3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN - Thứ Sáu Tuần Thánh A

“Chính Tôi đây!”.

Heywood Broun nói, “Không ai luôn nói về Chúa cho bằng những người cho rằng, ‘Không có Ngài!’”. Một nhà tu đức khác thì nói, “Không ai biết Đức Giêsu là Chúa mà lại đóng đinh Ngài! Nhưng, với ai tin Giêsu, mỗi lần phạm tội trọng, là họ đóng đinh Ngài; ‘đóng đinh một vị Thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ghi lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chỉ một mình Gioan có được lời khẳng định tuyệt vời của Ngài, “Chính Tôi đây!”. Khẳng định này đưa chúng ta về với một sự thật vô cùng quan trọng. Rằng, Ngài là Thiên Chúa! Vì thế, đóng đinh Giêsu, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.

“Chính Tôi đây!”, “Chính là Ta!”, “Tôi Là!”, hay “Tôi Hằng Hữu!” là những ‘danh xưng’ chỉ dành cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã sử dụng danh hiệu này để mặc khải chính Ngài cho Môisen trên núi Sinai. Kitô giáo sử dụng nó để nói về Đấng tạo dựng muôn loài, nghĩa là tất cả mọi vật hiện hữu. Tuyệt vời thay, “Chính Tôi đây!” cũng là lời mà Chúa Giêsu công khai tuyên bố trước quân dữ. Như vậy, chẳng vô tình chút nào, Ngài muốn công khai thần tính của Ngài! Vì lý do đó, Gioan viết, “Nghe thế, họ giật lùi lại và ngã xuống đất!”. Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta đừng bao giờ quên thần tính của Ngài; Ngài là một Thiên Chúa bị đóng đinh, cũng là Đấng Cứu Độ Thế Giới, một thế giới trong đó con người ‘đóng đinh một vị Thần!’.

Thú vị thay! Cũng trong bối cảnh này, Phêrô tuyên bố một lời ngược lại hoàn toàn, một lời ‘không thể phàm nhân hơn’: “Không phải tôi!”. Đó là lời nói dối của ông trước một cô gái. Mỉa mai thay, không phải trước một bà hoàng, nhưng trước một đầy tớ! “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người; Phêrô là đại diện cho mỗi người chúng ta. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình đối với ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Về điểm này, bạn và tôi nên đồng ý với Phêrô!

Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc chối Thầy của Phêrô và bản án thập giá của Ngài. Mặc dù cái chết của Chúa Giêsu vẫn sẽ xảy ra nếu không có sự chối Thầy của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến ông. Ngài đã chết thay cho Phêrô và tất cả mọi người; qua đó, Ngài cứu cả nhân loại khỏi mọi tội lỗi. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi Phêrô quay trở lại và tin, ông nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã làm tất cả cho ông. Từ đó, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá” khác nào ‘đóng đinh một vị Thần’. Nhưng “Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”. Tác phẩm “Thập Giá Chiến Thắng” của Janice Alexander đã vẽ Ngài vui mừng, như một vị Vua đang dang tay ôm lấy cả nhân loại.

Anh Chị em,

“Chính Tôi đây!”. Khẳng định của Chúa Giêsu nói lên tất cả! Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, sống dưới chế độ lề luật của con người, và chết bởi lề luật của nó. Ngài chấp nhận bản án, chấp nhận cho nó ‘đóng đinh một vị Thần’. Thế nhưng, chính nhờ sự chết và những đau khổ Ngài chịu, nhân loại nhận được công chính hoá. Đó là đường lối khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài là vị Thiên Sai mà Chúa Cha đã phán, “Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy mọi tội ác của họ” như Isaia tiên báo qua bài đọc hôm nay; cũng là Đấng mà tác giả thư Do Thái hôm nay tuyên xưng, “Con Thiên Chúa trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài”; hoặc đó còn là Đấng gọi Thiên Chúa là Cha như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.    

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, con đóng đinh Chúa, ‘đóng đinh một vị Thần!’. Như Phêrô, xin giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai; đó là khả năng thống hối và quay trở lại!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO - Thứ Năm Tuần Thánh A

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”.

“Người khôn ngoan không coi trọng món quà của ‘người yêu’ cho bằng tình cảm của ‘người tặng’. Chúa Giêsu vừa là người yêu, cũng là người tặng! Món quà Ngài trao là chính mình Ngài. Không chỉ một lần, Ngài ‘tự hiến’ mỗi ngày! ‘Một lần tặng, muôn lần trao!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý nghĩa Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có thể được tóm gọn trong hai từ: “Tự Hiến!”. Vì yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu đã tự hiến đến ‘ba lần!’; và không chỉ ba lần, Ngài tự hiến đến ‘n’ lần, muôn lần! Bởi lẽ, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài tiếp tục tự hiến; và như thế, Ngài là Món Quà Tự Hiến ‘một lần tặng, muôn lần trao!’.

Tin Mừng nói, “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến… Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình, và Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Chính trong bữa ăn yêu thương mà mọi người Do Thái phải cử hành hằng năm, như bài đọc Xuất Hành cho biết, Chúa Giêsu tự hiến trong sự phục vụ yêu thương khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ! Cũng trong bữa tối đó, Ngài hiến mình dưới hình thức của ăn, của uống khi Ngài cầm lấy bánh rượu, thiết lập Bí Tích Thánh Thể, “Hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy!”, “Hãy nhận lấy mà uống, này là Máu Thầy!”. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến!”.

Như vậy, khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, cũng như khi cầm bánh rượu là chính Thịt Máu Ngài để trao cho họ, Chúa Giêsu đã tiên liệu một “Món Quà” thiết thực hơn, lớn lao hơn mà Ngài sẽ trao vào ngày hôm sau! Với một thân xác nát tan, đỏ một màu máu, Ngài phó linh hồn và hiến mình cho Chúa Cha qua cái chết thập giá để hoàn tất công trình cứu độ! Như vậy, chỉ trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên, Ngài đã tặng trao chính mình đến ba lần. Và còn hơn thế! Vì Ngài đã nói, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”, hoặc “Hãy làm như Thầy đã làm cho các con!”, nên mầu nhiệm đức tin này liên lỉ được cử hành trên các bàn thờ. Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau; khi phục vụ lẫn nhau, Ngài tiếp tục phục vụ mỗi người ‘trong nhau và qua nhau!’. Bởi đó, Món Quà Giêsu không chỉ được trao một lần, ba lần, nhưng ‘n’ lần, muôn lần! ‘Một lần tặng, muôn lần trao!’.

Anh Chị em,

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Thông hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể, chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài; nhờ đó, tìm thấy sức mạnh để “yêu đến cùng” như Ngài đã “yêu đến cùng!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay viết, “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô!”. Nhờ thông hiệp Máu Chúa Kitô, chúng ta mới có khả năng khiêm nhường phục vụ như Ngài; và như vậy, thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ Ngài và Cha trên trời được tôn vinh. Thánh Thể nuôi dưỡng sự phục vụ; phục vụ, hiện thực hoá Thánh Thể. Thánh Thể biến đổi chúng ta nên ‘những Giêsu khác’, những con người tự hiến, một biểu hiện đẹp đẽ của sự thông hiệp mật thiết với Ngài, Đấng “yêu cho đến cùng”. Hãy để Thứ Năm Tuần Thánh; đúng hơn, hãy để Thánh Thể Chúa Kitô dạy bạn biết hiến dâng như Ngài! Noi gương tình yêu vĩ đại “yêu cho đến cùng” của Ngài, bạn và tôi cũng tự hiến để “yêu cho đến cùng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhờ việc tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con, ước chi Thánh Thể Chúa biến đổi con mỗi ngày nên ‘một Giêsu khác!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

LẦN THEO TRÁI TIM - Thứ Ba Tuần Thánh A

“Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần”.

Trong “In the Eye of the Storm”, “Giữa Tâm Bão”, Max Lucado viết, “Khi bạn không thể lần theo bàn tay của Thiên Chúa, hãy lần theo trái tim Ngài!”. Nói cách khác, giữa tâm bão, bạn vẫn vượt qua tất cả, nếu biết ‘lần theo trái tim’ của Đấng yêu thương; bất kể bão của bạn thuộc loại nào!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho biết, ngay “giữa tâm bão” của phản bội, ghét ghen, Chúa Giêsu vẫn bám chặt Chúa Cha, ‘lần theo trái tim’ của Cha; nhờ đó, Ngài đã vượt qua tất cả và đi đến cùng.

Gioan viết, “Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần”. Điều này tiết lộ rõ nét nhân tính của Ngài! Là Thiên Chúa, nhưng với một trái tim con người, Chúa Giêsu yêu Giuđa bằng chính tình yêu Chúa Cha yêu Ngài. Vì thế, dù ở giữa phản bội, Ngài vẫn ‘thả neo’ trong khối tình của Cha, luôn ‘lần theo trái tim’ Cha; nhờ đó, Ngài có khả năng yêu thương Giuđa đến cùng. Dẫu vậy, tâm thần Ngài vẫn xao xuyến! “Xao xuyến” theo nghĩa Ngài bất lực; vì lẽ, Ngài không thể làm gì khác để thay đổi tâm trí và trái tim người môn đệ. Không phải cá nhân Chúa Giêsu bị xúc phạm hay nổi giận vì sự phản bội; đúng hơn, một lần nữa trái tim Ngài bùng cháy yêu thương với nỗi buồn sâu sắc trước việc mất một môn sinh, người mà Ngài đã yêu thương hết tình.

Giuđa có ý chí tự do! Không có ý chí tự do, Giuđa không đi theo Chúa Giêsu; nhưng cũng với ý chí tự do, Giuđa chọn phản bội Ngài. Tại sao điều này lại xảy ra? Đó là một quá trình mà Giuđa đã để cho mình đi quá xa trong mối tương quan với Thầy, một mối tương quan ngày càng lỏng lẻo; thêm vào đó là những tham vọng thế tục ngày càng tăng. Từ đó, tâm tưởng người môn đệ thất tín ngày càng hư hỏng. Giuđa không lần theo bàn tay của Chúa Giêsu, Thầy mình, qua những việc Ngài làm để nhận biết Ngài là ai, đến từ đâu; cũng không ‘lần theo trái tim’ Ngài, một trái tim yêu thương bản thân Giuđa đến cùng. Vì thế, Giuđa đi đến chỗ tuyệt vọng!

Tuần Thánh, thời điểm lý tưởng để mỗi người chúng ta thử hỏi, liệu mối tương quan của tôi với Chúa Giêsu ngày càng nồng thắm hay lỏng lẻo? Nói cách khác, đời sống cầu nguyện của tôi thế nào? Chúa Giêsu có là tất cả đối với tôi? Cuộc sống của tôi có làm Ngài xao xuyến tâm thần? Mỗi ngày, tôi được gọi để khám phá Ngài bằng tất cả sức mạnh và tình yêu; nhưng phải chăng, như Giuđa, tôi thường phản bội khi để những gì là thế tục làm hỏng hóc ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi tông đồ của mình? Lời Chúa hôm nay giục giã chúng ta ‘cho phép linh hồn mình quỳ gối’ một lần nữa, và quỳ gối thường xuyên hơn, để lần theo những gì Chúa Giêsu đã làm trong Giáo Hội, trong thế giới, hoặc trên chính bản thân mình; và nhất là, ‘lần theo trái tim’ Ngài để biết tình yêu Ngài dành cho bạn và tôi còn lớn hơn tình yêu Ngài dành cho Giuđa, kẻ phản bội!

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần”. Chính tình yêu dành cho Giuđa, lớn hơn tội lỗi của ông, làm xao xuyến trái tim Chúa Giêsu. Nếu không yêu Giuđa, việc bán Thầy của ông sẽ không gây thương tổn cho Ngài. Với chúng ta thì sao? Liệu trái tim Chúa Giêsu có đau đớn vì những chọn lựa của tôi trong cuộc sống? Hãy trung thực, đừng bao biện! Nếu Chúa Giêsu “xao xuyến” theo bất kỳ cách nào do hành động của tôi, tôi vẫn không có lý do gì để tuyệt vọng. Đúng hơn, nó phải là nguyên nhân của sự vui mừng khi tôi nhận thức sự yếu đuối và tội lỗi của mình. Hãy ‘lần theo trái tim’ Ngài! Ngài yêu tôi hơn tôi yêu mình! Làm được điều này, trái tim bạn được ủi an và bình yên; và nó cũng đem lại an ủi và yên bình cho trái tim Ngài. Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn, Ngài đang đợi bạn và tôi trong những ngày còn lại của Tuần Thánh này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, phải chăng, ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi tông đồ của con đang ở giữa tâm bão! Xin giúp con ‘lần theo trái tim’ Chúa để nhủ lòng rằng, “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!””, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỘT SUY NGHĨ CHẾT CHÓC, MỘT SUY NGHĨ ĐÁNG MỪNG - Thứ Tư Tuần Thánh A

“Thưa Thầy, có phải con không?”.

Pascal nhận định, “Quả là một sự dữ khi mắc đầy lầm lỗi, nhưng sẽ là một sự dữ lớn hơn khi đầy lầm lỗi mà không nhận ra chúng!”. Như vậy, tệ hơn biết mấy, khi biết đó là lầm lỗi nhưng từ chối nhìn nhận nó và vờ nghĩ rằng, nó không phải là tội. Đó là ‘một suy nghĩ chết chóc!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Pascal hiện nguyên hình nơi con người Giuđa qua Tin Mừng hôm nay khi ông hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, có phải con không?”. Giuđa có thực sự nghĩ ông không phản bội? Chúng ta không biết chắc điều gì đang diễn ra trong tâm trí ông; nhưng rõ ràng, Giuđa đã phản bội! Thế nhưng, với chính mình, Giuđa không thừa nhận điều này, ông phủ nhận nó!

“Phủ nhận”, dưới dạng viết tắt, có nghĩa là, “Tôi thậm chí không biết mình đang nói dối!”. Phải chăng vì quá tham tiền, Giuđa đắm chìm trong tội và sa lầy trong tội đến nỗi ông không thể thừa nhận với chính mình, chứ đừng nói thừa nhận với người khác; rằng, ông đang nói dối và chuẩn bị phản Thầy. Đúng là ‘một suy nghĩ chết chóc!’.

Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta trong Tuần Thánh. Tội lỗi không bao giờ là điều thú vị khi nhìn vào nó; phải hết sức can đảm mới có thể đối diện nó! Nhưng thử tưởng tượng, nếu Giuđa thực sự thú nhận những gì ông sắp làm; hoặc nếu ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, trước các bạn đồng môn, nói cho Thầy và anh em biết toàn bộ sự thật… thì có lẽ, hành động lương thiện này đã cứu được linh hồn vĩnh cửu và mạng sống mình. Điều này rất khó, đau đớn và nhục nhã, nhưng nếu vượt qua, thì đó là một chọn lựa sáng suốt nhất!

Điều này cũng đúng với chúng ta! Có lẽ chúng ta không ở vào thời điểm mà tội lỗi có thể dẫn đến sự phản bội Chúa Giêsu như Giuđa; nhưng mỗi người đều có thể tìm thấy một số loại hình phản bội của mình trong Tuần Thánh này. Bạn và tôi, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, hãy tìm cách khám phá một số ‘nếp tội’ hoặc thói quen xấu vốn đã hình thành nơi bản thân. Đây sẽ là một khám phá tuyệt vời nếu chúng ta có thể đối mặt với một tội ‘đầu nậu’ nào đó với lòng trung thực và sự dũng cảm. Điều này cho phép bạn bóc trần mọi tội lỗi của mình; chiến thắng nó, để khám phá sự tự do mà Chúa Phục Sinh muốn bạn trải nghiệm! Đừng quên lời thánh Phaolô, “Nếu chúng ta không trung tín, thì Ngài vẫn thành tín”. Niềm xác tín về tình yêu miên viễn của Chúa khuyến khích chúng ta tiếp tục trở về với Ngài. ‘Một suy nghĩ đáng mừng!’.

Anh Chị em,

“Thưa Thầy, có phải con không?”, câu nói buồn nhất này hẳn đã làm cho trái tim Chúa Giêsu tổn thương sâu sắc khi Ngài chứng kiến ​​việc chối nhận tội mình nơi Giuđa. Cũng thế, nhiều lần chối nhận tội mình, chúng ta không thành thực ăn năn. Hãy biến những ngày này thành thời gian cho sự chính trực và trung thực. Lòng thương xót Chúa lớn hơn tội của chúng ta vạn lần; nó sâu sắc và thuần khiết đến nỗi, nếu hiểu được nó, không ai cần phải tiếp tục phủ nhận tội mình dưới bất cứ hình thức nào, ‘một suy nghĩ đáng mừng!’. Chúa Giêsu sẵn sàng “nâng đỡ sự nhọc nhằn” của bạn và tôi, Ngài là vị Thiên Sai nhân ái. Isaia, qua bài đọc hôm nay tiên báo về Ngài rằng, “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”. An ủi biết bao khi chúng ta hiểu được điều này! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, đây giờ phút thi ân; vì ơn cả nghĩa dày!”. Tuần Thánh, tuần Thiên Chúa thi ân!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, vẫn còn kịp! Xin giúp con dám sấp mình trước toà Cáo Giải ngay hôm nay; ở đó, Chúa Xót Thương đang đợi để ôm lấy con. ‘Một suy nghĩ đáng mừng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CHO PHÉP LINH HỒN LUÔN QUỲ GỐI - Thứ Hai Tuần Thánh A

“Hãy để cô ấy yên!”.

M. Bounds nói, “Với niềm tin, linh hồn đi vào khu vườn, vượt quá những lời hứa yêu thương của Thiên Chúa, Chủ Vườn; với đôi tay và trái tim, linh hồn vói hái những trái chín mọng!”. Anon thì bảo, “Có những thời điểm, bất kể trạng thái tâm thần, hãy cho phép linh hồn luôn quỳ gối! Bởi lẽ, thờ phượng và yêu mến luôn cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của chính linh hồn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Maria trong Tin Mừng hôm nay là kiểu mẫu của một con người ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối!’. Thật tự nhiên, cô cho thấy Chúa Giêsu đáng giá hơn bình dầu trị giá 300 ngày công. Và còn hơn thế! Ngài đáng để mỗi người đánh đổi cả bản thân, cả linh hồn. Tại sao? Bởi lẽ, Ngài là Thánh, luôn mời gọi chúng ta nên thánh; Ngài cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của bạn!

Vậy mà, con người thánh thiện đó đã để Maria, một phụ nữ, quỳ gối ‘tỏ tình’ trước mặt mọi người! Thậm chí, Ngài còn để cô ấy lấy một cân dầu thơm hảo hạng đổ lên chân mình; và còn hơn thế, lau chân mình bằng tóc. Với những gì kín đáo và quý giá nhất của một phụ nữ, cô bày tỏ tình yêu với Ngài, người cô yêu mến. Điều lý thú là, Giuđa bất bình; nhưng lý thú hơn, Ngài trách Giuđa và nói, “Hãy để cô ấy yên!”.

Với Chúa Giêsu, đây là một hành động yêu thương, cao quý và khiêm nhường! Dầu thơm này rất đắt tiền. Đúng! Nhưng nếu ai khác nói điều này, người ấy có vẻ tự tôn; đàng này, chính Chúa Giêsu, với Ngài, thì hoàn toàn vô vị lợi! Vậy, sự việc này nói lên điều gì? Nó nói lên cái nhu cầu thiết thực nhất mà Maria đang cần! Chúa Giêsu đã tiết lộ điều này, điều mà chúng ta cũng đang rất cần! Như Maria, chúng ta cần tôn thờ Ngài, tôn vinh Ngài, để Ngài trở nên trung tâm đời mình. Không phải vì Ngài cần điều đó, nhưng bởi ‘chính chúng ta’ cần tôn kính Ngài ‘theo cách đó!’. Tôn kính Chúa Giêsu, yêu mến Ngài, là điều bạn và tôi cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của mình! Chúa Giêsu biết điều này; vì vậy, Ngài thầm khen, tán thành, nếu không nói là ‘tôn vinh’ Maria. Và tất nhiên, Ngài không ngần ngại bênh vực, “Hãy để cô ấy yên!”.

Kể lại câu chuyện này, Gioan mời chúng ta hãy làm như Maria, ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối!’; sẵn sàng “đổ” hết cho Chúa Giêsu! Không có gì là quá đắt đối với Ngài. Không có gì đáng giá hơn một hành động thờ phượng! Nó cần cho sự thánh thiện. Thờ phượng và yêu mến là một hành động sẽ biến bạn thành con người mà bạn phải trở thành. Bạn được tạo thành để tôn vinh Chúa và yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Thật ý nghĩa với xác tín của Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Ngài là Ánh Sáng, Đấng ban ánh sáng; Ngài Hằng Sống, Đấng ban sự sống, cũng là “Đấng tác tạo và mở rộng các tầng trời, ban hơi thở cho dân” như Isaia nói đến trong bài đọc hôm nay.

Anh Chị em,

Hãy ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối!’. Chúa Giêsu chấp nhận sự “quỳ gối” bên ngoài và cả bên trong trái tim của Maria; vì lẽ, đang khi các môn đệ dường như không mảy may thấu cảm, không một lời ủi an, không một chút băn khoăn với Thầy trong những ngày cuối đời này, thì Maria lại thực hiện một cử chỉ yêu thương sâu sắc nhất. Bằng chứng là Ngài đã đi xa hơn và bóc trần sự thật về mình, “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta!”. Trong những ngày này, Giáo Hội mời chúng ta học nơi Maria, ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối’, yêu mến Đấng Cứu Độ của mình. Ngài đáng cho chúng ta “đập vỡ” không chỉ bình dầu, hy sinh mái tóc nhưng cả con người hồn xác trí tri, “đập vỡ” cái tôi kiêu hãnh của mình để yêu mến và phụng thờ Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày Tuần Thánh còn lại, xin dạy con biết quỳ gối nhiều hơn, cho con hiểu được tội con chất ngất nhưng tình Chúa thì muôn trùng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories