VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NHỮNG Ý TƯỞNG HAY
- Details
- Category: 6. Văn Hóa & Gia Đình
|
||||
|
|
||||
|
Lũy tre xanh ngày nào !
Cuộc sống thanh bình, giá trị của tre đâu chỉ đơn thuần là màu xanh cây lá. Tre thủy chung son sắt với người quê, tình quê. Cứ nghĩ nếu một ngày nào đó không xa nữa,ngay trên mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn sẽ không còn bóng dáng lũy tre xanh, ai không khỏi chạnh lòng?
Ảnh: pixabay.com
Từ những cái nhỏ nhất như cái tăm, đôi đũa, tới những cái lớn hơn như cái cột, cái kèo… cũng từ tre mà nên. Tre làm cái đòn kẽo kẹt trên vai mẹ, tre làm cán cuốc, cán cày cho cha vỡ đất. Tre làm rá, rổ, nong, nia, tre làm chõng, làm phên, tre bắc giàn, làm hàng rào…
Ảnh: pixabay.com
Với trẻ thơ tre ưu ái dành tình thương trọn vẹn. Thật kỳ diệu những cây tre khô khẳng, qua bàn tay chịu thương chịu khó của người đã hóa thành những chiếc nôi êm chở che, ru vỗ giấc mơ con trẻ. Cùng với trẻ thơ, những mụt măng tre lớn lên, tre là niềm vui thú.
Chiếc lá mỏng manh, xanh tươi của tre hóa thành con cào cào đỏm dáng. Chiếc lá khô vàng hóa thành “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Còn những đốt tre bóng mượt lại hóa thành những que chuyền nhịp nhàng.
Ảnh: pixabay.com
Tre vững chãi chống đỡ tuổi già, tre bắc nhịp cầu đôi lứa. Dưới ánh trăng thanh treo đầu ngọn tre, những chàng trai cô gái trao nhau biết bao lời yêu thương: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng. Tre non đủ lá đan sàng được chưa” (ca dao).
Người nặng lòng với quê, thương nhớ lũy tre làng, nhớ những buổi mai thức dậy chạy quanh kiếm tìm trong khóm tre xanh con chim gì đang kêu lích rích. Buổi trưa trốn ngủ cùng đám bạn tinh quái nấp bên khóm tre chơi trò cút bắt. Buổi chiều về thong thả trên lưng trâu nghe tre hát khúc ca tự tình.
Ảnh: pixabay.com
Giữa thanh âm của muôn ngàn chiếc lá, nghe phảng phất một mùi hương khó tả. Nó không giống với mùi lá tre khi nấu cùng nhiều loại cây lá trong nồi nước xông của mẹ giúp ta giải cảm, mà dìu dịu thanh mát, gần như mùi hương trong chiếc nồi hông làm giá đỗ lá tre.
Ảnh: pixabay.com
Trong ký ức của những đứa trẻ quê, vào mỗi thời khắc sắp chuyển giao năm cũ, cây tre sẽ thành cây nêu, hiện lên sừng sững, lý thú và đầy mê hoặc. Nhằm đúng ngày thần linh về trời, tụi con nít lẽo đẽo theo cánh người lớn ra vườn chặt tre.
Cây tre ưng ý phải là những cây tươi tốt, cao chừng năm, bảy mét, ngọn cây uốn cong như hình lưỡi liềm. Vì “tre ôm tre níu” lấy nhau, lá cành đan rậm rạp nên phải vất vả lắm mọi người mới chặt được tre, lôi tre ra khỏi bụi.
Ảnh: pixabay.com
Rồi nội, ba, sẽ chẳng khác nào ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ khoan thai “phù phép” cho cây tre ấy biến thành cây nêu – một “bảo bối” linh thiêng đầy quyền uy và sức mạnh. Ông cầm con rựa sắc ngọt thoăn thoắt tỉa bay tất thảy những lá cành, rồi lần lượt cột lên ngọn cây một nắm lá dứa dại, một cái liềm và vài ba chiếc khánh đất. Những vật dụng ấy khiến chúng tôi tò mò hết sức.
Ảnh: pixabay.com
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì mọi người xúm lại, người giữ gốc, người nâng ngọn từ từ dựng nêu lên. Nội tự tay kè đất đá cho cây nêu đứng vững trước sân, và không quên vốc nắm vôi bột rắc một vòng quanh chân nêu. Nội bảo với con cháu rằng, có “bảo bối” này rồi lũ quỷ sẽ không còn dám bén mảng tới đây quấy nhiễu nữa.
Ảnh: pixabay.com
Cây nêu trong trí tưởng tượng của lũ trẻ bỗng hiện lên sinh động trước mắt. Với tất cả tâm niệm trịnh trọng gọi nó là “cây thần”. Cây thần uy nghi chĩa thẳng mũi liềm. Những chiếc khánh đất bắt đầu đón gió, chạm vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng, leng keng vui tai. Trong thời khắc nổi nêu trẻ nhỏ háo hức đã đành nhưng người lớn cũng không giấu được niềm vui. Cảm giác được che chở, an yên dâng ngập hồn người.
Ảnh: pixabay.com
Song, cùng với tốc độ phát triển của “nông thôn mới”, lũy tre làng cứ thưa thớt dần.
Những bức tường xây, những công trình bê tông cốt thép mọc lên san sát không còn đủ chỗ cho tre nữa. Người ta đốn chặt tre để thay vào đó những loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Những vật dụng thân thuộc bằng tre bao đời nay gắn bó lại được thay thế bằng đủ loại chất liệu tiện lợi như nhôm, nhựa, inox…
Rồi đây, không xa nữa, các thế hệ con cháu của chúng ta có lẽ sẽ chỉ còn nhìn thấy hình ảnh của tre qua những lời kể, những trang sách báo, hay những thước phim tư liệu mà thôi!
Thương bóng tre làng
Bóng tre làng ngày xưa
Che tuổi thơ mát rượi
Để lại niềm tiếc nuối
Khi người ta trưởng thành
Ngày tháng đi qua nhanh
Dòng thời gian hối hả
Thế giới to rộng quá
Đời cũng nhiều đổi thay
Làm thân cánh vạc bay
Lạc loài nơi phố thị
Đêm từng đêm mộng mị
Ngày qua ngày bon chen
Những phận người lạ quen
Quay trong vòng cơm áo
Hơn nửa đời dông bão
Kiếp nhân sinh xô bồ
Về quê giờ như phố
Đường nắng lóa bê-tông
Bước chân nghe lạc lõng
Vấp gốc tre, ngỡ ngàng
Thương quá bóng tre làng
Mát rượi vùng ký ức
Kỷ niệm tràn rạo rực
Tuổi thơ ơi! Ngày xưa…
Cho tôi xin giấc mộng bình thường
Bên lũy tre làng đẫm gió sương
Gà gáy gọi bình minh thức giấc
Hai thôn trai gái bước vang đường
Cho tôi xin tiếng hát nằm nôi
Nhịp võng đong đưa giấc mộng đời
Hơi ấm ca dao lời cuốc gọi
Ru hời …tình Mẹ mãi đầy vơi
Cho tôi xin giấc mộng quê hương
Ngọn cỏ, bờ đê lúa trổ đồng
Bên Mẹ nồi cơm thơm gạo mới
Ngọt ngào tình nước mãi mênh mông …
Giọt nắng hôm nay tựa lá vàng
Thu về sao thấy nhớ miên man
Nhớ về thu nào nơi xa ấy
Nhớ nhiều chiếc áo ấm mẹ đan.
Giọt nắng nép sau luỹ tre làng
Bỗng đâu tiếng sáo lại âm vang
Cánh diều bay cao cùng năm tháng
Hoà lẫn tiếng chim hót rộn ràng .
Giọt nắng ơi sao lại đến vội vàng
Để rồi nghe tiếng gió thở than
Mơ về đất mẹ cùng năm tháng
Tuổi thơ cùng tiếng hát ngân vang .
Về nương dưới lũy tre làng
Vọng ru tiếng võng vắt ngang trưa hồng
Về ươm vuông đất cha ông
Bao đời chiu chắt nên bông lúa vàng
Về chiêm ngưỡng ngôi chùa làng
Ngàn năm hưng thịnh bình an tốt lành
Về chăm mái ấm gia đình
Yêu thương ấp ủ yêu thương cuộc đời
Hoàng hôn thêm đẹp khung trời
Về say con chữ dệt lời thơ yêu.
Di Hân – Hà Phương
__._,_.___
Posted by: tuyen vu <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
• | This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. | • | This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. | • | Start a new topic | • | Messages in this topic (1) |
Welcome to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Muon ghi ten gia nhap, click:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
CHU TRUONG CUA DIEN DAN:
1. Trao doi kinh nghiem song vui, thong tin huu ich
2. Giu gin khong khi an vui - hoa nha - tuong kinh
Tran trong,
Ton Nu Thuy Huong
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Moderator
Hơn 2000 năm trước, xứ Judea của người Do Thái nằm dưới sự cai trị của một vị tiểu vương tên là Herod đệ nhất hay Herod Cả. Herod Cả chịu trách nhiệm trước hoàng đế Augustus của La Mã, nghĩa là người Do Thái giờ đây thuộc sự cai trị của chính quyền La Mã.
Và thế là, người Do Thái trong muôn vàn đau khổ của những người bị ngoại bang áp bức, vẫn một lòng ngóng trông Đấng Cứu Độ sẽ đến giải thoát cho mình. Ngài là vị vua chân chính của người Do Thái, là Đức Christ (Ki Tô) – Đấng Cứu Thế – Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, như lời các ngôn sứ xa xưa đã từng nhắc đến.
Lúc ấy ở thành Nazareth, tại một vùng đất ven hồ gọi là Galilea phía bắc tỉnh Judea có một trinh nữ tên là Mary, bà đã đính hôn với một người thợ mộc tên là Joseph. Cả hai người đều là dòng dõi của vua David, vị vua vĩ đại của người Do Thái, cũng là hậu duệ của tổ phụ Abraham.
Bỗng một hôm, trước mặt Mary xuất hiện một vị khách đến từ hư không, ngài tự xưng mình là thiên sứ Gabriel. Ngài nói: “Đừng sợ, Mary. Bà là người được ân phúc hơn mọi người nữ. Vì vậy, bà sẽ được ban cho một đứa con trai tên Jesus. Ngài sẽ cao cả và được gọi là Con của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ cho ngài ngai vàng của David tổ tiên ngài. Ngài sẽ trị vì nhà của Israel tới muôn đời và vương quốc của ngài sẽ vô tận”.
Mary hết sức bối rối vì ngày hôn lễ của bà với Joseph vẫn còn rất xa và ông ấy chỉ là một thợ mộc, làm sao con họ có thể trở thành một vị vua của dân Do Thái. Nhưng thiên sứ Gabriel nói với bà rằng: người con trai bà sinh ra sẽ là con Thiên Chúa. Và với Thiên Chúa thì không gì là không thể được. Nghe vậy, Mary tin tưởng và sẵn lòng để mọi việc xảy ra theo ý của Thiên Chúa.
Mary đã kể hết mọi chuyện cho Joseph, chồng chưa cưới của bà, lúc đó bà cũng bắt đầu mang thai dù bà vẫn là trinh nữ và chưa thành hôn. Joseph là một người tốt và công chính, ông hết sức băn khoăn và đã tính đến chuyện rút lui khỏi mối quan hệ với Mary. Nhưng đang khi ông ngẫm nghĩ về việc ấy, thì trong một giấc mộng, Thiên sứ của Thiên Chúa hiện đến với ông và phán rằng: “Hỡi Joseph, con cháu David, ngươi chớ ngại mà tiếp nhận Mary, vợ của ngươi; vì thai ở trong nàng là bởi thánh linh. Nàng sẽ sinh một trai, ngươi hãy gọi tên Ngài là Jesus; vì Ngài sẽ cứu dân của Ngài ra khỏi những tội lỗi của họ. [Jesus có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi].”
Joseph tỉnh dậy, đã xóa sạch những lo ngại, ông tươi tỉnh và chẳng bao lâu ông thành hôn với Mary. Họ sống chung tại Nazareth. Nhưng trước sau, Mary vẫn là một cô gái đồng trinh.
Một ngày, hai vợ chồng Joseph và Mary phải lên đường về bản quán Bethlehem như bao nhiêu người Do Thái khác do hoàng đế La Mã Augustus đã ra lệnh họ phải ghi tên mình vào danh sách đóng thuế của tổ tiên. Mary sắp đến kỳ sinh nở, do vậy chuyến đi có khoảng cách 110 km từ Nazareth tới Bethlehem đối với họ trở nên hết sức khó nhọc. Vậy mà Mary không có lấy một lời phàn nàn. Đến nơi thì các quán trọ đã trở nên chật ních, chẳng ai thèm ngó ngàng tới cảnh ngộ của hai vợ chồng sản phụ Mary.
Do vậy, Joseph đã phải đưa vợ mình vào nghỉ ở một chuồng gia súc. Ông kiếm một cái máng gỗ đựng thức ăn của súc vật, chùi thật sạch và lót cỏ khô vào đó để biến nó thành một cái nôi cho Jesus. Và Đức Chúa Jesus đã ra đời như thế.
Đức Chúa Jesus ra đời.Khi Đức Chúa Jesus ra đời, cả thị trấn đang say giấc nồng. Đêm ấy thật yên ả và lại sáng sủa, bầu trời không mây, rải rác có những vì sao chiếu ánh sáng huyền ảo xuống những đàn súc vật đang say ngủ tại Bethlehem. Trên đồng cỏ chỉ có những người chăn cừu là còn thức. Bỗng có một ánh sáng chói lòa và mỹ diệu tỏa khắp bầu trời, một Thiên sứ xuất hiện phía trên họ trong vinh quang rực rỡ và cao giọng phán bảo cho những mục tử đang run rẩy quỳ xuống:
“Chớ sợ! Này đây, ta mang tới cho anh em tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho muôn dân. Hôm nay, trong thành David, đã ra đời cho mọi người Đấng Cứu Độ, Ngài là Chúa Christ. Và đây là dấu hiệu tỏ ra cho anh em: anh em sẽ tìm thấy một hài nhi mình quấn tã lót, nằm trong máng cỏ”.
Ánh sáng từ Trời tuôn xuống càng rực rỡ hơn và đột nhiên xuất hiện những sinh mệnh siêu phàm với hào quang chiếu rọi khắp nơi. Họ cùng cất cao tiếng hát ca ngợi Thiên Chúa:
“Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm, và dưới đất bình an thiện chí cho loài người Chúa thương”.
Rồi toàn bộ khung cảnh thù thắng ấy dần dần biến mất để lại các mục tử trong lòng hết sức chấn động, ngẩn ngơ. Họ bảo nhau cùng tới Bethlehem và tìm thấy Chúa hài đồng trên máng cỏ trong một chuồng gia súc. Họ kể lại cho Mary và Joseph mọi sự họ đã gặp trên cánh đồng. Ra về, lòng họ vẫn còn náo nức, gặp ai họ cũng kể về sự lạ họ đã thấy đêm đó. Đồng thời các mục tử khi về lại với bầy cừu của mình họ cũng hết sức vinh danh và ca ngợi Thiên Chúa đã gửi tới cho họ Đấng Cứu Độ, tức Đức Chúa Christ.
Còn Mary thì giữ kín trong lòng mọi sự bà biết, bà nghe và thấy. Vào ngày thứ tám sau khi đứa trẻ ra đời, hai vợ chồng Mary và Joseph đưa cậu bé đi làm lễ thánh hóa và đặt tên cho cậu là Jesus, cái tên có ý nghĩa “cứu độ”.
Khi Jesus ra đời ở Bethlehem xứ Judea thì ở phương Đông, có ba nhà thông thái biết xem chiêm tinh đã nhìn thấy một ngôi sao mới rực rỡ xuất hiện trên bầu trời, vạch một đường sáng qua vòm trời hướng tới vương quốc Judea và mất dạng khỏi tầm nhìn.
Vốn là các nhà thông thái, họ biết ngôi sao ấy liên quan đến lời tiên tri được lưu truyền trong dân tộc Do Thái từ những ngày xa xưa về sự xuất hiện của một vị vua mới và vĩ đại của người Do Thái sẽ cứu rỗi dân tộc này.
Thế rồi, họ chất lên lưng lạc đà các quà tặng cho hài nhi ấy và khởi hành một chuyến hành trình dài. Vì Jerusalem là kinh đô thiêng liêng của người Do Thái, nên các nhà thông thái đã đi tới đó, hy vọng tìm thấy Đức Vua Do Thái mới ở một cung điện nào đó tại Jerusalem. Nhưng không có ai như thế cả.
Tuy vậy, tin đồn về chuyến viếng thăm nhà vua Do Thái mới của ba vị thông thái đã đến tai Herod Cả khiến ông ta hết sức lo lắng cho vương quyền của mình. Ông ta triệu tập các tư tế và kinh sư, những người ghi chép và diễn giải lời dạy của tiền nhân. Họ cho ông ta biết rằng Đức Christ, vị vua mới của Israel sẽ ra đời tại Bethlehem vùng Judea theo lời của các ngôn sứ xưa kia.
Sau đó, Herod kín đáo gọi ba nhà thông thái đến. Herod hỏi họ về thời điểm xuất hiện ngôi sao trên bầu trời phương Đông. Họ cho ông ta biết. Nhưng đến câu hỏi ranh ma tiếp theo của vua Herod: “Hiện giờ ngôi sao ấy ở đâu?” thì họ thành thực trả lời là họ không biết.
“Vậy hãy đi Bethlehem, vì theo lời các kinh sư thì có thể tìm thấy hài nhi ở đó. Nhưng khi các ngài tìm thấy hài nhi thì hãy quay lại đây cho ta biết để ta cũng đi bái lạy”. Herod nói.
Khi các nhà thông thái tới Bethlehem họ vui mừng thấy ngôi sao lúc trước lại xuất hiện đằng trước họ. Và khi nó dừng lại trên một ngôi nhà đơn sơ thì họ bước vào ngôi nhà ấy. Họ hết sức vui mừng thấy cậu bé đang nằm trên tay Mary và bên cạnh là người thợ mộc Joseph. Ba nhà thông thái đã quỳ xuống thật thấp bái lạy Đức Chúa hài đồng vì họ biết sau này cậu không chỉ là Vua mà còn là một Đấng Cứu Thế. Họ mở túi xách và rương hòm để biếu Jesus các tặng phẩm quý giá tương xứng với một đế vương: vàng tiêu biểu cho sự giàu sang trần thế; nhũ hương và mộc dược tiêu biểu cho lễ vật hiến dâng Thiên Chúa trên trời và còn rất nhiều các phẩm vật quý giá khác nữa.
Ba nhà thông thái đã quỳ xuống thật thấp bái lạy Đức Chúa hài đồng.Sau đó, các nhà thông thái nghĩ đến việc quay trở lại Jerusalem để báo với vua Herod về nơi có thể tìm thấy hài nhi phi thường này. Nhưng đêm đó, mỗi người mơ thấy một giấc mộng như nhau. Trong giấc mộng đó, Thiên sứ của Thiên Chúa cảnh báo họ đừng báo cho Herod biết tin này. Do đó, họ rời Bethlehem và đi một đường vòng, tránh Jerusalem, để về lại xứ sở của mình.
Các nhà thông thái lên đường chưa bao lâu thì Thiên sứ cũng báo mộng cho Joseph. Thiên sứ nói: “Hãy thức dậy, hãy mang hài nhi và mẹ ngài trốn sang Ai Cập vì vua Herod sắp tìm đến giết ngài”.
Joseph lập tức tỉnh dậy và mang Mary và Jesus rời đi Ai Cập đêm ấy.
Còn Herod chờ mãi không thấy ba nhà thông thái quay lại. Sau cùng ông nghe nói họ đã về lại xứ sở của họ mà không đến gặp ông. Herod nổi giận lôi đình và cảm thấy lời phán truyền của các ngôn sứ có thể ứng nghiệm. Để loại trừ nguy cơ bị thay thế bởi vị vua mới, ông ta ra lệnh cho quân lính tìm và giết sạch những bé trai dưới hai tuổi tại Bethlehem.
Thế là một cuộc tắm máu những đứa trẻ đã diễn ra sau mệnh lệnh của nhà vua bạo tàn. Khắp Bethlehem vang lên những tiếng than khóc đau đớn và ai oán. Một bầu không khí tang tóc bao trùm đất Bethlehem vốn yên bình.
Trong khi ấy, Đức Chúa Jesus đã an toàn ở đất Ai Cập cùng với cha mẹ ngài, Joseph và Mary.
….
Từ Adam đến Noah tới Abraham rồi đến David, tiên tri Elijah, rồi đến Jesus… tộc người Do Thái, hậu duệ của những người được tạo ra bởi Thiên Chúa đã đi từ thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác, khi thì vinh quang rực rỡ, lúc lại trong nhục nhằn lao khổ. Nhưng mỗi khi lầm than, từ trong lòng dân tộc ấy lại sinh xuất một vị cứu tinh.
Khi lụt hồng thủy xảy ra có Noah gây dựng lại giống người Do Thái. Khi Dân Do Thái rên xiết dưới ách cai trị tàn bạo của người Ai Cập, họ có Moses dẫn họ vượt Biển Đỏ trở lại vùng đất hứa của sữa và mật ong. Khi họ bị người Philistine xâm lăng, Samson và David đã cứu họ. Và giờ đây, người Do Thái lại một lần nữa trông chờ vị cứu tinh đã được đề cập tới trong những lời phán truyền xa xưa của các ngôn sứ để cứu rỗi họ.
Tuy vậy, chẳng ai có thể ngờ rằng Đức Vua mới, Đấng Cứu Độ của người Do Thái, thậm chí là Đấng Cứu Thế của loài người lại có một xuất thân hết sức bình dân. Ngài làm con của một người thợ mộc, một người tốt và công chính, nhưng chẳng có quyền lực hay của cải gì đặng giúp Ngài lên ngôi vua. Ngài không sinh ra trong nhung lụa, nơi cung điện nguy nga mà lại ra đời trong một chuồng gia súc, nằm trên một cái máng ăn của lừa. Khi Ngài được sinh ra, cả nước chẳng nín thở mong chờ, chẳng có các đại thần tung hô vạn tuế. Ngoài cha mẹ Ngài, chỉ có những chú cừu, chú lừa hiền lành chứng kiến mà thôi. Nhưng, đấy là ý của Thiên Chúa mà con người ở cảnh giới tư duy của người thường sẽ không sao hiểu được.
Đến cả những nhà thông thái phương Đông cũng nghĩ rằng phải tìm Ngài ở cung vàng điện ngọc nơi kinh đô Jerusalem sầm uất. Đó là Đức Vua mới, là Đấng Cứu Độ cơ mà, nào ai nghĩ một vị cứu tinh cao cả của nhân loại lại ra đời ở một nơi bình dị như vậy.
Ấy cũng là sắp xếp của Thiên Chúa để sau này thử thách những người có đức tin mạnh mẽ, có lòng nhiệt tâm cầu đạo. Nếu họ qua lời tuyên giảng, qua tin mừng mà Chúa Jesus mang tới, qua những việc tốt lành mà Ngài làm cho con người mà họ sẵn lòng tin vào Chúa Jesus, đi theo Ngài bất chấp xuất thân bình dân của Ngài thì họ mới xứng đáng được ban ơn qua Đức Jesus mà vào đến nước Trời của Thiên Chúa.
Sau này, ngày sinh của Chúa Jesus được người Công Giáo gọi là Lễ Giáng Sinh hay lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Nó còn có những tên gọi khác là Noel, Christmas hay X’mas. Trong tiếng Pháp, Noël là từ viết tắt của Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Christ có nghĩa là “Đấng chịu xức dầu”, là tước vị của Đức Chúa Jesus. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (Thánh lễ). Do vậy, Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Jesus.
Nếu Phật Giáo có ngày 8/4 âm lịch là ngày sinh nhật hay đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì Cơ Đốc Giáo có đêm 24, ngày 25 là ngày sinh nhật hay ngày Giáng Sinh của Đức Chúa Jesus. Theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm nên Noel thường được mừng từ tối ngày 24/12. Ngày 25/12 được gọi là “Lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 gọi là “Lễ Vọng”.
Và Chúa Jesus, Đức Phật Thích Ca hay các Đại Giác Giả khác, với uy đức và những phẩm chất cao thượng vượt hẳn người thường, các Ngài luôn luôn có một sức thuyết phục bẩm sinh đối với dân chúng. Vì vậy điều này bao giờ cũng là mối lo ngại và ghen tị của các chính quyền thế tục đương đại. Nhưng cuối cùng, những điều mà các Ngài rao truyền là Chính Đạo có sức sống lâu dài, được loài người đón nhận và tôn vinh; trong khi thân xác của các bạo chúa vô minh, vô Đạo đã tan nát từ lâu và tên tuổi của họ bị đời đời nguyền rủa.
Chúng ta không biết chi tiết tất cả những vật phẩm mà ba nhà thông thái đã mang từ phương Đông xa xôi tới để dâng tặng lên Chúa hài đồng, nhưng từ tích đó mà sau này có tục tặng quà Giáng Sinh trong dân gian, với những món quà hết sức phong phú. Vì ngày Chúa ra đời là ngày mà Ngài mang tin mừng đến với thế gian, rằng con người sẽ được cứu rỗi.
Trong ngày Lễ Vọng hàng năm, người phương Tây lại hát lên khúc thánh ca “Veni Veni Emmanuel” để cùng sống lại thời khắc đáng mong chờ nhất trong lịch sử: Ngày Chúa hài đồng sắp ra đời:
Bình Nguyên