3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

TIẾC NUỐI THUỞ LANG THANG - Thứ Ba Tuần 4 MC A

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra!”.

Samuel Baker kể về một trung đoàn chết khát trên sa mạc. Nhìn xa xa, họ nghĩ, họ thấy nước; nhưng người dẫn đường Ả Rập cảnh báo, đó chỉ là ‘nước của ảo ảnh!’. Họ cãi cọ, người dẫn đường bị giết! Trung đoàn lao về phía trước; dặm này đến dặm khác. Ảo ảnh dẫn đoàn quân lang thang sâu hơn. Quá muộn, họ nhận ra sự thật! Họ đã chết khi theo đuổi một điều viển vông!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói về ‘nước của ảo ảnh’, nhưng về một dòng nước thật, nước làm cho sống! Êzêkiel nói đến dòng nước bên phải đền thờ chảy ra. Tin Mừng nói đến Chúa Giêsu như dòng nước ban sự sống; Ngài chữa lành một người một người bại liệt. Anh này nằm bên hồ những 38 năm! “38 năm”, khoảng thời gian Israel lang thang trong sa mạc. Cũng thế, người này hầu như đã ‘lang thang trong sa mạc’ đời mình; và xem ra, anh ‘tiếc nuối thuở lang thang!’.

‘Lang thang!’, một hành động mang tính biểu tượng rất rõ qua con người này; đúng hơn, sự tê liệt về thể chất của anh ta. Đó chính là hình ảnh hậu quả của tội lỗi trong cuộc sống chúng ta! Khi phạm tội, chúng ta làm cho mình “tê liệt”, chúng ta ‘lang thang trong sa mạc’ của mình. Tội lỗi có những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống và hậu quả rõ ràng nhất là chúng ta không thể đứng dậy và bước đi đúng hướng. Đặc biệt, tội trọng, nó khiến chúng ta bất lực trong việc yêu thương và sống trong tự do đích thực. Nó khiến chúng ta mắc kẹt và không thể quan tâm đến đời sống tinh thần của chính mình hoặc cuộc sống người khác theo bất kỳ cách nào.

Chúa Giêsu đã tự nguyện đến với người đàn ông này; Ngài bước vào sự cô lập của anh dù không được mời! Ngài nhìn thấy anh, biết hoàn cảnh của anh, đến gặp và trực tiếp nói với anh. Thoạt tiên, Ngài hỏi, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Anh không trả lời, “Có” hay “Không” nhưng anh phàn nàn, “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động”. Ôi! Anh mắc bệnh bi quan; anh phát ốm vì buồn; anh mắc bệnh lười! Đây là căn bệnh của anh, “Đúng, tôi muốn lành, nhưng...”, và anh đợi ở đó. Thế mà mấu chốt là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; dẫu xem ra, anh không cần chữa lành. Phải chăng anh vẫn ‘tiếc nuối thuở lang thang?’.

Thật tuyệt vời! Chúa Giêsu đã chữa lành con người bi quan tuyệt vọng này mà không cần dìm anh xuống hồ Bêthesda. Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót”, hoặc “Ngôi nhà của ân sủng” theo tiếng Do Thái. Đúng thế, người đàn ông này đang cần lòng thương xót và ân sủng cả khi anh không ý thức. Và Chúa Giêsu không phải là ‘nước của ảo ảnh’ nhưng là nguồn mạch ân sủng và xót thương đã phục hồi anh! Thánh Augustinô nói, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”.

Anh Chị em,

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra!”. Giêsu, không phải là ‘nước của ảo ảnh’, Ngài là đài phun chữa lành; nước làm cho sống! Giêsu là đền thờ mới mà Êzêkiel đã nhìn thấy trước dòng suối tuyệt vời tuôn ra từ phía bên phải của nó. Nơi nào nước này chảy qua, đều được an lành và sự sống. Đỉnh của đền thờ là Canvê, nơi nước ngọt ngào của phép Rửa chảy ra từ cạnh sườn Đấng Kitô. Và ngày nay, nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy, nuôi sống, rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta. Nước Giêsu đem lại hạnh phúc viên mãn ngay trong sa mạc trần gian khô khốc này, Ngài đang nói với bạn và tôi, thôi đừng ‘tiếc nuối thuở lang thang!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con bất lực, ù lì; con ‘tiếc nuối thuở lang thang’, con chạy theo ‘nước của ảo ảnh’ trong sa mạc đời mình. Xin giải thoát con, dìm con vào Chúa mà đừng thèm hỏi con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Hãy để đôi mắt được thắp sáng - Chúa Nhật 4 MC A

Người được Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt trong Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay là “người mù từ thuở mới sinh”. Thái độ của anh đối diện với Chúa, với dấu lạ Chúa ban cho anh có nhiều biến đổi:

1. Khởi đầu, khi bị điều tra, anh nói về Chúa quá mơ hồ: “Người có tên là Giêsu trộn một chút bùn và xức vào mắt tôi” (Ga 9, 11). Anh chưa có thể nói thêm bất cứ kinh nghiệm hay cảm nghiệm nào của chính anh về Chúa.

2. Về sau, càng lúc anh càng thấm thía ân huệ mà mình đã nhận được, nhất là khi so sánh thái độ đố kỵ, hung hăng của những người có trách nhiệm khi đối diện với sự thật anh được chữa lành, cõi tâm hồn anh càng lúc càng biến đổi, càng lúc càng nhận ra Chúa. Anh khẳng khái nói về Chúa Giêsu: “Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9, 17).

Anh dám phản biện những lời kết án Chúa Giêsu là người tội lỗi: “Ông ấy có phải là người tội lỗi không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được” (Ga 9, 25).

Khi bị tra khảo dồn dập, người từng bị mù còn dám trêu những kẻ đang đe dọa mình: “Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” (Ga 9, 27).

Càng lúc thái độ của anh càng mạnh mẽ. Anh cho thấy đức tin của mình vào Chúa Giêsu thật lớn, thật can đảm. Anh tuyên bố trước mặt những kẻ nắm quyền hành trong thế gian: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9, 31-33).

Hóa ra trước dấu lạ của Chúa, người mù không chỉ đã được sáng đôi mắt. Anh còn sáng cả tâm hồn, sáng cả một đức tin thật kiên cường.

Còn những kẻ chưa bao giờ mù đôi mắt, những kẻ cứ tưởng mình thật sáng suốt vì nắm giữ truyền thống tôn giáo lại là kẻ đui mù. Nguy hiểm và thật đáng sợ vì đây là sự đui mù về tâm linh, về nhận thức chân lý, về sự sống của đức tin.

1. Hành trình đức tin của người mù được chữa lành là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của từng người. Chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong hành trình sống của mình.

Nhất là những lúc đối diện với nguy nan, thử thách, đối diện với những ai tấn công đức tin của mình, chúng ta càng phải mang trong tâm tư một tư thế của người hãnh diện về đức tin, một tư thế của người luôn xác tín: Chỉ một mình đức tin vào Chúa Giêsu mới là tất cả.

2. Cả thái độ ngạo mạn, kiêu căng của những người bị mù tối tâm hồn cũng thành bài học kinh nghiệm cho chúng ta.

Hãy nhìn vào đó để luôn khiêm nhường nhận ra Chúa, thờ lạy Chúa trong bất cứ những điều tốt đẹp nào, nếu nó mang lại giá trị thiêng liêng cho linh hồn.

Hãy loại khỏi trái tim những đố kỵ, thù hằn, ganh tỵ, ganh ghét, để con mắt tâm hồn được sáng mà nhận ra những huyền nhiệm của Thiên Chúa trong cõi đời, và trong từng hoàn cảnh của đời sống.

Hãy sống có tình người để có thể yêu cái đáng yêu của người khác, cảm thông cái khó khăn của người khác, vui mừng với cái tốt mà người khác có được, hạnh phúc trong niềm hạnh phúc của người khác, đau trong cái đau của người khác, khóc hay cười trong tiếng khóc hay nụ cười của người khác…

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, hãy để đôi mắt được thắp sáng.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

MỘT LỢI KHÍ THÁNH CỦA LỜI - Thứ Năm Tuần 3 Mùa Chay A

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”.

McCheyne viết cho Edwards, một người vừa được truyền chức, “Xét về độ tinh khiết và sự hoàn hảo của một dụng cụ, bạn sẽ thành công! Tuy nhiên, điều đó không đến từ những tài năng Chúa ban cho bạn, cho bằng việc bạn nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày! Giống Chúa Giêsu, bạn trở thành một vũ khí khủng khiếp trong tay Thiên Chúa. Bởi lẽ, bạn là ‘một lợi khí thánh của Lời!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc hôm nay tiết lộ, “Việc bạn trở nên một vũ khí khủng khiếp trong tay Thiên Chúa” cho người đương thời là sứ vụ cấp bách của người môn đệ mọi thời! Giêrêmia, thời Cựu Ước; bạn và tôi, thời Tân Ước, mỗi người là ‘một lợi khí thánh của Lời’. Thông điệp chúng ta trao, “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”, cũng là thông điệp của Thánh Vịnh đáp ca.

Bài đọc Giêrêmia tường thuật những gì Chúa nói với ông, “Ngươi sẽ nói với chúng tất cả những điều ấy!”; “Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta!”. Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu trừ một quỷ câm, khi quỷ ra khỏi, người câm nói được. Với sự kiện này, bạn tự hỏi: Vậy điều gì cản trở tôi nói Lời của Chúa một cách cởi mở, trung thực và rõ ràng? Rất nhiều người cần được nghe Tin Mừng! Nhiều người đang rối bời trong cuộc sống; nhiều người đang thấy mình đi trên một con đường không lối ra, con đường dẫn đến lầm lạc và huỷ hoại. Và chúng ta vẫn thản nhiên nhìn họ đi trên những con đường này sao?

Trước khi được Chúa Giêsu chữa lành, người câm dường như bị chiếm hữu hoàn toàn bởi quỷ, đến nỗi khả năng nói của anh trở nên vô hiệu; nhưng sau khi được Ngài trừ quỷ, anh nói rành rọt! Phần chúng ta, dẫu không chịu tác động của ma quỷ ở mức độ tương đương, nhưng cũng thường bị cản trở bởi những “Quỷ câm” tương tự! Nó thường tìm cách tác động theo hướng khiến chúng ta sợ hãi loan báo Lời Chúa một cách tự do, chân thành và tức thời cho những người cần nhất. “Quỷ câm” thường áp lực, khiến chúng ta bối rối, do dự, mỗi khi có cơ hội. Và dù hiếm khi rơi vào quyền lực của nó hoàn toàn, nhưng dẫu sao, chúng ta vẫn thường bị những tác động xấu; thậm chí, nó cũng vô hiệu hoá khả năng nói của chúng ta. Đang khi lẽ ra, mỗi người phải có khả năng chuyển tải Lời bất cứ khi nào, với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu; thời thuận tiện cũng như không thuận tiện! Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã nói với Anania về Saolô, “Người này là lợi khí Ta chọn!”.

Anh Chị em,

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”, đó là sứ điệp chúng ta kêu mời; nhưng trước hết, nó là sứ điệp gửi cho chính bạn và tôi! Mỗi ngày Chúa Giêsu ban Lời cho chúng ta, Ngài mong chúng ta trở thành những môn đệ tín trung biết lắng nghe Lời, được Lời biến đổi, hầu có thể trở nên một ‘Lời Giêsu’ khác; nói đúng hơn, trở nên ‘một lợi khí thánh của Lời’. Bấy giờ, trong tay Thiên Chúa, bạn và tôi cũng là một vũ khí khủng khiếp, không phải để gieo tai rắc hoạ nhưng là một lợi khí đem lại bình an và yêu thương cho thế giới! Và điều này tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc chúng ta có nên giống Chúa Giêsu không! Bị “Quỷ câm” ám, chúng ta không có khả năng nói, không muốn nói; thậm chí, không dám nói… vì lẽ, chúng ta chưa nên giống Chúa Giêsu, ‘chưa thánh’ đủ như Ngài. Ngài muốn giải thoát chúng ta, không quỷ nào mà Ngài bất lực. Hãy để Ngài chữa lành, sử dụng bạn như một lợi khí thánh, lợi khí của sự thật và tình yêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ít lần, con cảm thấy mình câm. Xin chữa con! Cho con ngày càng nên giống Chúa; nhờ đó, con cũng trở nên ‘một lợi khí thánh của Lời’, luôn yêu thương, nhạy bén!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KHỞI ĐI TỪ VỰC THẲM BẤT XỨNG - Thứ Bảy Tuần 3 MC A

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”.

Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Thiên Chúa, là cây cầu bắc qua mọi vùng vịnh, giúp bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của một linh hồn dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của một linh hồn!”. Đúng thế, lời cầu của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay, “Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là kẻ có tội!” là một trong những lời cầu đó; nó cũng là cao điểm của dụ ngôn Tin Mừng này.

Thật trùng hợp, qua bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người; Ngài chỉ muốn một điều, tình yêu, “Ta muốn tình yêu, chớ không cần lễ tế. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thánh Vịnh đáp ca cũng chỉ lặp lại ngần ấy!

Khác với điều Thiên Chúa muốn, người biệt phái trong dụ ngôn đã làm điều ngược lại; ông quá nặng về ‘lễ tế’. Ông nghĩ, ông đã đến đúng nơi, quy về đúng hướng, và đang làm điều đúng đắn! Thế nhưng, lời cầu của ông đã bị bóp méo, bởi ông chỉ độc thoại, mà không đối thoại. Ông kể công với Chúa; tệ hơn, coi Ngài như ‘Con Nợ’ của mình; tệ hơn nữa, ông lấy ‘kỳ tích’ của bản thân để so sánh và khinh dể kẻ khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện; đó là diễn văn! Dẫu ông không phải là người xấu; ông không phạm tội trọng, ông thuỷ chung và rộng lượng… nhưng chỉ có một điều, lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm tha nhân. Ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu nguyện ông là ‘vô trùng’, khi ông quên rằng, Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần lễ tế!”.

Đang khi nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ, một người thu thuế! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”, Chúa Giêsu đã tiết lộ! Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm hạ nhận ra rằng, mình đã làm những điều sai trái! Lời cầu của ông ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ trước một Đấng Vĩ Đại Toàn Thánh. Và có lẽ, ông đã nghe những gì người biệt phái tố cáo, và điều này càng làm ông tê tái hơn; từ đó, ông chìm vào đáy vực linh hồn khốn khổ của mình, và bòn chút tàn hơi, ông đấm ngực van vỉ, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”. Lạ thay, điều này đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài thích thú với nó!

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”; “Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”. Nhìn nhận mình tội lỗi là chứng tỏ sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng cần tình yêu, lòng thống hối và quyết tâm chừa lỗi! Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn!”. Đến gần Chúa, chúng ta nhận biết sự vĩ đại và tốt lành của Ngài; đồng thời, nhận ra tội lỗi yếu hèn của bản thân. Đây là điều làm cho lời cầu của chúng ta có kết quả; vì chỉ những ai tự nhận mình không có gì mới có thể nhận được tất cả; chỉ những ai trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa bạn và tôi nhìn lên thập giá Chúa Kitô; đồng thời, nhìn xuống lòng mình, ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn, và chân thành thưa lên, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn cả con biết con! Mỗi khi con cầu nguyện, cho con không ‘khởi đi từ cái tôi dị hợm’ của con, nhưng ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn mình!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CHUNG MỘT ĐƯỜNG, CÙNG MỘT ĐÍCH - Thứ Tư Tuần 3 MC A

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”.

Một nhà tu đức nói, “Khi ngu khờ, chúng ta muốn chinh phục thế giới; khi khôn ngoan, chúng ta muốn chinh phục cái tôi! Cuộc sống của bạn không được đo bằng những gì giành được, nhưng bằng nỗ lực của toàn bộ xác hồn khi xác và hồn ‘chung một đường, cùng một đích’; đó là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Chung một đường, cùng một đích’, đó cũng là chí hướng phải có nơi người môn đệ Chúa Giêsu mà Lời Chúa hôm nay cho thấy! Quả vậy, mọi lề luật cũ và mới đều ‘chung một đường’: “yêu như Chúa yêu”; ‘cùng một đích’: ‘Kính mến Chúa trên hết mọi sự!’.

Môisen, trong bài đọc thứ nhất, nói với dân, “Tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa mà truyền dạy cho anh em biết lề luật và huấn lệnh Ngài!”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Từ Môisen đến Chúa Giêsu, việc giữ luật được thực hiện theo hai cách: chu toàn điều được yêu cầu, và hoàn thành những điều còn thiếu. Chúa Giêsu chu toàn luật cũ và hoàn thành nó bằng luật mới yêu thương. Ngài chu toàn nó không chỉ bằng cách hoàn thành mỗi giới răn, nhưng bằng việc cho thấy mọi giới răn đều ‘chung một đường, cùng một đích’. Đường đó là đường yêu thương, đường dâng hiến; và đích tự nhiên của chúng là chính Thiên Chúa. Phaolô thật chí lý khi nói, “Yêu thương là chu toàn cả lề luật!”.

Chúa Giêsu nói thêm, “Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”. Ngài đang nói đến ‘tính toàn diện’ của luật mới. Các giới răn đi trên đường yêu thương sẽ không bao giờ bị giới hạn; trái lại, toả lan và vươn đến tận cùng trái đất! Không vật tạo thành nào trong vũ trụ lại nằm ngoài quy luật yêu thương Ngài dạy; không thực thể nào, dù là nhỏ nhất, thoát khỏi yêu cầu của luật yêu thương này. Sử dụng phép ẩn dụ, “một chấm, một phẩy”, Ngài cho thấy sự ‘hoàn thiện tuyệt đối’ của luật. Tình yêu và đòi hỏi của nó vươn tới chỗ xa nhất của vũ trụ, đến sinh vật nhỏ nhất được tạo thành, và đến tận mút cùng của thời gian!

Các điều của luật cũ được nêu trong Mười Điều Răn như ‘ngươi không được giết người; không được tà dâm…’ là những vi phạm nghiêm trọng nhưng dễ xác định, chúng chỉ là những hành động bên ngoài; nhưng các điều răn của luật mới như ‘ngươi không được biểu lộ sự tức giận; không được ham muốn trong lòng; hãy tha thứ cho kẻ thù…’ diễn đạt tinh tế hơn, và vì thế, chúng thường khó giữ hơn. Sống những giới răn này với động cơ thích hợp và thái độ ân cần, tận tụy, là điều ‘khiến cho một con người trở nên vĩ đại!’. Lấy tình yêu làm động lực cho mọi hành động, không chỉ giúp chúng ta lên thiên đàng, mà còn giúp chúng ta được chia sẻ nhiều hơn trong hạnh phúc và vinh quang của Đấng ở trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Bản thân Chúa Giêsu chính là toàn bộ lề luật. Và toàn bộ lề luật này được kiện toàn bằng chính cái chết của Ngài. Ngài đã “khôn ngoan chinh phục cái tôi”, nên Ngài đã “chinh phục cả thế giới”. Bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã chịu chi phối bởi tất cả lề luật Cựu Ước và luật tự nhiên, nhưng Ngài đã mặc cho chúng một giá trị vĩnh cửu bằng tình yêu trao hiến của Ngài cho Chúa Cha và tha nhân, triệt để cho đến chết. Như thế, việc tuân giữ lề luật của chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi bạn và tôi làm mọi sự chỉ vì ước mong trở nên giống Chúa Giêsu. Và Ngài đã là toàn bộ lề luật, thì cả chúng ta cũng thế, chúng ta trở nên một Giêsu khác, ‘chung một đường, cùng một đích’ với Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con khôn ngoan chinh phục cái tôi, để dù không chinh phục cả thế giới, con, với tư cách môn đệ Ngài, vẫn có thể chinh phục cho Chúa những ai Chúa trao cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories