LẮNG NGHE VÀ BƯỚC THEO VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh thật đẹp và đầy ý nghĩa của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành. Ngài biết rõ, yêu thương, dẫn dắt và bảo vệ chúng ta là đoàn chiên của Ngài.

  1. Tiếng gọi của Vị Mục Tử

Người ta kể rằng, có một người chăn cừu bẻ gãy chân của một con cừu hay đi lang thang của anh ta và vác nó đi cho tới khi chân nó lành lại. Anh ta nói mình làm như vậy là để con cừu khi được vác trên vai và chăm sóc như thế nó sẽ gắn kết với anh và không bao giờ đi lang thang nữa. Ở một số nền văn hóa, sự nghiêm khắc hoặc kỷ luật hà khắc đôi khi được xem là cách thể hiện tình yêu thương, nhằm hướng dẫn cá nhân đi đúng đường. Hành động bẻ chân cừu được coi là một hình thức yêu thương cứng rắn, “mục đích biện minh cho phương tiện”, biện minh cho cung cách dạy dỗ độc đoán của nhiều bậc cha mẹ, của nhiều cơ sở giáo dục, những phương sách quản lý chuyên chế của nhiều thiết chế xã hội, chính trị, ý thức hệ…

Liệu Chúa Giêsu, Đấng “không đành bẻ gãy cây lau bị giập, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12: 20) có làm chúng ta bị tổn thương như vậy để giữ chúng ta gần gũi với Ngài không? Không có chỗ nào trong các tài liệu về chăn nuôi, lại càng không có chỗ nào trong Kinh thánh, nói về những người chăn chiên bẻ chân cừu theo cách này. Câu chuyện này không có gì chung với với Lời của Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành luôn tìm kiếm và dẫn dắt con người bằng tình yêu, kiên nhẫn và sự hy sinh, chứ không sử dụng bạo lực để ép buộc: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định mối liên kết thân mật giữa Ngài và những ai thuộc về Ngài: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 27-28). Đây không chỉ là một lời tuyên bố, mà còn là một lời mời gọi và một lời hứa.

  • Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi” không chỉ là nghe bằng đôi tai thể lý, mà là lắng nghe bằng cõi lòng, nhận ra chân lý trong lời Ngài, và đáp lại bằng sự vâng phục và tin tưởng.
  • Tôi biết chúng” không phải là biết hời hợt bên ngoài, mà là sự thấu hiểu sâu sắc, sự quan tâm riêng biệt đến từng con chiên.
  • Chúng theo tôi” là hành động đi theo đường lối của Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài.
  • Và phần thưởng cho sự gắn bó này là “sự sống đời đời” vô giá, và sự an toàn trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu và của Chúa Cha: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 29-30).

Sự kết hiệp giữa Chúa Con và Chúa Cha bảo đảm cho sự an toàn mãi mãi của chúng ta. Thánh Augustinô đã suy ngẫm: “Vậy chúng ta là chiên của Ngài … Ngài đã cứu chuộc chúng ta… Chính Ngài là Mục Tử của chúng ta, và chúng ta là đoàn chiên của Ngài. Ngài dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi…” (Chú giải Thánh vịnh 22).

  1. Đoàn chiên được quy tụ từ muôn dân nước

Tiếng gọi của Vị Mục Tử không chỉ giới hạn trong dân riêng Israel. Khi Lời Chúa bị một số người Do Thái chối từ, Thánh Phaolô và Banaba đã mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13, 46-47).

Đoàn chiên của Chúa được quy tụ từ mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. Bài thánh vịnh đáp ca hôm nay nhắc rằng: “Toàn thể địa cầu, hãy tung hô Chúa! Hãy phụng thờ Chúa với niềm vui, vào trước thánh nhan Ngài giữa tiếng hò reo” (Tv 99, 1-2). Thiên Chúa là Đấng tạo thành và là Mục Tử của tất cả mọi người: “Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Ngài dựng nên ta, ta thuộc về Ngài, ta là dân Ngài, là đoàn chiên Ngài dẫn dắt” (Tv 100, 3). Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là dành cho mọi dân tộc, muôn dân nước, mọi ngôn ngữ. Niềm vui của những người đón nhận Tin Mừng là bằng chứng cho quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).

Đức Thánh Cha Phanxicô thường dùng hình ảnh “những người chăn chiên với mùi của chiên” (Cuộc gặp một nhóm linh mục người Pháp, tại Rôma, thứ Hai, 07 tháng 6 năm 2021). Người mục tử không chỉ ở trong chuồng trại mà còn đi ra vùng ngoại biên để tìm kiếm và quy tụ những con chiên lạc. Sách Công vụ Tông đồ mô tả sống động sứ vụ đó: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13: 47-49).

  1. Sự sống vĩnh cửu của đoàn chiên

Bài đọc thứ hai từ Sách Khải Huyền cho thấy một viễn cảnh huy hoàng về đích điểm của đoàn chiên trung thành. Đó là hình ảnh “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên” (Kh 7, 9).

Họ là những người biết sử dụng ý chí tự do được ban cho, không bị bạo lực ép buộc, để chọn yêu mến và vâng lời Chúa Chiên Lành. Họ là những người tin tưởng bước theo Chúa Kitô bằng tình yêu tự nguyện và làm nên đoàn chiên của Ngài. Họ là những người đã trải qua thử thách trần gian, đã trung thành đi theo Vị Mục Tử, và giờ đây được hưởng sự sống đời đời bên Ngài. Họ “là những người đến từ cơn gian nan lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14). Chính Con Chiên, Chúa Giêsu Kitô, tiếp tục chăm sóc đoàn chiên của Ngài trong vinh quang: “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ đến nguồn nước trường sinh” (Kh 7, 17). Lời hứa của Chúa Kitô: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời” (Ga 10:28) được bắt đầu ngay nơi trần gian và trở nên viên mãn trong Nước Trời mai sau.

Đức Bênêđictô XVI từng nói: “Chỉ trong Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành, sự sống của chúng ta mới tìm được ý nghĩa đích thực và sự thành toàn” (Bài giảng, Chúa Nhật IV Phục Sinh, 2008). Sự thành toàn ấy được bài đọc thứ hai mô tả trong một cảnh khải hoàn rực rỡ: “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7: 9-10).

  1. Bước theo Vị Mục Tử mỗi ngày

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta tự vấn: chúng ta có thực sự đang lắng nghe tiếng Chúa Giêsu, Vị Mục Tử của chúng ta không? Chúng ta có nhận ra tiếng Ngài giữa muôn vàn tiếng ồn ào của thế gian? Chúng ta có can đảm bước theo đường lối Ngài, ngay cả khi gặp gian nan thử thách?

Mỗi chúng ta được mời gọi liên kết với Chúa Kitô qua việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, và lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, nơi đó chính Vị Mục Tử nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên những chứng nhân vui tươi về tình yêu của Vị Mục Tử, góp phần vào sứ mạng quy tụ đoàn chiên từ muôn phương, để tất cả nhận biết “Chúa là Đấng nhân hậu, muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 99, 5).

Chúa Giêsu không bao giờ đối xử với chiên của Ngài bằng cách bẻ chân bầy chiên. Những “người làm thuê xấu bụng” có thể lạm dụng và làm tổn thương chiên của họ hoặc bỏ mặc chúng cho bầy sói: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10: 12-13). Nhưng Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, sẵn lòng lao vào đối mặt với lũ sói.

Chúa Giêsu không chặn đứng sự lang thang của chúng ta trong thói hư tật xấu bằng cách hủy bỏ tự do của chúng ta. Ngài chữa lành thói hư tật xấu của chúng ta bằng những vết thương của Ngài. Thân thể Ngài bị bẻ gẫy vì chiên của Ngài: “Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2: 24-25).

Chúng ta có thể bị thương bởi một vài người chăn chiên “chỉ biết lo cho mình… Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Êdêkiel 34: 2). Nhưng chúng ta vẫn có thể được chữa lành bởi Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành.

Xin Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, luôn gìn giữ, hướng dẫn và quy tụ chúng ta trong tình yêu của Ngài, để một ngày kia, tất cả chúng ta được cùng đoàn chiên đông đảo hát khúc ca chiến thắng trước Ngai Thiên Chúa và Con Chiên muôn đời: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen! Amen” (Kh 7: 12).

 

Phêrô Phạm Văn Trung