3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ SÁU

  •  LM MINH ANH
     
    THỨ SÁU CN1MV-A
    TIN MỪNG LUCA 21, 29-33

    KHOẢNG CÁCH CHỈ LÀ MỘT LỜI CẦU NGUYỆN

    “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. CÂU 31

    Charles Haddon Spurgeon nói, “Tôi xem những khó khăn của việc đọc Thánh Kinh tựa hồ những bàn quỳ mà trên đó, tôi quỳ gối để thờ phượng và chiêm ngắm Chúa hiển vinh. Những gì chúng ta không thể hiểu bằng sự hiểu biết sẽ được hiểu bằng trái tim. Kính sợ Lời Chúa là yếu tố quyết định; trong đó, tình yêu các giới răn của Ngài mang lại cho tôi một bình an lớn lao và thẳm sâu. Giữa tôi với Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Giữa tôi với Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’”. Ý tưởng độc đáo của Charles Haddon Spurgeon được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Nó ở rất gần; nhưng thật thú vị, nó cũng ở rất xa! Gần khi giữa nó và chúng ta, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện’; xa khi chúng ta chưa hoàn toàn muốn điều đó!

    Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin điều này, “Nước Cha trị đến!”. Nhưng bạn có thực sự ước ao điều đó mỗi khi cầu nguyện? Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”, nghĩa là nó đã có đó, chính Ngài; và một khi nó ở gần, nó sẽ gần theo nghĩa gấp đôi. Trước hết, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong tất cả sự huy hoàng và vinh quang của Ngài, Ngài làm cho mọi vật trở nên mới mẻ; bằng cách này, Triều Đại vĩnh viễn của Ngài sẽ đến, sẽ được thiết lập. Thứ hai, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”; vì lẽ, giữa Triều Đại đó và chúng ta ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện’; chỉ cần chúng ta nói “Vâng” và cho phép Ngài đi vào, vì khao khát của Chúa Giêsu là làm sao có thể đến để thiết lập Vương Quốc Ngài trong lòng chúng ta.

    Thế mà, thật không may, chúng ta thường không để Ngài được toại nguyện! Chúng ta thường giữ Ngài ở một khoảng cách xa xa, để Ngài đi đi lại lại trong tâm trí, vì lẽ ý muốn của chúng ta chưa hoà nhập hoàn toàn với ý muốn của Ngài. Chúng ta thường do dự trong việc trọn vẹn đón nhận Ngài và cho phép Vương Quốc Ngài được thiết lập trong lòng mình; vì thế, Ngài không vào được trái tim chúng ta. Như vậy, Triều Đại của Ngài vẫn trở nên rất xa!

    Thật trùng hợp, trong bài đọc Khải Huyền hôm nay, Gioan nói đến “thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa”; nói đến “trời mới đất mới”; hoặc như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!”. Những lời này nói lên điều gì nếu không phải là nói đến “Triều Đại Thiên Chúa” và vương quyền Ngài? “Triều Đại Thiên Chúa” là chính Chúa Kitô! Bạn có nhận ra Vương Quốc của Ngài ở gần đến mức nào không? Bạn có biết, chỉ một lời cầu nguyện và một hành động theo ý muốn của Ngài thì Chúa Giêsu có thể đến, chiếm lấy cuộc sống chúng ta nếu mỗi người đón nhận Ngài, Đấng có thể biến chúng ta thành một tạo vật mới! Bấy giờ, linh hồn trở nên “trời mới đất mới”, nên “nhà tạm của Thiên Chúa ở cùng nhân loại”. Ngài mang bình an và sự hoà hợp hoàn hảo cho tâm hồn. Ngài sẽ làm những điều tuyệt diệu và đẹp đẽ trong trái tim mỗi người. Chỉ cần chúng ta nói một lời, “Vâng”; và Ngài sẽ đến!

    Anh Chị em,

    “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về khát khao cháy bỏng của trái tim Chúa Giêsu muốn đến với bạn và Ngài những muốn thiết lập Vương Quốc Ngài trong đời sống bạn. Ngài khắc khoải được trở thành Đấng Cai Quản và là Vua của bạn; trị vì tâm hồn bạn trong sự hoà hợp và tình yêu hoàn hảo. Hãy để Ngài đến, đi vào và thiết lập Vương Quốc trong bạn. Tâm hồn bạn sẽ là một “trời mới đất mới”; và như thế, nhất định bạn sẽ trở nên “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!”. Thế nhưng, bạn phải bắt đầu bằng cách dâng trí lòng và ước muốn cho Ngài; nói với Ngài rằng, bạn muốn có Ngài, cần Ngài, khát khao Ngài, và điều đó thật dễ dàng. Vì lẽ, giữa bạn và Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’.

    Chúng ta có thể thầm thĩ,

    “Lạy Chúa, xin hãy đến và chiếm hữu linh hồn con. Cho con chọn Ngài là Chúa của con, Vua của con; cho con biết từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống mình và giao hẳn nó cho Chúa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM TRẦM PHÚC - CN1MV-A

  •  LM TRẦM PHÚC
     

    GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

    Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm A

    Lời Chúa : Mt 24,37-44

          Khởi đầu năm phụng vụ mới, Giáo Hội lưu ý chúng ta đến sự kiện then chốt của đời sống chúng ta : Chúa đến. Đây là một biến cố liên hệ đến mỗi người chúng ta. Chúa đến cho chúng ta chứ không cho ai khác. Chúng ta đang đi về với Chúa vì Chúa là cùng đích cuộc sống chúng ta, là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Chúng ta mãi mãi là lữ hành, chúng ta đang đi về với Chúa. Cuộc sống hôm nay của chúng ta có một đích điểm duy nhất đó là Thiên Chúa, nếu không thì sống để làm gì ?

           Các tôn giáo khác cũng hướng tín hữu của mình về một đích điểm cuối cùng, nhưng những người không tin thì chỉ sống rồi trở về bụi đất thôi. Vì thế, họ cố tạo cho mình một cuộc sống trần gian theo ý của họ là làm sao hạnh phúc. Hạnh phúc của họ là giàu sang, hưởng thụ tối đa, tìm hết mọi cách để sung sướng, để rồi một ngày kia ta phải chết. Vì thế cuộc sống của những kẻ không có đức tin là một cuộc chạy đua để tạo thật nhiều của cải để hưởng thụ. Những triết gia vô thần bảo rằng cuộc sống nầy là vô nghĩa. Con người trên trần gian chỉ là thừa thãi.

         Chúng ta không nghĩ như thế. chúng ta được yêu thương. Chúng ta là bằng chứng của một tình yêu vô biên. Tình yêu đó vẫn che chở, hướng dẫn chúng ta và sẽ là nguồn hạnh phúc bất diệt của chúng ta. Cuộc sống hôm nay chỉ là giai đoạn, vũ trụ nầy một ngày kia sẽ không còn. Nhưng chừng nào sẽ xảy ra ?

         Đó là vấn nạn. Chúa nói rằng không ai biết được ngày cuối cùng đó. Thời ông Nô-ê là một bằng chứng. Chúa đến bất ngờ không ai biết trước. Người ta sống vô lo. Chúa đến bất thần và mọi sự đều tan biến. Thời ông Noê, người ta sống vô lo, ngày nay cũng thế, người ta cũng vô lo, chỉ lo làm giàu, lo hưởng thụ, không cần biết sống để làm gì. Con người hôm nay không cần đến ngày mai. Nhưng đôi với chúng ta, chúng ta tin rằng có một tương lai cho chúng ta, đó là Thiên Chúa Tình Yêu. Điều răn thứ nhất và là điều răn trọng nhất là : Hãy yêu mến Chúa hết lòng hết sức vả chúng ta cũng thường đọc : Con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự. Đó là đích điểm của đời sống chúng ta. Thánh Phaolô dạy : “ Không ai sống cho chính mình cũng không ai chết cho chính mình. Sống là sống cho Chúa và chết là chết cho Chúa”. Chúng ta có nghĩ như thế không ? Chúng ta đang sống cho ai ? Chúng ta có mong ước Chúa đến không ?

          Phải, Chúa sẽ đến vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết, nhưng Chúa sẽ đến để kết thúc mọi sự vì mọi sự đều thuộc về Chúa. Nhưng Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta, sẽ kết thúc cuộc sống trần gian của chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng chờ đợi Chúa không ? Chúa dạy chúng ta canh thức như đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, như chủ nhà không để cho kẻ trộm đột nhập nhà mình.

        Mùa vọng tức là mùa chờ đợi Chúa đến. Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ cuộc sống nầy chỉ là một cuộc hành trình về với Chúa thôi. Cùng với Giáo Hội, chúng ta đón chờ Chúa với tất cả tình yêu. Chúng ta sẽ không thất vọng, vì Ngài đến với tất cả tình yêu của Ngài. Ngài sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc chúng ta đang mong chờ mơ ước. Vì thế Ngài căn dặn chúng ta: “ Hãy canh thức, đừng ngủ mê trên những ước mơ trần thế của chúng ta.

         Chúng ta cũng đang đón chờ Ngài vì Ngài đã đến trong trần gian nầy hoà mình vào kiếp sống của chúng ta. Thánh Gioan đã nói : “ Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Chúng ta cũng đang đón chờ Chúa đến, không phải để kết thúc thế gian mà để cứu vớt nhân loại, để sống với chúng ta và đem chúng ta về với Chúa Cha. Chúng ta hãy vui mừng vì Chúa đến trong cuộc đời, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Đây chính là hồng ân mà chúng ta đang chờ đợi. Hãy tỉnh thức chờ đợi, hãy dọn cho Ngài không phải một máng cỏ, nhưng là một tâm hồn đầy yêu để đón Ngài.

         Hôm nay, Ngài cũng đến với chúng ta dưới một hình thức nhỏ bé và khiêm nhường, một tấm bánh để nuôi chúng ta, để sống với chúng ta, chia xẻ mọi lao nhọc khổ đau của chúng ta. Hãy đến với Ngài, ăn lấy Ngài và cùng với Ngài yêu mến Chúa Cha.

    Lm Trầm Phúc

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ TƯ

  •  
    Chi Tran - LEYEN







    5 PHÚT LỜI CHÚA

    23/11/22THỨ TƯ TUẦN 34 TN
    Th. Clê-men-tê I, giao hoàng, tử đạo

    TIN MỪNG Lc 21,12-19


    KIÊN TRÌ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

    “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21,19)

    Suy niệm/SỐNG: Lời Chúa hứa hôm nay thêm sức mạnh cho các ki-tô hữu, giúp
    họ can đảm và kiên nhẫn chịu đựng mọi thử thách gian nan vì đức tin.
    Kiên nhẫn là khía cạnh nổi bật của lòng can đảm: dám đứng vững đến
    cùng.
    Họ chấp nhận mọi khổ hình, vì biết rằng: “Chút gian truân tạm
    thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô
    tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17); và: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình
    yêu của Thiên Chúa thể hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 8,39).
    Họ chấp
    nhận mất mạng sống - bây giờ - để được sống - đời đời, một nghịch lý
    mà chỉ có thể hiểu và chấp nhận dưới lăng kính đức tin. Môn đệ Chúa,
    Chúa luôn che chở: “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất
    đâu”. Thế thì việc gì mà sợ hãi?

    Mời Bạn CHIA SẺ:
    Ngày mai chúng ta mừng lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam. Đức
    Gio-an Phao-lô II trong dịp lễ Phong Thánh Tử Đạo (19/06/1988) đã chúc
    chúng ta: “Sống xứng đáng là con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam”.
    Để
    dám liều mạng sống minh chứng đức tin như các thánh tử đạo trước tiên
    phải dám kiên trì sống tinh thần tử đạo suốt cuộc đời.
    Trong mỗi ngày
    sống không thiếu dịp để ta tập kiên trì: một sự từ bỏ nho nhỏ, một sự
    chịu đựng điều trái ý, một thái độ vui vẻ trong cảnh thiếu thốn...

    Sống Lời Chúa: Vui vẻ đón nhận những sự cố xảy ra trái với ý mình và
    dâng việc hy sinh đó để cầu cho các đẳng linh hồn.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn kiên nhẫn chịu đựng mọi hoàn
    cảnh khó khăn, trái ý con, trong ý thức rằng “chính lúc chết đi, là
    khi vui sống muôn đời”. Amen.

    gplongxuyen.
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH- THỨ TƯ

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    TIN MỪNG LUCA 21, 12-19:
    NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC NGÀY TẬN THẾ
    THỨ TƯ CN23TN-C

    GIÁ PHẢI TRẢ

    “Người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi các con, nộp các con cho các hội đường và bỏ tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy!”.(CÂU 12)

    Một nhà thần học nói, “Giá phải trả đối với ba nhà đạo sĩ là cuộc hành trình dài với những món quà đắt tiền và cuộc sống họ đã thay đổi. Giá phải trả của các sứ đồ đầu tiên là bắt bớ và đôi khi là cái chết. Giá phải trả của các vị tử đạo trong mọi thời là mạng sống của họ. Và hơn tất cả những điều này, giá phải trả của Thiên Chúa Cha là Con Một của Ngài để cứu cả nhân loại!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Cùng với các giá cả ở trên mà giá Thiên Chúa Cha phải trả là đắt nhất, thì trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, sự chống đối và bắt bớ của thế gian là ‘giá phải trả’ của người môn đệ cho việc họ đi theo Ngài.

    Tại sao điều đó làm chúng ta ngạc nhiên? Nếu dễ dàng sống theo Phúc Âm, cả thế giới này đã đầy ắp các vị thánh. Tin Mừng thì đòi hỏi; vì lẽ, Tin Mừng cọ xát với bản chất con người sa ngã của chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta, đòi hỏi đến độ khiến người khác không ưa chuộng. Tại sao? Bởi vì những người làm điều tốt là một lời nhắc nhở gai góc cho những người không làm điều tốt. Sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta bị những hàng xóm coi thường vì nhà chúng ta có quá nhiều trẻ em; hoặc rằng, chúng ta gặp phải sự chế nhạo những thầy cô trong nhà trường vì chúng ta là những giáo viên nghiêm túc; hoặc khi tăng lương và khen thưởng, ông chủ bỏ qua chúng ta vì chúng ta đã không đóng góp cho nhóm ủng hộ phá thai. Tôi có nhận ra rằng, trở thành người Công Giáo là phải chịu bắt bớ và chịu thiệt?

    Vậy mà, Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng chống lại họ! Khi dạy đừng chống lại cũng đừng kháng cự, Ngài không bảo chúng ta cứ ngồi một chỗ và không làm gì cả; đúng hơn, Ngài muốn chúng ta vận dụng tài năng của mình để mở rộng Vương Quốc dù thuận tiện hay không thuận tiện; mời gọi chúng ta tin tưởng, cuối cùng, sự chiến thắng của điều thiện trước điều ác luôn thuộc về Ngài. Thiên Chúa có thời gian và vị trí cho mọi thứ. Trong khi chờ đợi, chúng ta được kêu gọi xây dựng Nước Trời ở bất cứ nơi nào có thể - trong gia đình, ở văn phòng, trường học, nơi cộng đồng mình. Tôi đang xây dựng Vương Quốc tại môi trường Chúa đã đặt tôi như thế nào?

    Đọc tiếp Tin Mừng, chúng ta còn nghe Chúa Giêsu căn dặn, mỗi khi bị bắt bớ và ra trước mặt quan quyền, đừng sợ phải nói gì và nói làm sao; Ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan từ trên, “Chính Thầy sẽ cho các con ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của các con không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. Một khi chúng ta ở gần Chúa Kitô trong cầu nguyện và hành động, Ngài sẽ tiếp quản cuộc sống của chúng ta từng chút một; và điều này thật khích lệ! Tính ích kỷ sẽ mất dần; trái tim của chúng ta ngày càng triển nở khi dám chết cho cái tôi của mình, “Ngài phải lớn lên, còn tôi nhỏ lại”. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải tuyệt đối tin vào Tin Mừng và tin rằng, chính Lời Chúa sẽ giúp chúng ta biết cách đáp lại cái nhìn không mấy thiện cảm của những người không tin.

    Anh Chị em,

    “Người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi các con”. Chúa Giêsu là mẫu gương chịu bắt bớ và ngược đãi. Suốt ba năm rao giảng và thi ân giáng phúc, Ngài không ngừng bị rình rập và mưu hại, mặc dù vô tội, như Ngài từng nói, “Nào ai bắt Tôi được lỗi nào!”. Ấy thế, Ngài đã nhẫn nhịn đến cùng; thậm chí, chấp nhận một cái chết tủi nhục trên thập giá. Thế nhưng, nhờ đó, Ngài đã chiến thắng các tâm hồn, chinh phục hàng triệu con tim. Phần chúng ta, nếu kiên trì sống như con cái Thiên Chúa, nhẫn nhịn như Thầy Chí Thánh của mình, một ngày nào đó, ác cảm của những người chung quanh sẽ biến thành thiện cảm, khi họ thấy sự khoan dung và hiền hậu của chúng ta; ngày nào đó, họ phải nhìn nhận có ‘một Ai đó’ đang ở trong chúng ta. Và như Chúa Giêsu, chúng ta có quyền hy vọng sẽ chinh phục được trái tim của những người anh em chung quanh mình. Tại sao không?  

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu những cảm giác cô đơn Chúa đã trải qua khi đi ngược lại các tiêu chuẩn của thế gian. Cho con luôn chung thuỷ với Chúa bất kể phải trả một giá cao nào!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     
     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  


    THỨ BA CN34TN-C
    TIN MỪNG LUCA 21, 5-11 HAY MAT 25, 1-13
    Thánh Xe-ci-li-a Trinh nữ

    VẪN CÒN MÃI

    “Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.(CÂU 6)

    “Nine One One”, “911” là cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ những ‘khoảnh khắc tận thế’ của ngày 11/9/2001, ngày toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York bị những kẻ khủng bố tấn công. “911” cướp đi 2.996 sinh mạng; trong chớp mắt, những biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ chìm trong khói và lửa. Những khoảnh khắc ấy đã là một phần ký ức, một nỗi đau không thể nào quên trong tâm trí người bản xứ và những ai yêu chuộng hoà bình.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi thay, mọi thứ có thể trải qua ‘những khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không, Ngài ‘vẫn còn mãi!’. Đứng trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.

    Như những người thưởng lãm vẻ đẹp vật chất của đền thờ, chúng ta vẫn có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’ trên thế giới. Vậy mà, thời gian, kinh nghiệm và đức tin dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chúng đang kết dệt chặt chẽ hơn, hoặc chúng đang bị sờn hoặc rời ra ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu hơn vào trái tim Ngài hoặc khiến chúng ta rời xa Ngài.

    Vậy mà Chúa Kitô vẫn là một, “hôm qua cũng như hôm nay”. Ngài là Đấng thiêng liêng ngự trong các đền thờ; Ngài là Đền Thờ, dẫu chính bản thân Ngài cũng phải đổi thay. Thân xác Ngài chịu đựng những thương tích do con người gây ra; tâm can Ngài xao xuyến bồi hồi. Không chỉ đau đớn trên thân xác, Ngài còn chịu đựng một sự cô đơn thuộc loại tồi tệ nhất khi trải qua những tác động của tội lỗi một cách sâu sắc từ vực thẳm tâm hồn - xa cách Chúa Cha, xa cách những người bạn nghĩa thiết. Tuy nhiên, tự bản chất, Đức Kitô luôn là một, vì Ngài là tình yêu, và tình yêu thì bất diệt. Ngài chịu đựng những đổi thay về thể chất và bấn loạn về nội tâm trong nhân tính của mình để chúng ta có thể dự phần vào thần tính thiêng liêng của Ngài, dự phần vào bản tính Thiên Chúa, một Thiên Chúa hôm qua, cũng như hôm nay và ‘vẫn còn mãi!’.

    Bài đọc Khải Huyền hôm nay nói đến cuộc phán xét cuối cùng khi năm phụng vụ sắp kết thúc. Đó là thời gian để chúng ta suy gẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. Những lời nhắc nhở về “mùa gặt cuối cùng” bằng những chiếc liềm sắc bén không nhằm làm sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, luôn sẵn sàng. ‘Khoảnh khắc tận thế’ của mỗi người có thể đến như kẻ trộm trong đêm; nhưng nếu chúng ta sẵn sàng thì không có gì phải lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở.

    Anh Chị em,

    “Sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”. Chúa Giêsu không xao xuyến khi biết rằng, ngay cả một thiết chế linh thiêng như Giêrusalem rồi cũng qua đi, vì Ngài biết, Vương Quốc của Thiên Chúa ‘vẫn còn mãi’. Phần chúng ta, đang ở vào thời kỳ có nhiều thay đổi trong Hội Thánh và biến động trong thế giới, tương lai sẽ rất khác so với quá khứ, bạn và tôi phải từ bỏ nhiều thứ quý giá và thân yêu như người Do Thái phải từ bỏ đền thờ. Tuy nhiên, giữa tất cả những đổi thay, chúng ta có thể yên tâm rằng, Chúa Phục Sinh ‘vẫn còn mãi’, cho dù Ngài phải chịu đựng bao tội lỗi, bao chống đối; Ngài luôn giữ mối tương quan, hiện diện đầy quyền năng với chúng ta và giữa chúng ta trong các Bí Tích, đặc biệt Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố. Ngài tiếp tục hoàn thành công việc; tiếp tục kêu gọi chúng ta sống bền chặt mối tương quan với Ngài và với nhau; và cùng Ngài, chia sẻ công việc vĩ đại của Ngài với tinh thần hy vọng và vui mừng.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, mọi sự qua đi, nhưng Chúa ‘vẫn còn mãi’. Xin lôi kéo con đến gần Chúa ngày một hơn; nhờ đó, tương quan giữa con và anh chị em con ngày càng thăng hoa trong Ngài!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories