1. Hôn Nhân & Gia Đình

BÀI 1: THIÊN CHÚA ĐÃ THIẾT LẬP HÔN NHÂN

1 - Định nghĩa

a/ Hôn nhân là hình ảnh tình ỵêu Thiên Chúa:

 Kinh Thánh nói: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4, 7-8) 

b/ Hôn nhân là cộng tác với Thiên Chúa:

Cộng tác vì trong công trình sáng tạo con người của Ngài, vì sinh sản, nuôi dữong và giáo dục: Lời Chúa nói “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thông trị mặt đất…con người ớ một mình không tốt, Ta sẽ dựng chó một người tương xứng với nó. Bởi thế, người đàn ông lìa bỏ cha mẹ mình và gắn bó với vợ và cả hai thành một xương một thịt. (St 1, 28; 2, 18 & 27) 

c/ Hôn nhân là sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội thánh:

Nói lên sự khăng khít lâu dài : “Ngượi vợ hãy hợp ý với chồng như tuân phục Chúa. Người chồng hãy thương vợ như chính Đức Kitô và hy sinh mình vì Hội Thánh. Cũng thế, vợ phải yêu thương vợ như chính bản thân mình. (Êp 5, 22, 25 & 28)

 

2 - Những yếu tố căn bản của Hôn nhân :

Tình yêu Hôn nhân gồm 2 yếu tố là thể xác và tâm linh :

a/ Thể xác có sức thu hút nhau, muốn gần gũi nhau để tạo thành sự sống.

b/ Tâm linh : Tự do lựa chọn có ý thức, biến sự thu hút của thể xác thành tình yêu, hiệp thông sâu xa giữa vợ chồng.

 

3 - Những đặc tính của Hôn nhân :

a/ Sinh sản : Tình yêu vợ chống hướng về sinh sản là chính, sau là xây dựng Gia đình và giáo dục con cái. Đó là hạnh phúc mong đợi.

b/ Chung thủy : Muốn được hạnh phúc cho mình và con cái, vợ chồng cần chung thủy với nhau cho đến chết, không gián đọan và chia cắt.

c/ Trọn vẹn : Vợ chồng chia sẻ cho nhau tất cả cuộc đời, không tính tóan, ích kỷ, khi vui vũng như lúc buồn, luôn an ủi và nâng đỡ nhau.

 

4 - Công Đồng Vatican 2 về Hôn nhân :

a/ Công Đồng nói: “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống thân mật và cho tình yêu vợ chồng. Nó được xây dựng trong Giao Ước Hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. (HN &GĐ số 48) 

 b/ Hôn nhân tự bản tính quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái là  ân huệ cao qúy nhất của Hôn nhân và Hạnh phúc của Cha Mẹ. (HN & GĐ số  50) 

c/ Gia đình là một trường học phát triển nhân tính, muốn trọn vẹn và chu tòan và chu tòan sứ mệnh, cần biết hòa hợp tâm hồn. Vợ chồng  cùng bàn định và ân cần cộng tác giáo dục cái. HN & GĐ số 52)

 

  Qua sự trình bày trên về bài này: “Thiên Chúa đã thiệt Hôn nhân và Gia đình”, tôi ước ao các khóa học về Hôn nhân hãy đào thật sâu, học thật sát bài này. Các anh chị em đã có gia đình rồi cũng năng đọc lại bài này xem mình có thi hành đúng không, các vị có trách nhiệm giảng cũng nên chia sẻ thật kỹ về bài này.

 

Ptế JB. Maria Định Nguyễn

NIỀM HY VỌNG

Biển kia có lúc sóng gào

Hôn nhân chao đảo lúc nào không hay

Nguyện cầu ơn Chúa đổi thay

Niềm tin hy vọng chung tay vợ chồng.

 

        Chị lầm lũi đi dưới cơn mưa chiều đang tầm tã rơi nặng hạt với cái đầu trần, chân không giày dép, bộ áo hoa li ti màu sẫm ướt đẫm nước mưa dính chặt co rúm vào người và chảy nước ròng ròng theo những hạt mưa rơi, mái tóc chị buông xả rối bời cũng bị ướt sũng như người đang tắm dưới mưa. Bước chân chị vẫn đều đặn bước đi ngoài đường mà không chịu ghé vào mái hiên nào để trú mưa, chị cứ thất thểu bước lảo đảo như một kẻ vô hồn…, rồi khi cơn mưa gần tạnh, lúc đó có lẽ vì quá lạnh chị mới chợt giật mình, run rảy và vội vã chạy nhanh vào một con hẻm nhỏ có ngôi nhà của chị nằm sâu hút tận cuối ngõ.

       Từ lúc nào không biết, bạn bè bỗng chốc ngạc nhiên khi thấy chị trước đây từng là một phụ nữ rất mạnh mẽ và năng động sinh hoạt trong hội đoàn giáo xứ, giờ lại ra như một “ Pho tượng đá” lặng lẽ ít nói thật khó hiểu…, người ta thường thấy chị sau giờ Lễ cứ ngồi thinh lặng hằng giờ trong nhà thờ, đôi lúc có những giòng nước mắt tuôn trào chảy ướt cả khuôn mặt hiền lành phúc hậu ấy.

          Ngày kia, một người bạn thân của chị trước đó, không chịu nổi thái độ thay đổi lạ thường của chị từ mấy tháng nay, đã trực tiếp chặn đường về và bắt ép chị phải “ Bật mí ” nguyên do khiến chị biến thành ra con người khác như thế này. Thật lạ khi cô bạn gặng hỏi mãi mà chị chỉ lắc đầu, cô bạn bực mình quá nên thốt nặng lời:

  • Mày không chịu nói gì thì chấm dứt tình bạn từ đây nhé!

     Nghe câu nói ấy,  chị bỗng khóc nức nở, tựa đầu vào vai bạn mà khóc thành tiếng như một trẻ thơ, cô bạn động lòng thấy xúc động đưa tay vỗ nhẹ vào lưng chị và lấy khăn giấy từ túi ra chậm nước mắt cho chị, cô không nỡ hỏi thêm điều gì vào lúc này nữa, thiết nghĩ là phải đợi cơ hội thuận tiện khác mới dám ngỏ lời…

       Thế nhưng, sau vài phút khóc đã đời như xả được stress trên vai bạn mình, chị đã mời bạn ghé vào công viên gần đó ngồi uống nước và từ từ lấy lại bình tĩnh, chị bắt đầu tâm sự:

“ Bồ cũng là một người vợ, người mẹ trong gia đình như mình, nhưng không biết bồ có gặp trường hợp oái oăm như mình không!? Ông xã mình vốn dĩ đạo gốc từ thời ông bà cha mẹ tới giờ, ấy thế nhưng mấy năm gần đây ông nguội lạnh trở chứng lắm…, thấy mình siêng năng đi lễ cầu nguyện và sinh hoạt trong hội đoàn, ổng tỏ vẻ khó chịu và trì chiết …, kiếm đủ cớ để gây chuyện với mình và cả những người liên quan trong hội, nói chung là ổng thể hiện cái tính gia trưởng mỗi ngày thêm khủng khiếp dữ lắm, động tí là hằn học chửi rủa, hù dọa nộp đơn ly dị ra phường với nguyên do lãng nhách “ khắc khẩu, không cùng quan điểm sống”. Thiệt lòng nếu như mình chẳng phải là người Công giáo giữ Lời Chúa dạy, thì chắc đã chấm dứt từ lâu với ổng rồi, nhiều lúc chán nản đến cực độ…! ”.

     Cô bạn chỉ biết ngồi im lặng lắng nghe chị trút bầu tâm sự, sau vài phút dứt lời qua ánh mắt nặng trĩu u sầu của chị, cô chậm rãi chia sẻ:

“ Tui cũng không khá hơn hoàn cảnh của cậu đâu! Lão nhà tui cũng gần gần như bên nhà cậu thôi, nhưng cậu biết sao mà tui vẫn luôn sống lạc quan yêu đời, yêu Chúa và yêu mọi người không? Cứ mặc kệ lão lắm lời xỉa xói…, tui giả câm giả điếc chẳng thèm đôi co lý luận với lão chi cho mệt, tui chỉ cần chu toàn hết trách nhiệm của mình trong gia đình, mấy đứa con được chăm sóc giáo dục chu đáo là tui thấy nhẹ lòng, hổng thèm đá động chuyện chi tới lão rồi cũng yên.”

       Chị gật gật đầu rồi ra vẻ ngại ngùng nhưng vẫn lên tiếng:

“ Nhưng còn chuyện phòng the thì sao? Chỉ chợt nhớ mấy câu chửi rủa lỗ mãng của ổng là không còn chút cảm xúc nào để đáp ứng một tên gia trưởng như thế…”.

        Cô bạn cũng gật đầu tâm sự:

“ Thôi thì cứ ráng chiều ý lão cho qua chuyện, như có Lời Chúa nói: “ là vợ thì hãy phục tùng chồng”, mặc dù mình không được chồng thương yêu tôn trọng như thuở ban đầu nữa, nhưng nếu trốn tránh chuyện này e rằng lão ra ngoài ăn vụng thì mình còn bị vạ lây ấy chứ, tội với Chúa với gia đình, còn là mắc bệnh xã hội…đủ thứ tội từ trong nhà ra tới ngoài ngõ. Thôi đơn giản là cứ ráng hy sinh cầu nguyện như Thánh Nữ Monica, rồi từ từ Chúa sẽ cảm hóa…”.

       Đôi bạn hiền mẫu đồng tâm nhất trí với nhau về cách sống mới trong mỗi gia đình của mình, cùng an ủi sẻ chia vơi bớt nỗi sầu trong lòng chị, cùng nhau hướng về Mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tâm hồn chị đã thấy bình an êm ái, trên đôi môi khô héo đã chợt nở được nụ cười tươi thắm, từ nay chị sẽ bước đi vững vàng trên đôi chân của chính mình, bởi chị đã tin rằng có Chuá luôn đồng hành, và Đức Mẹ hằng cứu giúp chở che mọi ngày trong suốt cuộc hôn nhân đã có lời thề chung thủy mãi bên nhau. Chị hy vọng vào ngày mai tươi sáng an vui sẽ về với gia đình mình.

Niềm tin hy vọng là đây

Dẫu phong ba bão táp mây mịt mù

Trải qua giai đoạn ngục tù

Niềm tin hy vọng sương mù sẽ qua.

 

BCT

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - PHONG TỤCTẾT

 
 
 

 

Phong tục Tết của người Việt: Tục sum họp ngày Tết & Tục thờ cúng tổ tiên
Michel Nguyễn Hạnh, Nhóm Lasan 100
Chính đán tiết hay Tết nguyên đán của người Việt ảnh hưởng của người Trung Hoa. Điều này không thể tránh khỏi khi người Việt bị bốn lần Bắc thuộc trong gần 1.000 năm (lần 1: 207TCN-40, nhà Triệu; lần 2: 43-541, nhà Hán; lần 3: 602-905, nhà Tùy; lần 4: 1407-1427, nhà Minh). Do vậy, phong tục Tết nguyên đán của người Việt bị ảnh hưởng không nhỏ bởi phong tục phương Bắc. Thế nhưng nhờ lũy tre làng, nhà văn hóa làng xã mà người Việt vẫn giữ được nét riêng của mình. Tết của người Việt gọi là lễ hội, được chia ra hai phần rõ ràng: lễ (nghi thức, tục lệ), hội (vui chơi).
Vậy đâu là bản sắc riêng của người Việt trong phong tục ngày Tết?
Tetgd Tục xum họp ngày Tết
Chữ Nôm森 (bộ mộc木) mượn từ sâm (sēn) của Hán, đọc là xum hay sum, với nghĩa là: 1. cây cối rậm rạp. ‖ 2. cảnh ấm cúng quây quần bên người thân.
Cũng như người Hoa, tết âm lịch của người Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp và chấm dứt vào ngày mồng 7 tháng giêng, nên còn gọi là ngày 23 tết. Ngày xưa, người Việt lấy nông nghiệp làm gốc, bởi thế mới có câu ca: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Gần cuối tháng chạp, người dân cho thu vén công việc để có thể thảnh thơi họp mặt gia đình đón tết. Vì vậy, “Dưa gang một, chạp thì trồng. / Chiêm cấy trước tết thì lòng đỡ lo / Tháng hai đi tậu trâu bò / Cày đất cho ải mạ mùa ta gieo”. Câu ca dao (cd.) cho thấy vào tháng chạp, nông dân do cấy trồng lúa, dưa để thu hoạch vào vụ chiêm (thu hoạch vào mùa hè). Với việc lo liệu như thế, tháng giêng chính là lúc nông nhàn – Tháng giêng ăn Tết ở nhà. / Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm… (cd.). Người Việt thường thăm hỏi nhau, đi lễ chùa vào tháng giêng.
Tục thờ cúng tổ tiên
Từ ngày 23 tết cho đến sáng 30 tết, con cháu tề tựu về gia đình và chia nhau quét dọn mồ mả, chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, để trưa 30 tết thắp nhang mời vong linh tổ tiên về ăn tết với con cháu. Việc dọn dẹp mồ mả phải được chuẩn bị trước trưa 30 tết, vì trong ba ngày tết sẽ mắc vào những điều kiêng cữ, ví dụ có người đàn bà góa ca cẩm than phiền hàng xóm vì sự chểnh mảng và không biết giữ ý của mình: Xóm mần răng, xóm mần ri / Ở chi quá tệ! / Ba mươi mồng một Tết, tôi mượn cái cuốc giẫy mả chồng không cho / Hai tay bụm đất đắp mồ / Lòng sầu dạ thảm biết thuở mô gặp chàng? (cd.)
Mồng một Tết là ngày con cháu cúng tổ tiên đầu năm. Lệ ấy được thể hiện qua câu ca dao sau: – Chiều ba mươi anh không đi Tết / Rạng ngày mồng một, anh không đi đến lạy bàn thờ / Hiếu trung mô nữa mà bảo em chờ uổng công / – Hôm ba mươi anh mắc lo việc họ / Sáng mồng một anh bận lo việc làng / Ông bà bên anh cũng bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi! (cd.)
Tâm thức thờ kính tổ tiên của người xưa
cung-ong-ba
Người xưa tin linh hồn không mất đi, khi lìa khỏi xác vẫn hoạt động để trợ giúp hay đối nghịch lại với người sống. Linh hồn của người chết vẫn có những nhu cầu như khi còn sống. Vì vậy, họ cần được tôn kính và săn sóc cẩn thận qua việc cúng tế để khi nhận lễ vật, các hồn sung sướng và có thiện cảm với người dâng cúng, ban cho họ những ơn huệ. Từ đó cảm thấy giao cảm được cùng cõi nhân sinh khi thờ cúng các vong hồn, thờ kính tổ tiên và tôn thờ các danh nhân. Trong nghi thức tế lễ tổ tiên hay vong hồn, lễ vật là tam sênh (đọc theo âm Bắc Kinh của từ sinh – shēng) gồm: hột vịt luộc, tôm luộc, heo luộc.
Tổ tiên thường được xác định đến mức bốn đời hay nhiều hơn nữa. Bởi vậy, nơi một số các đình đền hay gia đình người Việt có khám thờ hay bàn thờ CỬU HUYỀN THẤT TỔ 九玄七祖 – chín đời cháu và bảy đời tổ tiên. Trong đó:
– CỬU HUYỀN: Kỷ己 (bản thân) là một đời, lên trên bốn đời và xuống dưới bốn đời. Tính từ dưới lên trên như sau: huyền tôn玄孫 (chít, cháu sơ), tằng tôn曾孫 (chắt, cháu cố), tôn孫 (cháu nội), tử 子(con trai), kỷ己 (chính mình), phụ 父 (cha), tổ phụ 祖父 (ông nội), tằng tổ 曾祖 (ông cố), cao tổ 高祖 (ông sơ). Theo quan niệm này, mình (kỷ) đã vay công ơn của bốn đời trên thì sẽ trả lại cho bốn đời con cháu sau này.
– THẤT TỔ: bảy đời tính từ dưới lên trên: phụ 父 (cha – nhứt tổ), tổ phụ 祖父 (ông nội – nhị tổ), tằng tổ 曾祖 (ông cố – tam tổ), cao tổ 高祖 (ông sơ – từ tổ), tiên tổ 先祖 (ngũ tổ), viễn tổ 遠祖 (lục tổ), thỉ tổ 始祖 (thất tổ). Từ quan niệm này, thờ cha mẹ đến thất tổ rồi cũng mở rộng đến tổ tiên của dân tộc là các vua Hùng (giỗ của các vua Hùng nay là quốc giỗ – ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Người Việt Nam lấy đạo hiếu làm trọng. Trong đó, con cháu nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên và hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng khi các ngài còn sống; khi các ngài đã qua đời, việc thờ kính để tưởng nhớ tổ tiên đồng thời dâng hiến lễ vật để các ngài hưởng dùng.
 
--------------------------------------------------------
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH - TS TRẦN MỸ DUYỆT

  •  
    Sat, Jan 14 at 5:11 PM
     
     

    GÓC TỐI CỦA NHỮNG ỨNG DỤNG HẸN HÒ TRÊN MẠNG

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Bạn tôi gặp gỡ, quen nhau, hẹn hò và cưới một người con gái qua những ứng dụng hẹn hò trên internet. Hai người đã trao lời thề ước, đã tổ chức lễ cưới ở nhà thờ, và tiệc cưới long trọng tại nhà hàng. Ban đầu họ sống hạnh phúc và đã có với nhau hai đứa con, nhưng sau đó lại ly dị với lý do có những bất đồng không thể giải quyết (the irresponsibility differences).

    Người bạn thứ hai của tôi về thăm quê hương. Trong một lần đi uống cà phê với bạn bè, anh bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Về Hoa Kỳ một thời gian, anh quay trở lại tổ chức đám cưới với người yêu rồi đưa nàng qua Mỹ. Hai người cũng có với nhau hai con, một trai và một gái. Hạnh phúc không lâu, vợ anh nhất định đưa anh ra tòa ly dị. Nàng ly dị đơn phương, vì nàng đã có người thứ ba.

    Và người bạn thứ ba của tôi đã gặp người yêu của anh trên đất Mỹ. Hai người đã có một thời gian hẹn hò rất tình tứ, lãng mạn và hạnh phúc. Họ đã đến với nhau bằng nghi lễ tại thánh đường, và tổ chức đám cưới rất linh đình. Cả hai cũng có với nhau hai con trai, nhưng rồi nàng vẫn đơn phương ly dị anh. Lý do vì nàng đã có con với người khác.

    Nhìn chung, cả ba trường hợp trên đều cho thấy một điểm, đó là tâm lý tiềm ẩn trong mỗi con người không thể ngày một, ngày hai mà biết rõ được. Ngoài ra, cũng không thể căn cứ vào những gì bên ngoài để định giá về một người. Đây là kinh nghiệm của ngàn năm do người xưa để lại: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm.” Tuy nhiên, khuynh hướng chọn người, khuynh hướng tìm người yêu của thời nay đang đi theo chiều hướng “mì ăn liền”, tức là căn cứ vào những dáng vẻ bề ngoài, cảm tình, và những xu hướng tính dục. Những thứ này tràn lan trên mọi phương diện truyền thông, và đang được khai thác một cách hết sức tinh vi, hấp dẫn và khoa học của các ứng dụng trên các trang mạng, hay gọi là online dating. Meredith Turits trong một bài viết có tựa đền: “Góc khuất đáng sợ của việc hẹn hò trên mạng” (The darkest side of online dating) được chuyển ngữ trên báo điện tử Mai, phát hành Thứ Bảy, ngày 7 tháng Giêng, 2023, cho biết: “Tinder, ứng dụng hẹn hò nhiều người tải về nhất thế giới, đã có ba tỷ lượt lướt mỗi ngày trong suốt tháng 3/2020 - và từ đó trở đi đã liên tục phá kỷ lục hơn 100 lần.” [1]

     

    GÓC TỐI CỦA VẤN ĐỀ

     

    Như muốn truyền tải một thông điệp cho người dùng, đặc biệt cho thế hệ trẻ, tác giả đã đưa ra những phân tích liên quan đến những góc khuất kinh khủng mà rất ít người muốn biết, hoặc không muốn thừa nhận, nhưng chúng lại là những cạm bẫy nguy hiểm cho việc hẹn hò trên các phương tiện như vậy. Đại khái, đây là một cạm bẫy hết sức tinh vi, một khung trời bao la huyền diệu cho những ai sống bằng ảo tưởng và ảo giác, mơ tìm những thần tượng của mình trên mạng. Một chỗ cho những kẻ nói láo chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm gạt gẫm, lường gạt, và dụ dỗ những kẻ thơ ngây. Và một hỏa ngục cho những tâm hồn trinh trắng, đơn sơ đã không may bước vào. Những linh hồn này bị bao vây, bị khủng bố, và bị lôi kéo để không tìm ra được lối thoát. Một phương tiện mà những ai muốn hẹn hò tìm hiểu để có một người chồng, người vợ tử tế không nên dùng. Để dẫn chứng, tác giả đã đưa ra những con số thống kê được trích dẫn từ các cuộc khảo cứu có giá trị. Những kết quả này như một lời nhắc nhở cho những ai đang đùa chơi với tương lai của mình cần phải chấm dứt.

     

    Theo nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 36% người hẹn hò qua mạng cảm thấy những tương tác mà họ nhận được “cực kỳ khó chịu hoặc rất khó chịu”. Lạm lạm dụng tình dục là điều luôn xảy ra trên các cuộc hẹn hò qua mạng, những lạm dụng này mang hình thức tâm lý, và khủng hoảng tâm lý bao gồm những lời lẽ thô bỉ, tục tĩu, những lời dụ dỗ trắng trợn, bệnh hoạn. Nữ giới từ 18 đến 34 tuổi, 57% cho biết họ nhận được những tin nhắn về quan hệ tình dục một cách lộ liễu, hoặc những hình ảnh mà họ không yêu cầu. Tình trạng này xảy ra càng trở nên nguy hiểm hơn cho các em tuổi vị thành niên, cách riêng với những thiếu nữ từ 15 đến 17 tuổi. Nhiều em và phụ nữ nhẹ dạ đã tin tưởng và bị dụ dỗ rơi vào tình trạng bị lạm dụng thể xác, trở thành những thiếu nữ mua bán tình dục thuộc những nhóm buôn bán phụ nữ. Nghiên cứu được thực hiện tại Úc năm 2018 về tin nhắn trên ứng dụng hẹn hò cho thấy tình trạng quấy rối và lạm dụng nhắm đến giới tính xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ. Ngoài ra, dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2020 cũng cho thấy nhiều phụ nữ trải qua một số hình thức bị quấy rối từ ứng dụng hẹn hò. Có đến 19% nữ giới so với 9% nam giới bị đe dọa. 

     

    Để khơi dậy trí tò mò và hấp dẫn hơn, năm 2020, ứng dụng Bumble công bố phần trí tuệ nhân tạo “làm mờ một số hình ảnh và yêu cầu người dùng phải đồng ý nếu họ muốn xem ảnh đó”. Nguy hiểm tiềm ẩn được một nghiên cứu trước đó năm 2019, Đại học Báo chí Columbia ở New York City và trang tin tức ProPublica phát hiện là tập đoàn Match Group sở hữu khoảng 45 ứng dụng hẹn hò, nhưng họ chỉ rà soát danh tính kẻ tấn công tình dục với người dùng có trả tiền, mà không hề kiểm soát trên những ứng dụng miễn phí như Tinder, OKCupid và Hinge. [2]

     

    ỨNG DỤNG THỰC TẾ

     

    Hẹn hò (dating). Thời gian trai gái tìm hiểu nhau, chủ ý là chọn cho mình một người phù hợp để tiến tới hôn nhân. Đây là thời gian thơ mộng, lãng mạn, tình tứ của hai người. Nhưng nó cũng là thời gian quan trọng để tìm cho mình một người phù hợp.

     

    Từ rất lâu, ca dao Việt Nam có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân.” Quan niệm này không chỉ nói lên kinh nghiệm của tiền nhân, nhưng đã đi vào tâm thức của người Việt. Nó trở thành một triết lý nhân sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc.  

     

    “Chợ đông” được cho là có liên quan tới phẩm chất tốt của người phụ nữ gia đình, và “chốn ba quân” gắn với bản lãnh cột trụ gia đình của người đàn ông Việt Nam. Để làm nội tướng gia đình, người phụ nữ xưa phải làm quen với môi trường chợ. Nó thừa nhận vị trí quan trọng của họ – những “tay hòm chìa khóa” của gia đình. “Giữa chốn ba quân”. Hình ảnh một thao trường nơi các người đàn ông, thanh niên đang tập rượt, theo luyện binh đao để chuẩn bị cho cảnh chiến tranh đầu rơi máu chảy. Một nghĩa nào đó, khi người đàn ông có trong tay sức mạnh, mưu lược, quyền lực quân sự và chính trị, thì ngược lại, người phụ nữ nắm trong tay sức mạnh tinh thần cho sự ổn định kinh tế và sắp xếp trật tự gia đình.

    Không chỉ chọn người phụ nữ ở giữa chợ đông người. Người phụ nữ của gia đình theo cái nhìn của văn hóa Việt Nam còn là một người phụ nữ bao gồm tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Ngày nay quan niệm tam tòng không còn mang nặng tính chất tiêu cực nữa, nhưng vị thế người phụ nữ trong gia đình vẫn luôn là một điều hết sức quan trọng. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” rất phù hợp trong bối cảnh gia đình trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào. Cũng theo quan niệm này, triết lý sống của người người chồng, người cha là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm nổi bật ý nghĩa câu ca dao tục ngữ: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Phụ nữ thường chỉ yêu sau khi đã nể phục.

    Sự chọn lựa như trên phần nào lý thuyết, nhưng để sống và để đi cùng đường với nhau trong hành trình hôn nhân, ta cần phải có cả lý thuyết lẫn thực hành. Con đường hôn nhân là một con đường đẹp, hạnh phúc, nhiều hoa thơm, cỏ lạ, trái ngọt. Nhưng cũng là một con đường gồ ghề, trơn trượt, và khó đi. Hơn 50% những cuộc hôn nhân đổ vỡ đã cho thấy thử thách của nó như thế nào?!

    Ứng dụng trong tâm lý hôn nhân, khi một đôi trai gái trong thời gian hẹn hò, họ không nên chỉ tìm hiểu khả năng sức khỏe, tài chính, tri thức của nhau, mà còn phải để ý đến những chi tiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời và cách sống sau này của nhau nữa. Chúng bao gồm:

    -Ảnh hưởng di truyền. Người Việt Nam có câu: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Trong gia đình có ai mang những bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo không. Có ai nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, và bị bắt vì trộm cướp, giết người không?

    -Ảnh hưởng giáo dục. Nền giáo dục gia đình, học đường, niềm tin.   

    -Ảnh hưởng và sự khác biệt về văn hóa, chủng tộc, và ngôn ngữ.

    -Ảnh hưởng tuổi tác. “Tình yêu không phân biệt tuổi tác”. Đây là một quan niệm sai lầm trong hôn nhân. Sự khác biệt tuổi tác sẽ đưa đến hậu quả của đời sống tình dục, tình cảm, và nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe thể lý. Tuổi tác, do đó, vẫn là một yếu tố cần được quan tâm khi nghĩ đến chuyện trăm năm.

    “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề.

    Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.” [3]

    Trên thực tế không có gì dang dở mà lại đẹp cả. Nhưng “tình mất vui khi đã vẹn câu thề” là điều thường xuyên xảy ra trong đời sống hôn nhân.
     

    KẾT LUẬN

     

    Hôn nhân là một ơn gọi (vocation), vì đó là tiếng mời gọi bước vào tình yêu mà Thượng Đế trao ban cho con người. Một tiếng gọi mời giữa hai con tim. Hôn nhân không phải là một khế ước, một trao đổi của hai người (commitment), khi người này hội đủ những gì mà người kia cho là thỏa mãn với đòi hỏi, và ngược lại. 

     

    Như vậy, việc tìm kiếm hay hẹn hò để tìm cho mình một người yêu, người chồng, người vợ có thể cùng nhau đi trọn cuộc tình là một điều hết sức quan trọng. Trong cái nhìn đó, chúng ta phải loại bỏ ý nghĩ về những hình thức hẹn hò, chọn lựa mang nghĩa “mì ăn liền”. Mới gặp nhau trên mạng, nhìn tấm hình của nhau, nghe vài lời, nói vài câu, và viết vài dòng là yêu, là cưới liền.

     

    Hẹn hò trên mạng, tò mò và muốn thử nghiệm những cuộc hẹn hò trên mạng còn là con dao hai lưỡi, một bẫy sập tinh vi cho những ai đang muốn thử, muốn tìm kiếm một hướng đi mới cho hôn nhân. Thực tế, nó là một cám dỗ từng dẫn đến ngoại tình, làm hại và phá vỡ bao cuộc tình chân chính, bao gia đình. Đối với tuổi trẻ, cám dỗ này còn có thể tha thứ, bỏ qua, nhưng đối với những người đã có gia đình, đã trưởng thành mà còn bị thu hút và bị chi phối dẫn đến sa ngã là điều không thể chấp nhận được. Tiếc rằng điều không thể chấp nhận được ấy lại xảy ra thường ngày, và nó đang trở thành một nỗi kinh hoàng, một bóng ma cho đời sống hôn nhân, gia đình.  

     

    Riêng đối với tuổi trẻ, hẹn hò trên mạng như đã trình bày sơ lược trên, chính là một cạm bẫy tinh vi, nguy hiểm và hủy hoại tương lai. Nó nhắc nhở cha mẹ, phụ huynh phải quan tâm, hướng dẫn các em, nhất là không nên chiều chuộng các em để chúng đi vào ngõ cụt, rơi vào một tương lai đen tối hủy hoại cuộc đời của các em.

     

     

    __________

     

    Nguồn: 

     

    1.    https://baomai.blogspot.com/2023/01/goc-khuat-ang-so-cua-viec-hen-ho-tren.html

    2.      Ibid.

    3.      Ngập Ngừng – Hồ Dzếnh.