6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CHUYỆN MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972

  • Thanh Nguyen <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
     
    Nov 18 at 9:19 PM
    .
    Subject: Fwd: Fw: Bé gái “trên “đại lộ kinh hoàng”câu chuyện quá cảm động thời chiến.
     
    Xin moi quy vi doc cau chuyen mot "phep la" chi co nho ban tay Thien Chua.
    Amen,
    BS Qui.
     
    Bé gái “trên “đại lộ kinh hoàng”câu chuyện quá cảm động thời chiến.
      Cháu gái , hãy sống mạnh mẽ và xứng đáng với giống nòi của mình ...
      Cháu là nhân chứng của thiên chiến sử bi hùng của VNCH và là
      niềm hãnh diện của một thế hệ ...
      Nguyện cầu Thiên Chúa luôn che chở và ban ơn lành cho cháu ...
    Bé gái trên “đại lộ kinh hoàng”(đồng bào di tản từ Quảng Trị về Huế năm 1972) nay là  nữ Trung Tá Quân Lực Hoa kỳ(gốc Việt):
    Kimberly Mitchell
     
    đại lộ kinh hoàng
    Đại lộ kinh hoàng
    Image may contain: one or more people

    MỘT CÂU CHUYỆN “THẬT” CẢM ĐỘNG!

    Kimberly Mitchell2
    Trung Tá Kimberly M. Mitchell (gốc Việt)
    Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
    Em bé ngày xưa, nay là Trung Tá Kimberly M. Mitchell

    Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.
    Kimberly Mitchell1
    Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.
    kimberly-trankhacbao2
    Người Thiếu Úy TQLC  Trần Khắc Báo,người cứu bé gái Kimberly Mitchell ngày xưa.
     
    Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.
    Khi đơn vị ông đến cầu Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì nơi đây là phòng tuyến cuối cùng của VNCH để ngăn chặn quân Bắc Việt tràn xuống phía Nam. Ông đã chỉ huy 20 quân xa GMC thực hiện cấp tốc cuộc di tản suốt ngày. Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều ông Trần Khắc Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người đang ôm chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông định chạy qua giúp người này nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 TQLC đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn:
    “Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”
    Ông cố nài nỉ:
    “Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.”
    Và ông chạy đến đưa người này qua cầu. Thấy người này đi không nổi, thất tha thất thểu mà tay còn cố ôm vòng chiếc nón lá, Thiếu Úy Báo nói đùa:
    “Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”
    Người ôm vòng chiếc nón lá nói:
    “Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm này, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá mang đến đây trao cho Thiếu Úy, xin ông ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này.”
    Nói xong anh ta trao chiếc nón lá có em bé cho thiếu úy Báo.
    Ngừng một chút, ông Báo nói với chúng tôi:
    “Mình là người lính VNCH, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần ‘Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm’ nên lúc đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lo cho dân nên tôi nhận đứa bé và nói với người lính Quân Cụ: ‘Thôi được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn.’”
    Dead Soldiers on Side of Road
    Dead Soldiers on Side of Road
     
    Sau đó, người sĩ quan TQLC ôm em bé leo lên chiếc xe Jeep chạy về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số. Trên đường đi, ông Báo cảm thấy rất bối rối vì em bé khóc không thành tiếng vì đói, khát mà ông thì còn là một thanh niên trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) chưa có kinh nghiệm gì nên ông hỏi người tài xế, bây giờ phải làm sao? Người tài xế tên Tài trả lời:
    “Ông thầy cho nó bú đi! Ông thầy không có sữa thì lấy bi đông nước chấm đầu ngón tay vào nước để vào miệng nó cho nó bú.”
    Kimberly Mitchell3
    Ông Báo làm theo lời chỉ và em bé nín khóc rồi nằm im cho đến khi ông đưa em vào Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn TQLC. Tại đây, gặp Thiếu tá Nhiều, Trưởng Phòng 4 TQLC, ông trao em bé cho Thiếu tá Nhiều và nói:
    “Thiếu tá, tôi có lượm một em bé ngoài mặt trận, xin giao cho Thiếu tá.”
    Ông này nhìn ông Báo cười và nói:
    “Mày đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”
    Ông Báo thanh minh:
    “Không! Tôi lượm nó ngoài mặt trận; nó đang nằm trên xác mẹ nó.” Thiếu tá Nhiều bảo:
    “Thôi, đem em bé giao cho Phòng Xã Hội để họ làm thủ tục lo cho nó.” Sau đó, ông Báo đưa em bé cho một nữ quân nhân phụ trách xã hội. Cô này nói với ông:
    “Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và tên họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”
    Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.
    Kimberly Mychell4
    bé Kimberly Mitchell ngày xưa
    Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị bắt làm tù binh. Mãi đến năm 1981 ông được thả về. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico…
    EM BÉ MỒ CÔI GẶP MAY MẮN
    Em bé Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc. Số hồ sơ của em là 899.
    Kimbrtly Mitchell5
    Một hôm có ông Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell vô Cô Nhi Viện xin nhận một trong các em tại đây làm con nuôi. Em Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.
    Sau khi rời khỏi binh chủng Không Quân, ông James Mitchell trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1972. Ông quyết định mang theo đứa con nuôi Trần Thị Ngọc Bích, lúc đó em mới được 6 tháng.
    Kimberly Mychell4

    Kimberly Mitchell6
    Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được bố mẹ nuôi rất thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ?
    DAI LO KH 03
    Khi đã có trí khôn, Kimberly Mitchell nhận thấy mình không phải người Mỹ như bố mẹ, không phải con lai, không phải người Tàu. Cô không biết mình là người nước nào và cứ mang cái thắc mắc đó mãi mà không ai có thể trả lời cho cô.
    Một hôm, Kimberly Mitchell đánh bạo hỏi bố:
    “Con muốn biết con người gì, nguồn gốc con ở đâu? Tại sao con lại là con bố mẹ?”
    Bố nuôi James giải thích cho cô:
    “Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ trong viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”
    Ngay từ khi Kimberly còn học lớp ba, bố nuôi em đã muốn sau này cho Kimberly gia nhập Không Quân nhân khi cô được chọn tham dự hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo dành cho những học sinh xuất sắc. Nhưng rồi định mệnh xui khiến, cô lại theo Hải Quân. Trong thời gian theo học, Kimberly Mitchell phải bỏ học một năm vì bố nuôi qua đời năm 1991 trong một tai nạn tại trang trại của gia đình. Sau đó cô trở lại trường và tiếp tục học. Năm 1996 cô tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bậc Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.
    Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương với tư cách một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại người thân. Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết:
    “Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”
    Kimberly không biết gì hơn và cô quay trở lại Mỹ. Sau khi đã biết mình là người Việt Nam, thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình.
    GẶP LẠI CỐ NHÂN
    Ông Trần Khắc Báo đưa cho chúng tôi xem một số hình ảnh, một số báo tiếng Việt và mấy tờ báo tiếng Anh đăng hình cuộc gặp gỡ giữa gia đình ông và cô Trần Thị Ngọc Bích, và nói:
    “Sau khi ra tù Việt Cộng, tôi cũng cố tìm hiểu xem em bé Trần Thị Ngọc Bích nay ra sao, kể cả người lính Quân Cụ năm xưa, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Đọc xong tôi rất xúc động pha lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt tên cho cô.”
    Sau đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life, có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm kiếm Mitchell. Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.
    Theo ông nghĩ, có thể cô Mitchell bán tín bán nghi, không biết chuyện này có đúng không hay là chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ” như ông cha mình thường nói. Nhưng sau khi nói chuyện với ông Trần Khắc Báo, Mitchell quyết định tổ chức một cuộc hội ngộ trước các cơ quan truyền thông. Cô xin phép đơn vị và mời được 7 đài truyền hình cùng một số phóng viên báo chí từ Washington, D.C cũng như nhiều nơi về tham dự.
    Cuộc hội ngộ, theo ông Báo cho biết, hoàn toàn do cô Kimberly Mitchell quyết định, địa điểm là trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico vào Thứ Sáu, ngày 29.8.2012. Cô đến phi trường vào tối Thứ Năm 28.8, gia đình ông Báo ngỏ ý ra phi trường đón nhưng cô cho cô Đào Thị Lệ biết là cô không muốn gia đình đón ở phi trường cũng như đưa vào khách sạn. Cô muốn dành giây phút thật cảm động và ý nghĩa này trước mặt mọi người, đặc biệt là trước mặt các cơ quan truyền thông, và cô muốn ông Báo mặc bộ quân phục TQLC như khi ông tiếp nhận cô đưa đến Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC cách nay 41 năm.
    GIÂY PHÚT XÚC ĐỘNG
    Gia đình ông Trần Khắc Báo gồm vợ và con gái cùng có mặt. Khi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hỏi cô Kimberly Mitchell:
    “Cô đến đây tìm ai?”
    Cô trả lời:
    “Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.”
    Vị Chủ Tịch quay sang ông Báo đang mặc quân phục và giới thiệu:
    “Đây là ông Trần Khắc Báo.”
    Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.
    Giây phút xúc động qua đi, cô Kimberly hỏi ông Trần Ngọc Báo:
    “Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”
    Ông Trần Khắc Báo nói :
    “Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.”
    Và Kimberly Mitchell đã gọi “Tía”.
    Ông nói với chúng tôi:
    “Bấy giờ tôi thực sự mãn nguyện.”
    Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Khắc Báo cho biết, cô Kimberly chưa lập gia đình và cô có hứa sẽ thường xuyên liên lạc với gia đình ông. Ông có nhắc cô Kimberly điều này, rằng cô không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô đã được những người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm cứu sống trên bụng mẹ cô đã chết, và chính ông đã đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích. Ông cũng mong rằng sau này, cô có thể trở lại Quảng Trị, may ra có thể tìm ra tung tích cha cô hoặc người thân của mình. Ông Trần Khắc Báo cũng cho biết, ông mất liên lạc với người lính Quân Cụ từ lúc hai người giao nhận đứa bé đến nay.
    Trong cuộc hội ngộ, trả lời câu hỏi của các phóng viên Hoa Kỳ, nữ Trung Tá Kimberly Mitchell cho biết, cô có hai cái may. Cái may thứ nhất là cô được tìm thấy và mang tới trại mồ côi. Cái may thứ hai là được ông bà James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các Sơ rằng, ông muốn nhận em bé này làm con nuôi.”
    Câu chuyện sau 39 năm kết thúc tốt đẹp, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng như ý nguyện của người đã cứu mạng em, vì chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ, một quân lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.
    Người quân nhân binh chủng Quân Cụ và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH, luôn đặt Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm trên hết.
    cúi đầu
    Nguồn: THỜI BÁO (The Vietnamese Newspaper)

    Virus-free. www.avast.com
     
     

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - SỐNG THÁNG CAC LINH HỒN

 

  • nguyenthi leyen
    Nov 1 at 11:56 PM
     
     
    Sống Tháng Các Linh Hồn
     
    (Lm. Gioan B. Nguyễn Đình Lưu)
     
    Ảnh cùng dòng

     

    “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng thánh lễ”. Lời thánh Monica cũng chính là ý nguyện mà các linh hồn tiền nhân muốn nhắc nhở cùng chúng ta là con cháu của các ngài.

     

    Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tối Thứ Năm tuần trước có phát đi chương trình: “Những đứa con hiếu thảo”. Một trong những khuôn mặt được giới thiệu đó là anh Kim Sơn. Tuổi thơ của anh là những tháng ngày đen tối, bởi cha mẹ đã sớm ly dị khi đã có với nhau ba mặt con. Thiếu sự yêu thương dạy dỗ, Kim Sơn xa dần trường học để bước vào trường đời. Bài học đầu đời mà Kim Sơn học được đó là bài học lừa lọc, dối trá, đấu đá để dành quyền sống. Kết cục của những tháng ngày ngang dọc là những ngày đen tối trong chốn lao tù, là sự hận đời đen bạc, là nỗi buồn tuyệt vọng cô đơn.

    Trong lúc đó, mẹ của anh vẫn tần tảo với gánh bún riêu, lê gót qua các phố chiều, chắt chiu từng đồng, để đổi lấy cho anh những hũ chao, những lon ruốc sả. Trải qua nhiều năm tháng, tình thương của người mẹ không hề xói mòn, hy vọng của mẹ không hề bị dập tắc. Cuối cùng tình mẹ đã chiến thắng. Năm 2005, anh được ra khỏi trại và quyết tâm làm lại cuộc đời. Ổn định cuộc sống, anh lập gia đình và đưa mẹ về sống chung để có dịp phụng dưỡng. Anh dứt khoát không để mẹ phải gánh bún đi bán, anh hứa với lòng mình: mẹ muốn ăn gì, mặc gì, anh sẽ mua cho mẹ. Anh còn tuyên bố: hạnh phúc nhất của đời tôi là được sống với mẹ, là được ở bên mẹ mãi mãi.

    Câu chuyện của anh Kim Sơn, hẳn phải làm ấm ấp bao tấm lòng của các bà mẹ, đang được sống trong sự chăm sóc ân cần của con cháu, sau một đời tần tảo vất vả. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng những ngày tháng hạnh phúc trong sự đùm bọc của con cái. Lại càng ít người còn nhớ và lo lắng cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Chính vì thế mà Giáo hội đã dành ngày 2 tháng 11 này, và trọn tháng 11 để khơi dậy lòng hiếu thảo nơi những người Kitô hữu, cũng là những người con của gia đình.

    Ai trong chúng ta lại chẳng một lần sinh ra bởi cha mẹ, chẳng được ấp ủ trong mái ấm gia đình. Đây chính là chiếc nôi của tình yêu, ngôi trường của lòng nhân ái. Từ trong cái xã hội nhỏ bé ấy, chúng ta đã được bú mớm, nuôi dạy, và từng ngày lớn lên trong vòng tay yêu thương của tình cha, và tiếng ru ầu ơ của mẹ. Để đổi lấy cho chúng ta sức khỏe, cha mẹ đã phải đổ bao mồ hôi sức lực để có bữa cơm miếng cá cho con; lại còn biết bao trăn trở lo lắng cho chúng ta về đường đức tin, học vấn. Hôm nay, chúng ta thành người, có địa vị, có cuộc sống an lành, có gia đình ổn định, lại chính là lúc mà các ngài nhắm mắt xuôi tay. Cái giá mà các ngài phải trả cho sự thành đạt, thành nhân của chúng ta, đâu chỉ là công sức, là nước mắt, là những héo hắt khổ đau, mà có khi còn cả mạng sống mình. Ca dao ViệtNam đã mượn hình ảnh rất quen thuộc để diễn tả sự hy sinh ấy:

    “Con cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng...”

    hay:

    “Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng,

    con thương cha mẹ tính tháng tính ngày”.

    Giờ phút này, nghĩ lại công ơn to lớn của các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, ai trong chúng ta lại không cảm thấy dạt dào niềm xúc động nhớ thương. Nỗi niềm trắc ẩn thôi thúc chúng ta phải làm một cái gì đó cho các ngài, giúp đỡ các ngài, báo hiếu các ngài.

    Ai dám quả quyết: hạnh phúc đang ở trong tầm tay của các người thân yêu chúng ta, hay vẫn còn đang là số phận đau thương của chốn hỏa hòa rên xiết.

    Vì vậy cùng với lòng tưởng nhớ tri ân, chúng ta hãy thực hiện điều mà các ngài ngày đêm mong chờ khao khát: đó là sớm giúp các ngài ra khỏi chốn luyện hình đau thương, vào chung hưởng hạnh phúc với Chúa. Công việc này, tự sức các ngài không làm được, chỉ biết trông cậy vào chúng ta là con cháu.

    Theo lời khuyên bảo của Giáo hội, chúng ta hãy gửi đến cho các đẳng linh hồn nhiều lời cầu nguyện, nhiều việc lành hy sinh, nhất là những thánh lễ trên Bàn Thờ. Bài đọc sách Mikea mà chúng ta vẫn nghe trong thánh lễ an táng đã đề cao việc quyên góp xin lễ cho các linh hồn, là một điều hết sức cần thiết và quí giá. Bởi vì khi cử hành thánh lễ, là tái hiện hy tế Thập giá của Chúa Giêsu, là hiện tại hóa Mầu Nhiệm cứu độ cho các đẳng linh hồn, là mở ra cánh cửa hy vọng cho các người thân của chúng ta, là đưa các ngài từ chốn đau khổ tối tăm vào nơi ánh sáng hạnh phúc.

    Và còn gì hạnh phúc hơn, khi chúng ta biết rằng một khi được đón nhận vào tham dự hạnh phúc với Thiên Chúa, các linh hồn sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta là con cháu của các ngài còn đang phải từng ngày chiến đấu vật lộn với những cam go thử thách. Cuộc thử thách ấy đang diễn ra từng ngày không cân sức, giữa thế lực của ma quỷ, của sự tội, của đam mê với niềm tin còn quá mỏng dòn và non yếu của người Kitô hữu.

    Như Đức Kitô đã từng an ủi các Tông đồ trong giờ phút biệt ly đầy nước mắt và đau thương: Lòng các con đừng xao xuyến... thì các đẳng linh hồn cũng đang khích lệ và ngỏ lời cùng chúng ta:

    - Đừng xao xuyến vì Con Thiên Chúa đã chết để đền thay tội lỗi của chúng ta.

    - Đừng xao xuyến vì Ngài đi là để dọn đường cho chúng ta.

    - Hãy tin vào Thiên Chúa vì Ngài là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót.

    - Hãy tin vào Thiên Chúa và trung thành với Ngài qua các công việc bổn phận hằng ngày và việc giữ các giới răn của Chúa.

    Xin vì công nghiệp của Đức Kitô, nhờ lời cầu bầu của các thánh và cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, Chúa sẽ tha thứ, và sớm đưa các đẳng linh hồn về hưởng hạnh phúc, sau cả đời đã tin tưởng phó thác nơi Chúa.

    Kim Sơn sau cả một quãng thời gian đi hoang, không màng đến sự hy sinh vất vả và nước mắt của mẹ, nhưng cuối cùng, anh đã làm cho người mẹ mình thỏa lòng mát dạ khi đã hối hận trở về, cùng dành trọn thời gian còn lại để lo lắng chăm sóc tuổi già của mẹ.

    Còn phần chúng ta, được đánh thức qua câu chuyện của anh Kim Sơn, chúng ta sẽ làm gì cho các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, anh chị em thân yêu của mình trong ngày hôm nay và trong tháng các đẳng linh hồn này?

    Xin Chúa cho mỗi chúng ta, luôn biết tỏ lòng thảo kính đối với các bậc tổ tiên ông bà, cha mẹ, anh chị em đã qua đời, bằng việc đọc kinh, dâng những hy sinh việc lành, và đặc biệt là thánh lễ mồng 2 tháng 11 hôm nay, xin vì công nghiệp của Con Chúa trên Thập giá, mà thứ tha muôn tội lỗi và đưa các ngài về hưởng hạnh phúc tôn nhan Nước Chúa.

     


    Virus-free. www.avast.com
     

 

VĂN HOA VÀ GIA ĐÌNH -TÔN TRỌNG NHAU

  •  
     
    Oct 19 at 9:28 PM
     

    TÔN TRỌNG NHAU LÀ BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Nếu hỏi những ai đã sống trong đời sống hôn nhân, hoặc những thanh thiếu niên nam nữ sắp sửa bước vào đời sống này câu hỏi: “Bí quyết hạnh phúc hôn nhân là gi?” thì tùy theo mỗi người, mỗi hoàn cảnh câu trả lời sẽ khác nhau, nhưng một trong những bí quyết ấy là TÔN TRỌNG LẪN NHAU.

     

    Trong lời hứa hôn nhân theo nghi thức Công Giáo đã phản ảnh trung thực những giá trị cũng như bí quyết căn bản của hạnh phúc hôn nhân, bao gồm sự tôn trọng lẫn nhau: “Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).”

     

    Ralph Waldo Emerson, một nhà tư tưởng đã nói: “Hãy yêu và bạn sẽ được yêu”. Nhưng khi hai người bước vào tình yêu thì định luật hấp dẫn và tình yêu là những mấu chốt của con tim. 

     

    Yêu là một trong những thôi thúc, thao thức, và chiếm đoạt tận tâm hồn, ý nghĩ, sinh hoạt, và thể xác của con người. Có những người đã chết vì thất tình, vì bị tình phụ, hoặc yêu mà chẳng được yêu. Khi yêu và được yêu thì mọi cái đều đẹp, đều dễ thương, dễ mến, cuộc sống đầy màu hồng hy vọng. Ngược lại, thì mất ăn, mất ngủ, buồn phiền, chán nản, hận đời, hận người, hận tình, và như đã xẩy ra cho một số người, đó là cái chết. Chết vì tình hay chết vì thất tình. 

     

    Khi yêu nhau, và khi bị tình yêu chiếm đoạt nhiều người vẫn nghĩ và cho rằng tình yêu không phân biệt giai cấp, giầu nghèo, sang hèn, trí thức hay không trí thức, và tuổi tác. Hiện tượng “trâu già gặm cỏ non” hoặc những chàng trai trẻ kết hôn với những lão bà theo cái mốt hiện nay là một thí dụ giải thích tình yêu không phân biệt tuổi tác. Nhưng yêu là một chuyện, còn sống trong tình yêu, trong đời sống hôn nhân lại là một chuyện. Hai lãnh vực này hoàn toàn khác nhau, cũng giống như lý thuyết khác với thực hành!

     

    Nhưng có một thứ mà trong hôn nhân được coi như động lực, bí quyết để giữ mãi tình yêu, đó là sự tôn trọng lẫn nhau. Lời thề hôn phối vừa được nhắc đến ở trên xây dựng trên hai yếu tố yêu thương và tôn trọng. 

     

    Bạn không cần phải băn khoăn đi tìm một tình yêu vỹ đại, một tình yêu đẹp và lãng mạn như trong tiểu thuyết. Đã là tiểu thuyết, thì nó chỉ tồn tại và có trong tưởng tượng. Những mối tình ấy không phải là của bạn. Một cặp vợ chồng trẻ dẫn nhau vào một rạp xinê. Nhìn trên màn hình những cảnh tình tứ, hôn hít rất mùi mẫm, cô bạn ghé tai người yêu:

     

    -Anh coi kìa, chàng trai kia hôn cô nàng mùi mẫm quá.

     

    Và anh chàng cũng ghé tai nàng, nhẹ nhàng tâm sự:

     

    -Em ơi! Nó là tài tử, nó hôn như thế vì được trả tiền!

     

    Nhưng dù là những mối tình rất bình dân, rất thật trong đời thường, thì lòng tôn trọng nhau vẫn là một trong bí quyết duy trì, và giữ mãi hạnh phúc của hai người. Ca dao Việt Nam nói: “Tương kính như tân”.

     

    Bạn phải chung thủy trong hôn nhân, dĩ nhiên, nếu thiếu hoặc mất tính chất chung thủy thì bạn coi chừng những lúc gian nan, yếu đau, hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn bạn sẽ không thấy mặt người yêu của bạn, hay chính bạn cũng là người “cao bay xa chạy.” Và kết luận, tình yêu của bạn hoặc tình yêu bạn nhận được từ người phối ngẫu chỉ là một tình yêu thiếu tôn trọng. Sự tôn trọng giá trị thật của tình yêu. Và tôn trọng tính chất chung thủy của tình yêu.

     

    Tại Việt Nam hay một số quốc gia ở đó vai trò người phụ nữ bị coi thường hoặc phẩm giá của họ bị đánh cắp do những đối xử thiếu văn hóa, trưởng thành, và hiểu biết của đàn ông và những người chồng, tất cả chỉ là một cách diễn tả thái độ và não trạng thiếu tôn trọng.

     

    XÂY DỰNG VÀ DUY TRÌ SỰ TÔN TRỌNG 

     

    Sau đây là 3 áp dụng thực hành giúp bạn xây dựng và duy trì sự tôn trọng trong đời sống hôn nhân:

     

    1.Tương kính như tân:

     

    Trở lại câu ca dao Việt Nam: “Tương kính như tân”. Vợ chồng phải luôn luôn làm mới và phát triển sự tôn trọng dành cho nhau như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Không ai, dù là chồng hay vợ có quyền thay đổi quan niệm sống này. Yêu thương nhưng phải tôn trọng những nét riêng tư của nhau. Yêu nhau thật không áp đặt, không khuynh loát, và không đòi hỏi người yêu phải như ý mình, phải giống mình.

     

    Một ngày nào đó, khi sự tôn trọng không còn nữa, cùng lúc tình yêu của bạn sẽ lụn tàn, và hôn nhân sẽ lâm vào cảnh bi thương, tan vỡ. 

     

    2.Biết ơn:

     

    Biết ơn là một trong những định luật hấp dẫn tình yêu. Nó có thể giúp chúng ta duy trì được mối tương quan tốt trong đời sống vợ chồng.

     

    Bình thường, cách đối xử với nhau giữa vợ chồng không đến nỗi: “Ăn cháo đá bát”, nhưng trong rất nhiều trường hợp, chúng ta sống với nhau theo kiểu: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Có nghĩa là vì quá quen nên đi đến chỗ coi thường. Và vì coi thường nên cũng không cần phải biết ơn nhau.

     

    -Có bao giờ bạn cám ơn vợ hay chồng về những việc nhỏ mọn hằng ngày mà họ đã làm cho bạn không? Trong cuộc đời con người những việc cao cả, những hành động anh hùng, là những điều chỉ xảy ra rất ít và chỉ trong một vài trường hợp hy hữu. Còn lại tất cả chỉ là những việc nhỏ mọn, xem ra tầm thường như nấu một bữa ăn, rửa xe, hút bụi, là ủi quần áo, giúp rửa chén bát… những việc này nếu làm nó với lòng biết ơn lớn lao thì chúng sẽ biến thành một tình yêu lớn lao. 

     

    -Có bao giờ bạn cám ơn vợ hay chồng vì những nụ cười thân ái trao nhau không? Một nụ cười, một ánh nhìn trìu mến những lúc “cơm lành, canh ngọt” mà bạn thường cho là vô nghĩa. Nhưng nếu vắng bóng chúng trong những ngày mưa bão, giận hờn, những lúc mà chỉ cần nhìn vào mặt nhau cũng thấy ớn lạnh, thì những nụ cười kia, những lời nói ngọt ngào kia quả là làn gió mát trong buổi trưa hè, oi ả. Hãy trân quí và biết ơn những nụ cười, những ánh mắt thân thương.

     

    -Và hãy tỏ ra là người biết ơn bằng những câu nói tích cực, khuyến khích cũng như nâng đỡ nhau. Bạn nghĩ sao khi nghe người yêu bạn khen bạn đẹp, khéo tay, dễ thương, dịu dàng, đảm đang, và vui vẻ, trào phúng… Vậy bạn hãy làm những việc ấy cho người phối ngẫu của bạn, và bạn sẽ được đáp trả. Trong tình yêu, cho đi không bao giờ thua lỗ, không bao giờ thiệt thòi.    

     

    Nhất là thái độ biết ơn của bạn về sự chịu đựng cái tính nóng nảy, giận hờn, ghen tương, lười biếng; hoặc cái tính bướng bỉnh, rượu chè, bay bướm của bạn! Người phối ngẫu của bạn chịu đựng bạn vì tôn trọng, và nhất là yêu thương bạn, hy vọng có sự chuyển hướng, hồi tâm của bạn. 

     

    3.Yêu nhau bây giờ:

     

    Nếu biết bài hát “Nếu có yêu tôi” của Trần Duy Đức, bạn hãy áp dụng nó vào đời sống hôn nhân để nuôi dưỡng tình yêu của bạn. Đó cũng là một hình thức tôn trọng bạn dành cho nhau. Đừng để lỡ cơ hội bằng cách dối mình, dối người “ngày mai sẽ làm. Môm nay bận quá, hoặc hôm nay mệt quá”. Ngay bây giờ là giây phút thuộc về bạn. Bạn có quyền sử dụng. Những giây phút tiếp sau sẽ không phải là của bạn. Và cũng có thể sẽ mãi mãi không bao giờ thuộc về bạn.

     

    Bây giờ bạn hãy hát chầm chậm một mình và hãy tận hưởng cái âm hưởng của một tình yêu mà bạn có thể trao cho người bạn đời ngay bây giờ, và ngay lúc này: 

     

    Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ
    Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
    Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
    Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn

    Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ
    Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
    Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi
    Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người
    Rộn ràng một nỗi đau
    Nghẹn ngào một nỗi vui
    Dịu dàng một nỗi đau
    Ngậm ngùi một nỗi vui

    Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ
    Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại
    Đừng đợi ngày mai có khi tôi đành xuôi tay
    Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương

    Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
    Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
    Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
    Cát bụi làm sao mà biết lụy người
    Rộn ràng một nỗi đau
    Nghẹn ngào một nỗi vui
    Dịu dàng một nỗi đau
    Ngậm ngùi một nỗi vui.

     

    KẾT LUẬN

     

    Trên đây là những điểm tâm lý thực hành nhỏ mọn. Chúng chỉ nhẹ nhàng như hơi thở của bạn. Nhưng con người lại không thể sống, suy nghĩ, hành động, và yêu được nếu thiếu những hơi thở ấy. Và đó là bí quyết để duy trì, phát triển hạnh phúc hôn nhân của bạn: HÃY TÔN TRỌNG NHAU qua những việc làm nhỏ mọn và ngay bây giờ.

     

    ______

    (Mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org

    Để tham khảo thêm những bài vở giá trị khác về tình yêu, hôn nhân, gia đình, giáo dục, xã hội và tôn giáo).

    --------------------------------