Lạy Chúa xin cứu con – Chương 5

Sr. Mary Rose McGeady

Đứa bé gái khẽ đáp: “Đó là những vết bỏng do má em lấy thuốc lá đang cháy đâm vào”
“Hai cánh tay của em sẽ không bao giờ quên được, thưa Soeur. Không bao giờ.”

Đứa bé gái vừa nói, vừa xoa xoa hai cánh tay, từ cùi chỏ cho đến bàn tay. Rồi để cho cơn giận lắng xuống, sau đó, nó chìa hai cánh tay ra trước mặt tôi.

Hai cánh tay của nó gầy guộc, chỉ còn da bọc xương, đầy những vết sẹo nho nhỏ khoanh tròn. Một số đã lâu và mờ. Một số khác rất mới, còn đỏ nguyên.

Đứa bé gái xoa nhè nhẹ phần cánh tay gần chỗ nách trái đầy những vết bỏng còn đỏ nguyên và nói:
“Chỗ này đau nhất. Bây giờ em vẫn cảm thấy nhức.”

Tôi hỏi:
“Em bị sao vậy?”

Thực ra tôi đã biết vì sao lại có những vết sẹo ấy. Tôi đã biết các vết sẹo ấy vì sao mà có. Tôi đã nhìn thấy những vết sẹo như thế rất nhiều lần trong đời. Nhưng tôi muốn cho Linda một cơ hội để nói ra, vì thế tôi hỏi:
“Em có muốn kể cho Soeur nghe được không?”

Từ những giọt nước mắt còn ngấn đọng trên mắt của Linda, tôi có thể biết được nó muốn kể cho tôi nghe.

Đứa bé gái nhìn xuống sàn nhà rồi trả lời khẽ khẽ:
“Đó là những vết bỏng thuốc lá do má em gây ra.”

Giọng của đứa bé bị lạc hẳn đi, nghe như tiếng thầm thì, đượm vẻ ai oán và có vẻ ngượng ngùng. (Đó là một phản ứng thông thường và đau đớn của các trẻ em bị hà hiếp nặng nề. Chúng chịu bầm dập đến độ đâm ra hoài nghi và ghét chính bản thân, chúng cảm thấy xấu hổ nên không muốn chia sẻ nhiều về nỗi đớn đau của mình nữa. Như thể những vết sẹo và sự lạm dụng kia là do lỗi của chúng mà ra).

Đứa bé gái lại thì thầm:
“Em rất hay bị châm như vậy, mỗi khi má em nổi điên, bà ấy thường đốt cánh tay của em.
“Sau cùng, em sợ quá. Em đành bỏ nhà ra đi và khai với người ta rằng em là người vô gia cư. Em muốn chạy cho xa khỏi má em, nhưng không muốn má em bị rắc rối.
“Vì vậy, em xin trọ ở một nhà kia. Chuyện đó đã năm năm rồi. Khi đó em mười một tuổi.”

Tôi hỏi:
“Thế rồi điều gì xảy ra sau đó?”

“Tình cờ cách đây mấy tháng, em gặp phải má em ngoài đường.”

Nói đến đó, nước mắt Linda bắt đầu ứa ra.
“Dường như má em rất vui mừng khi gặp lại em. Má em đến ôm chằm lấy em và nói bà rất yêu thương em. Má em nói bà đã lo lắng đi tìm và muốn em trở về. Thế là em lại trở về với má em.”

Linda ngừng lại một lúc khá lâu, nghẹn ngào. Tôi có thể đoán được triệu triệu ký ức, những ý tưởng, những ân hận và những ước mơ, tất cả đều hiện ra trên đôi mắt ướt đẫm của Linda. Rõ ràng, một nỗi đau đớn hằn lên khuôn mặt của em, về những gì đã xảy ra tiếp sau đó….

Linda kể tiếp:
“Trong khoảng hai tuần sau đó, mọi sự đều tốt đẹp.
“Nhưng rồi… Má em lại nổi điên. Bà ấy lại đốt em như thế này đây….”

Vừa nói, Linda vừa chỉ vào hai vết bỏng còn đỏ nguyên trên cánh tay.

Rồi em ngậm ngùi:
“Em sẽ không bao giờ quên nổi những đau đớn má em đã gây ra cho em.”
Giọng Linda trở nên cứng rắn. Sau một lúc im lặng, Linda bắt đầu thổn thức.

Lần này, em không khóc nhỏ, nhưng òa lên, giận dữ, uất ức và đầy cảm xúc.
Tôi bước đến và ôm choàng lấy đứa bé gái, nước mắt của em càng dàn dụa hơn. Em khóc càng to, khiến hàng chục đứa trẻ và ban điều hành trong nhà kéo đến phòng khách. (Trung tâm của chúng tôi rất bận rộn, tấp nập, ồn ào và náo nhiệt. Rất khó khăn mới làm mọi người đứng lại, nhưng cùng lắm chỉ một giây đồng hồ mà thôi. Sáng nay, Linda khóc và làm mọi người phải để ý).

Tôi phải mất đến mươi phút để làm cho Linda dịu lại được. Trong thời gian ấy, cả triệu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi. Tôi muốn hỏi về cha em, vì hoài nghi cha và mẹ của Linda đã chia tay nhau từ lâu (sau đó, tôi được biết đúng như vậy). Tôi cũng muốn hỏi cho biết còn một thân nhân nào khác – có thể là một bà dì, một người bà con, một ông hoặc bà nội ngoại nào đó – có thể nhận Linda về nuôi được không (sau đó, tôi được biết chẳng còn một ai). Và tôi muốn biết Linda trước đó đã gọi điện thoại và báo cáo về mẹ em không (về sau, tôi được biết em đã làm như vậy).

Nhưng vào lúc đó, tôi cứ để cho đôi dòng nước mắt của Linda nói thay tất cả. Tôi nghĩ đó có thể là lần đầu tiên trong nhiều năm – cũng có thể là lần đầu tiên trong cả cuộc đời – Linda đã thực sự tìm được một người quan tâm đến mình.
Tôi không biết câu chuyện rồi sẽ ra sao. Tôi ước gì mình có thể kể cho các bạn một điều gì khác, nhưng không thể được.
Những vết bỏng trên cánh tay của Linda thật dễ sợ. Phải mất một thời gian dài mới có thể lành được. Có thể các vết sẹo ấy sẽ không bao giờ hết. Tôi không biết.
Nhưng các vết sẹo thực sự, những vết sẹo không bao giờ có thể lành lặn được, là những vết sẹo bên trong. Những vết sẹo trong tâm hồn của Linda.

Tâm hồn của Linda đã ra khô cứng vì bị tổn thương và bị khước từ. Sau đó, em tin tưởng trở lại, nhưng rồi lại bị tổn thương trở lại. Tâm hồn ấy mang những vết thương đau đớn. Thực sự là những vết sẹo rất lớn.
Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi đã có lần đã nghe được.

Có một người kia được yêu cầu hàn lại một chiếc nhẫn đã bị gẫy. Ông ta nói vết gẫy không thể nào sửa lại được nữa. Vì thế, ông đã cẩn một viên kim cương ngang qua vết gẫy và làm cho chiếc nhẫn trở nên xinh đẹp hơn trước.
Đó là cách thức chữa lành khi tôi nghĩ về trường hợp của Linda. Các bạn và tôi không thể nào chữa lành được vết thương trong tâm hồn Linda. Nhưng chúng ta có thể cẩn một viên kim cương yêu thương và làm cho tâm hồn ấy xinh đẹp trở lại. Với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta có thể làm cho Linda tin rằng vẫn có những người thực sự yêu thương em, vẫn có những người em thực sự có thể tin tưởng được.

Cảm ơn các bạn đã ở đây vì Linda. Hằng ngày, tôi đều cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã tìm thấy chúng tôi.

Lạy Thiên Chúa khả ái,
Con cần một ai đó yêu thương con, một ai đó nói chuyện với con khi con cần nói, một ai đó cũng khóc khi con cần khóc. Nhưng trên hết, con cần một ai đó yêu thương con và muốn đồng hành bên con cho đến hết cuộc đời của con. Amen.

Lời kinh của một đứa trẻ viết tại nguyện đường Nhà Giao Ước của chúng tôi