BÁNH SỰ SỐNG LC - TĨNH CAO -THƯ NĂM
- Details
- Category: 4. Bánh Sự Sống
-
Thứ Năm CN5MC-C
BÁNH SỰ SỐNG Lời Chúa
Bài Ðọc I: St 17, 3-9
"Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc".
Trích sách Sáng Thế.
Trong ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: "Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng".
Chúa lại phán cùng Abraham rằng: "Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng: 1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. - Ðáp.
2) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
3) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Am 5, 14
Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi.
Phúc Âm: Ga 8, 51-59
"Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Người Do-thái lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết". Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?"
Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".
Người Do-thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi".
Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Nguồn gốc thần linh của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét,
nhân vật bị dân Do Thái bấy giờ cho Người là "bị quỉ ám" rồi bị họ "ném đá",
là ở chỗ Người biết Thiên Chúa
Hôm nay, Thứ Năm Tuần V Mùa Chay, chỉ còn đúng 3 ngày nữa là hết Mùa Chay, Chúa Nhật Lễ Lá, thời điểm bắt đầu Tuần Thánh cũng gọi là Tuần Thương Khó.Đúng như hôm qua đã cảm nhận "chúng ta sẽ tiếp tục thấy được phản ứng của dân Do Thái ra sao, càng ngày càng dữ dội, càng điên tiết lên, cho đến khi họ bất chấp thủ đoạn miễn là làm sao có thể hoàn toàn triệt hạ được đối thủ ghê gớm vô cùng đáng ghét này của họ, và vì vậy, trong khi họ được Chúa Giêsu tiếp tục dẫn họ vào sâu hơn nữa nguồn gốc thần linh của Người, cho tới tận thẳm cung của mầu nhiệm thần linh của Người và về Người, so với tổ phụ Abraham (bài Phúc Âm Thứ Năm Tuần V Mùa Chay ngày mai)".Trước hết, trong Bài Phúc Âm hôm nay, ở câu cuối, chúng ta đã thấy phản ứng dữ dội đầu tiên của người Do Thái đối với Người, như Thánh ký Gioan cho biết: "Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ".Phải chăng trong Tuần V Mùa Chay xẩy ra sự kiện "Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ" này mà kể từ Chúa Nhật V Mùa Chay đầu tuần, các nhà thờ Công giáo, cách riêng ở Hoa Kỳ, đã che phủ các ảnh tượng và Thánh Giá lại, cho đến sau cử hành nghi thức khổ nạn của Chúa Kitô Thứ Sáu Tuần Thánh mới bỏ khăn che Thánh Giá ra và cho tới Lễ Vọng Phục Sinh mới mở các tấm che các ảnh tượng khác ra?Sự kiện theo truyền thống của Giáo Hội che đi các ảnh tượng và Thánh Giá vào thời điểm này còn có thể hiểu, hay tự nó mang một dụng ý là mầu nhiệm về Chúa Kitô, một mầu nhiệm thần linh liên quan đến cuộc khổ nạn tử giá của Người và đạt tới tột đỉnh của mình nơi biến cố Vượt Qua của Người, một mầu nhiệm thần linh con người nói chung và dân Do Thái nói riêng tự mình không thể nào hiểu được, dù có nghe thấy chính lời tự chứng của Chúa Kitô.Tuy nhiên, mầu nhiệm thần linh vô cùng siêu việt về Chúa Kitô ấy sẽ hoàn toàn được tỏ hiện ở chính vào lúc con người, qua dân Do Thái bấy giờ, "treo Con Người lên cao" (Gioan 8:28) - đó là lý do tấm che Thánh Giá được mở ra sau nghi thức Thương Khó Thứ Sáu Tuần Thánh, nhất là cho đến khi Người từ trong kẻ chết sống lại là lúc Người hoàn toàn tỏ mình ra cho thấy tất cả sự thật về Người là "Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16) - đó là lý do các ảnh tượng được che đi sẽ hoàn toàn lộ ra vào đêm Vọng Phục Sinh.Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy được lý do tại sao dân Do Thái đã không còn chịu được Chúa Giêsu nữa, họ đã tiến từ chỗ nói rằng "ông bị quỷ ám" sang hành động bạo lực là "lượm đá ném Ngài". Hành động "lượm đá ném Ngài" này cũng chưa nặng bằng hành động "họ tìm cách bắt Người" ở bài Phúc Âm ngày mai. Bởi vì, ở bài Phúc Âm hôm nay, Người mới nói đụng đến tổ phụ Abraham đáng kính của họ, còn ở bài Phúc Âm ngày mai, Người thậm chí còn dám nói chạm tới cả chính Thiên Chúa tối cao đáng tôn thờ của họ.Thế nhưng, Chúa Kitô đã nói gì trong bài Phúc Âm hôm nay đụng đến tổ phụ đáng kính Abraham mà thành phần thính giả đại diện dân Do Thái bấy giờ nghe thấy đã không thể nào chịu nổi, đến độ đã ném đá Người như thế. Sau đây là nguyên văn câu Người nói được thánh ký Gioan ghi lại đã quả thực không thể nào không gây chấn động toàn thể con người của những ai nghe người nói, cả bên trong (tức giận) lẫn bên ngoài (ném đá):"'Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng'. Người Do-thái liền nói: 'Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?' Chúa Giêsu trả lời: 'Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi'".Lời khẳng định và công khai tuyên bố này của Chúa Kitô về nguồn gốc thần linh của Người, đúng như Người biết mình là Đấng "bởi trời", như Người đã từng khẳng định trước đó với họ trong bài Phúc Âm Thứ Ba tuần này, cũng là Đấng biết mình "từ đâu đến" và sẽ "đi đâu", như Người đã khẳng định trước đó với họ trong bài Phúc Âm Thứ Hai tuần này, nhưng đối với dân Do Thái, Người chỉ là một con người thuần túy như họ đã tỏ ra ngạo mạn hỗn láo, không thể nào chấp nhận được."Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi" chẳng những là câu Chúa Kitô đã tỏ nguồn gốc thần linh của Ngài ra, đồng thời cũng là câu Người trả lời cho họ khi họ hạch Người ở đầu Bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?".Như thế, Người là ai và nguồn gốc thần linh của Người có một liên hệ bất khả phân ly, Người là ai chính ở nơi nguồn ngốc thần linh của Người, và nguồn gốc thần linh của Ngài đã chứng tỏ cho thấy Người là ai. Cũng trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã chứng tỏ Người là ai có liên hệ mật thiết với nguồn gốc thần linh của Người, một nguồn gốc thần linh cho dù tổ phụ Abraham xưa kia cũng không bằng Người hay như Người. Tại sao? Nếu không phải tại vì:"Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Ngài là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Ngài. Còn Ta, Ta biết Ngài. Nếu Ta nói Ta không biết Ngài, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Ngài, và Ta giữ lời Ngài. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".Đúng vậy, nguồn gốc thần linh của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, nhân vật bị dân Do Thái bấy giờ cho Người là "bị quỉ ám" rồi bị họ "ném đá", là ở chỗ Người biết Thiên Chúa: "Ngài là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Ngài. Còn Ta, Ta biết Ngài". Kiến thức thần linh siêu việt này không phải là người ai cũng có, thậm chí tổ phụ Abraham cũng chẳng có, mà chỉ được mạc khải cho biết mà thôi. Thế nên, Chúa Kitô đã nói về vị tổ phụ này rằng: "Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".Nghĩa là, Chúa Kitô, tột đỉnh mạc khải thần linh được Thiên Chúa tỏ ra trong suốt giòng lịch sử cứu dộ của dân Do Thái, bắt đầu từ tổ phụ Abraham, chính là đối tượng chính yếu duy nhất của tất cả những gì tổ phụ Abraham tin tưởng hay hướng về, qua hình ảnh của lòng mong đợi "được thấy ngày của Ta", và chính nhờ đức tin mà quả thực "Ông đã thấy và đã vui mừng" cho dù Chúa Kitô là giòng dõi của ông chưa sinh ra.
"Ông đã thấy và đã vui mừng" ở đây, vì có liên quan đến nguồn gốc thần linh của Chúa Kitô, Đấng có trước tổ phụ Abraham và vai trên của Abraham, nên có thể hiểu về vị thượng tế Melchizedek là vị thượng tế đã có một nguồn gốc hoàn toàn siêu phàm bí mật, đóng vai chúc lành cho Abraham và được Anbraham dâng chiến lợi phẩm của mình cho (xem Do Thái 7:1-10, nhất là câu 3:) "Không cha không mẹ hay tổ tiên gì hết, như Con Thiên Chúa, ông muôn đời là tư tế", và Con Thiên Chúa, trong thân phận làm người, được Thiên Chúa chứng nhận: "Con là linh mục đời đời theo giòng Melchizedek" (Do Thái 7:21).Ngoài ra, "Ông đã thấy và đã vui mừng" ở đây còn liên quan đến người con được sinh ra theo lời hứa cho ông. Thật vậy, Chúa Kitô đã hiện diện nơi Isaac con ông, người con duy nhất theo lời hứa Thiên Chúa đã ban cho ông khiến ông vui mừng, nhưng Ngài lại muốn ông sát tế nó cho Ngài, để nhờ đó ông vui mừng thấy được người con ông không tiếc cùng Thiên Chúa ấy, như chính Thiên Chúa đã không tiếc Con Một của Ngài (xem Roma 8:32), trở thành mầm mống cho một dân tộc bao gồm vô số muôn dân, đông như sao trời nhiều như cát biển, không thể nào đếm được, là thành phần miêu duệ xuất phát từ ông là cha của tất cả những ai tin tưởng, thành phần được cứu chuộc bởi Chúa Kitô, đối tượng đức tin của ông và của giòng dõi như sao trời cát biển này của ông.Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ Sách Khởi Nguyên, cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã có ý định muốn sử dụng nhân vật Abram là tổ phụ của một giòng dõi bao gồm tất cả mọi dân tộc trên thế giới, một giòng dõi tin tưởng được Chúa Kitô cứu độ, Đấng xuất thân từ dân tộc Do Thái, như Vị Thiên Sai của họ và là Đấng Cứu Thế cho toàn thể nhân loại. Chính Thiên Chúa đã tự động thiết lập giao ước với nhân vật Abram này bằng những lời lẽ bao gồm và mở đầu cho mạc khải thần linh của Ngài trong giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái cho tới khi mạc khải thần linh này lên tới tột đỉnh nơi Chúa Kitô "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4):"Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng".Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa lời kêu gọi dân Do Thái là "miêu duệ Abraham" được Thiên Chúa "kén chọn" "hãy luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa" là Đấng "muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước... Ngài đã ký cùng Abraham", như Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại, và được chính Chúa Giêsu kín đáo nhắc lại trong Bài Phúc Âm cùng ngày:1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.2) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.3) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.
Thánh Gioan Lasan 7-4
Gioan Lasan ( Jean Baptiste de Lasalle) chào đời ngày 30/4/1651 tại thành Rheims_Pháp, trong một gia đình trưởng giả. Cha là thẩm phán tòa án thành Rheims, mẹ là con gái nhà quý tộc. Ngay từ thưở thơ ấu Gioan đã thích những việc đạo đức.
Lên 10 tuổi Gioan bắt đầu học lớp đệ lục tại Rheims. Năm 1662, Gioan nhận phép cắt tóc được chính thức công nhận là ứng sinh gia nhập vào hàng ngũ giáo sĩ. Chưa đầy 16 tuổi Gioan đã lãnh nhận chức Kinh Sĩ và lãnh bằng M.A hạng tối ưu, kết thúc quãng đời học sinh năm 1669 ( 18 tuổi)
Gioan học đại học Rheims được một năm, đến tháng 10/1670 thì theo học tại đại chủng viện Sulpice ( Xuân Bích) do các linh mục tu hội Xuân Bích điều khiển.
Năm 1671, được tin mẹ mất và chưa đầy 9 tháng sau, cha của Gioan cũng qua đời. việc học vì thế bị gián đoạn, Gioan trở về nhà chăm lo việc gia đình. Năm 1672, Gioan lãnh nhận chức phụ phó tế trong nhà nguyện Đức TMG tại Cambrai. Mùa thu năm 1673, công việc trôi chảy nên Gioan tiếp tục việc học. Tháng 8/1675 Gioan lấy được bằng cử nhân thần học. một năm sau lãnh nhận chức phó tế và ủy quyền giám sát các em của mình lại cho ông cậu. đến năm 1678, Gioan được thụ phong linh mục trong dinh Đức TGM thành Rheims đồng thời nhận bằng tiến sỹ thần học năm 1680.
Những năm đầu đời linh mục, Gioan đã gặp khó khăn trong việc thương thuyết xin chính quyền công nhận hội dòng “các chị em Chúa Giêsu Hài Đồng” chuyên giáo dục những em gái nghèo do cha Nicolas trao phó cho Gioan trước khi ngài mất. cha Gioan đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, cha thường đến dâng lễ và giúp về phần thiêng liêng cho các chị em. Cha Gioan ngày ngày dâng lễ với cung cách trang nghiêm sốt sắng nên thu hút được nhiều người và cảm hóa nhiều người khô khan nguội lạnh.
Ngày 15/4/1679 trường Kitô đầu tiên dành cho con trai nghèo được thành lập cùng bao khó khăn thiếu thốn. đến khoảng cuối năm 1679 thêm hai trường nữa được thành lập và rất thành công. Tuyn nhiên người quản lý các trường là ông Nyel không lo huấn luyện các thầy giáo nên về sau các thầy giáo trở nên cẩu thả, học sinh ngày càng khó trị và vô kỉ luật. Tất cả những gì tốt đẹp xây dựng bấy lâu sắp tan thành mây khói. Cha Gioan quyết định đưa các thầy giáo về sống trong nhà mình để có thêm thời gian lo cho các thầy giáo và huấn luyện họ trở thành một cộng đoàn cùng chung ý hướng và tôn chỉ. Mặc cho gia đình phản đối cha vẫn giữ nguyên quyết định thực hiện, từ bỏ thế giới sung túc để sống trong thế giới của người nghèo. Xây dựng trường học, huấn luyện các thầy giáo, tiến hành cải cách nền giáo dục Kitô cho trẻ em nghèo…Cha Gioan đã gặp không biết khó khăn, gian nan trong việc thành lập hội dòng, mở rộng các trường học khắp các miền thành Rhiems, Paris, Vaugirard…Cha đã vượt qua tất cả sự chống đối, nhục mạ và kiện tụng, có những lúc rơi vào tình trạng khủng hoảng tưởng chừng như hội dòng sắp tiêu tan…
Có thể nói Cha Gioan đã hi sinh tất cả để chăm lo cho các em trường Kitô và hội dòng trong suốt quãng thời gian từ năm 1680 đến năm 1719. Công lao sáng lập, gây dựng của Cha thật lớn lao cho một nền giáo dục nhân bản và Kitô.
Về phần mình Cha Gioan luôn sống khắc khổ, ăn chay, hãm mình. Mặc cho đau ốm bệnh tật suýt chết, cha vẫn khó nghèo trong luật lệ do chính mình soạn thảo ra, sống hết mình, vâng phục để làm vinh danh Chúa theo khả năng mình và theo thánh ý Người.
Về cuối đời. cha Gioan sống trong bệnh tật khắc nghiệt, phải chịu nhiều đau đớn nhưng cha vẫn trung thành với Chúa cho đến cùng. Khi đang trong cơn đau sắp chết vì một số hiềm khích lúc trước mà có người hại Gioan, kết cuộc Gioan bị treo chén. Đây là tủi nhục cuối cùng mà Gioan phải đón nhận. như bao lần trước ngài vẫn cất tiếng: “ Xin chúc tụng Chúa” vào thứ 6 tuần thánh, ngày 7/4/1719 Gioan trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 68 tuổi.
Đến 5/1840 hồ sơ phong thánh của người được nộp cho Tòa Thánh. Các sách vở người viết được nộp cho Tòa Thánh cứu xét. Ngày 12/1/1852, Tòa Thánh công nhận các bản văn này phù hợp với tín lý của Giáo Hội. Ngày 1/11/1887, Toà Thánh công nhận 3 phép lạ do lời chuyển cầu của Ngài và Ngài được Đức Thánh Cha Leo XIII nâng lên hàng Á Thánh ngày 19/2/1888. Sau đó Tòa Thánh công nhận thêm 2 phép lạ nữa do Ngài cầu bầu giúp. Ngày 25/4/1900, Đức Thánh Cha nâng ngài lên hàng các thánh và được chọn làm quan thầy các nhà giáo dục trên toàn thế giới vào ngày 15/5/1950.
Công trình cả đời Ngài thâm tín là “ việc của Chúa – Domine, Opus Tuum” vẫn được tiếp tục bởi nhưng người nối gót theo Ngài dấn thân cống hiến cho trẻ, đặc biệt là con em người nghèo và lao động, một nền giáo dục nhân bản KiTô trong hơn 300 năm qua ở hơn 80 quốc gia trên thế giới.http://lasanbmt.com/tin-tc/tin-tc-la-san/598-tiu-s-thanh-gioan-lasan.html
Trong một thế kỷ ham chuộng tóc giả, phấn son cùng y phục xa hoa; ai là người để ý tới kẻ săn sóc đám lê dân? Trong khi mà vua Louis thứ XIV oai phong lẫm liệt giữa triều thần trong cung điện Versailles; trong khi mà Giám mục Bossuet hấp dẫn mọi người chung quanh giảng đài của ông; trong khi chiến thắng oanh liệt của hai ông Turenne và Condé vang dội châu Âu; trong khi mà thi kịch gia Corneille,Racine,La Fontaine chói lọi trên văn đàn; hỏi ai là người đếm xỉa tới một Linh mục chạy ngược xuôi tổ chức các trường từ thiện?
ĐucmagnificatĐám trẻ nhỏ không có ai dạy dỗ
Đi lang thang chập choạng bước lạc loài
Gặp Lasan, kẻ đã được Chúa sai
Như ngọn lửa bừng lên trong đêm lạnh.
Vâng, giữa lúc các trường công nước Pháp cấm dạy đạo, Chúa Quan Phòng đã cho xuất hiện một vị Thánh chuyên lo giáo dục trẻ, khai mở các trường Công giáo, vừa dạy chữ, dạy nghề, vừa huấn luyện đạo lý. Đó là Thánh Gioan Baotixita La-san linh mục mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Thánh Gioan Lasan sinh ngày 30.4.1651 tại thành Reims(Pháp) trong một gia đình giàu có, sang trọng và đạo đức. Người theo học tại chủng viện Sulpice và thụ phong linh mục vào năm 1678. Nhờ ơn Chúa soi sáng, Ngài thấy được con đường lý tuởng của Ngài. Đó là “đào tạo giáo viên và mở trường dạy học”; một con đường với đầy những khó khăn, gian khổ và đau thương ngập tràn khiến Ngài đã từng phải thốt lên rằng: “Nếu tôi biết trước được công việc sẽ dẫn tôi đến đâu, thì tôi sẽ không bao giờ đụng ngón tay vào…”Thế nhưng, từng bước một và một cách tế nhị, kín đáo, Chúa dẫn đưa Người dần dần tới chỗ lo cho việc giáo dục trẻ nghèo, một nhu cầu cấp bách của xã hội đương thời.
Người đã thấy được hai thực thể:một thực thể tối thượng là Thiên Chúa;và một thực thể thấp hèn là con em giới lao động.
Người đã nhận thức được hai sự thật: một là Thiên Chúa luôn luôn muốn cứu sống hết mọi người; hai là trong khi ấy con em giới lao động lại sống quá xa ơn cứu độ.
Và Thánh Gioan Lasan đã quyết định đem ơn cứu độ đến trong tầm tay của trẻ hay nói đúng hơn là để bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa Quan phòng cứu sống trẻ.
Chính vì thế, Người bán hết của cải, phân phát cho kẻ nghèo, tới sống chung với một số giáo viên. Người đứng ra khai mở nhiều trường Công giáo, dạy văn hoá, huấn luyện nghề nghiệp nhất là hướng dẫn Giáo lý cho học sinh. Ngài ưu tiên cho học sinh nghèo, miễn phí cho họ. Chính vì đó mà Ngài gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Các trường khác chống đối Ngài vì trường họ mất học sinh, nhất là vấn đề học phí. Họ tố cáo Ngài, tổ chức cướp phá trường của Ngài. Chính quyền ra lệnh cấm Ngài dạy miễn phí trong thành phố Paris. Nhưng Thánh nhân vẫn không ngã lòng.
Trên hai vai nặng trĩu gánh học đường
Cha vững bước trong niềm TIN sắt đá,
Chén gian truân Cha nào đâu có sá,
Uống cạn ly vì hai chữ NHIỆT THÀNH.
Và thế là Ngài tiếp tục mở trường dạy miễn phí ở các nơi khác.
Lần lần với kinh nghiệm, ngài thấy rằng muốn cho công cuộc giáo dục đạt kết quả tốt, chẳng những là phải có một đội ngũ giáo viên có học thức cao mà cần nhất là đào tạo đức gương mẫu. Với ngưòi, nghề gõ đầu trẻ không còn là một kế sinh nhai mà là một nghề cao quý, và hơn nữa còn là một sứ mạng thiêng liêng.
Gõ đầu trẻ, một cái nghề bất hạnh
Sống qua ngày cho trọn kiếp tầm tơ
Nhưng này đây: một sứ mạng đang chờ
Cùng với Chúa dựng xây nhà Hội Thánh.
Vì thế, Ngài cầu nguyện với Chúa và quyết định biến đổi nhóm giáo viên của Ngài thành một cộng đoàn tu sĩ chuyên lo việc giáo dục đào tạo. Đó là Dòng Các Sư Huynh trường Kitô mà chúng ta thấy hiện có mặt khắp các nước trên thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho công trình giáo dục, Ngài đã định không một sư huynh nào được làm linh mục. Vì nếu làm linh mục thì các sư huynh phải lo việc mục vụ, không đủ thời gian lo cho việc dạy dỗ giới trẻ. Chính Ngài đã chăm lo huấn luyện đạo đức và nghiệp vụ cho các Sư huynh.Ngài thường nhắn nhủ: “Anh em hãy suy nghĩ điều tông đồ Phaolô đã nói:Thiên Chúa đã đặt trong Hội thánh có các tông đồ,các tiên tri và các tiến sĩ.Bây giờ anh em cũng sẽ thâm tín rằng chính Chúa cũng đã đặt anh em trong chức vụ đang ở.Về điều đó,chính vị Thánh ấy đã cho anh em một bằng chứng khi nói: có nhiều tác vụ và nhiều công việc nhưng chỉ có một Thánh Thần biểu thị trong mỗi ơn như vậy, để làm ích chung cho toàn thể tức là cho cả Hội thánh.
Do đó, anh em không được nghi nan gì về ơn mà anh em đã được, là giáo dục thiếu niên, rao giảng Tin mừng cho chúng và huấn luyện chúng trong tinh thần đạo đức. Đó là ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho anh em. Người đã gọi anh em đến chức vụ Thánh này. Vậy trong toàn bộ việc giáo dục của anh em, anh em phải làm cho lớp thiếu niên mà anh em có phận sự coi sóc, nhận thấy anh em chính là thừa tác viên của Thiên Chúa,khi anh em chu toàn phận sự với tình thương không giả dối và với sự chuyên cần chân thật. Hơn nữa, anh em còn phải dấn thân vào chức vụ không phải chỉ là thừa tác viên của Thiên Chúa mà còn là thừa tác viên của Đức Kitô và Hội thánh nữa.
Anh em hãy thao thức làm cho thiếu niên đi vào cơ cấu của ngôi đền thờ này là Hội Thánh, để một ngày kia chúng xứng đáng đến trước toà Đức Giêsu đầy vinh quang, không tì tích, không nhăn nheo hay xấu xa hầu chứng tỏ cho các thế hệ mai sau thấy các sự giàu sang phong phú của ơn Thánh mà Thiên Chúa đã ban cho chúng, khi cho chúng trợ giúp về giáo lý, lúc trao chúng cho anh em dạy dỗ và giáo dục để chúng được phần gia nghiệp nước Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kiô,Chúa chúng ta”.
Cuộc đời của Gioan Lasan đầy gian truân thử thách và chịu nhiều áp lực của thế quyền cũng như giáo quyền, nhưng Người vẫn luôn tin tưởng và phó thác vào bàn tay Chúa Quan Phòng. Người mất ngày thứ sáu Tuần Thánh 07.04.1719,tại Saint-Yon,thọ 68 tuổi. Lời cuối cùng của Người nói lên được thái độ thâm sâu của Người trước cuộc đời: “Tôi thờ lạy Thánh ý Chúa trong mọi sự đối với tôi”.
Chỉ bấy nhiêu việc cũng đủ ghi danh Người vào sử sách nhưng Người còn làm hơn nữa, Người đã dựng cho các trường tiểu học một hệ thống giáo dục mà nhiều điểm còn tồn tại tới ngày nay cho nên Người đã được coi là Vị gầy dựng nên trường tiểu học. Các sử gia phải lấy làm kinh ngạc khi thấy những nguyên tắc giáo khoa tân tiến ngày nay đã được Người áp dụng cách đây hơn hai thế kỉ.
Gioan Lasan không còn nữa nhưng hệ thống giáo dục, những công trình Ngài đã lao công vất vả để gầy dựng cũng như hội dòng Các Sư huynh trường Kitô vẫn sống mãi theo thời gian. Vì lý do rất đơn giản: Còn giới trẻ-Còn giáo dục;Còn giáo dục-còn các Sư huynh Lasan.
Chính vì thế,ngày 19.02.1888 Đức Giáo hoàng Léon XIII đã tôn phong Người lên bậc Chân phước và lên bậc Hiển Thánh ngày 24.05.1900.
Ngày 15.05.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII tôn phong Người làm Quan Thầy các nhà giáo dục Kitô trên toàn thế giới.
Và công trình của Thánh Gioan Lasan,một công trình mà ANH luôn thâm tín là việc của Chúa-Domine,opus tuum-vẫn còn tiếp tụcqua các Sư huynh Lasan, con cái của ANH,
qua Chị em Lasan, con cháu của ANH,
qua các nhà giáo dục,những người thông dự vào đoàn sủng Lasan,
đang nối gót ANH
dấn thân cống hiến cho giới trẻ, đặc biệt con em giới nghèo và lao động,
một nền giáo dục nhân bản và Kitô,
trong gần 350 năm qua trên 84 quốc gia trên thế giới.
Lasan
(Theo Dòng Lasan VN)https://www.lsvn.info/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1172