8. Đời Sống Tâm Linh

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 4. Lỗi Tại Tôi

Bạn rất thân mến, dù yêu Bạn tha thiết, dù muốn luôn luôn chỉ nghĩ hay nghĩ tốt về Bạn, tôi cũng phải buộc lòng mà nói với Bạn rằng: Hỡi Bạn, chính những tội lỗi Bạn đã phạm, làm cớ cho Bạn đau khổ. Nói kiểu khác, chính Bạn đã làm cớ cho Bạn đau khổ.

Bạn hãy xét mình lại, từ nhỏ đến giờ, Bạn đã phạm biết bao giống tội, tội bề trong, tội bề ngoài, tội phạm một mình, tội phạm chung với người khác, tội lỗi Luật Chúa, tội lỗi Luật Giáo hội, tội lỗi bổn phận: bổn phận của người giáo hữu, bổn phận của người đi tu, bổn phận của bậc người mà Chúa đã đặt Bạn vào… Bạn thử ngồi mà tính xem, số tội ấy to tát, lớn lao, nhiều khi nặng nề chừng nào! Ấy là tôi chỉ xin Bạn tính những tội Bạn còn nhớ thôi, chứ nếu nhờ ơn Chúa soi sáng, Bạn lại nhớ được tất cả những tội Bạn đã phạm từ khi biết phạm tội cho đến ngày nay, không trừ một tội nào, thì tôi không hiểu, Bạn còn can đảm mà tính lại không, và tôi không hiểu khi tính lại như thế, Bạn có đủ sức để sống nữa không, hay Bạn sẽ chết vì rùng mình sợ hãi?  Bạn sẽ bảo mình: “Thương ôi! Tôi đã phạm tội nhiều và nặng nề đến thế ư? Tôi đã làm phiền lòng Chúa nhân từ đến thế ư?”

Phải, Bạn đã phạm tội nhiều như thế đấy! Bạn đã làm phiền lòng Chúa đến thế đấy, và còn hơn thế nữa, vì Bạn không thể hiểu được tội làm phiền lòng Chúa đến mức nào.

Khổ một điều là sự dốt nát và nhất là lòng tự ái của chúng ta thường che lấp những tội chúng ta phạm đến Chúa và không cho thấy – ít ra theo sức loài người của chúng ta – tội lỗi là sự kinh khủng ghê gớm chừng nào.

Chắc Bạn cũng nhớ truyện vua Đavít, sau khi đã cả gan phạm hai tội ngoại tình và giết người, thì được Chúa sai Tiên tri Natan đến. Tiên tri lấy một ví dụ cho Vua hiểu tội mình. Một người giầu có, nhân một người bạn đến chơi, đã chẳng lấy một con trong đoàn vật của mình để thết tiệc bạn, lại cướp con cừu độc nhất của người láng giềng nghèo khó… Nghe vậy, Vua liền thịnh nộ và nhất định sẽ phạt nhà giàu ấy cho đáng tội. Tiên tri mới cho Vua hiểu: Người giàu đó chính là Vua, vì Vua đã cướp vợ ông Uria, trong khi Vua có sẵn trong Điện bao nhiêu thê thiếp. (9)

Xét về phương diện tôi đang nói ở đây, chúng ta đều giống Vua Đavít cả.

Vì yêu Bạn, vì tín nhiệm ở Bạn, tôi đoán Bạn chưa phạm tội trọng mất lòng Chúa; nếu được vậy, thì sung sướng nào bằng!

Tôi hãy tưởng tượng rằng: Bạn mới chỉ phạm một tội nhẹ, phải, dù Bạn mới chỉ phạm tội nhẹ mất lòng Chúa, thì Bạn ôi, Bạn cũng đáng chịu trăm ngàn sự đau đớn xác hồn và chịu cho đến tận thế, rồi chịu mãi trong luyện ngục để đền cái tội nhẹ ấy. Nếu Bạn hiểu được, tội nhẹ là cái gì, cái mà chúng ta gọi là tội nhẹ, trước mắt Chúa nó to tát chừng nào, thì Bạn sẽ vui lòng chịu hết mọi sự đau đớn phiền muộn ở đời để đền tội ấy.

Vậy nếu không có công nghiệp vô cùng Chúa Giêsu đền tội thay cho ta, thì dù ta ra sức đền một tội nhẹ cho đến tận thế, cũng không đền nổi, dù ta đành chịu lấy mọi sự đau đớn xác hồn một mình thay cho nhân loại, thì cũng không sao một mình đền được một tội nhẹ. Vì tội nhẹ là gì? Là một sự sỉ nhục đến Đấng Cao trọng vô cùng, đến Chúa tể càn khôn vũ trụ, cho nên phải có công nghiệp của một Đấng khác cũng cao trọng vô cùng, mới đền được tội nhẹ. Thế mà những sự đau đớn ta chịu thì có cùng, có hạn, lấy cái có cùng có hạn, để đền vào cái vô cùng, vô hạn sao được? Bởi thế, bao nhiêu sự khó Bạn chịu đời này, không thấm vào đâu với những hình phạt Bạn đáng chịu vì một tội nhẹ.

Huống nữa trong đời, Bạn cũng như mọi người khác, chúng ta đã phạm biết bao tội nhẹ, phạm nhiều đến không thể đếm, không thể nhớ được, thì không lẽ ta còn kêu ca khi phải chịu một hai sự khó để đền tội. Nhưng chốc nữa, tôi sẽ nói đến việc đền tội, bây giờ thì chỉ nói: Ta đã phạm tội, thì phải chịu phạt.

Bạn hãy nghe lời Chúa phán với Thánh nữ Catarina, người thành Xiêna: “Hỡi con, con có biết không, tất cả các thứ đau phiền một linh hồn phải chịu và có thể chịu được ở đời này, không thể đền được một tội nhẹ nhất.” Chúa phán tiếp: “Sự sỉ nhục làm cho Cha chịu là Đấng vô cùng, đòi phải có một sự đền tội vô cùng”. (10 )

Tôi nói lại Bạn hãy suy lời ấy, suy đi suy lại cho thấm thía, rồi Bạn sẽ thấy những hình khổ, những sự đau đớn Bạn chịu ở đời này chưa thấm vào đâu với sự đau khổ Bạn đáng chịu để đền một tội nhẹ, dù chỉ là một thứ tội nhẹ nhất.

Hơn nữa, Bạn ôi! Nếu trong đời Bạn, Bạn đã trót dại phạm một tội trọng, tôi chỉ nói ví dụ thế thôi, chứ tôi chắc Bạn chưa dám phạm tội trọng mất lòng Chúa, phải, tôi hãy tưởng tượng như Bạn đã phạm một tội trọng mất lòng Chúa, phải, chỉ một tội trọng chứ không cần nhiều, thì than ôi, Bạn có biết Bạn đáng chịu gì để đền tội trọng ấy không.

Bạn hãy nghe, để đền một tội trọng Bạn phải xuống hỏa ngục, không phải chỉ trong một hai năm, hoặc một trăm một nghìn, một triệu năm, không phải để chịu năm ba hình khổ, mà là để chịu hết các thứ đau khổ, và chịu cho đến đời đời… chứ bao nhiêu sự khổ khác ở đời này, không đủ để phạt một tội trọng. Bạn hãy xin Chúa cho Bạn hiểu thế nào là tội trọng, thì Bạn sẽ vui lòng chịu hết các sự đau đớn ở đời, để đền một tội trọng đã trót phạm ấy, và Bạn sẽ không thấy những sự khổ Bạn chịu là nặng nề quá, là đau đớn quá. Không những Bạn sẽ vui lòng chịu, Bạn lại còn ước ao chịu cho nhiều để đền tội quái gở ấy nữa.

Nói kiểu khác, nếu Bạn đã trót dại phạm một tội trọng, thì Bạn là người vượt hỏa ngục. Bạn hãy suy đi suy lại lời sau này của Thánh Ghêgoriô: “Khi chúng ta bị Chúa để cho chịu đau khổ, chúng ta hãy ôn đi ôn lại những lỗi lầm mà đau đớn trong thinh lặng, chúng ta hãy đặt trước mắt chúng ta tất cả những việc tội lỗi chúng ta đã làm, thì chúng ta sẽ thêm lòng thống hối ăn năn hơn là sẽ kêu ca lẩm bẩm”. (11)

Đàng khác, một khi đã “vượt được hỏa ngục” Bạn có dám chắc Bạn sẽ không rơi lại vào đó nữa không? Không, không ai dám chắc được điều ấy. Thánh Anphongsô dạy cho Bạn biết rằng: Bạn lại có thể sa vào chốn khốn nạn ấy, và chỉ một tội nhẹ, cũng có thể dần dần đưa Bạn đến tội trọng và như vậy là đẩy Bạn xuống hỏa ngục. Bởi thế, thay vì kêu trách Chúa khi gặp đau khổ, Bạn sẽ làm như Thánh Isidôrô, linh mục. Một hôm, một thầy tu sĩ thấy người nước mắt giàn giụa thì hỏi tại sao. Thánh nhân đáp: “Tôi khóc lóc tội lỗi tôi, vì nếu chúng ta chỉ phạm đến Chúa một lần thôi, chúng ta cũng không đủ nước mắt để đền tai nạn ghê gớm ấy”. (12)

Một lần, Chúa cho Bà thánh Catarina người thành Xiêna, được thấy một tí sự xấu xa của tội. Bà chỉ được thấy thoáng qua như chớp, thế mà Bà kinh khiếp đến nỗi máu trong mạch đọng lại, khiến Bà la lên kinh khủng. Sau Bà nói: “Nếu Chúa còn để tôi xem thêm một tí nữa thì dù thân thể tôi có bằng kim cương, nó cũng ngã chết tức thì”. Bà nói thêm: “Khi tôi nghĩ đến sự xấu xa của hình bóng một tội, tôi tưởng nếu Chúa không gìn giữ, tôi sẽ phải chết; và ở trên đời, nếu tôi ước ao cái gì, thì ấy là ước ao tả được những cái tôi biết và cảm trong mình, khi được thấy một tội; và nếu tôi phải chịu hết mọi thứ hình khổ của các Thánh Tử Đạo và của các kẻ dữ để làm cho người ta biết, và hiểu được sự quái gở ấy, thì tôi cũng cam lòng. Từ ngày Chúa thương cho tôi biết tội lỗi xấu xa thế nào, thì tôi không còn ngạc nhiên sao hỏa ngục lại ghê sợ đến thế, và lâu đời đời. Trái lại, tôi thấy các hình khổ trong hỏa ngục hãy còn nhẹ nhàng êm ái khi sánh với sự ghê tởm của một tội, vì hình bóng của một tội mọn cũng đủ làm cho tôi sợ hãi quá sức… ” (13)

Vậy, vì yêu Bạn tha thiết, mà tôi không muốn thấy Bạn than thở kêu ca, khi phải chịu đau đớn, phiền buồn. Tôi đau lòng khi thấy Bạn phải chịu đau đớn, khi thấy Bạn không được vui, nhưng tôi còn buồn phiền hơn nữa, khi thấy Bạn không chịu khó cho nên, nhất là khi thấy Bạn kêu ca lẩm bẩm, như trách Chúa sao để Bạn chịu khó nhiều như vậy. Chưa nhiều, Bạn ạ. Tội lỗi ta còn đáng cho ta chịu nhiều hơn nữa, chịu nhiều không thể tưởng tượng được.

Bạn đừng bắt chước người trộm bên trái trên thập giá. Anh ta đã kêu ca, đã oán Chúa, đã nói phạm… Bạn hãy bắt chước người trộm bên phải, nhẫn nại để đền tội. Và thực sự, người trộm lành đã đền được tội, và đã được Chúa hứa thiên đàng ngay lúc còn sống.

Có lẽ Chúa đã tha các tội cho Bạn. Tôi cũng mong thế. Nhưng Chúa đã thương Bạn, đã cứu Bạn khỏi hỏa ngục, khỏi luyện ngục lâu dài, thì Bạn lại không vui lòng chịu một đôi sự khó Chúa gửi đến để đáp đền ơn Chúa ư? Hỏa ngục, luyện ngục, ghê gớm lắm Bạn ạ, nhưng tôi sẽ nói sau.

Đây, tôi xin Bạn, nếu Bạn thực tình mến Chúa, hàng ngày Bạn hãy than thở cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, bao nhiêu cũng được, miễn con chịu khó cho nên, và xin Chúa ban cho con được ơn chịu cho nên, cho nhẫn nại, không oán thán, không phiền buồn. Vâng, lạy Chúa, tội lỗi con đã phạm làm cho con đáng chịu những sự khó con đang chịu bây giờ, và trăm nghìn sự khổ sở đau đớn khác nữa. Con xin tin thật như vậy… Nhưng, lạy Chúa, xác thịt thì lúc nào cũng là xác thịt, nghĩa là nó vẫn yếu đuối lắm lắm, nên con dễ quên, thành thử nhiều phen con trách Chúa, nếu không trách ra ngoài miệng, thì cách con ăn ở cũng như con trách Chúa thật. Thôi, từ nay con xin cam lòng chịu hết các sự đau khổ hồn xác, Chúa sẽ thương gửi đến cho con. Xin Chúa giúp con nhẫn nại chịu cho hết.

Nếu cần, xin Chúa cứ gửi thêm thánh giá cho con. Con sẵn sàng lĩnh nhận hết mọi gánh nặng Chúa sẽ đặt lên vai con. Con chỉ cần sức mạnh của Chúa, vì có sức mạnh của Chúa thì con không sợ gì nữa, con không sợ, mà con lại sẽ sung sướng, vì được chịu khó; con không sợ, mà con lại sẽ ước ao, lại sẽ đi tìm chịu khó cho nhiều nữa… ”

“Lạy Đức Mẹ, xin giúp con chịu khó cho nhẫn nại như Mẹ xưa, để con đáng được gọi là con thảo hiền của Mẹ sầu bi. Amen”.

 

(9) 2 Sam. 12, 1-13

(10) Sách Dial. Đoạn III,1…

(11) Sách Mor. III trang 12

(12) Ecole de Perfection religieuse, Cha Clément, trang 248

(13) Le Prêtre dans le Ministère: J. Bertihier quyển 1 trang 558 số 1662

Lm. Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

Dành giờ cho Chúa – Chương IV. Những điều kiện thể chất cho việc kết hiệp với Chúa

1. Thời gian
2. Nơi chốn
3. Tư thế

Tiếp đến, chúng ta xét xem những yếu tố bên ngoài của việc kết hiệp với Chúa: bao lâu, khi nào, ở đâu, với những tư thế nào.

Quả là sai lầm khi chúng ta quá coi trọng những điều này, để rồi làm cho việc kết hiệp với Chúa trở thành một điều gì đó đầy tính kỹ thuật. Về căn bản, chúng ta có thể thực hành kết hiệp với Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với những tư thế hoàn toàn khác nhau trong sự tự do thánh thiện của con cái Chúa. Tuy nhiên, con người không phải là những tinh thần thuần tuý mà là những thọ tạo cả hồn lẫn xác, thế nên, phải học cách sử dụng không gian và thời gian với những công việc thiêng liêng và càng phải cố gắng nhiều hơn vì không phải lúc nào tâm trí chúng ta cũng có thể cầu nguyện được. May thay, chúng ta có “anh lừa” đến trợ giúp – như cách dùng của thánh Phanxicô Assisi khi ngài gọi thân xác, và trong một cách thức nào đó – đền bồi cho sự bất lực của chúng ta bằng một dấu thánh giá, một sự phủ phục hay qua việc lần hạt với tràng chuỗi trên tay.

 

1. Thời gian

CẦU NGUYỆN KHI NÀO

Mọi thời khắc đều tốt cho việc cầu nguyện, nhưng mỗi người nên cố gắng hết sức có thể để cầu nguyện vào thời gian nào thích hợp nhất – khi tâm trí tương đối tươi tỉnh, chưa ngập đầy những bận tâm cấp bách, khi chưa có chuyện này xen chuyện kia vốn không ngừng tạo ra những gián đoạn… Thực tế, dù thông thường, chúng ta không tự do chọn cho mình giờ cầu nguyện vào một thời gian lý tưởng nào đó, nhưng chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội có được khi có thể giành lấy để cầu nguyện.

Cũng cần tận dụng ơn Chúa sau những giờ khắc đặc biệt, chẳng hạn, sau rước lễ… hẳn là thời gian ưu tiên cho việc kết hiệp với Chúa.

Đây là điểm đáng nhấn mạnh: không nên xem cầu nguyện như một việc gì đó ngoại thường được làm vào một lúc nào đó, một khoảng thời gian mà khó khăn lắm chúng ta mới giành giật được từ những hoạt động khác. Nhưng cầu nguyện phải trở thành một thói quen, một phần của nhịp sống thường ngày, để rồi “nơi chỗ” của nó không bao giờ là thắc mắc và giả thiết chúng ta chỉ sống thêm một ngày cuối cùng. Điều này sẽ hun đúc lòng trung thành với việc cầu nguyện vốn là một cái gì hết sức thiết yếu. Cuộc sống được hình thành bởi những nhịp điệu: nhịp điệu của nhịp đập con tim và hơi thở, nhịp điệu của ngày và đêm, của các bữa ăn, của các tuần… Cầu nguyện cũng phải trở thành một cái gì sống còn đối với chúng ta như những nhịp điệu căn bản của tồn vong. Cầu nguyện phải trở thành hơi thở của linh hồn.

 

PHẢI CẦU NGUYỆN TRONG BAO LÂU

Thời gian dành cho việc cầu nguyện phải tương thích. Năm phút chẳng đủ cho Chúa. Năm phút là thời gian dành cho ai đó khi chúng ta muốn rút khỏi họ càng sớm càng tốt. Mười lăm phút là thời gian cực tiểu, không thể ít hơn; và bất cứ ai nếu có thể, không nên do dự dành một giờ mỗi ngày cho việc cầu nguyện hoặc đôi khi nhiều hơn.

Dẫu vậy, đôi lúc, mỗi người đều phải cẩn thận, đừng quá tham vọng trong việc quyết định thời lượng dành cho việc cầu nguyện. Bởi lẽ điều này sẽ dẫn người ta đến nguy cơ là thời giờ đặt ra vượt quá sức mình để rồi rốt cuộc phải nản chí. Một khoảng thời gian ngắn tương đối (hai mươi phút hay nửa giờ) bền bỉ trung thành dành cho việc cầu nguyện mỗi ngày sẽ tốt hơn thi thoảng, người ta dành ra đến hai giờ đồng hồ.

Điều tối quan trọng là phải quyết định thời lượng tối thiểu cho việc cầu nguyện và đừng rút ngắn nó (ngoại trừ những trường hợp thực sự bất thường). Thật là sai lầm khi những quyết định đó lại đặt trên nền tảng niềm vui có được trong việc cầu nguyện, để rồi khi cầu nguyện trở nên một cái gì nhàm chán, chúng ta dừng ngay. Đôi khi, dừng lại có thể là một quyết định khôn ngoan, nếu cầu nguyện dẫn đến quá mệt mỏi và lo lắng. Nhưng theo lẽ thường, để cho việc cầu nguyện sinh hoa kết quả, chúng ta phải trung thành với một thời lượng tối thiểu và không chiều theo cám dỗ rút ngắn nó lại. Điều này hết sức quan trọng vì kinh nghiệm cho thấy, thông thường, chính vào năm phút cuối cùng, Chúa viếng thăm và chúc lành cho chúng ta, sau khi chúng ta đã dành toàn bộ thời giờ còn lại cho việc thả lưới “mà chẳng đánh bắt được gì” như Phêrô đã vất vả suốt đêm.

2. Nơi chốn

Chúa ở khắp mọi nơi và chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu: trong phòng, trong nhà nguyện, trước Thánh Thể, trên xe lửa hay cả khi sắp hàng trước quầy thanh toán ở siêu thị… Nhưng dĩ nhiên, thật đáng ao ước một nơi thuận tiện cho sự thinh lặng, hồi tâm và chú tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Nơi tốt nhất, khi thuận tiện là một nhà chầu Thánh Thể, đặc biệt nếu Thánh Thể được đặt ra ngoài hầu chúng ta có thể tận hưởng ân lộc từ sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa.

Nếu việc cầu nguyện được thực hiện tại gia, tốt biết bao khi có một góc – cầu – nguyện phù hợp với ảnh tượng, một ngọn nến, một bàn thờ nhỏ hay bất cứ cái gì hữu ích cho chúng ta. Chúng ta cần phương tiện vật chất và những dấu chỉ bên ngoài. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm… nên sẽ rất sai lầm khi chúng ta coi thường những phương tiện vật chất cũng như việc sử dụng chúng đang khi chúng có thể gia tăng lòng đạo đức. Khi việc cầu nguyện trở nên khó khăn hơn, việc chăm chú ngắm nhìn một ảnh tượng nào đó hay một ngọn nến đang cháy… có thể dẫn chúng ta trở về với sự hiện diện của Chúa.

Như thời giờ cần có cho việc cầu nguyện, cũng thế, chúng ta cần có một nơi chốn dành riêng cho việc cầu nguyện tại nhà. Ngày nay, nhiều gia đình cảm thấy cần dành riêng một phòng hay một góc phòng như một kiểu nhà nguyện.

3. Tư thế

Tự nó, thái độ hay tư thế cầu nguyện không quá quan trọng. Tôi xin lặp lại, cầu nguyện không phải là yoga. Thái độ tốt nhất tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân, tuỳ vào thể trạng mệt mỏi hay khoẻ mạnh và những gì phù hợp với từng người. Chúng ta có thể ngồi, quỳ, úp mặt xuống đất hay ngay cả đứng hoặc nằm trên giường để cầu nguyện.

Dẫu theo nguyên tắc, điều này có vẻ tự do, nhưng cũng cần lưu ý một đôi điều. Trước tiên, tư thế được chọn phải là tư thế thoải mái nhất, để mỗi người có thể tĩnh lặng, hồi tâm, hít thở dễ dàng… Nếu không thoải mái để rồi cứ vài phút, chúng ta đổi tư thế… điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến việc ý thức sự hiện diện của Chúa, một điều thiết yếu trong cầu nguyện.

Cùng lúc đó, thái độ thể lý cũng không được quá thoải mái. Kết hiệp đòi hỏi chú tâm đến sự hiện diện của Chúa và tư thế phải khích lệ cho việc hướng lòng lên Người. Một đôi khi, chúng ta bị cám dỗ nhác nhớn, một thái độ thể lý diễn tả tốt hơn việc kiếm tìm và khát khao Người – chẳng hạn, quỳ trên một chiếc ghế cầu kinh hay chiếc gối quỳ với đôi tay rộng mở – sẽ giúp chúng ta dễ tập trung vào Chúa. Đây là cơ hội để chúng ta phục vụ linh hồn bằng việc sử dụng “anh lừa”.

 Lm. Minh Anh, GP. Huế

TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?

Nếu Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và dựng nên chúng ta để sống, thì tại sao Ngài lại bắt chúng ta phải chết thể lý và chịu mọi đau khổ khi mất người thân và phải chia ly?

Sophocles lưu ý trong tác phẩm Antigone của mình: “Có rất nhiều điều kỳ diệu trên thế giới, nhưng không có gì vĩ đại hơn con người... Mặc dù con người đã biết cách tưởng tượng ra nhiều phương thuốc chống lại những căn bệnh dai dẳng nhất, nhưng chỉ có cái chết là con người sẽ không bao giờ có thứ bùa ngải nào cho phép họ trốn thoát”. Thực vậy không gì rõ ràng hơn, cũng không gì phổ biến hơn cái chết.

Sự sống đời này không phải là tất cả. Cuộc sống trên trái đất này chỉ là buổi diễn tập trước khi biểu diễn thực sự. Người ta sẽ dành nhiều thời gian hơn sau khi chết ở cõi vĩnh hằng so với ở đây trên trần gian. Trần gian là một khóa học, một sự chuẩn bị, một sự huấn luyện cho cuộc sống vĩnh cửu. Đời này chuẩn bị cho đời sau.

Người ta nhiều lắm cũng chỉ sống được một trăm năm trên trần gian, nhưng sẽ sống phần còn lại ở cõi vĩnh hằng. Sự tồn tại trên trần gian của chúng ta, như cách nói của Thomas Browne, chỉ là “một dấu ngoặc đơn nho nhỏ trong một đoạn văn vĩnh hằng”. Chúng ta được dựng nên là để sống đời đời.

Kinh Thánh nói: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi” (Giảng viên 3.11) Bên trong chúng ta có một bản năng bẩm sinh khao khát sự bất tử. Đó là bởi vì Chúa đã tạo ra chúng ta theo hình ảnh của Ngài để sống mãi mãi. Mặc dù chúng ta biết rằng cuối cùng mọi người đều chết, cái chết vẫn có vẻ trái tự nhiên và bất công. Nếu chúng ta cảm thấy mình nên sống mãi, đó là vì Chúa đã đặt niềm khao khát đó vào tâm trí chúng ta!

Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo cho phép xem xét cái chết theo một cách khác, vì sự sống lại sau cái chết là nền tảng của sự sống đó. Tuy nhiên, nếu Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rm 6:23), thì Thánh Phêrô lại khẳng định rằng “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 24 ).

A. Tại sao vẫn đau khổ, vì cái chết?

Cái chết thân xác là một thử thách vì chúng ta được dựng nên để sống, tuy nhiên đó là điều kiện sine qua non - không thể không có - để bước vào cuộc sống vĩnh cửu vì không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không chết: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 20). Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có cái nhìn khác về cái chết thân xác mà tất cả chúng ta phải gánh chịu? Vì Thiên Chúa tạo dựng con người để sống đời đời, để sống vĩnh viễn “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, nên cái chết không phải là cách Thiên Chúa chuẩn bị cho Ơn Cứu Độ qua Lịch Sử sao? Điều này được minh họa cụ thể qua dụ ngôn về hạt lúa mì: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:24-25). Thánh Phaolô cũng giải thich: “Vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5: 15).

Cái chết vẫn không kém phần đau lòng, chính vì con người được tạo ra để sống; không phải để chia ly, mà là để kết hợp. Chính Chúa Giêsu đã khóc khi đối mặt với cái chết của bạn mình là Ladarô. Những giọt nước mắt này không chỉ là bằng chứng về nhân tính của Ngài, mà còn chứng thực rằng Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, khóc khi đối mặt với cái chết vì Ngài không muốn điều đó. Hơn nữa, chính sự công phẫn lớn lao này, đã không biện minh được cho chính nó, mà lại còn minh chứng cho thuyết vô thần: làm thế nào để tin vào một Thiên Chúa Tình Yêu khi tôi biết rằng tôi sẽ chết và những mối liên kết mà tôi xây dựng với những người khác trong cuộc hành trình của tôi trên trần gian sẽ bị cái chết phá vỡ?

B. Thay đổi quan niệm phàm nhân của mình về cái chết

Trong sách Sáng thế có hai cây: cây biết điều thiện và điều ác mà trái của nó bị cấm và cây sự sống, trái của nó được phép ăn, ban cho loài người sự sống vĩnh cửu. Đức Tổng Giám Mục Beau, giáo phận Bourges nói: “Vì vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống đời đời. Vậy thì, chúng ta phải thay đổi quan niệm của con người, vốn cho rằng tất cả chúng ta sẽ chết thì mới hiểu được con người dưới ánh sáng của những gì Đấng Tạo Hóa nói về con người: con người được tạo dựng để sống vĩnh cửu “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”. Khi rời Vườn địa đàng, phản ứng của con người là nghĩ rằng mình đang bị trừng phạt. Tuy nhiên, nếu cái chết không can thiệp, con người sẽ mãi mãi là tội nhân. Tuy nhiên, tất cả Lịch sử sau đó cho thấy rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi Ngài đã đi xa đến mức xây dựng lại mối liên hệ với sự sống vĩnh cửu để trả lại cho con người trái cây mà họ đã đánh mất trong khu vườn”.

Cũng chính trong một khu vườn mà Chúa Kitô hiện ra với Maria Mađalêna, vào buổi sáng phục sinh, giống như một Vườn Địa Đàng mới, nơi con người, sau khi được cứu chuộc bằng cái chết của Chúa Giêsu, cuối cùng được tái sinh. Đây là điều mà Thánh Phaolô Tông đồ biện giải:

Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại” (Rm 6, 3-5).

C. Những hối tiếc phổ biến nhất được nghe trên giường bệnh:

  1. Những lần tôi nêu gương xấu cho mọi người làm theo.
  2. Sự thờ ơ của tôi trước sự đau khổ của người hàng xóm của tôi.
  3. Tôi đã không nói được bao nhiêu lời khen ngợi, công nhận và động viên với những người xứng đáng hoặc cần đến.
  4. Tôi tự nhận những thành công của mình nhưng những thất bại của mình tôi lại đổ lỗi cho hoàn cảnh.
  5. Tôi không tôn trọng sự vô tội của ai đó hoặc ngăn cản ước mơ của người khác.
  6. Tôi tiêu tiền vào những thứ không cần thiết mà tôi không bao giờ sử dụng.
  7. Tôi mất quá nhiều thời gian trước khi tha thứ và không đủ cố gắng để tha thứ.
  8. Tôi đã lợi dụng những người yêu thương tôi để đạt được điều ích kỷ.
  9. Tôi không hướng dẫn tốt những người mà lẽ ra tôi phải giáo dục tốt hơn, trước khi quá muộn.
  10. Tôi không đến thăm hoặc không dành đủ thời gian cho hàng xóm của tôi, bởi vì tôi nghĩ rằng người ấy không thú vị đủ, không có học thức hoặc không hữu ích.
  11. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những thứ vô ích... Đó là thời gian lãng phí mãi mãi.
  12. Tôi  thích được tâng bốc ngay cả khi tôi biết điều đó là sai.
  13. Tôi thường phàn nàn nhiều hơn là cảm ơn.
  14. Tôi để cho những lời ác ý, thô tục hoặc lỗ mãng phát ra từ miệng tôi.
  15. Tôi tham gia vào những cuộc trò chuyện chế giễu Chúa, đức tin hoặc Giáo hội.
  16. Tôi chạy trốn thập giá quá nhiều lần.
  17. Tôi đã không giữ những lời hứa của tôi.
  18. Những lúc tôi có thể và nên cầu nguyện nhiều hơn, và trên hết, yêu thương nhiều hơn, nhưng tôi đã không làm như thế.
  19. Tôi phớt lờ Chúa Giêsu.
  20. Tôi đã làm tổn thương hàng xóm của tôi một cách nào đó.
  21. Tôi đã thiếu tình yêu. Lẽ ra tôi phải yêu Chúa và người lân cận nhiều hơn nữa.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

từ: https://imitationjesuschrist.forumactif.com

https://fr.aleteia.org

 

 

 

 

 

MỘT CÕI ĐI VỀ

Hôm nay tôi một mình đi trong nghĩa trang, tìm lại những kỷ niệm của những người đã đi trước: giám mục, đức ông, linh mục, tu sỹ, các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú thím, bạn bè, và anh em.  Đời người thật ngắn ngủi. Mới đó mà nay đã ra người thiên cổ. Mới đó mà nay đã không còn xuất hiện trên cõi đời này, không còn có dịp gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự với nhau nữa. Một điều khiến tôi phải suy tư rất nhiều, đó là dù ai đi nữa thì nơi ở cuối cùng của họ cũng như nhau. Một nấm mồ, một mảnh đất khiêm tốn, và một tấm bia ghi lại tên, nơi sinh, ngày sinh và ngày tạ thế. Giữa thinh không bao la ấy, bất chợt tôi nghe đâu đây lời ca của Khánh Ly qua nhạc phẩm Một Cõi Đi Về của Trịnh Công Sơn:

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.

Tính đến thời điểm này, người thân và bạn bè đã rủ nhau bỏ lại tôi tất cả là gần 80 người, trung bình cứ một năm là một người. Riêng chỉ năm nay đã có đến 5 người, một ở Úc Châu, ba ở Hoa Kỳ và một ở Việt Nam. Nhìn quanh cứ thấy số tuổi tăng thêm, thì số người thân yêu, bạn bè lại giảm. Nay người, mai ta. Mỗi lần nhận được tin ai đó qua đời tự nhiên trong lòng cảm thấy bồi hồi xúc động. Không biết bao giờ thì đến phiên mình, mà chắc chắn là ngày ấy cũng phải đến thôi, chỉ còn biết tự an ủi: “Sự chết mỉm cười với chúng ta tất cả, và tất cả những gì một người có thể làm được là mỉm cười lại với nó” (Marcus Aurelius, Hoàng Đế Roma). Nghĩ vậy nhưng vẫn thấy lòng mình nôn nao, một cảm nghĩ bâng khuâng cho số kiếp con người.

Nhưng không lẽ chết là vậy sao? Chết là người còn sống đem chúng ta vào nhà xác, đặt chúng ta trong quan tài, rồi đem chúng ta ra nghĩa địa? Chết là bỏ lại tất cả? Chẳng lẽ chết rồi thì không còn nhìn mặt nhau, không còn máu mủ ruột rà, không còn tình thầy trò, không còn bạn bè, không còn cái gì hết? Nếu vậy thì tại sao trong văn hóa Việt Nam lại có câu: “Sinh ký, tử quy” (Sống gửi, thác về)?

Đời người ngắn ngủi: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”. (Cao Bá Quát). Thì ra con người xuất hiện trên dương thế làm gì đi nữa, đi đâu đi nữa, cũng chỉ đủ một ngày 24 tiếng, và thọ lắm cũng chỉ 100 năm, rồi cuối cùng thì đành chấp nhận bỏ lại sau lưng và phải ra về. Về đâu?

Thực tế là về với nấm mộ của mình, về với lòng đất lạnh, về với nghĩa trang đìu hiu, và về một nơi mà những người còn sống không muốn về cùng hay chưa muốn về: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro.) Nhưng với cái nhìn tâm linh, thì nơi con người về đó là Niết Bàn hay Thiên Đàng, nơi ngập tràn ánh sáng, bình an, và hạnh phúc, hoặc Địa Ngục, nơi tối tăm, bất hạnh, và đọa hình muôn thuở. Chỉ có hai nơi. Và một trong hai nơi ấy là chọn lựa của mỗi người. Thượng Đế không ép buộc ai phải lên Thiên Đàng với Ngài, và Thượng Đế cũng không đẩy ai vào Địa Ngục.

Nhưng để chuẩn bị hành trang cho chuyến tàu định mệnh đến nơi mà mình sẽ về ấy, liệu chúng ta sẽ mang theo những gì? Ai chúng ta sẽ gặp gỡ và đang chờ đợi để đón mình cuối sân ga vĩnh cửu? Để trả lời câu hỏi này, tôi nhớ lại một bức tranh vẽ về một người nhà giầu, có lẽ là tỷ phú hoặc một ai đó rất giầu có. Ông một tay kéo theo chiếc va ly, tay kia xách một túi xách đầy ắp vàng bạc và châu báu. Nhưng ông bị thần chết chận lại và nói: “Hãy để lại tất cả những thứ này trước khi bước qua ngưỡng cửa đời đời. Ở bên kia, chỉ xài phúc và tội thôi”. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra cho người giầu có kia, vì cái mà ông định mang theo lại không được phép đi theo ông, còn cái mà ông không chuẩn bị sẽ đi theo ông.

Từ nghĩa trang trở về, tôi tự nhủ: “Phải bắt đầu lại cho tương lai của mình bên kia thế giới, nơi mà ở đó chỉ xài tiền phúc hoặc tội”. Nhưng cũng băn khoăn hỏi mình: Về đâu? Đâu là nơi mà mình sẽ đến sau khi chết?

2 tháng 11 năm 2024

Lễ các Linh Hồn

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 3. Một Công Lệ

Chắc Bạn còn nhớ truyện ông Adong Bà Eva ăn quả cấm. Ăn xong Ông Bà liền bị Chúa lên án phạt. Chúa phán với Bà Evà: “Ngươi sẽ phải đau đớn khi sinh nở, và phải chịu lụy chồng”. Và với ông A-dong: “Vì ngươi nghe lời vợ hơn nghe lời Ta, thì đất sẽ sinh ra gai góc cỏ rả… ngươi sẽ phải đầu tắt mặt tối, sẽ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được của mà ăn; khi chết, lại trở về với đất bụi”. (8)

Bạn thân mến, đó là một cái án, một cái án Chúa Tạo thành đã ra, và không ai có quyền hủy án ấy; án Chúa ra có một lần, nhưng kết quả của nó thì vĩnh viễn, nghĩa là bao lâu còn người sinh sống trên mặt đất thì bấy lâu án ấy vẫn còn, và vẫn còn thi hành triệt để. Không một ai thoát được án ấy, ông nào bà nào cũng vậy, từ cung điện nhà vua cho đến hang cùng ngõ hẻm, từ những người cầm đầu trăm họ, cho đến những người khăn rách áo ôm, không ai thoát được, vì nó là cái án chung cho ông bà, và cho toàn thể con cháu, không trừ một ai.

Vậy ta cũng chỉ là một trong các con cái cháu chắt hai ông bà, ta cũng có xác thịt có thể yếu đau, bệnh tật, có thể đói khát nóng lạnh, ta cũng có một quả tim dễ bị cảm xúc, ta cũng có một khối óc dễ bị kích động, ta cũng chỉ là một thân xác hay rữa mục, hay thối nát như mọi người, thì đau khổ chỉ là một điều rất tự nhiên và hợp với bản tính tự nhiên của loài người.

Nếu có lạ, thì lạ ở chỗ chúng ta sống mà không bị đau khổ… vì đó là một đặc ân Chúa ban cho hai ông bà trước khi phạm tội, nhưng khi hai ông bà đã đánh mất đặc ân ấy trong khi phạm tội rồi.

Cái án Chúa đã ra ấy, lại là một cái án công bằng. Ông Bà ta đã phạm tội, thì chúng ta phải phạt lây. Có lẽ Bạn cho thế là lạ. Nhưng, con cái hạng bình dân thì tự nhiên lúc sinh ra cũng chỉ bình dân như cha mẹ chúng, mà ai bảo thế là bất công. Ông Bà nguyên tổ ta đã phạm tội, thì chúng ta là con cái, chúng ta phải gánh lấy những hình phạt của hai Ông Bà, cái ấy có gì là bất công? Những cái hai Ông Bà không có, thì trối lại cho chúng ta sao được? Vậy sau khi Ông Bà phạm tội, thì chỉ còn những cái hợp với bản tính tự nhiên, mà trong những cái tự nhiên ấy, thì có sự đau khổ phải chịu vì tội: lẽ tất nhiên hai Ông Bà chỉ có thể trối lại cho ta những cái ấy mà thôi, còn sự sung sướng, là cái hai Ông Bà đã mất sau khi phạm tội, thì không lẽ trối lại cho ta được?

Và đây là điều yên ủi lòng ta.

Cái án rất công bằng Chúa đã ra để phạt tội Tổ tông và con cháu hai Ông Bà ấy, chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ là những Đấng vô tội, mà cũng vui lòng lĩnh nhận như hết thảy chúng ta, mà hai Đấng còn vui lòng chịu gấp trăm gấp nghìn lần chúng ta nữa. Tôi không cần nhắc lại đây thiên “khổ sử” của Chúa và Đức Mẹ, ai là người công giáo mà không biết qua những đoạn “khổ sử” ấy.

Nhưng, Bạn yêu quí, nếu Bạn suy thêm điều này nữa, là điều tôi nói ở trang đầu, thì Bạn thấy rằng: Mặc dù Chúa đã lên án phạt tội tổ tông ta, nhưng án ấy hãy còn nhẹ lắm. Ấy là dù chúng ta đáng sống một cuộc đời hoàn toàn đau khổ để đền tội nhưng Chúa cũng không quên gửi tặng chúng ta trăm nghìn nguồn vui tự nhiên và siêu nhiên, để chúng ta đỡ phiền muộn cay đắng trên đường đời, để chúng ta hiểu thấu lòng nhân từ đại độ của Chúa. Chúa phạt, nhưng phạt vì công bằng, phạt nhưng không bỏ qua tình thương, mà có lẽ thương hơn là công bằng.

Vậy ta đừng phàn nàn than trách nữa, đừng mặt ủ mày chau nữa, đừng thở vắn than dài nữa; đừng kêu ca lẩm bẩm nữa; ta chỉ là con cháu Adong Evà, nghĩa là ta chỉ là người, như các người khác, thì ta hãy ghé vai chung lấy một phần đau đớn ở đời, ta hãy nhìn Chúa và Đức Mẹ, hai Cha Mẹ thân mến của ta, hai Đấng đã vui lòng lĩnh lấy Thánh giá của ta, riêng Chúa Giêsu đã vác thật, và đã chịu đóng đanh thật vào Thánh giá nữa, cũng vì ta, và thay cho ta. Vậy ta hãy bắt chước Hai Đấng mà vui nhận lấy Thánh giá Chúa gửi đến cho, ta hãy vui lòng nhận lấy án Chúa đã ra cho ta, cũng như đã ra cho cả loài người, ta hãy hôn kính Bàn tay nhân từ đã gửi những Thánh giá ấy đến cho. Dù ta cựa quậy đàng nào, dù chạy ngược chạy xuôi, ta cũng không thể thoát được án công bằng Chúa đã ra.

Vậy mà Bạn biết yêu mình, Bạn mà thực tình mến Chúa, thì xin Bạn hãy vui lòng lĩnh nhận hết những Thánh giá Chúa nhân lành gửi đến cho Bạn, Bạn hãy tươi cười để tỏ lòng Bạn biết vâng phục thánh ý Chúa. Bạn hãy hăng hái mà sống, không những sống cho xứng đáng làm người, mà còn sống cho xứng người Công giáo, hiểu thế nào là đau khổ, là giá trị sự đau khổ. Bạn không thể thoát được đâu, mà cần gì phải trốn tránh? Bạn hãy chạy đến ôm lấy Thánh giá có hơn không, như thế, có phải Bạn tỏ Bạn là “Bạn” không?

Tôi vừa nói: Bạn không thể trốn thoát được; thật thế, mà nhất là nếu Bạn đã phạm tội, thì, Bạn hãy đọc tiếp…

Lm. Nguyễn Văn Tuyên - DCCT