8. Đời Sống Tâm Linh

Dành giờ cho Chúa – Phụ Trương

1. Phương pháp nguyện gẫm theo Cha Liebermann
2. Tập sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa theo Thầy Lawrence of the Resurrection

 

PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN GẪM

CỦA CHA LIEBERMANN[1]

Thư gửi Francois, cháu trai mười lăm tuổi, dạy cậu cách thức cầu nguyện [2]

 

Bác chúc tụng Chúa vì những ước muốn tốt lành Người đã ban cho con, bác chỉ có thể khuyến khích con hãy ra sức kết hiệp với Chúa. Đây là một phương pháp, không ít thì nhiều, con có thể áp dụng để có được thói quen cầu nguyện.

Trước tiên, chiều hôm trước, con hãy lấy một cuốn sách hay, đọc một chủ đề đạo đức nào đó, coi xem điều gì phù hợp nhất với thị hiếu và nhu cầu của con. Chẳng hạn, một đề tài về cách thực hành các nhân đức, đặc biệt về đời sống và gương lành của Chúa Giêsu hay Đức Trinh Nữ Maria. Tối đến, hãy nghĩ về những điều tốt lành này khi con đi ngủ; sáng ra, khi thức dậy, hãy nhớ lại những suy tư đạo đức vốn sẽ hình thành một đề tài cho con cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện bằng lời nói, con hãy đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Hãy nghĩ rằng, vị Thiên Chúa cao cả của chúng ta hiện diện khắp mọi nơi; Người đang ở nơi con ở; Người ngự trong tâm hồn con một cách đặc biệt, hãy tôn thờ Người. Rồi hãy nghĩ về chính con, bất xứng biết bao với những tội lỗi khi đứng trước sự Thánh Thiện và sự Cao Cả vô biên của Người. Hãy khiêm tốn xin Người thứ tha những lỗi lầm của con, hãy tỏ lòng thống hối và đọc Kinh Cáo Mình. Rồi hãy nhìn nhận, tự sức mình, con không thể cầu nguyện với Chúa cho nên, khẩn khoản với Chúa Thánh Thần, van xin Người đến trợ giúp con, dạy con cầu nguyện, giúp con cầu nguyện cho tốt, hãy đọc kinh “Thánh Thần, Khấn Xin Ngự Đến”[3]. Rồi việc cầu nguyện thực sự của con sẽ bắt đầu. Nó bao gồm ba điểm: tôn thờ, nhận định và quyết tâm.

 

THỨ NHẤT, TÔN THỜ

Hãy bắt đầu bằng cách tôn kính Thiên Chúa, hay Chúa Giêsu Kitô hoặc Đức Trinh Nữ Maria… tuỳ thuộc vào chủ đề nguyện ngắm của con. Như thế, nếu chẳng hạn con suy gẫm về một trong những sự trọn lành của Thiên Chúa hay về một nhân đức, con sẽ tôn kính Người, Đấng trọn lành ở mức độ cao cả vô cùng; hoặc tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng thực hành nhân đức đó cách trọn hảo. Ví dụ, nếu con đang gẫm suy về lòng khiêm tốn, con sẽ nghĩ Chúa chúng ta khiêm tốn biết bao: từ thuở đời đời, Ngài đã là Thiên Chúa, đã hạ mình thành một trẻ thơ, được sinh ra trong một chuồng bò, vâng phục Đức Maria và Thánh Giuse bao năm, rửa chân cho các tông đồ, chịu mọi sỉ nhục và phỉ báng từ con người. Rồi con biểu lộ với Ngài lòng ngưỡng mộ, tình yêu, lòng biết ơn và giục linh hồn con yêu mến Ngài, ước ao bắt chước Ngài.

Con cũng có thể gẫm suy nhân đức này trong cuộc đời Đức Mẹ hoặc ngay cả một vị thánh nào đó; hãy xem các ngài thực hành nhân đức đó thế nào và thổ lộ với Chúa nỗi khát khao muốn bắt chước của con.

Nếu con đang suy niệm về một trong những mầu nhiệm của Chúa Giêsu, chẳng hạn mầu nhiệm Giáng Sinh, con có thể hình dung một nơi mà mầu nhiệm đã xảy ra với những con người có mặt ở đó. Con có thể tưởng tượng máng cỏ, nơi Đấng Cứu Thế sinh ra, con hình dung Hài Nhi Giêsu trong vòng tay Đức Maria với Thánh Giuse bên cạnh; các mục đồng và các đạo sĩ đến triều bái Ngài và rồi, hãy nhập đoàn với họ để thờ lạy, ca ngợi và cầu xin Ngài. Con cũng có thể tận dụng cách hình dung đó nếu con gẫm suy về những chân lý lớn lao khác như hoả ngục, phán xét hay sự chết; chẳng hạn, con hình dung giờ sau hết của mình với những người bao quanh con: một linh mục, những người thân; hãy tưởng tượng những cảm xúc của con lúc ấy; rồi thực hiện một hành vi yêu thương dành cho Thiên Chúa; những cảm xúc sợ hãi và tín thác của con lúc ấy. Sau khi con đã dừng lại trên tất cả những cảm nhận và cảm xúc này lâu chừng nào con tìm thấy một điều gì đó ở chúng để áp dụng cho mình, con hãy chuyển sang điểm thứ hai, đó là nhận định.

 

THỨ HAI, NHẬN ĐỊNH

Ở đây, con sẽ nhẹ nhàng dò dẫm trí óc để tìm ra những lý do chính yếu vốn thuyết phục con về chân lý con đang suy gẫm, chẳng hạn, nhu cầu phải làm gì để được ơn cứu độ nếu con đang suy gẫm về ơn cứu độ; hoặc những lý do khiến con thực hành nhân đức này nhân đức kia. Ví dụ, nếu con đang cầu nguyện về lòng khiêm tốn, con có thể xét đến nhiều lý do khiến con phải khiêm tốn: trước tiên, gương sáng của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và tất cả các thánh; rồi vì kiêu ngạo, đầu mối và căn nguyên mọi tội lỗi, đang khi khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức; và sau cùng, con thấy bởi con không có gì nên không lý do gì mà kiêu căng. Có điều gì con có mà không lãnh nhận từ Thiên Chúa? Sự sống, sự bền bỉ, trí óc lành mạnh, những ý tưởng thánh thiện của con: mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, để con không có gì mà tự kiêu tự đại. Hoàn toàn ngược lại, rất nhiều điều khiến con phải khiêm tốn khi nghĩ đến biết bao lần con xúc phạm Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và là Đấng Ban Ơn của con.

Đối với những nhận định này, đừng tìm cách lục lọi tất cả mọi lý do vốn có thể thuyết phục con tin vào chân lý này chân lý nọ, hay thực hành nhân đức đặc biệt này nhân đức đặc biệt kia… một chỉ lưu lại ở những lý do vốn có thể áp dụng cho con hay những lý do thôi thúc con thực hành nhân đức đó cách mạnh mẽ nhất. Hãy thực hành nhận định này cách nhẹ nhàng, đừng vắt kiệt trí óc con. Khi một nhận định không còn gây ấn tượng cho con, hãy chuyển sang nhận định khác. Hãy kết hợp tất cả những điểm này với hành vi tôn thờ Chúa Giêsu và khao khát làm vui lòng Ngài; thỉnh thoảng, dâng lên Ngài những lời kinh vắn gọn và những khát vọng, bộc bạch cùng Ngài những ước muốn tốt lành của tâm hồn con.

Sau khi xem xét những lý do này, con sẽ trở lại những chiều kích sâu thẳm của lương tâm mình, cẩn thận xem xét, cho đến hôm nay, con đã sống thế nào với chân lý hoặc nhân đức con đã suy gẫm; chẳng hạn con đã trót phạm những lỗi lầm nào nghịch lại đức khiêm nhường nếu như con đang suy gẫm về lòng khiêm tốn; trong hoàn cảnh nào, con đã phạm những lỗi lầm đó và với những biện pháp nào để con không sa vào những lỗi lầm ấy nữa. Và rồi, con chuyển sang điểm thứ ba, đó là quyết tâm.

 

THỨ BA, QUYẾT TÂM

Một trong những hoa trái tốt nhất con phải rút ra từ việc cầu nguyện là đi đến những quyết tâm tốt. Hãy nhớ, không phải con chỉ cần nói, “Tôi sẽ không kiêu căng nữa” hay “Tôi sẽ không nói bất cứ điều gì để tán dương mình” hay “Tôi sẽ không nổi nóng nữa” hoặc “Tôi sẽ thực hành bác ái đối với mọi người”… Chắc chắn đây là những ước muốn chính đáng cho thấy ý hướng ngay lành của tâm hồn con. Nhưng cần đi xa hơn: con phải tự hỏi, trong một ngày sống, hoàn cảnh nào khiến con có nguy cơ sa vào những lầm lỗi mình muốn tránh, hoặc trong những hoàn cảnh nào con có thể thực hành nhân đức đặc biệt này. Chẳng hạn, giả như con đang suy gẫm đức khiêm nhượng: và rồi, xét mình kỹ lưỡng, con nhận ra rằng, khi thầy giáo đặt cho con một câu hỏi trong lớp, con cảm thấy trong lòng bừng lên một cảm giác kiêu căng cao độ, một nỗi khát khao được ngưỡng mộ. Vì thế, quyết tâm của con là nhớ lại giây phút khi con được đặt câu hỏi, để thực hiện một hành vi khiêm tốn bên trong, để thưa với Chúa rằng, con quyết tâm từ bỏ những cảm giác kiêu căng vốn có thể dậy lên trong tâm hồn mình. Nếu con nhận thấy mình hơi va vấp trong một số hoàn cảnh nào đó, quyết tâm của con hoặc là sẽ tránh những hoàn cảnh đó nếu có thể, hoặc là hồi tưởng lại một lúc ngay khi con thấy trước sự va vấp có thể xảy ra. Nếu con thấy mình hơi hiềm khích với một người nào đó, con sẽ quyết tâm đến với người đó, tỏ cho họ thấy tình bằng hữu thực sự của con…

Nhưng dù những quyết tâm của con cao đến đâu, vẫn chẳng ích gì nếu Chúa không đến giúp. Vì thế, phải chú tâm đến việc khẩn khoản xin Người ban ơn trợ giúp. Hãy cầu xin điều này ngay khi con đưa ra quyết tâm hay đang lúc thực hiện quyết tâm, xin Người gìn giữ con trung thành với những quyết tâm đó. Nhưng con cũng phải cầu xin điều đó lúc này lúc khác trong những giai đoạn của việc cầu nguyện. Nói chung, việc cầu nguyện của con không được trở nên khô khan, một cái gì thuần lý trí: tâm hồn con phải rộng mở và bộc lộ trước vị Thầy nhân lành như tâm hồn một trẻ thơ trước người cha trìu mến yêu thương nó. Để những lời cầu khấn này sốt sắng và hiệu quả hơn, con có thể thưa với Chúa cách yêu thương rằng, chỉ vì vinh danh Người mà con xin ơn thực hành nhân đức con đang suy gẫm; chỉ để thực hiện thánh ý Người như các thiên thần đang làm trên trời mà con nài xin Người trợ giúp hầu trung thành với những quyết tâm tốt lành của mình; con cầu xin điều đó nhân danh Con Yêu Dấu của Người, Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu chết trên Thánh Giá để con xứng đáng lãnh nhận những ơn này; và rằng Người đã hứa đáp lại những ai cầu xin mọi khi họ khấn nguyện nhân danh Con Một Người.

Hãy chân thành dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria nữa. Hãy khẩn khoản xin Mẹ nhân lành của chúng ta cầu bàu cho con. Mẹ có mọi quyền phép, tốt lành vô song; Mẹ không biết thế nào là từ chối con cái; và Chúa, Thiên Chúa chúng ta, sẽ ban cho Mẹ mọi điều Mẹ cầu xin cho con cái mình. Cũng hãy cầu xin thánh bổn mạng và thiên thần hộ thủ của con. Lời cầu bàu của họ sẽ không vô ích trong việc mang lại nhân đức và lòng trung thành của con với những quyết tâm thiết thực của mình.

Thỉnh thoảng trong ngày, con nên nhớ lại những quyết tâm tốt lành này để đem chúng ra thực hành hoặc kiểm tra xem con đã giữ chúng hay chưa, đồng thời đổi mới quyết tâm trong phần ngày còn lại. Thi thoảng, con hãy nâng tâm hồn lên cùng Chúa, xin Người làm sống lại trong con những ý hướng ngay lành mà Người đã gửi đến trong giờ nguyện gẫm buổi sáng. Bằng cách hành động như thế, con có thể đoan chắc mình sẽ được rất nhiều ơn ích từ bài tập luyện thánh thiện này và con sẽ rất tiến bộ về mặt đức hạnh cũng như lòng yêu mến Chúa.

Đối với những lo ra chia trí trong giờ cầu nguyện, con đừng quá bận tâm về chúng. Ngay khi con nhận ra chúng, hãy từ khước chúng, thanh thản tiếp tục cầu nguyện và dùng những lời nguyện tắt. Chúng ta không tài nào có được những giây phút cầu nguyện mà không lo ra chia trí; tất cả những gì Chúa Giêsu nhân lành yêu cầu là chúng ta trung thành quay về với Ngài ngay khi chúng ta thấy mình lạc xa Ngài. Dần dần, những lo ra chia trí sẽ ít lại và việc cầu nguyện trở nên dễ dàng và ngọt ngào hơn cho con.

Hỡi con, cháu yêu quý của bác, đây là những chỉ dẫn mà bác nghĩ sẽ tạo thuận lợi cho con thực hành cầu nguyện, một việc hết sức sống còn cho con. Kết hiệp với Chúa là phương thế lớn lao mà tất cả các thánh đã dùng để đạt được sự thánh thiện. Bác hy vọng, nhờ ơn Chúa, việc kết hiệp với Chúa cũng sẽ sinh ích cho con như đã sinh ích cho các thánh… Chúa Giêsu, Thầy nhân lành của chúng ta sẽ thưởng cho thiện chí của con những phúc ân của Ngài.

 

II

TẬP SỐNG

TRƯỚC SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA[4]

THEO THẦY LAWRENCE OF THE RESURRECTION

(1614-1691)

Việc thực hành thánh thiện nhất cũng như cần thiết nhất trong đời sống thiêng liêng là thực hành sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó bao gồm việc trở nên hân hoan mỗi khi nhớ đến Chúa và quen thuộc với sự đồng hành của Người, khiêm tốn trò chuyện với Người, yêu thương đối thoại với Người mọi lúc, mọi thời khắc mà không cần bất cứ một luật lệ hay một phương pháp nào; đặc biệt những lúc cám dỗ, đau khổ, khô khan, khiếp sợ và cả khi bất trung, tội lỗi.

Chúng ta không ngừng cố gắng để nhủ lòng mình rằng, mọi hành vi cử chỉ của chúng ta tựa hồ những cuộc chuyện trò vắn vỏi với Chúa, hoàn toàn tự nhiên, chỉ dùng những lời phát sinh từ sự tinh khiết và đơn sơ của tâm hồn.

Chúng ta nên làm mọi việc của mình một cách đúng đắn tuỳ theo sức nặng cũng như kích cỡ của chúng. Vì thế, sẽ không mãnh liệt cũng không vội vã, vì điều đó chỉ tỏ ra một đầu óc chểnh mảng. Chúng ta làm với Chúa cách bình thản, đầy yêu thương, xin Người chấp nhận công việc của mình bằng cách luôn chú tâm đến Người, và rồi, nghiền nát đầu quỷ dữ, chúng ta buộc nó buông vũ khí.

Trong suốt thời gian làm việc hoặc những sinh hoạt khác, như đọc sách – ngay cả sách thiêng liêng – những việc đạo đức bên ngoài hoặc nguyện tắt… chúng ta nên ngừng trong chốc lát thường xuyên nhất có thể để thờ lạy Chúa nơi thánh cung sâu thẳm của linh hồn, cảm nếm sự ngọt ngào của Người một lúc, giữ lấy Người như một điều gì bất ngờ, ngợi khen Người, xin Người trợ giúp, dâng Người tâm hồn và cảm tạ.

Điều gì có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn việc chúng ta dẹp bao thọ tạo qua một bên cả ngàn lần mỗi ngày để hướng về Người và tôn thờ Người trong tâm hồn mình?

Chúng ta không thể tỏ cho Thiên Chúa thấy bằng chứng nào lớn lao hơn về lòng trung thành của mình bằng cách từ bỏ và khinh chê các tạo vật từ lần này đến lần khác để tận hưởng Đấng Tạo Hoá dù chỉ trong phút chốc. Mỗi lần một chút, dần dần, bài tập luyện đó sẽ huỷ hoại tính kiêu căng vốn chỉ có thể tiếp tục tồn tại giữa các tạo vật và rồi, việc thường xuyên quay trở về với Thiên Chúa dần dần giải thoát chúng ta khỏi các tạo vật.

Không nhất thiết phải luôn ở trong nhà thờ để được ở với Chúa. Chúng ta có thể biến tâm hồn mình thành một nhà nguyện, ở đó, chúng ta để cho mình nương náu lúc này lúc khác và dành thời giờ chuyện trò với Chúa. Mọi người đều có thể đối thoại thân tình với Chúa; chỉ cần nâng tâm hồn lên một chút là đủ, một chút tưởng nhớ đến Chúa, một hành vi thờ phượng bên trong cả khi bạn đang chạy, tay cầm gươm. Đây là những kinh nguyện tuy ngắn gọn, vậy mà rất đẹp lòng Thiên Chúa, cũng là những lời kinh không hề làm ta nản lòng giữa những nghịch cảnh vô cùng hiểm nguy nhưng lại củng cố lòng can đảm. Vậy hãy nhớ mà thực hiện điều này, nghĩa là hướng lòng lên cùng Chúa nhiều nhất có thể; phương thức cầu nguyện này rất phù hợp và cần thiết nhất cho một người lính đang đối đầu với những hiểm nguy chết chóc mỗi ngày, và thông thường, cả những nguy hiểm cho phần rỗi đời đời.

Thực hành sống trước sự hiện diện của Chúa giúp ích rất nhiều cho việc cầu nguyện; vì bằng cách ngăn ngừa tâm trí suốt ngày đi lang thang để giữ nó lại gần bên Thiên Chúa, điều này giúp cho việc cô tịch trong đời sống kết hiệp với Chúa được dễ dàng hơn.


 Lm. Minh Anh, GP. Huế


[1] Chân Phước Francois Liebermann (1802-1852), một trong những đấng sáng lập Hội Dòng Thánh Linh (Các Cha Dòng Thánh Linh), một dòng thừa sai.

[2] Lettres du Vénérable Père Liebermann présentés par L. Vogel (Paris: Desclée de Brouwer, 1964).

[3] Thánh Thần, khấn xin ngự đến, đổ đầy tâm hồn các tín hữu của Ngài và đốt lên trong họ ngọn lửa yêu mến Ngài. Xin hãy sai thần khí của Ngài đến và họ sẽ được tác sinh. Và Ngài sẽ canh tân bộ mặt trái đất này.

[4] Trích đoạn từ Brother Lawrence of the Resurrection, L’Expérience de la présence de Dieu (Paris: Le Seuil, 1998).

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 5. Lỗi Tại Tôi Mọi Đàng

Đoạn trên có vẻ khó hiểu lắm, phải không Bạn? “Chính Bạn làm Bạn đau khổ”. Cái lý luận ấy, hình như xa xôi quá nhỉ? Trong đoạn này tôi muốn minh chứng vừa đủ cho Bạn thấy, một số lớn các sự đau khổ ta chịu ở đời, chính chúng ta gây nên cho chúng ta.

Tôi hãy dùng mấy ví dụ.

Một anh chàng, ngày đêm mài miệt trong cuộc đen đỏ, không còn thiết gì đến chuyện làm ăn. Về nhà vợ con đay nghiến. Anh ta đã chẳng hồi tâm, lại còn đánh chửi đập phá.

Thế rồi, một lúc kia “ruộng nương bán hết, xỏ chân vào cùm”. Hết khổ cùm, đến khổ đói. Bao nhiêu bạn bè đều lảng hết, anh ta lang thang “tìm việc”. Nhưng tìm đâu ra?

Anh ta mới quay than thở, kêu trách, oán thán, nói phạm thượng v.v…

Nhưng phải đâu Chúa muốn làm anh ta đau khổ. Nếu anh ta biết nghe lời, biết chăm chỉ làm ăn như người khác, đừng bè bạn với “xóc dĩa”, với “tổ tôm”… thì ngày nay có đâu nên nỗi. Chả lẽ lúc anh ta đóng sòng, Chúa phải cho anh ta được luôn, dù anh ta chơi vụng… chả lẽ Chúa phải cho hết mọi con bạc đều được cả…

Thật là “lỗi tại tôi mọi đàng”.

Và đây, một anh bợm. Anh ta tài lắm. Bao nhiêu lần đào ngạch, bao nhiêu lần cướp của đều xuôi hết.

Nhưng, không may “đi đêm có ngày gặp ma”, anh ta sa lưới pháp luật. Và người ta đã mời anh ta vào dưỡng sức tại nhà đá… với cơm vôi nước đục.

Phải làm bạn với thần đói, thần rét, anh ta mới đâm ra chửi rủa, oán thán, oán Chúa đã làm anh ta đau khổ.

Thật là hết sức phi lý. Ai bảo anh ta đào ngạch khoét tường… ? Hay là Chúa phải bịt mắt cảnh binh, tuần tráng, để họ khỏi thấy những “thủ đoạn anh hùng” của anh ta?

Thật là “lỗi tại tôi mọi đàng”.

Và đây một chàng thanh niên tuấn tú dư tài dư lực… Thân thể cũng như tinh thần, anh ta là niềm hy vọng lớn lao cho gia đình, cho đất nước.

Nhưng anh ta đem hoài phí tuổi xuân với tài lực trong những cuộc truy hoan khả ố; ngoài những chuyện hành lạc cả ngày lẫn đêm, anh không còn tìm thấy lẽ sống ở chỗ nào nữa. Thế rồi đâm ra “nội thương ngoại cảm”, thủng phổi, thối ruột… bị đày ải trong xó nhà thương lẻ loi cô quạnh, bao nhiêu bạn “tom chát” không còn một người tới lui… Anh ta đâm ra oán ghét mọi người, oán ghét xã hội, oán ghét cả Chúa.

Nhưng ai bảo anh ta hành lạc, ai bảo anh ta hoài phí tuổi xuân?

“Lỗi tại tôi mọi đàng”

Và đây một thiếu phụ than thở: “Biết thế này, thì chẳng lấy nhau cho xong… Kêu khấn mãi mà cũng không thấy bằng yên…”

Nhưng chị quên rằng: trước khi lấy anh, người ta đã hết sức can ngăn, cha mẹ đã hết lời phản đối, vì anh chàng chỉ có cái mã… Chị nhất định không nghe… và quyết rằng sẽ gây được hạnh phúc cho nhau. Vả chị có bằng thì sợ gì… cha mẹ không bằng lòng, thì chị sẽ bỏ nhà ra đi… theo tiếng gọi của người yêu.

Nếu chị có biết nghe lời hơn lẽ thiệt, nếu chị đừng quá tin những tiếng đập dồn dập của quả tim, thì đâu nên nông nỗi ấy…

“Lỗi tại tôi mọi đàng”

Bà Phán được mỗi một mụn con. Bà coi hơn ngọc ngà. Nhưng Bà vẫn thắc mắc về cái tương lai của cháu. Bà nghĩ đêm nghĩ ngày. Sau cùng Bà tìm được một kế. Bà đem tiền đi hỏi thầy bói. Thầy gieo quẻ… quẻ khôn… quẻ càn… quẻ ly… quẻ tốn… gieo đi, gieo lại… hỏi ngược hỏi xuôi… ngày sinh tháng đẻ… hướng nhà hướng vườn… Sau cùng thày trịnh trọng tuyên bố: “Nguy đến nơi, ba tháng nữa, cháu sẽ bị một tai nạn lớn”. Bà Phán tái mặt, về nhà mất ăn mất ngủ… lo ngày lo đêm… đau khổ vì con…

Nhưng ai làm cho Bà khổ… Bà đừng đi hỏi thầy bói, có phải mẹ con tha hồ mà vui vẻ với nhau không?

“Lỗi tại tôi mọi đàng”.

Trước đây, trên nhiều quãng đường ở thành phố Hà Nội, người ta thấy sừng sững những tấm biển: “Đi mau quá, sẽ đưa anh đến… nhà thương không chừng… đề lao chắc chắn”.

Nhiều ông tài xế đã thấy chứ có không đâu. Nhưng các ông “bất cần”, cứ phóng bạt mạng, phóng cho hết tốc lực… Một hôm, cảnh binh đến làm “ăng két”! Hôm sau bác tài được đưa đi an trí… ba tháng… không lương.

Khổ… Khổ… nhưng người ta đã bảo bác “nhà lao chắc chắn…” Bác đã “bất cần” kia mà!

“Lỗi tại tôi mọi đàng”.

Thôi, Bạn ạ. Chúng ta “đừng trách lẫn trời gần trời xa…” chính ta đã nhiều phen tự gây họa cho mình! Chả có lý gì, Chúa phải luôn luôn ngăn tất cả những cái đau khổ… nhất là tự mình đã cố ý gây cho mình, tự mình đã làm cả những cái Chúa cấm. Chả lẽ Chúa phải cho hễ đánh bạc thì được, phải cho những anh học trò lười cũng đậu, những người trác táng quá độ không mắc bệnh tật, phải cho dù kết bạn cách mù quáng, gia đình cũng phải được yên vui.

Không, Chúa không thể làm thế và ai “đã gieo gió, thì phải gặt bão”.

Đọc Kinh thánh, ví dụ truyện Vua Đavít, chúng ta thấy rõ ràng, nhiều sự đau khổ đời này là do chính tội chúng ta gây nên.

Chẳng hạn: Vì mê bà vợ ông Uria, nên Vua đã dám ngoại tình với bà, rồi để che giấu tội lỗi của mình, Vua đã mánh khóe tìm cách gián tiếp giết ông Uria. Chúa liền sai tiên tri Natan đến quở trách Vua. Khi thấy Vua thực tình hối tội mình thì tiên tri nói với Vua: “Chúa tha thứ tội cho Vua, nhưng đứa con (ngoại tình) ấy phải chết”; cách ít lâu đứa bé chết thật. [14]

Lần khác Vua cho làm sổ kiểm tra dân số trong nước. Kiểm tra dân số, đâu có phải việc xấu, nhưng vua đã cho kiểm tra vì lòng xấu. Nên Chúa đã sai tiên tri đến nói với Vua rằng: vua phải chọn một trong ba hình phạt: một là trong nước bị ba năm đói kém, hai là phải kẻ thù địch đánh đuổi và phải trốn chạy trong ba tháng, ba là cả nước phải chết dịch trong ba ngày. Vua đã nhận hình phạt thứ ba, và trong ba ngày có bảy vạn người chết [15]

Và tôi có thể thêm truyện nước Do Thái bị chia sẻ làm hai vì tội vua Salomon.

Dù vậy, cả trong những nố kể trên, và các nố tương tự như thế, chúng ta vẫn thấy Chúa đầy tình thương. Mình đã chuốc lấy khổ cho mình, nhưng Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ những lỗi lầm ấy. Rồi một khi đã quay về với Chúa, người ta lại có thể lợi dụng sự đau khổ chính mình gây nên, để đền tội, lập công, và chuẩn bị cho phần phúc thiên đàng.

Vậy nếu không may Bạn phải sa vào một trong những trường hợp kể trên, thì đừng thở than làm chi vô ích, và vô lý. Bạn hãy thành thực đấm ngực, ăn năn: “Lỗi tại tôi mọi đàng”, xin Chúa thứ tha, và lợi dụng ngay những cái đau khổ ấy để mưu ích lợi thiêng liêng cho mình.

Bạn hiểu chứ?

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

__________________
[14] II Sam. 11-12

[15] II Sam. 24

HIỆP THÔNG VỚI CÁC TÍN HỮU ĐÃ KHUẤT

Người Công giáo coi tháng Mười Một là tháng cầu nguyện cho những tín hữu đã khuất. Nhưng tháng Mười Một bắt đầu bằng Ngày lễ Các Thánh. Vậy điều gì kết nối hai điều này?

Vâng, hai điều này có liên quan với nhau. Tháng Mười Một là tháng cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, nhưng nói đúng hơn, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là biểu hiện “sự hiệp thông của các thánh.”

Kinh Tin Kính các Tông Đồ tuyên bố chúng ta tin “các thánh thông công”. Tuy nhiên, có lẽ không ít người Công giáo vẫn chưa rõ hết ý nghĩa của “sự hiệp thông của các thánh”, cũng như nhiều quan niệm nền tảng khác của giáo lý Công giáo.

Nói một cách đơn giản, “sự hiệp thông của các thánh” là mối dây yêu thương gắn kết người ta với nhau trong sự hiệp nhất với Chúa: là những người còn sống trên thế gian này vốn vẫn đang thực hiện việc cứu rỗi của họ; là những người trong luyện ngục mà sự cứu rỗi đã được đảm bảo nhưng vẫn chưa được thực hiện cách trọn vẹn; là những người trên thiên đàng nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện và sống sự sống đích thực. Theo truyền thống, người Công giáo gọi ba điều này là Giáo hội Chiến đấu, Giáo hội Đau khổ và Giáo hội Chiến thắng, như Hiến chế Lumen Gentium - Ánh sáng Muôn dân - diễn tả: “Bởi thế, cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các Thiên Thần theo Ngài (Mt 25,31), và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Ngài (1Cor 15,26-27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện (alii hac vita functi purificantur) và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có” (số 49)

Điều đó có nghĩa là Giáo hội lớn hơn giáo xứ hay giáo phận của mỗi người tín hữu, ngay cả lớn hơn toàn thể Giáo hội ở đây và bây giờ trên trần gian. Giáo hội trải rộng vượt xa khỏi nơi đây và bây giờ vào tận cõi vĩnh cửu. Giáo hội toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại” (Kinh tạ ơn II), cùng các tín hữu đang chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng trên trần gian này để nên thánh thiện: “Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế, từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật. "Muốn lên cao, phải bắt đầu lại mãi, bắt đầu này tiếp nối bắt đầu kia. Ai trèo lên sẽ không ngừng mơ ước điều họ đã biết" (T. Grêgôriô thành Nitsê, bài giảng 8)” (GLCG số 2015). Giáo Hội còn bao gồm các linh hồn đang trải qua giai đoạn thanh luyện cuối cùng khỏi tất cả những ràng buộc còn lại với tội lỗi, trong luyện ngục. “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên Đàng. Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục” (GLCG số 1030-1031).

Luyện ngục vẫn là tiến trình biến đổi nên thánh – nhưng là tiếp tục ở đời sau – tiến trình mà một người đã bắt đầu với đầy đủ ý chí tự do của mình khi còn sống ở đời này, một tiến trình tiếp tục loại bỏ mọi thói hư tật xấu, dính bén tội lỗi, chết đi cho chính mình theo gương mẫu “Kenosis – tự hủy ra không, vét cạn chính mình đến tột cùng” của Chúa Kitô, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíphê 2,8). Ngay cả các tội nhẹ, tuy chưa đến nỗi làm ngăn trở phần rỗi, nhưng đã làm mất lòng Chúa thì cũng cần phải tiếp tục loại bỏ. Vì tội nhẹ làm ngăn trở lòng mến Chúa trọn vẹn và vì thế cần được Chúa tha thứ. Theo thánh Tôma Aquinô, tội nhẹ có thể được tha thứ bằng một hành vi mến Chúa cách trọn vẹn. Thế nhưng, khi còn sống trên đời này, hành vi mến Chúa mang tính cách “tự nguyện” và có giá trị đền tội. Khi đã chết, thì hành vi đó mang tính cách “thụ hình”, “chịu đựng”. Nơi luyện ngục tiến trình này không còn tùy thuộc vào ý chí tự do của linh hồn nữa, chỉ còn cậy dựa vào lòng xót thương có sức thanh luyện của Thiên Chúa, vào sự cầu bầu của các linh hồn đã hưởng kiến Thiên Chúa - là các thánh trên thiên đàng – và vào Hội thánh còn ở nơi trần gian, “Do mầu nhiệm "Các Thánh Hiệp Thông", Hội Thánh phó thác người quá cố cho Thiên Chúa từ bi và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong Thánh Lễ” (GLCG số 1055).

Vì vậy, là những người Công giáo, những gì chúng ta làm vào tháng Mười Một là cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, nghĩa là những người đã sống xong cuộc sống của họ. Việc cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời không chỉ là một “việc tốt” mà chúng ta làm vào tháng Mười Một như một sở thích.

  • Nhưng tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời? Có phải đó chỉ là một hành động từ thiện thêm vào tùy ý mình? Hay đó là một việc cần thiết?
  • Thưa đó là việc cần thiết. Cầu nguyện cho những người đã qua đời là một phần không thể thiếu để trở thành người Công giáo đích thực, trở nên thành viên hiệp thông của Giáo hội.
  • Tại sao những tín hữu đã qua đời cần chúng ta cầu nguyện cho?
  • Bởi vì những tín hữu đã qua đời không thể tự giúp mình nữa. Họ cần đến chúng ta.
  • Tại sao họ không thể tự giúp mình nữa?
  • Bởi vì họ đã vượt qua lằn ranh giữa cái sống và cái chết, không thể thay đổi được nữa.
  • Nhưng tại sao cái chết lại là lằn ranh quyết định? Cái chết không phải do Thiên Chúa tự quyết định sao?
  • Không phải thế. Cái chết là lằn ranh cuối cùng, chấm dứt khả năng chọn lựa và quyết định của ý chí tự do con người đối với định mệnh đời đời của mình. Sau cái chết, ý chí tự do của con người không thể tự quyết về số phận vĩnh cữu của mình nữa.

Đó là lý do tại sao các linh hồn trong luyện ngục cần lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có thể giúp ích cho các linh hồn trong luyện ngục bằng việc dâng lễ, lần chuỗi Mân Côi, thực hiện các việc hy sinh hãm mình hàng ngày, các việc bác ái, cầu nguyện... như một biểu hiện rõ ràng của tình liên đới hỗ tương trong tình bác ái theo Thánh ý của Thiên Chúa Quan Phòng. Đáp lại, cũng chính các việc tốt lành đó làm cho sự chuyển cầu của các linh hồn trong luyện ngục nên hữu hiệu cho chúng ta. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium - 21/11/1964, số 958 nói rõ: “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô Giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2 Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ.” Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu.”

Đây là lý do tại sao chúng ta, những người còn sống trên trần gian, và những người đã kết hiệp với Chúa Kitô trên thiên đàng, và những người đang chờ đợi trong luyện ngục, có thể cầu nguyện cho nhau để cùng kết hiệp với Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời không chỉ là một “việc tốt” mà còn là một phần trong chính mạch sống của Giáo hội, đó là đức ái siêu nhiên, yếu tố quyết định liên kết và hợp nhất chúng ta với Thiên Chúa là Tình yêu: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).

Công đồng Vatican II dạy rằng ơn cứu độ không phải là việc cá nhân, rằng chúng ta được cứu độ không chỉ với tư cách cá nhân mà còn trong sự hiệp thông cộng đoàn: “Hội Thánh là “sự hiệp thông của các Thánh”: thuật ngữ này trước hết chỉ sự hiệp thông trong “các thực tại thánh” (sancta), nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích này “biểu thị và thực hiện sự hợp nhất của các tín hữu, những người hợp thành một Thân Thể trong Đức Kitô. Thuật ngữ này cũng chỉ sự hiệp thông của “những người thánh” (sancti) trong Đức Kitô, Đấng “đã chết cho mọi người.” Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Kitô, cũng đều mang lại hoa trái cho mọi người. Chúng tôi tin sự hiệp thông của tất cả các Kitô hữu, nghĩa là của những người lữ hành nơi trần thế, những người đã qua đời và đang được thanh luyện, và những người đang vui hưởng vinh phúc thiên quốc, tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất; và chúng tôi cũng tin rằng trong sự hiệp thông đó, chúng tôi được hưởng nhờ tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của các Thánh của Ngài, các Đấng luôn lắng nghe những lời cầu khẩn của chúng tôi.” (Lumen gentium, số 960-962).

Trong tháng Mười Một, vâng theo lời dạy của Giáo Hội, chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và đang được thanh luyện, để mầu nhiệm các thánh cùng thông công trở nên “cụ thể trong đời thực” của chúng ta.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

 

Dành giờ cho Chúa – Chương V. Một vài phương pháp cầu nguyện

1. Một số ý tưởng đầu tiên
2. Suy niệm
3. “Kinh nguyện Giêsu”
4. Chuỗi Mân Côi
5. Làm sao giải gỡ một vài khó khăn

1. Một số ý tưởng đầu tiên

Tiếp đến, dưới ánh sáng của những gì đã được bàn thảo cho đến nay, là một vài ý tưởng về những phương pháp cầu nguyện căn bản. Thông thường, không phương pháp nào được gọi là bắt buộc cả; nhưng cũng cần xét đến vì đôi lúc chúng ta sẽ vận dụng phương pháp này hoặc phương pháp kia.

Trước hết, làm thế nào chúng ta biết chọn phương pháp cầu nguyện này hơn phương pháp cầu nguyện kia? Về vấn đề này, mỗi người hoàn toàn tự do chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất, làm sao họ cảm thấy thoải mái và ngày càng yêu mến Chúa nhất. Với bất cứ phương pháp nào, mỗi người đều phải chịu khó ở lại trong “bầu khí” thánh thiêng hay thái độ đã nói trên đây. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và Ngài sẽ làm phần còn lại.

Ngoài ra, mỗi người còn phải kiên trì. Bất cứ phương pháp nào cũng đều có những thời gian khô khan nên mỗi người phải tránh cám dỗ từ bỏ một lối cầu nguyện nào đó chỉ sau vài ngày bởi không được kết quả như mong đợi. Vậy mà, cùng lúc đó, phải thanh thoát và không bám dính. Có lẽ cho đến nay, chúng ta đã cầu nguyện theo một cách thức được coi là tốt và hiệu quả cho mình, nhưng nếu Thánh Thần thôi thúc hãy từ bỏ nó vì đã đến lúc bước theo một cách thức khác, chúng ta không nên bám vào những gì đã quen thuộc.

Cuối cùng, một số phương pháp khác nhau có thể được “kết hợp” chẳng hạn, một phần của giờ cầu nguyện dành cho suy niệm, phần còn lại dành cho việc nhẩm tắt Kinh Nguyện Giêsu. Nhưng cần cảnh giác trước nguy cơ nhảy từ việc này qua việc kia. Cứ sau vài phút, chuyển qua một lối cầu nguyện khác sẽ chẳng hay ho gì. Kết hiệp với Chúa cần có một sự tĩnh lặng nào đó, một sự ổn định làm nên một khả năng trao đổi tình yêu đích thực ở mức độ sâu xa nhất. Tình yêu chuyển động chậm rãi và thanh thản: Những chuyển động này là những thái độ ổn định bởi chúng bao hàm toàn bộ hữu thể của chúng ta vào việc đón nhận Thiên Chúa và trao ban chính mình cho Người.

 

2. Suy niệm

Như chúng ta thấy trước đây, suy niệm đã trở thành nền tảng của hầu hết mọi phương pháp cầu nguyện được gợi lên ở Tây Phương ít nhất cũng là vào thế kỷ XVI[1]. Nhưng việc suy niệm có thể lùi về trước nữa, bám rễ sâu trong tập quán bất di bất dịch của Giáo Hội, trong truyền thống Do Thái trước đó khi Thánh Kinh được đọc một cách thiêng liêng và nội tâm hoá để cầu nguyện. Lectio divina theo truyền thống tu viện – đọc Thánh Kinh hay sách thiêng liêng – là một trong những ví dụ đặc trưng nhất.

Suy niệm bắt đầu bằng thời kỳ chuẩn bị vốn có thể ngắn hơn hay dài hơn, có thể có hay không có một khuôn mẫu rõ rệt, qua đó, mỗi người có thể đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, cầu xin Chúa Thánh Thần… Suy niệm tự nó bao gồm việc đọc chậm rãi một bản văn Thánh Kinh hay một đoạn sách thiêng liêng, rồi đưa ra một số “nhận định” về bản văn đó – cố gắng hiểu những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua bản văn này và làm sao để áp dụng điều đó trong cuộc sống. Những nhận định này sẽ soi lòng mở trí và nung nấu tình yêu để chúng ta có thể bộc lộ những cảm xúc mà chúng khơi gợi, từ đó đưa ra những quyết tâm.

Vì thế, mục đích của việc đọc này không nhằm gia tăng hiểu biết tri thức nhưng gia tăng lòng yêu mến Chúa. Không nên đọc vội vã ; trái lại, chậm rãi, dừng lại ở mỗi điểm, “trầm ngâm” điểm đó bao lâu nó còn cung cấp chất dinh dưỡng cho linh hồn; biến nó thành lời cầu nguyện, đối thoại với Thiên Chúa, những hành vi tạ ơn hay thờ lạy. Sau khi đã tận dụng hết sức có thể điểm này, chúng ta đi qua điểm tiếp theo hay đoạn kế tiếp của bản văn. Thông thường chúng ta nên kết thúc bằng một lời cầu nguyện tóm tắt tất cả những gì đã suy gẫm, cảm tạ Chúa về điều đó và xin Người ban ơn giúp chúng ta đem điều đó ra thực hành.

Rất nhiều sách viết về các phương pháp và chủ đề cho hình thức suy niệm này. Như một ví dụ, bạn hãy xem bức thư ý nghĩa của Cha Libermann gửi cháu trai mình sẽ được trình bày trong phần Phụ Trương I cuối cuốn sách này, hay lời khuyên mà thánh Phanxicô Salêsiô đưa tra trong tác phẩm Introduction to the Devout Life.

Lợi thế của việc suy niệm ở chỗ: dễ tiếp cận, được sử dụng như một phương thế khởi đầu cho những ai mới đi vào đời sống kết hiệp với Chúa. Thực hành suy niệm không mấy khó khăn, đồng thời tránh được những biếng nhác thiêng liêng nhờ việc được cuốn hút vào tiến trình suy tư và ý muốn của chúng ta.

Tuy nhiên, suy niệm cũng có một vài nguy cơ. Nó có thể trở thành một bài tập luyện trí óc hơn là một sự dịch chuyển của tâm hồn và rốt cuộc, người ta chú tâm đến những nhận định có được về Thiên Chúa hơn là học biết yêu mến Người. Sự phấn chấn có thể tìm thấy từ sự lanh lợi thông minh nơi mỗi người, có thể khiến chúng ta bám chặt vào nó một cách tinh tế như một hình thức hoạt động tri thức.

Như thế, cách chung, suy niệm trở nên – không sớm thì muộn, hoàn toàn không thực hiện được. Tâm trí không còn suy gẫm nhiều hơn, không còn đọc, không còn có thể đưa ra nhận định… theo thể thức vừa được mô tả. Nhưng thông thường, đây cũng là một dấu hiệu tốt[2]. Sự khô khan như thế thường có nghĩa Thiên Chúa muốn dẫn linh hồn vào một phương thế cầu nguyện gắt gao hơn, nhưng sâu sắc và thụ động hơn. Như đã giải thích, đây là một bước không thể thiếu. Suy niệm liên kết chúng ta với Thiên Chúa bằng những khái niệm, hình ảnh và những ấn tượng mang tính cảm giác… nhưng Người vượt xa mọi thứ đó và ở một mức độ nào đó, chúng ta phải bỏ lại tất cả đằng sau để tìm thấy Thiên Chúa trong chính Người bằng cách đi một con đường khốn cùng hơn nhưng lại mang bản ngã thiết yếu của chúng ta đến với Bản Thể của Người. Bài học căn bản của thánh Gioan Thánh Giá không đề cập nhiều về cách thức làm sao để suy niệm cho tốt, nhưng lúc cần thiết, làm sao biết để lại đằng sau việc suy niệm mà không trở nên bực tức, chấp nhận việc không có khả năng suy gẫm như một thắng lợi chứ không như một mất mát.

Tóm lại, suy niệm chỉ có ích chừng nào nó giải thoát chúng ta khỏi những bám víu thế tục, tội lỗi, thờ ơ… và mang chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Nhưng chúng ta cũng cần biết cách dẹp nó sang một bên lúc cần thiết – và dĩ nhiên, tuỳ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ không phải khôn ngoan của mình cho những quyết định lúc đó là lúc nào. Cũng cần lưu ý, cả khi chúng ta không còn thực hành suy niệm như một hình thức cầu nguyện quen thuộc nữa, đôi lúc trở lại với nó cũng có thể hữu ích. Đọc, nhận định và tìm kiếm Thiên Chúa cách tích cực hơn có thể giúp chúng ta khỏi rơi vào một loại lười biếng thiêng liêng hay uể oải trong cầu nguyện vốn có thể xảy ra. Cuối cùng, cả khi việc suy niệm không là, hay không còn là nền tảng cho việc cầu nguyện, lectio divina vẫn phải có một chỗ trong đời sống thiêng liêng của mỗi người. Thật thiết yếu khi phải đọc Thánh Kinh và sách thiêng liêng thường xuyên, để nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn bằng những gì thuộc về Thiên Chúa, trong khi sẵn sàng thỉnh thoảng tạm ngưng đọc để cầu nguyện dựa trên những điểm đánh động chúng ta.

Như vậy suy niệm có phải là một hình thức cầu nguyện thực sự phù hợp với con người thời nay không? Chẳng lý do gì mà nó không thể như thế, miễn chúng ta tránh xa những cạm bẫy vừa mới đề cập và có thể rút ra những lợi ích từ đó. Cùng lúc, không nghi ngờ rằng, những bộ óc hiện đại và những hình thức trải nghiệm thiêng liêng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu với suy niệm và cảm thấy dễ dàng hơn với những phương thức cầu nguyện ít hệ thống nhưng đơn giản và trực tiếp hơn.

 

3. Kinh nguyện Giêsu

Kinh Nguyện Giêsu hay Kinh Cầu Trái Tim là một thái độ cung kính dẫn đến đời sống cầu nguyện theo truyền thống Kitô giáo Đông Phương, đặc biệt ở Nga. Nó đã trở nên khá phổ biến ở Tây Phương trong những năm gần đây, và nếu được như thế thì quả là tốt vì nó có thể dẫn nhiều linh hồn đi vào đời sống cầu nguyện nội tâm.

Kinh Nguyện Giêsu bao gồm việc lặp đi lặp lại một công thức ngắn, như “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Công thức phải chứa đựng danh thánh Giêsu, tên nhân thế của Ngôi Lời. Phương thức cầu nguyện này gắn kết với một “linh đạo về Thánh Danh” rất ý nghĩa và có nguồn gốc trong Thánh Kinh. Đó là một truyền thống rất cổ xưa.

Trong số nhiều vị thánh khác, thánh Macarius người Ai Cập, sống vào thế kỷ IV, là chứng nhân nổi bật của Kinh Nguyện này. Đối với ngài, những điều tự nhiên nhất là những dấu hiệu giúp ngài ngước mắt nhìn xem những thực tại siêu nhiên. Bằng cách ấy, ngài gợi lại cho thánh Pemen về một thói quen của người phụ nữ Đông Phương:

Khi còn bé, tôi thường thấy người ta nhai cau trầu để làm ngọt nước bọt và tống những mùi khó chịu khỏi miệng. Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô cũng phải như vậy đối với chúng ta: nếu chúng ta nhai Danh Thánh này bằng cách phát âm nó không ngơi nghỉ, nó sẽ mang lại tất cả ngọt ngào cho linh hồn, tỏ cho chúng ta những sự trên trời; qua Ngài là lương thực của niềm vui, giếng cứu độ, mạch nước hằng sống, sự ngọt ngào của tất cả mọi ngọt ngào; và những ý tưởng tà vạy sẽ bị xua khỏi tâm trí bởi Thánh Danh này; Danh của Đấng đang ngự trên các tầng trời, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Vua các Vua, Chúa các chúa, phần thưởng thiên quốc dành cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.

Lợi thế của kinh nguyện này là nó khó nghèo, đơn sơ, dựa trên một thái độ hết sức khiêm tốn nhưng lại có thể dẫn đến một đời sống kết hiệp với Chúa cách sâu xa nhiệm mầu.

Kinh nguyện này có thể được sử dụng hầu như bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, ngay cả giữa những công việc khác… vì thế, có thể dẫn đến một đời sống kết hiệp với Chúa liên lỉ. Thông thường, nó được đơn giản hoá theo thời gian, không gì đơn giản hơn việc chỉ kêu cầu Thánh Danh “Giêsu” hay một điều gì đó rất vắn gọn, như ”Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa” hoặc ”Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con cùng” như Chúa Thánh Thần thôi thúc mỗi người.

Trên tất cả mọi sự, dẫu đây là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa và không bao giờ áp đặt – kinh nguyện này vẫn ”đi từ khối óc đến con tim”. Một khi đã trở nên đơn giản hơn, nó được nội tâm hoá để trở thành hầu như máy móc và liên lỉ, một hình thức Thánh Danh Giêsu cư ngụ vĩnh viễn trong tâm hồn con người. Ấp ủ Thánh Danh này trong yêu thương, tâm hồn cầu nguyện không ngừng và ở đó, xây cho mình một căn nhà riêng tư, nơi Thánh Danh Giêsu nương náu – Thánh Danh mà từ đó phát sinh tình yêu và bình an, ”Tên anh là mùi thơm man mác toả lan” (Dc 1, 3).

Rõ ràng Kinh Nguyện Giêsu là một hình thức kết hiệp với Chúa tuyệt vời, nhưng đó không phải là quà tặng được trao cho mọi người, ít nữa không theo hình thức vừa mô tả. Thế nhưng, đó không phải là lý do miễn cho việc cầu nguyện khi nghĩ rằng chỉ cần giữ Thánh Danh Giêsu trong tâm hồn và tâm trí chúng ta nhiều ngần nào có thể và lặp đi lặp lại cách thường xuyên và yêu mến là đủ. Đây là một phương thế kết hợp với Chúa, bởi tên gọi thoạt đầu chỉ là tượng trưng – nhưng rồi, hiện tại hoá – Ngôi Vị và như thế phải đi đến chỗ gặp gỡ.

Mối nguy của Kinh Nguyện Giêsu là tìm cách áp đặt mọi sự bằng việc lặp đi lặp lại nó một cách mệt mỏi và máy móc vốn rốt cuộc, kết thúc với những căng thẳng thần kinh. Kinh nguyện này cần được gẫm nguyện hài hoà, nhẹ nhàng, không áp đặt cũng không tìm cách kéo dài hơn những gì Chúa ban, đồng thời, giao nó cho Người hầu Người biến nó thành một điều gì đó nội tâm hơn, liên lỉ hơn nếu Người muốn như vậy. Hãy nhớ lại nguyên tắc ban đầu: một đời sống cầu nguyện sâu thẳm không là kết quả của một kỹ năng, nhưng của ân sủng.

 

4. Chuỗi Mân Côi

Một số người có thể ngạc nhiên khi thấy Chuỗi Mân Côi truyền thống được xem như một phương thế kết hiệp với Chúa. Thế nhưng, Chuỗi Mân Côi đã làm cho việc cầu nguyện mang tính chiêm niệm, có khi liên tục, khả thi cho nhiều người, mà có lẽ cả họ cũng không nhận ra điều đó.

Chuỗi Mân Côi cũng là lời kinh đơn sơ, nghèo khó dành cho những người nghèo – ai mà không nghèo? Lợi thế của nó là đã trở thành kinh nguyện cho mọi mùa, mọi dịp và mọi người: lời kinh cộng đoàn, lời kinh gia đình, lời kinh thống hối (khi muốn cầu nguyện cho ai đó, chúng ta thường đọc cho họ mười kinh Kính Mừng). Nhưng, ít nữa cho những người lãnh nhận ơn này, lời kinh cũng có thể là lời nguyện của tâm hồn vốn rất giống Kinh Nguyện Giêsu khả dĩ dẫn vào đời sống kết hiệp với Chúa. Rốt cuộc, Danh Thánh Giêsu cũng là trọng tâm của kinh Kính Mừng.

Trong Chuỗi Mân Côi, chính Đức Maria dẫn chúng ta vào lời kinh riêng của ngài, giúp chúng ta đến gần nhân tính Đức Giêsu, dẫn chúng ta đi vào các mầu nhiệm của Con ngài. Một cách nào đó, Đức Mẹ cho chúng ta thông dự vào lời kinh của ngài và đây hẳn là lời kinh sâu sắc nhất.

Thông thường, khi được đọc chậm rãi trong tâm tình suy gẫm, Chuỗi Mân Côi có thể thiết lập một sự hiệp thông với Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Tâm hồn Đức Maria giúp chúng ta đi vào tâm hồn Chúa Giêsu. Mỗi khi cảm thấy khó suy gẫm, khó cầu nguyện, tôi đã trải nghiệm việc bắt đầu với Kinh Mân Côi và rồi nhanh chóng đạt được bình an nội tâm cũng như kết hiệp với Chúa. Ngày nay, sau một thời gian bị lãng quên, Kinh Mân Côi được tái khám phá như một phương thế vô cùng giá trị cho việc đi vào đời sống cầu nguyện cách thâm sâu và đầy yêu mến. Đây không phải là chuyện thời trang hay việc trở lại với một lòng sùng đạo vốn đã mai một… nhưng đây là một dấu chỉ về sự hiện diện đầy tình mẫu tử của Đức Maria, một sự hiện diện rất rõ ràng trong thời đại chúng ta. Đức Mẹ những ước mong dẫn dắt tâm hồn của tất cả con cái Mẹ trở về với Chúa Cha ngang qua cầu nguyện.

 

5. Làm sao giải gỡ một vài khó khăn

KHÔ KHAN, CHÁN GHÉT, CÁM DỖ

Dù áp dụng cầu nguyện theo cách nào đi nữa, chắc chắn chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn. Một số đã được đề cập: khô khan, chán ghét, cảm thấy mình không ra gì, cảm giác nỗ lực cầu nguyện sao mà vô ích.

Điều đầu tiên phải nói trước những khó khăn như thế là, chúng không làm chúng ta ngạc nhiên hay phải lo lắng bồn chồn. Không những chúng là một cái gì không thể tránh khỏi, nhưng thực ra, còn ích lợi cho chúng ta. Chúng thanh luyện lòng yêu mến Chúa và làm cho đức tin nên mạnh mẽ. Hãy đón nhận chúng như một ân sủng, bởi đó là một phần phương pháp sư phạm Thiên Chúa dùng để thánh hoá và mang chúng ta đến gần Người hơn. Chúa không bao giờ cho phép chúng ta trải nghiệm những thời kỳ thử thách trừ phi Người nhắm điều đó để thông ban dồi dào ân sủng hơn một khi thử thách qua đi. Vậy, đừng nản lòng. Hãy kiên trì. Chúa là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi thiện chí của chúng ta, sẽ biến mọi sự nên mối lợi cho con cái Người.

Những gì vừa được nói đến ở đây hẳn đã làm rõ ý nghĩa của những khó khăn như thế đồng thời cho thấy những cách thức để đương đầu với chúng.

Đối với những khó khăn lớn, những khó khăn dai dẳng vốn cướp đi bình an trong tâm hồn – một sự bất lực hoàn toàn và lâu dài nào đó trong việc cầu nguyện đôi lúc có thể xảy ra – chúng ta phải cởi mở trình bày với vị linh hướng, người sẽ trấn an và cho chúng ta những lời khuyên thích hợp.

 

LO RA CHIA TRÍ

Lo ra chia trí là một trong những khó khăn khá thông thường khi cầu nguyện. Chúng tuyệt đối bình thường và như thế, chúng ta không ngạc nhiên và cũng chẳng u buồn vì chúng. Lúc cầu nguyện, mỗi khi nhận ra mình đang chia trí và nghĩ ngợi mông lung, thay vì trở nên thất vọng hay bực tức, chúng ta nên đơn giản, bình tĩnh và nhẹ nhàng hướng lòng trí mình về lại với Thiên Chúa. Nếu cả khoảng thời gian cầu nguyện của chúng ta không gì khác hơn ngoại trừ việc chiến đấu này, nghĩa là liên tục lạc lối và không ngừng trở về với Chúa, không sao cả. Vì trong cuộc chiến đấu không ngừng để trở về với Chúa, lời cầu nguyện của chúng ta, dẫu nghèo nàn đến đâu… vẫn sẽ làm vui lòng Người. Người là Cha, Người biết chúng ta được dựng nên bằng gì, Người không đòi hỏi thành công nhưng đòi hỏi thiện chí. Thông thường, học biết chấp nhận sự nghèo hèn và bất lực của mình mà không trở nên nản chí hay buồn bực, sẽ tốt hơn làm mọi sự cách hoàn hảo.

Cũng hãy nhớ rằng, trừ một số tình trạng đặc biệt do chính Thiên Chúa mang lại, con người tuyệt đối không thể kiểm soát và tập trung toàn bộ hoạt động của tâm trí mình để nó có thể suy gẫm và chú tâm mà không lạc lối hoặc lo ra chia trí. Kết hiệp với Chúa giả định trước việc suy gẫm, nhưng đó không phải là kỹ thuật tập trung tâm trí. Tìm cách đạt cho được việc suy gẫm tuyệt đối sẽ là một sai lầm vốn gây ra những căng thẳng thần kinh hơn bất cứ điều gì khác.

Ngay cả trong những trạng thái cầu nguyện thụ động hơn, vẫn còn một khối lượng hoạt động nào đó của tâm trí, các ý tưởng và sự tưởng tượng. Tâm hồn có thể ở trong một thái độ suy gẫm bình an, hướng về Thiên Chúa cách mật thiết… nhưng tư tưởng của chúng ta có thể đang lang thang ở một mức độ nào đó. Có lẽ đó là một mối phiền toái, nhưng không nghiêm trọng và nó không cản trở việc tâm hồn kết hiệp với Chúa. Những chú ruồi nhỏ nhắn vo ve đâu đó – những tư tưởng hướng ngoại – không làm gián đoạn việc suy gẫm của tâm hồn.

Khi việc cầu nguyện vẫn là một cái gì “thuộc trí óc” mà phần lớn là hoạt động của tâm trí, thì lo ra chia trí sẽ gây phiền hà, bởi khi ấy chúng ta không còn cầu nguyện nữa. Nhưng nếu nhờ ơn Chúa, chúng ta đi vào một hình thức cầu nguyện sâu xa hơn, một lối cầu nguyện của con tim, lo ra chia trí sẽ ít gây phiền hà hơn. Thông thường, các ý tưởng vẫn cứ đến rồi đi, nhưng điều đó sẽ không trở ngại cho việc cầu nguyện của con tim.

Vậy, giải pháp thích hợp cho việc lo ra chia trí không phải là để cho tâm trí tập trung nhiều hơn nhưng để con tim yêu mến nồng nàn hơn.

*

Tôi đã nói nhiều điều, nhưng chỉ nói qua. Ước gì tập sách này có thể giúp một số người đang khởi sự đi vào con đường kết hiệp với Chúa được can trường bền chí. Đó là mục đích duy nhất của tôi khi viết những chương này. Nếu người đọc, với một chút thiện chí, đem ra thực hành những gì tôi đã cố gắng trình bày, Chúa Thánh Thần sẽ làm phần còn lại.

Với những ai muốn đi sâu hơn vào chủ đề này, tôi khuyến khích họ tìm đọc những tác phẩm của các thánh, đặc biệt là những thánh được đề cập trong cuốn này. Đó là nơi để tìm ra những giáo huấn sâu sắc nhất và ít lỗi thời nhất. Biết bao sách vở chứa đựng những kho tàng vô giá, vô cùng hữu ích cho đời sống các tín hữu; ấy thế, chúng đang bị bỏ mặc cho bụi bám đầy dẫy trên những kệ sách ở các thư viện. Nếu các bậc thầy linh đạo Kitô giáo được biết đến nhiều hơn, hẳn sẽ không có nhiều người trẻ cảm thấy nhu cầu tìm đến các “lãnh tụ tinh thần” để thoả mãn những cơn khát thiêng liêng của mình.

Lm. Minh Anh, GP. Huế

 


[1] Cần ghi nhớ điều này khi đọc những tác giả cổ điển như thánh Têrêxa Avila và Gioan Thánh Giá; bằng không, sẽ có nguy cơ hiểu lầm một số giáo huấn của họ, những giáo huấn cho rằng ai đã khởi sự cầu nguyện – nhờ thực hành suy niệm – có thể không cần phải áp dụng cầu nguyện theo một hướng khác, miễn sao cho phù hợp với tình trạng linh hồn mình.

[2] Thánh Gioan Thánh Giá đưa ra một số phương thế để xác định xem việc không có khả năng suy niệm có thực sự là một dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa muốn dẫn người ta vào việc chiêm ngắm sâu sắc hơn hay không. Dĩ nhiên, sự khô khan nguội lạnh có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân khác: sự lãnh đạm, vốn khiến ta chán ghét các thực tại về Thiên Chúa; hay những nguyên nhân tâm lý – một loại kiệt quệ trí óc ngăn ngừa sự quan tâm vào bất cứ điều gì. Nếu nó bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì việc không thể nguyện ngắm này sẽ kéo theo hai điều: trước tiên, hướng đến sự tĩnh mịch và cô tịch, khát khao sống thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa; thứ đến, thiếu vắng bất cứ khát khao nào – áp dụng trí tưởng tượng của mình vào bất cứ điều gì – ngoại trừ Thiên Chúa (xem The Ascent of Mount Carmel, ch. 13).

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 4. Lỗi Tại Tôi

Bạn rất thân mến, dù yêu Bạn tha thiết, dù muốn luôn luôn chỉ nghĩ hay nghĩ tốt về Bạn, tôi cũng phải buộc lòng mà nói với Bạn rằng: Hỡi Bạn, chính những tội lỗi Bạn đã phạm, làm cớ cho Bạn đau khổ. Nói kiểu khác, chính Bạn đã làm cớ cho Bạn đau khổ.

Bạn hãy xét mình lại, từ nhỏ đến giờ, Bạn đã phạm biết bao giống tội, tội bề trong, tội bề ngoài, tội phạm một mình, tội phạm chung với người khác, tội lỗi Luật Chúa, tội lỗi Luật Giáo hội, tội lỗi bổn phận: bổn phận của người giáo hữu, bổn phận của người đi tu, bổn phận của bậc người mà Chúa đã đặt Bạn vào… Bạn thử ngồi mà tính xem, số tội ấy to tát, lớn lao, nhiều khi nặng nề chừng nào! Ấy là tôi chỉ xin Bạn tính những tội Bạn còn nhớ thôi, chứ nếu nhờ ơn Chúa soi sáng, Bạn lại nhớ được tất cả những tội Bạn đã phạm từ khi biết phạm tội cho đến ngày nay, không trừ một tội nào, thì tôi không hiểu, Bạn còn can đảm mà tính lại không, và tôi không hiểu khi tính lại như thế, Bạn có đủ sức để sống nữa không, hay Bạn sẽ chết vì rùng mình sợ hãi?  Bạn sẽ bảo mình: “Thương ôi! Tôi đã phạm tội nhiều và nặng nề đến thế ư? Tôi đã làm phiền lòng Chúa nhân từ đến thế ư?”

Phải, Bạn đã phạm tội nhiều như thế đấy! Bạn đã làm phiền lòng Chúa đến thế đấy, và còn hơn thế nữa, vì Bạn không thể hiểu được tội làm phiền lòng Chúa đến mức nào.

Khổ một điều là sự dốt nát và nhất là lòng tự ái của chúng ta thường che lấp những tội chúng ta phạm đến Chúa và không cho thấy – ít ra theo sức loài người của chúng ta – tội lỗi là sự kinh khủng ghê gớm chừng nào.

Chắc Bạn cũng nhớ truyện vua Đavít, sau khi đã cả gan phạm hai tội ngoại tình và giết người, thì được Chúa sai Tiên tri Natan đến. Tiên tri lấy một ví dụ cho Vua hiểu tội mình. Một người giầu có, nhân một người bạn đến chơi, đã chẳng lấy một con trong đoàn vật của mình để thết tiệc bạn, lại cướp con cừu độc nhất của người láng giềng nghèo khó… Nghe vậy, Vua liền thịnh nộ và nhất định sẽ phạt nhà giàu ấy cho đáng tội. Tiên tri mới cho Vua hiểu: Người giàu đó chính là Vua, vì Vua đã cướp vợ ông Uria, trong khi Vua có sẵn trong Điện bao nhiêu thê thiếp. (9)

Xét về phương diện tôi đang nói ở đây, chúng ta đều giống Vua Đavít cả.

Vì yêu Bạn, vì tín nhiệm ở Bạn, tôi đoán Bạn chưa phạm tội trọng mất lòng Chúa; nếu được vậy, thì sung sướng nào bằng!

Tôi hãy tưởng tượng rằng: Bạn mới chỉ phạm một tội nhẹ, phải, dù Bạn mới chỉ phạm tội nhẹ mất lòng Chúa, thì Bạn ôi, Bạn cũng đáng chịu trăm ngàn sự đau đớn xác hồn và chịu cho đến tận thế, rồi chịu mãi trong luyện ngục để đền cái tội nhẹ ấy. Nếu Bạn hiểu được, tội nhẹ là cái gì, cái mà chúng ta gọi là tội nhẹ, trước mắt Chúa nó to tát chừng nào, thì Bạn sẽ vui lòng chịu hết mọi sự đau đớn phiền muộn ở đời để đền tội ấy.

Vậy nếu không có công nghiệp vô cùng Chúa Giêsu đền tội thay cho ta, thì dù ta ra sức đền một tội nhẹ cho đến tận thế, cũng không đền nổi, dù ta đành chịu lấy mọi sự đau đớn xác hồn một mình thay cho nhân loại, thì cũng không sao một mình đền được một tội nhẹ. Vì tội nhẹ là gì? Là một sự sỉ nhục đến Đấng Cao trọng vô cùng, đến Chúa tể càn khôn vũ trụ, cho nên phải có công nghiệp của một Đấng khác cũng cao trọng vô cùng, mới đền được tội nhẹ. Thế mà những sự đau đớn ta chịu thì có cùng, có hạn, lấy cái có cùng có hạn, để đền vào cái vô cùng, vô hạn sao được? Bởi thế, bao nhiêu sự khó Bạn chịu đời này, không thấm vào đâu với những hình phạt Bạn đáng chịu vì một tội nhẹ.

Huống nữa trong đời, Bạn cũng như mọi người khác, chúng ta đã phạm biết bao tội nhẹ, phạm nhiều đến không thể đếm, không thể nhớ được, thì không lẽ ta còn kêu ca khi phải chịu một hai sự khó để đền tội. Nhưng chốc nữa, tôi sẽ nói đến việc đền tội, bây giờ thì chỉ nói: Ta đã phạm tội, thì phải chịu phạt.

Bạn hãy nghe lời Chúa phán với Thánh nữ Catarina, người thành Xiêna: “Hỡi con, con có biết không, tất cả các thứ đau phiền một linh hồn phải chịu và có thể chịu được ở đời này, không thể đền được một tội nhẹ nhất.” Chúa phán tiếp: “Sự sỉ nhục làm cho Cha chịu là Đấng vô cùng, đòi phải có một sự đền tội vô cùng”. (10 )

Tôi nói lại Bạn hãy suy lời ấy, suy đi suy lại cho thấm thía, rồi Bạn sẽ thấy những hình khổ, những sự đau đớn Bạn chịu ở đời này chưa thấm vào đâu với sự đau khổ Bạn đáng chịu để đền một tội nhẹ, dù chỉ là một thứ tội nhẹ nhất.

Hơn nữa, Bạn ôi! Nếu trong đời Bạn, Bạn đã trót dại phạm một tội trọng, tôi chỉ nói ví dụ thế thôi, chứ tôi chắc Bạn chưa dám phạm tội trọng mất lòng Chúa, phải, tôi hãy tưởng tượng như Bạn đã phạm một tội trọng mất lòng Chúa, phải, chỉ một tội trọng chứ không cần nhiều, thì than ôi, Bạn có biết Bạn đáng chịu gì để đền tội trọng ấy không.

Bạn hãy nghe, để đền một tội trọng Bạn phải xuống hỏa ngục, không phải chỉ trong một hai năm, hoặc một trăm một nghìn, một triệu năm, không phải để chịu năm ba hình khổ, mà là để chịu hết các thứ đau khổ, và chịu cho đến đời đời… chứ bao nhiêu sự khổ khác ở đời này, không đủ để phạt một tội trọng. Bạn hãy xin Chúa cho Bạn hiểu thế nào là tội trọng, thì Bạn sẽ vui lòng chịu hết các sự đau đớn ở đời, để đền một tội trọng đã trót phạm ấy, và Bạn sẽ không thấy những sự khổ Bạn chịu là nặng nề quá, là đau đớn quá. Không những Bạn sẽ vui lòng chịu, Bạn lại còn ước ao chịu cho nhiều để đền tội quái gở ấy nữa.

Nói kiểu khác, nếu Bạn đã trót dại phạm một tội trọng, thì Bạn là người vượt hỏa ngục. Bạn hãy suy đi suy lại lời sau này của Thánh Ghêgoriô: “Khi chúng ta bị Chúa để cho chịu đau khổ, chúng ta hãy ôn đi ôn lại những lỗi lầm mà đau đớn trong thinh lặng, chúng ta hãy đặt trước mắt chúng ta tất cả những việc tội lỗi chúng ta đã làm, thì chúng ta sẽ thêm lòng thống hối ăn năn hơn là sẽ kêu ca lẩm bẩm”. (11)

Đàng khác, một khi đã “vượt được hỏa ngục” Bạn có dám chắc Bạn sẽ không rơi lại vào đó nữa không? Không, không ai dám chắc được điều ấy. Thánh Anphongsô dạy cho Bạn biết rằng: Bạn lại có thể sa vào chốn khốn nạn ấy, và chỉ một tội nhẹ, cũng có thể dần dần đưa Bạn đến tội trọng và như vậy là đẩy Bạn xuống hỏa ngục. Bởi thế, thay vì kêu trách Chúa khi gặp đau khổ, Bạn sẽ làm như Thánh Isidôrô, linh mục. Một hôm, một thầy tu sĩ thấy người nước mắt giàn giụa thì hỏi tại sao. Thánh nhân đáp: “Tôi khóc lóc tội lỗi tôi, vì nếu chúng ta chỉ phạm đến Chúa một lần thôi, chúng ta cũng không đủ nước mắt để đền tai nạn ghê gớm ấy”. (12)

Một lần, Chúa cho Bà thánh Catarina người thành Xiêna, được thấy một tí sự xấu xa của tội. Bà chỉ được thấy thoáng qua như chớp, thế mà Bà kinh khiếp đến nỗi máu trong mạch đọng lại, khiến Bà la lên kinh khủng. Sau Bà nói: “Nếu Chúa còn để tôi xem thêm một tí nữa thì dù thân thể tôi có bằng kim cương, nó cũng ngã chết tức thì”. Bà nói thêm: “Khi tôi nghĩ đến sự xấu xa của hình bóng một tội, tôi tưởng nếu Chúa không gìn giữ, tôi sẽ phải chết; và ở trên đời, nếu tôi ước ao cái gì, thì ấy là ước ao tả được những cái tôi biết và cảm trong mình, khi được thấy một tội; và nếu tôi phải chịu hết mọi thứ hình khổ của các Thánh Tử Đạo và của các kẻ dữ để làm cho người ta biết, và hiểu được sự quái gở ấy, thì tôi cũng cam lòng. Từ ngày Chúa thương cho tôi biết tội lỗi xấu xa thế nào, thì tôi không còn ngạc nhiên sao hỏa ngục lại ghê sợ đến thế, và lâu đời đời. Trái lại, tôi thấy các hình khổ trong hỏa ngục hãy còn nhẹ nhàng êm ái khi sánh với sự ghê tởm của một tội, vì hình bóng của một tội mọn cũng đủ làm cho tôi sợ hãi quá sức… ” (13)

Vậy, vì yêu Bạn tha thiết, mà tôi không muốn thấy Bạn than thở kêu ca, khi phải chịu đau đớn, phiền buồn. Tôi đau lòng khi thấy Bạn phải chịu đau đớn, khi thấy Bạn không được vui, nhưng tôi còn buồn phiền hơn nữa, khi thấy Bạn không chịu khó cho nên, nhất là khi thấy Bạn kêu ca lẩm bẩm, như trách Chúa sao để Bạn chịu khó nhiều như vậy. Chưa nhiều, Bạn ạ. Tội lỗi ta còn đáng cho ta chịu nhiều hơn nữa, chịu nhiều không thể tưởng tượng được.

Bạn đừng bắt chước người trộm bên trái trên thập giá. Anh ta đã kêu ca, đã oán Chúa, đã nói phạm… Bạn hãy bắt chước người trộm bên phải, nhẫn nại để đền tội. Và thực sự, người trộm lành đã đền được tội, và đã được Chúa hứa thiên đàng ngay lúc còn sống.

Có lẽ Chúa đã tha các tội cho Bạn. Tôi cũng mong thế. Nhưng Chúa đã thương Bạn, đã cứu Bạn khỏi hỏa ngục, khỏi luyện ngục lâu dài, thì Bạn lại không vui lòng chịu một đôi sự khó Chúa gửi đến để đáp đền ơn Chúa ư? Hỏa ngục, luyện ngục, ghê gớm lắm Bạn ạ, nhưng tôi sẽ nói sau.

Đây, tôi xin Bạn, nếu Bạn thực tình mến Chúa, hàng ngày Bạn hãy than thở cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, bao nhiêu cũng được, miễn con chịu khó cho nên, và xin Chúa ban cho con được ơn chịu cho nên, cho nhẫn nại, không oán thán, không phiền buồn. Vâng, lạy Chúa, tội lỗi con đã phạm làm cho con đáng chịu những sự khó con đang chịu bây giờ, và trăm nghìn sự khổ sở đau đớn khác nữa. Con xin tin thật như vậy… Nhưng, lạy Chúa, xác thịt thì lúc nào cũng là xác thịt, nghĩa là nó vẫn yếu đuối lắm lắm, nên con dễ quên, thành thử nhiều phen con trách Chúa, nếu không trách ra ngoài miệng, thì cách con ăn ở cũng như con trách Chúa thật. Thôi, từ nay con xin cam lòng chịu hết các sự đau khổ hồn xác, Chúa sẽ thương gửi đến cho con. Xin Chúa giúp con nhẫn nại chịu cho hết.

Nếu cần, xin Chúa cứ gửi thêm thánh giá cho con. Con sẵn sàng lĩnh nhận hết mọi gánh nặng Chúa sẽ đặt lên vai con. Con chỉ cần sức mạnh của Chúa, vì có sức mạnh của Chúa thì con không sợ gì nữa, con không sợ, mà con lại sẽ sung sướng, vì được chịu khó; con không sợ, mà con lại sẽ ước ao, lại sẽ đi tìm chịu khó cho nhiều nữa… ”

“Lạy Đức Mẹ, xin giúp con chịu khó cho nhẫn nại như Mẹ xưa, để con đáng được gọi là con thảo hiền của Mẹ sầu bi. Amen”.

 

(9) 2 Sam. 12, 1-13

(10) Sách Dial. Đoạn III,1…

(11) Sách Mor. III trang 12

(12) Ecole de Perfection religieuse, Cha Clément, trang 248

(13) Le Prêtre dans le Ministère: J. Bertihier quyển 1 trang 558 số 1662

Lm. Nguyễn Văn Tuyên – DCCT