Có những cái nhìn làm cho lòng người không thể quên bởi sự trìu mến và thân thương.
Có những cái nhìn như tia sáng soi rọi vào những nơi tăm tối của cõi lòng làm ta được biến đổi tận căn.
Lại có những cái nhìn có một sức mạnh nâng ta dậy khỏi đáy vực sâu của bi quan và chán chường.
Và có những cái nhìn làm cho cuộc sống của ta bừng lên sức sống của niềm tin, niềm hy vọng.
Vâng, như một bộ phận rất nhỏ trong các bộ phận của cơ thể con người, nhưng đôi mắt lại có một vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người. Nó không chỉ dừng lại ở việc cho ta nhìn thấy cảnh vật thiên nhiên xung quanh, giúp cho ta diễn tả cảm xúc, những tình cảm trong những mối tương quan giữa người với thiên nhiên và giữa con người với con người. Đến nỗi trong dân gian thường thốt lên lời ví von thật mỹ miều về vai trò của nó như sau: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”.
Trong dòng chảy của lịch sử cứu độ. Ánh mắt của Giêsu đã làm biến đổi biết bao con người sống trong đau khổ, lầm lạc tội lỗi. Cái nhìn nhạy cảm của Chúa khi nhìn thấy đám đông đi theo Người đang quá mệt mỏi và dường như kiệt sức.
Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn nhìn thấy những nỗi vất vả, lắng lo của từng cá nhân, như đã đụng chạm tới nỗi đau của vực thẳm tuyệt vọng, mất hết niềm tin của bà mẹ góa thành Nain khi đứa con trai duy nhất của bà đã chết. Ta thử tưởng tượng khi đứng trong hoàn cảnh của bà, ta mới cảm nhận được nỗi đau đến tột độ của bà là thế nào. Mang thân phận bà góa, bà đã phải chấp nhận những thiệt thòi mất mát từ xã hội Do Thái thời bấy giờ. Đứa con trai chính là lẽ sống, là niềm tin để có thể đứng vững trong cuộc sống. Đứa con trai chết đồng nghĩa với việc niềm tin vào cuộc sống của bà cũng chết. Chúa đã đưa mắt nhìn bà và Người thấu được nỗi đau đó: “Đừng khóc nữa”. Như một lời an ủi của Chúa đối với bà nhưng nó chất chứa một ý nghĩa sâu xa hơn. Chính trong giây phút này, Chúa đã tuôn đổ ân huệ và lòng thương xót xuống trên cuộc đời của bà khi Người cho con trai của bà sống lại. Giờ đây, ánh mắt của bà hướng về Chúa là ánh mắt của lời tạ ơn vì chính bà cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Chúa đã kéo bà khỏi đáy vực thẳm của sự tuyệt vọng và làm cho cuộc đời của bà bừng sáng lên hy vọng và sức sống mới.
Cũng trong dòng lịch sử đó, ta lại bắt gặp một sự hoán cải tận căn của con người đầy tội lỗi là Matthêu. Trước khi gặp Chúa, quá khứ của ông dường như quá đen tối khi nó gắn liền với cái nghề thu thuế.
Ta tự hỏi: dân chúng nhìn ông với ánh mắt nào? Cái nhìn trìu mến chăng?
Cái nhìn của một sự cảm thông hay cái nhìn yêu thương?
Không, một sự thật mà ông phải chấp nhận đó là ông cảm nhận rằng ông trở thành “cái gai trong mắt họ”. Có lẽ, từ lâu trong lòng ông cũng khao khát được bắt gặp một cái nhìn thương cảm, yêu thương và tha thứ từ nơi họ. Nhưng điều đó chỉ xảy ra cho đến khi ánh mắt của ông gặp được ánh mắt của Chúa.
Ôi! Thật tuyệt vời và hạnh phúc dường bao khi Chúa nhìn ông và ông dám nhìn vào Chúa. Cái nhìn của Chúa đã làm biến đổi hoàn toàn con người ông. Ông nhận ra những lỗi phạm và những bất toàn của mình. Ông dường như muốn òa khóc vì tình yêu của Chúa dành cho cuộc đời của ông. Để rồi, trước tình yêu thương bao la cao vời của Chúa, một Matthêu bị nô lệ cho tiền bạc, danh vọng đã dám sẵn sàng từ bỏ những bám víu vào trần gian “ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo” (Lc 5,28). Một Matthêu có thể dùng quyền lực để sai khiến người khác, dám sẵn sàng từ bỏ ý riêng bước theo Chúa và trở thành môn đệ thực thi Lòng Thương Xót Chúa qua việc dùng chính tài sản của mình phân phát cho những người khác. Bên cạnh những nhân vật trên, còn rất rất nhiều nhân vật trong Kinh Thánh đã được biến đổi và quay về với Chúa. Thế mới biết rằng: Thiên Chúa - Người Cha giàu lòng thương xót thấu hiểu tất cả những nhu cầu và những nỗi khốn khổ sâu thẳm nhất của cõi lòng con người.
Khi chiêm ngưỡng những nhân vật đã được Chúa biến đổi trong Kinh Thánh và soi rọi vào chính trong cõi lòng của bản thân, tôi thầm hỏi rằng:
Cái nhìn của Giêsu có vị trí nào trong đời sống của tôi?
Tôi đã bắt gặp được ánh mắt của Chúa hay chưa?
Ánh mắt Giêsu đã biến đổi tôi thế nào?
Rất nhiều và rất nhiều câu hỏi cứ tự vang lên, và đột nhiên tôi chợt nhớ đến bài hát “Ánh mắt Giêsu” như câu trả lời cho những câu hỏi đó “Ánh mắt Giêsu đã cho tôi bình yên. Ánh mắt Giêsu đã cho tôi sự sống. Ánh mắt Giêsu đã cho tôi niềm tin. Ánh mắt Giêsu đã cho tôi tình yêu, đã cho tôi biết yêu cuộc đời, đã cho tôi biết yêu mọi người…” Nhìn lại chặng đường trong đời sống dâng hiến, tôi càng cảm nhận và xác tín sâu xa hơn: Ánh mắt Giêsu nhân từ và dịu dàng vẫn luôn dõi nhìn và đồng hành với tôi trên mọi chặng đường. Ánh mắt đó mời gọi tôi dứt ra khỏi những bộn bề của cuộc sống nhộn nhịp, để bước vào một cuộc tâm giao thân mật với Người trong thinh lặng của cõi lòng. Để rồi, trong sự kết hợp mật thiết đó, tôi dần dần khám phá ra tình yêu bao la hải hà của Ngài tuôn đổ xuống trên cuộc đời của tôi. Ánh mắt Giêsu như muốn nói với tôi trong từng phút giây “Con hãy tập nhìn vào ánh mắt của Ta và con sẽ biết rằng Ta yêu con biết mấy”. Vâng, càng nhìn vào ánh mắt của Chúa, lòng tôi càng cảm thấy yên bình làm sao! Yên bình như một đứa trẻ được tựa nép trong vòng tay âu yếm của người mẹ “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2). Và rồi, có những giây phút lòng tôi muốn òa khóc lên vì cảm nghiệm được ánh mắt dịu hiền của Chúa nhìn tôi cho dù tôi tội lỗi, bất xứng, ngỗ nghịch với Người. Người vẫn kiên nhẫn và đón mời tôi một lần nữa “hãy nhìn vào ánh mắt của Ta vì Ta sẽ không bao giờ bỏ rơi con”. Chao ôi! Phải diễn tả niềm hạnh phúc đó như thế nào? Tôi chỉ muốn thốt lên thật lớn: “Ánh mắt Giêsu đẹp và dịu hiền với con làm sao!”.
Thế nhưng, Giêsu không muốn tôi chỉ dừng lại và bắt gặp ánh mắt Ngài trong mối tương quan cá vị với Ngài. Người còn mời gọi tôi hãy gặp ánh mắt của Người nơi chính những hiện thân của Người là những anh chị em xung quanh tôi, cách riêng là nơi chị em cùng chung sống với tôi trong một cộng đoàn và nơi những con người nghèo. Lời mời gọi đó còn thúc bách hơn khi Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra cho tất cả mọi người trong đó có tôi những câu hỏi trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót “…
Liệu chúng ta có gần gũi với người cô đơn và tuyệt vong; liệu chúng ta đã tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình và đã từ chối tất cả những hình thức của sự tức giận và ghen ghét dẫn đến bạo lực; liệu chúng ta đã có lòng kiên nhẫn như Chúa là Đấng rất chậm bất bình với chúng ta; và liệu chúng ta đã cầu xin Chúa cho anh chị em mình trong lời cầu nguyện…”
Vâng, Đức Giêsu mà tôi đã kiếm tìm không phải là Đức Giêsu trên vinh quang, quyền lực mà là Giêsu nơi những con người bé nhỏ, nghèo khổ. Chính vì vậy, Người đang chờ đợi tôi trở thành sứ giả thực thi Lòng Thương Xót của Người, đến với những người đang sống chung quanh qua những hành động cử chỉ rất bình thường: một nụ cười với những người chị em, một cử chỉ tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, một lời hỏi thăm những người đau khổ, một sự giúp đỡ nhỏ bé cho người khác đang gặp khó khăn, một lời nói dịu dàng thân thương, một sự lắng nghe cho những ai đang cần giúp đỡ và nhất là lời cầu nguyện, sự hy sinh cho những con người đau khổ trong xã hội.
Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã cảm nghiệm: “Điều Thiên Chúa hài lòng không phải chúng ta làm nhiều việc nhưng là làm việc vì tình yêu” để rồi với những việc bé nhỏ, tầm thường nhưng với một tình yêu của một trái tim phi thường, Lòng Thương Xót của Chúa sẽ được cảm nghiệm sâu xa và phong phú hơn trên tất cả những người tôi gặp gỡ.
Ước mong sao, không chỉ riêng bạn và tôi mà còn tất cả nhân loại này sẽ ngày càng khám phá ra tình yêu của Chúa, sẽ gặp được ánh mắt dịu dàng trìu mến của Chúa trên cuộc đời của mỗi người, để mỗi ngày chúng ta càng trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa trong từng suy nghĩ, từng ánh mắt, từng cử chỉ yêu thương… trong việc trao ban Lòng Thương Xót đến với mọi người.
Teresa Thiên Nga