1. Hôn Nhân & Gia Đình

Lạy Chúa, Xin Cứu Con – Dẫn Nhập

SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ

Là giám đốc Nhà Giao Ước, tổ chức lớn nhất chuyên cung cấp nơi tạm cư cho các trẻ em vô gia cư và sống lang thang tại Hoa Kỳ, nữ tu Mary Rose McGeady nổi tiếng là một chuyên gia hàng đầu về trẻ em đường phố tại đất nước này. Với khả năng ấy, nữ tu Mary Rose McGeady thường xuất hiện trước các ủy ban ở thủ đô Washington, D.C., trên truyền hình và đọc diễn văn khắp đất nước Hoa Kỳ vì quyền lợi “các đứa trẻ.”

Trước khi gia nhập tổ chức Nhà Giao Ước, nữ tu Mary Rose McGeady đã làm việc hơn 40 năm với các trẻ em, với các chức vụ như: Giám đốc điều hành trung tâm Nazareth chăm sóc các trẻ em vô gia cư và gặp vấn đề tại thành phố Boston, Massachusetts; Giám đốc điều hành Nhà Astor dành cho trẻ em tại Rhinebeck, thành phố New York; Giám đốc điều hành Trung tâm huấn luyện dành cho các trẻ em ngoại thường và Trung tâm Kennedy nghiên cứu về trẻ em, cả hai đều đặt trụ sở tại thành phố New York; Phụ tá giám đốc điều hành hội Bác Ái Công Giáo của giáo phận Brooklyn.

Nữ tu Mary Rose McGeady là nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái của thánh Vincent de Paul từ hơn 50 năm nay.

LỜI NGỎ

Tôi đang cầu nguyện để các bạn đọc quyển sách này.

Những đứa trẻ ở đây thật ngây thơ và dễ thương, giống như nhiều đứa trẻ khác mà các bạn có thể đã từng biết. Tôi biết, nếu như các bạn gặp chúng, các bạn nhất định cũng sẽ yêu thương chúng!

Cảm ơn các bạn đã đọc quyển sách này, và nếu có thể, xin nhớ đến nó trong lời cầu nguyện của các bạn.

Nữ tu Mary Rose McGeady

TB: Sau khi đọc xong quyển sách này, xin các bạn hãy chuyền cho một người bạn, hoặc một đứa trẻ nào đó mà các bạn quen biết.

DẪN NHẬP

Nếu như Thiên Chúa không thính tai, thì có lẽ tối nay, Nhà Giao Ước của chúng tôi đã trống vắng.

Các bạn hãy xem, tối nay, trên khắp đất nước Hoa Kỳ, có những đứa trẻ đang bơ vơ, rã rời và hoảng hốt. Giữa bóng đêm chập chùng, chúng kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con. Ôi lạy Chúa.”

Nếu như những đứa trẻ ấy đến đứng tại một góc phố và thét lên lời van xin ấy… nếu như chúng làm các dấu hiệu… nếu như chúng nêu thông điệp ấy trên những trang quảng cáo, những người như các bạn và tôi có lẽ sẽ đáp lại tiếng chúng.

Lẽ nào chúng ta lại nỡ lòng làm thinh?

Tuy nhiên, những đứa trẻ đã không làm như vậy. Chúng không tin thế giới này sẽ đáp ứng như vậy. Chúng không tin thế giới người lớn này sẽ đáp lại lời chúng.

Vì thế, chúng mới kêu van: “Lạy Chúa, xin cứu con.” … và một mình Thiên Chúa đã nghe lời rên rỉ ấy. Và khi đã nghe rồi, Thiên Chúa liền gửi chúng đến cho tôi.

Tôi là nữ tu Mary Rose McGeady. Suốt tám năm qua, tôi là giám đốc Nhà Giao Ước, hệ thống lớn nhất chuyên cung cấp nơi tạm cư khẩn cấp và là nguồn chu cấp cơ hội thứ hai cho các trẻ vô gia cư tại Hoa Kỳ. Mỗi đêm, chúng tôi phục vụ khoảng 1.400 trẻ em – thuộc mọi hoàn cảnh cuộc sống và từ mọi nẻo đường của đất nước.

Tôi tin rằng tuyệt đại đa số các em đến đây là vì cuộc sống của chúng, vào một giai đoạn nào đó, đã trở nên quá khủng khiếp đến độ chúng phải đã nài xin Thiên Chúa cứu vớt… và Người đã nhậm lời.

Quả thật, Thiên Chúa rất thính tai.

Ngay cả sau khi đã đến đây, các trẻ ấy còn phải mất thêm một thời gian nữa mới nói đủ lớn cho chúng tôi nghe được. Và cuối cùng, khi đã bắt đầu nói, chúng sẽ kể ra những câu chuyện trong cuộc sống của chúng do cha mẹ, do cha dượng, dì ghẻ, hoặc những người lớn đã gây ra cho chúng như lạm dụng tình dục, đánh đập tàn nhẫn và xúc phạm tình cảm của chúng.

Các trẻ cũng kể cho chúng tôi nghe những điều đã xảy ra sau khi chúng đã trốn khỏi gia đình và trôi dạt trên các đường phố. Những câu chuyện ấy thật kinh hãi, khiến chúng tôi tự hỏi không biết các trẻ này bằng cách nào lại sống nổi mấy tuần lễ trong miền đất của các tay ma cô, bọn buôn lậu ma túy và đám đầu nậu khiêu dâm.

Một số trẻ em đã không sống nổi.

Quyển sách này là cố gắng của tôi, kể lại những câu chuyện của một số trẻ em của chúng tôi. Tôi hy vọng các bạn sẽ đọc nó.

Dù sao, tôi cũng xin lưu ý trước, những câu chuyện này không nhất thiết là những câu chuyện hấp dẫn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ và đã nghe rất nhiều câu chuyện. Lần nào tôi cũng tưởng mình đã nghe được câu chuyện thê thảm nhất, và từ đó về sau, sẽ là những câu chuyện đỡ phần thương tâm hơn.

Nhưng bao giờ tôi cũng lầm.

Sau tám năm trời, tôi vẫn còn bị “xốc” vì những điều các trẻ em phải chịu dưới bàn tay của cha mẹ chúng – những người được Thiên Chúa giao phó con cái của Người. Và các câu chuyện về những gì đã xảy ra với các trẻ em đường phố đã khiến tôi phải tự hỏi, không biết thế giới này có căm ghét trẻ con hay không.

Tuy các câu chuyện sau đây có thể không có gì hấp dẫn, nhưng lại là những câu chuyện rất xúc động. Nếu các bạn đọc những câu chuyện này, các bạn sẽ gặp một số trẻ em rất trong trắng, dễ thương và đầy triển vọng. Các bạn sẽ gặp những đứa trẻ thật quả cảm, rất chịu đựng và đầy sức mạnh khiến ta phải kinh ngạc.

Các bạn sẽ gặp những đứa trẻ đã từng vượt qua một địa ngục mà các bạn và tôi hầu như không thể tưởng tượng được… thế mà chúng vẫn tin vào thiên đàng.

Các bạn sẽ gặp một số trong những con người đáng yêu nhất của tôi trên thế giới này.

Năm nay, Nhà Giao Ước (Covenant House) sẽ phục vụ 48.000 trẻ em bị lạm dụng và bị bỏ rơi tại các thành phố trên khắp đất nước Hoa Kỳ – tại New York, Los Angeles, Ft. Lauderdale, New Orleans, Anchorage, Newark, Washington, D.C., Orlando, Atlantic, Houston, và trung tâm mới nhất của chúng tôi tại Detroit.

Khi các bạn đang đọc những dòng chữ này, thì chúng tôi đang cứu giúp các trẻ em tại những trung tâm ở khắp Trung Mỹ, cũng như tại Toronto, Vancouver và Mexico City (và sắp tới là St. Louis và Oakland).

Chi phí của Nhà Giao Ước còn nhiều hơn cả ngân sách của chính phủ liên bang dành để giúp đỡ các trẻ em vô gia cư. Chúng tôi cung cấp cho các trẻ chỗ ở, thức ăn nóng và y phục. Nếu cần, chúng tôi cũng liệu cho các em được chăm sóc y tế. Chúng tôi giúp chữa lành các vết thương của chúng. Chúng tôi giúp các trẻ em quay lại trường học, trở về với công việc, hoặc một nơi thường trú nào đó.

Tôi hy vọng sau khi đã đọc những câu chuyện về những con người tuyệt vời của tôi, các bạn sẽ muốn trợ giúp chúng tôi. Tôi xin thưa một cách rất chân thành, phần lớn công việc của tôi là quyên góp tiền bạc để duy trì hoạt động của các trung tâm Nhà Giao Ước. Vì các trẻ em, tôi phải ngửa tay đi xin… đi xin… và cứ phải đi xin ủng hộ cho trung tâm cư trú dành cho các trẻ em đường phố.

Tôi phải đi xin vì tôi biết đêm nay Thiên Chúa đang nghe thấy ở một nơi nào đó có một tiếng rên rỉ. Người đang cố gắng để hiểu thấu lời than van ấy qua những tiếng nấc thổn thức.

Và khi nghe thấy lời van nài, “Lạy Chúa, xin cứu con,” thì Thiên Chúa sẽ gửi đứa trẻ ấy đến cho tôi.

Nữ tu Mary Rose McGeady
Ngày 9 tháng 6 năm 1998

Đối với tôi, thần chết nào có gì xa lạ,
Ông ấy sống bên tôi mỗi ngày.
Ông ấy dụ tôi xuống huyệt sâu,
Và giấu đi cái giá tôi sẽ phải trả.

Bài thơ của một trẻ em đường phố

 

“Tình yêu của Thiên Chúa có sức sáng tạo vô biên”

Thánh Vincent de Paul

CÓ PHÚC

Thứ Bảy Tuần 27 Thường Niên B

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”.

“Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một thế giới cứng đầu. Ngài ban cho nó muôn phúc lộc, nhưng những món quà này không chiếm được trái tim nó. Cuối cùng, Ngài tặng ban Con Một! Ai nghe Ngài, người ấy có phúc; vì lắng nghe Ngài là lắng nghe một Ngôi Vị!” – Henry Scougal.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, nhân lời khen của một phụ nữ dành cho người đã cưu mang Chúa Giêsu, chúng ta nghe lời khen ngợi tuyệt vời Ngài dành cho Maria, Mẹ Ngài – người ‘có phúc’ – “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”.

Chúa Giêsu không từ chối lời khen chơn chất nồng nhiệt mà người phụ nữ dung dị kia dành cho người mẹ đã cưu mang mình – “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Cô ấy có một cái nhìn sâu sắc bởi cô cảm nhận được sự vĩ đại của Ngài; từ sự vĩ đại đó, cô suy ra sự vĩ đại của ai sinh ra Ngài. Với cô, rõ ràng, ai đã sinh ra kiệt tác của nhân loại này, phải là một kiệt tác của nhân loại; Maria là “kiệt tác của một Kiệt Tác!”. Vượt quá quan hệ mẹ con, Chúa Giêsu đi xa hơn khi gián tiếp tuyên bố mẹ Ngài ‘có phúc’ – cốt yếu là – vì đã trung thành lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Đôi khi, nhiều người hỏi chúng ta – những người Công Giáo – có tin vào tiền định không? Chắc chắn là không! Chúng ta, những người tin Chúa, tin rằng Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một đích đến hạnh phúc. Ngài muốn chúng ta hạnh phúc, may mắn và được ban phước. Hãy chú ý đến cách thức mà từ này được lặp lại trong lời dạy của Chúa Giêsu, “Phúc thay, phúc thay, phúc thay…”. Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, một hạnh phúc bắt đầu ngay tại thế gian này dẫu con đường dẫn đến nó không phải là giàu có, quyền lực, thành công hay danh tiếng. Đường dẫn đến nó là tình yêu khiêm nhường và nghèo khó của một người vốn mong đợi tất cả từ Thiên Chúa. Như vậy, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, không chỉ ‘có phúc’ vì liên hệ huyết tộc máu mủ nhưng vì Mẹ đã mong đợi tất cả từ Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”. Để một cuộc sống được gọi là ‘có phúc’, trước hết, chúng ta phải biết lắng nghe Đấng cứu rỗi mình. “Nghe” bao hàm nhiều điều hơn là chỉ quen thuộc với các Tin Mừng; không chỉ là nhận thức nhưng còn là hiểu, nội tâm hoá và đem ra thực hành điều đã nghe. Nói cách khác, tôi biết rõ mục đích đời tôi trong ý định Thiên Chúa và tôi ra sức thi hành ý muốn của Ngài. Không nghe được Ngài, chúng ta rối bời và dễ bị chi phối hoặc định hướng bởi những tiếng nói khác trong thế giới vốn làm cho chúng ta không còn phân biệt đâu là con đường ngắn nhất để nên thánh. Một khi nghe và tuân giữ Lời, chúng ta trở nên thiết thân với Chúa Giêsu, nên người nhà của Ngài, sống với Ngài trong mối tương quan còn hơn cả tương quan huyết tộc; đồng thời, trở nên anh chị em với nhau – “Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa” – bài đọc một.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin giáo dục con như đã giáo dục Chúa Giêsu trong việc nghe và sống Lời Chúa; nhờ đó, con cũng trở nên ‘một kiệt tác’, dẫu là một ‘kiệt tác quèn!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

NẺO ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KHÁT KHAO

“Sao Ngài biết tôi?”.

Pascal nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không gặp con!”. Có lẽ đúng hơn, phải nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu con đã không gặp Ngài; không gặp Ngài nơi thâm sâu nhất của chính Ngài!”. Thiên Chúa luôn yêu thương những người đi bước trước; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó tiến về phía Ngài. Ngài đã có mặt nơi tâm điểm khát khao của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Tư tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái tông đồ’ Barthôlômêô, Nathanael, Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Tin Mừng Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo; Ngài xuất hiện như một con người sống động, dễ gặp, để ai ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’. Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính đơn sơ đáng ngạc nhiên của chúng.

Tính đơn sơ đáng ngạc nhiên chính là cách thức tác giả kể lại những lần gặp gỡ sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ của Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng. Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc gặp gỡ vô vị, tầm thường… thậm chí cũng không là cuộc gặp gỡ thân thiện thường ngày. Có một điều gì đó hoàn toàn khác; và họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc với Nathanael, người đã mỉm cười, một nụ cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Messia nơi Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Hãy đến và xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy, những ước ao thấy Ngày của Ngài, đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa, vốn mang lại cho thế gian cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn; nhưng làm sao có thể tưởng tượng Đấng các ngôn sứ loan báo vốn sẽ đến cách rạng rỡ lại xuất thân không mấy rõ ràng từ một thị trấn heo hút trong những vùng núi miền hạ Galilê? Nathanael nghĩ đến một ý tưởng “quý phái” hơn về Đấng Thiên Sai. Thế mà trước lời mời của bạn, ông bằng lòng đến gặp Ngài. Và ông lặng trân khi nghe lời chào của con người không quen biết này, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền! Nathanael nghẹt thở, “Sao Ngài biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ… trong sáng như vàng ròng!

Anh Chị em,

“Sao Ngài biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ hay như một người ngoài; Ngài biết Nathanael một cách thấu đáo, cá vị. Chính cái biết và cái thấu hiểu của Chúa Giêsu đối với Nathanael đã khiến ông hoàn toàn ‘tê liệt’ và thay đổi; vì giờ đây, sự chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Có lẽ không ai trong chúng ta dám hỏi Chúa, “Sao Ngài biết tôi?”. Bởi chúng ta xác tín Ngài là Thiên Chúa, tác giả của sự sống; những gì chúng ta có, những gì chúng ta là; chẳng những Ngài đã từng gặp chúng ta, gọi chúng ta, mà còn hơn thế nữa, “Trong Ngài chúng ta sống và hiện hữu”. Ngài không ngừng tìm kiếm, chờ đợi, hết sức tôn trọng và yêu thương. Phần chúng ta, hãy học biết và tìm gặp Ngài cách cá vị; đừng ngần ngại thổ lộ tâm can cùng Ngài, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình! Đó chính là ‘nẻo đường của những khát khao’, nơi những con người biết nhau, và yêu nhau!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con; không khát khao Chúa, con sẽ khát khao tất cả ‘các thứ’ không phải Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CÁCH CỨU VÃN HÔN NHÂN ĐANG TRỤC TRẶC

Lời khuyên từ những cặp đôi đã vượt qua bờ vực

Chồng và vợ suy nghĩ làm thế nào để “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Côrintô 13:4-7).

Ivonne Ream nhớ lại khi chồng cũ ôm cô trong bữa tối sinh nhật tại một nhà hàng Ý sang trọng, cô bắt đầu khóc và thầm cầu nguyện – chỉ gần như cầu nguyện thôi.

“Chúa ơi, Chúa biết con ghét người đàn ông này như thế nào.”

Cô nhắc Chúa rằng cô ấy không muốn dính dáng gì đến Tomas nữa. Cô đã ly thân vào năm 2009 và ly hôn vào năm 2013. Cô đã thay thế Tomas bằng những người đàn ông khác, và cô đã rời bỏ đức tin của mình để lao vào các kiểu thực hành của phong trào Thời đại Mới – the New Age.

Nhưng cô vẫn để lại một cánh cửa nhỏ trong lời cầu nguyện của mình: Chúa muốn gì?

Trong khoảnh khắc đó, trái tim cô tan chảy. Bao nhiêu năm oán hận, ghẻ lạnh tan biến. Tomas và Ivonne hòa giải và lại bắt đầu chung sống như vợ chồng.

  1. Nối lại yêu thương?

Ngày nay, hai vợ chồng Reams điều phối hoạt động tông đồ trong một tổ chức phi lợi nhuận ở San Antonio, Texas, được thành lập vào năm 1999, dùng các nguyên tắc Công giáo để giúp các cặp vợ chồng sửa chữa các cuộc hôn nhân đang gặp trục trặc. Tổ chức bắt nguồn từ sự hồi sinh của cuộc hôn nhân tan vỡ của Greg và Julie Alexander vào những năm 1990.

Hai vợ chồng Alexanders ước tính rằng họ đã tư vấn cho khoảng 5.500 cặp vợ chồng kể từ đó. Greg Alexander nói: “Trong số đó chỉ có 37 người mà chúng tôi không thể giúp được.”

Một phóng viên của Register đã không thừa nhận con số đó, một con số cho thấy tỷ lệ thành công là hơn 99%.

Nhưng Greg rất chắc chắn về con số đó. Greg nói hai vợ chồng họ đã chứng kiến những mối quan hệ hôn nhân đổ vỡ ​​được hàn gắn, bao gồm năm trường hợp mà một trong hai vợ chồng không chỉ không chung thủy mà còn có con ngoài hôn nhân. Việc hòa giải giữa hai vợ chồng trọn vẹn đến mức người kia đã đón nhận đứa trẻ vào gia đình và đồng ý nhận đứa trẻ làm con nuôi.

  1. Không phải là mới

Hai vợ chồng Alexanders nói rằng phương cách của họ không có gì độc đáo. Phương cách đó nhấn mạnh đến các tập tục Công giáo ngày xưa, chẳng hạn như kiểm điểm lương tâm – xét mình – đặc biệt là tìm ra những lúc mà người chồng / vợ đã xúc phạm đến người kia. Người chồng được khuyến khích xin vợ tha thứ cho một danh sách cụ thể những sai trái anh ta đã làm hoặc những thiếu xót chưa làm. Người vợ được khuyến khích nói to: “Em tha thứ cho anh”. Sau đó, người vợ được khuyến khích đưa ra danh sách những điều lẽ ra đừng làm và đã không nên làm. Sau đó, người chồng nói to: “Anh tha thứ cho em”. 

Greg nói với Register: “Tha thứ không phải là một lựa chọn. Cuối cùng chúng ta phải hiểu rằng nếu tôi quyết định không tha thứ, thì có lẽ tôi đang tự đặt mình vào tình thế ngăn cản không để cho ơn Chúa giúp tôi tha thứ.”

Julie nói rằng thừa nhận mình đã có những hư hỏng đối với vợ / chồng cũng là việc mang lại hiệu quả.

Julie nói với tờ Register: “Điều đó khiến bạn phải quỳ gối xuống. Đó là sự tự kiểm điểm bản thân, về những gì tôi đã làm khiến trái tim Greg bị tổn thương và đau đớn. Làm như vậy là khiêm tốn. Và điều đó giúp bạn thoát khỏi sự kiêu hãnh”.

Sau đó, mỗi người vợ / chồng được khuyến khích đi xưng tội với một linh mục. Họ nói rằng điều đó rất quan trọng, bởi vì sự tham dự của Thiên Chúa vào hôn nhân bị cản trở bởi tội lỗi và được khích lệ nhờ sự thanh luyện thiêng liêng.

Hai vợ chồng Alexanders cho biết quá trình tư vấn thường được gói gọn trong bốn hoặc năm buổi.

  1. Giải phẫu của một cuộc hôn nhân thất bại

Nói một cách thẳng thắn, vợ chồng Alexander mô tả quá trình hình thành, sụp đổ và hồi sinh cuộc hôn nhân của chính họ, trong cuốn sách Hôn nhân 911 họ xuất bản năm 2011, bao gồm điều mà họ gọi là “Những chi tiết đáng xấu hổ. Chúa đã cứu cuộc hôn nhân của chúng tôi như thế nào, và Chúa cũng có thể cứu cuộc hôn nhân của bạn!”

Greg, hiện 59 tuổi và Julie, hiện 57 tuổi, đều đã được nuôi dạy trong đạo Công giáo. Họ gặp nhau ở trường đại học, chuyển đến sống cùng nhau và sau đó kết hôn. Cả hai đều theo đuổi sự nghiệp được trả lương cao, có địa vị và lo sắm sửa nhiều thứ, ít dành thời gian cho nhau hoặc cho con cái của họ. Sau khi sinh đứa con thứ hai, Greg thắt ống dẫn tinh. Việc tiếp xúc trao đổi giữa hai vợ chồng cạn kiệt. Họ trở nên coi thường nhau. Mỗi người có một chuyện yêu đương riêng. Họ đến gặp một linh mục để xin phép được hủy hôn và ly hôn. Thay vào đó, vị linh mục yêu cầu họ đọc Kinh thánh và Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về kế hoạch của Chúa dành cho hôn nhân.

Cả hai đều chưa từng nghe nói rằng Thiên Chúa có một kế hoạch cho hôn nhân hoặc kế hoạch đó bao gồm việc chết đi chính mình, mở ra với sự sống mới và cố gắng giúp người vợ / chồng của mình lên thiên đàng. Trong hai ngày, Greg đọc. Lúc đầu, anh thấy bằng chứng cho thấy Julie đã sai. Sau đó, anh bắt đầu thấy bằng chứng rằng anh đã sai.

Greg viết trong cuốn sách “Lần đầu tiên tôi thực sự bắt đầu nghĩ rằng có thể – chỉ có thể thôi – một số việc ích kỷ của tôi đã góp phần khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ.”

Vào buổi tối thứ hai, anh gọi Julie vào phòng ngủ và yêu cầu cô lắng nghe những điều anh đã khám phá ra.

Chính hành động đó đã thay đổi mọi thứ đối với Julie, cô viết trong cuốn sách: “Ngay lập tức, cứ như thể tôi lại yêu lần nữa, nhưng lần này là một cảm giác hoàn toàn khác,” đồng thời nói thêm rằng “trái tim tôi… như đang bùng cháy.”

  1. Xảy ra nhanh như vậy sao?

Sự tan băng tức thì đó là một chủ đề dai dẳng trong các cuộc hòa giải hôn nhân mà vợ chồng Alexanders đã chứng kiến.

Khi nói chuyện với tờ Register về câu chuyện này, vợ chồng Alexanders cũng đề nghị các cặp vợ chồng khác từng đau khổ đến cuộc phỏng vấn.

Chi tiết thì khác nhau; ví dụ, trong một số trường hợp, người vợ / chồng muốn ra ngoài ở riêng còn người kia thì không. Một số cặp vợ chồng vẫn giữ đạo khi họ kết hôn, một số thì ít giữ đạo hơn.

Nhưng một số vấn đề chung nhất định xuất hiện tại mỗi cuộc phỏng vấn. Trong mọi trường hợp, vào thời điểm cưới, cả hai vợ chồng đều không hiểu đầy đủ ý nghĩa của hôn nhân. Vợ / chồng mỗi người thừa nhận thiếu sót trong cách sống. Và trong mỗi trường hợp, rốt cuộc khi họ quay lại với nhau, sự hòa giải diễn ra ngay lập tức.

  1. Thành công đến từ sự phó dâng

George Zamura, 51 tuổi và vợ là Robin, 49 tuổi, đều đã được nuôi dạy trong đạo Công giáo và đi nhà thờ trước và sau khi họ kết hôn vào năm 1993, nhưng họ không mộ đạo lắm. 

George thừa nhận thường không quan tâm đến Robin. Trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, Robin lo lắng về việc có quá nhiều con nên cô đã sử dụng biện pháp tránh thai nhân tạo.

Mỗi người đều xuất thân từ một gia đình mà người đứng đầu về mặt tinh thần là mẹ chứ không phải là bố.

Robin nói: “Tôi thực sự muốn George dẫn dắt gia đình chúng tôi về mặt tinh thần, nhưng tôi nghĩ anh ấy chưa bao giờ thực sự biết cách làm như vậy và không đảm nhận được vai trò đó. Có lẽ chẳng ích lợi gì khi tôi chỉ trích và phán xét về cách anh ấy làm mọi việc… Không ai muốn thử nữa sau khi bị bắt câm miệng một hoặc hai lần.”

George muốn ra ngoài ở riêng vào khoảng năm thứ tư. Họ quay lại với nhau, nhưng sau 15 năm, anh lại muốn ra ngoài ở riêng. Tám tháng tư vấn cũng chẳng khiến anh cảm thấy khá hơn về cuộc sống hôn nhân của mình.

Robin nói: “Đôi khi tôi thực sự thất vọng, và tôi sẽ nói trong cuộc trò chuyện với Chúa, “Con không còn quan tâm chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, ngay cả khi phải ly hôn. Con chỉ muốn nỗi đau qua đi.” Và tôi nhớ là mình đã nghe Chúa nói, “Hãy kiên nhẫn. Ta có việc phải làm cho con.”

Robin nói: “Suốt thời gian đó tôi vẫn nghĩ rằng mình đang bỏ mặc việc đó cho Chúa, nhưng tôi nhận ra rằng mình không phải như vậy… Tôi đã đến với Chúa, và tôi hoàn toàn phó dâng điều đó.”

Cô nói với Chúa: “Con biết rằng Chúa biết điều gì là tốt nhất. Và con tin tưởng rằng bất cứ điều gì Chúa cho phép xảy ra đều có mục đích của nó.”

Robin yêu cầu George cầu nguyện và nghỉ vài ngày để xem xét tình trạng tâm hồn của anh ấy. Anh đã làm như thế. Trong một khách sạn ở thành phố khác, cuộc sống một mình của George dường như không mấy hấp dẫn.

George nói: “Tôi đã hiểu được cảm giác khi ở một mình sẽ như thế nào. Nó vừa mở mắt cho tôi. Sự ích kỷ mà tôi có đó, tôi vừa nhận ra rằng điều đó là gì. … Điều tôi nhận ra là, tôi cần phải trở thành một người chồng tốt hơn, một người cha tốt hơn.”

George về nhà vào buổi tối và thấy ngôi nhà vắng vẻ. Anh biết rằng Robin đã đến nhà chị gái của cô ấy vào cuối tuần. Anh yêu cầu cô cề nhà.

Robin nói: “Tôi hy vọng điều tốt nhất nhưng vẫn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Khi tôi trở về nhà, anh ấy như trở thành một con người khác vậy. Tôi nhìn thấy một ngọn lửa trong mắt anh ấy mà tôi chưa từng thấy. Anh ấy sẵn sàng xin tôi tha thứ và tiếp tục đời hôn nhân”.

George và Robin lúc nào cũng khiêu vũ không hợp với nhau. Robin nói, vấn đề là ai cũng muốn mình điều khiển.

Tuy nhiên, ngay sau khi họ hòa giải, George đề nghị đi đến một vũ trường. Họ đã kết thúc bài nhảy nhịp 2/4 tại một địa điểm chuyên về nhạc đồng quê và nhạc miền Tây.

Robin kể: “Khi anh ấy nói, ‘Chúng mình đi khiêu vũ đi’, tôi nghĩ anh ấy thực sự không muốn cuộc hôn nhân này thành công.” Nhưng cô ấy vẫn thử. Lần này, cô quyết định để George điều khiển mình.

“Tôi đã lên sàn nhảy. Tôi nhắm mắt lại và điều tiếp theo tôi biết là chúng tôi đang khiêu vũ rất ăn ý,” Robin nói. “Điều tiếp theo tôi biết là chúng tôi đang ăn ý với nhau tốt hơn bao giờ hết.”

  1. Đèn bật sáng

Tomas và Ivonne Ream, được đề cập ở phần đầu của câu chuyện này, cả hai đều giữ đạo khi bắt đầu cuộc hôn nhân của họ: họ đi lễ hàng ngày và là thành viên của Opus Dei. Nhưng Ivonne nói với Register rằng cô ấy không hiểu những từ then chốt trong đoan hứa hôn nhân “tự do, trọn vẹn, chung thủy”. Ivonne nói: “Tôi không biết những từ đó có nghĩa là gì. Chúng ta phải phối hợp với ơn Chúa. Tất nhiên, tôi đã không biết làm thế nào để phối hợp với ân sủng. Tôi có những chữ đó trong đầu, nhưng tôi không có những chữ đó trong tim.”

Cô ấy nói rằng không có chuyện gì to tát khiến cô rời bỏ Tomas. Chỉ đơn giản là cô trở nên không hài lòng với anh ấy. Ivonne nói: “Tôi nghĩ rằng anh ấy đáng ra phải làm cho tôi hạnh phúc, đó là nghĩa vụ của anh ấy mà.” Cô ấy nghĩ về hôn nhân theo kiểu thực hiện được mong muốn của bản thân mình.

Ivonne nói: “Tôi bỏ anh ấy vì tôi nghe theo thế gian. Cái chữ “đáng ra” đang giết chết phụ nữ ngày nay: “Tôi đáng được anh ấy làm cho hạnh phúc.” “Tôi đáng giá hơn nhiều so với người mà tôi đang ngủ cùng.”

Còn Tomas thì lại có những cuộc chiến đấu khác. Những người khác nói với anh rằng cuộc hôn nhân là không thể cứu vãn. Tomas nói: “Ngay cả một linh mục cũng bảo tôi để cô ấy ra đi.”

Nhưng khi hôn nhân tan vỡ thì tính chất bền vững của nó lại trở nên rõ ràng hơn với anh. Tomas nói: “Một trong những điều mà tôi có thể hiểu được khi chúng tôi ly thân và ly dị đó là chúng tôi là một.”

Ivonne nói, để thăng tiến hôn nhân, và đặc biệt là những cuộc hôn nhân cá biệt, cần phải tin vào hôn nhân là gì. Ivonne nói: “Chúng ta thực sự cần phải bắt đầu tin vào năng quyền của bí tích. Đó là Chúa Kitô.”

Bây giờ, Ivonne nói rằng cô ấy mong chờ Ngày phán xét và khoảnh khắc Chúa phục sinh Tomas. Ivonne nói: “Bởi vì chồng tôi là người hỏi trước, tôi nghĩ gì về anh ấy, tôi muốn nói với anh ấy: “Chúa ơi, con không biết phải làm sao để yêu anh ấy nhiều hơn nữa.” Cô nói: “Anh ấy là người con yêu nhất, chỉ sau Chúa mà thôi.”

 

Tác giả: Matthew McDonald

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

https://www.ncregister.com/features/how-to-save-a-troubled-marriage?utm_campaign

VÔ TÂM, VÔ TÌNH HAY ÍCH KỶ, VÔ TRÁCH NHIỆM?

“Trọng kính Thầy,

Thưa Thầy, em gửi Thầy công hy sinh học tập của ba anh em trong gia đình nghèo của bé TBT, mà Thầy vẫn quan tâm.

Nếu có thể được xin Thầy cầu nguyện gia đình này, xin Chúa thương...

vì bố nghiện sike đã bỏ ba mẹ con đi bốn năm rồi.

Cám ơn Thầy.”

Nhận và đọc những dòng chữ trên, kèm theo tấm hình bốn mẹ con cùng với những tấm bảng khen của nhà trường, tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh và câu chuyện được thuật lại phần nào phản ảnh hiện trạng các gia đình mà ở đó người vợ bị bạc đãi, bỏ rơi, hoặc bị chồng đối xử một cách hững hờ, vô cảm.

Vài năm trước tôi về Việt Nam thăm gia đình, trong bữa ăn thân mật được tổ chức giữa các người thân, một người cháu họ đã khiến tôi hết sức xúc động. Hắn bị vợ bỏ, một mình phải nuôi hai đứa con gái mà đứa lớn nhất cũng chỉ mới 8 tuổi. Hắn lúc này gà trống nuôi con, không nghề nghiệp vững chắc, làm ăn ba cọc, ba đồng, mà phần lớn là đi làm phụ hồ, còn lại đi cất trái cây rồi bằng chiếc xe đạp đi bán lẻ. Thoạt nghe câu chuyện, tôi bị cám dỗ suy nghĩ tiêu cực và kết tội người vợ của hắn sao nỡ bỏ hắn, bỏ hai đứa con? Nhưng khi nghe người nhà kể lại mới biết chính lỗi của hắn đã gây ra nông nỗi! Lười biếng, nhậu nhẹt, đá gà, chơi số đề, và bỏ bê vợ con. Vợ chồng cãi vã, đánh nhau suốt ngày vì những thói xấu của hắn. Sức người có hạn, gặp được người khác khá hơn, đem lại cho vợ hắn cơ hội đổi đời, nên không chỉ trách kẻ bạc tình.

Khó khăn về tài chính. Khó khăn về cuộc sống, hay bất cứ đau khổ, thử thách nào xảy ra cho một gia đình là điều tuy không ai muốn, nhưng cũng là điều thường tình. Để vượt qua những thử thách này, đòi hỏi vợ chồng phải cùng nhau nắm tay, chung sức vượt qua. Rũ áo ra đi để mặc những khó khăn, thử thách cho người ở lại không chỉ là một hành động vô tâm, vô tình, mà còn là một thái độ ích kỷ và vô trách nhiệm!

Theo Tự Điển Tiếng Việt, vô tâm có nghĩa là không để ý đến việc gì. Có tính hay quên. Thí dụ: Con người vô tâm. Và vô tâm vô tính là có tính hay lơ đãng, hay lãng quên, không để tâm, chuyên chú vào công việc. Thí dụ: ông ấy kể vậy, nhưng mà vô tâm vô tính lắm kia. Vietnamese-English Dictionary của Nguyễn Đình Hòa, Đại Học Saigon dịch chữ vô tâm là to be absent-minded. Và chữ  vô tình là to be indifferent; to be unintentional. Và theo Penguin Dictionary of Psychology thì indifference có nghĩa là a rough synonym of neutrality. An indifferent stimulus is one that does not elicit a response. A state of indifference is when one has no preferences between alternative choices or courses of action. An indifference point is the value on some continuum or dimension that represents neutrality. Tóm lại, vô tâm hay vô tình đều mang một ý nghĩa chung là lơ là, không quan tâm hoặc để ý đến những người chung quanh, hoặc những gì đang xảy ra quanh mình. Một người chồng vô tâm có nghĩa là một người chồng không quan tâm, không để ý và không săn sóc vợ. Không để ý đến những cảm tình vui buồn, hoặc những suy tư của vợ. Người đó như người bàng quan, như khách qua đường mà không để tâm, lo lắng hoặc chú ý đến người vợ đang sống bên cạnh mình. Thông thường người đời gọi họ là những người có suy nghĩ và lối sống ấu trĩ. Loại người tâm lý bất bình thường về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Hôn nhân đúng nghĩa phải được xây trên tình yêu, mà tình yêu đòi phải có sự hy sinh. Vợ chồng chấp nhận và hy sinh lẫn cho nhau khi vui cũng như khi buồn, khỏe mạnh cũng như ốm đau, giầu cũng như nghèo, sung sướng, hạnh phúc và gian nan, thử thách. Nhậu nhẹt, say xỉn, cờ bạc, nghiện ngập, ngoại tình, lười biếng, hành hung gia đình thì dù là đàn ông hay đàn bà, chồng hay vợ những hành động như vậy đều không phát xuất từ tình yêu.

Câu chuyện người cha bỏ rơi vợ con, cũng như câu chuyện người vợ bỏ chồng và các con trên thật ra không thể nhìn vào một phía và kết án một chiều. Mỗi câu chuyện có một hoàn cảnh riêng, một tình huống riêng. Phải đi sâu vào từng trường hợp và phải nghe cả hai phía mới có lời giải đáp thích hợp. Để để giải quyết những khủng hoảng ấy, phương pháp tốt nhất là vợ chồng cần biết lắng nghe và chia sẻ: “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Cách thức chia sẻ thông thường là bằng ngôn từ. Không ai chui vào đầu mình để hiểu được những gì mình đang nghĩ, dù là ý nghĩ yêu thương. Sự im lặng, câm nín là một khuyết điểm lớn nhất trong hôn nhân. Nó có thể dẫn đến hiểu lầm nhau, nghi kỵ nhau và làm lạnh nhạt tình yêu của nhau. Ngoài ra, người ta còn có thể lắng nghe và nói với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể. Thí dụ, một nụ cười, một liếc mắt đưa tình, một cái vuốt ve hay một nụ hôn. Và sau cùng là ngôn ngữ hành động: quan tâm, và để ý đến những nhu cầu, những ưu tư của nhau. Tóm lại, vợ chồng phải có giờ ngồi lại, dành thời gian cho nhau, chia sẻ và lắng nghe nhau. Đòi hỏi này cần thiết để duy trì sinh hoạt tình yêu, giải quyết những khó khăn trong gia đình.

Hôn nhân là một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, để có hạnh phúc này, ngoài những tình cảm lúc ban đầu, vợ chồng cần học biết cách chia sẻ, cảm thông và tôn trọng nhau. Nếu không quan tâm, lo lắng, chia sẻ và chấp nhận hy sinh vì một ai đó thì tình yêu của ta chỉ là thứ tình yêu chót lưỡi, đầu môi, dả dối và ích kỷ. Tốt hơn, ta không nên nói lời yêu thương và kết hôn với người đó. Hãy thật lòng với mình và với người khác. Và khi đã thực tình yêu ai đó, hãy nói với người ấy bằng ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ hành động, và ngôn ngữ bằng lời.

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt