãy đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng! Thiên Chúa không chỉ cần những tài năng bạn dâng hiến; Ngài ‘cần cả những bất lực’ của bạn nữa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài ‘cần cả những bất lực’ của bạn nữa!”. Đồng quan điểm với nữ văn sĩ mù loà tài hoa, Tin Mừng hôm nay tiết lộ một quan điểm mới mẻ ‘không thể tin được’ về ơn cứu độ! Tại nhà Matthêu, Chúa Giêsu tự nhận là một thầy thuốc; nhưng thầy thuốc sẽ làm gì nếu không có bệnh nhân? Ông sẽ phá sản! Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cần bệnh nhân! Thầy thuốc Giêsu ‘cần cả những bất lực’ của bạn nữa!”.

Giêsu, Cứu Chúa của thế giới. Nhưng nếu thế giới không có tội nhân thì sao? Cái chết của Con Thiên Chúa sẽ lãng xẹt và lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô tích sự! Như vậy, theo một nghĩa nào đó, với tư cách Đấng Cứu Độ, Chúa Giêsu cần những tội nhân. Ngài cần những người chống lại Thiên Chúa, vi phạm lề luật, vi phạm phẩm giá họ, vi phạm phẩm giá người khác. Tắt một lời, Ngài cần các tội nhân! Thật sao? Bởi Ngài là Đấng Cứu Rỗi vốn cần phải cứu, một Đấng cần những ai ‘cần được cứu’ để cứu; ‘cần cả những bất lực’ của con người!

Thật quan trọng để bạn và tôi hiểu được sự thật này; để từ đó, chúng ta sẽ bất chợt nhận ra rằng, việc tội nhân đến với Chúa Giêsu đem theo bao ô uế của tội lỗi nơi họ sẽ là cơ hội cho Trái Tim Rất Thánh của Ngài thi thố lòng thương xót. Nó mang cho Ngài một niềm vui tròn đầy; vì qua đó, Ngài hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha trao, với tư cách là Đấng Cứu Rỗi duy nhất.

Đồng bàn với Matthêu thu thuế, đại diện cho mọi tội nhân, Chúa Giêsu chịu tiếng mang lời; Ngài phản ứng, “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Tuyệt vời! Đó là một tuyên bố dành cho một nhân loại tổn thương đang cần cứu, một nhân loại tả tơi mà Ngài đang cần để Thiên Chúa có thể cứu nó. Ngài không loại trừ ai, Ngài cần mọi tội nhân! Ngài muốn tiếp cận mọi người, tha thứ cho mọi người. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa!”, đường lối ‘tìm kiếm để tha thứ!’.

Đường lối Chúa là thế, khác với đường lối của con người, vốn “đầy cử chỉ đe doạ và lời nói hại người”, bài đọc Isaia cho biết. Với Chúa, khi ai đó phạm tội nhiều hơn, Ngài cần người đó nhiều hơn! Ngài nỗ lực để tiếp cận họ, ban cho họ ân sủng và tha thứ. Qua đó, Ngài dạy chúng ta nhẫn nại, yêu thương, xây những nhịp cầu, thay vì những bức tường bất cứ khi nào có cơ hội.

Anh Chị em,

“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Thiên Chúa cần chúng ta, các tội nhân! Nhưng Ngài cần chúng ta “biết cách để sống trong những giới hạn”; “không mệt mỏi chiến đấu với chúng”. Ngài cần chúng ta biết “đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng”; và nhất là đem ‘cả những bất lực’ của mình đến cho Ngài. Phải, Ngài đang chờ đợi từng người. Chúng ta là niềm vui của Chúa Giêsu, là đối tượng sứ vụ của Ngài. Hãy đến với Ngài trong tình trạng tổn thương và tội lỗi; hãy đến với Ngài theo cách này, và cho phép Ngài biểu lộ lòng thương xót của trái tim rất thánh của Ngài! Chúa Giêsu “cần” chúng ta, hãy làm cho niềm vui của Ngài tròn đầy! Đó là quà tặng bạn và tôi mang đến cho Ngài. Bạn có tin điều đó không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, con cần Chúa; con không biết, Chúa “cần” con, ‘cần cả những bất lực’ của con! Cho con biết làm cho niềm vui của Chúa nên trọn khi con thật lòng trở về!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MÙA CHAY TÂN ƯỚC – LỜI CHÚA

Thưa quý vị và các bạn, Mùa Chay là Mùa Thống Hối, hay như người ta thướng nói là “Mùa Hồng Phúc”, Là “dịp thuận tiện” để hoán cải, trở về với LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa.

Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, chứ không phải từ Chúa Nhật Thứ  I Mùa Chay.

Chay có nghĩa là “tịnh”, tịnh có nghĩa là ”không”. Tiếng anh gọi là “Lent” , lent có nghĩa là thấu kính, ống nhòm , nhìn xa trông rộng. Một sự thấu suốt từ viễn cảnh, như vậy theo đó từ ý nghĩa từ ngữ, chúng ta có thể hiểu được Lời của Chúa Giê-su trong Tin Mừng ( Mt 6, 4b)”… Đấng thấu suốt”.

Vâng, và như thế Mùa Chay là “Mùa Hồi Tâm”, “Mùa hoán cải”, “Mùa Trở Về”, và “ Mùa Hồng Phúc”, “ Mùa giao hòa”, “ Mùa Thuận Tiện”, nói dễ hiểu là “dịp tốt”.

Như vậy, Mùa Chay không phải “nhịn ăn”, hay “bớt ăn”, hay” không ăn thịt, cá”, những thứ nầy gọi là hình thức chay, hay phương tiện chay, không phải mục đích chay.

Vậy , Mùa Chay là Mùa nhìn lại cách sâu sắc, tìm về cội nguồn đúng bản chất của “TÌNH YÊU” nơi Thiên Chúa, là ĐẤNG THẤU SUỐT mọi tâm can. Đó là điều Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta.

Như vậy, Mùa Chay Tân Ứơc là LỜI CHÚA. Lời Chúa khởi đi từ Sáng Thế Bài Đọc thứ nhất (St 2, 7 -9; 3, 1-7) . Như vậy, rõ ràng Sáng Thế Đọan 3, 1- 7 cho chúng ta biết “điều thiện , ác”, gọi là ”Cây Trái Cấm”. Tức sự ,“THẤU SUỐT”, qua lời dụ khị của satan, linh vật mà Thiên Chúa dựng nên , muốn biết điều” thấu suốt”, nghe theo satan, là đứa phản nghịch đã bất tuân, tức không “vâng lời” Thiên Chúa nữa.

Thật ra, “câyThiện, Ác” tức “Trái Cấm”, cũng không phải là “cây mầu nhiệm” gì, mà là chính LỜI CHÚA đặt ra để làm ranh giới, tức “ thử thách” loài thụ tạo. Vì, LỜI Chúa là Mầu Nhiệm rồi, đối với Thiên Chúa không có mầu nhiệm gì ngoài LỜI của Ngài.

Như vậy, đối với Thiên Chúa là LỜI của Thiên Chúa, và đối với thụ tạo là VÂNG LỜI. Vì vậy, LỜI CHÚA bắt đầu từ Khởi Nguyên, và Đức GIÊ-SU – KI-TÔ là KHỞI NGUYÊN và CÙNG TẬN, nghĩa là ALPHA và ÔMÊGA. (tiếng Hylap, tượng trưng chữ cái đầu và cuối).

Chính Chúa Giê-su, Đấng mạc khải những bí ẩn cho thế nhân, cũng dùng chính LỜI CHÚA để chiến thắng cám dỗ. Ba lần chịu cám dỗ, Người đã dùng LỜI CHÚA để đối đáp. Rõ ràng,”… Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”. Theo đó, ăn chay là phương thức cần thiết để đạt đích đến là chính Chúa.

Từ đó, vợ chồng là hôn nhân Công giáo phải vâng lời nhau, con cái, cha mẹ , anh chị em phải nghe lời nhau trong tình yêu thương và sự công chính. Như thế kiến tạo một gia đình công chính, một xã hội an bình, một thế giới an lạc mọi người đều ấm no hạnh phúc trong tình thương của Thiên Chúa.

Hội Thánh là một đại gia đình, dòng tu là những gia đình Đức Tin, nơi đó, Đức vâng lời được thực thi, được tuân thủ, tạo thành một “CÂY TRƯỜNG SINH “, vượt qua “CÂY THIỆN, ÁC”, đó là ranh giới bất tuân, mà vững bền muôn thuở, vâng, đó là ”CÂY THÁNH GIÁ”, nơi có “TRÁI TRƯỜNG SINH DUY NHẤT” là ĐỨC GIÊ-SU –KI-TÔ, NGÔI LỜI VĨNH CỬU của Thiên Chúa, đồng thời là :” TRÁI VÂNG LỜI”, “TRÁI TUÂN PHỤC”, “TRÁI LỜI CHÚA”, chứ không phải Trái Cấm , là cây thiên ,ác xưa.

Như vậy, rõ ràng, LỜI CHÚA, là NGÔI LỜI VĨNH CỬU  của Thiên Chúa, ranh giới thiện, ác là luật công bằng, nhân quả, trắng , đen, gieo và gặt, được chính NGÔI LỜI của Thiên Chúa, là Đấng sẽ tách dê ra khỏi chiên, là ĐẤNG có quyền phán xét công minh thiện và ác, là ĐẤNG THẤU SUỐT mọi bí ẩn sẽ xét xử công minh trên ngai tòa THÁNH GIÁ.

Theo đó, SỰ THẤU SUỐT , mà chính Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta, đó là sự công thẳng bởi Thiên Chúa. Vậy, THÁNH GÍA là Cây, TRƯỜNG SINH, Cây CỨU ĐỘ , vượt trên Cây Thiên ÁC, mà tổ tông đã phạm.

Như vậy, Ba phương thế để thấu suốt tình thương của Thiên Chúa là : CẦU NGUYỆN – BÁC ÁI – CHAY TỊNH. Hầu lướt thắng Ba cơn cám dỗ của satn là  : LƯƠNG THỰC – KIÊU NGẠO – CỦA CẢI.

Từ đó, chúng ta hiểu được tính chất của Mùa Chay, nếu chúng ta muốn BƯỚC THEO Chúa Giê-su, Thầy Chí Thánh của chúng ta.

Trang lịch của ngân hàng Sacombank ngày 23/02/2023 có in dòng chữ :” Công danh, tiền tài, danh vọng chỉ là hư ảo. Chỉ có tình yêu là thật” (tg là KHUYẾT DANH) . Như vậy, xã hội ngày nay cũng nhận ra danh lợi thế gian là hư vô.

Từ đó, chúng ta thấy, LỜI CHÚA đúng là CÂY TRƯỜNG SINH, VĨNH CỬU, là do bởi LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa dành cho thụ tạo có sinh linh.

Nên chi , chúng ta muốn thấu suốt , chúng ta hãy:

 -    CẦU NGUYỆN , vì Thiên Chúa là ĐẤNG THẤU SUỐT. ( thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự)

 -    BÁC ÁI , vì Thiên Chúa là ĐẤNG THẤU SUỐT. ( thương người chớ ganh ghét)

  -   ĂN CHAY , vì Thiên Chúa là ĐẤNG THẤU SUỐT. ( kiêng bớt chớ mê ăn uống)

Từ đó, khi cơn  cám dỗ đến, chúng ta sẽ dùng LỜI CHÚA như Chúa Giê-su dạy:

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi LỜI do miệng Thiên Chúa phán ra”.(Mt 4, 4)

“ Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.( Mt 4, 7)

“Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ thờ lạy một mình Người mà thôi” .( Mt, 4, 10)

Vì, “ LƯƠNG THỰC CỦA TA LÀ LÀM THEO Ý ĐẤNG ĐÃ SAI TA.”

Vì, “Thiên Chúa nhân từ với kẻ khiêm nhường và thương xót với kẻ sám hối, ăn năn”.

Vì,  thế MÙA CHAY là Mùa sám hối chân thành, ĂN CHAY là phương thế sám hối.

Muốn thực hành CHAY có ý nghĩa thì phải CẦU NGUYỆN và BÁC ÁI. (dễ không? Dễ lắm)

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dùng 40 ngày chay tinh để để chiến thắng satan trong hoang địa. Xin cho chúng con biết bước theo Chúa mà giữ chay tịnh thân xác và linh hồn, hầu tránh mọi dịp tội, để thanh luyện hồn xác chúng con.

Xin cho mùa chay nầy  giúp chúng con thiết thực hơn nhờ vào LỜI CHÚA. Chúng con cầu xin , nhờ Đức GIÊ-SU – KI-TÔ, Chúa chúng con ./. Amen

CN I MÙA CHAY 2023

P.Trần Đình Phan Tiến

 

 

 

 

 

 

THỨ BẢY 25/02/23 – SAU LỄ TRO

Lc 5,27-32

NIỀM VUI TỪ BỎ MỌI SỰ

Đức Giê-su bảo ông Lê-vi: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy theo Người. (Lc 5,27-28)

Suy niệm: “Niềm vui lớn nhất cuộc đời là làm những gì người ta bảo là bạn không thể làm được” (W. Gagebot). Không ai dám nghĩ ông Lê-vi, kẻ bị coi là tội lỗi công khai, vào một ngày đẹp trời sẽ bỏ đống tiền lại ở bàn thu thuế và hoán cải đổi đời! Thế nhưng, chỉ cần ánh mắt và tiếng gọi của Đức Giê-su, ông đã làm được điều không tưởng: bỏ cái nghề bất chính hái ra tiền để đi theo Ngài. Kỳ lạ một điều là bỏ nhưng vui! Vui đến độ sau đó ông mở tiệc lớn đãi Đức Giê-su và cũng để mừng sự kiện ông dám bỏ mọi sự đi theo Ngài. Qua bữa tiệc này, ông cũng muốn giới thiệu các đồng nghiệp bất chính của mình với Đức Giê-su, để họ sẽ nhận được niềm vui đổi đời từ cuộc gặp gỡ này như mình.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian thanh luyện tâm hồn bằng cách từ bỏ tất cả những gì đang kéo ghì, dán chặt bạn vào vòng xoay của một cuộc đời đi ngược với quỹ đạo yêu thương của Chúa. Chẳng hạn: lối sống đua đòi theo bạn bè xấu, cuộc sống tiêu cực cầu an hoặc hưởng thụ ích kỷ, thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm việc đến nỗi chểnh mảng bổn phận với gia đình… Bạn thấy mình phải từ bỏ điều gì trong mùa Chay này?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ dành vài phút xét xem: lâu nay mình đang bị cuốn hút vào vòng xoáy hay “lỗ đen” của thói hư tật xấu nào, rồi hứa với Chúa sẽ cố gắng từ bỏ trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ánh mắt nhân lành và tiếng gọi lôi cuốn của Chúa đã giúp Lê-vi từ bỏ cái nghề tội lỗi để bước theo Chúa. Xin cho chúng con, trong mùa Chay này, cũng nhạy bén nhận ra ánh mắt và lời mời gọi của Chúa và quảng đại đáp lại. Amen.

Subcategories