6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TẬP TỤC NGÀY TẾT

Người Công Giáo và Những Tập Tục Ngày Tết

Tết là ngày lễ hội truyền thống đã  có  từ  ngàn xưa.  Ngày Tết có ý nghĩa thiêng liêng, mang đậm bản sắc dân tộc

Đã là người Việt Nam thì dù sống ở đâu, từ thành thị đến thôn quê, từ vùng đồng bằng đến vùng cao nguyên, dù ở trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài, dù thuộc những thành phần xã hội khác nhau, dù có chính kiến khác nhau, dù theo tín ngưỡng khác nhau… cũng đều coi Tết là một ngày trọng đại, cũng đều có chung một niềm hân hoan đón mừng ngày Tết.  Tết đã đi vào tim óc mỗi một người Việt Nam.

Những người tương đối lớn tuổi đã từng sống ở miền Bắc đều rất quen thuộc với câu nói “Ba vua, lễ Nến, Tết đến sau lưng.”  Theo thứ tự thời gian, sau lễ Ba vua (tức lễ Hiển Linh) đến lễ Nến (tức là lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh) rồi Tết đến ngay sau đó.  Điều này cho thấy người Công giáo gắn bó với văn hoá dân tộc và sự tương quan giữa lịch đạo và lịch đời trong việc tính ngày Tết là điều dễ hiểu.

Tinh thần của ngày Tết và đường hướng của Tin Mừng gần như đã hòa nhập vào nhau, không mấy khác biệt.  Đức TGM Ngô  Quang Kiệt cho rằng “Tinh thần ngày Tết cổ truyền dân tộc rất gần gũi với Tin Mừng.  Rõ ràng nét đẹp văn hoá Việt nam đã chất chứa những giá trị Tin Mừng.  Rõ ràng Tin Mừng đang đi vào cuộc sống của người Việt nam.”  Tổng thể là như vậy nhưng khi đi vào những  tục lệ của ngày Tết, khi hòa nhập vào nền văn hóa chung của dân tộc, người Công giáo cần phải chú ý hầu không đi ngược lại giáo lý và niềm tin của mình.

Những tục lệ như đi chợ Tết, chưng hoa mai, hoa đào, cúc, thược dược… làm cho bầu khí  thêm tươi vui trong ngày Tết; tục lệ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho khang trang, sửa sang mồ mả ông bà, người thân đã qua đời cho đẹp mắt; tục lệ gói bánh chưng bánh tét, muối dưa, ngâm củ kiệu… chuẩn bị việc ẩm thực cho ngày Tết hoặc tục lệ đón giao thừa, thăm hỏi nhau, chúc Tết, lì xì ngày đầu năm… đều là những nét đẹp văn hóa của người Việt trong ngày Tết, không có gì khác biệt trong tâm thức của người Công giáo hay không là người Công giáo.  Nhưng đối với một số tục lệ khác, người Công giáo cần phải điều chỉnh để không đi ngược lại niềm tin của mình.

Trong thời kỳ truyền giáo sơ khai, đối với tục lệ dựng cây neo mà dân gian tin rằng có thể xua đuổi tà ma trong dịp Tết, cha Alexande Rhodes đã khéo léo hướng dẫn bổn đạo của mình thay đổi một chút cho phù  hợp với niềm tin Kitô giáo.  Cha cho biết “Để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây thánh giá.  Họ làm theo.  Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành, người ta xem thấy biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao chót vót qua mái nhà làm cho ma quỷ sợ hãi và các thiên thần vui mừng.”

Tục lệ “Hái lộc đầu xuân” ngày nay cũng đã được biến đổi cho phù hợp với niềm tin của người Công giáo.  Thay vì là những chồi non của những nhánh cây tươi, ngày nay “Lộc xuân Lời Chúa” hay còn gọi ngắn gọn là “Lộc Thánh” đang được phổ biến rộng rãi ở các giáo xứ và đã trở thành quen thuộc đối với người Công giáo.  “Lộc Thánh” là những câu được trích trong Kinh Thánh được bỏ trong các phong bì hay cuốn lại và treo trên cành mai, cành đào hay để trong một cái rổ đặt ở gian cung thánh.  Mỗi gia đình đi dự thánh lễ đầu năm sẽ hái một “Lộc Thánh” để suy niệm, tìm hiểu ý Chúa ở trong đó và sống ý Chúa trong cả năm.

Theo tín ngưỡng dân gian ông Táo là vị thần trông coi công việc nhà cửa, bếp núc, chợ búa trong mỗi gia đình, có nhiệm vụ ghi chép mọi việc trong gia đình đó để tâu trình với Ngọc hoàng.  Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp người ta làm một mâm cỗ thịnh soạn cúng ông Táo để đưa tiễn ông về thiên đình tâu trình với Ngọc hoàng mọi việc ở hạ thế trong suốt một năm qua.  Người Công giáo không có thói quen cúng và cũng tin rằng Thiên Chúa thông biết mọi sự ở khắp mọi nơi, Ngài chẳng cần phải có người tâu trình.

Cũng theo quan niệm dân gian, chiều Ba mươi Tết người ta cũng làm một mâm cỗ cúng ông bà và mời ông bà về ăn Tết với con cháu.  Như trên đã nói người Công giáo không cúng quảy vì người Công giáo tin rằng hương linh người quá cố không thể hưởng dùng những của ăn vật chất.  Ngày nay Giáo hội cho phép lập bàn thờ ông bà và người Công giáo có thể chưng hoa quả, trái cây trên bàn thờ ông bà nhưng chỉ với ý nghĩa tôn kính và tưởng nhớ đến và biết ơn ông bà chứ không với ý nghĩa dâng hoa quả và trái cây để ông bà hưởng dùng.  Tin tưởng rằng ông bà  sẽ  hưởng dùng hoa trái con cháu dâng cúng là  trái với giáo lý và niềm tin của người Công giáo.  

Người Công giáo được dạy phải hiếu kính với ông bà, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài trong nhiều dịp như ngày giỗ, ngày lễ các Đẳng và  trong suốt tháng 11 hàng năm.  Vì vậy không thể nào quên ông bà trong ngày Tết.  Tối Ba Mươi Tết trong các gia đình Công giáo thường có buổi đọc kinh cầu nguyện cho ông bà.  Lịch Phụng vụ còn ấn định thánh lễ ngày Mồng Hai Tết được dành riêng để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ.  Người Công giáo tưởng nhớ, biết ơn ông bà bằng việc đọc kinh, dâng việc lành phúc đức để cầu nguyện cho ông bà.

Trong dân gian người ta thường hay nói cầu xin ông bà nhưng người Công giáo cần phải hiểu là xin ông bà cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta.  Chúng ta xin ông bà cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được điều này điều nọ chứ ông bà ông thể tự ban cho chúng ta điều này hay điều khác được.  Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền ban phát ơn lành cho chúng ta.

Ngày Tết cũng có tục lệ xông nhà.  Người ta tin rằng trong ngày mồng Một nếu mọi việc xảy ra suông sẻ, may mắn, hanh thông thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi và việc này tùy thuộc vào người xông nhà.  Người xông nhà là người đến thăm nhà đầu tiên trong ngày mồng Một và người này sẽ đem đến vận may hay không may cả năm cho gia chủ.  Cũng có người kiêng quét nhà suốt ba ngày Tết vì sợ sẽ quét hết tài lộc ra ngoài.  Trong ba ngày Tết họ dồn hết rác vào một góc nhà chờ qua ngày mồng Ba mới hốt rác đổ đi.  Những điều kiêng kỵ này hoàn toàn không phù hợp với niềm tin Kitô giáo.

Sau cùng xem tử vi, xin xăm, bói toán… là  những việc rất thịnh hành trong dân gian trong những ngày Tết nhưng lại là  điều cấm kỵ  đối với người Công giáo.  Bởi vì Giáo lý Công giáo dạy rằng  “Khi đặt tin tưởng vào những việc này, người ta đã gạt bỏ Thiên Chúa là Đấng duy nhất cầm quyền sinh tử cuả con người và vạn vật trong vũ trụ này.”

 

Lại Thế Lãng

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TẾ CỔ TRUYỀN -CÔNG GIÁO VN-

TẾT CÔNG GIÁO - CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Tết cổ truyền của Dân tộc Việt Nam là nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác. Người Công giáo Việt Nam lưu giữ và phát huy phong tục này ra sao ? Xin có đôi điều chia sẻ cùng Quý độc giả nhân dịp Tết đến, Xuân về ! 

Tâm tình của người Việt Nam Công giáo trong những ngày Tết cổ truyền Dân tộc.

 


XUÂN VỀ

Tết cổ truyền của Dân tộc Việt Nam là nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác. Người Công giáo Việt Nam lưu giữ và phát huy phong tục này ra sao ? Xin có đôi điều chia sẻ cùng Quý độc giả nhân dịp Tết đến, Xuân về ! 

Tết đối với người Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Từ ngàn xưa đã có những nét đẹp văn hoá ngày Tết mà cho đến nay vẫn tồn tại và cần được phát huy. Người Công giáo Việt Nam cũng tiếp nhận những phong tục tốt đẹp này như tinh thần Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn ta đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”. 

Hòa chung cùng niềm vui của toàn thể dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu xuân, chúng ta cùng ca tụng Thiên Chúa là Chúa Mùa Xuân và dâng lên Người những lời cảm tạ chân thành vì đã ban cho chúng ta muôn vàn hồng ân trong năm Quý Tỵ vừa qua và ban thêm cho chúng ta một Mùa Xuân mới tốt đẹp tràn đầy ơn phúc trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. “Xuân mới reo vui nhắc tâm hồn hướng lên trời, nguyện luôn trung thành theo đường Chúa đi, để mai sau hưởng xuân vui Nước Trời”, lời thánh ca mang âm hưởng của mùa Xuân cũng đem lại cho ta niềm phấn khởi hân hoan và sự an bình, quên đi những lắng lo muộn phiền trong một năm đã qua và cả những tân toan cho một năm sắp tới. 

Trong những ngày tết cổ truyền, nói về những công việc truyền thống, người Việt Nam thường có câu: “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”. Người Công giáo, trong khi mừng những ngày Tết nguyên đán, cũng hướng đến những ý nghĩa thật cao quý: Ngày mùng 01 Tết: Cầu bình an cho Năm mới, ngày mùng 02 Tết: Kính nhớ Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, ngày mùng 03 Tết: Thánh hóa công việc làm ăn. Điều này nói lên những giá trị riêng, thật đẹp và ý nghĩa mà mỗi người Công giáo phải trân trọng trong khi hoà mình vào truyền thống văn hoá của dân tộc. 

Giữa bối cảnh Tin Mừng được rao giảng và hòa mình vào những nền văn hóa, văn minh khác nhau, người tín hữu được mời gọi hãy trân trọng những giá trị văn hóa khác nhau đó, nhưng làm cho tươi mới và mang những giá trị Tin Mừng Tình Yêu Chúa. Loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Tin Mừng và văn hóa phải làm nên những nét giao thoa và hoà điệu với nhau. Tin mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ. 

Trong những ngày cuối năm, khi năm hết tết đến, người Việt Nam có thói quen dọn dẹp, điều này xuất phát từ quan niệm “tống cựu nghinh tân”. Tết là dịp tiễn cái cũ đi để đón cái mới đến, là dịp để thay đổi cho tươi mới hơn chính cuộc sống với những tiện nghi vật chất và con người của mình. Ngày Tết gần đến, có những căn nhà được sửa lại khang trang, được tô sơn hay quét vôi mới, có những con đường hay lối ngõ được dọn dẹp thật sạch sẽ,… tất cả làm nên sự thay đổi dịp Tết thật sôi động và náo nhiệt. Mỗi người đều cố gắng tạo cho mình và mọi người một khung cảnh thật ý nghĩa và tươm tất để chào đón Năm Mới đang về. 

* Thánh lễ chiều 30 Tết

Thánh lễ chiều 30 Tết được cử hành nơi các thánh đường giáo xứ trong bầu khí ấm cúng và chan chứa nghĩa tình, đó là Thánh lễ tất niên để chuẩn bị chào đón Năm mới với thời khắc giao thừa. Tại nhiều xứ, ngoài lễ tạ ơn chung của giáo xứ, các khu họ đều xin lễ tất niên vào tuần lễ giáp Tết. Tuỳ theo số khu họ trong một giáo xứ mà cha xứ sắp xếp để mỗi xứ họ có được một thánh lễ riêng.

Toàn thể giáo dân trong xứ được mời tham dự với hương hoa, của lễ và những ý nguyện riêng mà tựu trung là tạ ơn, cầu nguyện cho những người mới qua đời trong năm, cầu xin cho một năm mới bình an. Sau thánh lễ, tuỳ theo điều kiện, bà con quây quần liên hoan để có dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm vui buồn. Tạo tình đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần “Góp gạo nấu cơm chung” nhẹ nhàng nhưng đậm đà tình nghĩa. 

Chiều 30 Tết, theo phong tục Việt Nam, mỗi gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên theo ý nghĩa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cũng được đón nhận nơi đồng bào Công giáo. Nhiều giáo xứ, ngay từ sáng 30 cùng nhau tới viếng Nghĩa địa, Vườn Thánh... bà con giáo dân đến kính viếng, mời ông bà tổ tiên cùng chứng kiến những ngày Tết xum họp của con cháu. Ai ai cũng xin ông bà cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho con cháu trong năm mới và còn hiệp ý xin lễ cầu nguyện cho các ngài.

Đón giao thừa là một nét đẹp không thể thiếu của các gia đình Việt Nam dù ở thôn quê hay thành thị. Trước giờ giao thừa, mọi người dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về quây quần bên nhau để chờ đón giây phút linh thiêng. Với người Công giáo Việt Nam, từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Việt Nam đã đề nghị các giáo xứ tổ chức thánh lễ tạ ơn cuối năm trước giờ giao thừa. Trong thánh lễ này cũng có dành thời gian để mục tử và đoàn chiên nhìn lại sinh hoạt mục vụ năm cũ, đề ra những chương trình cho năm mới. Phần cuối lễ thường là dành để cộng đoàn, cha xứ cùng chúc mừng năm mới với những tràng vỗ tay hoan hỉ và những lì xì đầu xuân thật vui tươi. 

Giờ khắc Giao thừa thật linh thiêng. Vào thời xưa, sự ra đời của một năm mới được đánh dấu bằng những hồi chuông giáo đường vang đổ, và bằng múa hát, tiếng nhạc, tiếng tù và cùng nhiều nghi thức vui mừng khác diễn ra trên đường phố. Tuy nhiên, nhiều người chờ đón và chào mừng giao thừa tại nhà của mình, nơi mà phong tục đón năm mới và chúc mừng năm mới được cử hành. Qua nhiều thế kỷ, đây là một tập tục và nói chung, nó trở thành một phong tục phổ biến, nó thường xuyên được duy trì về hình thức và sự liên tục ăn mừng lễ hội, từ năm này đến năm khác… Phần chủ yếu của lễ hội trong đêm giao thừa được tổ chức trong vòng một vài phút long trong và uy nghi, khi năm cũ qua đi và giờ giao thừa bắt đầu điểm. 

Những năm gần đây, theo tinh thần hội nhập văn hoá, hầu như tại các xứ đạo đều có tổ chức “hái lộc đầu xuân”. “Lộc” ở đây là các phong bao lì xì, trong có kèm một câu trích trong sách Tin Mừng, được treo trên các chậu cảnh hay những cành đào, cành mai đặt trên cung thánh. Sau lễ giao thừa, mọi người lần lượt lên “hái lộc Lời Chúa”. Mỗi câu Lời Chúa nhận được như là ý Chúa gửi đến mỗi người, mỗi gia đình. Hiện nay, với công nghệ in ấn hiện đại, mỗi gia đình thường được cha xứ và hội đồng giáo xứ gửi biếu một tờ lộc in lớn, còn hái lộc tại nhà thờ là lời Chúa gửi đến từng cá nhân người đón nhận.

* Mùng một Tết

Mùng một Tết, ngày đầu tiên của năm mới, mọi người quy tụ bên nhau, trong mái ấm gia đình và những liên hệ ruột thịt, để cùng tạ ơn về một năm cũ đã qua, đồng thời nguyện xin cho một năm mới bình an, thăng tiến về mọi phương diện tốt đẹp trong cuộc sống thường nhật cũng như đời sống đạo đức, tin yêu.

Trong ngày này, mọi người cùng dâng lời cảm tạ Chúa vì các hồng ân Chúa đã ban cho trong năm cũ vừa qua, đồng thời xin Chúa ban cho mỗi người có một tâm hồn đơn sơ và trong sạch để mãi mãi được vui hưởng mùa xuân ơn thánh trong Năm mới vừa khởi đầu. 

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta pha trà cúng gia tiên, mọi người làm lễ trước bàn thờ theo thứ tự cha trước con sau, anh trên em dưới. Sau đó, con cháu mới đến chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Con cháu chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp nhất trong năm mới, sau đó người ta ăn Tết.

* Ngày mùng hai Tết.

Ngày mùng hai Tết, người Công giáo dành để tưởng nhớ, biết ơn và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã được Chúa gọi về. Có nhiều nơi, các giáo xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà trong Thánh Lễ Mùng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con cháu sống hiếu thảo.

Trong ngày này, Thánh Lễ cũng được cử hành cách trang trọng và cảm động nơi Nghĩa Trang Giáo Xứ ngày mùng Hai Tết. Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương, tưởng nhớ trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội. Kính nhớ các bậc tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”. 

Ngày mùng Ba tết:

Ngày mùng Ba tết, người Công giáo Việt Nam được mời gọi để cầu nguyện và xin Thiên Chúa thánh hóa những công việc làm ăn trong suốt một năm mới. Dâng lên Thiên Chúa tất cả những công việc làm ăn với những thành công, thất bại trong một năm đã qua, và cầu mong một năm mới với những công việc làm ăn được thành công trọn vẹn và thu hái được kết quả tốt đẹp. 

Với những tâm tình thật ý nghĩa trong những ngày xuân, mỗi người tín hữu chúng ta được mời gọi cùng hiệp thông trong tình liên đới yêu thương, để những ngày đầu năm mới này trở nên một khởi đầu thật trọn vẹn và ý nghĩa cho một hành trình mới. Hành trình của sự biến đổi và cải hóa cuộc đời. Nguyện cho tâm tình vui tươi của mùa xuân trong Năm Mới chan hòa trên tất cả mọi người, “những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, 17,1) 

Trong tâm tình những ngày đầu xuân và năm mới, mỗi người chúng ta hãy cảm tạ và phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa; bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của mùa xuân, Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Khi biết mở lòng mình ra với mọi người, chúng ta thật dễ dàng để mở hồn mình ra với Thiên Chúa.

Một Năm Mới đang đến gần, chúng ta cùng với mọi người dọn dẹp bề ngoài nhưng cũng chú tâm dọn dẹp chính tâm hồn, để Năm Mới sang chính là thời điểm để chúng ta bước vào đời sống mới, thay đổi để thực sự sống tình liên đới yêu thương, mở lòng đến với mọi người và sẵn sàng để nghênh đón Chúa Xuân muôn đời.

Trong ngày đầu xuân này, chúng ta hãy vui lên, vui lên đi như lời thánh Tông đồ Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em” (Pl 4,4).

 

Thiên Ân

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CHÚ Ý 8 KIỂU NGƯỜI

Người quân tử chắc chắn phải chú ý đến 8 kiểu người này trong đời

image.png
Cổ nhân ví người quân tử như viên ngọc đẹp, tuy có góc cạnh, gai góc nhưng lại không làm tổn thương người khác. Vậy nên, là quân tử chắc chắn sẽ lưu ý 8 điểm này.

1. Người chỉ vì hả hê nhất thời mà trút giận lên người khác

Tuân Tử từng nói: Trút được phẫn nộ, hả giận thì tâm trạng thoải mái nhưng sẽ rước họa vào thân.

Chỉ vì muốn hả hê nhất thời mà trút giận lên người khác, nhìn người khác vì mình chịu đựng mà cảm thấy vui vẻ. Đây chính là đang làm tổn thương người khác. Kiểu người này năng lực khống chế bản thân yếu kém, hành vi dễ bị cảm xúc chi phối; nóng giận mất kiểm soát, coi nhẹ những lời xúc phạm người khác, khi tâm tình bị kích động dễ phạm sai lầm.

Sự phẫn nộ không thể tùy tiện bộc phát, cũng không nên để mãi trong lòng mà mặc kệ. Nếu bạn uất ức và chịu đựng, đè nén lâu ngày sẽ sinh bệnh, còn mất dần đi sự đồng cảm.

Dù là chịu đựng hay trút giận đều là cách thức cực đoan. Hãy bình tĩnh suy ngẫm lại, không nên để những cảm xúc tiêu cực lấn át và lừa dối bản thân mình. Không có gì hoàn hảo trong thế giới này, hãy thử thay đổi cách nhìn và quan điểm của bản thân, không có ai thực sự có thể làm tổn thương chúng ta ngoại trừ chính cái cảm xúc sân hận kia, nó làm tổn hại đến người ta sâu sắc nhất. 

Nếu bạn có thể học cách yêu thương và trân quý những người xung quanh mình, rồi một ngày nào đó sẽ không còn ai có thể làm bạn tức giận được nữa. Bởi vì trân quý người khác cũng là trân quý chính mình.

2. Người giỏi quan sát đánh giá mà bị tổn thương là do ghen ghét 

Tuân Tử nói: Nhìn thấu người khác quá rõ ràng, có lúc sẽ làm tổn thương họ, cũng làm tổn thương chính mình.

Quan sát kỹ có thể nhìn thấy rõ chỗ ưu khuyết của người khác. Đương nhiên không có gì sai khi chỉ ra chỗ thiếu sót của người ta một cách thiện ý, khiến họ thực sự bị thuyết phục thì có thể gọi là khuyến thiện. Nhưng nếu cứ tranh đúng sai, nhất mực đổ lỗi cho người khác, lấy việc trêu chọc người khác làm thú vui khiến họ bị tổn thương thì chính là đang dần đi sang cực ác rồi.

Người xưa có câu: “Thủy chí thanh tắc vô ngư, nhân chí sát tắc vô đồ”, ý rằng nước quá trong thì sẽ không có cá, người soi xét quá sẽ không có ai bên cạnh mình.

Người hà khắc quá thì ai dám gần? Khi đối đãi với người thân hay bạn bè đều cần lưu ý điều này.

Giữa bố mẹ với con cái thì nên nhỏ nhẹ dạy bảo một cách lý trí. Giữa vợ chồng thì nên ít tranh cãi ai đúng ai sai. Chỉ có yêu thương và thân thiện mới có thể nuôi dưỡng vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp .

Đúng sai phải trái đều không trọng yếu, quan trọng là sự hòa hảo với nhau, mắt nhắm mắt mở nhìn người ta thì quan hệ sẽ thoải mái hơn.

3. Người học rộng mà khốn cùng là do hay rỉa rói người

Tuân Tử nói: Lợi dụng học thức của mình để áp đảo người khác, ngược lại chứng minh rằng bản thân mình thiếu giáo dưỡng.

Có những người luôn cho rằng tài trí của mình là hơn người, coi tri thức như vũ khí để tranh hơn thua, dùng kiến thức của mình để bác bỏ ý kiến của người khác, chọc vào chỗ đau của người ta để đạt được cảm giác vượt trội trong tâm tưởng. Tuy nhiên ai thật sự công nhận họ là người có tri thức uyên bác?

Người quân tử có học thức uyên thâm chân chính, là người thông suốt kinh sách, ăn nói hòa nhã, khoan dung rộng lượng và biết lắng nghe người khác.

Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao phải chăng là do trời sinh? Không hẳn như vậy. Nó bắt nguồn từ sự chân thành lương thiện trong khi đối nhân xử thế, là quan sát và lý giải của chúng ta đối với người khác, là hiểu biết trong khi học tập tri thức.

4. Người thấu tỏ mà lại càng ngày càng mơ hồ là do cái miệng

Tuân Tử nói: Dùng lời nói để tranh biện làm sáng tỏ sự việc, thì sẽ khiến nó càng trở nên mơ hồ hơn.

Cách tốt nhất để thanh minh cho bản thân chính là chứng minh sự việc bằng hành động thực tiễn. Cách tệ nhất là ra sức giải thích và trốn tránh, đổ trách nhiệm cho người khác, sẽ làm mất lòng tin và sự tôn trọng của người khác dành cho mình.

Có tài hùng biện, không có nghĩa là bạn đang ôm giữ sự thật.

5. Người dùng lợi nhử người mà ngày càng tệ bạc là do kết giao

Tuân Tử nói: Bỏ ra càng nhiều tiền và lợi ích để duy hộ tình bạn thì nó sẽ ngày càng bạc bẽo hơn, đó là mối quan hệ xấu tệ nhất.

Bề mặt tươi cười, tâng bốc để làm hài lòng người khác nhằm mục đích duy trì mối quan hệ bằng hữu, nhưng nó không thể lâu dài.

Bỏ tiền ra để được tung hô xu nịnh thì càng hạ thấp bản thân mình, càng trở nên tầm thường hơn, bởi vì người ta chỉ thấy lợi ích mà không nhìn thấy nhân phẩm và tính cách của bạn.

“Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.

Tình bạn chân thành chính là những người tâm đầu ý hợp, cùng chung chí hướng, cùng chung hoạn nạn.

Giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn là những người bạn tốt. Có thể chân thành chỉ ra chỗ thiếu sót của nhau để cùng tiến bộ là những người bạn quan trọng.

Bỏ ra càng nhiều tiền và lợi ích để duy hộ tình bạn thì nó sẽ ngày càng bạc bẽo hơn.

6. Người có lý lẽ những không thuyết phục được người là do tranh thắng thua

Tuân Tử nói: Một cuộc tranh luận dù có đủ căn cứ lý luận cũng không thể thuyết phục được người khác nếu bạn chỉ muốn cố gắng tranh phần thắng về mình.

Biện luận quý ở chỗ bạn muốn thuyết phục người khác, nhưng nếu bạn chỉ đấu tranh vì đúng hay sai, hoặc để lấy thể diện thì ngay cả khi bạn khiến cho người khác không nói lại được lời nào nhưng trong tâm họ không hề phục .

Luyện quyền trước khi luyện đấm đá, hãy học cách lắng nghe người khác trước khi đáp lời.

Học cách lắng nghe là điều quan trọng trong khi trao đổi thảo luận. Thực sự lý giải được tâm tư của người khác, thì mới có thể chỉ rõ được lý lẽ, làm người ta cảm động, rồi cùng nhau thương lượng đưa ra phương án giải quyết, khiến cho người khác phải tâm phục khẩu phục.

7. Người chính trực nhưng không được người khác hiểu là do hiếu thắng

Tuân Tử nói: Người ta không lý giải được người chính trực vì sự thẳng thắn của anh ta sẽ làm tổn thương người khác.

“Xin lỗi, vì tôi đã nói thẳng”, nó giống như là một kim bài miễn tội vì đã tùy tiện nói lời tổn thương đến người khác.

Một người trực tâm ăn nói mau lẹ, dễ dàng bỏ qua tâm lý cảm xúc của người khác, chỉ hấp tấp muốn biểu đạt ra suy nghĩ của mình. Một câu phê bình dù thiện chí nhưng không đúng lúc cũng có thể tạo thành những tổn thương không ngờ tới.

Thí dụ như, phê bình hành vi không ngay thẳng của bạn bè trước mặt người khác; hoặc bàn luận về bạn trai cũ của bạn mình dù biết họ đã chia tay, đối phương đã ra hiệu không nên nói nữa nhưng vẫn cứ thao thao bất tuyệt, v.v.

Chu Dịch nói: “Tu từ lập kỳ thành”, nghĩa là “ngôn từ cũng biểu lộ sự chân thành”. Người với người giao du cùng nhau tuy có thể là bạn chân thành nhưng phải chú ý đến cách nói chuyện và phương thức biểu đạt lẫn thời điểm.

Có thể biến ý kiến chuyển thành trao đổi, muốn khiến người khác bị thuyết phục thì hãy thay câu nói: “Bạn sai rồi” bằng câu khác như: “Bạn có thể làm tốt hơn thế mà”.

Biến chỉ trích chuyển thành tự trách mình, ví như để người khác dễ tiếp nhận hơn thì thay vì hỏi “Anh nghe có rõ không?”, hãy tự hỏi mình: “Không biết tôi nói có rõ ràng không”.

Hãy học cách biểu đạt, để sự thẳng thắn trở thành một tính cách được hoan nghênh.

8. Người thanh liêm mà không được tôn kính là do làm tổn thương người

Tuân Tử nói: Những người có nguyên tắc mà không được người ta tôn trọng, là vì sự sắc bén gai góc của họ làm tổn thương người khác.

Kiểu người góc cạnh này luôn kiên trì với nguyên tắc của họ trong cuộc sống, và khăng khăng trở thành người mà anh ấy muốn trở thành.

Người thiện lương, không phải là người cống hiến tận tâm một cách mù quáng, cũng không phải đi theo trào lưu, càng không là kẻ nịnh bợ. Người có tâm địa lương thiện biết phân biệt được thiện ác, tốt xấu, hiểu được phải làm gì và không nên làm gì.

Cổ nhân ví người quân tử như viên ngọc đẹp: “Liêm nhi bất quế”, nghĩa là: “liêm chính nhưng không làm tổn thương người”. Tuy có góc cạnh, gai góc nhưng lại không làm tổn thương người khác.

Nếu như góc cạnh quá sắc bén, khí thế quá cường thịnh, tự cao tự đại, không tôn trọng người khác, vậy thì không chỉ làm tổn thương người khác mà còn rước họa vào thân. Vì sự sắc sảo biểu lộ hết ra ngoài, sẽ kết nhiều thù oán, quá ư mạnh mẽ thì sẽ bị cô lập. Một khi gặp phải khó khăn, mọi người sẽ đều quay lưng với bạn, cuối cùng chỉ có một mình nuốt lấy cay đắng.

Bao dung và sắc sảo đều không mâu thuẫn, chỉ là bạn đừng nên quá cứng nhắc với những nguyên tắc của riêng mình.

Tám kiểu người mà Tuân Tử nhắc đến ở trên, đôi khi trong cuộc sống xô bồ này chúng ta cũng có thấy mình ở trong đó. Vậy một lần nữa nhắc nhở bản thân mình tĩnh lại và suy ngẫm, soi lại mình để hoàn thiện trở nên tốt hơn. Mong rằng mỗi chúng ta là một viên ngọc xinh đẹp sáng lấp lánh nhưng không làm tổn thương người khác.

Theo Apollo
Ngọc Ni biên dịch

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH-LỜI NGUYỆN-CHUC TẾT ĐẦU NĂM

Lời  Nguyện  Đầu  Năm - ƯỚC VỌNG NĂM NAY- LỜI CHÚC TẾT -

Lạy Chúa, 

“Nguyện xin Chúa,

Ðấng dựng nên trời đất” [Tv 113,15].

Ðấng  “làm chủ vạn vật” [Ette 8,12].

Đấng “làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” [Tv 24,1]

Xin Chúa -

 - Ban cho chúng con trong năm này :

“Một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn” [Tv 4,9].

 - Ban cho chúng con “được sống yên hàn” [Tv 4,9],

được “chan chứa hạnh phúc trên đời” [Tv 41,3].

- Ban cho chúng con  một “Tâm hồn thánh thiện” [Kn 7,27]

“Ðược sống trọn cuộc đời, trong niềm hoan lạc và lòng xót thương" [Tôbia 8,17] của Chúa.

“Ðược no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca” [Tv 90,14].

- Ban cho chúng con “trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui” [Gv 2,26]

“Ðầy dẫy mọi ơn lành” [Hc 16,29], ]

“Sống đời trọn hảo” [Tv 84,12] 

“Ðược can đảm và sáng suốt” [Br 1,12] trong mọi tình huống.

Và được “đủ tiêu dùng” [Tv 127,3] hàng ngày.

Xin tạ ơn Chúa.

 

Và -

Lạy Chúa,

Một năm đã trôi qua và một năm nữa lại đến, Chúa đã cho chúng con đi qua và đi thêm một đoạn đường nữa.

Nhìn lại nãm qua, chúng con chỉ biết nói lên

- lời tạ ơn chân thành cung  kính,

- lời tôn vinh chúc tụng mến yêu,

vì Chúa đã ban cho chúng con cuộc sống, và sống trong tình yêu của Chúa.

Mọi biến cố vui buồn trong năm qua và năm nay, chúng con lãnh nhận tất cả, miễn ý Chúa được thể hiện nơi chúng con,

Xin tạ ơn Chúa –

Về, những gì cuộc đời chúng con có, từ nơi Chúa mà ra, và những gì chúng con làm cho cuộc đời, do nơi Chúa mà có.

Xin cho những ngày đời trong năm nay, chúng con biết sống trọn vẹn cho Tin Mừng, nhiệt tình thực thi Lời Chúa, bác ái với tha nhân sống vui tươi, hòa nhã, dễ thương với mọi người, chia sẻ và sinh hoạt trong yêu thương, lành mạnh, gặp gỡ trong chân tình, qúy mến, và không quên nâng đỡ những anh chị em đang băn khoăn, ưu tư tìm kiếm công việc làm ăn, quan tâm cách riêng đến những anh chị em trong mọi tình huống nghèo khổ cô đơn, bệnh hoạn, tật nguyền, bất hạnh triền miên...

Ước gì những lời nguyện hôm nay, là những lời phát xuất từ trái tim chân thành của chúng con dâng lên Chúa.

Lạy Chúa, năm mới đã đến, thời gian hằng im lìm chuyển động, thời gian đến rồi thời gian đi, năm cũ đi, năm mới đến, con người cũng sẽ âm thầm ra đi.

Xin cho chúng con luôn ở lại trong qũy đạo của Chúa,  trong đường lối Chúa, trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nhận Chúa là trung tâm và cùng đích của cuộc sống, và nhận mọi người là anh em một nhà, luôn luôn hướng về Chúa và cùng nhau làm Vinh Danh Chúa và mưu ích cho tha nhân.

 

 

Trong năm nay

Lạy Chúa, xin chúc lành cho trí óc con,

ước gì trí óc con chỉ được soi sáng bằng những tư tưởng tốt lành.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho trái tim con.

ước gì trái tim con đầy tràn những điều yêu thương, nhân nghĩa.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho đôi mắt con,

ước gì đôi mắt con chỉ nhìn thấy những gì đẹp lòng Chúa.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho hai tai con,

ước gì hai tai con chỉ nghe những điều lành thánh

Lạy Chúa, xin chúc lành cho miệng lưỡi con,

ước gì miệng lưỡi con chỉ cao rao tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho hai tay con,

ước gì hai tay con chỉ làm những việc sáng Danh Chúa

Lạy Chúa, xin chúc lành cho hai chân con,

ước gì chân con chỉ đi trên đường theo Chúa.

Lạy Chúa, xin chúc lành cho toàn thân con

đề toàn thân con thuộc trọn về Chúa và hướng đến tha nhân.

 

 

Lời Chúc Tết

Chúc anh chị : Vừa đủ HẠNH PHÚC, an vui bình thản không mong hơn người.

Chúc anh chị : Vừa đủ THỬ THÁCH, để anh chị chịu đựng cho quen với đời

Chúc anh chị : Vừa đủ MUỘN PHIỀN, để anh chị thông cảm những người cô đơn

Chúc anh chị : Vừa đủ HY VỌNG, để anh chị đạt được những điều ước mơ.   

Chúc anh chị : Vừa đủ THẤT BẠI, để anh chị thông cảm tha nhân không nhà

Chúc anh chị : Vừa đủ THÀNH CÔNG, để không kiêu hãnh ra điều ta đây

Chúc anh chị : Vừa đủ BẠN BÈ, để anh chị có người thân tâm tình

Chúc anh chị : Vừa đủ NHU CẦU, để anh chị tránh được vênh vang đua đòi

Chúc anh chị : Vừa đủ NHIỆT TÌNH, để anh chị không hãnh không chẳn lăng xăng.

Chúc anh chị : Vừa đủ NIỀM TIN, để anh chị xua đuổi hão huyền vu vơ.

Chúc anh chị : Vừa đủ NGHỊ LỰC, để anh chị sống an hòa tươi vui

Chúc anh chị : Vừa đủ TIN YÊU, để anh chị gắng giúp người nghèo đó đây

Chúc anh chị : Vừa đủ CƠ DUYÊN, để không phai nhạt, lãng quên phận người

Chúc anh chị:  Vừa đủ TIÊU XÀI, để anh chị bình đẳng với người chung quanh

Chúc anh chị : Vừa đủ VIỆC LÀM, để anh chị bớt gánh gồng trên vai

Chúc anh chị : Vừa đủ LÀM RA, để anh chị có dự phòng mai sau

Chúc anh chị : Vừa đủ TIỀN DÀNH, để riêng khoản ấy loan truyền Phúc Âm

Và ---

Anh chị ơi - nhớ kẻ gầm cầu, vệ đường xó chợ thật là đáng thương

Anh chị ơi - nhớ kẻ tả tơi, ra tay cứu giúp cháo cơm đỡ đần.

Trời nào phụ kẻ có nhân,

Người mà có đức muôn phần vinh hoa.

Vũ Công Chính

--------------------------------

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TICH ĐỨC - TÍCH ÂM ĐỨC

Người xưa nói tích đức, tích âm đức. Vậy thế nào là âm đức, dương đức?

image.png
Từ nhỏ chúng ta vẫn thường nghe ông bà căn dặn: “Phải tích âm đức, không cho mình thì cũng là cho con cháu”. Nhưng thế nào gọi là âm đức và dương đức?

Thế nào là âm đức, dương đức?

Làm việc tốt để người khác biết gọi là “dương đức”. Dương đức phúc báo nhanh, người ta sẽ ca ngợi bạn, tuyên dương bạn, báo đáp bạn bằng vật chất hoặc khen thưởng biểu dương. Dương đức đã được báo đáp rồi thì sẽ hết.

Làm việc tốt mà không để người khác biết gọi là “âm đức”. Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài.

Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng. Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại.

Dương đức không lâu dài, đa số là tùy theo việc làm tốt mà nhận được phúc báo ngay trong đời. Âm đức tích được lâu, hơn nữa càng tích càng lớn, càng tích càng dày, còn có thể để lại phúc trạch cho cháu con. Do đó làm việc thiện thì nên xuất tự đáy lòng, không nên truy cầu để người khác biết.

Người xưa rất coi trọng âm đức, cho rằng âm đức mới là trân quý, còn dương đức chỉ là một chút hư danh, không có giá trị thực tế đối với sinh mệnh.

Người xưa rất coi trọng âm đức, cho rằng âm đức mới là trân quý có giá trị thực tế đối với sinh mệnh. 

Phúc Âm Matthew 6 trong Kinh Thánh luận về thí xả

Phúc Âm Matthew 6 viết: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Dương ác và âm ác

Làm việc xấu để người khác biết gọi là dương ác. Dương ác khi bị người khác biết là đã báo ứng rồi, sau khi báo hết thì không còn nữa. Những việc xấu đã từng làm thì không nên giấu giếm, bởi càng có nhiều người biết thì càng tốt. Tại sao? Báo hết rồi thì sẽ không còn ác nữa. Do đó Phật Pháp, Đạo Pháp và Cơ Đốc giáo đều giảng sám hối, hễ sám hối thì tội nghiệm sẽ dần tiêu tan.

Vậy sám hối là gì? Chúng ta thành tâm hướng tới Thần nói ra những lỗi lầm mình đã phạm, cảnh tỉnh những hành vi của mình, không làm việc xấu nữa, sửa đổi quy chính tư tâm dục vọng của mình, gắng hết sức làm việc tốt, đó gọi là sám hối chân chính.

Có người tùy ý hành ác, cũng đến giáo đường sám hối, hoặc đến chùa, nhà thờ quyên tặng, sau đó về nhà tiếp tục làm việc ác như xưa. Người như thế thì hễ thời khắc đến, ác báo liền giáng xuống.

Xúi giục thị phi, phỉ báng sau lưng, hủy hoại danh dự người khác, v.v. đều là âm ác. Người làm loại việc ác này nếu tích lại rất lâu mà không hoàn trả, đến lúc quá lớn rồi thì ác báo cũng rất lớn. Lớn nữa thì dẫu phải chịu tội trong địa ngục họ cũng không trả hết.

Lão Tàn du ký – hồi thứ 8

Trong tiểu thuyết “Lão Tàn du ký” của nhà văn Lưu Ngạc có đoạn:

Diêm Vương nói:

“Trộm danh dự người, tội rất lớn, hủy hoại danh dự người, tội càng lớn hơn. Hủy hoại danh dự người tại sao tội lại lớn thế này? Vì đại kiếp nạn trên thế gian đại đa số đều bắt đầu từ đây. Người hủy hoại danh dự người khác mà nhiều thì thế giới này sẽ bất phân trắng đen. Thế giới bất phân trắng đen thì người tốt ngày một ít, kẻ ác ngày một nhiều, ắt sẽ khiến nhân chủng tuyệt diệt mà thôi.

Do đó Âm tào rất hận loại người này, họ không chỉ phải chịu ma nạn gấp mấy trăm lần, mà còn bị đưa đến các địa ngục khác nhau để chịu tội.

Ngươi hãy nghĩ về loại người này, họ không muốn làm một chút việc tốt nào. Việc tốt mà người ta làm, họ lại dùng lời xảo ngôn nói thành việc xấu. Việc xấu mà họ làm, lại dùng xảo ngôn nói thành việc tốt, do đó phóng túng không e dè gì mà không việc ác nào không làm”.

Theo quan niệm người xưa, việc hủy hoại danh dự người, đổi trắng thay đen là tội vô cùng nặng. 

Eisenhower hành thiện đã tránh được sát thủ của Hitler

Vào thời chiến tranh thế giới thứ hai, vị thống soái tối cao của quân đồng minh châu Âu là Eisenhower vì hào hiệp giúp đỡ đôi vợ chồng già người Pháp mà đã tránh được đòn ám sát của Hitler.

Khi đó, Eisenhower đang ngồi xe trở về tổng bộ để tham gia hội nghị quân sự khẩn cấp. Hôm ấy tuyết rơi đầy trời, tiết trời lạnh buốt, chiếc xe phóng như bay trên đường.

Bỗng Eisenhower thấy một đôi vợ chồng già đang ngồi bên đường, lạnh cóng run lẩy bẩy. Ông bèn bảo viên quan phiên dịch xuống xe hỏi sự tình. Một vị tham mưu vội vàng nhắc nhở: “Chúng ta còn phải đến tổng bộ cho kịp giờ họp, những sự tình loại này nên giao cho cảnh sát địa phương xử lý thì hơn”.

Eisenhower nói: “Nếu đợi đến khi cảnh sát đến, đôi vợ chồng già này đã chết rét lâu rồi”.

Thì ra, đôi vợ chồng đang đến thăm con trai ở Paris, vì giữa đường xe chết máy nên mới bị kẹt lại giữa tuyết trắng mênh mông, không có cách nào di chuyển được.

Eisenhower lập tức mời họ lên xe, đưa đôi vợ chồng già đến nhà con trai họ ở Paris rồi mới vội vàng về tổng bộ.

Điều khiến Eisenhower không thể ngờ tới là, hành động vô tư vừa rồi lại giúp ông tránh khỏi một kiếp nạn mất mạng.

Thì ra hôm đó, quân đánh chặn của Hitler đã mai phục sẵn trên đường, chỉ đợi xe của Eisenhower đến sẽ lập tức ám sát. Hitler đã sắp đặt mọi việc đâu vào đấy, đoán định Eisenhower nhất định sẽ chết.

Hitler không ngờ rằng việc thiện của Eisenhower lại khiến mọi tính toán sắp đặt của mình bị phá sản hoàn toàn. Nhưng nào có biết rằng, Eisenhower vì cứu giúp cặp vợ chồng già mà đã thay đổi tuyến đường, tránh được kiếp nạn. Nếu không như vậy, thì sau này nước Mỹ đã không có vị tổng thống thứ 34 – Dwight D. Eisenhower.

Rất nhiều người bình luận: Nếu không nhờ việc thiện của Eisenhower thì lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2 có lẽ đã được viết lại.

Người xưa nói: “Phúc ở tích thiện, họa ở tích ác”. Người có thiện niệm, Trời ắt cho phúc báo, nữa là việc lớn liên quan đến nhân mạng.

Vị thống soái tối cao của quân đồng minh châu Âu Eisenhower. 

Âm đức rất quan trọng, làm thế nào để tích âm đức?

Bất kể địa vị xã hội cao hay thấp, có tiền hay không có tiền, chỉ cần trong lòng có thiện lương thì con người sẽ làm việc thiện, làm việc thiện thì tự nhiên sẽ tích âm đức.

Người có quyền có thể điều hành đất nước, làm lợi cho nhân dân, lợi cho quốc kế dân sinh. Giống như Phạm Trọng Yêm khi làm tể tướng đã cứu tế học trò, giảm thiểu lao dịch, dựng các nghĩa điền (ruộng công ích), hành thiện ân trạch khắp thiên hạ.

Người có tiền có thể làm các việc thiện lớn như cứu tế nạn đói, quyên tặng áo rét, mở trường học, cứu giúp trẻ mồ côi, giúp người già không nơi nương tựa và người tàn tật.

Người ít tiền có thể làm việc thiện nhỏ, tùy theo sức của mình mà dùng thiện tâm để giúp đỡ người khác.

Chỉ cần có thiện tâm thì sẽ thấy xung quanh có rất nhiều việc thiện đang chờ bạn: ngồi xe nhường chỗ, quét dọn vệ sinh môi trường xung quanh, nhặt được của rơi trả lại người mất, đối xử với người lễ độ hòa ái, hiếu kính với bề trên, khoan dung với kẻ dưới, v.v. Đó đều là tích âm đức.

Cuộc đời vô thường, chỉ có thiện, ác theo thân mình. Tu thiện tích phúc, làm ác rước họa. Vậy chúng ta có nên vì hạnh phúc bản thân và con cháu đời sau mà nỗ lực tích âm đức hay không?

Theo Soundofhope

------------------------------------