5 Phút cho Lời Chúa ngày 20/07 – 26/07/2025

20/07/25                                      Chúa Nhật tuần 16 tn

                                                                           Lc 10,38-42

 

cầu nguyện hay hoạt động?

Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42)

Suy niệm: Khi đọc đoạn Phúc Âm này, chúng ta thường đối lập Ma-ri-a và Mác-ta. Tùy theo khuynh hướng nội tâm, người thích cầu nguyện thì chọn Ma-ri-a, còn người thích hoạt động lại chọn Mác-ta. Nhưng đó không phải là ý Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay. Ngài không thiên vị ai: không bênh Ma-ri-a, cũng chẳng chê Mác-ta. Ngài đã nhiều lần mời gọi chúng ta hành động, chứ không phải chỉ thưa thốt suông ngoài môi miệng, chẳng hạn: “Không phải cứ nói: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời” (Mt 7,21). Thế nhưng, Mác-ta bị Chúa ‘sửa lưng’ vì lăng xăng: chị đã ‘náo động’ chứ không phải ‘hoạt động’. Cầu nguyện và hoạt động đều cần thiết, và phải nhịp nhàng với nhau. Vì thế, mới có câu châm ngôn: “Ora et labora” (= cầu nguyện và lao động) của đời sống tu trì theo tu luật thánh Biển Đức. Theo đó, việc chiêm niệm gắn liền với việc lao động. Không cầu nguyện, việc làm của ta trở thành náo động. Không được nuôi dưỡng bởi cầu nguyện, tất cả những việc chúng ta làm sẽ trở thành máy móc, theo một lập trình khô khan.

Mời Bạn: Đời sống thánh thiện của các vị thánh -chẳng hạn: cha Gio-an Via-nê, cha Pi-ô Năm Dấu- có sức lôi cuốn con người cách đặc biệt. Theo bạn, sự thánh thiện ấy đến từ đâu? Từ hoạt động hay cầu nguyện? Hay cả hai?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu ngày mới bằng lời kinh ngắn gọn: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con luôn biết hướng lòng về Chúa mọi nơi mọi lúc, để tất cả mọi việc làm của chúng con sinh hoa trái đích thực. Amen.

 

21/07/25                                           Thứ HAI TUẦN 16 TN

Th. Lô-ren-xô Brin-đi-xi, linh mục                Mt 12,38-42

 

nhận biết dấu lạ giô-na!

“Chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.” (Mt 12,39)

Suy nệm: Con người hay đòi thấy dấu lạ rồi mới chịu tin; còn Thiên Chúa lại coi việc tin nhận Ngài lại là điều kiện để được dấu lạ. Thật vậy, Ngài đã thực hiện vô vàn dấu lạ trong Cựu ước, thế nhưng, dân Chúa vẫn cứng lòng, không chịu tin Ngài. Cũng vậy, Pha-ra-ô, Vua Ai Cập, chứng kiến hàng chục dấu lạ, nhưng đâu dễ thả cho dân ra khỏi đất Ai Cập! Trái lại, người trộm bên phải, cùng chịu đóng đinh với Chúa, tin Ngài vô tội khi chịu treo trên thập giá, dù chưa thấy dấu lạ nào, anh đã tin, đã cầu khẩn xin Ngài nhớ đến anh khi về Nước của Ngài. Đáp lại, Chúa đã hứa phúc thiên đàng ngay cho anh, một diễm phúc quá lớn lao, vượt mức mong đợi của anh. Dám tin vào lời Chúa hứa là một bước nhảy liều chí mạng, chỉ những ai dám nhảy bước nhảy quyết định đó mới thấy dấu lạ mà thôi.

Mời Bạn: Chúa vẫn tiếp tục gởi đến bạn các dấu lạ mỗi ngày: sự sống, sự hiện hữu, cuộc đời bạn, là điều kỳ diệu nếu bạn chịu khó suy nghĩ, chiêm ngắm; rồi dấu lạ qua các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể khi bánh rượu trở thành Thịt Máu Chúa, sự sống của chính Thiên Chúa… Lời Chúa hôm nay là cơ hội giúp bạn coi lại thái độ sống đức tin của mình trước những dấu chỉ thời đại Chúa gửi đến.

Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố bạn đã trải qua trong quá khứ, để nhận ra bàn tay của Chúa trong cuộc đời bạn và Ngài đã thực hiện dấu lạ nơi bạn như thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xin thêm lòng tin cho chúng con,” để chúng con tin Chúa hơn, làm được những điều vốn dĩ nếu thiếu lòng tin, chúng con sẽ không thể nào làm nổi tự sức mình. Amen.

 

22/07/25                                             Thứ ba tuần 16 tn

Th. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na                            Ga 20,1-2.11-18

 

tông đồ của các tông đồ

“Hãy đi gặp anh em Thầy… Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa.” (Ga 20,17.18)

Suy niệm: Thánh Tô-ma A-qui-nô đã gọi thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là “Tông đồ của các Tông đồ” vì bà là người đầu tiên được gặp Đức Ki-tô phục sinh, được Chúa trao cho vinh dự loan báo Tin mừng sống lại: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em.” Tông đồ (apostolos) nguyên nghĩa là người được sai đi. Sai đi để làm gì nếu không phải để nói và làm chứng. Nói thôi chưa đủ, mà còn phải làm chứng. Ma-ri-a đã đóng trọn vai trò nói và làm chứng ấy khi đi gặp các Tông đồ, kể lại những điều Ngài đã nói với bà. Lời chứng của bà nói với Tông đồ ngày ấy cũng phải là lời chứng của mỗi Ki-tô hữu hôm nay: “Tôi đã thấy Chúa.” Thật vậy, lời chứng mạnh nhất của ta phải là trải nghiệm thấy Chúa trong cuộc đời mình qua Lời Chúa, các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể, cũng như qua các sự kiện vui buồn lớn nhỏ trong lịch sử đời mình.

Mời Bạn: Nỗi sầu mất Chúa bị đánh tan nhờ niềm vui gặp gỡ Ngài. Cuộc đời tông đồ cũng thế, những biến cố buồn sầu là điều không thể tránh khỏi, nhưng đàng sau đó là niềm vui lớn của người môn đệ được gặp gỡ Đức Ki-tô. Niềm vui ấy giúp người môn đệ không ngại ngần khi phải dấn thân vì Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn.” Muốn được niềm vui của Chúa, mời bạn đến gặp Chúa mỗi ngày qua Thánh Thể, Lời Ngài, cũng như qua anh chị em mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa ở với con mọi ngày đem lại niềm vui cho con. Xin cho con đi tìm Chúa như việc hệ trọng nhất trong đời. Nhờ đó, con có sức mạnh hoạt động cho Nước Chúa.

 

23/07/25                                             Thứ tư tuần 16 tn

Th. Bi-ghít-ta, nữ tu                                            Mt 13,1-9

 

hãy là mảnh đất tốt

“Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả.” (Mt 13,8)

Suy niệm: Theo kinh nghiệm nhà nông, để cây sinh trưởng mạnh, đem lại năng suất cao, cần phải có bốn yếu tố sau: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Còn trong đời sống thiêng liêng, để Lời Chúa phát sinh hoa trái dồi dào, trước tiên, tâm hồn ta phải là mảnh đất tốt. Để mảnh đất tâm hồn ta sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào và sinh hoa kết quả, ta cần: (1) can đảm ‘dọn dẹp’ những ‘sỏi đá’, ‘bụi gai’ những thứ cản trở, bóp nghẹt khiến Lời không thể lớn lên; (2) có nhiệt tâm, quảng đại, ngoan ngoãn cộng tác với Chúa Thánh Thần để ý Chúa được hiện thực trong đời mình. Lời Chúa là hạt giống tốt, lại được gieo vào mảnh đất tâm hồn tốt, giờ đây còn cần được chăm sóc là “nước, phân bón và sự chuyên cần” đó chính là siêng năng cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và thực hành bác ái. Như thế, chắc chắn hạt giống Lời Chúa sẽ sinh trái gấp trăm.

Mời Bạn kiểm tra lại xem tâm hồn bạn đang là loại đất nào. Mời bạn cải tạo mảnh đất ấy cho trở nên màu mỡ bằng cách loại bỏ những cứng cỏi, oán hờn, ghen ghét, ích kỷ, kiêu căng, thành kiến, kém đức tin, thiếu hy vọng ra khỏi mảnh đất lòng bạn. Lúc ấy, Lời Chúa mới có cơ hội nảy mầm, bén rễ sâu, sinh hoa trái trong tâm hồn, cuộc sống bạn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm đời sống, loại trừ nết xấu, rèn luyện nhân đức để sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thật quảng đại khi gieo vãi tình thương, ơn cứu độ của Chúa cho từng người. Xin cho chúng con trở nên những mảnh đất màu mỡ trổ sinh hoa trái, và lan tỏa tình thương cho tha nhân. Amen.

 

24/07/25                                          Thứ năm tuần 16 tn

Th. Sa-be-li-ô Ma-lúp, linh mục                     Mt 13,10-17

 

Chúa Giê-su, vị thầy tinh tế

Các môn đệ đến gần hỏi Chúa Giê-su rằng: “Sao Thầy  dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.” (Mt 13,10-11)

Suy niệm: Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su, như một người thầy tinh tế, thường dùng các dụ ngôn qua những câu chuyện thực tế với những hình ảnh quen thuộc hằng ngày để người nghe có thể dễ dàng tiếp cận sứ điệp Tin Mừng. Thái độ đáp lại của họ thật khác biệt nhau: có người thì trầm trồ khen ngợi tài giảng thuyết của Ngài, có người lại trở nên chai đá cứng lòng. Thế nhưng các mầu nhiệm Nước Trời vẫn còn bị che khuất đối với họ. Điều đó khiến các tông đồ thắc mắc: tại sao Thầy không nói trắng ra mà lại dùng dụ ngôn? Thì đây, bí quyết được chính vị Thầy tinh tế đó tiết lộ: Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời là một hồng ân Chúa ban; và để tiếp nhận được hồng ân đó cần có một cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa Ki-tô. Quả thật trong những giây phút thân mật thầy và trò, Ngài mới giải thích ý nghĩa thâm sâu đích thực của các dụ ngôn đó.

Bạn thân mến, Chúa Ki-tô vẫn đang nói với chúng ta qua những “dụ ngôn” đời thường, những sự kiện văn hoá, xã hội, chính trị…, những biến cố xảy ra nơi giáo xứ, cộng đoàn, gia đình… Chúng ta chỉ có thể nhận ra sứ điệp của Chúa trong những giây phút cầu nguyện thân mật trầm lắng với Ngài.

Sống Lời Chúa: Luôn dành thời giờ để tâm sự với Chúa, tại gia và hơn nữa, trước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin ban thêm Đức tin cho con, để con luôn bình an – vui tươi và nhận diện ra sự đồng hành của Ngài trong từng giây phút sống. Amen.

 

25/07/25                                           Thứ sáu tuần 16 tn

Th. Gia-cô-bê, tông đồ                                   Mt 20,20-28

 

được gọi để phục vụ

“Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã non cho ai, thì kẻ ấy mới được.” (Mt 20,23)

Suy niệm: Thời phong kiến, sau vua là đến hai quan tả hữu thừa tướng, chia nhau nắm giữ quyền hành. Chưa lập được công trạng gì, hai anh em con nhà Giê-bê-đê đã lo “chạy chức,” dành “ghế,” mà là ghế cao nhất. Thực ra, tổ chức xã hội nào cũng phải có những người lãnh đạo để phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội. Cũng giống như trong cơ thể con người, não bộ đóng vai trò trung tâm điều khiển các hoạt động của các bộ phận khác vì sự sống còn lành mạnh của cơ thể. Với Chúa, làm người lãnh đạo không phải là ngồi ghế cao hưởng thụ mà là khiêm nhường xả thân phục vụ anh em. Ngồi ở đâu trong bàn tiệc thiên quốc là do Chúa Cha, vị chủ tiệc, sắp xếp. Phần Ngài, Chúa Giê-su cho biết cái “ghế” cao nhất mà Chúa Cha dành cho Ngài chính là cây thập giá.

Bạn ơi, đừng buồn bực vì địa vị của mình thua anh kém chị, nhưng hãy trả lời với Chúa Giê-su, dám cùng uống chén đắng của Ngài, nghĩa là dám trả giá, dù bằng cả sinh mạng, cho sứ mạng mà Chúa kêu gọi mình dấn thân vào. Và khi Chúa đặt bạn vào một chức vụ lãnh đạo nào đó, bạn cũng dám đứng mũi chịu sào vì lợi ích của anh chị em, thay vì hành xử theo kiểu thống trị, củng cố địa vị, mưu tìm lợi ích, danh dự cá nhân. Người thành đạt trước mặt Chúa không phải là người có quyền cao chức trọng, mà là người biết chu toàn bổn phận với lòng hy sinh quả cảm.

Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận một cách vui vẻ, không than vãn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con dám khước từ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa. Amen.

 

26/07/25                                           Thứ bảy tuần 16 tn

Th. Gio-a-kim và An-na                                  Mt 13,24-40

 

lòng nhẫn nại của Chúa

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,30)

Suy niệm: Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy một thực tế rất khó chấp nhận nhưng luôn hiện diện trong đời sống: tình trạng vàng thau lẫn lộn, người lành kẻ dữ sống chung đụng với nhau. Ruộng lúa vừa là hình ảnh của thế giới, vừa là chính tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa luôn gieo giống tốt, nhưng ma quỷ cũng lén gieo cỏ lùng. Phản ứng tự nhiên của ta là “nhổ bỏ cỏ lùng” nghĩa là muốn loại bỏ sự dữ ngay lập tức. Thế nhưng, Thiên Chúa lại có cái nhìn khác: “Cứ để cả hai lớn lên.” Ngài có trái tim nhẫn nại và bao dung. Ngài cho chúng ta có thời gian để hoán cải. Cỏ lùng thì không thể một sớm một chiều trở thành lúa tốt được. Nhưng tâm hồn con người, nhờ ơn tái sinh trong bí tích Rửa tội, có thể được ‘biến đổi gien’ để hôm nay có thể còn là ‘cỏ lùng’, ngày mai đã biến đổi thành ‘lúa tốt’ nhờ sức mạnh của ơn thánh Chúa.

Mời Bạn: Xã hội và ngay cả trong Giáo hội vẫn luôn bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu, người công chính cũng như kẻ bất lương. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào ‘cỏ lùng,’ bạn sẽ chán nản, thất vọng, thậm chí mất niềm tin. Dụ ngôn nhắc bạn hãy có cái nhìn lạc quan hy vọng: Nước Trời vẫn đang lớn lên, ngay cả khi cỏ lùng có vẻ lấn át. Điều quan trọng là bạn trung thành theo Chúa Giê-su, với Lời Chúa là kim chỉ nam cho đời mình.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: tôi đang sống trong thời gian của lòng thương xót và xin ơn biết hoán cải và quay trở về trước khi “mùa gặt đến.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con sống kiên nhẫn, yêu thương, không vội kết án người khác. Xin cho con trở nên lúa tốt trong ruộng đời, để đến mùa gặt, con được thu vào kho lẫm Nước Trời.