3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM ĐINH LẬP LIỄM - THỨ NĂM

  •  

    Thứ Năm tuần 5 Thường niên năm I (Mc 7,24-30)

    Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

    Chúa trừ quỷ ở miền Tyrô (Mc 7,24-30)

    1. Bài Tin mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chữa trừ quỷ cho người đàn bà xứ Phênixi. Qua phép lạ này chúng ta thấy người đàn bà ngoại giáo này được Chúa chữa bệnh cho con bà nhờ bà có những đặc tính này:

    - Bà là một người ngoại, nên lẽ ra theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu, bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người Do thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bằng những lời rất nặng: “Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.

    - Nhưng lòng tin kiên trì cùng với lòng khiêm nhường của bà đã biến bà thành “con cái trong nhà”, nên Chúa Giêsu đã ban ơn theo lời bà xin.

    1. Người đàn bà dân ngoại trong câu chuyện hôm nay có nhiều đức tính đáng chúng ta chú ý và bắt chước:

    - Chúng ta thấy bà là người rất khiêm tốn, dám chịu nhận mình là “chó con”: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn rơi xuống”.

    - Bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước từ ngay từ lúc đầu bằng những lời rất nặng nề, nhưng bà vẫn không nản lòng. Lòng tin của bà không hề lay chuyển.

    - Bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bàCứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin lời Chúa nên bà ra về trong tin tưởng.

    1. Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do thái giáo), lời trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi.

    Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự, nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giêsu đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.

    1. Tại sao một số người có đức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém? Tại sao một số người thấy đức tin là điều dễ dàng, đang khi số khác lại thấy đó là điều khó khăn? Người đàn bà ngoại giáo này biết mình là người ngoại, không hy vọng được Chúa đoái nghe vì người Do thái không ưa người Canaan, nếu không muốn nói là ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm khó chịu và muốn xua đuổi của các Tông đồ đối với bà? Nhưng bà tin rằng thế nào Chúa cũng phải thương bà. Bà có lòng tin như một người ngoại khác là viên bách quan kia:Thưa Thầy, tôi chẳng đáng Thầy vào nhà tôi, song xin Thầy chỉ phán một lời” (Mt 8,8). Nghe vậy, Chúa Giêsu bỡ ngỡ nói với các kẻ theo Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin như thế nơi một người nào trong Israel” (Mt 8,10).
    2. Đọc Tin mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. “Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết” (Mc 7,24).

    Chúa sống như vậy, còn chúng ta thì sao? Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa./Newton, một nhà vật lý học và thiên nhiên học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết: “Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá”.

    Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần: “Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng thấy mình còn dốt”.

    1. Truyện: Giữ vững lòng tin sắt đá

    Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị linh mục Hungary và xin được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.

    Khi cửa nhà khách được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị linh mục rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các linh mục bầy ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những người giàu dễ dàng kìm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không bao giờ tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”.

    Vị linh mục cười và trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”. “Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi”, vị sĩ quan hét lên. Anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào đầu linh mục và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng”.

    Vị linh mục điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa”.

    Viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống sàn và chạy đến ôm vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những người dám chết vì Đức tin, cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể chết cho Đức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Điều này có thể làm được”.

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BA - LM CAO SIÊU

  •  
    Chi Tran - LEYEN
     
     
     
     
     


    SUY NIỆM LỜI CHÚA   
    THỨ BA 07/02/2023  SAU CN TN NĂM A
     
    BÀI ĐỌC I: St 1, 20 – 2, 4a
     
    “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta”.
     
    Trích sách Sáng Thế.
     
    Thiên Chúa phán: “Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời”. Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
     
    Thiên Chúa lại phán: “Đất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
     
    Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người nghỉ việc tạo thành. Đó là gốc tích trời đất khi được tạo thành. Đó là lời Chúa.
     
    PHÚC ÂM: Mc 7, 1-13
     
    “Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
     
    Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”. Đó là lời Chúa.
     
    Suy niệm:
     
     
    Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13).
     
    Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm,
     
    truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo.
     
    Song song với truyền thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9)
     
    Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này
     
    chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).
     
     
    Đây là một điều đáng tiếc,
     
    vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13).
     
    Trái lại, họ muốn dân Do Thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình,
     
    sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu.
     
    Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê
     
    mà còn muốn sống theo những truyền thống
     
    dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.
     
     
    Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế.
     
    Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu
     
    đã không rửa tay trước khi ăn.
     
    Thật ra chẳng phải người Do Thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn.
     
    Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15).
     
    Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,
     
    người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim.
     
    Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh.
     
     
    Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,
     
    365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.
     
    Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do Thái giáo.
     
    Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này.
     
    Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa.
     
    Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13):
     
    “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”
     
    Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa?
     
    Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả?
     
    Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?
     
    Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến.
     
    Cầu nguyện:
     
     
    Lạy Chúa,
     
    xin cho con quả tim của Chúa.
     
    Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
     
    nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
     
    vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
     
    để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
     
     
    Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
     
    mọi trả thù ti tiện.
     
    Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
     
    không một biến cố nào làm xáo trộn,
     
    không một đam mê nào khuấy động hồn con.
     
     
    Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
     
    cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
     
    Xin cho quả tim con đủ lớn
     
    để yêu người con không ưa.
     
    Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
     
    để có thể ôm cả những người thù ghét con.
     
    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NỘI NGUYỄN -

  •  
    Song Loi Chua

    SUY NIỆM/CẢM NGHIỆM SỐNG PHÚC ÂM

    CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM A (05/02/2023)

    TIN MỪNG MAT 5, 13-16

    ---ooOoo---

    TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC KITÔ HỮU

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Trong đời sống đức tin các Kitô hữu có trách nhiệm trong hai chiều kích: tôn giáo và  xã hội. Chiều kích tôn giáo là mối tương quan mật thiết của mỗi người với Thiên Chúa. Chiều kích xã họi là mối tương quan tích cực của mỗi người với những con người và xã hội xung quanh.

    Những chỉ thị của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A hôm nay liên quan tới trách niệm xã hội của các Kitô hữu. Chúng ta hãy tìm hiểu xem Chúa Giêsu dậy chúng ta phải làm gì.

    II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM: (Mt 5, 13-16): Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

    "Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời"

    III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 1,29-34::  

    3.1 Công dụng của Muối trong thực phẫm:  Chúa Giêsu đã rất khôn khéo khi nói về Muối. Muối  làm cho thức ăn vừa miệng người ăn. Muối ướp thịt cá để giữ thịt cá không hư. Không có muối thức ăn sẽ nhạt nhẽo và thịt cá sẽ hư.

    Trong xã hội con người cần có những việc làm, những con người, những tổ chức  đóng vai trò làm cho con người và xã hội không hư thối. Những việc làm, những con người, những tổ chức ấy được ví như muối. Muối phải mẵn thì mới ướp được thịt cá Các Kitô hữu phải mặn mới làm cho xã hội và con người lành mạnh và thánh thiện.

    3.2 Ích lợi của Ánh Sáng trong đời sống con người: Chúa Giêsu đã rất khôn khéo khi nói về Ánh Sáng . Ánh Sáng  xua tan bóng tối và làm cho nhà cửa, đường sá sáng láng, đẹp đễ. Không có ánh sáng thì con người sẽ sống trong bóng tối mịt mù.

    Trong xã hội con người cần có những việc làm, những con người, những tổ chức  đóng vai trò làm cho đời sống con người và xã hội sáng sửa tươi đẹp. Những việc làm, những con người, những tổ chức ấy được ví như ánh sáng.  Ánh Sáng hay ngọn đền phải được đẵt trên cao dể soi sáng cho mọi ngóc ngách. Các Kitô hữu phải sáng thì mới xua tan được bóng tối và làm cho xã hội và con người sáng sủa tuơi xinh

    IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 1,29-34:   

    4.1 Chúng ta hãy làm cho mình thành Muối:  Đó là việc đầu tiên chúng ta có thế làm, với tâm tình khiêm tốn biết ơn đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu và đối với thánh Mátthêu. Biến mình thành Muối bằng đời sống nội tâm gắn kết chạt chẽ với Chùa Giêsu và với Thần Khí. Biến mình thành Muối bằng những việc làm yêu thương bác ái, phục vụ,

    ,

    4.2 Chúng ta hãy cố gắng biến mình thánh ánh sáng, thành ngon đèn: Đó là việc thứ hai chúng ta có thế làm, với tâm tình khiêm tốn biết ơn đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu và đối với thánh Mátthêu. Biến mình thành Áng Sáng đời sống nội tâm sáng ngời của Thần Khí. Biến mình thành Ánh Sáng, thành ngọn đèn bằng  những việc làm yêu thương bác ái, phục vụ,

    Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN

    KHAI MỞ:  Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã giao cho chúng con sứ mạng phúc âm hóa hay biến đổi con người và xã hội. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.

    1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất » Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho càng ngày càng có nhiều người ý thức mình là muối trong và đối với cộng đồng xã hội.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2.- «Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy biết làm cho mình thành Muối Mặn giữa cộng đoàn.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3.- «Các con là sự sáng thế gian»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu xác tín mình là ánh sáng, là ngon đèn đối với ngừoi xung quanh..

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    4.- «Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho các Kitô hữu đang làm cha làm mẹ, làm huynh trưởng, làm lãnh đạo để họ ý thức được sứ mạng cao cả của mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    LỜI KẾT:

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho chúng con; Người đã tha thiết dậy dỗ chúng con phải chu toàn sứ mạng làm muối làm men làm ánh sáng trần gian.

    Chúng con xin Cha ban cho chúng con một sức mạnh thiêng liêng để chúng con chu toàn sứ mạng cao cả và khó khăn ấy,  Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha Chúa chúng con. Amen.

    Sàigòn ngày 04 tháng 02 năm 2023

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  

     

    --
    Y

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM CAO SIÊU

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
    05.02.2023 – Chúa nhật V Thường Niên Năm A
     
    BÀI ĐỌC I: Is 58, 7-10
     
    “Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông”.
     
    Trích sách Tiên tri Isaia.
     
    Này đây Chúa phán: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, ngươi gọi, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: ‘Này Ta đây’. Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”. Đó là lời Chúa.
     
    BÀI ĐỌC II: 1 Cr 2, 1-5
     
    “Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh”.
     
    Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
     
    Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
     
    PHÚC ÂM: Mt 5, 13-16
     
    “Các con là sự Sáng thế gian”.
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
     
    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.
     
    “Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Đó là lời Chúa.
     
    SUY NIỆM
     
    Cha mẹ Công giáo thường dạy con:
    mình là con nhà có đạo nên không được làm như thế.
    Đôi khi chúng ta cũng thiếu tế nhị khi hỏi một người:
    “Anh hay chị có đạo không?”
    Làm như thể người không Công giáo thì không có đạo!
    Có đạo, vào đạo, theo đạo, giữ đạo
    là những lối nói quen được sử dụng.
    Trở nên người Công giáo đúng là đi vào một Con Đường,
    đi theo một Con Người, và giữ giáo huấn của Người ấy.
    Nhưng bài Tin Mừng hôm nay còn cho thấy một nét khác.
    Đó là sống đạo, vì đạo đòi phải đi vào cuộc sống,
    đòi phải đến với thế giới, với mọi người. 
     
    Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết căn tính của họ
    nếu họ sống các Mối Phúc Ngài vừa nói.
    “Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế giới.”
    Chẳng có định nghĩa nào bao quát hơn thế !
    Trái đất này, thế giới này là địa bàn hoạt động của môn đệ.
    Cuộc sống của họ gắn liền với mọi người ở mọi nơi.
    Chẳng có định nghĩa nào cao cả hơn thế !
    Chỉ Chúa Giêsu mới là ánh sáng thế gian (Ga 8,12; 9,5).
    Khi nên một với Ngài, môn đệ cũng thành ánh sáng. 
     
    Trái đất này cần các môn đệ như cần muối.
    Thế giới này cần các kitô hữu như cần ánh sáng.
    Làm sao con người có thể sống mà không có muối?
    Làm sao thế giới có thể tồn tại mà không có ánh sáng?
    Đối với Chúa Giêsu, các môn đệ đóng vai trò quan trọng,
    vai trò không thể thiếu được.
    Nếu cuộc sống hôm nay trở nên vô vị, hư hỏng,
    thì các môn đệ phải chịu một phần trách nhiệm,
    vì họ là muối đã bị biến chất, không còn vị mặn nữa.
    Muối đã nhạt thì chẳng ướp được ai.
    Thế giới hôm nay trở nên tối tăm vì hận thù,
    u ám bởi chiến tranh tàn phá,
    vì người môn đệ Chúa Kitô chưa thật là ánh sáng,
    hay là ánh sáng nhưng lại che giấu đi. 
     
    Là kitô hữu, là môn đệ Chúa Giêsu,
    chúng ta cứ phải kiểm tra về chất lượng muối của mình,
    kiểm tra xem đèn của mình có tỏa sáng không.
    Muối tốt thế nào cũng làm cho người ta lại gần nhau,
    tình người thêm mặn mà,
    bảo quản lâu bền những mối giây thân ái.
    Đèn sáng thế nào cũng đuổi xa bóng tối,
    và kéo mọi người trong nhà ngồi xích lại gần nhau.
    Những việc tốt đẹp ta làm khiến ta tỏa sáng,
    nhưng chúng ta không tỏa sáng để tìm tiếng cho mình.
    Nhờ ánh sáng của tôi mà người ta gặp ánh sáng Chúa.
    Đèn sáng đặt trên đế, thành phố nổi bật trên đồi,
    đó là hình ảnh về cuộc sống người môn đệ:
    không mặc cảm tự ti, không che giấu viên ngọc mình có,
    không khép kín, quay vào mình hay coi mình là trung tâm,
    nhưng luôn tìm vinh danh cho Thiên Chúa. 
     
    Chúa Giêsu dạy các môn đệ học sự hiện diện của muối.
    Muối lặng lẽ ngấm vào thức ăn.
    Từ bên trong, muối âm thầm biến đổi mọi sự,
    mà vẫn giữ nguyên mọi sự, rồi muối tan biến đi.
    Chúa mời ta học sự hiện diện của ngọn đèn.
    Đèn được trên đế cao, không phải để được ca tụng,
    nhưng để dễ dàng soi sáng mọi người trong nhà.
    Ánh sáng của ngọn đèn dầu đem lại niềm vui và sự sống.
    Đèn trao đi ánh sáng và chấp nhận dầu bị hao đi.
    Sống với người khác như nắm muối, như ngọn đèn dầu,
    đó là lối sống của người môn đệ:
    biến đổi thế giới qua trao hiến và biến tan chính mình. 
     
    LỜI NGUYỆN
     
    Lạy Chúa Giêsu,
    Xin giúp con tỏa hương thơm của Chúa nơi mọi nẻo đường.
    Xin đổ tràn hồn con thần khí và sự sống của Chúa.
    Xin thấm nhập và chiếm lấy trọn vẹn con người con
    đến nỗi cả đời sống con chỉ là sự tỏa sáng của Chúa. 
     
    Xin chiếu sáng qua con, để mọi người con tiếp xúc
    cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong con.
    Khi họ nhìn lên, xin cho họ chỉ thấy Chúa,
    chứ không thấy con nữa.
    Xin ở lại với con, và con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Chúa,
    bừng tỏa như ánh sáng cho tha nhân. 
     
    Lạy Chúa Giêsu,
    ánh sáng hoàn toàn đến từ Chúa, chứ không đến từ con.
    Chính Chúa sẽ chiếu sáng trên họ qua con.
    Con xin ca ngợi Chúa theo cách Chúa yêu thích nhất,
    đó là chiếu sáng trên những người sống quanh con.
    Xin cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời,
    nhưng bằng gương sáng của con,
    bằng sức mạnh thu hút và dễ mến của những việc con làm,
    do tình yêu đầy tràn của lòng con đối với Chúa. Amen.
    (Thánh John Henry Newman)
     
    Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    Năm 2023
     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     


     
     
     

    CHỌN LỰA GIÁN ĐOẠN

    “Hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

    Đang đi nghỉ ở Ireland, nhà sản xuất xe hơi, Henry Ford, được yêu cầu đóng góp cho một trại mồ côi. Ford ký một tấm check trị giá 2.000 bảng, và thông tin đó đã xuất hiện trên các báo. Oái oăm thay, biên tập viên đã bất cẩn đăng món quà là 20.000 bảng. Giám đốc trại mồ côi lo lắng điện thoại xin lỗi Ford, “Tôi sẽ gọi và yêu cầu biên tập viên sửa lại”, giám đốc nói. “Không cần phải như vậy!”, Ford trả lời; và ông nhanh chóng viết thêm tấm check 18.000 bảng bổ sung.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Không cần phải như vậy!”, Henry Ford đã đón nhận sự bất tiện cách vui lòng. Với Tin Mừng hôm nay, cư xử hào hiệp của Ford có một tên gọi khác, một ‘chọn lựa gián đoạn!’. Chúa Giêsu cũng đã chọn lựa như thế khi Ngài có một kiểu đi nghỉ khác thường dành cho các môn đệ của mình; một kiểu đi nghỉ kiến tạo và phục hồi nơi họ một con tim cứu độ và xót thương, một con tim dám ‘chọn lựa gián đoạn!’.

    Trở về sau những ngày rao giảng, các môn đệ không tài nào giấu được sự mệt mỏi bởi đôi mắt tinh tường của Thầy. Và họ không ngạc nhiên khi nghe Ngài bảo, “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”; rồi họ xuống thuyền, chèo tới một nơi hẻo lánh. Ấy thế, khi thuyền vừa cập bến, đã có một đám rất đông đợi ở đó. Kìa, một đám người mà lòng họ đang khát khao mãnh liệt được ở gần Ngài! Phải chăng đây là cách đám đông ‘nghỉ ngơi’, cũng là cách mà Chúa Giêsu muốn bạn và tôi ‘nghỉ ngơi?’. Lạ thay! Ngài không bực nhọc; thay vào đó, “chạnh lòng thương”; Ngài giữ cho mình một con tim cứu độ và xót thương ngay trong khoảng trời riêng của mình. Ngài chấp nhận thay đổi kế hoạch vì người khác, Ngài ‘chọn lựa gián đoạn!’.

    Trong cuộc sống, sau khi tận tuỵ phục vụ, ai trong chúng ta cũng muốn nghỉ ngơi; Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế. Vậy mà, có một điều đã cho phép Ngài gián đoạn chương trình của Ngài chính là sự khát khao của những con người muốn ở bên Ngài, được nuôi dưỡng bởi Lời. Vì thế, Ngài sẵn sàng gác lại mọi chương trình để thoả mãn mong ước của họ. Ở Chúa Giêsu, xem ra không có ‘vacation’, kỳ nghỉ; chỉ có ‘salvation’, cứu độ! Cũng thế, với bất cứ bậc sống nào, bạn có quyền và có thể nghĩ đến một kỳ nghỉ; nhưng, đôi khi bác ái buộc phải chọn lựa một cách khác. Bạn và tôi hãy làm như Chúa Giêsu: ‘chọn lựa gián đoạn!’; nghĩa là chọn cho mình con tim cứu độ và xót thương ở bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả kỳ nghỉ và giờ nghỉ.

    Chìa khoá để có một con tim như thế chính là sự sẵn sàng; sẵn sàng với thời gian, của cải và sức lực. Khi điều này xảy ra, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai; Ngài ban những ơn bạn không bao giờ ngờ tới để mỗi người có thể rộng rãi trao ban. Và tuyệt vời hơn, chính trong những thời điểm ngặt nghèo ‘bất tiện’ nhất này, khi vui tươi làm những gì chợt đến, thì Thiên Chúa lại thường cho bạn gặt hái những hoa trái mà đôi lúc suốt nhiều tháng, nhiều năm, chúng ta vất vả mà luống công. Thư Do Thái hôm nay nói, “Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng với những của lễ như thế”; Thánh Vịnh đáp ca thì bảo đảm phần phúc, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!”.

    Anh Chị em,

    Dẫu bị quấy rầy giữa kỳ nghỉ, nhưng Ford đã có một tấm lòng nhân ái đáng trân trọng. Với chúng ta, được ‘vacation’ bên Chúa Giêsu, nên giống Ngài, con tim chúng ta đầy sự cứu rỗi, ‘salvation’ hơn Henry Ford biết bao! Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, với một Kitô hữu, việc nghỉ ngơi không mâu thuẫn với việc nghĩ đến và phục vụ tha nhân. Trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu luôn hoạt động, cả khi Ngài nghỉ ngơi, Ngài vui lòng hiến mình cho những ai cần Ngài. Ngài sẵn sàng ‘chọn lựa gián đoạn!’. Ước gì trái tim của bạn và tôi cũng nên giống trái tim Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, cho con luôn vui tươi, sẵn sàng ‘chọn lựa gián đoạn’ khi lòng bác ái đối với tha nhân đòi hỏi. Có như thế, con tim của con mới có thể mới mẻ như con tim Chúa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories