3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

     CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C (24/11/2019)

    LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

    TÔN VƯƠNG ĐẦNG “BỊ  ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ”

    [2 Sm 5,1-3; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43)

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Năm Phụng Vụ tức chu kỳ Phụng Tự trong một năm của Hội Thánh Công Giáo bao giờ cũng kết thúc với Lễ kính Chúa Ki-tô là Vua Vũ Trụ. Sắp đặt như thế, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu rằng điều cốt yếu nhất của đời sống Đức Tin là nhìn nhận và quy phục Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Vua Vũ Trụ vạn vật và loài người.

    Tuyên xưng và tôn vinh một Đấng “bị đóng đinh thập giá” là Vua, là Chúa của mình và của muôn loài muôn vật quả là một điều lớn lao vượt sức tưởng tượng của con người. Nhưng đó lại là mạc khải tỏ tường của Thánh Kinh.

    Vì thế các bài Sách Thánh hôm nay phải được các Ki-tô hữu đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ thật sâu thật kỹ, để hiểu rõ ý nghĩa, sứ điệp mà nhìn nhận và suy phục Vương Quyền của Chúa Giê-su Ki-tô.

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (2 Sm 5,1-3): "Họ xức dầu phong Đa-vít làm vua Israel" Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron mà nói rằng: "Đây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: 'Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'".

    Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 1,12-20):  "Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người" Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

    Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

    Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất. 

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 23,35-43):  "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi" Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI".

    Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Đối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (2 Sm 5,1-3) nói về việc vua Đa-vít lập giao ước với đại diện các chi tộc Ít-ra-en, để họ được ông cai trị và dẫn dắt theo đường lối của Thiên Chúa.   

    Trong đoạn Sách 2 Sm 5,1-3 chúng ta thấy Thiên Chúa đã dùng vua Đa-vít để cai trị và lãnh đạo dân Ít-ra-en là dân riêng của Thiên Chúa, cho hợp với Thánh Ý của Thiên Chúa. Vua Đa-vít là hình ảnh của Chúa Giê-su Ki-tô mà Thiên Chúa sẽ đặt làm người hướng dẫn và lãnh đạo Ít-ra-en mới là Hội Thánh Công Giáo toàn cầu trên con đường phụng thờ Thiên Chúa.

    3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 1,12-20) là những lời Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-lô-xê  để giảng giải cho họ hiểu những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa Cha đã ban cho họ trong/qua Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Thánh Phao-lô cũng dậy cho họ biết Con Thiên Chúa là Đấng nào, có quyền uy gì và đóng vai trò nào trong công cuộc Tạo Dựng và Cứu Chuộc nhân trần.

    Nhờ đoạn của thư Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Cô-lô-xê (Cl 1,12-20) chúng ta nhận ra chân dung, bản tính và sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại và dẫn đưa mọi người về với Chúa Cha.

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 23,35-43) là bài tường thuật về những giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá. Chúa Giê-su chẳng những bị người Do-thái đóng đinh treo trên Cây Gỗ như một tên tội phạm, mà Người còn bị họ chế diễu, nhạo báng, khiến phải nhuốc nha xấu hổ trước mặt bàn dân thiên hạ. Những sự việc ấy thật mâu thuẫn với chức danh mà họ phong cho Người: "Đây là vua người Do-thái."  

    Trong đoạn Phúc âm Lc 23,35-43 chúng ta khám ra Chúa Giê-su chính là Vua, chẳng những của người Do-thái mà của cả nhân loại. Người làm vua không theo cách vua chúa trần gian, mà theo cách riêng của Đấng Mê-si-a đau khổ, của Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Sự nhìn nhận và lời cầu xin của một trong hai tên gian phi (tức người trộm lành) tượng trưng cho sự nhìn nhận và lời cầu xin của cả nhân loại tội lỗi và gian ác, dâng lên “Đấng bị treo trên Cây Gỗ“ để được Người cho vào Vương Quốc của Người cũng là Vương Quốc của Chúa Cha.

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa       

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chính là lời cầu xin của một trong hai tên gian phi cùng bị treo trên cây gỗ với Đức Giê-su Na-da-rét:

    "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! "

    Cầu xin như người trộm lành là chúng ta nhìn nhận “Đấng bị treo trên Cây Gỗ“ chính là Vua của tâm hồn mình và của cả vũ trụ. Người thiết lập Vương Quốc bằng chính cái chết hiến tế và máu cực thánh của Người trên Thập Gíá!

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Đấng cai trị muôn dân, muôn nước bằng tình thương và công lý; là Chúa Giê-su chết treo trên thập giá để đền tội thế nhân và mở cửa Thiên Đàng cho tất cả những ai tin và chạy đến với Người như người trộm lành trong Phúc Âm.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay

    - Là chúng ta nhìn nhận Vương Quyền Tối Cao cùa Chúa Giê-su Ki-tô trên toàn thể vũ trụ vạn vật và loài người.

    - Cũng là làm cho Vương Quốc của Chúa mỗi ngày một mở rộng trong các tâm hồn và trong các cơ cấu xã hội, quốc gia và quốc tế.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình» Cùng với các Thánh trên trời chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người trên thế gian này được ơn nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Vua vũ trụ vạn vật và loài người.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh» Cùng với các Thánh trên trời, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa luôn biết cách thể hiện là chi thể của Hội Thánh trong đó Chúa Ki-tô là đầu và mọi người là chi thể của Người và của nhau.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi» Cùng với các Thánh trên trời, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người được Chúa Ki-tô đón vào Nước hằng sống của Người khi lìa đời.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời» Cùng với các Thánh trên trời, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những anh chị em Ki-tô hữu đang bị bách hại, tù đầy, tra tấn... vì Công Lý và Tin Mừng, để họ được ơn bình an và cứu độ của Đấng đã chết treo trên thập giá.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    VI. LỜI CÁM ƠN CHÂN THÀNH

    Nhân dịp Năm Phụng Vụ kết thúc

    con/tôi xin chân thành cám ơn quí vị độc giả gần xa, trong nước và hải ngoại đã đón nhận các bài  SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY của Năm C mà con đã biên soạn và gửi hằng tuần cho quý vị.

    Uớc gì Lời Chúa là ánh sáng, sức mạnh và nguồn vui của quý vị.

     

    Sàigòn ngày 16/11/2022                           

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

     

     

     

     

    --

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  • Chi Tran - LEYEN
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    16/11/22 thứ tư tuần 33 tn
    Th. Ma-ga-ri-ta Xcốt-len, trinh nữ


    TIN MỪNG Lc 19,11-28

     
    Sinh lợi cho nước trời
     
    “Sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng?” (Lc 19,23)
     

    Suy niệm/SỐNG: Người đầy tớ nhận một yến bạc đem đi chôn lại còn cố biện bác, thế nhưng lý lẽ của anh đã không có sức thuyết phục tí nào lại còn ngầm oán trách ông là “người khắc nghiệt”. 

       Ông chủ đánh giá các đầy tớ không phải ở chỗ họ bỏ ra công sức nhiều hay ít mà ở chỗ họ có sinh lợi từ số vốn ban đầu. Ít ra việc “gửi bạc vào ngân hàng” để sinh lợi cũng là một giải pháp chấp nhận được, thế mà anh ta đã không làm.

       Ông chủ có vẻ “kỹ tính” như thế nhưng thật ra, ông lại rất rộng lượng: phần thưởng ông dành cho người tôi tớ tài giỏi và trung thành thật hậu hĩ:

       Ông cho họ đồng cai trị với ông. Cơ sở để ông tín nhiệm là họ đã “trung thành trong việc rất nhỏ” thì họ có khả năng trung thành trong việc lớn hơn.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người vô vàn “yến bạc”. Đó không chỉ là sự sống, tài năng, sức khỏe, mà còn những “yến bạc” có vẻ vô hình hơn, đó là thời gian, môi trường, cộng đoàn chúng ta đang sống.

       Và cả những khó khăn, bệnh tật, đau khổ… cũng là những “yến bạc” ta được giao cho để sinh lợi. Nhưng bạn ơi, đừng quá lo mình không đủ tài sức để làm việc đó.

       Chúa nói qua thánh Phao-lô: “Ơn Ta đủ cho ngươi!” (2Cr 12,9). Chúa không đòi hỏi những gì vượt quá sức của chúng ta.

       Hãy trung thành chu toàn những bổn phận rất nhỏ, Chúa sẽ ban cho bạn khả năng để hoàn thành những việc lớn lao hơn.

    Sống Lời Chúa: Tâm niệm với thánh Tê-rê-xa: Chu toàn những bổn phận nhỏ nhất nhưng với tình yêu lớn nhất.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ, như những đầy tớ tốt lành và trung tín của Chúa. Amen.

    gplongxuyen.
     
     
     

SỐNG VVA2 CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ BA

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

     

    15/11/22 THỨ BA TUẦN 33 TN
    Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT


    TIN MỪNG Lc 19,1-10: ÔNG GIA-KÊU QUYẾT TÂM GẶP CHÚA

     
    ĐỪNG DÁN NHÃN THÀNH KIẾN
     
    Người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.” (Lc 19,10)
     

    Suy niệm/SỐNG: Ông Da-kêu là “đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có.” Với ‘lý lịch’ ấy, ông bị mặc định dán cho cái nhãn là “người tội lỗi”. 

       Và vì thế ‘theo đúng qui trình’, ông bị khinh rẻ, bị loại trừ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhắc cho người Do Thái nhớ, ông Da-kêu còn một cái nhãn khác được gắn vào chính căn tính của ông: 

    “Người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham,” giống như họ. Và vì thế, Ngài cho biết ông xứng đáng được tôn trọng, được cứu độ vì Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Trong đời sống hằng ngày, rất nhiều khi chúng ta đánh giá người khác theo thành kiến.

       Chúng ta căn cứ một số biểu hiện, hành động bên ngoài của họ và gán cho họ là cái nhãn cố định không thể thay đổi. Họ là như thế và sẽ mãi là như thế, không bao giờ họ khác đi được.

       Nếu bạn đang có cái nhìn thành kiến như vậy về một ai đó, bạn hãy học nơi cái nhìn của Chúa Giê-su, một cái nhìn không định kiến, nhưng thấu hiểu và có sức hoán cải Da-kêu nói riêng, và nói chung với tất cả những ai, giống như Da-kêu, là những người tội lỗi.

       Nhưng khao khát nhìn thấy Chúa để được tha thứ, là những bệnh nhân nhưng mong gặp thầy gặp thuốc để được chữa lành. Trong đó cũng có cả bạn nữa.

     

    Sống Lời Chúa: Tập loại bỏ cái nhìn thành kiến bằng cách khám phá được những nét ưu điểm nơi những người mà bạn vẫn mặc định coi là người xấu xa đáng ghét.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tội lỗi, nhưng Chúa nhìn thấy nơi chúng con ước muốn hoán cải. Xin cho chúng con cũng nhìn thấy điều tốt đẹp nơi người khác để chúng con xoá bỏ thành kiến với họ. Amen.

     gplongxuyen.



     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
    THỨ BA CN33TN-C
     

    MỞ TỪ BÊN TRONG

    TIN MỪNG LUCA 19, 1-10

    “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”.(CÂU 5)

    “The Light of the World”, “Ánh Sáng Của Thế Giới” là tên một bức tranh, kiệt tác của Holman Hunt. Bức tranh cho thấy Chúa Giêsu, đội mão của một vị Vua, tay xách một ngọn đèn. Ngài đang đứng ngoài cửa của một ngôi nhà, gõ cửa và đợi để được nhận vào. Điều thường được chỉ ra là cửa không có tay nắm ở bên ngoài; nó chỉ có thể được ‘mở từ bên trong!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Chúa Giêsu rất tôn trọng chúng ta, Ngài đứng trước cửa linh hồn mỗi người và gõ. Ngài chờ đợi cho đến khi nào linh hồn chúng ta ‘mở từ bên trong’ để Ngài bước vào. Đó sẽ là những gì Luca kể về Giakêu trong Tin Mừng hôm nay. Một khi Chúa Giêsu thấy cửa ‘hé mở’, Ngài đẩy vào ngay và không ngần ngại nói, “Hôm nay, Ta phải ở lại nhà con?”. Giakêu đã mở toang cánh cửa trái tim, cánh cửa đời mình để Giêsu vào, và Ngài sẽ dẫn dắt cuộc đời còn lại của anh.

    Thật trùng hợp, bài đọc Khải Huyền hôm nay cũng nói đến việc Chúa đứng ngoài cửa và gõ, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. Đây là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Tân Ước, nó bao hàm một ước muốn rằng, Chúa Giêsu phải đến, trở thành một phần cuộc đời chúng ta; và không chỉ một phần, Ngài sẽ là chủ tâm hồn chúng ta, bởi chúng ta là tạo vật tay Ngài tác tạo. Nhưng việc cho phép Ngài đi vào hoàn toàn tuỳ thuộc chúng ta; tuỳ thuộc vào việc chúng ta có hoán cải trái tim để chào đón Ngài hay không! Như thế, việc thay đổi tâm hồn của một người, quả là một chiến thắng vẻ vang oai hùng nhất trong tất cả mọi chiến thắng. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta!”.

    Giakêu đã thắng, anh được đồng bàn với Chúa Giêsu! Vậy tại sao Chúa Giêsu chỉ chọn một mình anh, ban cho anh vinh dự được Ngài ở lại nhà? Thưa bởi lẽ, Giakêu đã ‘hé mở’ lòng mình; anh can đảm đánh mất sĩ diện, coi thường danh dự, quên cả tuổi tác khi leo lên cây như một em bé hòng xem tỏ tường con người Giêsu. Sở dĩ anh làm được điều đó bởi anh biết, chỉ một mình Ngài mới có thể cảm thông, thấu hiểu khi Ngài nhìn anh với ánh mắt nhân từ xót thương. Đúng thế, anh thấy mình cần đến lòng thương xót và sự tha thứ đó. Gặp gỡ Ngài, anh đã tìm thấy nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng. Anh tìm được chính mình trong lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa; anh không còn “hâm hẩm, không nóng, không lạnh”; anh thể hiện sự ăn năn sâu sắc bằng quyết định trao một nửa tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho mỗi hành vi biển lận. Lời chứng của Giakêu bao gồm nhiều điều hơn là lời nói. Thay đổi của trái tim đã dẫn anh đến thay đổi cuộc đời, một sự thay đổi mà cả cộng đồng có thể chứng thực. Thánh Augustinô khuyến khích chúng ta ‘trèo lên cây sung’ để có thể nhìn thấy Chúa Giêsu, đón Ngài vào nhà, và ôm lấy thập giá của Ngài cho cuộc đời của mình.

    Anh Chị em,

    “Hôm nay Ta phải ở lại nhà con?”. Chúa Giêsu luôn ước được ở trong tâm hồn chúng ta, bởi “nhà con” cũng là “nhà Ngài” trên trần gian này; Ngài là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng, Ngài rất tôn trọng tự do của mỗi người; và dù là Chúa, Ngài không cưỡng bức ai, cũng không đột nhập trái phép; Ngài sẽ chỉ vào theo lời mời của bạn và tôi. Ngài ở đó ngay giờ này và sẽ ở đó suốt ngày hôm nay và hàng ngày. Ngài không ngần ngại cho chúng ta những cơ hội, những biến cố, những con người, để chúng ta ‘hé mở’ cho Ngài. Chúng ta có mời Ngài vào hay không; nghĩa là có cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài hay không! Biết đến sự chần chừ của chúng ta khi phải “leo lên” cao thì chính Ngài đã tự ý leo lên, leo lên cây thập giá, một loại cây ‘quá ngớ ngẩn’ hầu chúng ta có thể thấy rõ Ngài mà ‘hé mở’ cho Ngài; và Ngài chỉ ước cánh cửa ấy sẽ được sớm ‘mở từ bên trong’, sớm nhất có thể!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã tự nguyện ‘leo lên cao’ để con thấy được chính mình trong lòng thương xót của Chúa. Cho con biết tự nguyện ‘mở từ bên trong’ linh hồn con mỗi khi nhìn lên Thánh Giá, hầu ngôi nhà tâm hồn con là nơi cư ngụ luôn mãi của Chúa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ HAI CN33TN-C
     

    VƯỢT QUA NHỮNG RÀO CẢN

    TIN MỪNG LUCA 18, 35-42: CHÚA CHỮA NGƯỜI MÙ TẠI GIÊ-RI-KHÔ

    “Anh càng kêu lớn tiếng, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.(CÂU 38)

    John Milton nói, “Tôi không thể ca ngợi một nhân đức trốn chạy hoặc an phận; một nhân đức không tôi luyện để chịu thử thách; không bao giờ xông pha đương đầu với nghịch cảnh, nhưng lén lút thoát khỏi cuộc đua nơi mà vòng hoa bất tử đòi phải chạy, lấm bụi, nắng cháy và ‘vượt qua những rào cản!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta mục kích một con người không “trốn chạy” cũng không chấp nhận “an phận”. Bartimê, một người đã ‘vượt qua những rào cản’ để đến với Chúa Giêsu! Thật thú vị, Bartimê không được may mắn như một người bình thường, anh là một người mù!

    Nghe tin Chúa Giêsu đi qua, anh rất muốn được Ngài chú ý; anh kêu lên, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Lời cầu của anh ngay lập tức vấp phải sự phản kháng, người ta bảo anh im đi. Tuy nhiên, con người này có một loại đức tin được “tôi luyện” để ‘vượt qua những rào cản’; phản ứng của những người chống lại anh chỉ khiến anh la to hơn, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Bị mù về thể chất, nhưng xem ra Bartimê vẫn có thể nhìn thấy Chúa Giêsu bằng đôi mắt của trái tim, anh nhận ra Ngài là sứ giả của trời. Để sau đó, anh phát hiện ra rằng, Đấng anh kêu cầu không như những người khác. Ngài dừng lại, truyền dẫn anh đến, nói với anh một cách rất riêng tư, tôn trọng, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh đáp, “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được!”. Đức tin bền bỉ dám “xông pha đương đầu với nghịch cảnh” của anh đã tạo cơ hội để Chúa Giêsu chữa lành anh. Được nhìn thấy, đức tin anh càng thể hiện đậm nét hơn; cụ thể, qua việc anh đi theo Ngài, “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.

    Là một trong những nhân vật nhỏ bé của Tin Mừng nhưng anh mù Bartimê có thể là nguồn cảm hứng thực sự cho bạn và tôi. Anh đã chia sẻ một loại đức tin mà tất cả chúng ta cần đến ngày nay, một đức tin sẵn sàng ‘vượt qua những rào cản’ có thể có trên đường đời của mỗi người. Câu chuyện của anh nói với chúng ta rằng, một đức tin bền bỉ sẽ được Chúa công nhận và quảng đại phúc đáp. Vì lẽ, đến được với Chúa Giêsu là đến được với ánh sáng, với sự sống. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống”. Đúng thế, Bartimê đã chiến thắng; anh chiến thắng chính mình, chiến thắng sự chống đối của những người khác; và anh đã nếm một loại “quả cây sự sống” có tên “Giêsu”, nhờ đã ‘vượt qua những rào cản’.

    Anh Chị em,

    “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Như Bartimê, chúng ta hãy la lên như anh, hãy đến với Chúa Giêsu như một người đáng thương bên đường trong sự mù loà của mình. Thế nhưng, bạn có thể bào chữa, “Tôi đâu có mù!”. Nguyên việc cho mình không mù, bạn và tôi đang thực sự khiếm thị! Nhưng nếu bạn đồng ý thì bài đọc Khải Huyền hôm nay là một lời nhắc nhở tuyệt vời, “Ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu!”. Vậy nếu biết mình mù, hãy tìm đến với Chúa Giêsu như Bartimê. Anh khuyến khích chúng ta tìm kiếm Ngài cách kiên định và thuần khiết. Anh truyền cảm hứng để chúng ta luôn tập trung vào Chúa cả khi áp lực chung quanh là phải làm khác đi, hoặc “chạy trốn” hay “an phận”. Anh cho thấy rằng, nếu bạn và tôi dám ‘vượt qua những rào cản’, Chúa Giêsu sẽ rộng lượng đáp lại; nhờ đó, chúng ta sẽ không nhượng bộ bất cứ một cuộc đấu tranh nào vốn “đòi phải chạy, lấm bụi và nắng cháy”; và tránh được việc “lén lút thoát khỏi cuộc đua” để rút vào hố của sự tự thương hại hay an phận.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, vòng nguyệt quế đang chờ đợi con. Xin cho con can đảm “xông pha đương đầu với mọi nghịch cảnh”, chấp nhận lấm bụi, nắng cháy và ‘vượt qua những rào cản!’. Kìa, Chúa đang đợi con!’”.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)  

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

     
     

Subcategories