NẺO ĐƯỜNG THEO CHÚA KITÔ

Chúng ta tuân giữ các giới răn mà Tin Mừng khuyên tuân giữ để trở nên “Kitô hữu tốt lành”. Rồi đôi khi giống như người giàu có trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy mình tương đối hài lòng về chính mình. Chúng ta tin rằng chúng ta đã đạt đến một mức độ hoàn hảo nhất định, bởi vì chúng ta đã tuân giữ lề luật của Thiên Chúa và Hội Thánh khá trọn vẹn… nhất là khi so sánh với bao người khác còn “bê tha lỗi tội nặng nể”.

  1. Đến và theo Chúa Giêsu: chuẩn mực để có được sự sống đời đời

Người giàu có đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Có lẽ ông ta nghĩ rằng mình có điều gì đó tốt lành ông ta đã làm được khiến ông ta xứng đáng được hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Não trạng này là điều hoàn toàn có thể xảy ra nơi dân Do thái thời Chúa Giêsu khi mọi thứ trong đời sống đều được đánh giá theo mức độ tuân giữ lề luật Môsê, nhiều khi đến mức chi li, ngặt nghèo. Vì thế điều trước tiên Chúa Giêsu làm là đặt ra một câu hỏi: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc10:18). Qua đó Chúa Giêsu xác định chuẩn mực của sự nhân lành: chỉ một mình Thiên Chúa là nhân lành.

Việc tuân giữ các điều răn, trọn vẹn bao nhiêu có thể, giúp con người sống tốt lành ở trần gian. Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của các giới răn đó. Chính Ngài kể ra các giới răn mà người ta, bất kể ở nơi nào và thời đại nào, chủng tộc, văn hóa, xã hội, hệ thống pháp luật nào, đều cần phải thực hiện nơi trần thế này: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:19) và Ngài hỏi người giàu có: “Hẳn anh biết các điều răn đó” (Mc 10:19). Người ấy trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Vấn đề là ông ta không chỉ muốn những phúc lành mà việc tuân giữ các lề luật đem đến cho ông ta trên trần gian mà còn cả cuộc sống vĩnh cửu. Một mức độ hoàn toàn khác, đúng hơn đó là một cảnh giới khác biệt “một trời một vực”. Mặc dù ông ta không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, nhưng những điều này không thể mang lại cho ông ta phúc lành đời đời. Chỉ có một con đường mà Chúa Giêsu đã đến thế gian này để mở ra. Cần phải theo Ngài đi vào con đường ấy với tấm lòng xa khỏi những dính mắc trần gian. Vì vậy, Chúa Giêsu trả lời anh: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21).

Câu nói của Chúa Giêsu chứa đựng những động từ: “đi, bán, đến và theo”. Chính mối tương quan gắn kết “đến và theo” Chúa Giêsu mới là chuẩn mực để có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chính Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi người giàu có khi xưa, và chúng ta ngày nay, đi vào trong tương quan gắn kết đó, bất kể chúng ta đã tuân giữ lề luật đến mức độ nào.

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10:22). Biết bao nhiêu người như anh ấy! Dù họ biết rằng còn thiếu điều gì đó để hạnh phúc vẹn tròn khi nghĩ về tương lai; nhưng họ vẫn muốn bám giữ vào của cải đời này, không từ bỏ bất cứ điều gì, đặc biệt là không “đến và theo” Chúa Kitô. Họ thấy rằng Chúa không có sức hấp dẫn đối với lòng họ. Những trò vui trần thế còn nhiều và chẳng tội gì hy sinh thực tế hiện tại này cho một tương lai không chắc chắn, chưa tới. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nhiều vất vả, khốn đốn, mới tạo ra được của cải hiện tại, không thể bỏ đi mà không ảnh hưởng tới những ngày sắp tới “biết ra sao ngày mai”. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ đi theo con đường này thì rốt cuộc, sớm muộn, chúng ta sẽ phải mất tất cả, chịu bất hạnh vĩnh viễn: “Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Khi “đến và theo Chúa”, sử dụng của cải đời này vì lợi ích xác hồn của những người nghèo, những người thiếu thốn vật chất, tinh thần chung quanh mình, chúng ta không đánh mất của cải đó; trái lại, chúng được biến đổi thành những phúc lành trên trời và vĩnh cửu: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu… Vậy hãy lo tìm Nước của Ngải, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho… Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12: 15, 30, 33).

  1. Của cải trần gian và sự sống đời đời

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10: 23). Câu nói này khiến các môn đệ sững sờ (Mc 10:24) vì trong Cựu Ước, giàu sang phú quý được coi là phần phúc lộc của Thiên Chúa, và sự giàu sang ấy là ngay chính: “Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. Gia đình họ phú quý giàu sang, đức công chính của họ tồn tại muôn đời” (Tv 112: 2-3). Giàu sang như ông Abraham (St 13) hay ông Gióp (1-2;42,10-15) là phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đấng khai mở Tân Ước, không dừng lại trước sự ngạc nhiên lớn lao của các môn đệ, Ngài nhấn mạnh thêm nữa: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10: 25), trong đó “phúc lành” không còn là một vùng đất hay của cải trần gian nhưng là Thiên Chúa, sự sống đời đời. Ở đây một lần nữa, các môn đệ không đi vào suy nghĩ của Chúa Giêsu. Họ ngạc nhiên và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10:26). Trong sự cai quản của Thiên Chúa, của cải trần gian thuộc về tất cả mọi người, là “của đồng lần thiên hạ tiêu chung”, nhưng Thiên Chúa giao cho những người giàu “quản lý” không phải để họ tiêu xài, thỏa mãn những ham muốn của riêng mình,  nhưng phải phân phối lại cho những người khác. Thiên Chúa ban phúc cho họ: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình… Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc” là để “đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ” (Tv 112:5-9). Nhưng người ta ngày nay, giống như các môn đệ ngày xưa, vẫn hiểu rằng những của cải trần thế này không liên quan gì đến sự sống vĩnh cửu, vì những của cải ấy chỉ có thể được hưởng thụ ở dưới trần gian này mà thôi. Thậm chí chúng ta tin rằng những người giàu có, dường như là đối tượng được Chúa ưu ái, có đủ điều kiện làm những việc lành để vào Nước Chúa dễ dàng hơn. Chúng ta xem xét mọi việc theo công trạng của con người chứ không theo quan điểm ân sủng của Thiên Chúa. Sự thật là những của cải này có ma lực nắm giữ trái tim và gắn chặt lòng dạ con người vào trần gian, tạo ra một trở ngại to lớn ngăn cản người ta từ bỏ mọi thứ để chiếm lấy một kho báu thiêng liêng và vĩnh cửu, có thật, dù tạm thời còn mờ nhạt: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cor 13:12). Kho báu ấy đang ẩn giấu trong một Chúa Kitô “sống vô gia cư chết vô địa táng”, không có chỗ tựa đầu (Lc 9:58), trong một thế giới mà con người duy vật coi của cải vật chất là giá trị tuyệt đối. Trong thế giới đó, những người nghèo, hầu như không có gì để hưởng thụ, bị coi khinh, bỏ rơi, lãng quên, lại dễ dàng mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18). 

  1. Sức mạnh của Thiên Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta

Khi các môn đệ hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10: 26). Chúa Giêsu trả lời: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Thiên Chúa có thể làm mọi sự, và Ngài đã làm mọi sự cần thiết để những người lạc lối, hư hỏng, đáng thương, không có khả năng làm gì, có thể tìm thấy một ơn cứu độ hoàn hảo mà Ngài ban tặng miễn phí cho bất cứ ai chấp nhận nhờ đức tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn con người bằng con mắt khác hơn là con mắt của quan tòa xử án theo luật: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Chúa Giêsu nhìn chúng ta trước và Ngài yêu thương chúng ta không vì bất cứ công trạng nào của chúng ta!

Mọi sự bắt đầu từ ánh nhìn yêu thương của Chúa Giêsu. Chính vì Ngài yêu thương con người vô điều kiện, nên Ngài tin tưởng khích lệ người giàu có, cũng là khích lệ chúng ta: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Mục đích của việc “đi và bán những gì anh có mà cho người nghèo” chính là “đến và theo tôi” Thực tế, người giàu có đã đến với Chúa Giêsu rồi, nhưng có điều ông ta đến nhưng chưa theo Chúa. Lối sống của người giàu có này có vẻ rất đáng kể. Chính ông ta chủ động đến với Chúa Giêsu, hỏi một câu hỏi nghiêm túc và quan trọng nhất trong đời người: làm gì để được sự sống đời đời. Câu hỏi của ông rất thực tế: nên làm gì? Ông dường như sẵn lòng làm theo những gì Chúa Giêsu Kitô bảo để đạt được sự sống đời đời. Chúa Giêsu ban cho ông một món quà. Ngài yêu cầu ông ta đi theo Ngài, giống như Ngài đã từng nói với các tông đồ: “Các anh hãy theo tôi” (Mc 1:16-20). Chúa Giêsu yêu mến những người có thiện chí. Ngài cho chúng ta biết điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời: từ bỏ mọi sự để hiến thân hoàn toàn cho Ngài. Đề nghị của Chúa Giêsu dường như đảo ngược mọi nỗ lực của chúng ta. Sự sống đời đời không phải là kết quả của mọi dự tính hay cố gắng trở nên hoàn thiện của chúng ta, mà từ ân huệ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính khi coi mọi sự trần gian là không đáng kể và bước theo Chúa Giêsu mà chúng ta nhận được sức mạnh để bắt đầu chu toàn lề luật và thậm chí hơn cả lề luật, để sống trong Thánh Thần. Chúng ta hãy để cho mình được cái nhìn yêu mến của Ngài đánh động và đáp lại lòng yêu mến đó.

Đôi khi chúng ta quá bận tâm đến công ăn việc làm kiếm tìm tiền của vật chất đến nỗi không thể dành một chút thời gian để cầu nguyện, dạy giáo lý, thăm nom phục vụ những người cơ nhỡ chung quanh mình. Mỗi chúng ta đều có một hình thức gắn bó nào đó với mọi thứ trên trần gian. Xin Chúa giúp chúng ta đừng để của cải trần gian lấp đầy tâm hồn chúng ta: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6:7), nhưng chính Chúa Giêsu Kitô mới là “nguồn giàu sang phú quí” (2 Cor 8:9) đích thực của chúng ta. Chọn Ngài là chọn mọi sự như Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm 6:17-19).

Phêrô Phạm Văn Trung.