3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ SÁU

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
    THỨ SÁU CN33TN-C

    KHÔNG GIAN CHO CHÚA
    TIN MỪNG LUCA 19, 45-48

    Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.(CÂU 46)

    Đọc Giêrêmia 23, 24: “Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy. Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn sao?”, một nhà thần học nói, “Một thuộc tính chỉ riêng một mình Thiên Chúa có, là sự hiện diện của Ngài bao trùm mọi lúc và mọi nơi. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Điều đó không có nghĩa thiên nhiên là một phần của Chúa; và do đó, chúng đáng được tôn thờ. Tạo vật tách biệt với Tạo Thành nhưng không phải là không tuỳ thuộc vào Ngài; tuy nhiên, nơi bất cứ một tạo vật nào, vẫn cần có một ‘không gian cho Chúa!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Cần có một ‘không gian cho Chúa!’”. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ Chúa Giêsu tuyên bố qua trình thuật Tin Mừng hôm nay. Để Thiên Chúa có thể tiếp cận và ở với dân Ngài, Chúa Giêsu cho biết, mỗi người cần có một đền thờ, một ‘không gian cho Chúa’, một không gian được dọn sạch hầu xứng đáng cho Ngài ngự trị. Bởi lẽ, không ít đền thờ đã bị chiếm dụng trái phép; Chúa Giêsu nói, “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.

    Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem, nơi Thiên Chúa hiện diện; Ngài thấy được vận hành bởi kẻ mua người bán, nên nhanh chóng đuổi họ ra khỏi đó và lấp đầy nó bằng sự hiện diện và Lời giảng dạy của Ngài. Nhân biến cố này, Luca mời gọi mỗi người chúng ta đánh giá đền thờ nội tâm lòng mình! Trong thư thứ nhất Côrintô, Phaolô nói, “Nào anh em chẳng biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Đâymột câu hỏi cấp bách giúp chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, hầu xem liệu trong đó có đủ ‘không gian cho Chúa’ tự do hoạt động không, một không gian lắng đọng để lắng nghe tiếng Chúa; và ở đó, Lời phải lớn lên và sinh hoa kết trái. Thật trùng hợp, Gioan, tác giả Khải Huyền hôm nay viết những gì thiên thần bảo ông, “Hãy cầm lấy cuốn sách mà nuốt đi!”; “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước!”. Gioan đã nuốt cuốn sách và cảm nhận, “Lạy Chúa, con cảm thấy lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

    Thứ đến, hãy nhìn vào đền thờ tâm hồn, xem ở đó, có sự bề bộn nào không; vì lẽ, sự ngổn ngang có thể ngăn chặn tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở đó, có thể có những tổn thương do chính mình hoặc do người khác mà chúng ta không thể buông bỏ. ‘Không gian cho Chúa’ bên trong có thể bị chiếm dụng bởi tức giận, phẫn uất, cay đắng và bất khoan dung; chúng đang cướp mất sự chữa lành, sự giao hoà bình an của Thiên Chúa. Hoặc đền thờ của chúng ta cũng có thể bị lấn chiếm bởi những cảm giác tội lỗi hoặc sai lầm trong quá khứ, khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào bản thân và những thiếu sót làm cho linh hồn phải sống trong lo lắng và sợ hãi. Vì thế, chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước cửa, hoặc ngay trước mặt mình; Ngài đem cho chúng ta lòng thương xót, sự tha thứ; giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc, hứa hẹn một tương lai thanh thản, ắp đầy niềm vui.

    Anh Chị em,

    Nhà Ta là nhà cầu nguyện!”. Phải, tâm hồn chúng ta phải là nơi cầu nguyện! Hôm nay, bạn và tôi dành một chút thời gian để mời Chúa Giêsu, Đấng “không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian” vào đền thờ lòng mình; xin Ngài dọn sạch nó, trả lại ‘không gian cho Chúa’ hầu mỗi người có thể cảm nghiệm tình yêu, niềm vuiân sủng của Ngài. Giêsu, Mục Tử Nhân Lành đang đứng ngoài cửa đền thờ tâm hồn bạn và tôi, Ngài đang gõ; hãy hé mở cho Ngài! Hãy mở toang cho Ngài vào, và hãy để sự hiện diện yêu thương của Ngài lấp đầy không gian đó. Đền thờ tâm hồn chúng ta chỉ có thể là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa, một đền thờ đầy ắp Giêsu và tình yêu của Ngài trong thế giới này. Từ đó, bạn và tôi trở thành những nhà tạm di động, những ốc đảo yêu thương giữa một đại dương lạnh lùng với Thiên Chúa, một đại dương nhốn nháo dẫy đầy những con người không biết Chúa hoặc đang chống lại Ngài.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, đừng để con sợ hãi và bồn chồn khi phải để Chúa ‘phát quang’ lòng con; xin lấp đầy con bằng sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, Lời mới có đất tốt và ánh nắng để lớn lên!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN34TN-C

  • LM TRẦM PHÚC
     

    GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

    Chúa Nhật 34 Thường Niên năm C

    Đức Giêsu Kytô, Vua vũ trụ

    Lời Chúa :Lc 23,35-43

         Hôm nay Giáo Hội suy tôn Vua Giêsu của mình. Một vị vua không giống ai nhưng lại là Vua vũ trụ. Vị Vua nầy không giống ai vì ngai báu của Ngài là thập giá, triều thiên của Ngài là mão gai, cẩm bào của Ngài là thân xác bầm giập không chỗ nào lành. Thế nhưng, Giáo Hội suy tôn vị Vua khốn khổ đó. Nhưng Ngài mới thật là Vua vì Ngài không chỉ là vua một nước mà là Vua toàn thể vũ trụ, vì vũ trụ nầy chính là sản phẩm tay Ngài tạo nên. Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Côlôxê dẵ viết : “ Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài muôn vật được tạo thành…tất cả là do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài”. Thánh Gioan cũng nói tương tự : “…Không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành”. Ngài là Vua duy nhất trong trời đất, vì Ngài sáng tạo ra mọi sự. Ngài là Con Thiên Chúa, vì thế Ngài đáng tôn thờ. Giáo Hội mừng Chúa Kytô là Vua vũ trụ vào Chúa Nhật cuối năm để nói rằng mọi sự phải kết thúc nơi Ngài, Ngài là cùng đích của mọi sự.

         Hơn thế nữa, Ngài đã xuống thế làm người và đã chết để cứu vớt mọi người và ban cho mọi người được nên con Chúa như Ngài : “ Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.  Vua chúng ta là Vua Bình An và cũng là Vua Tình Yêu vì Ngài đã chết vì yêu chúng ta, để chuộc tội chúng ta : “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng dám chết cho bạn hữu”.

         Vua Giêsu không giống ai. Chính trên thập giá Ngài mới tỏ cho thấy tình yêu và quyền uy của Ngài. Ai trong trời đất nầy dám nói như Ngài :   “ Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”? Và người tuyên xưng Ngài là Vua lại là một tử tội đang sắp chết : “Khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”.

         Vua Giêsu không giống ai. Khi dân chúng muốn tôn Ngài làm Vua, khi cho họ ăn no, thì Ngài lại lẫn đi. Khi dân chúng tung hô Ngài khi vào Giêrusalem thì Ngài chỉ ngồi trên lưng một con lừa con. Trước mặt Philatô, ông nầy hỏi : “Ông là vua dân Do thái ?” Chúa đáp : “Nước tôi không thuộc về thế gian nầy”. Ngài xác nhận với Philatô Ngài là Vua, nhưng là một vị Vua không thuộc trần gian nầy. Ngài chỉ làm vua khi Ngài bị bọn lính cho khoác chiếc áo đỏ và xem Ngài như một trò đùa. Ngài chỉ làm vua khi Philatô cho treo một bản án để nhạo cười :    “ Nầy là vua dân Do thái”.

         Đối với những người không hiểu biết, Ngài chỉ là một ông vua hề, nhưng đối với chúng ta, Ngài mới thực sự là vua. Giáo Hội tôn vinh Vua Giêsu không phải vì Ngài đánh đông dẹp Bắc hay được dân chúng công nhận, nhưng vì Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ và là cùng đích mọi sự. Ngài chính là Vua trên hết các vua. Các vua trần gian chỉ có một thời, Ngài là Vua vĩnh cửu. Ngài là Đấng tạo thành thời gian. Và trên hết, Ngài là Vua chiến thắng cả sự chết. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài sống lại mang lại cho chúng ta sự sống. Chúng ta là đoàn dân của Ngài, đoàn dân Ngài đã chuộc về bằng cái chết đau thương và giặt sạch áo mình trong máu Con Chiên.

         Vua Giêsu của chúng ta không phải là một vị vua ngồi trên ngai vàng và ra lệnh cho mọi người phải suy phục. Ngài chẳng những chết cho chúng ta, sống lại cho chúng ta mà còn nuôi dưỡng chúng ta, không phải bằng cơm bánh mà bằng chính thịt máu Ngài. Có vua nào ở trần gian thương dân mình như Ngài không ? Hãy đến, Vua Giêsu của chúng ta đáng yêu biết chừng nào ! Hãy ăn lấy Vua chúng ta, Ngài muốn như thế vì Ngài ước mong sống với chúng ta, chia xẻ mọi nỗi vui buồn của chúng ta và dẫn chúng ta vào vương quốc Tình Yêu của Ngài. Vì Ngài là Tình Yêu.

    Lm Trầm Phúc
    Kính chuyển:
    Hồng
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ NĂM

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    17/11/22 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
    Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri


    TIN MỪNG Lc 19, 41-44

     
    CHUNG THÂN PHẬN NGƯỜI
     
    “Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.” (Lc 19,41)

    Suy niệm/SỐNG: Đối với Đức Giê-su, Giê-ru-sa-lem không chỉ là bầu trời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của những lần cùng cha mẹ lên đền hành hương.

       Đây còn là “nhà cầu nguyện”, “nhà Cha của Ngài” (x. Lc 19,46; Ga 2,16), là nơi Ngài phải đến để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha (x. Lc 13,33; 18,31).

       Hôm nay, khi trông thấy đền thánh huy hoàng tráng lệ, Chúa Giê-su lại khóc. Dù là Thiên Chúa, Ngài đã khiêm hạ mặc lấy thân phận con người (x. Pl 2,7) nên Ngài thấu hiểu, cảm thông “mọi nỗi yếu hèn của chúng ta” (x. Hr 4,15).

       Nhưng Đức Giê-su không chỉ “khóc” như một cảm xúc theo tính tự nhiên. Ngài “khóc” vì dân riêng của Chúa thờ ơ trước sứ điệp bình an Ngài đem lại; Ngài “khóc” vì họ đã “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm.”

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: “Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa”. 

       Đức Ki-tô sống trọn kiếp người để đồng cảm với những khổ đau của chúng ta.

       Hơn nữa, Ngài còn thí mạng sống mình trên thập giá để giành lại cho chúng ta sự sống và chức vị làm con cái Chúa.

       Ngài yêu thương và thân cận với chúng ta như thế, vậy bạn còn ngần ngại gì mà không bày tỏ với Ngài mọi nỗi niềm, để Ngài giúp bạn biết cách hành động thế nào cho xứng tầm là con cái Chúa.

     

    Sống Lời Chúa: Trước khi làm hoặc nói điều gì, bạn tự hỏi trong trường hợp này Chúa sẽ hành động như thế nào. Và bạn hãy hành động như Chúa soi sáng.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người để con được làm con Chúa. Xin cho con luôn hành động như người con thảo của Chúa. Amen.

     gplongxuyen.

     

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ NĂM

  •  LM MINH ANH
     
     


     
    THỨ NĂM CN33TN-C
     

    NƯỚC MẮT CỦA MỘT TÌNH YÊU BỊ  CHỐI TỪ

    TIN MỪNG LUCA 19, 41-44

    “Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Ngài khóc!”. (CÂU 41)

    W. Wiersbe nói, “Điều chúng ta cần không phải là tức giận, nhưng là đau khổ, một kiểu đau khổ mà Môisen bộc lộ khi ông đập vỡ hai bia đá và sau đó, lên núi cầu bầu cho dân; hoặc như Chúa Giêsu, khi Ngài thanh tẩy đền thờ và sau đó, Ngài khóc khi thấy nó. Sự khác biệt giữa tức giận và đau khổ là một trái tim tan vỡ. Nước mắt của Ngài là ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Ý tưởng của Wiersbe được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay khi cả hai bài đọc nói đến nước mắt. Tác giả Khải Huyền khóc “vì chẳng ai xứng đáng mở và đọc cuốn sách”; Chúa Giêsu cũng khóc khi Ngài “trông thấy thành!”. Trái tim Ngài thật sự tan vỡ khi nhìn những con người đang choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của Giêrusalem, nhưng tâm hồn họ lại rỗng tuếch bởi họ chối nhận Đấng viếng thăm thành, Chủ nó; nước mắt của Ngài là ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’. 

    Sách Khải Huyền mô tả Gioan khóc nức nỡ vì chẳng ai xứng đáng mở và đọc cuốn sách hằng sống. May thay, sau đó thiên thần lại nói, “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử Giuđa, Chồi Non Đavít sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong”. Thật thú vị, qua Tin Mừng hôm nay, Sư Tử Giuđa, Đức Kitô, được Luca mô tả trong một trạng thái rất xúc động, Ngài khóc khi Giêrusalem không tiếp đón cũng không nhận ra Ngài, một Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Từ đây, thành sẽ phải sống với hậu quả của việc từ chối Vua Trời, từ chối sứ giả Ngài sai đến. Có một cảm giác rằng, Chúa Giêsu, và Chúa Cha, Đấng sai Ngài, đã bất lực trước sự thờ ơ này. Đối diện sự lạnh lùng của lòng người, Chúa Giêsu không thể cầm mình, và tất cả những gì Ngài có thể làm là khóc; những giọt ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’. Ngài đến, tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất; trong đó, có chúng ta, cũng đang từ chối Ngài. Giá mà chúng ta biết cởi mở, đáp lại tình yêu của Ngài; Ngài sẽ gõ cửa, vào dùng bữa với chúng ta. Ngài đợi chúng ta nói với Ngài những gì hai môn đệ Emmaus đã nói, “Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều!”.

    Trước đó, cũng trong Luca, khi nhìn về Giêrusalem, Chúa Giêsu đã thổ lộ, “Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh”; thế mà chúng không sẵn lòng. Chúa Giêsu có thể tự làm nhiều điều để bước vào mối quan hệ yêu thương với chúng ta; nhưng Ngài cần đến sự cởi mở, một sự phản hồi tự do thực sự từ phía chúng ta. Vậy mà chúng ta vẫn đang tâm quay lưng với Ngài! Tuy nhiên, tin tốt lành từ các Phúc Âm là Ngài vẫn trung thành, kiên tâm chờ đợi, ngay cả khi ai đó chỉ có thể đến với Ngài vào giờ thứ mười một. ‘Nước mắt của một tình yêu bị chối từ’ nơi Chúa Giêsu không làm Ngài cay đắng hay đóng chặt trái tim; đó là nước mắt của một tình yêu thuỷ chung, bền chặt trước sự phản kháng của con người.

    Anh Chị em,

    “Trông thấy thành thì Ngài khóc!”. Đấng Cứu Thế đã khóc thật sự! Ngài khóc không vì tủi thân, nhưng khóc vì Giêrusalem không nhận ra giờ mình được viếng thăm. Từ chối Giêsu, là từ chối sống. Ngài là Chủ vạn vật, Chúa mọi tâm hồn; “Ngài đã đến “nhà Ngài”, nhưng người nhà không tiếp nhận”. Như đã đến với Giêrusalem, Chúa Giêsu cũng đang đến với từng người chúng ta qua từng con người, từng biến cố; và quan trọng nhất, giây phút Ngài ngự đến khi chúng ta hiệp lễ. Đó là khoảnh khắc ‘Trời thăm đất’, ‘Chúa thăm người’, ‘Đấng Toàn Thánh thăm tội nhân’ và cả hai ‘nên một’. Thiên Chúa là tình yêu, Chúa Giêsu không ngừng ước được sống mãi trong chúng ta, sống với chúng ta; một khi có Ngài, chúng ta được sống, và ngày mới lại đầy hân hoan! Nào bạn hãy nhìn lại chính mình mỗi khi rước Chúa; hãy tự hỏi, Chúa Giêsu muốn gì lúc đó? Ngài đói khát tình yêu của bạn và tôi! Vậy mà, trong thực tế, không ít lần Ngài đã phải nhỏ lệ, nhỏ xuống trần gian này thêm những giọt ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con đừng bỏ lỡ ân huệ được Chúa viếng thăm mỗi ngày. Con sẽ chuẩn bị tốt nhất, hãy coi ‘lòng con’ là ‘nhà Chúa’, và Chúa không còn phải giọt vắn giọt dài!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ TƯ -

  •  LM MINH ANH
     
     
    THỨ TƯ CN33TN-C

    TỪNG XU MỘT

    TIN MỪNG LUCA 19, 11-28

    “Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về!”.(CÂU 13)

    Carl Sandburg nói, “Thời gian là nén bạc cuộc đời của bạn. Đó là số vốn duy nhất bạn có và chỉ bạn mới có thể xác định nó sẽ được sử dụng như thế nào. Hãy cẩn thận, bằng không người khác sẽ ‘tiêu’ nó thay bạn. Hãy làm lợi những gì bạn được trao, bắt đầu với ‘từng xu một!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Hãy làm lợi những gì bạn được trao, bắt đầu với ‘từng xu một!’”. Thật thú vị, ý tưởng của Carl Sandburg được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu dạy chúng ta nên làm gì trong thời gian đợi chờ Ngài trở lại. Dụ ngôn cho biết, sau khi đã trao cho mỗi gia nhân một nén bạc, ông chủ nói, “Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về!”. Làm lợi bằng cách nào? Làm lợi ‘từng xu một!’.

    Mỗi Chúa Nhật, đọc Kinh Tin Kính, chúng ta chứng thực niềm tin của mình rằng, Chúa “sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết”; nhưng chúng ta không biết, ngày nào, giờ nào Chúa đến như Ngài đã nói, “Về ngày giờ đó thì không ai biết”. Vậy, chúng ta nên làm gì trong thời gian này? Câu trả lời rất đơn giản! Hãy tận dụng thời gian Chúa ban để trung thành sống các giá trị của Vương Quốc, hãy chứng tỏ Chúa Kitô là Vua của bạn ngay bây giờ; và chứng tỏ sự trung thành đó bằng cách làm lợi nén bạc đã nhận, bắt đầu với ‘từng xu một!’.

    Trong dụ ngôn, hầu như mỗi người chỉ nhận được một nén, nhưng một số sẽ đầu tư nó tốt hơn những người khác. Lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận như nhau các ân tứ đức tin, hy vọng và tình yêu dưới dạng hạt giống. Và việc nhận lãnh này tuỳ thuộc vào mỗi người để bảo đảm rằng, chúng được chăm bón, tưới tiêu và có đủ ánh sáng mặt trời để phát triển và sinh hoa trái. Những món quà này không chỉ được ban vào những ngày mưa bão hoặc những khoảnh khắc thử thách, nhưng được ban mọi ngày, từng ngày, để mỗi người biết rằng, chúng ta là con cái rất yêu dấu của Thiên Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Thực hiện các nhân đức này tựa hồ kiếm được bạc, được vàng, ‘từng xu một!’.

    “Thiên Chúa là tình yêu”, bản chất của Ngài là “Thánh”. Bài đọc Khải Huyền và Thánh Vịnh đáp ca khẳng định sự “Thánh Thiện” của Ngài, “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng!”. Sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện qua sự ‘tự hiến’ của Ngài. Vì thế, người giấu nén bạc của mình sẽ không thể khám phá hoặc hiểu được thực tế ‘tự hiến’ này, nhưng những ai đã ‘dám tiêu’ nén bạc của mình sẽ khám phá ra điều này và họ có thể kiếm được nhiều hơn. Chúa Giêsu từng nói, “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình”. Nhưng nếu nó chết đi, một sự biến đổi sẽ xảy ra làm cho nhiều hạt lúa mới ra đời. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một ví dụ hoàn hảo về sự biến đổi và sự tự hiến trổ sinh hoa trái này. Ngài không thể là Vua của chúng ta trừ khi chúng ta sẵn sàng đi lên Giêrusalem với Ngài; ở đó, cái chết đang chờ đợi. Còn nhiều điều khác phải từ bỏ, nhưng chúng ta vẫn có thể trổ sinh hoa trái nhiều hơn bằng cách sử dụng tài năng và thời gian của mình để sinh lợi cho Vương Quốc, trong khi bòn bọt ‘từng xu một’ qua việc chết đi từng ngày.

    Anh Chị em,

    “Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về!”. Thiên Chúa là ông chủ vô cùng rộng lượng, Ngài muốn chúng ta quảng đại sinh lợi cho Ngài. Mỗi ngày, Ngài đổ vào tài khoản từng người 86.400 giây, việc chúng ta phung phí hay sử dụng nó một cách có ý nghĩa tuỳ thuộc vào mỗi người. Vấn đề là làm sao chúng ta biết sử dụng thời gian Chúa ban một cách hữu ích cho mình và cho tha nhân. Tin Mừng dạy chúng ta học ‘tự hiến’ như Thiên Chúa, như Chúa Giêsu, giữ lòng mình hướng về những sự trên trời và sống bác ái với anh chị em. Thiên Chúa ghê tởm sự thờ ơ và thái độ cho rằng nén bạc Ngài trao không đáng để làm lợi; nhưng Ngài sẽ tôn vinh những ai sử dụng nó để làm điều tốt khi dám tự hiến như Ngài. Những ai trung thành với việc sinh lợi dù chỉ từng chút một, ‘từng xu một’ sẽ được giao phó nhiều hơn; những ai bỏ bê hoặc phung phí những gì Chúa trao sẽ đánh mất những gì họ đang có.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con sử dụng mọi tài năng, biết chắt chiu ‘từng xu một’, và nhận ra rằng, con không có gì để mất; tất cả là của Chúa, tất cả cho vinh quang Vương Quốc Ngài!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories