VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - ĐỪNG DẠI MANG RA ĐÙA

  •  
    Hung Dao
     
     

    4 kiểu đùa vuidễ dàng kết thúc mối quan hệ, đừng dại mang ra đùa

     

     
     
     

    Những người thích pha trò thường để lại ấn tượng tốt là người hài hước, dễ gần và vui tính. Nói theo tâm lý học, nói đùa là một cách “gây ấn tượng tốt” với người xung quanh. Tuy nhiên, có những trò đùa là chất bôi trơn cho các mối quan hệ xã giao, và cũng có những trò đùa có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ thân thiết.

    Bạn có phải là một người thích đùa không? Khi ở cùng người, hãy nhớ rằng 4 kiểu “đùa vui” này tốt nhất là đừng mang ra đùa, nếu không, mọi người đánh EQ (giá trí tuệ cảm xúc) của bạn quá thấp.

    1. Pha trò “vượt quá giới hạn” với người khác giới

    Cách đây không lâu, Ngọc, cô bạn thân của tôi, có kể với tôi về việc cô ấy đến đồn cảnh sát để trình báo sự việc rằng mình bị quấy rối nơi công sở. Với giọng bức xúc, Ngọc kể rằng nguyên nhân là bởi cô ấy bị một đồng nghiệp nam ôm bất ngờ từ phía sau khi đang làm việc. Dù có chống cự, vùng vẫy thế nào thì đối phương cũng không có ý buông tay.

    Trước đó, khi đang đi trên đường hoặc những lúc dừng xe chờ đèn đỏ, vị đồng nghiệp nam này cũng thường có những hành động quá phận với cô. Nhưng hành động quá trớn của nam đồng nghiệp lần này thật sự khiến cô cảm thấy rất bất an, cuối cùng đã chọn cách gọi cảnh sát.

    Giữa ban ngày ban mặt, dưới con mắt của biết bao nhiêu người, rốt cuộc nam đồng nghiệp này muốn làm gì vậy?

    Đối mặt với sự thẩm vấn của cảnh sát, anh ta nói với vẻ ủy khuất: “Tôi chỉ đùa chút cho vui thôi mà, có cần phải làm lớn chuyện đến vậy không!”.

    Tùy tiện động tay động chân như vậy là một biểu hiện rất thiếu tôn trọng với người khác giới, nhất là với phụ nữ. Người có hành động như vậy, EQ của họ cực kỳ thấp, ở cùng với người dễ khiến người ta cảm thấy bị xúc phạm. Cho dù đó là “động chạm” bằng lời nói hay cơ thể thì đều vượt qua giới hạn xã giao giữa bạn bè khác giới với nhau, làm cho mối quan hệ trở nên xấu đi.

    2. Pha trò về chuyện riêng tư của người khác

    Một đồng nghiệp ngày trước có chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình. Anh đồng nghiệp này cho biết anh có một người bạn thân, và người này rất hay lấy bí mật của anh để pha trò. 

    Anh kể rằng hồi anh còn học cấp 3, trong nhà xảy ra biến cố, cú sốc lớn đó khiến anh bị chấn thương tâm lý nặng, phải điều trị trong bệnh viện tâm thần gần 1 năm. Bí mật này ngoài người bạn thân đó ra thì anh không có kể với người nào khác.

    Hôm đó, anh đến thành phố người bạn này đang sống để tìm việc, người bạn này đã mời bạn bè đến nhà làm bữa chung vui. Trong bữa tiệc, mọi người hào hứng nói về những trải nghiệm thú vị trước đây của mình, cảm thấy thời gian trôi rất nhanh.

    Lúc này, người bạn thân đưa tay quàng lấy vai anh, cười nói to với mọi người rằng: “Nếu nói về trải nghiệm thú vị thì chắc mọi người ở đây không ai qua được người anh em này của tôi đâu, nói cho mọi người hay, cậu ấy từng ở bệnh viện tâm thần đó. Người anh em, hãy cho mọi người biết, bệnh viện tâm thần trông như thế nào? Đồ ăn trong đó có ngon không vậy?”.

    Mọi người đều đổ dồn ánh mắt về phía anh, khiến anh cảm thấy xấu hổ không nói được lời nào. Sau bữa tối đó, anh đã cắt đứt liên lạc với người bạn này.

    Lấy chuyện riêng tư của người khác ra đùa cợt đều là biểu hiện của một người không chỉ có EQ thấp, mà còn cho thấy người đó thiếu sự đồng cảm. Ai cũng có những bí mật không muốn cho người khác biết. Là bạn bè, ta nên giữ bí mật giúp họ  thay vì lấy nó ra trêu đùa, xát thêm muối vào vết thương của đối phương.

    3. Đùa giỡn về ngoại hình của đối phương

    Quỳnh và Mai là đôi bạn thân từ khi học cấp hai đến đại học. Thời đó, cách ăn mặc của Mai nhìn khá trung tính, cô để tóc ngắn, lại thường hay chơi chung với các bạn nam, tính cách lại mạnh mẽ giống như con trai, nên thường bị Mai lấy điều này ra trêu đùa. 

    Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều làm cùng công ty với nhau, tình cảm cũng khá thân thiết. Một lần công ty tổ chức liên hoan, Quỳnh lại lấy ngoại hình ngày trước của Mai ra pha trò với mọi người, thậm chí còn trêu Mai có vấn đề về giới tính, bảo các chị em công ty phải cẩn thận.

    Sau khi liên hoan kết thúc, Mai hẹn và nói riêng với Quỳnh rằng: “Quỳnh này! Sau này làm ơn đừng giễu cợt tớ như thế này trước mặt mọi người nữa! Thật sự tớ rất khó chịu và không thích điều này chút nào!”.

    Hôm sau đến công ty, Quỳnh đã chính thức xin lỗi Mai trước mặt mọi người, nói rằng bản thân mình đã không ý thức về sự trưởng thành và thay đổi của Mai, rằng cô không nên đùa như vậy.

    Nhiều người tỏ ra lịch sự và kiềm chế với người lạ nhưng lại quá vô tư với những người thân thiết xung quanh, những lúc cười đùa thường vô tình chọc vào nỗi đau của đối phương mà không hề để ý. Cần phải biết rằng, chính vì quan hệ tốt nên họ càng để ý đến lời của đối phương, càng không mong rằng bị người bạn thân nhất tổn thương. Dù là người có tấm lòng rộng lượng, dễ tính đến đâu, họ cũng ít nhiều bận tâm đến những lời đùa cợt ác ý. 

    Người có trí tuệ cảm xúc cao, dù có đùa thế nào cũng đều sẽ nghĩ đến thể diện của đối phương, sẽ biết lựa lời và không tổn hại đến tôn nghiêm của đối phương.

    4. Đùa giỡn về gia đình của người khác

    Quang có một người bạn rất thân, người bạn này có tính hay đùa, hai người cũng hay đùa với nhau.

    Có lần, nhóm bạn chơi bóng rổ thì người bạn này không cẩn thận bị sái chân, Quang vừa trách bạn mình không cẩn thận, vừa quan tâm thương thế của bạn mình.

    Nhưng người bạn này không để tâm, còn ôm bụng cười nói rằng: “Cậu xem bộ dạng này của tớ có giống bố cậu không?”.

    Câu nói này đã chọc giận Quang, anh nghiêm túc nói: “Đừng mang bố tớ ra đùa có được không?”.

    Người bạn không nghe, còn tiếp tục bắt chước giọng điệu của bố Quang, nói rằng: “Bố ngã rồi! Con ơi, mau đến đỡ bố nào!”.

    Thì ra, bố của Quang ngày trước từng bị thương ở chân, rồi thành tàn tật, đi đứng cứ khập khà khập khiễng.

    Câu nói này của người bạn không chỉ làm nhục người nhà của Quang, mà nó còn vô tình xát muối vào chỗ đau của anh nữa.

    Dù là bạn bè thân nhau đến mấy thì cũng đừng nên lấy người nhà hoặc vợ/chồng của đối phương ra làm trò đùa trong các cuộc nói chuyện. Đây là nguyên tắc và ranh giới của một người, nếu vượt quá thì dù quan hệ có tốt đẹp đến đâu cũng sẽ trở nên xấu.

    Tôn trọng gia đình bạn bè là một loại trí tuệ cảm xúc, đó cũng là giáo dưỡng cơ bản mà chúng ta cần ghi nhớ trong lòng. Đối với người nhà bạn bè, dù ta không quan biết, hoặc là đã từng tiếp xúc qua, thì chúng ta cũng đều không có tư cách để bình phẩm, phán xét họ.

    Kết luận

    Dù kết thân với ai, bạn cũng nên nhớ: Không vượt quá giới hạn với người khác giới, không phơi bày đời tư, không giễu cợt ngoại hình và không chế giễu thành viên trong gia đình người khác, và tất nhiên còn nhiều phương diện khác nữa.

    Trò đùa mà thiếu cân nhắc thật sự sẽ là dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Hãy ghi nhớ 4 điều này để không bao giờ trở thành người có EQ thấp trong mắt người khác, bạn nhé!.

     

    Vũ Dương biên dịch.

     

     

    --