3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    22/11/22 THỨ BA TUẦN 34 TN
    Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo


    TIN MỪNG LUCA 21, 5-11

     
    HƯỚNG VỀ ĐỀN THỜ VĨNH CỬU
     
    Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)
     

    Suy niệm: Năm 70 sau khi chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt đi 97.000 tù binh, đại tướng Rô-ma là Ti-tô đã phóng hỏa đốt thành và cho cày một luống cày chính giữa Đền thờ.

       Thế là chấm dứt ngôi Đền thờ nổi tiếng, để rồi trong suốt gần 2.000 năm, câu chúc luôn nằm trên môi miệng người Do Thái là “Hẹn năm sau về Giê-ru-sa-lem”. Những lời tiên tri của Đức Giê-su đã được ứng nghiệm!

       Thế nhưng, với con mắt đức tin, ta khám phá ra một ý nghĩa khác về ngôi đền thờ như Đức Giê-su nói: Hãy phá huỷ đền thờ này và trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại”

       Từ nay ngôi đền thờ vĩnh cửu mọi người phải qui hướng về là con người Đức Giê-su phục sinh. Mọi người đều được mời gọi bước vào Đền thờ-Đức Kitô phục sinh để gặp gỡ Thiên Chúa.

     

    Mời Bạn: Nhớ rằng thân xác mỗi người cũng là đền thờ Thiên Chúa. Phải qui hướng, gắn bó với Đức Ki-tô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Cần thường xuyên thanh tẩy đền thờ-tâm hồn bằng ơn thánh của bí tích hoà giải.

     

    Sống Lời Chúa: Tôi luôn kính trọng thân xác, không quá chiều chuộng, cũng chẳng khinh rẻ vì ý thức thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa .

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

       NHỜ ƠN CHÚA DÁNH ĐỘNG cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con, ĐỂ CON QUYẾT TÂM biến đổi tâm hồn con thành nơi cư ngụ của Chúa.

     gplongxuyen.

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH

    KÉO DÀI SỰ SỐNG

    TIN MỪNG LUCA 21: 1-4 : BÀ GÓA BÓ TIỀN NHIỀU NHẤT!

    THỨ HAI CN34TN-C

    “Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống”.(CÂU 4)

    Kính thưa Anh Chị em,

    Trong Tin Mừng hôm nay, Luca tường thuật một chuyện khó tin; rằng, có người ngồi trong đền thờ và dường như chỉ một việc, là để nhìn thiên hạ bỏ tiền vào hòm cúng. Người ấy tò mò đến nỗi có thể thấy một bà goá kia bỏ vào đó chỉ hai đồng kẽm với chi tiết là “một phần tư xu” theo Marcô. Thật thú vị, không ai khác, người ấy lại là Chúa Giêsu! Không chỉ thấy bên ngoài, Ngài thấy cả bên trong, “Bà này đang túng thiếu, đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

    “Cái để nuôi sống” là cơm bánh; nhưng “cái để nuôi sống” còn là máu! Đúng thế, máu là cái làm nên sự sống; máu ‘kéo dài sự sống’, là chính sự sống! Bà goá này là ai? Là đại diện cho tất cả những ai quảng đại dám tặng trao sự sống. Và xét cho cùng, Thiên Chúa là ‘Bà Goá đầu tiên’ cho đi sự sống của chính Ngài; sách Sáng Thế tóm tắt công trình cho đi của Ngài trong sáu ngày qua “những buổi chiều và những buổi sáng”; Ngài thấy mọi sự là tốt đẹp! Và sự sống quý báu nhất của Ngài là chính Con Một, Đấng ban sự sống, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người Con ấy thì được sự sống đời đời”.

    Thứ đến, chính Chúa Giêsu cũng là ‘phiên bản’ của Thiên Chúa Cha, Đấng trao nguồn sống, “Vì họ, Con xin thánh hiến mình Con”, “Này là mình Thầy”. Như hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, thối đi, sinh nhiều bông hạt; Ngài cũng chết đi để làm trổ sinh sự sống. Sự sống đó là một Dân Thánh, một Hội Thánh. Noi gương Chúa Giêsu, các thánh tử đạo và những tâm hồn thánh thiện còn sống hay đã qua đời hiến dâng mạng sống để ‘kéo dài sự sống’ của Thầy mình. Và hôm nay, con cái Hội Thánh, trong đó có chúng ta, những con người đang tiếp tục làm công việc ‘kéo dài sự sống’ ấy bằng những hy sinh, cầu nguyện và cho đi.

    Một người đi lạc trong sa mạc, đang lúc sắp chết vì khát, anh phát hiện một túp lều xa xa. Lê bước tới, anh mừng rỡ tìm thấy một bơm nước đã hoen rỉ. Cố sức cầm lấy cần bẫy, anh bơm một hồi, không một giọt chảy ra. Tuyệt vọng, anh ngã xuống. Bỗng, anh thấy ở góc lều, một chai nước có nắp kín, bên ngoài ghi dòng chữ, “Nếu muốn sử dụng chiếc bơm này, trước hết, bạn phải đổ hết chai nước này vào bơm. Trước khi rời đi, hãy làm đầy nó, dành cho người đến sau!”. Anh phân vân! Nếu uống hết chai nước, anh có thể sống thêm một thời gian và sẽ chết; hoặc mạo hiểm đổ hết nước vào bơm, có thể nước sẽ trào tràn hoặc cũng có thể không có giọt nào và cũng sẽ chết. Sau một hồi đắn đo, anh quyết định đổ nước vào bơm; và khởi động. Điều kỳ diệu đã xảy ra, nước vọt lênh láng. Anh mừng rỡ uống từng ngụm, đổ đầy các bình; trước khi rời đi, anh đổ đầy nước vào chai, và không quên ghi thêm, “Hãy tin tôi. Sự thật là thế!”.

    Anh Chị em,

    “Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống”. Bà goá kia đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống lại trở thành người ‘kéo dài sự sống’ khi bà bắt chước Thiên Chúa, bắt chước Chúa Giêsu như những mẫu mực ban sự sống. Cả chúng ta, để kéo dài sự sống của Chúa Kitô, chúng ta không chỉ cho đi những gì mình có để nuôi sống phần xác nhưng còn phải cho đi cả những gì thuộc tinh thần; cho đi khối óc lẫn con tim; cả tri thức lẫn lòng xót thương, sự tha thứ… Và trong tất cả những gì chúng ta cho đi, không có sự cho đi nào lớn hơn, quý giá hơn là cho đi chính Chúa Giêsu, một quà tặng bậc nhất trong các quà tặng mỗi người có thể tặng trao. Để được vậy, trước hết, bạn và tôi phải được lấp đầy bởi Ngài, trào tràn Ngài bằng cách dám mạo hiểm đánh cược đổ vào ‘đài phun Giêsu’ những gì chúng ta có, những gì chúng ta là. Đôi khi điều này còn đòi hỏi nhiều hơn một “chai nước”; đó là cái tôi, ý riêng, những ích kỷ hẹp hòi!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, ích kỷ làm con co quắp; quảng đại làm con cao thượng. Cho con biết ‘kéo dài sự sống’ của Chúa bằng các chứng tá yêu thương mà con dám mạo hiểm cho đi mỗi ngày!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ BẢY CN33TN-C
    TIN MỪNG LUCA 20, 27-40

    BIẾN ĐỔI VÀ TRỞ NÊN PHONG PHÚ HƠN
     

    Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống!”.(CÂU 38)

    J. C. Ryle nói, “Đến như một tên cướp trên thập giá mà còn được cứu, thì không ai có thể cho phép mình tuyệt vọng. Và cũng chỉ bởi một người làm được điều đó, thì không ai có thể giả định cứu độ thay Ngài. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, Đấng ‘biến đổi và làm cho phong phú hơn!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, Đấng ‘biến đổi và làm cho phong phú hơn!’”. Ý tưởng của J. C. Ryle được xác nhận qua Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu trả lời cho người Sađuccêôvề việc sống lại. Qua đó, Ngài tiết lộ, tình yêu không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’.

    Kịch bản lố lăng mà những người Sađuccêô đưa ra để gài bẫy Chúa Giêsu là một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em có chung một người vợ; câu hỏi đặt ra là, “Đến ngày sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ ai?”. Đặt vấn đề như thế, họ tìm cách dèm pha những ai đặt niềm tin vào một thế giới bên kia sau khi chết; họ thách thức Chúa Giêsu rằng, bất kỳ niềm tin nào vào một loại thế giới sau thế giới này thì điều đó trông có vẻ nực cười! Với sự điềm tỉnh, Chúa Giêsu trả lời, “Con cái đời này, cưới vợ lấy chồng, con cái đời sau thì không!”; nói cách khác, hôn nhân chỉ thuộc thời đại này, nó không thuộc thời đại phục sinh.

    Từ câu trả lời, Chúa Giêsu cho biết, sau cuộc sống đời này, là một cuộc sống khác, chất lượng hơn, thiêng liêng hơn. Đó là một cuộc sống nói lên sự liên tục của một tình yêu nơi một Thiên Chúa đời đời. Tình yêu - dù của Thiên Chúa hay của loài người - thì không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’. Chúa Giêsu cho biết, sau cuộc sống đời này, chúng ta sẽ sống một cuộc sống bất tử; vì lẽ, “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”. Ngài là bạn các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp khi họ còn sống; và tình bạn này không thể chấm dứt bởi cái chết. Họ gọi Thiên Chúa là Đá Tảng ngàn năm bền vững như Thánh Vịnh đáp ca xác thực, “Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!”. Nghĩa là các tổ phụ đã chết hàng trăm năm trước vẫn sống; rõ ràng, tình yêu Thiên Chúa dành cho các ngài không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’.

    Cũng vậy, Chúa Kitô Phục Sinh cũng ở trong sự liên tục với một Giêsu đã chết và đã sống lại.  “Đức Kitô, hôm qua cũng như hôm nay, chỉ là một”. Tuy nhiên, Giêsu đó cũng phải trải qua một sự biến đổi từ cõi chết để vươn tới cõi sống vĩnh cửu. Sau phục sinh, Ngài hiện diện với những người khác theo một cách khác; Ngài tiếp tục gọi họ bằng tên. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta được lôi kéo đến gần Ngài; và khi lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, Ngài cũng lôi kéo chúng ta đến gần nhau. Cũng thế, sau khi chúng ta chết, Thiên Chúa vẫn ở trong mối quan hệ cá nhân với chúng ta; bằng cách đó, chúng ta có thể yên tâm rằng, những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta sẽ không bị cái chết phá hủy nhưng đó là một cuộc sống được ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’. Điều này thật ý nghĩa khi chúng ta sống mầu nhiệm các thánh thông công trong tháng cầu cho các linh hồn.

    Anh Chị em,

    “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”, mỗi ngày chúng ta sống với Chúa Kitô Phục Sinh. Vậy, cuộc sống của bạn đang hướng về đất hay hướng về trời? Hướng xuống thế gian hay hướng lên thiên đàng? Người Sađuccêô không thể hình dung về thiên đàng ngoài những gì họ có thể nhìn thấy bằng mắt! Không phải chúng ta cũng giống như họ sao? Chúng ta không nhận ra những thực tại tâm linh bởi chúng ta tìm cách biến thiên đàng thành một hình ảnh dưới thế. Khác nào người Sađuccêô, không ít lần lòng trí chúng ta dựa trên một thiên đàng ở trần gian, và Chúa Giêsu cho biết, đó là một sai lầm. Ước gì bạn và tôi, chúng ta luôn sống như những con cái Chúa, không chỉ tin vào hạnh phúc Chúa hứa mai ngày, nhưng ngay hôm nay, khi chúng ta sống yêu thương, quảng đại; sống mầu nhiệm phục sinh thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang kéo dài một Giêsu, một Giêsu Phục Sinh đang sống và hằng sống.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, nhìn vào cách sống của con, chớ gì người ta biết có ‘một Ai Đó’ đang ‘biến đổi’ con và làm cho con ‘phong phú hơn!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     
     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH-

  •  LM MINH ANH
     
    CN34TN-C -CHÚA LÀ VUA VŨ TRỤ
     
    TIN MỪNG LUCA 23, 35-43
     

    THỜI CỦA NHỮNG HẠT GIỐNG

    “Mọi sự đã hoàn tất!”.

    Trong bối cảnh giữa hai cuộc chiến tranh thế giới vốn đã lấy đi hàng chục triệu sinh mạng con người, ngày 11/12/1925, Đức Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Với lễ này, Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội năm châu cầu nguyện cho loài người biết suy phục vương quyền của Chúa Kitô và xây dựng Vương Quốc Tình Yêu của Ngài; may ra nhờ đó, con người có thể không còn đối xử với nhau tựa loài lang sói, “Homo homini lupus”, như một triết gia nhận định.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thế nhưng, không như các vua chúa trần gian, vương quyền của Đức Kitô thực thi một cách hoàn toàn khác. Ngài không quản cai bằng quyền lực, nhưng bằng tình yêu; không cưỡng bách bằng áp chế nhưng bằng nhẫn nhịn, không triệu hồi bằng mệnh lệnh nhưng bằng tìm kiếm. Đường lối của Ngài là phục vụ; hiến pháp của Ngài là Bát Phúc; phong cách của Ngài là tự hiến. Thập giá là nơi vương quyền Ngài tỏ lộ rõ nét hơn cả, thẳm sâu hơn cả. Ngài đã yêu thương đến cùng, đến chết; một cái chết mà Ngài có thể nhẹ nhõm thưa lên, “Mọi sự đã hoàn tất!”. Như một bông hoa đã khoe hết sắc hương và nay là ‘thời của những hạt giống’, hơn cả nở hoa! 

    Tin Mừng hôm nay nói đến những phút cuối của bông hoa Giêsu trên thập giá; ở đó, Ngài tỏ lộ vương quyền tình yêu qua một lời hứa long trọng cho anh trộm lành, ban cho anh điều vượt quá mong ước, “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. “Hôm nay!”. Ôi, nhanh biết mấy; “ở với tôi”, thân tình biết bao; “thiên đàng”, ủi an nhường nào! Như thế anh trộm là người đầu tiên hưởng ơn cứu độ; kẻ gian phi, người trước nhất hưởng phúc thiên đường. Sau khi Ngài tắt thở, viên đại đội trưởng nhìn nhận Ngài là người công chính, dân chúng đấm ngực ra về; và đó là lúc bông hoa Giêsu thực sự đi vào ‘thời của những hạt giống’, hơn cả nở hoa!

    Anh Chị em,

    Cha Ron Rolheiser đặt câu hỏi, vậy nếu bạn là một bông hoa, thì khi nào bạn đi vào ‘thời của những hạt giống?’. Henri Nouwen cho rằng, với một số người, đó là khi họ tận hưởng hào quang của danh tiếng; số khác, khi năng lực sáng tạo triển nở; số khác nữa, khi họ đạt đến tột đỉnh quyền lực. Ngược lại, với những người khác, khi họ yếu đuối và bất lực; số khác, khi họ mất hết tự tin; số khác nữa, khi họ được hoàn toàn quên lãng! Với Chúa Giêsu, đó là lúc nào? Ngay sau những phép lạ khiến dân chúng kinh ngạc? Khi Ngài đi trên mặt nước? Hoặc khi danh Ngài vang dậy khắp cõi Israel đến nỗi dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua? Không! Với Chúa Giêsu, mọi sự đến hồi viên mãn, khi Ngài mất hết tất cả, mất hết quyền uy để lên tiếng và chữa lành, mất hết thành công và ảnh hưởng, mất môn đệ và những người thân, thậm chí là mất cả Chúa Cha. Chính xác là khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá, bị tước hết nhân phẩm, tước hết những gì thế gian ban tặng; chính xác là khi Ngài nói, “Mọi sự đã hoàn tất!”.

    Anh Chị em,

    “Mọi sự đã hoàn tất!”. Bông hoa Giêsu chết đi để tạo thành hạt giống thật hợp lý khi đây là lời cuối cùng của Ngài. Trên thập giá, Ngài trung tín đến cùng, trung tín với Cha, trung tín với những ai đã nghe lời Ngài giảng dạy; trung tín với cả nhân loại mà Ngài muốn cứu. Đó là lúc Ngài thôi sống và bắt đầu chết, là khi thần khí của Ngài bắt đầu ngấm vào thế giới và Ngài đạt đến tâm điểm thâm sâu nhất của mình, cuộc đời Ngài đã viên mãn và thật sự đi vào ‘thời của những hạt giống!’. Phần chúng ta, vậy thì khi nào chúng ta đi từ đoá hoa hé nụ đến tạo thành hạt giống? Nhìn qua lăng kính cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy, chính khi mờ nhạt như một bông hoa đã qua thời nở rộ, chúng ta mới bắt đầu tạo ra một điều gì đó còn hấp dẫn hơn cả nở hoa. Đó là khi chúng ta cũng có thể nói, “Mọi sự đã hoàn tất!”. Chớ gì cuộc sống chúng ta là cuộc sống của ‘một Giêsu khác’; và chúng ta cũng có một hoàn tất viên mãn trước khi chết như Ngài.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, chiều đã xuống, hoa đã tàn, nhuỵ đã phai… nhưng hạnh phúc cho con biết bao, vì sau một đời dâng hiến, ngay giờ này, con đã nhìn thấy. Kìa, ‘thời của những hạt giống’ của con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kinh Chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

Subcategories