VŨ ĐIỆU TÌNH YÊU - Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi A
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống đời đời”.
Một số giáo phụ đầu tiên, đặc biệt Giáo Hội Đông Phương, thích sử dụng thuật ngữ “Vòng Tròn Quay” để diễn tả Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh này gợi lên một vũ điệu mạnh mẽ được ví như chuyển động bên trong Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần xoay quanh nhau, hoà quyện nhau trong một tương tác sống động. Vũ điệu tình yêu này lôi kéo tất cả chúng ta hoà vào những uốn khúc, những dòng chảy tràn đầy năng lượng tình yêu của Ngài.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Vũ điệu tình yêu’ Ba Ngôi là một hình ảnh có thể giúp chúng ta cảm nhận phần nào ý nghĩa của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Chúa Nhật kính trọng thể này.
Đó là một cộng đồng yêu thương Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh Thần tương tác nhau cách năng động như một ‘vũ điệu tình yêu’; ở đó, Thiên Chúa dang tay ôm lấy tất cả mọi người. Sự sống yêu thương bên trong Ngài biểu hiện đầy đủ nhất ra bên ngoài nơi con người Chúa Giêsu, Ngài là tình yêu của Chúa Cha bày tỏ trọn vẹn nhất để lôi kéo chúng ta vào mối quan hệ yêu thương với Ngài. Chúa Giêsu nói, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống đời đời”.
Với cách nói “sự sống đời đời”, chúng ta có xu hướng nghĩ ngay đến cuộc sống đời sau. Tuy nhiên, “sự sống đời đời” là sự sống yêu thương của Chúa Ba Ngôi, và Ngài mong muốn chúng ta hoà nhập vào sự sống đó, ‘vũ điệu tình yêu’ đó, ngay ‘lúc này và ở đây’ trong cuộc sống trần thế này. Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm, thì đó là một mầu nhiệm tình yêu cần thể hiện nơi thân xác con người Chúa Giêsu. Nhờ đó, Ngài có thể lôi kéo tất cả chúng ta vào trong chính sự sống thần linh của Ngài. Bài đọc Xuất Hành cho biết, đó là một Thiên Chúa rất gần gũi. Môisen gặp gỡ Ngài, đứng trước mặt Ngài, xin Ngài xót thương dân mình.
Một biểu hiện khác của sự sống yêu thương trong Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Nếu Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian, thì Ngài và Chúa Con cũng sai Thần Khí đến thế gian. Chính Thánh Thần cho phép tình yêu Thiên Chúa đi sâu vào nội tâm chúng ta, chính Thánh Thần hấp dẫn chúng ta vào ‘vũ điệu tình yêu’ này. Trong thư Rôma, Phaolô nói, “Tình yêu Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần”. Nhờ Thánh Thần, sự sống Thiên Chúa, sự sống yêu thương, có thể ngự trị trong nơi sâu thẳm của mỗi người.
Anh Chị em,
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta rằng, Thiên Chúa Là Tình Yêu! Động cơ chính của Ngài là tình yêu, Ngài yêu chúng ta trước. Việc Thiên Chúa hướng về chúng ta trong tình yêu luôn luôn là một sự cho đi; nó không phụ thuộc vào việc bạn sẽ tốt như thế nào hay đang sống tốt như thế nào. Thách thức ngày lễ đặt ra không phải là vấn đề hiểu biết mà là vấn đề chấp nhận. Bạn và tôi được yêu cầu chấp nhận chuyển động của Thiên Chúa đối với chính mình; đồng thời, được mời gọi tin vào sự dịu dàng của Ngài đang hoạt động trong cuộc sống mình như Ngài đang hoạt động trong thế giới. Việc bạn và tôi ‘chấp nhận và tin’ chỉ thể hiện qua cách sống yêu thương, cùng hoà nhịp với ‘vũ điệu tình yêu’ Ngài mời gọi. Như vậy, chỉ ai sống yêu thương, người ấy mới biết Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ích kỷ thường làm con lạc phách. Xin Thánh Thần lôi cuốn con vào ‘vũ điệu tình yêu’ Ba Ngôi; nhờ đó, con có thể hoà nhịp để sống một tình yêu chỉ luôn muốn cho đi!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)