5 Phút cho Lời Chúa ngày 13/04 – 19/04/25

13/04/25                                         Chúa nhật lễ lá – c

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Lc 22,14-23,56 

ánh sáng của lòng thương xót

Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Nói xong, Người tắt thở. (Lc 23,46)

Suy niệm: Trong cuốn “Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su theo nhà phẫu thuật”, bác sĩ Barbet đã mô tả chi tiết những đau khổ thể lý của Chúa Giê-su và kết thúc bằng câu: “Thưa bạn độc giả, ta hãy cám ơn Chúa đã cho tôi có sức viết đến chữ cuối cùng, trong chan hoà nước mắt”. Nhà phẫu thuật nổi tiếng xúc động sâu sắc trước những đau đớn trên thân xác Chúa Giê-su: đổ mồ hôi máu, chịu đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá, chịu đóng đinh, bị ngạt thở… Tuy nhiên, đừng quên rằng Ngài còn phải chịu nhiều nỗi đau nơi tâm hồn: bị Giu-đa phản bội, Phêrô chối bỏ, bị vu khống, chê cười, hạ nhục, thách thức… Thế nhưng, đối diện với lửa thù hừng hực, với phản bội chối từ, Ngài vẫn toả ra ánh sáng của lòng thương xót: chữa tai người lính, nhìn Phê-rô giúp ông sám hối, xin Chúa Cha tha cho kẻ giết hại mình, hứa thiên đàng cho người trộm hối cải… Không đau khổ nào có thể làm thay đổi lòng nhân hậu nơi Ngài.

Mời Bạn: Hãy chậm rãi đi với Chúa Giê-su trên từng chặng đường Khổ nạn, từ Vườn Dầu đến Núi Sọ, từ những khổ đau thể lý đến những nỗi đau sâu kín nơi quả tim Con Thiên Chúa, và mặc lấy tâm tình nhân hậu của Ngài.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh này, tôi sẽ dâng những hy sinh hãm mình qua thái độ cư xử dịu dàng, hiền hoà với người chung quanh.

Cầu nguyện: Quỳ gối sốt sắng đọc kinh Lạy hồn Chúa Giê-su: Lạy hồn Chúa Ki-tô, xin thánh hóa con. Lạy xác thánh Chúa Ki-tô, xin cứu độ con. Lạy máu thánh Chúa Ki-tô, xin cho con say mến. Lạy nước bởi cạnh sườn Chúa Ki-tô, xin thêm sức cho con. Amen.

 

14/04/25                                         Thứ Hai tuần thánh

                                                                            Ga 12,1-11

 

lòng sốt sắng kính mến chúa

Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. (Ga 12,3)

Suy niệm: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đến nhà ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô tại Bê-ta-ni-a. Giữa bầu khí thù địch khi mà giới chức lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Ngài, gia đình cô Mác-ta lại đón tiếp Chúa thật trọng hậu và trân quý. Hơn thế nữa, trong bữa ăn, cô Ma-ri-a quỳ xuống, dùng một bình dầu thơm hảo hạng chỉ để xức chân Chúa, rồi lấy tóc mình lau chân Ngài. Nghĩa cử cực kỳ hào phóng khi cô hiến dâng cho Chúa những gì là quý giá nhất đó, không chỉ nói lên lòng kính mến vô bờ cô dành cho Ngài, mà Chúa còn cho biết, đó chính là hành vi mang tính ngôn sứ, “dành cho ngày mai táng Chúa”, hành vi suy tôn cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu để cứu độ trần gian.

Mời Bạn: Với trào lưu tục hoá và não trạng ‘có thực mới vực được đạo’, nhiều Ki-tô hữu coi những việc đạo đức như cầu nguyện, thờ phượng… là vô bổ và tốn thời gian, họ chỉ ‘giữ đạo’ ở mức tối thiểu. Trong mùa Chay, có rất nhiều thực hành đạo đức như ăn chay, kiêng thịt, gẫm Đàng Thánh Giá, ngắm 15 Sự Thương Khó (Lễ Đèn)… cùng với những cử hành trọng thể như Đêm Thánh Vượt Qua. Tham dự những cử hành đó cách quảng đại với lòng sốt sắng kính mến Chúa chính là để đồng cảm và thông phần cuộc khổ nạn cứu độ với Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng thu xếp công việc để tham dự đầy đủ các cử hành Tuần Thánh tại giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho con trong cuộc Thương khó để con sẵn sàng đón nhận đau khổ và cùng thông phần khổ nạn với Chúa. Amen.

 

15/04/25                                          Thứ Ba tuần thánh

                                                                Ga 13,21-33.36-38

 

để thiên chúa được tôn vinh

Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” (Ga 13,31)

Suy niệm: Có những thí sinh được tôn vinh nhờ đạt được kết quả xuất sắc trong kỳ thi. Cũng có những vận động viên được tôn vinh khi đăng quang ngôi vô địch trong các cuộc thi đấu. Tổ quốc cũng tôn vinh những chiến sĩ lập được những chiến công anh hùng. Nhiều người muốn tôn Đức Giê-su làm vua sau khi Ngài phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chí ít họ cũng có dịp tung hô Chúa là vua khi Ngài công khai tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem ít ngày trước lễ Vượt Qua (Ga 12,12-14). Nhưng với Đức Ki-tô, lúc Ngài được tôn vinh thực sự và Thiên Chúa, Cha của Ngài cũng được tôn vinh chính là lúc Giu-đa rời phòng Tiệc Ly đi cấu kết với người Do Thái để nộp Ngài, lúc đó Chúa nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh”Giờ Chúa được tôn vinh là lúc cuộc Thương Khó, cuộc chiến cuối cùng, bắt đầu.

Mời Bạn: Được tôn vinh, theo Chúa Giê-su, không phải là lập được thành tích xuất sắc, được số đông thán phục, mà là được Chúa Cha tôn vinh vì đã hoàn thành chương trình cứu độ của Ngài trong yêu mến vâng phục. Là môn đệ Chúa, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của tình yêu, để Thiên Chúa được tôn vinh, và nhờ đó, chúng ta cũng được Thiên Chúa tôn vinh.

Sống Lời Chúa: Dâng một việc hy sinh để cầu nguyện cho những ai không có thiện cảm về mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hạ mình, chịu đóng đinh, chịu chết để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết khiêm nhường phục vụ tha nhân để mai ngày, chúng con được chung hưởng vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.

 

16/04/25                                          Thứ Tư tuần thánh

                                                                           Mt 26,14-25

 

yêu thương thật

Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!” (Mt 16,25)

Suy niệm: Có người thắc mắc tại sao Chúa biết trước Giu-đa sẽ phản bội mà không ngăn cản để ông khỏi phạm tội ác. Tin Mừng Mát-thêu hôm nay cho biết khi Giu-đa giả ngây cố tỏ vẻ vô tội hỏi Chúa: “Chẳng lẽ con sao?” Ngài đã nói không thể rõ hơn để cảnh tỉnh ông: “Chính con nói đó.” Chúa nhẹ nhàng kín đáo tỏ cho Giu-đa biết Ngài thấu suốt âm mưu phản bội của ông để mở cho ông cơ hội hoán cải. Chúa vẫn rửa chân cho ông như một cử chỉ yêu thương tột cùng, đánh động tâm hồn, hối thúc ông từ bỏ ý định đen tối. Đến giây phút cuối cùng trong vườn Cây Dầu, Chúa vẫn nhẹ nhàng: “Giu-đa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48). Chúa vẫn bao dung và nhẫn nại ngay cả khi đối diện sự phản bội đau đớn nhất; Ngài cho biết đối với Ngài, sám hối trở về không bao giờ là quá muộn.

Mời Bạn: Chúa Giê-su cho thấy Ngài luôn yêu thương con người, ngay cả khi họ phản bội Ngài. Như người cha nhân hậu, Chúa luôn mở rộng đôi tay ôm lấy người con sám hối trở về. Giu-đa vẫn được Chúa yêu thương tha thứ nếu ông thực lòng thống hối ăn năn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, dù có phạm tội thế nào, chỉ cần biết quay về, lòng thương xót Chúa vẫn chờ đón chúng ta.

Sống Lời Chúa: Bạn cầu nguyện cho những người đang sống trong tội lỗi, thất vọng về bản thân, mất lòng trông cậy nơi Chúa được ơn sám hối trở về. Và bạn luôn sẵn sàng, quảng đại tha thứ cho anh chị em xúc phạm tới mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết yêu thương như Chúa, là yêu cả kẻ thù, là yêu đến mức dám hiến thân mình vì anh em. Amen.

 

17/04/25                                       Thứ Năm tuần thánh

                                                                            Ga 13,1-15

 

hãy rửa chân cho nhau

“Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)

Suy niệm: Ở miền Cận Đông thời Chúa Giê-su, tại các bữa tiệc, người ta nằm nghiêng trên các ‘giường tiệc’ để vừa với bàn tiệc rất thấp. Tư thế đó khiến đôi chân lộ rõ trên giường ăn. Chính vì thế, buộc phải rửa chân cho sạch những bụi bặm dính vào khi đi đường. Nhưng rửa chân là công việc của đầy tớ, của nô lệ. Thế nên các môn đệ hết sức sững sờ khi Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho họ. Dù Phê-rô vẫn cố phản kháng, không để Thầy rửa chân mình, nhưng Chúa cho biết đó là điều kiện để được “dự phần” với Chúa; điều kiện đó lại kéo theo một yêu cầu: các môn đệ của Ngài cũng phải noi gương Thầy mà phục vụ lẫn nhau: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Bạn thân mếnThầy Giê-su đã làm một hành vi thật ấn tượng và lại kèm theo một lệnh truyền không thể hiểu khác: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Phải chăng chúng ta một khi đã nhận mình là môn đệ của Chúa thì nhất định phải “rửa chân” nghĩa là phải phục vụ anh em? Địa vị của bạn trong xã hội hay cộng đoàn càng cao thì càng phải đặt mình trong tư thế tôi tớ khiêm tốn, để phục vụ cả trong những việc nhỏ bé, âm thầm, tầm thường nhất. Rửa chân cho nhau cũng là quan tâm chia sẻ, không từ nan trước khó khăn, đau khổ của người khác. Bạn nhớ “khiêm nhường phục vụ không làm mình hèn kém, mà giúp mình trở nên giống Chúa hơn.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm ít là một việc phục vụ nhỏ bé, âm thầm, dù người khác có biết hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu khiêm nhường của Chúa. Xin giúp chúng con biết yêu thương và khiêm nhường phục vụ người khác như Chúa đã dạy. Amen.

 

18/04/25                                        Thứ Sáu tuần thánh

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Ga 18,1-19,42

 

sáng kiến tình yêu

Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao ban Thần Khí. (Ga 19,30)

Suy niệm: Một cô bé tuổi mười lăm thắc mắc hỏi cha mình: ‘Cha ơi sao Chúa không chọn cách khác để cứu độ nhân loại, có nhiều cách mà phải không cha?’ Đúng là Chúa có nhiều cách cứu độ nhưng Ngài lại chọn cứu độ nhân loại bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá, cách mà “người Do-thái coi là ô nhục, và dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,23), cách mà cả người môn đệ thân tín là Phê-rô cũng lên tiếng can ngăn Chúa (x. Mt 16,22). Chúng ta có thể hỏi nhiều câu hỏi tại sao như thế. Nhưng sẽ chỉ có một câu trả lời: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Mời BạnTình yêu luôn có nhiều sáng kiến. Tình yêu Thiên Chúa thì vô biên, nên sáng kiến của tình yêu của Ngài cũng hết sức cao vời vượt quá điều chúng ta có thể tưởng nghĩ tới. Chương trình cứu độ bằng thập giá chính là sáng kiến tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa để mặc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta. Vì thế, tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa không chỉ là than khóc vì những nỗi thống khổ, đau đớn Ngài phải chịu. Trái lại chúng ta suy tôn sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa cho Con Một Ngài hiến thân chịu đóng đinh, chịu chết để cứu độ chúng ta. Và chúng ta đồng cảm với Chúa, cùng vác thánh giá với Ngài thay vì tiếp tục đóng đinh Chúa bằng những tội lỗi của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Mỗi lần xưng tội, bạn quyết tâm dứt khoát chừa bỏ tội lỗi và đền bù bằng đời sống bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã chịu đóng đinh thập giá để cứu độ chúng con. Xin cho con vác thập giá mình đi theo Chúa để đáp đền tình yêu ấy. Amen.

 

19/04/25                                        Thứ Bảy tuần thánh

                                                                                Mc 15,46

 

nếu đức ki-tô không sống lại

Ông Giô-xép mua một tấm vải gai,… liệm xác Chúa Giê-su, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mồ. (Mc 15,46)

Mời Bạn vận dụng một chút tưởng tượng mà hình dung mình đang đứng cạnh các môn đệ sau khi đẩy tảng đá lấp kín mộ Chúa. Phải chăng thế là hết thật rồi? Ước mơ ngày nào được ngồi hai bên tả hữu Chúa, giờ đây đã tan theo mây khói. Còn đâu nữa phép lạ ngoạn mục Thầy Giê-su hoá bánh ra nhiều? Còn đâu nữa danh tiếng Thầy vang dội khi hô một tiếng, anh La-da-rô, chết chôn đã ba ngày, tung cửa mồ bước ra? Còn đâu nữa Thầy tỏ mình vinh quang sáng ngời trên núi? Phải chăng tất cả đều trở nên vô nghĩa? Thế còn lời Thầy dặn dò “Đừng nói gì cho đến khi Thầy từ trong cõi chết sống lại” (Mt 17,9) nghĩa là gì? Những vấn nạn đó chỉ có lời giải đáp nếu Đức Ki-tô thực sự có sống lại. Quả thật, không có phép lạ nào quan trọng bằng chính việc Đức Giê-su phục sinh như thánh Phao-lô tuyên bố : “Nếu Chúa Ki-tô không sống lại thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1Cr 15,17). Chúa Giê-su phục sinh là cốt lõi niềm tin của chúng ta. Niềm tin này kéo theo nhiều niềm tin khác: niềm tin cứu chuộc, niềm tin thân xác sống lại… Lời chứng của các tông đồ không phải là một niềm tin nhảm nhí hay ảo tưởng nhưng có bằng chứng xác thực dựa vào Kinh Thánh và lòng tin của Giáo Hội suốt hai mươi thế kỷ qua.

Sống Lời Chúa: Chúa Ki-tô đã phục sinh nhưng Ngài vẫn ẩn mình. Bạn dành ít phút thinh lặng hồi tâm để sống tâm tình của các tông đồ bên mộ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm niềm hy vọng sống lại để từng ngày sống của con trở nên một sứ điệp mang lại niềm vui và lòng tin cho mọi người. Amen.