3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NGUYỄN CHÍNH KẾT

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN4TN-A

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM A (29/1/2023)

    CHÚA GIÊU CÔNG BỐ HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

    (Xp 2,3; 3,12-13; 1 Cr 1, 26-31; Mt 5, 1-12a)

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤLỜI CHÚA

    Trong hành trình 40 năm trong hoang địa của dân Israel có một sự kiện rất quan trọng: Đó là câu chuyện ông Môsê đã gặp Thiên Chúa trên núi, mặt giáp mặt và đã được Người trao cho 2 bia đá trên đó ghi khắc Mười Giới Răn. Khi xuống núi trở lại với dân, ông đã tuyên đọc 10 điều răn ấy cho dân nghe và dân Israel đã xem đó là Hiến Chương của dân tộc mình.

    Trong giai đoạn đầu của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng có một sự kiện rất quan trọng: đó là  sau khi chọn địa bàn họat động và tuyển mộ các môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu đã có Bài Giảng trên núi về Bát Phúc (Tám Mối Phúc thật) xác định đường lối chính sách của Đấng Mêsia. Bài Giảng trên núi ấy đã trở thành Hiến Chương Nước Trời cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Vì sự việc này mà Chúa Giêsu được xem là Môsê Mới.

    Nếu so sánh Hiến Chương Mười Giới Răn và Hiến Chương Bát Phúc thì chúng ta nhận ra ngay sự Trổi Vượt và Độc Đáo của Hiến Chương Bát Phúc. Chúng ta có thể nói rằng: Tư Tưởng và Lối Sống của Hiến Chương Bát Phúc không phải là tư tưởng và lối sống của người thường, mà là tư tưởng và lối sống của những người “cõi trên”, theo nghĩa là những kẻ tuy đầu đội trời chân đạp đất nhưng không sống theo lý luận và tiêu chuẩn của trần gian.

    Một trong các lý do khiến Hiến Chương Bát Phúc độc đáo như thế là vì Hiến Chương ấy đã đuợc chính Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, ban hành.  

    Vậy chúng ta hãy hết sức trân trọng khi đọc, suy niệm và cầu nguyện với 3 bài Thánh Kinh hôm nay.

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Xp 2,3; 3,12-13): "Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi, một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn" Hãy tìm Chúa, hỡi tất cả các người hiền lành trong nước, là những kẻ tuân giữ luật Chúa; hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm nhường, nếu các ngươi muốn được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa. Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn, biết tin tưởng vào thánh danh Chúa. Kẻ sống sót của Israel sẽ không làm điều bất công, sẽ không nói dối, miệng chúng sẽ không nói lời phỉnh gạt, vì chúng sẽ được chăn dắt và nằm ngủ không bị quấy rầy.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Cr 1, 26-31): "Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian" Anh em thân mến, anh em hãy xem ơn kêu gọi của anh em: Vì (trong anh em) không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng. Nhưng điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người. Chính do Người mà anh em ở trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng do Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu rỗi cho chúng ta, ngõ hầu, như đã chép: "Ai tự phụ, thì hãy tự phụ trong Chúa".

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 5, 1-12a): "Phúc cho những ai có tinh thần khó nghèo" Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

    "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

    Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

    - là Đấng đã đặc biệt quan tâm đến những người nghèo hèn trong xã hội Israel của thời ngôn sứ Xôphônia mà kêu gọi họ tìm kiếm sự công chính và đức khiêm nhường, tìm kiếm chính Thiên Chúa để được Người đoái thương.

    - là Đấng đã chọn những người nghèo hèn trong cộng đồng Côrintô của thời Thánh Phaolô làm các Kitô hữu.

    - là chính Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã không chỉ long trọng công bố Hiến Chương Nước Trời với tám phương cách có được PHÚC TRỜI (Bát Phúc) mà còn mời gọi tất cả mọi người sống Tám Mối Phúc Thật ấy như chính Người đã sống và quảng bá Tám Mối Phúc Thật ấy là

    (1o) sống khiêm nhường và khó nghèo,

    (2o) sống hiền lành,

    (3o) chấp nhận sầu khổ,

    (4o) khao khát sự công chính,

    (5o) thương xót người,

    (6o) trong sạch,

    (7o) kiến tạo hòa bình và

    (8o) chịu bách hại, thiệt thòi vì Chúa và vì Tin Mừng.

    3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng  ta làm gì?)

    Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là hãy sống Tám Mối Phúc Thật tức

    (1o) sống khiêm nhường và khó nghèo,

    (2o) sống hiền lành,

    (3o) chấp nhận sầu khổ,

    (4o) khao khát sự công chính,

    (5o) thương xót người,

    (6o) trong sạch,

    (7o) kiến tạo hòa bình và

    (8o) chịu bách hại, thiệt thòi vì Chúa và vì Tin Mừng.  

    Đó chính là căn tính và chân dung của những người muốn đi theo Chúa!

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Chúa Cha quyền năng và yêu thương trong đường lối  quan phòng khôn ngoan và kỳ diệu là chọn lựa những người nghèo hèn làm thành phần Dân Chúa.

    Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã công bố và sống Hiến Chương Nước Trời và mời gọi mọi người sống theo Người, để được hạnh phúc thật.  

    Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và tác thành trong chọn lựa của Chúa Cha cũng như trong lời nói và việc làm của Chúa Con là Đức Giê-su Na-da-rét.  

    4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa, là Sống Tám Mối Phúc Thật hay Hiến Chương Nước Trời, tức:

    * sống khiêm nhường và khó nghèo,

    * sống hiền lành,

    * chấp nhận sầu khổ,

    * khao khát sự công chính,

    * thương xót người,

    * trong sạch,

    * kiến tạo hòa bình và

    * chịu bách hại, thiệt thòi vì Chúa và vì Tin Mừng.  

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH 

    [Ghi chú: Nên chọn 4 ý trong 8 ý cầu nguyện dưới đây làm lời cầu nguyện giáo dân]

    5.1 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn cố gắng sống khiêm nhường và khó nghèo như Chúa Giêsu Kitô!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.2  “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho toàn thể Dân Chúa, để mọi Kitô hữu sống hiền lành và khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt mọi người!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.3  “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người đang gặp gian nan khốn khó, để họ được Thiên Chúa là Tình Thương an ủi và nâng đỡ!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.4 “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chính chúng ta và cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, để ai nấy khát khao sự công chính và thánh thiện!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.5 “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người giầu có và quyền thế trong xã hội, để họ nhạy bén trước nỗi khổ của tha nhân và tích cực cứu giúp những người túng thiếu!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.6 “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách riêng cho các bạn trẻ, để họ biết quý trọng và gìn giữ đức khiết tịnh!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.7 “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các tổ chức và cá nhân đang nỗ lực xây dựng sự hiểu biết, tôn trọng và cảm thông lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.8 “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người đang bị bách hại vì công lý và sự thật, vì niềm tin và quyền con người để họ được Thiên Chúa nâng đỡ, chở che và bênh vực!

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    Sài-gòn ngày 25/1/2023

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                             

     

     

    --

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -

  •  
    Song Loi Chua

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM A (22/1/2023)

    CHÚA GIÊSU LÊN TIẾNG VÀ HÀNH ĐỘNG

    [Is 9,1-4 (Hr 8, 23b-9,3; 1 Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤLỜI CHÚA

    Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Thường Niên Nam A cho chúng ta tiếp cận với những công việc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã thực hiện để rao giảng Tin Mừng Nước Trời sau khi Người đã ra mắt công chúng một cách đầy ấn tuợng (xem Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa): Chúa Giêsu đã chọn Capharnaum làm địa bàn hoạt động và bắt tay vào việc tuyển lựa các môn đệ.

    Chúng ta hãy đặt mình vào đám đông quần chúng để lắng nghe lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Các anh hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.

    Và hơn nữa, chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của Phêrô và Anrê, của Gioan và Giacôbê để đón nhận lời mời gọi thân tình của Người: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."

    Vậy thì sám hối chào đón Nước Trời và đi theo Chúa để chinh phục người khác cho Chúa là những công việc Chúa Giêsu Kitô chờ đợi ở mỗi người chúng ta.

     
    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b - 9,3): "Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại" Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Cr 1,10-13.17): "Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ"  Anh em thân mến, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: "Tôi, tôi thuộc về Phaolô; - "Tôi về phe Apollô"; - "Còn tôi, tôi về phe Kêpha"; - "Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô". Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Đức Kitô ra hư không.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 4,12-23): "Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo"  Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Ca-pharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

    Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"

    Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

    Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

    Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

    - Là Đấng đã có kế hoạch từ muôn đời là chọn vùng đất dân ngoại làm địa bàn đổ tràn ơn sủng vì Người chọn dân cư vùng đất ấy làm đối tượng yêu thương và cứu độ (bài đọc 1).

    - Là Đấng đã chọn Thánh Phaolô làm Tông đồ dân ngoại để Thánh Phaolô rao giảng Chúa Giêsu bị đóng đinh thập giá bằng sức mạnh của Thánh Thần và để Thánh Phaolô xây dựng cộng đoàn các tín hữu yêu thương đoàn kết (bài đọc 2).

    - Là chính Chúa Giêsu Nadarét, Nguời đã chọn Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali là vùng dân ngoại, làm đại bản doanh hoạt động Tông đồ, đã kêu gọi dân chúng sám hối để đón nhận Nước Trời và tuyển chọn bốn ngư phủ Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê làm môn đệ đầu tiên để họ cộng tác với Chúa trong sứ vụ cứu độ (bài Phúc Âm).

     

    3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

    Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là:

    "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần"

    "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá"

    tức thành các môn đệ lo việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời và giúp người ta nhận ra và thờ phượng Chúa.

     

    IV. SỐNG VỚI  CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Chúa Cha quyền năng và yêu thương trong kế hoạch ban on cứu độ cho mọi người, mọi dân và trong việc cho Ngôi Hai xuống thế làm người rao giảng Tin Mừng, kêu gọi hoán cải và tuyển lựa các môn đệ.

    Sống với Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô là Sứ Giả, Vị Thiên Sai của Thiên Chúa, Đấng đã công khai kêu gọi người ta thay đổi cuộc sống cho phù hợp với Nước Trời, đã mời gọi mọi Ki-tô hữu đi theo Người.   

    Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ngự nơi Chúa Giêsu để hỗ trợ Người trong sứ vụ Mêsia.   

     

    4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa cụ thể là:

    Để thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Người chúng ta :

    (a) Cảm tạ Thiên Chúa Cha đã có kế hoạch cứu độ hết mọi chúng sinh và đã dành ưu tiên cho dân ngoại.   

    (b) Cảm tạ Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta sám hối hoán cải thay đổi cuộc sống và đã mời gọi nhiều người - trong đó các môn đệ và chúng ta - đi theo Người tức làm môn đệ của Người để lo phần rỗi con người.

    (c) Hăng say nhiệt thành đáp lại lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu Kitô: xét xem  chúng ta cần thay đổi lãnh vực nào trong đời sống (tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với chính mình, tương quan với của cải vật chất và thiên nhiên)? và chúng ta chọn biện pháp nào để thay đổi một cách hữu hiệu và lâu bền nhất? 

    (d) Hăng say nhiệt thành đáp lại lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô: xét xem chúng ta đã và đang dấn thân như thế nào cho sứ vụ được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời và cứu độ chúng sinh?

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trong cảnh u mê tăm tối và làm nô lệ cho vật chất chóng qua để họ nhận ra ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa quyết tâm theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường chinh phục các tâm hồn cho Thiên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Anh em thân mến, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong giáo xứ chúng ta, để mọi người sống yêu thương, đoàn kết với nhau như Chúa mong muốn và như Thánh Phaolô khuyên nhủ.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.4 «Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người sai đàng lạc lối để họ biết ăn năn sám hối và thay đổi đời sống để vào được Nước Trời.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sài gòn ngày 21/1/2023                   

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.     

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
    KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ ANH CHỊ EM MỘT NĂM MỚI TRÀN ĐẦY PHÚC LỘC CỦA CHÚA. CÀNG THÊM TUỔI CÀNG CHÍN MUỒI TRONG ÂN SỦNG NGÀI.
     
     
     
     

    MỞ RỘNG TẦM NHÌN

    Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”; “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”.

    “Tiền thường xen vào giữa Chúa và người. Chỉ cần giữ hai xu nhỏ trước mắt, bạn sẽ không nhìn thấy những ngọn núi. Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa chúng ta với Chúa; chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn, và chúng ta không bao giờ thấy Ngài. Hãy ‘mở rộng tầm nhìn’, đừng che khuất nó!”. Đó là nhận định thú vị của Cedric Gowler!

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn!”. Hôm nay, đầu Năm Mới, Lời Chúa mời gọi chúng ta “‘mở rộng tầm nhìn’, đừng che khuất nó!”. Nghe lời Chúa Giêsu, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”; đừng lo lắng theo cách thế gian, “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”.

    “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Điều Chúa Giêsu dạy được thánh Ignatiô gọi là ‘dửng dưng’ đối với vật chất. Rõ ràng, một số vật chất như bánh ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng thái độ ‘dửng dưng’ đối với chúng không phải là người đó không quan tâm, trái lại, đó là một người rất quan tâm! Họ quan tâm có nhiều thứ và chỉ sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân vì lợi ích của Ngài.

    Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói, rất khác, so với việc liệu tôi sẽ có thức ăn vào tháng tới hay không; lo lắng về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế, rất khác, so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu trong những năm tới; băn khoăn vì không có tiền nhà để trả cho chủ tháng này, rất khác, so với việc tự hỏi, liệu khi nào tôi giàu!

    Cũng thế, lo lắng và bận tâm về tương lai là lãng phí thời gian và năng lượng; ấy thế, chúng ta lại ‘say mê’ chúng! Bởi lẽ, lo lắng không bao giờ rút bớt được nỗi buồn của ngày mai, nó chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay. Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời chúng ta ngước nhìn chim trời và những bông hoa đồng nội. Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình, những con chim hồn nhiên bay lượn, những bông hoa xinh tươi trước Đấng chăm sóc chúng. Những con chim thanh thoát và những cánh hoa ngu ngơ đẹp làm sao! Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi, vậy thôi! Đừng quên, Đấng chăm bẵm chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó như bài đọc Sáng Thế hôm nay nhắc nhở.

    Vậy mà, chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc trăn trở tương lai. Thật phi lý! Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại. Không ở đâu khác! Nếu cứ nhìn về phía trước hay ngoái nhìn phía sau, sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì lẽ, hạnh phúc đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm. Cha Mello nói, “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!”. Cuộc sống sẽ thay đổi ra sao nếu chúng ta thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua! Vì hạnh phúc chỉ có thể có trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc hôm qua không còn nữa; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ bạn không hạnh phúc, bạn sẽ không bao giờ…!

    Anh Chị em,

    “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái định hướng cụ thể cho những tháng ngày sắp tới. Chúng ta tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất, vĩnh hằng nhất. Nhưng tất cả “gì” của thế gian này đều ngắn ngủi, bèo bọt so với Nước Thiên Chúa. Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là chính Chúa; có Chúa, có tất cả, không chỉ đời này mà cả thiên đàng đời sau. 365 ngày đang mở ra, chắc chắn vui và buồn, hạnh phúc và khổ đau sẽ đan xen. Nhưng nếu biết ‘mở rộng tầm nhìn’ vào Cha trên trời như Chúa Giêsu đề nghị, chúng ta tin tưởng, an tâm vững bước. “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho”, đó là một tầm nhìn và cách nhìn đúng đắn nhất. Phaolô thật chí lý qua thư Philipphê hôm nay, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin ‘mở rộng tầm nhìn’ của con, hầu con có thể tự tin đi vào Năm Mới với đôi tay rộng mở để nhận và để trao!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     

    LÊN NÚI

    “Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Ngài muốn gọi”.

    Napoléon tiến quân chinh phục Ai Cập. Sau nhiều tuần vượt biển, đoàn quân của ông đổ bộ tại một chân núi; lập tức, ông buộc mọi người tiến lên đỉnh. Một buổi sáng, từ đỉnh núi, ông yêu cầu mọi người nhìn xuống; bên dưới, tất cả xà lan, tàu thuyền của họ đang bốc cháy theo lệnh ông! Thông điệp ông gửi cho đoàn quân là “Quyết thắng!”, không còn chọn lựa nào khác. Đoạn, ông gọi tên các vị chỉ huy và một số binh lính mà ông đã nghiên cứu lý lịch từng người; ông hỏi han gia đình, gốc gác, chiến tích mà người ấy đã có được. Bằng cách này, ông truyền cảm hứng cho họ. Và ông đã chiến thắng! Napoléon quả là một thiên tài quân sự bẩm sinh!

    Kính thưa Anh Chị em,

    Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh Napoléon được gặp lại nơi Chúa Giêsu; có khác chăng, Ngài không đốt một chiếc thuyền nào, cũng không cần nghiên cứu trước lý lịch của một ai. Như Napoléon và binh lính lên núi, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng lên núi; ông gọi tên, Ngài cũng gọi tên! Đó là “những kẻ Ngài muốn gọi”; và Ngài trao cho họ sứ vụ. Thế nhưng, trao sứ vụ và gọi tên chỉ xảy ra sau khi Thầy trò ‘lên núi’. Tại sao? Một câu hỏi thú vị!

    Hành động đem môn đệ ‘lên núi’ của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa sâu sắc. Núi là biểu tượng cho hành trình của người môn đệ tiến về phía Chúa Cha, điểm đến cuộc đời họ; đó là dấu chỉ cho thấy người môn đệ đang mỗi ngày tiến về phía Ngài; và núi cũng tiết lộ rằng, người môn đệ chỉ được gọi tên, được trang bị để lên đường chỉ sau lần gọi đầu tiên họ ‘lên núi’ gặp Ngài.

    ‘Núi’ mà người môn đệ được mời gọi đi lên trước hết là cầu nguyện. Hàng ngày, họ ‘lên núi’ để gặp Chúa của mình trong cầu nguyện; họ tìm kiếm Ngài cách bền bỉ, mật thiết và thâm tín. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với Ngài, đến nơi Ngài mong mỏi để mỗi người “ở với Ngài”, cùng Ngài đắm chìm trong sự hiện diện vinh quang của Cha. Trừ khi ‘lên núi’ với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không bao giờ trang bị đủ cho mình những gì cần thiết để hoàn thành sứ vụ. ‘Lên núi’ không chỉ với xác thân, lời cầu, nhưng cả với tư tưởng lẫn tâm hồn. Người môn đệ Giêsu phải luôn hướng thượng, suy nghĩ và hành động vượt trội chứ không tầm thường, bé nhỏ.

    Tin Mừng còn nói đến việc gọi tên Nhóm Mười Hai. Không ai biết điều này có liên quan đến việc Thầy trò ‘lên núi’ hay không, nhưng một điều thú vị là, sau khi Thầy trò ‘lên núi’, Marcô liệt kê danh sách mười hai vị, và điều này cũng mang một ý nghĩa đặc biệt! Trong mọi đấng bậc, Chúa Giêsu gọi tôi bằng tên để tôi ở bên Ngài. Gọi tên tôi, Ngài chạm đến nơi sâu thẳm tâm hồn tôi; ở đó, Ngài đào sâu những vực thẳm. Ngài biết tôi là ai, tôi thế nào; tâm tưởng tôi làm sao. Gọi tôi bằng tên chỉ vì Ngài xót thương, bất chấp tôi bất xứng đến mức nào, kể cả đến mức ‘Giuđa Iscariot’; bởi lẽ, Ngài luôn hy vọng, vì Ngài là Thiên Chúa xót thương. Thư Do Thái hôm nay thổ lộ, “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng”.

    Anh Chị em,

    “Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Ngài muốn gọi”. Không khôn ngoan kiểu thế gian như Napoléon, Chúa Giêsu mời bạn và tôi ‘lên núi’ với Ngài trong yêu thương để gặp Chúa Cha mỗi ngày; Ngài không cưỡng bức nhưng ‘làm gương’, vì Ngài biết việc ‘lên núi’ là sống còn của hồn tông đồ. Ngài gọi tên mỗi người mà không cần hỏi ai trước; Ngài gọi bạn và tôi với tất cả những gì chúng ta là; Ngài không đòi hỏi, cũng không đợi bạn và tôi tốt hơn. Không! Ngài gọi tên chúng ta từng ngày để bạn và tôi liên kết với Ngài, ở với Ngài; từ đó, truyền cho chúng ta tình yêu, sinh lực và sức sống, ngõ hầu mỗi người ra đi làm chứng cho Ngài cách tự do và tự nguyện.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa gọi con ‘lên núi’ để con được ở với Ngài. Xin cho con không ngại mỗi ngày ‘lên núi’ để múc lấy sức sống, hầu con sẵn sàng ‘xuống núi’ làm chứng cho Tin Mừng!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories