CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ NĂM CN4TN-A
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
Tinh Cao - Feb 4 at 3:19 PM
Thứ Tư CN4TN-A
CÙNG THAM DỰ BỮA TIỆC Lời ChúaBài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 24, 2. 9-17
"Chính con đã phạm tội, nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu?"
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: "Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số".
Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.
Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: "Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột". Sáng hôm sau, khi Ðavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng: "Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành". Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: "Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi". Ðavít trả lời cho Gad rằng: "Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ".
Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: "Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại". Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: "Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 6. 7
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).
Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.
2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.
3) Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. - Ðáp.
4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. - Ðáp.
Alleluia: Ga 8,12
Alleluia, Alleluia. - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6,1-6
"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.
Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?"
Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình".
Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.
Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
Ðó là Lời Chúa.
BẠN VÀ TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT Lời Chúa
Đức Kitô Nazarét
Phụng vụ lời Chúa, nhất là Bài Phúc Âm, cho Thứ Tư trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay vẫn tiếp tục phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này.
Bài Phúc Âm hôm nay được Thánh ký Marco thuật lại, có nội dung phần nào giống phần đầu của bài Phúc Âm được Thánh ký Luca thuật lại và được Giáo Hội sử dụng cho Chúa Nhật IV đầu tuần này. Bài Phúc Âm hôm nay, tuy ở cùng một địa điểm và cùng một thành phần thính giả: "Chúa Giêsu trở về quê nhà" như bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, nhưng khác với bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này ở chỗ không có đoạn Chúa Giêsu bị dân làng dẫn ra sườn núi để xô Người xuống cho chết như ở phần cuối của Bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa rồi.
Tuy nhiên, cả hai bài Phúc Âm cho Chúa Nhật đầu tuần của Thánh ký Luca cũng như cho Thứ Tư hôm nay của Thánh ký Marco đều giống nhau ở phản ứng của dân chúng về Chúa Giêsu Kitô, ở chỗ, một đàng thì họ tỏ ra "sửng sốt về giáo lý của Người", đàng khác, trái lại, chính vì họ cảm thấy lạ lùng "sửng sốt" như vậy về Người "nên nói rằng: 'Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?'"
Thái độ ba phải của họ đã được Thánh ký Marco trong Bài Phúc Âm hôm nay kết luận là: "Và họ vấp phạm vì Người". "Vấp phạm" ở chỗ nào? Phải chăng ở chỗ họ đã phạm tội, ở chỗ họ đã tỏ ra uất hận với Người đến độ muốn sát hại Người như trong Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho Chúa Nhật đầu tuần?
Thế nhưng, phản ứng và hành động sát hại Chúa Giêsu Kitô đây chỉ xẩy ra sau khi Người thẳng thắn cho họ biết về tình trạng mù quáng và cứng lòng tin của họ mà thôi, như Bài Phúc Âm Chúa Nhật cho biết, còn ở trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước khi Người cảnh giác họ rằng: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình", thì Thánh ký Marcô đã khẳng định rằng "họ vấp phạm vì Người" rồi.
Vậy thì phải chăng không tin vào Chúa Kitô là một thái độ hay hành động hoặc trạng thái "vấp phạm". Theo nguyên tắc có thể hiểu như thế. Bởi vì, nếu Chúa Kitô là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người..." (Gioan 1:9) thì một khi Người chưa xuất hiện thì tất cả nhân loại vẫn còn tiếp tục "ngồi trong tăm tối và trong bóng sự chết" (Luca 1:79), tức là vẫn còn ở trong tình trạng "vấp phạm", cần phải được cứu độ, cần phải được giải cứu cho khỏi tình trạng bất hạnh vô phúc ấy.
Con người lại càng "vấp phạm" hơn nữa, khi "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), nghĩa là khi Thiên Chúa đã "hóa thành nhục thể" nơi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) cho họ mà họ vẫn "không nhận biết Người" (Gioan 1:10) và vẫn "không chấp nhận Người" (Gioan 1:11), như trường hợp điển hình là dân làng Nazarét của Người được Thánh ký Marco ghi lại trong Bài Phúc Âm hôm nay.
Thật vậy, cho dù con người không phạm một thứ tội nào đó thật sự được liệt kê trong 10 điều răn, nhưng một khi con người không chấp nhận sự thật được tỏ ra cho họ, qua tiếng lương tâm của họ, qua những chứng từ của Giáo Hội, qua những nguyên tắc luân lý bất dịch, qua Giáo Huấn chân thật của Giáo Hội v.v., thì ở một nghĩa nào đó, tự mình, họ đã ở trong tình trạng "vấp phạm" rồi vậy, như chính Chúa Kitô đã khẳng định về họ dưới đây:
"Phán quyết luận phạt là thế này: ánh sáng đã đến trong thế gian nhưng con người lại chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều gian ác. Hết mọi kẻ làm điều gian ác xấu xa đều ghét ánh sáng, không muốn đến gần ánh sáng bởi sợ các việc làm của mình bị bại lộ" (Gioan 3:19-20).
Thành phần không chấp nhận sự thật hay từ chối sự thật này sở dĩ là thành phần "vấp phạm" vì họ không muốn hoán cải đời sống, trái lại họ muốn tiếp tục sống trong tội lỗi, cho dù họ thực sự biết mình đang tội lỗi, đang sống một cách giả dối và gian ác, hoàn toàn bất khả chấp. Thậm chí chính bản thân đương sự phạm nhân cũng không thể chịu được, khi họ bị lương tâm cắn rứt hay khi họ bị đau khổ bởi tội lỗi do chính họ gây ra.
Nếu họ chấp nhận sự thật thì họ phải hoán cải. Mà hoán cải thì mất tự do phạm tội. Bởi thế, họ không ngừng trốn tránh sự thật, không nương tay đàn áp sự thật và sát hại sự thật là chính những gì giải phóng họ (xem Gioan 8:32). Điển hình và thực tế nhất là trường hợp của những con người luôn trấn an lương tâm để cố tình lao đầu theo đam mê nhục dục và tham vọng lợi lộc điên cuồng của mình, bằng mọi giá, bất chấp mọi thiệt hại gây ra cho tha nhân.
Với những con người cố tình sống trong tình trạng băng hoại thối nát ấy, như Thiên Chúa không hiện hữu, hay như Thiên Chúa đã chết, như không có đời sau, như chỉ có thiên đường trần thế, như tử thi chết 4 ngày như vậy, cho dù Chúa Giêsu vẫn có thể hồi sinh như Lazarô, nhưng có những trường hợp "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này chỉ còn biết "khóc" (xem Gioan 11:39,35; Luca 19:41) mà thôi. Đó là lý do bài Phúc Âm hôm nay đã kết lại ở chỗ:
"Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy".
Đúng thế, đa số thành phần dân làng ở Nazarét có "vấp phạm vì Người" chăng nữa, Người đã chẳng những không chán nản hay thất vọng, trái lại, càng vì thế Người càng phải nỗ lực rao giảng hơn nữa, ở chỗ: "Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy", chẳng những để ngăn chặn tình trạng băng hoại như ở Nazarét mà còn để cứu độ những con người đáng thương khác, thật sự lầm lạc khác.
Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay trong Sách Samuel quyển thứ 2 cho biết về một Đavít lầm lạc trầm trọng một lần nữa, sau lần ngoại tình và giết người trước kia. Cái lầm lạc một lần nữa này của vị vua đệ nhị cai trị dân Do Thái này là ở chỗ: "Vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: 'Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số'".
Thế nhưng, nhà vua đã tỏ ra hối hận về lệnh kiểm tra dân số của mình: "Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: 'Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột'".
Tại sao thế? Tự bản chất của việc kiểm tra dân số này đâu có gì là xấu! Thế nhưng, sở dĩ vua Đavít muốn thực hiện việc kiểm tra dân số là vì vua muốn tỏ ra cái hùng hậu của vương quốc trong thời hiển trị của mình, một vương quốc mà, căn cứ vào bản tổng kết được "Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua" thì "trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết sử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến".
Nếu quả thật như vậy thì vua đã phạm tội đối với Thiên Chúa là Đấng đã ở với vua ngay từ khi vua còn là một cậu thanh thiếu niên được Tiên tri Samuel kín đáo xức dầu phong vương cho, ở chỗ vua đã tỏ ra kiêu hãnh, tự phụ và tự mãn v.v. không sống chân thật với mình và với Chúa.
Thế rồi, như trong trường hợp đã ngoại tình còn giết người của vua trước kia, lần này, vua cũng phạm hai tội liền nhau, chẳng những mù quáng kiêu hãnh lại còn gian ác ích kỷ nữa. Ở chỗ, khi được chọn một trong ba hình phạt để đền tội lỗi của mình, vua lại chọn hình phạt giáng xuống trên dân lành vô tội hơn là lên chính bản thân đáng phạt của vua là kẻ đã phạm tội:
"Ðây Chúa phán: 'Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành'. Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: 'Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi'. Ðavít trả lời cho Gad rằng: 'Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ'".
Lý do "thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ'" được vua Đavít nêu lên và chọn lựa đây bề ngoài có vẻ là những gì chính đáng nhất đối với vua trong lúc vua đang mù quáng, nhưng thật ra là một mánh khóe để trốn tránh khổ đau xẩy ra cho bản thân vua, thà để cho dân lành vô tội chịu còn hơn vua.
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan và nhân từ lại có thể làm theo ý muốn đầy vị kỷ và tác hại dân chúng vô tội như của vua Đavít bấy giờ chứ? Thế nhưng, thật ra, chính trong việc này Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho vua thấy rằng tội của vua quá ư là trầm trọng đến độ chỉ có thành phần vô tội như dân lành của vua mới có thể đền thay được cho vua mà thôi, chứ chính vua mà chịu cũng chưa xứng với tội tầy đình của vua nữa:
"Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết".
Tuy nhiên, Thiên Chúa chẳng những công bằng giáng phạt nhưng vẫn nhân hậu như thường. Truớc hết là nhân hậu với thành phần nạn nhân vô tội bị chết trong vụ này, ở chỗ họ chắc chắn được Ngài cứu độ, chắc chắn được Ngài ban thưởng xứng đáng cho giá làm tế vật của họ, như trường hợp làm vật hy tế của Uria là chồng của người vợ mà vua ngoại tình với trước đó cũng vậy. Sau nữa, Ngài nhân hậu với phạm nhân ở chỗ dùng chính hình phạt kẻ vô tội của Ngài vừa đủ để thức tỉnh nạn nhân phạm đến Ngài. Đó là lý do Bài Đọc 1 đã kết luận như thế này:
"Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: 'Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại'. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: 'Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con'".
Không như dân làng Nazarét "cứng lòng tin" trong Bài Phúc Âm hôm nay, vua Đavít đã tỏ ra biết mình và hối hận về những gì mình làm trước tác động thần linh của Thiên Chúa. Bởi thế, vị vua này đã có thể xướng lên Bài Đáp Ca hôm nay rất thích hợp với vua:
1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.
2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con".
3) Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này.
4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Ngày 05: Thánh Agata, đồng trinh tử đạo
Thánh Agata sinh tại Sicilia trong một gia đình danh giá. Các chị em của người là Anê, Lucia và Cêcilia đã đổ máu ra minh chứng Chúa Kitô dưới thời bạo vương Ðêciô, năm 251.
Tương truyền rằng từ thuở bé, Agata đã hứa giữ mình đồng trinh. Nhưng quan trấn ở Sicilia là Quintianô ngỏ ý xin cưới thánh nữ. Bị từ khước, ông tức giận bắt giam thánh nữ, lấy cớ ngài là người Công Giáo. Người ta đã hành hạ, khinh khi làm nhục ngài. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Lạ thay, trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintianô nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintianô sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục. Ngài đã chết rũ tù ngày 05/12/251. Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catana khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Giáo Hội mừng kính ngài vào ngày 05/02 mỗi năm.
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHqhP_6oK1O4%2BF4DhgWKxg5xcVo7YFvDFjikKx-oMXcyiA%40mail.gmail.com.