3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN4MV-A

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A (18/12/2022)

    MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI

    VÀ Ở CÙNG CHÚNG TA

    [Is 7,10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Xét về thời gian thì Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng là thời gian cận kề với Lễ Chúa Giáng Sinh. Hội Thánh cho chúng ta đọc các Bài Thánh Kinh công bố Vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta là Đấng đã và sẽ đền trong đêm 24 tháng 12.

    “Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta” là Mầu Nhiệm vĩ đại được mạc khải cho loài người chúng ta.

    Mặc khải ấy đem lại NIỀM VUI và làm nên CĂN TÍNH cho Dân riêng Chúa là Ít-ra-en xưa và Hội Thánh Chúa Ki-tô ngày nay.

    Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón mừng Mầu Nhiệm “Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta” Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” và sống mật thiết với Người để hưởng Niềm Vui mà Hài Nhi Giê-su là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta đã đem đến cho nhân loại nói chung, cho những người thành tâm thiện chí nói riêng.

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 7,10-14): “Này trinh nữ sẽ thụ thai” Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa".

    Và Isaia nói: "Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta"

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 1,1-7): "Đức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít, là Con Thiên Chúa" Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

    Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 1,18-24): “Chúa Giê-su sinh ra bởi Đức Ma-ri-a, đính hôn với Thánh Giu-se con vua Đa-vít" Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

    Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".

    Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

    Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mìnhnhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

    Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa là:

    * Đấng đã chiều lòng dân Ít-ra-en mà ban cho họ một dấu chỉ đặc biệt là “người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” có nghĩa là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

    * Đấng đã sai sứ thần đến giải thích và hướng dẫn cho ông Giu-se biết cách hành xử phù hợp với Thánh Ý và Kế Hoạch của Thiên Chúa: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

    * Đấng đã dùng các ngôn sứ mà hứa trước Đấng Cứu Thế và đã dùng Phao-lô để loan báo Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

    * Đấng đã yêu thương các tín hữu Rô-ma (và mọi tín hữu khác) và kêu gọi họ làm thành dân thánh.

     

    3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

    Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là:

    “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."

    Chúng ta hãy hân hoan đón nhận Mạc Khải về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể làm người và đón rước “Đấng-Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” là Chúa Giêsu Kitô!

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    Thiên Chúa mời chúng ta đáp lại Tình Thương và Ơn Mạc Khải của Người bằng hai cách như sau:

    4.1 Sống với Chúa là Đấng-đang-ở-cùng-chúng-ta nơi Chúa Giê-su Hài Nhi và Chúa Ki-tô Phục Sinh:

    Người ngự trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta;

    Người hiện diện trong các Bí Tích, nhất là Thánh Thể, và trong từng trang Sách Thánh;

    Người có mặt trong cộng đoàn Hội Thánh và trong mọi người, nhất là trong những người nghèo hèn, túng thiếu, ở ngoài lề xã hội và bị khinh khi và lãng quên;

    Người ẩn mình trong các biến cố lớn nhỏ của cuộc sống đời thường.

    Công việc của chúng ta là tìm kiếm, khám phá ra Chúa và sống với Người với một tấm lòng ngưỡng mộ yêu mến, một tâm tình biết ơn và lời cảm tạ.

     

    4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa là đón nhận Đức Maria và Con Trẻ Giêsu vào nhà mình.

    Cụ thể là:

    (a) Đón nhận Hài Nhi Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Lời Nhập Thể làm người do quyền năng của Chúa Thánh Thần, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!    

    (b) Nhìn nhận Đức Ma-ri-a thụ thai Chúa Giê-su là do quyền năng của Chúa Thánh Thần nên vẫn là Nữ Trinh.

    (c) Đón rước Chúa Giê-su và Mẹ Người vào nhà mình tức đón rước các Ngài vào tâm hồn và cuộc sống của mình; đối xử với các Ngài như những người thân thương nhất, cao trọng nhất.

    (d) Thường xuyên dâng lời chúc tụng, ngợi khen Tình Thương và Quyền Năng của Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

    Mỗi người nhìn lại xem mình đã và đang sống như thế nào với giáo huấn hay thánh ý trên của Thiên Chúa?

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    [Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

    5.1 «Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước trong thế giới hôm nay, biết nhận ra dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa mở rộng tâm hồn đón rước Thiên Chúa giáng thế làm người là Hài Nhi Giê-su sinh ra ở Bê-lem.

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người xác tín hơn nữa vào Con Trẻ Giê-su là Đấng cứu họ khỏi tội lỗi và sự chết.

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang ngày đêm miệt mài với Công Cuộc Truyền Giáo cho những người chưa biết Chúa, ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, để họ hăng say và kiên trì với sứ mạng loan báo Tin Mừng.

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 14 tháng 12 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                             

     

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINHANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ BA CN3MV-A
     

    KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC

    TIN MỪNG MAT 21,28-32: DỤ NGÔN HAI NGƯỜI CON

    “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.

    CÂU 21

    Charles Spurgeon nói, “Khi Chúa muốn thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi, Ngài chọn một người bất khả thi và làm cho người ấy vỡ vụn. Tôi bị hấp dẫn bởi từ ‘vỡ vụn!’. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là ‘tan nát’. Điều Chúa muốn tôi dâng lên Ngài là một tinh thần tan nát và một trái tim bầm dập. Mãi cho đến khi lòng kiêu hãnh tan vỡ, chúng ta mới bắt đầu hiểu được những sâu nhiệm của Ngài. Bởi lẽ, Thiên Chúa chỉ làm được những điều vĩ đại ngang qua những con người đã từng để Ngài vùi dập cho đến tan nát. Thật ‘không thể tin được!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Nghịch lý ‘không thể tin được’ của Charles Spurgeon, một lần nữa, được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Cựu Ước cho biết, Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường; bài đọc Tân Ước ghi lại câu nói rất khó tin Chúa Giêsu dành cho giới lãnh đạo tôn giáo đương thời, “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.

    Qua ngôn sứ Sôphônia, Thiên Chúa hứa một điều lạ lùng: kẻ bần cùng được Ngài đoái thương; hạng quyền thế Ngài dìm xuống bùn đen, “Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng; sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo hèn”. Thánh Vịnh đáp ca cũng một tâm tình, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhậm lời!”. Với bài Tin Mừng, việc Chúa Giêsu so sánh giới lãnh đạo và các cô gái điếm thật gây sốc. Ngài có thực sự nói như thế? Phải chăng sự thánh thiện của những cô gái điếm và những người thu thuế vượt trội bội phần so với giới lãnh đạo tôn giáo? Đúng, Ngài đã nói thế! Thật là một “cái tát vào mặt” các chức sắc, một cái tát đến ‘vỡ vụn’ ‘không thể tin được!’. Nhưng “thuốc đắng ‘đã’ tật”; đó là một cái tát đến tan nát vì lợi ích của linh hồn.

    Chính sự kiêu ngạo đã khiến các thượng tế và kỳ lão không bao giờ chấp nhận những lời này. Bởi lẽ, họ đánh giá bản thân quá cao và mong người khác đánh giá cao về họ; họ bị thuyết phục về việc tự cho mình là công chính và đó là một sai lầm nghiêm trọng! Thế nhưng, Chúa Giêsu đã làm mọi thứ ‘công chính’ này vỡ vụn, bằng cách nâng những cô gái điếm và những người thu thuế lên tận Nước Trời. Họ là những đứa con thưa “Không” với cha, nhưng sau đó ân hận và đi làm vườn nho; đang khi các lãnh đạo tôn giáo vị vọng là những đứa con thưa “Vâng”, lại chối từ việc làm.

    Vậy trong hai nhóm này, bạn thuộc nhóm nào? Nhóm các chức sắc tôn giáo hay các cô gái điếm và hạng thu thuế? Có lẽ thật khó để chúng ta thừa nhận dứt khoát mình thuộc nhóm nào! Chúng ta có xu hướng nhận mình thuộc nhóm công chính; nhưng cũng thừa nhận đôi chút khiếm khuyết hoặc một tội cá nhân nào đó. Vậy mà, ở đây, Chúa Giêsu không nói đến một ‘nhóm lưng chừng’. Sự thật là chúng ta cần thấy mình thuộc hẳn về nhóm thu thuế và các cô gái xấu số. Tại sao? Bởi bạn và tôi đều là tội nhân! Có thể không mắc tội của họ, nhưng chúng ta có tội và phải thừa nhận điều này. Và trên thực tế, nếu không thừa nhận yếu đuối và tội lỗi mình, chúng ta khác nào các thượng tế và kỳ lão mắc kẹt trong niềm kiêu hãnh khi tự cho mình là công chính!

    Anh Chị em,

    “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang ngỏ những lời này với chúng ta, những người đang sống trong một nền “văn hoá son phấn”, theo cách nói của Đức Phanxicô. Trong nền văn hoá son phấn đó, chúng ta khó nhận ra con người thật của mình. Mùa Vọng, mùa nhìn lên hang đá và trầm tĩnh để nhận ra ‘tôi đang thuộc nhóm nào?’. Nhìn lên hang đá, kìa, sự chật hẹp của lòng người và sự hào hiệp vô song của Chúa Trời! Nhìn lên thánh giá, kìa, sự khủng khiếp của tội lỗi và sự vĩ đại của tình yêu! Mùa Vọng, mùa xin Chúa đánh vỡ vụn tâm hồn cho đến khi bạn và tôi thấy được tội lỗi mình; mùa để thấy sự khao khát của linh hồn đối với Chúa; và Mùa Vọng, cũng là mùa trải nghiệm niềm vui, tự do từ sự chữa lành của Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con, cho dù phải vỡ vụn khi con nghe những lời ‘không thể tin được’ Chúa dành cho con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  
    LM MINH ANH
     
     


     
    THỨ BẢY CN2MV-A
     

    KHUẤT PHỤC TRƯỚC LỜI

    TIN MỪNG MAT 17, 10-13

    Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”.CÂU 12.

    Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Ôi tôi yêu mến Lời Ngài biết bao, lạy Chúa! Nó hướng dẫn tôi trên con đường bình yên; tôi gẫm suy về nó suốt ngày! Các mỏ đá quý của sự giàu sang toả sáng có là gì, sắc đẹp của tuổi trẻ có là gì, và tất cả niềm vui có là gì so với Lời Ngài! Mặc dù nhiều điều đã xuyên qua trái tim yếu ớt của tôi, nhiều điều đã khiến lòng tôi se lại, nước mắt tôi nhiều lần chảy ra; nhưng Lời Ngài đã cứu tôi khỏi sự khốn khổ đời đời. ‘Khuất phục trước Lời’; từ lâu, tôi không bị ảnh hưởng, không mất tinh thần!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “‘Khuất phục trước Lời’; từ lâu, tôi không bị ảnh hưởng, không mất tinh thần!”. Ý tưởng của William Cowper được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cho thấy một điều gì đó đáng tiếc vì người đương thời không nhận ra Gioan trong quyền năng của Êlia, nên họ đã không nhận ra Ngài trong phẩm tính của một vị Thiên Sai, Đấng Gioan loan báo; Ngài nói, “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Tại sao? Bởi lẽ, họ không ‘khuất phục trước Lời’, lời Thánh Kinh đã được tiên báo!

    Bài đọc Huấn Ca gợi nhớ Êlia như một “sứ giả” dọn đường cho Đấng Messia, chính Malachia, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước đã nói đến vị sứ giả này. Nhiều người không hiểu lời của Malachia và thậm chí không biết về nó; vì thế, các thầy thông giáo đã dùng lời này để gây nhầm lẫn cho nhiều người khi họ tuyên bố rằng, vì “Êlia” đã không đến, nên “Giêsu” rõ ràng không phải là Đấng Messia. Chúa Giêsu đã làm rõ điều này, rằng, “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”; Ngài muốn nói về Gioan Tẩy Giả. Khi làm sáng tỏ điều này, Ngài cho thấy, các thầy thông giáo đã không chính xác trong nỗ lực giải thích Thánh Kinh, họ không ‘khuất phục trước Lời’ và chủ động lấy Lời để lừa dối người khác với những sai lầm của họ.

    Khiêm tốn trước Lời Chúa là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu đúng không chỉ những lời Cựu Ước mà còn cả những lời của chính Chúa Giêsu. Không khiêm nhượng trước Lời, tất cả chúng ta có thể dễ dàng hiểu sai những lời đẹp đẽ và thánh thiện, sâu sắc và chân thật; vì nhờ Lời, chúng ta đến gặp chính Thiên Chúa. Vì một khi để cho tính kiêu ngạo xâm nhập, chúng ta có thể thấy mình đang bắt chước các thầy thông giáo vốn hiểu sai Lời. Kết quả sẽ là một hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa, và điều này là một trở ngại cho cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Ngài. Vậy nếu có thể luôn khiêm tốn trước tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải; nói cách khác, nếu ‘khuất phục trước Lời’, chúng ta sẽ dễ dàng mở lòng đón nhận những chân lý sâu xa và đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa muốn nói với linh hồn mình.

    Anh Chị em,

    “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Các luật sĩ không đủ khiêm tốn để nhận ra Êlia trong Gioan; vì thế, họ không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Gioan dọn đường! Không nhận ra Chúa Giêsu Thiên Sai, họ vuột mất ơn cứu độ! Hôm nay, hãy suy gẫm, bạn thấy mình bối rối trước Lời Chúa; hãy cố gắng khiêm tốn mở rộng trái tim của bạn hơn nữa để đón nhận điều Chúa muốn nói. Hãy nhớ Lời Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu; vì thế, hãy lắng nghe Chúa Giêsu với một tâm trí và trái tim rộng mở khi biết ‘khuất phục trước Lời’ Ngài; hãy để cho quà tặng đức tin thanh khiết này trở thành người hướng dẫn bạn hầu bạn được dẫn dắt đến những chân lý sâu xa nhất của đức tin. Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con; xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin cho con biết ‘khuất phục trước Lời’ để can đảm làm điều Chúa muốn!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - GIẢI ẢO CUỘC SỐNG - CN4MV-A

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐAO BINH ĐỨC MẸ - CN3MV-A

Subcategories