3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     


     
    THỨ HAI - CN2MV--A

    TRỞ NÊN MỘT NGƯỜI BẠN

    TIN MỪNG LUCA 5, 17-26: CHỨA CHỮA NGƯỜI BẠI LIỆT

    “Không tìm được lối đem người ấy vào, họ lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Chúa Giêsu”.CÂU 19

    Phillips Brooks, một giáo sĩ rất bận rộn, nhưng sẵn sàng dành thời gian cho bất cứ ai. Trước khi Brooks qua đời, một bạn trẻ viết thư hỏi bí quyết về sức mạnh và sự thanh thản của ông; Brooks hồi âm, “Càng về chiều, tôi càng xác tín, những ngày cuối đời là những ngày bình an, viên mãn nhất đời mình. Đó là một sự hiểu biết sâu sắc hơn, chân thật hơn về tình yêu đối với Chúa Giêsu. Tôi không thể diễn tả nó; nhưng Ngài đang ở đây, Ngài biết tôi và tôi biết Ngài, một điều thực nhất trên thế giới; và mỗi ngày, nó càng thực hơn. Tôi tự hỏi, sự hiểu biết này sẽ phát triển đến mức nào nếu những ngày này cứ mãi kéo dài? Vì Ngài đã thực sự ‘trở nên một người bạn’ của tôi!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Ngài đã thực sự ‘trở nên một người bạn’ của tôi!”. Đồng tình với Brooks, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào ‘những người bạn’ của một người bất toại; để qua đó, chiêm ngắm ‘Giêsu’, một người bạn của tất cả những ai muốn có Ngài là bạn; và đến lượt họ, ‘trở nên một người bạn!’.

    Tin Mừng nói, “Họ không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông”; nên họ đã đưa ra một quyết định không thể táo bạo hơn để có thể đặt được người bạn èo uột của mình trước Chúa Giêsu. Có thể nói, những người bạn tốt lành này là một phần của phép lạ; vì không có họ, phép lạ chữa lành đã không xảy ra. Đó là những người bạn đầy lòng tin; không tin, làm sao họ có thể tạo nên ‘một màn diễn’ ngoạn mục có một không hai đến thế! Chúa Giêsu không thể lờ đi những gì ‘đong đưa’ trên đầu Ngài và đang xảy ra trước mặt Ngài; Tin Mừng nói, “Thấy lòng tin của họ…”. Phải, Ngài đánh giá cao cái họ đang có, lòng tin; lòng tin của những người bạn và lòng tin của chính bệnh nhân. Mùa Vọng, mùa ‘trở nên một người bạn’ đầy lòng tin! Và thật thú vị, ‘trở nên một người bạn’ đầy lòng tin là phép lạ thực sự của Mùa Vọng, còn hơn cả được chữa lành.

    Bài đọc một hôm nay nói, “Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và làm vững mạnh những đầu gối rã rời… Này đây Thiên Chúa các ngươi đến!”. Những lời đầy khích lệ của Isaia một lần nữa được lặp lại trong Thánh Vịnh đáp ca, “Kìa Thiên Chúa chúng ta đến cứu chúng ta!”. Mùa Vọng, mùa mỗi người ‘trở nên một người bạn’, sẵn sàng nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, làm mạnh những đầu gối rã rời; mùa mỗi người nói với những tâm hồn xao xuyến rằng, “Can đảm lên, Chúa đang đến!”. Và cách tốt nhất, nhanh nhất để làm các điều đó cho các tâm hồn là đưa họ đến với Chúa Giêsu, Ngài là “Thánh Lộ” như Isaia nói. Có Giêsu, sa mạc sẽ mừng vui, đồng khô sẽ hoan hỷ; vì lẽ, ‘Giêsu’ là mạch suối vọt lên nơi hoang địa linh hồn, là sông chảy nơi đồng vắng lòng người; với Ngài, người mù sẽ thấy, người điếc sẽ nghe, và người què sẽ nhảy nhót như nai rừng!

    Anh Chị em,

    “Ngài đã thực sự ‘trở nên một người bạn’ của tôi!”. Giêsu, một người bạn, cũng là Đấng giải thoát; một người bạn mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận dễ dàng bất cứ cách nào, bất cứ lúc nào, miễn sao họ đến được với Ngài. Mùa Vọng, mùa nhắc nhở chúng ta, Ngài là “Một Người Bạn Cứu Độ”, và tuyệt vời hơn, Ngài còn là một người bạn lý tưởng cho tất cả những ai muốn ‘trở thành một người bạn’. Hôm nay, trên các bàn thờ, Ngài đang tiếp tục trở nên một người bạn “hiến mình cho kẻ mình yêu”, cách riêng cho những ai muốn bắt chước Ngài để hiến thân phục vụ anh chị em mình. Có được cảm thức đó, chúng ta mỏi mong gặp Ngài và dẫn đưa những người khác đến với Ngài. Thế giới đang bất an, biết bao con người đang mỏi mệt và rã rời. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên những người bạn, những ‘Giêsu khác’ cho tha nhân trong môi trường mình.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin chữa lành con, để con thuộc trọn về Chúa, ‘trở nên một người bạn’ thiết thân của Chúa; để từ đó, con có thể ‘trở nên một người bạn’ của bất cứ ai!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     
     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - CN2MV-A

  • ;, MINH ANH
     
    TIN MỪNG MAT 3, 1-12 - CN2MV-A
     

    RẤT DỮ DỘI NHƯNG CŨNG RẤT THÁNH THIỆN

    “Nòi rắn độc kia! Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”.(C.7)

    Nói về việc biện minh cho tội lỗi, Ancil Jenkins tóm tắt một cách rất thú vị, “Biết bao lần chúng ta biện minh cho tội lỗi bằng cách gọi nó bằng một tên khác! Chúng ta bào chữa cho tính tham lam bằng cách gọi đó là “thận trọng” hay “cần kiệm”; một cuộc sống dục lạc là “sống với sự thích thú”. Trả lời một nhà phê bình, A. Lincoln đã hỏi, “Con bò có mấy chân?”, “Bốn!” là câu trả lời. “Nếu bạn gọi cái đuôi của nó là một cái chân, thì nó có mấy chân?”, Lincoln hỏi. “Năm!”. “Không! Chỉ gọi cái đuôi là chân, không có nghĩa nó là một cái chân!”. Chúng ta đã phạm một sai lầm tương tự? Chúng ta nghĩ, tội không phải là tội, chỉ vì chúng ta không gọi đúng tên nó?”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Chỉ vì chúng ta không gọi đúng tên nó!”. Nhận định của Jenkins được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi Gioan Tẩy Giả gọi ‘đúng tên’ những người Pharisêu và Saduccêô, “Hỡi nòi rắn độc kia!”. Rất dữ dội. Đúng! Vậy mà lời Gioan ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện!’.

    Nó rất dữ dội khi Gioan, người đã trở nên khá nổi tiếng và được kính trọng, được coi là một tiên tri vĩ đại, đã gay gắt gọi những người Pharisêu và người Saduccêô là “Nòi rắn độc”. Đây không phải là cách họ thường nghe! Gioan phải nói theo cách này, bởi đó là sự thật. Các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã không dẫn dắt bất cứ ai đến gần Chúa hơn. Chỉ cần suy gẫm những gì Chúa Giêsu, cuối cùng, sẽ nói với hai hạng người này để hiểu các nhà lãnh đạo này đã trở thành loại người nào. Ngài đã gọi họ là “mả tô vôi”, là “những kẻ dẫn đường đui mù…”. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là những lời xót thương! Vì vậy, những lời của Gioan chắc chắn là dữ dội; tuy nhiên, ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện!’. Nó là thánh vì “nòi rắn độc” này cần được thanh tẩy. Họ cần bị lên án và thách thức. Họ cần phải khiêm tốn. Và không có gì khiêm tốn hơn là chân thành ăn năn tội lỗi của mình một cách công khai.

    Hãy lưu ý, Gioan không thẳng thừng loại trừ các nhà lãnh đạo này; thay vào đó, Gioan đòi hỏi họ phải có “bằng chứng” về sự ăn năn, “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Tại sao? Vì những thiệt hại thiêng liêng mà những người này đã gây ra cho dân chúng vì tính kiêu ngạo, tự cho mình là công chính, giả hình, thích được trọng vọng, lên án người khác… là quá lớn. Họ đã bóp méo đức tin và lề luật đến nỗi lợi ích của các linh hồn đòi hỏi họ phải có một sự thống hối công khai. Nó đòi hỏi mọi người phải nhìn thấy những hoa trái tốt lành chân thành trổ sinh từ cuộc sống của họ như một dấu hiệu cho thấy họ đã thay đổi. Mặc dù đây là một yêu cầu rất cao đối với người Pharisêu và người Saduccêô, nhưng đó là con đường nên thánh dành cho họ. Nó ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện’ là vậy!

    Anh Chị em,

    “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Nếu bạn và tôi đã để mình rơi vào một số cạm bẫy giống như người Pharisêu và người Saduccêô, thì chúng ta cũng sẽ được lợi rất nhiều từ một sự thay đổi công khai rõ ràng và khiêm tốn. Nếu đã bảo thủ với tính tự cho mình là đúng, thái độ ‘thánh thiện hơn người’ hoặc hay phán xét người khác, thì bạn có thể rất cần một sự ăn năn khiêm nhường và công khai. Hôm nay, hãy suy gẫm về hai nhóm người này; hãy cố gắng hiểu tội lỗi của họ và lý do Gioan gọi họ là “nòi rắn độc”. Nếu bạn thấy bất kỳ sự kiêu ngạo và tự cao tự đại nào của họ trong tâm hồn mình, hãy lắng nghe lời khuyên của Gioan như thể nó được nói trực tiếp với bạn; nó ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện’. “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Hãy làm điều này, và Chúa sẽ giải thoát bạn ngang qua món quà khiêm nhường đích thực mà Chúa Thánh Thần sẽ ban!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con nhìn ra tội lỗi mình và không ngại đối mặt với nó, hầu Chúa có thể giải thoát con khỏi mọi uế nhơ để con có thể vững bước trên đường nên thánh!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ - CN2MV-A

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
     

    THẦM LẶNG VÀ KÍN ĐÁO

    “Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.

    Trong nhật ký của một tử tù, người ta đọc thấy những dòng này, “Lạy Chúa, Ngài làm con bầm dập; nhưng con vô cùng mãn nguyện, vì nó đến từ tay Ngài. Chúa thầm lặng sửa phạt con, nhưng kín đáo chữa lành con! Ôi, Đấng ‘kín đáo và thầm lặng’ yêu thương con miên viễn!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Ôi, Đấng ‘kín đáo và thầm lặng’ yêu thương con miên viễn!”. Sẽ khá bất ngờ khi tâm tình của người tử tù được gặp lại qua hai bài đọc hôm nay. Lời Chúa phản ánh rất rõ một trong những tính cách của Thiên Chúa, ‘thầm lặng và kín đáo!’. Ngài thầm lặng xót thương và kín đáo chữa lành! Với Chúa Giêsu, Matthêu viết, “Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.

    Trong ngôn ngữ của bài đọc thứ nhất, Isaia tiết lộ, Thiên Chúa thầm lặng xót thương và kín đáo chữa lành dân Ngài, “Đấng Thánh của Israel phán, ‘Hỡi Sion, ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Ngài liền đáp lại!’”. Đó là “Ngày Chúa băng bó thương tích của dân, và chữa lành da bầm thịt giập”. Thánh Vịnh đáp ca nói, “Phúc cho ai biết chờ đợi Chúa!”; họ chờ đợi Ngài, bởi lẽ, Đấng ‘thầm lặng và kín đáo’ sẽ “chữa lành những tấm lòng tan nát và băng bó mọi vết thương của họ”.

    Lời hứa của Thiên Chúa qua ngôn sứ Isaia trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Matthêu trình bày sự hiện thực này theo hai cách. Trước tiên, Chúa Giêsu thường xuyên di chuyển; Ngài giảng dạy trong các hội đường, loan báo triều đại Thiên Chúa và chữa lành mọi kẻ ốm đau. Matthêu bày tỏ lòng trắc ẩn sâu xa của Chúa Giêsu cách đặc biệt đối với tất cả những ai bị loại trừ, những người không có định hướng trong cuộc sống; họ vất vưởng như chiên không người chăn. Chúa Giêsu nhất định là người có thể dẫn họ về nơi họ thuộc về.

    Thứ đến, Chúa Giêsu thổ lộ với các môn đệ rằng, một mùa gặt lớn đang chờ gặt. Cho đến nay, có thể nói, Ngài đã ‘thầm lặng và kín đáo’ làm việc một mình; nhưng đã đến lúc Ngài cần sự giúp đỡ. Vụ mùa vẫn bội thu và nhu cầu thợ gặt vẫn lớn hơn bao giờ hết. Đó không là công việc của riêng ai, nhưng là sứ vụ chung của mọi Kitô hữu. Từ ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi chúng ta là thợ gặt vốn có thể đến một góc của cánh đồng mà không ai có thể thay thế. Những người này bao gồm gia đình tôi, hàng xóm, đồng nghiệp và những con người bước vào đời tôi. Tôi có thể là người duy nhất mang sự chữa lành và lòng trắc ẩn của Chúa vào cuộc sống họ.

    Anh Chị em,

    “Ngài động lòng xót thương họ!”. Để có thể ‘ra tận cánh đồng’, nhất định chúng ta phải có một tấm lòng xót thương như Chúa Giêsu! Thật tuyệt vời, Ngài còn tiết lộ cho chúng ta một cách thức ‘ra tận cánh đồng’ không kém hiệu quả khác. Đó là cầu nguyện, “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về!”. Lửa truyền giáo còn được khám phá trong việc cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện mỗi ngày, bạn gần Chúa Giêsu hơn; và Ngài cũng nói với bạn như đã nói với các môn đệ hôm nay, “Hãy chữa lành kẻ bại liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ”. Vậy, với bạn, ai là người bại liệt, người chết, phong cùi và quỷ ám? Rất có thể họ ở chung quanh bạn, ở mức độ này hay mức độ khác. Thế giới có thể khắc nghiệt và tàn nhẫn; một số người có thể thấy mình lạc lõng và cô đơn. Ai cần một chút khuyến khích, hiểu biết và xót thương? Chúa Giêsu giao cho bạn một nhiệm vụ hàng ngày mà Ngài không giao cho ai khác, và vì lý do đó, một số người cần đến bạn. Hãy tìm kiếm họ, ‘thầm lặng và kín đáo’ tiếp cận họ, chia sẻ Chúa Kitô với họ, và ở đó vì họ!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin gửi con ‘ra tận cánh đồng’ những ai cần Chúa nhất. Cho con xác tín rằng, dù không ai biết việc con làm, nhưng Chúa đang ‘thầm lặng và kín đáo’ dõi mắt nhìn con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH
     
    THỨ SÁU CN1MV-A
     

    NGUỒN SÁNG ĐÁNG ĐỢI TRÔNG

    TIN MỪNG MAT 9, 27-31

    “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”.

    Một đan sĩ qua đời, người ta đọc được những lời này trong nhật ký, “Trong Chúa Kitô, chúng ta có: “Một tình yêu không bao giờ hiểu thấu; một cuộc sống không bao giờ chết; một lẽ thật không bao giờ nghi nan; một bình an không bao giờ mất; một chốn an nghỉ không bao giờ bị quấy rầy; một niềm vui không bao giờ vơi; một hy vọng không bao giờ tắt; một vinh quang không bao giờ lu mờ; một sự thanh khiết không bao giờ vấy bẩn; một vẻ đẹp không bao giờ tàn phai; một sự khôn ngoan không bao giờ bối rối; một tài nguyên không bao giờ cạn kiệt; một hải đăng không bao giờ bị che khuất. Chúa Kitô là nguồn sáng, một ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Chúa Kitô là nguồn sáng, một ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’”. Ý tưởng của vị đan sĩ được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay, khi chúng ta bước vào những ngày tối nhất của đông, khi đêm dài hơn và ngày ngắn lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; khi cuộc chiến Ukraine đang phủ khắp năm châu một tấm màn ảm đạm, thì Lời Chúa nêu bật chủ đề ánh sáng, Chúa Kitô, ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”.

    Bài đọc thứ nhất hứa hẹn một tương lai tràn đầy hy vọng. Isaia trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dưới dạng những sự kiện khó có thể xảy ra trong những những ngày tăm tối, “Núi Ly Băng sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng”. Nhưng đáng chú ý hơn cả là người điếc sẽ được nghe, người mù sẽ được thấy. Người thấp cổ bé miệng, không có quyền lực hay ảnh hưởng, sẽ tìm thấy niềm vui tươi mới trong Thiên Chúa; và người thiếu thốn nhất sẽ mừng vui trong Ngài, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của họ.

    Những gì Isaia tuyên sấm, nay ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu chữa cho hai người mù; Ngài đưa họ từ u minh ra ánh sáng, từ tăm tối ra ánh quang. Tuy nhiên, để có thể chữa họ, Ngài yêu cầu họ trả lời một điều, “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Họ đáp, “Thưa Ngài, chúng tôi tin!”. Trước khi chữa cho họ chứng mù loà thể lý, Ngài mời họ hãy có cho mình một cái nhìn đức tin. Đây là một cái nhìn hết sức căn bản: nhận ra Chúa Giêsu là Đấng mà qua Ngài, Thiên Chúa đang hành động một cách mạnh mẽ trong thế giới! Chính thị lực đức tin của hai người mù, tức khả năng nhìn thấy Giêsu, Con Thiên Chúa, là ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của họ, mà nhờ đó, Ngài đã có thể trả lại cho họ tầm nhìn thể chất.

    Anh Chị em,

    “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Chớ gì suốt cả cuộc đời, mỗi chúng ta vẫn có thể cậy trông Thiên Chúa cách bền bỉ. Thật an ủi, khi chúng ta già đi, tầm nhìn thể chất có thể sa sút, thì tầm nhìn đức tin lại có thể trở nên sâu sắc hơn. Quá trình lão hoá có thể có một tác động ngược so với tầm nhìn đức tin. Chúng ta có thể khó khăn khi nhìn xem mọi sự thế gian vì thị lực xấu đi nhưng lại dễ dàng quan chiêm Thiên Chúa, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ sau một đời theo Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những nhân vật vĩ đại trong các chương đầu của Phúc Âm Luca! Đó là cụ già Simêon và Anna. Phaolô cũng đã nói đến điều này trong thư Côrintô, “Dù con người bên ngoài có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng ta vẫn ngày càng đổi mới”. Vậy mà, suốt cuộc đời mỗi người, Chúa Giêsu không ngừng đặt cho bạn và tôi câu hỏi Ngài đã đặt cho hai người mù, “Con có tin không?”. Và mỗi lần được hỏi, chúng ta lại có cơ hội để trả lời ‘Có’ một cách vang dội hơn, thừa nhận Ngài là ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của mình!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, đừng để con chạy theo những ảo ảnh phù hoa; một chỉ dõi mắt theo Ngài, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của con, một nguồn sáng ban ơn cứu độ đời đời!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

    -
     
     
     
     

Subcategories