CÁCH CỨU VÃN HÔN NHÂN ĐANG TRỤC TRẶC

Lời khuyên từ những cặp đôi đã vượt qua bờ vực

Chồng và vợ suy nghĩ làm thế nào để “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Côrintô 13:4-7).

Ivonne Ream nhớ lại khi chồng cũ ôm cô trong bữa tối sinh nhật tại một nhà hàng Ý sang trọng, cô bắt đầu khóc và thầm cầu nguyện – chỉ gần như cầu nguyện thôi.

“Chúa ơi, Chúa biết con ghét người đàn ông này như thế nào.”

Cô nhắc Chúa rằng cô ấy không muốn dính dáng gì đến Tomas nữa. Cô đã ly thân vào năm 2009 và ly hôn vào năm 2013. Cô đã thay thế Tomas bằng những người đàn ông khác, và cô đã rời bỏ đức tin của mình để lao vào các kiểu thực hành của phong trào Thời đại Mới – the New Age.

Nhưng cô vẫn để lại một cánh cửa nhỏ trong lời cầu nguyện của mình: Chúa muốn gì?

Trong khoảnh khắc đó, trái tim cô tan chảy. Bao nhiêu năm oán hận, ghẻ lạnh tan biến. Tomas và Ivonne hòa giải và lại bắt đầu chung sống như vợ chồng.

  1. Nối lại yêu thương?

Ngày nay, hai vợ chồng Reams điều phối hoạt động tông đồ trong một tổ chức phi lợi nhuận ở San Antonio, Texas, được thành lập vào năm 1999, dùng các nguyên tắc Công giáo để giúp các cặp vợ chồng sửa chữa các cuộc hôn nhân đang gặp trục trặc. Tổ chức bắt nguồn từ sự hồi sinh của cuộc hôn nhân tan vỡ của Greg và Julie Alexander vào những năm 1990.

Hai vợ chồng Alexanders ước tính rằng họ đã tư vấn cho khoảng 5.500 cặp vợ chồng kể từ đó. Greg Alexander nói: “Trong số đó chỉ có 37 người mà chúng tôi không thể giúp được.”

Một phóng viên của Register đã không thừa nhận con số đó, một con số cho thấy tỷ lệ thành công là hơn 99%.

Nhưng Greg rất chắc chắn về con số đó. Greg nói hai vợ chồng họ đã chứng kiến những mối quan hệ hôn nhân đổ vỡ ​​được hàn gắn, bao gồm năm trường hợp mà một trong hai vợ chồng không chỉ không chung thủy mà còn có con ngoài hôn nhân. Việc hòa giải giữa hai vợ chồng trọn vẹn đến mức người kia đã đón nhận đứa trẻ vào gia đình và đồng ý nhận đứa trẻ làm con nuôi.

  1. Không phải là mới

Hai vợ chồng Alexanders nói rằng phương cách của họ không có gì độc đáo. Phương cách đó nhấn mạnh đến các tập tục Công giáo ngày xưa, chẳng hạn như kiểm điểm lương tâm – xét mình – đặc biệt là tìm ra những lúc mà người chồng / vợ đã xúc phạm đến người kia. Người chồng được khuyến khích xin vợ tha thứ cho một danh sách cụ thể những sai trái anh ta đã làm hoặc những thiếu xót chưa làm. Người vợ được khuyến khích nói to: “Em tha thứ cho anh”. Sau đó, người vợ được khuyến khích đưa ra danh sách những điều lẽ ra đừng làm và đã không nên làm. Sau đó, người chồng nói to: “Anh tha thứ cho em”. 

Greg nói với Register: “Tha thứ không phải là một lựa chọn. Cuối cùng chúng ta phải hiểu rằng nếu tôi quyết định không tha thứ, thì có lẽ tôi đang tự đặt mình vào tình thế ngăn cản không để cho ơn Chúa giúp tôi tha thứ.”

Julie nói rằng thừa nhận mình đã có những hư hỏng đối với vợ / chồng cũng là việc mang lại hiệu quả.

Julie nói với tờ Register: “Điều đó khiến bạn phải quỳ gối xuống. Đó là sự tự kiểm điểm bản thân, về những gì tôi đã làm khiến trái tim Greg bị tổn thương và đau đớn. Làm như vậy là khiêm tốn. Và điều đó giúp bạn thoát khỏi sự kiêu hãnh”.

Sau đó, mỗi người vợ / chồng được khuyến khích đi xưng tội với một linh mục. Họ nói rằng điều đó rất quan trọng, bởi vì sự tham dự của Thiên Chúa vào hôn nhân bị cản trở bởi tội lỗi và được khích lệ nhờ sự thanh luyện thiêng liêng.

Hai vợ chồng Alexanders cho biết quá trình tư vấn thường được gói gọn trong bốn hoặc năm buổi.

  1. Giải phẫu của một cuộc hôn nhân thất bại

Nói một cách thẳng thắn, vợ chồng Alexander mô tả quá trình hình thành, sụp đổ và hồi sinh cuộc hôn nhân của chính họ, trong cuốn sách Hôn nhân 911 họ xuất bản năm 2011, bao gồm điều mà họ gọi là “Những chi tiết đáng xấu hổ. Chúa đã cứu cuộc hôn nhân của chúng tôi như thế nào, và Chúa cũng có thể cứu cuộc hôn nhân của bạn!”

Greg, hiện 59 tuổi và Julie, hiện 57 tuổi, đều đã được nuôi dạy trong đạo Công giáo. Họ gặp nhau ở trường đại học, chuyển đến sống cùng nhau và sau đó kết hôn. Cả hai đều theo đuổi sự nghiệp được trả lương cao, có địa vị và lo sắm sửa nhiều thứ, ít dành thời gian cho nhau hoặc cho con cái của họ. Sau khi sinh đứa con thứ hai, Greg thắt ống dẫn tinh. Việc tiếp xúc trao đổi giữa hai vợ chồng cạn kiệt. Họ trở nên coi thường nhau. Mỗi người có một chuyện yêu đương riêng. Họ đến gặp một linh mục để xin phép được hủy hôn và ly hôn. Thay vào đó, vị linh mục yêu cầu họ đọc Kinh thánh và Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về kế hoạch của Chúa dành cho hôn nhân.

Cả hai đều chưa từng nghe nói rằng Thiên Chúa có một kế hoạch cho hôn nhân hoặc kế hoạch đó bao gồm việc chết đi chính mình, mở ra với sự sống mới và cố gắng giúp người vợ / chồng của mình lên thiên đàng. Trong hai ngày, Greg đọc. Lúc đầu, anh thấy bằng chứng cho thấy Julie đã sai. Sau đó, anh bắt đầu thấy bằng chứng rằng anh đã sai.

Greg viết trong cuốn sách “Lần đầu tiên tôi thực sự bắt đầu nghĩ rằng có thể – chỉ có thể thôi – một số việc ích kỷ của tôi đã góp phần khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ.”

Vào buổi tối thứ hai, anh gọi Julie vào phòng ngủ và yêu cầu cô lắng nghe những điều anh đã khám phá ra.

Chính hành động đó đã thay đổi mọi thứ đối với Julie, cô viết trong cuốn sách: “Ngay lập tức, cứ như thể tôi lại yêu lần nữa, nhưng lần này là một cảm giác hoàn toàn khác,” đồng thời nói thêm rằng “trái tim tôi… như đang bùng cháy.”

  1. Xảy ra nhanh như vậy sao?

Sự tan băng tức thì đó là một chủ đề dai dẳng trong các cuộc hòa giải hôn nhân mà vợ chồng Alexanders đã chứng kiến.

Khi nói chuyện với tờ Register về câu chuyện này, vợ chồng Alexanders cũng đề nghị các cặp vợ chồng khác từng đau khổ đến cuộc phỏng vấn.

Chi tiết thì khác nhau; ví dụ, trong một số trường hợp, người vợ / chồng muốn ra ngoài ở riêng còn người kia thì không. Một số cặp vợ chồng vẫn giữ đạo khi họ kết hôn, một số thì ít giữ đạo hơn.

Nhưng một số vấn đề chung nhất định xuất hiện tại mỗi cuộc phỏng vấn. Trong mọi trường hợp, vào thời điểm cưới, cả hai vợ chồng đều không hiểu đầy đủ ý nghĩa của hôn nhân. Vợ / chồng mỗi người thừa nhận thiếu sót trong cách sống. Và trong mỗi trường hợp, rốt cuộc khi họ quay lại với nhau, sự hòa giải diễn ra ngay lập tức.

  1. Thành công đến từ sự phó dâng

George Zamura, 51 tuổi và vợ là Robin, 49 tuổi, đều đã được nuôi dạy trong đạo Công giáo và đi nhà thờ trước và sau khi họ kết hôn vào năm 1993, nhưng họ không mộ đạo lắm. 

George thừa nhận thường không quan tâm đến Robin. Trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, Robin lo lắng về việc có quá nhiều con nên cô đã sử dụng biện pháp tránh thai nhân tạo.

Mỗi người đều xuất thân từ một gia đình mà người đứng đầu về mặt tinh thần là mẹ chứ không phải là bố.

Robin nói: “Tôi thực sự muốn George dẫn dắt gia đình chúng tôi về mặt tinh thần, nhưng tôi nghĩ anh ấy chưa bao giờ thực sự biết cách làm như vậy và không đảm nhận được vai trò đó. Có lẽ chẳng ích lợi gì khi tôi chỉ trích và phán xét về cách anh ấy làm mọi việc… Không ai muốn thử nữa sau khi bị bắt câm miệng một hoặc hai lần.”

George muốn ra ngoài ở riêng vào khoảng năm thứ tư. Họ quay lại với nhau, nhưng sau 15 năm, anh lại muốn ra ngoài ở riêng. Tám tháng tư vấn cũng chẳng khiến anh cảm thấy khá hơn về cuộc sống hôn nhân của mình.

Robin nói: “Đôi khi tôi thực sự thất vọng, và tôi sẽ nói trong cuộc trò chuyện với Chúa, “Con không còn quan tâm chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, ngay cả khi phải ly hôn. Con chỉ muốn nỗi đau qua đi.” Và tôi nhớ là mình đã nghe Chúa nói, “Hãy kiên nhẫn. Ta có việc phải làm cho con.”

Robin nói: “Suốt thời gian đó tôi vẫn nghĩ rằng mình đang bỏ mặc việc đó cho Chúa, nhưng tôi nhận ra rằng mình không phải như vậy… Tôi đã đến với Chúa, và tôi hoàn toàn phó dâng điều đó.”

Cô nói với Chúa: “Con biết rằng Chúa biết điều gì là tốt nhất. Và con tin tưởng rằng bất cứ điều gì Chúa cho phép xảy ra đều có mục đích của nó.”

Robin yêu cầu George cầu nguyện và nghỉ vài ngày để xem xét tình trạng tâm hồn của anh ấy. Anh đã làm như thế. Trong một khách sạn ở thành phố khác, cuộc sống một mình của George dường như không mấy hấp dẫn.

George nói: “Tôi đã hiểu được cảm giác khi ở một mình sẽ như thế nào. Nó vừa mở mắt cho tôi. Sự ích kỷ mà tôi có đó, tôi vừa nhận ra rằng điều đó là gì. … Điều tôi nhận ra là, tôi cần phải trở thành một người chồng tốt hơn, một người cha tốt hơn.”

George về nhà vào buổi tối và thấy ngôi nhà vắng vẻ. Anh biết rằng Robin đã đến nhà chị gái của cô ấy vào cuối tuần. Anh yêu cầu cô cề nhà.

Robin nói: “Tôi hy vọng điều tốt nhất nhưng vẫn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Khi tôi trở về nhà, anh ấy như trở thành một con người khác vậy. Tôi nhìn thấy một ngọn lửa trong mắt anh ấy mà tôi chưa từng thấy. Anh ấy sẵn sàng xin tôi tha thứ và tiếp tục đời hôn nhân”.

George và Robin lúc nào cũng khiêu vũ không hợp với nhau. Robin nói, vấn đề là ai cũng muốn mình điều khiển.

Tuy nhiên, ngay sau khi họ hòa giải, George đề nghị đi đến một vũ trường. Họ đã kết thúc bài nhảy nhịp 2/4 tại một địa điểm chuyên về nhạc đồng quê và nhạc miền Tây.

Robin kể: “Khi anh ấy nói, ‘Chúng mình đi khiêu vũ đi’, tôi nghĩ anh ấy thực sự không muốn cuộc hôn nhân này thành công.” Nhưng cô ấy vẫn thử. Lần này, cô quyết định để George điều khiển mình.

“Tôi đã lên sàn nhảy. Tôi nhắm mắt lại và điều tiếp theo tôi biết là chúng tôi đang khiêu vũ rất ăn ý,” Robin nói. “Điều tiếp theo tôi biết là chúng tôi đang ăn ý với nhau tốt hơn bao giờ hết.”

  1. Đèn bật sáng

Tomas và Ivonne Ream, được đề cập ở phần đầu của câu chuyện này, cả hai đều giữ đạo khi bắt đầu cuộc hôn nhân của họ: họ đi lễ hàng ngày và là thành viên của Opus Dei. Nhưng Ivonne nói với Register rằng cô ấy không hiểu những từ then chốt trong đoan hứa hôn nhân “tự do, trọn vẹn, chung thủy”. Ivonne nói: “Tôi không biết những từ đó có nghĩa là gì. Chúng ta phải phối hợp với ơn Chúa. Tất nhiên, tôi đã không biết làm thế nào để phối hợp với ân sủng. Tôi có những chữ đó trong đầu, nhưng tôi không có những chữ đó trong tim.”

Cô ấy nói rằng không có chuyện gì to tát khiến cô rời bỏ Tomas. Chỉ đơn giản là cô trở nên không hài lòng với anh ấy. Ivonne nói: “Tôi nghĩ rằng anh ấy đáng ra phải làm cho tôi hạnh phúc, đó là nghĩa vụ của anh ấy mà.” Cô ấy nghĩ về hôn nhân theo kiểu thực hiện được mong muốn của bản thân mình.

Ivonne nói: “Tôi bỏ anh ấy vì tôi nghe theo thế gian. Cái chữ “đáng ra” đang giết chết phụ nữ ngày nay: “Tôi đáng được anh ấy làm cho hạnh phúc.” “Tôi đáng giá hơn nhiều so với người mà tôi đang ngủ cùng.”

Còn Tomas thì lại có những cuộc chiến đấu khác. Những người khác nói với anh rằng cuộc hôn nhân là không thể cứu vãn. Tomas nói: “Ngay cả một linh mục cũng bảo tôi để cô ấy ra đi.”

Nhưng khi hôn nhân tan vỡ thì tính chất bền vững của nó lại trở nên rõ ràng hơn với anh. Tomas nói: “Một trong những điều mà tôi có thể hiểu được khi chúng tôi ly thân và ly dị đó là chúng tôi là một.”

Ivonne nói, để thăng tiến hôn nhân, và đặc biệt là những cuộc hôn nhân cá biệt, cần phải tin vào hôn nhân là gì. Ivonne nói: “Chúng ta thực sự cần phải bắt đầu tin vào năng quyền của bí tích. Đó là Chúa Kitô.”

Bây giờ, Ivonne nói rằng cô ấy mong chờ Ngày phán xét và khoảnh khắc Chúa phục sinh Tomas. Ivonne nói: “Bởi vì chồng tôi là người hỏi trước, tôi nghĩ gì về anh ấy, tôi muốn nói với anh ấy: “Chúa ơi, con không biết phải làm sao để yêu anh ấy nhiều hơn nữa.” Cô nói: “Anh ấy là người con yêu nhất, chỉ sau Chúa mà thôi.”

 

Tác giả: Matthew McDonald

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

https://www.ncregister.com/features/how-to-save-a-troubled-marriage?utm_campaign