3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM CAO SIÊU - THỨ BA

  •  
    Chi Tran - LEYEN
     
     
     

    THỨ BA - TUẦN I THƯỜNG NIÊN - MC 1, 21-28

     

     
    SUY NIỆM LỜI CHÚA      THỨ BA 10/01/2023
     
    BÀI ĐỌC I: Dt 2, 5-12
     
    “Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.
     
    Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
     
    Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28
     
    “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
     
    (Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    Suy niệm:
     
    Trong Tin Mừng theo thánh Máccô,
     
    ta không thấy có những bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan.
     
    Nhưng bù lại Máccô đã kể khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.
     
    Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay
     
    là hội đường vùng Caphácnaum vào một ngày sabát.
     
    Theo Máccô, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ từ đây.
     
    Chúng ta cần xem Ngài đã sống ngày sabát như thế nào.
     
    Trước hết Ngài đã vào hội đường và giảng dạy.
     
    Thánh Máccô không kể lại nội dung của bài giảng,
     
    chỉ cho biết là người ta sửng sốt khi nghe Ngài
     
    vì cách giảng đầy uy quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).
     
    Phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ.
     
    Ở đây có một người đàn ông bị thần ô uế ám.
     
    Trước sự hiện diện của Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên :
     
    “Ông Giêsu Nadarét, ông đến tiêu diệt chúng tôi ư?
     
    Tôi biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).
     
    Sự hiện diện của Đấng Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ,
     
    vì ô uế và thánh thiện không đội trời chung.
     
    và Đấng thánh thiện có khả năng triệt phá thần ô uế.
     
    Lời của Đức Giêsu bây giờ là lời trừ quỷ, lời quát mắng,
     
    lời ra lệnh đầy uy quyền, lời khiến thần ô uế phải tuân theo.
     
    “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !”
     
    Thần ô uế đã nhập vào và làm người ấy bị tha hóa,
     
    bị mất tự do, bị chi phối và sai khiến như một nô lệ.
     
    Lời Đức Giêsu là lời giải phóng để anh ấy được thật sự là mình,
     
    được giải thoát khỏi tình trạng ô uế.
     
    Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm,
     
    từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.
     
    Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần,
     
    bầu khí ô uế của sex thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
     
    Xin Đức Giêsu trả lại cho ta sự trong sạch nơi cái nhìn,
     
    sự trong trắng nơi trái tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.
     
    Cầu nguyện:
     
    Lạy Chúa Giêsu,
     
    giàu sang, danh vọng, khoái lạc
     
    là những điều hấp dẫn chúng con.
     
    Chúng trói buộc chúng con
     
    và không cho chúng con tự do ngước lên cao
     
    để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
     
    Xin giải phóng chúng con
     
    khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
     
    nhờ cảm nghiệm được phần nào
     
    sự phong phú của kho tàng trên trời.
     
    Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
     
    bán tất cả những gì chúng con có,
     
    để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
     
    Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
     
    trước những lời mời gọi của Chúa,
     
    không bao giờ ngoảnh mặt
     
    để tránh cái nhìn yêu thương
     
    Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
    LM Anton Nguyễn Cao Siêu/.
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     

    KỶ NGUYÊN CỦA ÂN SỦNG

    TIN MỪNG MAT 3, 13-17

    “Khi toàn dân chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”.

    Một nhà giáo dục nói, “Không thành vấn đề nếu bạn ngã xuống một vũng bùn, miễn là bạn nhặt lên một thứ gì đó giữa bùn lầy khi đứng dậy!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Câu nói đơn sơ trên nếu đem áp dụng cho việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong ngày lễ hôm nay, cho thấy một ý nghĩa sâu sắc đến tuyệt vời! Phải, Chúa Giêsu đã ngã xuống bùn và Ngài đã nhặt lên không phải một thứ gì đó, nhưng đã nhặt lên cả một nhân loại khốn cùng! Với biến cố chịu phép rửa, Ngài mở ra một kỷ nguyên mới, ‘kỷ nguyên của ân sủng’, kỷ nguyên các Bí Tích!

    Ai mà không muốn bác sĩ trước khi giải phẫu, vén áo của ông lên, để lộ vết sẹo và nói, “Tôi cũng từng như vậy. Bạn sẽ ổn!”. Người lính nào sẽ không dũng cảm, ngẩng cao đầu hơn, khi nhìn thấy những bắc đẩu bội tinh lấp lánh trên ngực vị chỉ huy? Chúng ta muốn thấy các nhà lãnh đạo dẫn dắt chúng ta đã vượt qua những trải nghiệm xương máu của họ. Họ đã có mặt ở đó, để làm được điều đó! Cũng thế, chúng ta muốn Đấng Cứu Độ chúng ta hãy như thế. Vì vậy, để đồng cảm, để dự phần, để liên đới với con người, Thiên Chúa đã ngã xuống! Ngài muốn đồng hành với con người trong tất cả đổ vỡ, yếu đuối, tổn thương vì tội lỗi của nó. Ngài đồng nhất, hiệp hành với nó, ôm lấy nó để có thể cứu độ nó. Không phải Ngài bất toàn, nhưng vì Ngài toàn năng và yêu thương!

    Isaia trong bài đọc hôm nay nói, “Ngài không lớn tiếng”, và Matthêu cho biết, Chúa Giêsu lặng lẽ xếp hàng như bao tội nhân. Ngài đồng nhất với tội nhân, dẫu không bao giờ phạm tội; bị coi là tội nhưng không phải là tội nhân. Tại sao? Bởi vì trở thành người, là trở thành tội! Để có thể đi vào thực tại của con người, Con Thiên Chúa phải đồng nhất với tất cả những gì tội lỗi kéo theo. Vai kề vai, Ngài muốn nói với bạn và tôi rằng, “Đừng sợ, Tôi đang đứng bên cạnh bạn!”. Chúa Giêsu không vờ trở thành người, Ngài thực sự đã trở thành một người!

    Và đó là lý do tại sao một Giêsu vô tội lại xin phép rửa của hạng mắc tội. Ngài để sang một bên phẩm giá cao trọng để dìm mình xuống một dòng nước ‘bẩn thỉu’; và rồi đây, Ngài sẽ tiếp tục đồng bàn với những con người ‘bẩn thỉu’; để cuối cùng, chịu đóng đinh vì họ giữa hai tên ‘bẩn thỉu’ hầu cứu cả nhân loại ‘bẩn thỉu’. Chúa Giêsu biết đến giá trị của sự đồng cảm và sức mạnh của sự gần gũi. Ngài biết, sứ vụ của Ngài dành cho các tội nhân bắt đầu không phải trên ngai vàng mà là từ trong bùn của những con người lấm lem; Ngài chỉ cần họ bắt đầu lại, và bắt đầu lại mỗi ngày!

    Chúa Giêsu chịu phép rửa, sự viên mãn của Ba Ngôi Chí Thánh lần đầu tiên được tiết lộ vốn tinh tế hơn tiết lộ ở biến cố Truyền Tin. Qua sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, Phêrô nói, “Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài”. Và kỳ diệu thay! Chính các linh mục được xức dầu của Ngài sẽ tiếp tục công việc này cho đến lần cuối cùng mặt trời lặn. Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng mãnh liệt nhất vẫn là qua các Bí Tích do các linh mục. Như vậy, phép rửa của Chúa Giêsu đã mở ra kỷ nguyên các Bí Tích, ‘kỷ nguyên của ân sủng!’.

    Anh Chị em,

    “Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”. Đúng thế! Ngài đã ngã xuống hàng ngũ các tội nhân để liên đới với tội nhân, đưa họ vào lãnh địa của Thiên Chúa, lãnh địa ân sủng. Ngã xuống dòng nước, Ngài thánh hoá mọi dòng nước; dìm mình trong nước, Ngài mở ra mỏ mạch mọi ân sủng. Được dìm xuống với Ngài, chúng ta bước lên, sống một đời sống mới, đời sống con cái Chúa. Cuộc đời mới bắt đầu khi chúng ta cùng chết, mai táng và phục sinh với Ngài qua phép Rửa. Hôm nay, Ngài muốn chúng ta làm mới phép Rửa của mình, qua việc thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể. Bằng cách lãnh nhận ân sủng của hai Bí Tích này, chúng ta củng cố các Bí Tích khác. Khi tiếp nhận các Bí Tích, chúng ta tiếp nhận chính Thiên Chúa, mỏ mạch mọi ơn phước.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa đã ngã xuống để con được ‘nhặt lên’, cho con đừng bao giờ ơ hờ với các Bí Tích, nhưng biết chạy đến với Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, hầu kín múc ân sủng!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM CAO SIÊU - LỄ HIỂN LINH

  •  
    Chi Tran - LEYEN CHUYỂN

     
     
     
     


     
     
    CHỦ NHẬT 08/01/2023  
    LỄ CHÚA HIỂN 
     
    BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6
     
    “Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
     
    Bài trích sách Tiên tri Isaia.
     
    Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, [đem theo vàng và nhũ hương, và] họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
     
    Đó là lời Chúa.
     
    BÀI ĐỌC II: Ep 3, 2-3a. 5-6
     
    “Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
     
    Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
     
    Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
     
    Đó là lời Chúa.
     
    PHÚC ÂM: Mt 2, 1-12
     
    “Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”.
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
     
    Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”. Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
     
    Đó là lời Chúa.
     
    SUY NIỆM
     
    Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa giới thiệu
    Con Một của Ngài cho dân ngoại và cho cả nhân loại.
    Như thánh Mác-xi-mô, viện phụ, nhận xét:
    “Người tỏ mình ra theo tầm mức lãnh hội của kẻ đón nhận…
    Người thích ứng với khả năng tiếp nhận của họ.”
    Khi muốn giới thiệu Con của Ngài cho các mục đồng,
    những người ít học, đơn sơ, hèn mọn,
    Thiên Chúa đã cho một vị thiên sứ đến gặp họ,
    để báo tin Đấng Kitô mới được sinh ra,
    như trẻ thơ nằm trong máng cỏ (Lc 2,1-20).
    Nhưng Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho mục đồng,
    Ngài còn muốn tỏ mình cho dân ngoại,
    cho những người giàu có, khôn ngoan, học thức, có địa vị.
    Cả những người này cũng có chỗ trong trái tim Thiên Chúa. 
     
    Lễ Hiển Linh hôm nay, Thiên Chúa giới thiệu Con của Ngài
    cho những nhà chiêm tinh thuộc vùng Ba-tư hay Babylon.
    Dựa theo lễ vật của họ, hẳn họ phải là người giàu có.
    Dựa theo khả năng nhìn bầu trời,
    họ phải là những người có kiến thức thiên văn.
    Họ có thể là những tư tế hay cố vấn cho nhà vua.
    Hơn nữa, họ không phải là người Do-thái.
    Thiên Chúa muốn dân ngoại cũng nhận biết Con của Ngài. 
     
    Nhưng Thiên Chúa tỏ mình bằng những cách khác nhau.
    Vì họ chuyên nghiên cứu các vì sao,
    nên Thiên Chúa muốn dùng bầu trời mà trò chuyện với họ.
    Ngài đã cho xuất hiện một ngôi sao,
    không hẳn là sáng rực rỡ, nhưng là ngôi sao rất lạ,
    khiến họ bị thu hút mãnh liệt và lôi kéo họ lên đường.
    Nhìn ngôi sao lạ xuất hiện, họ tin có một vị Vua mới sinh.
    đó là vị Vua Mêsia người Do-thái đang mong đợi,
    cũng là vị Vua cho cả thế giới.
    Vì thế họ háo hức lên đường đi đến nước Israen,
    chỉ mong được gặp và bái yết vị Tân Vương.
    Chắc họ đã đi cả ngàn cây số, ngược sông Êu-phrát,
    rồi vòng xuống để đến Giêrusalem.
    Sau đó theo sự chỉ dẫn của Hêrôđê, họ lại đi Bêlem,
    quá vui khi được bái lạy và dâng lễ vật cho Con Trẻ.
    Thiên Chúa đã nói với họ qua một ngôi sao,
    thì nay lại nói trong một giấc mơ.
    Ngài nhắc họ đừng gặp Hêrôđê, nhưng đi đường khác mà về. 
     
    Thánh Mátthêu đã kể cho người Do-thái thời của ngài
    một câu chuyện đẹp và ý nghĩa.
    Họ hiểu ngay lời sấm của ông Bilơam đã được ứng nghiệm.
    Nhà chiêm tinh ngoại giáo này đã thấy:
    “một vì sao xuất hiện từ Giacóp” (Ds 24,17).
    Bây giờ vì sao ấy đã xuất hiện rồi.
    Vì sao chính là Đức Giêsu, Đấng Mêsia, Vua hoàn vũ. 
     
    Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta làm hang đá.
    Ngài nhắc chúng ta đặt tượng “Ba Vua” nơi hang đá.
    Ở đó cần treo một ngôi sao chỉ đường.
    Ta không được quên vai trò của ngôi sao nơi máng cỏ,
    bởi lẽ con người hôm nay vẫn cần ánh sao để gặp Chúa.
    Đó không hẳn là ánh sao lạ xuất hiện trên bầu trời,
    nhưng là “sao mai mọc lên trong tâm hồn anh em” (2 Pr 1,19).
    Đức Giêsu đã tự nhận mình là Sao Mai sáng ngời (Kh 22,16).
    Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta Sao Mai ấy (Kh 2,28).
    Mừng lễ Hiển Linh không thể không nghĩ đến các vì sao,
    và ý thức mình chính là một vì sao cần tỏa sáng (Pl 2,15). 
     
    CẦU NGUYỆN
     
    Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,
    Giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm,
    Xin Chúa dẫn con đi. 
     
    Đêm thì tối, đường còn xa,
    Xin Chúa dẫn con đi,
    Xin giữ bước chân con. 
     
    Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,
    Chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi. 
     
    Chưa bao giờ con như bây giờ,
    Cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn dắt.
    Con đã quen tự chọn và thấy con đường của mình.
    Nhưng giờ đây, xin Chúa dẫn con đi. (Thánh John Henry Newman)
     
    Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    Năm 2023
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - LỄ HIỂN LINH

  •  LM MINH ANH
     
     
     

     

    CHO TOÀN THẾ GIỚI

     

    “Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài!”.


    Cornelia Arnolda Johanna, nữ văn sĩ thời hậu chiến thế giới thứ hai, trong “The Hiding Place”, “Nơi Ẩn Náu”, bà viết, “Nhìn quanh thì xót xa; hướng nội thì chán nản! Hãy tìm kiếm Giêsu, nhìn vào Giêsu, và bạn hãy yên nghỉ!”.

     

    Kính thưa Anh Chị em,

     

    Lời khuyên ngọt ngào của Johanna được gặp lại trong Lời Chúa Chúa Nhật Hiển Linh hôm nay. “Hiển Linh” có nghĩa là biểu lộ, tỏ mình. Sự “Hiển Linh của Chúa” là sự tỏ mình của Chúa Kitô, không chỉ cho ba nhà đạo sĩ đến tìm kiếm Ngài từ phương Đông, nhưng còn ‘cho toàn thế giới’, cho muôn dân, mà ba đạo sĩ là hình ảnh tượng trưng cho tính phổ quát này. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài!”.

     

    Bài đọc Isaia nói đến tính phổ quát của ơn cứu độ Chúa Kitô mang đến. Ngôn sứ nói đến Giêrusalem, nơi quy tụ muôn nước, “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi”. Giêrusalem là hình ảnh của Hội Thánh ngày nay! Chân lý này được Phaolô xác tín qua bài đọc hai, “Trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Như vậy, ơn cứu độ Chúa Kitô mang đến, không dành cho riêng ai, không cho người Do Thái hay chỉ cho Hội Thánh Công Giáo; nhưng ‘cho toàn thế giới!’.

     

    Sự thật này được tỏ bày chi tiết hơn qua ba nhà đạo sĩ mà Matthêu, tác giả viết Phúc Âm cho người trở lại, coi họ như đại diện cho cả thế giới dân ngoại. Họ là những nhà thông thái đã bị cuốn hút bởi niềm tin của người Do Thái, vốn tin vào một Messia sẽ đến. Và Thiên Chúa đã dùng những gì họ quen thuộc để mời họ đến tôn thờ Ngài. Ngài sử dụng một vì sao, để một khi nhìn thấy ngôi sao mới lạ và độc đáo này trên bầu trời, họ nhận ra rằng, có một điều gì đó đặc biệt đang xảy ra; và họ lên đường tìm kiếm. Vì thế, bài học đầu tiên cho chúng ta là Chúa đến ‘cho toàn thế giới’ nhưng trước hết, Ngài đến cho tôi! Ngài sẽ sử dụng những gì quen thuộc nhất của tôi để gọi tôi. Hãy tìm kiếm “ngôi sao” mà Chúa đang dùng để gọi bạn. Nó gần hơn bạn nghĩ!

     

    Điều thứ hai chúng ta lưu ý là các đạo sĩ đã phủ phục trước Chúa Hài Đồng. Với Hêrôđê, họ dám hy sinh mạng sống vì Hài Nhi Giêsu đó; và họ sấp mình trước mặt Ngài trong sự quy phục và tôn thờ hoàn toàn. Nếu các nhà thông thái này từ một vùng đất xa lạ có thể đến và thờ lạy Chúa Kitô một cách sâu sắc đến thế, sao bạn và tôi lại không làm vậy? “Muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài”, nhưng trước hết, bạn và tôi biết thờ lạy Ngài! Hãy bắt chước các đạo sĩ, thử sấp mình xuống để cầu nguyện theo đúng nghĩa đen, hoặc ít nhất, hãy làm như vậy trong trái tim mình thông qua lời cầu nguyện. Hãy tôn thờ Chúa Kitô với sự đầu phục hoàn toàn.

     

    Anh Chị em,

     

    “Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài!”. Hôm nay, suy gẫm về những đạo sĩ, xem họ như một biểu tượng cho những gì bạn được kêu gọi để làm; bạn ‘được gọi để thờ lạy!’. Bạn được gọi từ trong thế giới này, một thế giới mà “nhìn quanh thì xót xa, hướng nội thì chán nản”, để tìm kiếm và thờ lạy Đấng Cứu Độ Thế Giới. Vậy Chúa đã dùng ngôi sao nào để mời gọi bạn đến với Ngài? Và một khi khám phá ra Ngài, đừng ngần ngại thừa nhận toàn bộ sự thật về mình; và nhất là sự thật về Ngài, Đấng hạ mình trong máng cỏ, chết cho bạn, ‘cho toàn thế giới’ để sống lại hầu cứu lấy thế giới; trong đó có bạn! Hôm nay, theo nghĩa đen, bạn nằm sấp mình và lặng thinh cầu nguyện, phủ phục trước Ngài trong sự phục tùng hoàn toàn và khiêm nhượng!

     

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

     

    “Lạy Chúa, nhìn quanh, con xót xa; hướng nội, con chán nản! Này con phủ phục trước nhan thánh Chúa, con thờ lạy Chúa thay ‘cho toàn thế giới’; và nơi Chúa, con yên nghỉ!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

Subcategories