3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

MỘT NIỀM VUI LỚN HƠN - Thứ Sáu Sau Lễ Tro A

“Khi ngươi kêu cầu, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ nói, ‘Này Ta đây!’”.

Clive Staples Lewis nhận định, “Thiên Chúa thấy ước muốn của chúng ta không quá mạnh; trái lại, quá yếu. Là ‘những sinh vật’ nửa vời, chúng ta bị lừa dối bởi đồ uống, tình dục và tham vọng… đang khi niềm vui vô hạn được tặng trao thì chúng ta lại chối từ. Khác nào một đứa trẻ ngu ngốc, chúng ta chỉ muốn tiếp tục nướng những chiếc bánh bùn trong khu ổ chuột, vì không thể tưởng tượng được ý nghĩa của lời đề nghị một kỳ nghỉ bên cha mình ở một khu du lịch biển. Chúng ta dễ hài lòng với những gì mình có, để rồi, đánh mất ‘một niềm vui lớn hơn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đừng đánh mất ‘một niềm vui lớn hơn!’”. Ý tưởng của Lewis được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Nói đến chay tịnh, chúng ta nghĩ đến khổ chế, ép xác; một cái gì đó đòi hỏi cố gắng bên ngoài. Vậy mà, nói đến chay tịnh, còn phải nói đến niềm vui bên trong, ‘một niềm vui lớn hơn!’.

Bài đọc Isaia chỉ ra cách thức để có được niềm vui đó, “Là huỷ bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức; chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước kẻ phiêu bạt không nhà; gặp người trần truồng, cho họ áo mặc”. Ai làm như thế, thì khi kêu cầu, Chúa sẽ trả lời, “Này Ta đây!”. Người ấy cảm nhận sâu sắc ‘một niềm vui lớn hơn’ của một Đấng luôn hiện diện, Đấng hoán cải con tim để linh hồn có thể hoà nhập vào quỹ đạo xót thương của Ngài.

Cũng thế, Tin Mừng hôm nay xác định niềm vui ‘có Chúa ở cùng’. Những người ‘đạo đức’ xầm xì việc Chúa Giêsu và các môn đệ nhởn nhơ ăn uống; Ngài cho biết, sự hiện diện của Ngài bù cho việc các môn đệ phải ăn chay. Ở bên Ngài, họ không cần phải làm điều đó; vì lẽ, sự hiện diện thân mật với Ngài đủ cho họ kiềm chế bất cứ tình cảm rối loạn và cảm giác thèm thuồng nào.

Bạn và tôi được kêu gọi không chỉ để trở thành môn đệ nhưng còn để trở nên tông đồ; không chỉ để “vui hưởng những chiếc bánh bùn”, nhưng còn để hướng đến ‘một niềm vui lớn hơn’. Và nếu chỉ nhắm đến những mục đích cao cả này, thì với ân sủng Chúa, chúng ta chỉ luôn làm điều đẹp lòng Ngài; và bấy giờ, tự nó, những ham muốn xác thịt ngổn ngang bên trong dù có đó, vẫn không thể cản bước chúng ta tiến về phía trước. Hãy để Thánh Thần thiêu đốt và dẫn dắt mọi việc; bấy giờ, ăn chay và tất cả các hình thức khổ chế khác sẽ giúp chúng ta tập trung vào Chúa, vào tinh thần, hơn là vào những yếu đuối, cám dỗ và xác thịt. Như thế, chay tịnh là dọn lòng bên ngoài để Chúa Giêsu có thể chiếm chỗ nhất bên trong. Và một khi Ngài đã thật sự đầy tràn ở đó; thì chính Thiên Chúa sẽ trở nên niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn, ‘một niềm vui lớn hơn’ đáng ao ước nhất.

Anh Chị em,

“Này Ta đây!”. Chúa Giêsu hằng hiện diện bên cạnh bạn, đặc biệt trong Thánh Thể, Ngài sẵn sàng đưa chúng ta đến một nơi còn hơn “một khu du lịch biển”; đang khi chúng ta lại dễ bị lừa phỉnh bởi vô vàn mời mọc của bản năng, của thế gian, để cảm thấy hài lòng với “những chiếc bánh bùn”. Và như thế, chúng ta đánh mất ‘một niềm vui lớn hơn!’. Vậy mà chính những mời mọc ‘tưởng chừng như vô hại’ đó lại thiêu rụi ước muốn quy hướng về Chúa. Mùa Chay, mùa bạn và tôi điều chỉnh lại thái độ của mình, không dễ dãi hài lòng với những gì bên ngoài và quyết tâm tìm cho mình những niềm vui bên trong. Mùa Chay, mùa khát khao Thiên Chúa, mùa chiến đấu với bản thân để Thiên Chúa là mối bận tâm duy nhất và Ngài luôn là chọn lựa số một của linh hồn. Được như thế, bạn và tôi mới có thể trải nghiệm ‘một niềm vui lớn hơn’, niềm vui Giêsu, niềm vui thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chính ân sủng Chúa mới ban cho con ‘một niềm vui lớn hơn’; xin đừng để con bị mê hoặc bởi “những chiếc bánh bùn” giá rẻ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

THỨ SÁU 24/02/23 – SAU LỄ TRO

Mt 9,14-15

CHO NIỀM VUI RẠNG RỠ

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9,15)

Suy niệm: Thường tình khi dự tiệc cưới, ai cũng ăn mặc tươm tất để bày tỏ niềm vui với cô dâu chú rể; không ai đến đến dự tiệc với bộ mặt “đưa đám,” trong y phục nhếch nhác. Niềm vui trong tiệc Thánh Thể còn đòi hỏi người tín hữu thể hiện gấp bội và sâu đậm hơn thế nữa. Bởi trong thánh lễ, Thiên Chúa mời nhân loại đến dự đại yến tiệc Ngài dọn, một tiệc cưới đã chuẩn bị từ ban đầu và suốt chiều dài lịch sử nhân loại, một tiệc cưới mà cao lương mỹ vị là chính Mình và Máu Ngài, và niềm vui cho người dự tiệc không chỉ là được thứ tha tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa, mà còn được phục hồi sự sống và sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Vì thế, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt và cách trang phục của người tín hữu diễn tả đức tin vững chãi và cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc được tham dự thánh lễ. Một linh hồn được cứu rỗi luôn tràn trề niềm vui. Lo âu, buồn rầu, bi quan rõ ràng tương phản với niềm vui trong Tiệc Thánh.

Mời Bạn: Bạn có sống niềm vui của Hội Thánh khi tham dự yến tiệc Thiên Chúa dọn cho nhân loại trong thánh lễ không? Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chuẩn bị xứng đáng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn mỗi khi dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.

Sống Lời Chúa: Nếu bạn sống đời thánh hiến vì Nước Trời, mời bạn bày tỏ niềm vui tận hiến khi dự thánh lễ; nếu bạn sống ơn gọi gia đình, mời bạn tham dự thánh lễ và dâng hiến gia đình của bạn cho Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa biến đổi những chum nước lã của cuộc đời con thành rượu ngon khi con đến dự Tiệc Thánh.

TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC - Thứ Hai Tuần 7 TN A

“Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa!”.

Một nhà tu đức nói, “Tội lỗi sẽ đưa bạn đi xa hơn bạn từng nghĩ bạn sẽ đi lạc. Tội lỗi sẽ khiến bạn lạc lối, bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ tìm thấy con đường của mình. Tội lỗi sẽ giữ bạn lâu hơn bạn nghĩ bạn sẽ ở lại. Tội lỗi sẽ khiến bạn phải trả giá đắt hơn những gì bạn từng nghĩ mình phải trả. Và tội lỗi sẽ kìm hãm ý chí của bạn đến mức bạn nghĩ sẽ tuyệt vọng, không bao giờ ‘tiến về phía trước’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tội lỗi sẽ kìm hãm ý chí của bạn đến mức bạn nghĩ sẽ tuyệt vọng, không bao giờ ‘tiến về phía trước’”. Ý tưởng của nhà tu đức trên sẽ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi ra lệnh cho quỷ “ra khỏi đứa bé”, Chúa Giêsu bảo, “đừng bao giờ nhập vào nó nữa!”. Trong đời sống thiêng liêng, lời này có nghĩa là đừng sợ, cứ ‘tiến về phía trước!’.

Mệnh lệnh kép của Chúa Giêsu đáng cho chúng ta suy gẫm. Chắc chắn, việc cứu đứa bé khỏi sự chiếm hữu của quỷ là điều quan trọng; nó sẽ thay đổi cuộc đời cậu. Nhưng hành động thương xót này, cuối cùng, sẽ kết thúc trong thảm kịch nếu quỷ lại nhập vào nó sau khi Chúa Giêsu rời đi. Do đó, mệnh lệnh thứ hai, cấm quỷ trở lại, cũng là một hành động rất nhân từ.

Hành động này nói với chúng ta rằng, chiến thắng cái ác là không đủ! Tại sao? Bởi lẽ, những cám dỗ và áp bức đến từ quân đoàn các cơ binh là liên tục và không ngừng. Điều thường xảy ra là, khi một người tìm được tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ và một tội lỗi nào đó, thì họ lại sa vào tội lỗi ấy và trở nên buông thả hơn. Vì vậy, hãy nhớ rằng, một khi đã chiến thắng tội lỗi, một cám dỗ hay áp bức nào đó, chúng ta phải luôn cảnh giác để không sa vào những tệ nạn cũ. Việc liên tục cảnh giác là điều cần thiết nếu chúng ta muốn tiếp tục vững chắc đi trên con đường dẫn đến nhân đức và thánh thiện. Khiêm tốn nhìn nhận sự bất lực của mình, để chỉ một cậy trông vào Chúa là điều kiện tiên quyết để chúng ta mãi ‘tiến về phía trước’.

Hãy suy gẫm về bất kỳ cám dỗ nào mà bạn đã chịu đựng và vượt qua, chỉ để lại rơi vào nó. Đặc biệt, suy gẫm về tầm quan trọng của sự cảnh giác cần thiết, để không những kiềm chế không tái phạm tội cũ mà còn tiến tới trong sự thánh thiện và nhân đức. Đừng quên, ma quỷ không bao giờ nương tay, nhưng Thiên Chúa lại càng không khoan nhượng trong lòng trắc ẩn và ân sủng của Ngài. Hãy tiếp tục tiến bước để không bao giờ trượt ngã và tái phạm tội lỗi trước đây.

Anh Chị em,

“Hãy ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa!”. Sống trong một thế giới mà xem ra, thần dữ đang thống trị, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhượng và hiền lành. Khiêm nhượng không hệ tại ở việc hạ thấp bản thân, mà ở chỗ nhận ra thực tế tiềm năng cũng như sự khốn khổ của mình. Bắt đầu từ sự khốn cùng của bản thân, sự khiêm tốn khiến chúng ta rời mắt khỏi chính mình để ‘tiến về phía trước’, nghĩa là hướng mắt về Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan, nguồn mạch khôn ngoan, như sách Huấn Ca hôm nay tiết lộ; cũng là Đấng có thể làm tất cả và thậm chí đạt được cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình đạt được. Chúa Giêsu từng nói, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ bổ sức cho!”. Vậy, bạn và tôi đừng cậy sức mình, một cậy vào Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn ‘tiến về phía trước’ và không bao giờ lơ là trong hành trình đức tin của mình!”, Amen

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CHỌN LẤY SỰ CAO CẢ - Thứ Năm Sau Lễ Tro

“Hãy chọn lựa sự sống, để anh em và dòng dõi anh em được sống!”.

Alcazar, một pháo đài toạ lạc uy nghiêm trên một đỉnh đồi ở Toledo, Tây Ban Nha. Trong cuộc nội chiến, Alcazar là một chiến trường đẫm máu được những người theo Chủ Nghĩa Quốc Gia bảo vệ. Trong một trận đánh khốc liệt, nhà lãnh đạo nhận được một cuộc điện thoại từ con trai, người đã bị bắt bởi nhóm Trung Thành. Nội dung: “Nếu không giao nộp pháo đài, họ sẽ giết con trai ông”. Người cha đã cân nhắc các lựa chọn suốt nhiều tiếng đồng hồ; sau đó, dừng lại với một trái tim nặng trĩu, ông nói, “Hãy chọn lấy sự cao cả! Con hãy chết như một người đàn ông!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy chọn lấy sự cao cả!”. Đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Qua bài đọc Đệ Nhị Luật, Môisen đưa ra những chọn lựa cho dân; từ bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra những chọn lựa cho các môn đệ. Chọn Thiên Chúa, chọn sự sống; chọn bỏ mình, ‘chọn lấy sự cao cả’.

Môisen đưa ra những chọn lựa cho Israel dân Chúa: Thiên Chúa hay thần ngoại, chúc lành hay chúc dữ, sự sống hay sự chết, hạnh phúc hay bất hạnh, đất hứa hay lưu đày? Và ông kết luận, “Vậy hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em!”. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu, cũng đưa ra những chọn lựa cho những ai theo Ngài: bỏ mình hay tìm mình, cứu mạng hay mất mạng, được cả thế giới hay đánh mất chính mình? Và Ngài kết luận, “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?”. Ngài đề nghị hãy ‘chọn lấy sự cao cả!’. Đó là chọn lựa của những con người “đặt niềm tin cậy vào Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca xác tín.

Bản thân Chúa Giêsu, Ngài cũng đã chọn lựa, “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ khai trừ và giết chết”; thế nhưng, ở đây, có một chi tiết then chốt mang tính quyết định liên quan đến niềm tin Kitô, “Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Qua đó, Ngài quyết định ôm lấy thập giá đời mình với sự tự tin và lòng can đảm. Chọn lựa của Ngài là một chọn lựa mang tính cứu độ, tình yêu của Ngài đòi buộc Ngài chọn lấy những gì tốt nhất cho người mình yêu, bất biết giá cả, bất chấp khó khăn, bất kể rủi ro. Tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu dành cho nhân loại mạnh mẽ đến nỗi Ngài được thúc đẩy tiến về phía cái chết đang chờ Ngài với một dũng khí kiên cường, một ý chí kiên định; để từ đó, hiến dâng mạng sống cho nhân gian, và không một điều gì có thể cản ngăn Ngài chối từ sứ mệnh. Ngài đã không chỉ “chết như một người đàn ông”, nhưng còn chết như một vị Thiên Chúa!

Anh Chị em,

“Hãy chọn lựa sự sống, để anh em và dòng dõi anh em được sống!”. Chính Chúa Giêsu đã chọn sự sống qua việc chấp nhận chết, “để anh em” của Ngài và “dòng dõi” của Ngài; trong đó, có chúng ta được sống. Ngài cứu cả nhân loại, chứ không chỉ cứu một pháo đài. Còn hơn người cha kia, Chúa Cha cũng đã nói với Ngài, “Con hãy chết như một vị Thiên Chúa!”. Đó chính là chọn lựa vĩ đại nhất, một chọn lựa được lặp đi lặp lại mỗi ngày trên các bàn thờ để cứu lấy ‘muôn triệu lâu đài’ của Thiên Chúa là linh hồn những kẻ tin yêu Ngài. Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói, “Giá mà chúng ta biết trước những gì mình sẽ nhận khi từ bỏ mọi sự!”. Chúa Giêsu biết Ngài sẽ nhận được gì, nên Ngài dám từ bỏ mọi sự. Hôm nay, Ngài nói cho chúng ta bí mật ấy; bí mật ấy là bỏ mình, ôm lấy thập giá đời mình. Bỏ mọi sự mà không bỏ mình, vẫn chưa bỏ gì cả; đó vẫn là chọn lựa hơn thua, không phải là chọn lựa của tình yêu; cũng không phải là ‘chọn lấy sự cao cả’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Mùa Chay, mùa chọn lựa; xin ban cho con ân sủng và sức mạnh để con luôn đủ sức hầu luôn chọn làm theo ý Chúa, chọn bỏ mình; và như thế, con ‘chọn lấy sự cao cả!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MÙA CHAY CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Ngày tháng tiếp tục xoay vần, thời tiết bắt đầu thay đổi, những ngày lễ hội mừng Năm mới trôi xa hơn vào quá khứ.

Tất cả đều là dấu hiệu Mùa Chay đang đến gần. Mùa Chay là một trong năm mùa của lịch phụng vụ Công giáo, cùng với Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh , Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên.

Mùa Chay lấy cảm hứng từ 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rằng sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã ăn chay trong sa mạc và sau đó bị ma quỷ cám dỗ. Ngài chống lại những cám dỗ này và sau đó đến Galilê để bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi .” Chúa Giêsu liền nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Ngài” (Mt 4: 8-11).

Mùa Chay diễn ra trước lễ Phục sinh và là một thời kỳ long trọng tập trung vào việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Mặc dù Mùa Chay thường gắn liền với đức tin Công giáo, nhưng nhiều Kitô hữu – bao gồm cả Tin lành và Chính thống giáo – vẫn tuân giữ Mùa Chay.

Không có thời gian nào tốt hơn để gắn kết lại và đào sâu đức tin của mình hơn là Mùa Chay. Trong thời gian này, chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa hơn nhằm chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa Kitô vào Lễ Phục Sinh trong vui mừng.

Thứ Tư Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Chay. Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 22 tháng 2 năm 2023. Thứ Tư Lễ Tro luôn luôn rơi vào sáu tuần rưỡi trước Lễ Phục Sinh, bắt đầu Mùa Chay nhằm chuẩn bị cho Sự Phục Sinh của Chúa Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Thứ Tư Lễ Tro có từ thế kỷ 11. Tuy nhiên, truyền thống xức tro thậm chí còn có nguồn gốc sớm hơn – từ phong tục cổ xưa của người Do Thái là mặc vải gai và đổ tro lên người như một dấu hiệu của sự sám hối.

Kinh thánh không nêu chi tiết rõ ràng về ngày đầu tiên của Mùa Chay này, nhưng có nhiều trường hợp về hành động ăn năn này trong Cựu Ước, chẳng hạn như Gióp 16:15: “Tôi khoác lên da khô của mình tấm áo vải thô, lại vùi trán tôi trong bụi đất.” (Gióp 16:15).

Và trong Tân Ước, chẳng hạn như Luca 10:13: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi” (Luca 10:13).

Trong nhiều truyền thống tôn giáo, tro biểu thị cho cái chết của cơ thể con người chúng ta. Sáng thế ký 3:19 cho chúng ta biết: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.

Trong Giáo hội Thiên chúa giáo sơ khai, việc đền tội công khai cho những người phạm tội bao gồm đổ tro trên đầu và mặc áo vải gai. Khi Giáo hội lớn mạnh và phát triển, thực hành này giảm bớt.

Truyền thống lâu đời này – công khai nhìn nhận mình là tội nhân đang đi tìm sự đổi mới với Thiên Chúa – cuối cùng đã biến thành điều mà ngày nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày đầu tiên của Mùa Chay.

  1. Tro lấy từ đâu?

Chúa Nhật Lễ Lá là Chúa Nhật trước Lễ Phục Sinh. Lễ Lá tượng trưng cho việc Chúa Kitô trở lại Giêrusalem sau 40 ngày trong sa mạc. Theo truyền thống Công giáo, chúng ta nhận lá cọ hoặc lá dừa đã được làm phép để giữ lại trong Thánh lễ và mang về nhà. Những lá còn sót lại từ Chúa Nhật Lễ Lá sau đó được đốt và để dành cho mùa Chay tiếp theo. Vì vậy, tro của năm nay là của Chúa Nhật Lễ Lá năm 2022.

  1. Tro để làm gì?

Thường thì tro được xức trên trán theo hình Dấu Thánh Giá. Tương tự như rước lễ trong Thánh lễ, bạn thường tiến về phía bàn thờ để được xức tro. Linh mục hay thừa tác viên sẽ dùng tro làm Dấu Thánh Giá trên trán bạn và nói một trong hai điều sau:

Hãy nhớ rằng mình là bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro” hoặc “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

  1. Tro tượng trưng cho điều gì?

Tro tượng trưng cho cái chết của chúng ta. Tro là một lời nhắc nhở cụ thể rằng thể xác chúng ta sẽ mục nát, nhưng linh hồn của chúng ta sẽ tiếp tục sống trong cuộc sống vĩnh cửu. Dấu Thánh giá bằng tro có nghĩa là chúng ta đang thực hiện một cam kết – rằng chúng ta đang thực hiện Mùa Chay như một mùa cầu nguyện và sám hối, để chính mình chết đi. Điều đó cũng mô tả tình trạng con người của chúng ta: bị hư hỏng và cần được sửa chữa; chúng ta là tội nhân và cần được cứu chuộc. Quan trọng nhất, Dấu Thánh giá bằng tro cho chúng ta biết rằng, với tư cách là những người theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải vác thập giá của mình.

  1. Thứ Tư Lễ Tro có phải là Ngày Lễ buộc của Công giáo không?

Thứ Tư Lễ Tro không phải là Ngày Lễ buộc đối với người Công giáo La Mã, nhưng việc nhận tro trên trán là một thông lệ phổ biến nơi những Kitô hữu để bắt đầu hành trình Mùa Chay của họ. Hầu hết các giáo xứ Công giáo đều cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro, và ở một số nơi, có thể nhận tro mà không cần tham dự Thánh lễ.

  1. Tôi có cần phải là người Công giáo để nhận tro không? Bạn không cần phải là người Công giáo để nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Một số truyền thống khác trong Kitô giáo cũng chia sẻ hành động thống hối này.
  1. Tại sao Thứ Tư Lễ Tro lại quan trọng?

Là ngày đầu tiên của Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro thức tỉnh chúng ta về việc Chúa Giêsu vào sa mạc trước khi chịu chết. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Một cách quan phòng, Mùa Chay đến để thức tỉnh chúng ta khỏi tình trạng uể oải.” Tuy nhiên, trước lễ Phục sinh, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sự Phục sinh của Ngài. Chúng ta bắt đầu mùa chuẩn bị tâm hồn cho lễ Phục sinh bằng cách nhận ra sự tan nát của mình và nhu cầu hoán cải, hướng tâm hồn về với Chúa.

  1. Ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro.

Chỉ có hai ngày bắt buộc ăn chay và kiêng thịt trong Giáo hội Công giáo: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Người Công giáo cũng được khuyến khích kiêng thịt vào mỗi thứ Sáu trong Mùa Chay.

  1. Tại sao người Công giáo ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro?

Ăn chay là một dấu hiệu của sự ăn năn và giúp chúng ta thể hiện tinh thần khao khát Chúa Kitô, Đấng đã nhịn ăn trong sa mạc bốn mươi ngày trước cái chết và sự Phục sinh của Ngài.

  1. Yêu cầu về độ tuổi

Giáo hội Công giáo yêu cầu các thành viên có năng lực từ 18 đến 59 tuổi phải ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro. Nghĩa vụ kiêng thịt áp dụng cho những người từ 14 tuổi trở lên.

  1. Giữ chay

Ăn chay cho phép một bữa ăn đầy đủ và hai bữa ăn ít, hai bữa ít này kết hợp lại không bằng một bữa ăn đầy đủ, cùng với việc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro. Những người có nhu cầu thể chất đặc biệt được miễn trừ.

Trong một số tình huống nhất định, các giám mục có thể đưa ra một sự miễn chuẩn chính thức, cho phép người Công giáo ăn thịt. Điều này đã xảy ra ở một số giáo phận trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19.

Trong khi hầu hết người Công giáo đều quen thuộc với việc “kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu” trong Mùa Chay, thì việc ăn chay và kiêng thịt là những thực hành quan trọng trong suốt Mùa Chay. Giữ chay còn có nghĩa là từ bỏ những thứ như buôn chuyện “ngồi lê đôi mách”, đi uống cà phê “tán gẫu” ở các quán xá hoặc từ bỏ những khoảng thời gian nghe nhạc trong ngày và thay thế bằng việc đọc kinh thánh và cầu nguyện. Cầu nguyện làm sâu sắc thêm mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa trong Mùa Chay và đem lại ý nghĩa cho việc ăn chay của chúng ta và tăng cường việc bố thí của chúng ta.

Những lời cầu nguyện Thứ Tư Lễ Tro

Thứ Tư Lễ Tro, là ngày đầu tiên của Mùa Chay, là thời điểm tuyệt vời để Kitô hữu bắt đầu cam kết cầu nguyện lại. Những lời cầu nguyện vào Thứ Tư Lễ Tro có thể bao gồm việc lần chuỗi Mân Côi, đọc và suy ngẫm Lời Chúa hoặc bắt đầu bằng những lời cầu nguyện Mùa Chay cho năm 2023. Dưới đây là một số lời cầu nguyện dễ dàng mà bạn có thể sử dụng để cảm thấy được liên kết với Chúa trong Mùa Chay năm nay:

Lạy Chúa, xin ánh sáng của Ngài hướng dẫn ngày sống của con, và tinh thần của Ngài mang lại cho con sự bình an. Amen.”

Lạy Chúa, xin cho sự hy sinh của con ngày hôm nay (nêu rõ sự hy sinh trong Mùa Chay của Chúa) nhắc nhở con về sự phụ thuộc của con vào Ngài để nhận được tất cả những phúc lành mà con được hưởng. Amen.”

Hôm nay xin Chúa ban cho con liên kết với tất cả anh chị em của con trên khắp thế giới đang đau khổ. Xin cho chúng con được hiệp nhất trong tình yêu của Chúa, và xin cho con làm việc để xây dựng Nước Chúa trên trần thế này.”

Lạy Cha trên trời, con thành tâm xin lỗi Chúa vì những khoảnh khắc con đã quên Chúa trong ngày hôm nay. Con cầu xin Chúa tha thứ cho con và ban sức mạnh cho con để làm theo tiếng mời gọi của Chúa tốt hơn vào ngày mai. Amen.”

Lạy Chúa, hôm nay con xin dâng (tên người mà bạn muốn cầu nguyện cho) lên cho Chúa. Con xin Chúa chúc lành dồi dào cho họ hôm nay và trong suốt Mùa Chay. Amen.”

Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác mọi sự nơi Chúa, xin Chúa lo liệu mọi sự cho con. Amen.”

Ngoài việc ăn chay và tham dự Thánh lễ hoặc nghi thức xức tro, bạn có thể tuân giữ  Thứ Tư Lễ Tro qua việc cầu nguyện và bố thí – hai trụ cột khác của việc thực hành Mùa Chay. Việc bố thí nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi phục vụ của Chúa Giêsu và liên kết chúng ta trong tình liên đới với những anh chị em đang túng thiếu.

Khi cầu nguyện, hãy để tâm lắng nghe Tin Mừng hàng ngày hoặc ghi chép lại những suy niệm và tâm tình trong tâm hồn của mình để phân định những gì chúng ta muốn tập chú vào mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô trong Mùa Chay này. Mùa Chay có thể là thời gian vô cùng bổ ích cho đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy tận dụng một cách có ý nghĩa nhất thời gian Mùa Chay này mà chúng ta sắp bước vào.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

dịch và tổng hợp từ https://hallow.com/

Nguồn: daobinh.com

Subcategories