SỰ TIN TƯỞNG CỦA MỘT TÊN TRỘM

Trước mặt Thiên Chúa, con người là kẻ ăn xin” (GLGHCG, số 2559). Những lời này trong Sách Giáo lý của Giáo hội cho thấy chúng ta cơ bản lệ thuộc vào Thiên Chúa. Sự lệ thuộc này có lẽ không nơi nào được minh họa rõ ràng hơn trong câu chuyện của Thánh Luca về tên trộm lành.

  • Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Ngài: Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! Nhưng tên kia mắng nó: Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! Và Ngài nói với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Luca 23:39-43)

Dismas hay Đích Ma, có nghĩa là Hoàng hôn hoặc Sự chết, tên trộm lành, có nhiều điều để nói với chúng ta. Người ta dệt nên câu chuyện huyền thoại sau đây: 30 năm về trước, trên đường đem Chúa Giêsu Hài nhi sang Ai Cập để tránh khỏi cơn giận của vua Hêrôđê, thánh Giuse và Mẹ Maria đã dừng lại một hàng quán hẻo lánh. Mẹ Maria xin thau nước để tắm cho Hài Nhi Giêsu. Bà chủ quán giữ lại nước đã tắm cho bé Giêsu để tắm cho con trai của bà đang mắc bệnh ghẻ lở. Nước đó chảy tới đâu, bệnh ghẻ lở sạch tới đó. Và đứa trẻ được lành bệnh. Nhưng khi lớn lên, đứa trẻ đó đã trở thành một tên trộm cướp. Tên đứa trẻ đó là Đích Ma (Dismas). Và hôm nay chính Đích Ma lại bị treo trên thập giá bên phải Chúa Giêsu. Dĩ nhiên đây là câu chuyện huyền thoại. Chết trên cây thập tự, bị thế gian chế giễu, và biết tội lỗi của mình, Đích Ma hoàn toàn nghèo nàn trước Chúa Giêsu. Anh ta không có việc tốt lành nào để có thể cậy dựa vào, không có gì đẹp đẽ để thể hiện, không có gì hay ho để nói. Anh ta là một người thực sự chẳng có gì. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố anh ta là người đầu tiên vào thiên đàng, và mãi mãi được biết đến là tên trộm đã đánh cắp được thiên đàng. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi, làm sao điều này có thể xảy ra? Vì đâu mà tên trộm Đích Ma nhận ra Ông Giêsu là Vua dù đang bị đóng đinh như anh ta? Làm sao tên trộm biết được điều mà ngay cả các tông đồ cũng chưa hiểu được?

Chúa Giêsu đã nói: “Ta đã bảo các ngươi rằng không ai có thể đến với Ta nếu Chúa Cha không ban ơn cho” (Gioan 6:65). Hẳn Chúa đã sai Thánh Thần của Ngài đến để mở mắt anh ta và giúp anh ta nhìn thấy. Có thể vì nhớ lại chuyện xưa mẹ kể rằng mình được chữa khỏi do nước đã tắm của Vua Hài Nhi mà nay anh ta nhìn Chúa Giêsu bằng con mắt khác? Cũng có thể trong thời gian hành nghề trộm cắp, anh ta đã có lúc len lỏi vào đám đông quanh ông Giêsu, để rình cơ hội móc túi, nhưng lại nghe ông Giêsu giảng về dụ ngôn người Samaritanô rằng: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? Người thông luật trả lời: Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy. Chúa Giêsu bảo ông ta: Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:30-37). Dụ ngôn này của Chúa Giêsu khiến một chút lương tâm còn sót lại của Đích Ma ray rứt chăng?

Nhưng có lẽ điều chắc hơn đó là anh ta có đôi mắt nhạy bén của một tên trộm chuyên nghiệp và một kinh nghiệm hành nghề có thể nhận ra ai là người tốt lành và ai là kẻ độc ác. Chỉ cần liếc đôi mắt qua bên trái, tên trộm đọc được tấm bảng ghi dòng chữ – Tên gọi: Giêsu; nguyên quán: Nadarét; tội trạng: Vua dân Do thái. Vua ư? Vương miện đâu? Một vòng gai cắm trên đầu sao? Có biết bao hạng người còn đôi mắt tỏ tường nhưng lại không nhận ra Chúa Giêsu là Vua? Họ là những kẻ qua đường thấy Chúa bị đóng đinh thì cười chê: “Ông này có tiếng làm phép lạ, dám phá đền thờ, ba ngày sau xây lại, sao không tự cứu mình đi” (Mt 27:39-40). Họ là các trưởng tế và luật sĩ thách thức Chúa Giêsu: “Họ thách thức Chúa rằng: Nếu người là vua Israel hãy xuống khỏi thập giá đi, rồi chúng tôi tin” (Mt 27, 42-43). Họ là những binh lính và lý hình thi hành án: “Mấy người lính cũng nghỉnh đầu lên buông lời chế giễu Chúa: Nếu là vua, cứ nhảy xuống xem” (Lc 23, 36-37). Đó là tên trộm đồng nghiệp của Đích Ma: “Một kẻ trộm bên tả quay ra khiêu khích Chúa: Nếu ông là vị Cứu thế hãy cứu ông và cứu cả chúng tôi đi” (Lc 23, 36-37). Đích Ma, dù là tên trộm, nhưng lại không giống như những người đó. Anh ta vẫn còn một tâm trí có thể nhìn ra sự thật và một tấm lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác. Điều này biểu lộ trong lời nói công khai với tên trộm đồng bọn của anh: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23: 40-41).

Chúa Giêsu không làm phép lạ hữu hình nào từ trên thập tự giá để thay đổi cái nhìn của anh ta. Anh ta chỉ nghe những lời cầu nguyện tha thiết của Ngài với Chúa Cha và lắng nghe Chúa Giêsu nói về sự tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Khi tên trộm nghe những lời của Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho tất cả những ai làm hại Ngài, bóng tối của cuộc đời đầy tội lỗi của anh ta bị xuyên thấu bằng ánh sáng của sự thật, cho phép một người từng sống trong tối tăm thấy rằng Chúa Giêsu là tất cả những gì Ngài tuyên bố: tha thứ cho mọi người tội lỗi, trong đó có anh ta. Mọi nghi ngờ bị xóa tan, người đàn ông này xác tín những gì đôi mắt trần gian của mình không thể nhìn thấy: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Gioan 20:29). Anh ta biết rằng cái chết sẽ không giam giữ được Vị Vua này của người Do Thái. Và với một trái tim ăn năn, Đích Ma tuyên bố vương quốc sắp đến của Vị Vua này. Đích Ma đã thấy vinh quang của Đấng đang bị treo trên Thánh Giá.

Thực vậy, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Thật không sai khi nói rằng tên trộm Đích Ma đã được chính Chúa Giêsu phong thánh và trực tiếp mở cửa thiên đàng cho vào, không phải lẻn vào qua cổng sau. Đích Ma không đánh cắp thiên đàng như thể đó là thứ gì đó cần phải lấy cắp. Thay vào đó, anh ta đã vào vương quốc cùng Chúa Giêsu, vì vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh ta đã được ban cho ân sủng để thú nhận sự bất xứng hoàn toàn của mình trước Chúa. Tên trộm Đích Ma được cứu chính là vì anh ta đã thừa nhận mình là kẻ ăn xin, ăn xin lòng thương xót của Đấng Kitô. Đích Ma đã lấy được điều quý giá nhất mà anh ta chưa bao giờ đánh cắp được. Trong cảnh nghèo hèn cùng cực của mình, anh đã có thể nhận được tất cả lòng thương xót mà Chúa Giêsu muốn ban cho anh.

Chúng ta cũng cần  phải học cách chấp nhận ngày càng nhiều hơn sự nghèo khó của mình trước mặt Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể làm được điều này? Để giúp chúng ta trở thành những kẻ ăn xin trước mặt Chúa, chúng ta có thể cậy dựa vào Thánh Têrêsa Lisieux, là người dạy cho chúng ta một chút về tình yêu đầy tin tưởng và đơn sơ như trẻ thơ. Chị thánh thường so sánh nhu cầu của chúng ta đối với Chúa giống như mối liên hệ giữa một đứa bé và cha mẹ của em. Một đứa bé hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ mình. Em tìm đến cha mẹ mình để xin mọi thứ và không bao giờ đặt câu hỏi về khả năng giải quyết vấn đề của cha mẹ mình. Thật vậy, đây là cách chúng ta nên nhìn vào Chúa. Chúng ta đã và đang nhận được mọi thứ từ Ngài. Vậy thì, trở nên trẻ thơ là tìm đến Chúa để xin mọi nhu cầu của mình, hoàn toàn tin tưởng vào sự chăm sóc quan phòng của Ngài và yêu Ngài vô điều kiện.

Nhưng tình yêu đầy tin tưởng của Thánh Têrêsa còn đi xa hơn cả việc chỉ thừa nhận sự nghèo khó và yếu đuối của mình. Chị thánh hân hoan trong tình yêu đó và yêu mến Thiên Chúa, Đấng bay đến để bù đắp cho những thiếu sót và lỗi lầm của chị. Giống như Thánh Phaolô, chị tôn vinh sự yếu đuối và những gì Chúa đã có thể làm nơi chị: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12:9). Sự tin tưởng này biết rằng không có vết thương nào quá lớn hay sự gian ác nào quá sâu đến mức Chúa không thể chữa lành nếu chúng ta biết cầu xin sự tha thứ của Ngài. Vì vậy, thay vì cảm thấy xấu hổ vì sự yếu đuối và nghèo khó của mình, chúng ta có cơ hội kêu cầu lòng thương xót của Chúa. Sự tin tưởng vào tình yêu thương xót của Chúa là chìa khóa để phó thác như trẻ thơ và mở ra con đường lên thiên đàng. Bởi vì, khi chúng ta thừa nhận rằng mình không có gì, và cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta thấy mở ra trước mắt mình một kho tàng thực sự đầy tràn Hồng Ân Cứu Độ. Thật vậy, con người là một kẻ ăn xin trước mặt Chúa, một kẻ ăn xin vương quốc thiên đàng và Chúa ban cho con người điều họ khẩn cầu: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103: 2-5).

Tu huynh Roland Wakefield, OP

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

https://www.dominicanajournal.org