BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BA CN19TN-C

Thứ Ba CN19TN-C
 
 
                                                 CẦN HẠ MÌNH XUỐNG NHƯ TRẺ NHỎ

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 2, 8 - 3, 4

"Người ban cho tôi cuốn sách ấy làm lương thực: nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa phán như thế này: "Phần ngươi, hỡi con người, hãy nghe các lời Ta sẽ phán cùng ngươi; ngươi chớ phản nghịch như loài phản nghịch kia. Hãy mở miệng mà ăn những sự Ta sẽ ban cho ngươi". Tôi nhìn, thì có một bàn tay đưa về phía tôi, trong tay có cuốn sách cuộn lại. Người mở cuốn sách ra trước mặt tôi: sách viết cả mặt trong, mặt ngoài. Trong sách viết những lời than van, rên rỉ và kêu trách.

Người phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, ngươi hãy ăn sự ngươi tìm được. Hãy ăn cuốn sách này và đi nói với con cái Israel". Tôi mở miệng và Người cho tôi ăn cuốn sách ấy và bảo tôi rằng: "Hỡi con người, hãy lấy cuốn sách Ta ban cho ngươi làm lương thực mà ăn cho no". Tôi ăn và nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi. Và Người phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, hãy đi đến nhà Israel và nói cho chúng nghe những lời của Ta".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Các lời sấm của Chúa ngọt ngào trong cổ họng con là dường nào (c. 103a).

Xướng: 1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường bằng được mọi thứ giàu sang. - Ðáp.

2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ của Ngài là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.

3) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.

4) Các lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. - Ðáp.

5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời: vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. - Ðáp.

6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.

"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".

Ðó là lời Chúa.

 

Cảm Nghiệm /Suy Niệm/ SỐNG VÀ CHIA SẺ

 

Như Trẻ Nhỏ: vừa Thánh Nhân vừa Tội Nhân


Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XIX hôm nay chất chứa câu trả lời của Chúa Giêsu được các môn đệ đặt ra về vấn đề "ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời" 
 
Câu trả lời của Người như thế này: "Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời'".
 
Hành động "gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông" của Chúa Giêsu cho thấy Người rất quí yêu con trẻ, và con trẻ là mô phạm cho cả thành phần môn đệ của Người, thành phần chứng nhân tiên khởi của Người và là nền tảng của Giáo Hội được Người thiết lập. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là mô phạm cho các vị về tinh thần mà thôi, chứ không phải về thể lý. Bởi thế, Người không bảo các vị rằng "nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ này...", mà là bảo các vị: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này...", nghĩa là việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" chính là việc "hạ mình xuống". 
 
Đúng thế, nếu "Nước Trời" đây là chính bản thân Người, mà Người đã "hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi v.v." (Philiphê 2:6), thì chỉ có "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này..." mới có thể nhận ra Người, chấp nhận Người và đáp ứng Người mà thôi, nghĩa là mới có thể "vào Nước Trời". Ý nghĩa sâu xa của cụm từ "vào Nước Trời" là như vậy, là đến được với Chúa Giêsu, bằng không, không thể nào, như trường hợp của thành phần luật sĩ và biệt phái vừa kiêu kỳ vừa giả hình không đơn sơ chân thật như trẻ nhỏ trong dân Do Thái. 
 
Chưa hết, việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" là "hạ mình xuống" này chẳng những giúp cho con người "vào Nước Trời" là nhận biết Chúa Kitô, mà còn trở thành "kẻ lớn nhất trong Nước Trời" nữa. Ở chỗ được Chúa Kitô yêu thích nhất, được hiệp nhất nên một với Người nhất, như một Con Trẻ Maria "đầy ân phúc" (Luca 1:28), vì Con Trẻ Maria này liên lỉ sống "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự - quả thực Con Trẻ Maria "có phúc vì đã tin" (Luca 1:45). 
 
Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dường như nói đến "trẻ nhỏ" ở hai ý nghĩa trái nghịch nhau. Ý nghĩa thứ nhất là tính cách bé nhỏ "khiêm nhượng" của "trẻ nhỏ" để có thể chẳng những "vào Nước Trời" là gặp gỡ Chúa Kitô mà còn trở nên cao trọng nhất trong Nước Trời là được hiệp nhất nên một với Người. Ý nghĩa thứ hai về "trẻ nhỏ" đó là tính chất "dại dột" vụng về của chúng.
 
Phải chăng đó là lý do ở phần sau của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã cảnh giác các môn đệ là đừng khinh dể "trẻ nhỏ" ở tính chất dại khờ vụng dại của chúng: "Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này"? Bởi vì, ngay sau đó Người nói đến tình trạng con chiên lạc: "Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao?"
 
Sở dĩ các môn đệ không được khinh dể thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu này là vì 2 lý do: Lý do thứ nhất đó là 
"kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy", và lý do thứ hai đó là: "vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời".  
 
Thật vậy, trước nhan Thiên Chúa hằng được các thiên thần chiêm ngưỡng trên trời, biết đâu những kẻ tầm thường trên thế gian này, thậm chí những con người tội lỗi đáng khinh bỉ lại được Thiên Chúa tuyển chọn để làm những việc cả thể cho Ngài, như đã từng xẩy ra trong giòng lịch sử loài người nói chung và Giáo Hội nói riêng. Biết đâu thành phần bé mọn yếu hèn này lại biết nhận lỗi và hối lỗi trước nhan Chúa, như người thu thuế trong đền thờ mà lại nên công chính hơn người Pharisiêu cũng cầu nguyện với họ bấy giờ (xem Luca 18:13-14).
 
Nếu thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu chẳng khác gì như "một con chiên lạc" (chứ không phải con dê), được Thiên Chúa chú ý và tìm kiếm cho đến cùng và cho bằng được như thế thì quả thực từng "con chiên lạc" là những gì rất quí báu trước nhan Thiên Chúa, đến độ "kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy" - Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật, chúng ta không thể nào lại khinh thường những gì được Thiên Chúa yêu thương quí chuộng, nhất là thành phần tội nhân vô cùng đáng thương của Ngài.  
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 
 
--------------------------------------