Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 3: Em ở ngoài đường phố từ hồi 13 tuổi

Sr. Mary Rose McGeady

“Em phải xa lánh Satan, vì thế em đã bỏ nhà ra đi.”

Cơn mưa lạnh cóng hắt vào đôi mắt của tôi khi tôi đứng bên bậc thềm trung tâm Nhà Giao Ước mới được thành lập tại thành phố Vancouver.

Tôi không dám quyết đoán đứa trẻ gái ngồi trên bậc thềm bên dưới tôi đây đang nói đùa hay nói thật, mặc dù tôi đoán mình thực sự đã biết đâu là câu trả lời. Đầu óc tôi biết những gì em nói với tôi là sự thật, nhưng trái tim của tôi lại không muốn chấp nhận điều đó.

Tôi hỏi lại:

“Thế em muốn nói gì?”

Julie nhìn vào tôi bằng ánh mắt buồn bã và rã rời, như thể chính em cũng không tin vào những điều em vừa nói với tôi.

Julie đáp:

“Soeur biết đó. Uhmmm… cha mẹ của em là những người theo đạo Satan…”

Julie nói tiếp, giọng của em lạc hẳn đi:

“Họ là những người yêu mến Satan.”

Hầu như tôi có thể cảm nhận được sự kinh tởm và thống khổ trong giọng nói của em….

Julie lại tiếp:

“Em hầu như không thể tin được những gì cha mẹ em đã làm. Em muốn nói là từ khi em lên tám tuổi, cha mẹ em đã quyết định gia nhập giáo phái thờ Satan..”

Julie nói mà ánh mắt của em đầy ứ nỗi kinh hãi:

“Có những con người ghê sợ như thế ở khắp nơi.”

Rồi Julie kể tiếp:

“Em hy vọng một ngày nào đó, cha mẹ em sẽ chừa cải. Em vẫn nghĩ đó thật là một cơn ác mộng, và đến một ngày nào đó, nó sẽ chấm dứt. Nhưng cha mẹ của em lại bắt đầu thực hiện những điều kinh sợ mà các người đứng đầu giáo phái đang làm.”

Rồi dàn dụa nước mắt, Julie nói:

“Em… kể ra những điều đó cho Soeur, em cũng không dám. Sáng nào thức dậy, em cũng hoảng sợ, ngày nào em cũng sống trong hoảng sợ, và tối nào em cũng đi ngủ cũng trong hoảng sợ.

“Khi lớn lên, em đã cố gắng để thưa với cha mẹ em rằng em gớm ghét chuyện đó. Và em nói em rất hoảng sợ. Em nói rằng em không thể nào chịu hơn được nữa.

“Nhưng cha mẹ em bắt em phải im miệng… phải làm những gì các người đứng đầu giáo phái truyền phải làm… đó là phải chấp nhận Satan.”

Julie ngưng lại một chút để nhìn vào tôi. Tôi cho rằng em muốn ướm xem tôi có thực sự lắng nghe, có tin và có quan tâm đến những điều em đang kể lại hay không.

Đôi mắt Julie như thét lên với tôi:

“Xin đừng nghĩ rằng em điên, Soeur nhé! Em biết chuyện này có vẻ đáng sợ thật, nhưng em không phải là người đáng sợ. Em cần có một người tin vào em.”

Đó không phải là ánh mắt giận dữ, mà là một ánh mắt buồn bã và cay đắng. Tôi biết chắc là Julie tin vào những lời thốt ra từ môi miệng của em.

Julie hắng giọng, rồi bắt đầu kể tiếp. Kể rất ôn tồn. Tôi lắng nghe không bỏ sót một lời nào.

“Em cố gắng ở lại với cha mẹ, nhưng em không thể chịu nổi…

“Em muốn nói là em sợ chết…

“Em không biết phải làm gì nữa. Em nghĩ, nếu cứ ở lại đó, chắc em sẽ chết mất.

“Vì thế, em đành bỏ trốn khỏi gia đình. Em đành phải ra đi.”

Cặp mắt của Julie lại nhìn vào tôi. Lúc này, tôi thấy em rươm rướm nước mắt, trên khuôn mặt đã ướt đẫm của em. Tôi muốn lao đến và ôm chằm lấy đứa trẻ, nhưng tôi biết vẫn chưa đến lúc.

Tôi nói:

“Chắc là kinh khủng lắm.”

Ánh mắt của Julie lại nháy lên, xác nhận, và yêu cầu tôi tiếp tục.

Tôi hỏi tiếp:

“Cuộc sống đường phố chắc cũng rất gian khổ. Em cảm thấy bơ vơ lắm phải không?”

Ánh mắt của Julie nháy lên, một lần nữa lại xác nhận.

Tôi hỏi thêm:

“Thế em bao nhiêu tuổi, chắc là 16 hay 17 phải không?”

Đứng từ dưới bậc thềm, Julie mấp máy trong miệng:

“Dạ, em 17 tuổi.”

Em lại lí nhí trong miệng:

“Em sống trên đường phố từ hồi em 13 tuổi.”

Rồi em trầm ngâm:

“Phải nói là rất hãi hùng…

“Em muốn nói là Soeur không thể tưởng tượng được cuộc sống đó khủng khiếp như thế nào đâu. Em chẳng biết phải đi đâu, chẳng biết ăn uống gì…

“Em đi vất vưởng ngoài đường, cố gắng giữ độ ấm trong người và hy vọng khỏi chết là may.”

Tôi mở miệng, định nói những lời cảm thông, cho Julie biết tôi rất đau lòng vì em đã phải chịu quá nhiều, nhưng em đã kịp ngăn khi tôi chưa nói thành lời.

Julie dường như có một điều gì muốn cho tôi hiểu.

Vâng, nếu tôi có sống đến một trăm tuổi đi nữa, tôi sẽ không bao giờ quên được điều đó.

Em nói:

“Nhưng Soeur biết không, thật khiếp khủng. Tuy nhiên, bỏ trốn khỏi gia đình lại là điều tốt nhất mà em đã làm được…

“Điều… tốt nhất… mà em đã… làm được.” Julie lặp đi lặp lại chậm rãi, nghiêm trang, rồi òa lên khóc.

Tôi đặt tay lên tấm vai nhấp nhô của em, vỗ về nhè nhẹ.

Tôi nói nhỏ:

“Soeur hiểu, Soeur hiểu. Rất mừng vì em đã đến đây với chúng tôi. Chúng tôi sẽ chăm sóc cho em.”

Rồi tôi thầm thĩ cùng Thiên Chúa:

“Em nghĩ điều tốt nhất đứa trẻ này đã từng làm được là đã đến đây. Em hứa từ nay sẽ làm cho em cảm thấy hạnh phúc.”

Tôi vẫn gặp ít nhiều khó khăn khi tin toàn bộ câu chuyện này. Tôi biết mình đã dùng quá nhiều lời để kể cho các bạn nghe biết về cuộc sống đường phố khủng khiếp như thế nào đối với các trẻ em… và đúng thật là như vậy. Rất nhiều em đang chết dần chết mòn ở đó… và đúng thật là như vậy. Ngay giây phút này, có hàng ngàn, hàng ngàn trẻ em cần một ai đó để cứu giúp mình… và đúng thật là như vậy.

Nói thì nghe khó tin, nhưng đôi khi việc trốn khỏi gia đình lại là một điều tốt hơn đối với một đứa trẻ. Mặc dù khó hiểu, nhưng ngay tại đây, hàng ngàn đứa trẻ như Julie đang sống trong tuyệt vọng, trong những môi trường khủng khiếp, và con đường duy nhất để tìm được sự trợ giúp và hy vọng lại là rời bỏ gia đình.

Các bạn có thể tưởng tượng nổi cuộc sống ấy như thế nào không? Sống trong một thế giới quá kinh hãi, thế mà các đường phố (tối tăm, rùng rợn, bơ vơ và ghê sợ) lại trở nên một lựa chọn tốt hơn. Trái tim tôi nhói lên vì cảm thương những đứa trẻ ấy. Tôi biết Thiên Chúa dành cho các em một chỗ đặc biệt trong trái tim của Người. Nỗi đớn đau, nhọc nhằn, cùng quẫn của các em hầu như vượt quá trí hiểu.

Trong khi trời vẫn mưa mưa vào một buổi sáng lạnh lẽ ở Vancouver, lúc tôi đứng đó, tôi không thể nào không nghĩ rằng chúng tôi đã đến đó đúng lúc vì Julie. Nhờ những người như các bạn, chúng tôi mới mở được một trung tâm tại Vancouver. Nhưng trước khi chúng tôi chính thức mở cửa trung tâm, thì những đứa trẻ như Julie vẫn đang ngủ trên những bậc thềm, chờ đợi để được bước vào.

Julie nói với tôi:

“Từ ngày bỏ nhà ra đi, em đã phải sống trên các đường phố. Kinh khủng thật, nhưng vẫn còn hơn ở gia đình.

“Em kiếm tiền để sống qua ngày bằng cách đọc thơ. Em chặn những người bộ hành trên các vỉa hè và đọc cho họ nghe một bài thơ, rồi xin họ một đô-la. Xét ra cũng được… Nhưng đôi khi, em không kiếm được đồng nào, không tìm được một chỗ để ngủ.”

Cảm ơn các bạn đã đến đây. Chúng tôi sẽ giúp Julie tìm được một mái nhà thực sự. Và trong lúc chờ đợi, em vẫn có cái để ăn, có cái để mặc, và một nơi ấm áp, an toàn để ngủ. Rất khó giải thích điều đó mang một ý nghĩa như thế nào đối với một đứa trẻ đã sống sót trên các đường phố.

 

“Nhà Giao Ước giống như một gia đình, với tất cả những thăng trầm của một gia đình. Nhưng điều đặc biệt là ở đây, tôi không còn cảm thấy cô đơn. Lúc nào cũng có những con người ở đây, bất cứ lúc nào, để cảm thông. Đó là một điều rất có ý nghĩa khi các bạn đang cố gắng xây dựng một cuộc sống cho bản thân.”

James, 18 tuổi, một thành viên sống tại Nhà Giao Ước