BÁNH SỰ SỐNG - CAN ĐẢM LÊN! THỨ HAI 25-5-2020
- Details
- Category: 4. Bánh Sự Sống
-
Tinh CaoSun, May 24 at 3:38 PM
Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
BÁNH SỰ SỐNG: CAN ĐẢM LÊN !
Bài Ðọc I: Cv 19, 1-8
"Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?"
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: "Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?" Họ trả lời: "Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói". Ngài lại hỏi: "Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?" Họ thưa: "Phép rửa của Gioan". Phaolô liền bảo: "Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Ðấng sẽ đến sau ông, tức là Ðức Giêsu". Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người.
Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 67, 2-3. 4-5ac. 6-7ab
Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Thiên Chúa đứng lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long nhan. Như làn khói toả, chúng rã tan, như mẩu sáp ong gần lửa chảy ra, những đứa ác nhân tiêu vong trước nhan Thiên Chúa. - Ðáp.
2) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, danh hiệu Người là Chúa, hãy mừng rỡ hân hoan trước nhan Người. - Ðáp.
3) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. - Ðáp.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 29-33
"Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra". Chúa Giêsu đáp lại các ông: "Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm (Gioan 16:29-33)
"Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: 'Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra'. Chúa Giêsu đáp lại các ông: 'Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian'".
Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh hậu Tuần Bát Nhật Phục Sinh được mở màn ở bài phúc âm hôm nay, Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh, dường như không thấy gì là đúng như thế, thậm chí còn lạc đề nữa là đằng khác, vì nội dung của bài Phúc Âm hôm nay, qua những lời Chúa nói với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, chỉ liên quan đến phản ứng của các vị trước cuộc tử nạn của Người và số phận gian nan khốn khó của các vị trên thế gian này.
Tuy nhiên, nếu chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh còn bao gồm cả tính cách nên giống nhau trong mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và các tông đồ thì số phận các vị bị gian nan khốn khó trên thế gian cũng là những gì Người đã trải qua trước các vị, những gì Người đã đi để dọn chỗ cho các vị, để "Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan 14:3). Và những gì các vị phải chịu vì danh Thày và như Thày để làm chứng về Người đều xuất phát từ niềm tin bất khuất của các vị nơi Người, như chính lời các vị tuyên xưng trong bài Phúc Âm hôm nay: "Chúng con tin Thày bởi Thiên Chúa mà ra", một niềm tin đã làm cho các vị được hiệp nhất nên một với Người, sống động và tác hành như Người.
Bài Phúc Âm hôm nay có 2 điểm chính yếu có liên hệ mật thiết với nhau, một ở đầu và một ở cuối. Điểm chính yếu ở đầu bài Phúc Âm hôm nay đó là "bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra"; và điểm chính yếu cuối bài Phúc Âm hôm nay đó là "giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Ý nghĩa của "dụ ngôn" được Chúa Giêsu nói đến ở bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước và được các tông đồ lập lại trong bài Phúc Âm Thứ Hai tuần này, đó là những gì diễn tả một thực tại hay một sự thật ở bên trong các "dụ ngôn" ấy. Bởi thế, các "dụ ngôn" ở đây, nhất là trong Phúc Âm Thánh Gioan là Phúc Âm nhấn mạnh đến các dấu lạ hơn là phép lạ hay đến các dụ ngôn bằng lời nói như ở Phúc Âm Thánh Mathêu, có thể hiểu là bao gồm tất cả lời nói và việc làm của Chúa Kitô vì qua những lời nói và việc làm của mình, Người đã tỏ ra một sự thật duy nhất, đó là Người là Đấng Thiên Sai, Người từ Cha mà đến, đúng như các tông đồ cuối cùng, trong bài Phúc Âm hôm nay, đã khám phá ra cái bí mật của những gì Thày của các vị vẫn nói và làm từ trước đến nay, cái sự thật bí mật trong các "dụ ngôn" đó là: "Thầy bởi Thiên Chúa mà ra".
Nếu Chúa Kitô chỉ chiến thắng thế gian khi Người sống lại từ trong cõi chết, thì tại sao trong bài Phúc Âm hôm nay, lời Người khẳng định trong Bữa Tiệc Lý trước cuộc Vượt Qua từ tử giá đến phúc sinh, Người lại nói: "Thày đã chiến thắng thế gian". Nghĩa là cho dù Người chưa sống lại Người cũng "đã chiến thắng thế gian" rồi. Vậy phải hiểu ý nghĩa cái "đã" thuộc về quá khứ hay đã qua này ra sao, trong khi chính lúc Người khẳng định như thế lại chưa xẩy ra như vậy? Căn cứ vào các "dụ ngôn" là lời Người nói và việc Người làm như là các dấu lạ ẩn tàng một mầu nhiệm bên trong để chứng thực sự thật "Thày bởi Cha mà ra", có 2 "dụ ngôn" liên quan đến mầu Nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm tột đỉnh chứng tỏ sự thật "Thày bởi Cha mà ra", và chứng tỏ "Thày đã thắng thế gian", dù theo thời gian chưa thực sự xẩy ra như thế.
"Dụ ngôn" thứ nhất đó là biến cố Người chay tịnh 40 đêm ngày và cuối cùng bị ma quỉ cám dỗ, một biến cố ám chỉ và hường về mầu nhiệm khổ nạn và tử giá, một biến cố mang tính cách "dụ ngôn" cho thấy Người quả thực "đã chiến thắng thế gian", ở chỗ Satan đã hoàn toàn bị thảm bại, một thảm bại sẽ được lập lại trên Đồi Canvê sau này.
"Dụ ngôn" thứ hai đó là biến cố Người biến hình trên núi cao, một biến cố liên quan đến mầu nhiệm phục sinh vinh hiển của Người, một mầu nhiệm cho thấy quả thực "Người đã chiến thắng thế gian", sau khi để cho thế gian, qua giáo quyền Do Thái giáo và chính quyền Đế quốc Rôma hợp nhau sát hại Người nhưng vẫn chẳng những không làm gì được Người mà nhờ đó Người biến thập giá là tiêu biểu cho tội lỗi và chết chóc thành ân sủng và sự sống.
"Thầy đã thắng thế gian", trước khi nắm bắt được ý nghĩa thần học thật sự liên quan đến mạc khải thần linh, lời khẳng định về quá khứ này của Chúa Kitô còn có thể hiểu trước hết theo ý nghĩa triết học như thế này. Ở chỗ "sự thật" là một thực tại bất biến, so với những gì được gọi là hiện tượng, là tính chất, hay sự kiện hoặc biến cố, đều là những gì phụ thuộc và sẽ qua đi. Sự dữ (evil), so với sự thật, chỉ là những gì gian dối và xấu xa, nghĩa là những gì không thật và không tốt: "không" ở đây mang tính cách "tiêu cực", tức "thiếu" - "không có" hoặc chưa có sự thật và sự thiện. Sự chết, một hình thức và là một thực tại tột cùng của sự dữ, nhất là về lãnh vực siêu nhiên và thiêng liêng, lại càng rõ ràng hơn nữa. Ở chỗ "sự chết" là hết sống (câu "chết là hết" có thể hiểu là như thế) hay "sự chết" là mất sự sống hoặc thiếu sự sống.
Ngay từ ban đầu "Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài đã dựng nên đều tốt đẹp" (Khởi Nguyên 1:31), đúng như Ngài thực sự muốn tạo dựng nên chúng, hoàn toàn không hề có sự dữ hay sự chết, cho tới khi xẩy ra nguyên tội thì từ bấy giờ "tội lỗi cùng với sự chết đột nhập vào thế gian" (Roma 5:12). Sự dữ là tội lỗi và sự chết là hậu quả của tội lỗi, như thế, theo Sách Khởi Nguyên, thật sự là một hiện tượng, một tính chất (hơn là bản chất), một biến cố, một sự kiện chỉ xẩy ra sau việc tạo dựng nên mọi sự tốt lành của Thiên Chúa, và hiện tượng "tội lỗi cùng với sự chết đột nhập thế gian" này, gây ra bởi một tạo vật của Thiên Chúa là ma quỉ, tác nhân "đã mang sự chết đến cho con người ngay từ đầu... nói năng xảo quyệt, hắn là cha của những sự dối trá" (Gioan 8:44), chứ không phải bởi chính "Thiên Chúa là ánh sáng, trong Ngài không hề có tối tăm" (1Gioan 1:5).
Về bề ngoài và theo thời gian thì ra như ma quỉ làm chủ thế gian này. Thế nhưng, tự tính chất là hiện tượng (chứ không phải là thực tại bất biến), mà sự dữ và sự chết đã là những gì sẽ qua đi và sẽ như bóng tối (ám chỉ sự dữ bao gồm cả tội lỗi và sự chết) bị đánh tan, khi ánh sáng xuất hiện. Đó là lý do, từ nguyên tội cho tới "thời điểm viên trọn khi Thiên Chúa sai Con Ngài đến được hạ sinh bởi một người nữ" (Galata 4:4), thì thế gian nói chung và dân Do Thái nói riêng "còn ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết" (Luca 1:79), và chỉ cho tới "thời điểm viên trọn" thì "ánh sáng chân thật chiếu soi hết mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:12), đó là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) - Người đã xuất hiện như "ánh sáng chiếu trong tăm tối, một thứ tối tăm không át được ánh sáng" (Gioan 1:5).
Chính vì Chúa Kitô "là đường, là sự thật và là sự sống" (Gioan 14:6) bất diệt và bất tử như thế mà "không ai có thể lấy được mạng sống của Tôi. Tôi tự bỏ nó đi và có quyền lấy nó lại" (Gioan 10:18). Và đó là lý do, trong bài Phúc Âm của Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh, Chúa Kitô cũng đã khẳng định về số phận thảm bại ngay từ ban đầu của tên cho mình là chủ tể thế gian nhờ nguyên tội đó là: "Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi" (Gioan 6:11). Hắn "đã" "bị xét xử rồi", như chính Chúa Kitô "đã" "thắng thế gian" vậy, theo dự án cứu độ của Thiên Chúa, cho dù công cuộc cứu độ của Chúa Kitô chưa hoàn thành. Tóm lại, sự dữ không phải là tất cả, trái lại, nó chỉ là cơ hội được LTXC vô biên bất tận vố cùng khôn ngoan và toàn năng lợi dụng để tỏ mình ra bằng ơn cứu độ vô cùng cao quí của Ngài được ban cho con người nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế đã Vượt Qua, Thăng Thiên và "lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết".
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 19:1-8)
"Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: 'Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?' Họ trả lời: 'Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói'. Ngài lại hỏi: 'Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?' Họ thưa: 'Phép rửa của Gioan'. Phaolô liền bảo: 'Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Ðấng sẽ đến sau ông, tức là Ðức Giêsu'. Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người. Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa".
Nếu không ở trong tình trạng Hiệp Nhất Thần Linh, không ai có thể làm được những gì như chính Chúa Kitô đã làm, bởi không có Thánh Thần của Người ở nơi họ, Vị Thánh Thần được Người chẳng những thông cho họ từ chính thân xác phục sinh của Người ngay sau khi Người sống lại tử trong cõi chết (xem Gioan 20:22) mà còn là Vị Thánh Thần được Người từ Cha sai đến với Giáo Hội (xem Gioan 15:26 và Tông Vụ 1:8).
Trong bài đọc 1 hôm nay cho thấy vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã thật sự được Hiệp Nhất Thần Linh đến độ việc đặt tay của ngài đã gây ra một tác dụng thần linh đó là làm cho "Thánh Thần ngự xuống trên họ", thành phần "đã nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu", và chỉ nhờ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Kitô, chứ không phải phép rửa thống hối của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, mà nhờ đó "Thánh Thần ngự xuống trên họ" và họ cũng được Hiệp Nhất Thần Linh với Chúa Kitô, khiến "họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHqA_C9mYvJ%3DeXobuxLafKBqPnw4wziW2O-NYwOVk%3D3zEw%40mail.gmail.com.