ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CN14TN-C

Chúa Nhật 14 Quanh Năm

Con cái của sự bình an

 

  “Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người đó , bằng không thì bình an sẽ trở về với anh em” (Lc 10,6).

 

  Người đáng hưởng bình an là người thế nào? Có phải họ xứng đáng không? Không. Không phải là “xứng đáng hưởng” mà là người “đáng được hưởng” sự bình an. Sự bình an đây là sự bình an của Chúa, khi ta cầu xin: “Bình an cho nhà này”. Nói tóm, họ là “Con cái của sự bình an”. Thành ngữ “Con cái của sự bình an”, ta phải hiểu thế nào?

 

  Như ta thấy, ai mà nóng nảy, bạo lực thì người ta bảo, đó là “Con cái của thiên lôi” hay “Anh em nhà Trương Phi”. Ai mà mưu mô, quỉ quyệt thì người ta nói đó là “Con cái ma quỉ”. Ai mà đi lừa các phụ nữ trẻ nhẹ dạ để lợi dụng thì người ta gọi là “Đồ Sở Khanh”. Còn “Con cái của sự bình an” thì sao? Đó là người Từ Bi, Nhân Hậu; Khiêm Nhường và Âm Thầm; Tốt Lành và Thánh Thiện. Đi đến đâu là họ đem lại sự bình an đến đó.

 

  “Đồ Sở Khanh”, đi đến đâu người ta cũng sợ; “con cái ma quỉ”, ở đâu thì người ta cũng khiếp và tránh xa. Còn “Con cái của sự bình an” thì đi đến đâu hay chỗ nào, cũng được người ta quí mến. Họ được quí mến do họ sống Khiêm Nhường và thích Âm Thầm. Người Khiêm Nhường thì thích sống trong Âm Thầm; không khoe khoang; không “Đao to búa lớn”; không nói nhiều; cũng không muốn cho người ta biết các việc mình làm. Họ có một đời sống nội tâm sâu sắc và vững mạnh.

 

  Thực tế cho thấy, người nói nhiều thường là người nói xạo. Vì sự thật đâu có nhiều đâu mà nói. Nên họ “thêm mắm, thêm muối” vô; họ thọc chỗ này; họ chọt chỗ kia; họ nói xấu người này, nói hành người kia. Nói thì nhiều chứ làm đâu có bao nhiêu. Nói thì giỏi chứ làm thì dở. Có là được tí việc gì thì cũng muốn cho người ta biết, người ta khen.

 

  Thời nay thì cái gì cũng lên Face Book. Biết và được biết cũng là điều hay nhưng lợi bất cập hại; lợi thì ít mà hại thì nhiều. Đâu phải cái gì cũng cho mọi người biết và muốn biết sự thật thì lên Face Book đâu. Thế giới ngày nay đầy những thông tin giả và đầy những rình rập của bọn người xấu, muốn lợi dụng để hãm hại người khác. Nên ta phải cẩn trọng.

 

  Là Con cái Chúa thì: Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra (x. Mt 5,37). Và ta cũng nên nhớ: “Nói thì phải nói thật, nhưng không phải sự thật nào cũng nói”. Đó là một điều khôn ngoan và cũng đem lại an bình cho ta nữa. Như ta mà nói thật với kẻ xấu, thì họ sẽ lợi dụng điều đó để hại ta đó. Ở đời mà cứ sống đơn sơ như bồ câu, sẽ bị mèo vồ; sẽ bị người ta hãm hại. Mà cứ sống khôn ranh lươn lẹo như con rắn thì nên con cái ma quỉ thôi. Ta phải sống “Đơn sơ như bồ câu và khôn ngoan như con rắn”(x. Mt 10,16). Đó mới là lý tưởng. Sống cả hai mới được bình an.

 

  Quả thật, cứ sống “đơn sơ quá”, sẽ không có sự bình an; thể nào cũng bị người này người kia hay bị chính người nhà của mình hãm hại. Mà cứ sống khôn ranh, lươn lẹo, lợi dụng, hại người cũng chẳng sung sướng gì, lúc nào cũng phải tìm mưu, tính kế; sợ người ta biết, sợ người ta phát hiện mưu mô của mình thì chẳng có được lúc nào yên. Cứ khoe khoang, khoe mẽ, sẽ bị người này người kia ganh tị, ghen ghét. Cứ âm thầm thì chẳng ai biết chẳng ai hay là an tâm, không phải lo lắng gì hết.

 

  Dù ta có làm việc lành phúc đức như bố thí, cầu nguyện hay ăn chay. Người thích âm thầm và sống khiêm nhường có bố thí đi nữa, thì “tay trái không biết việc tay phải làm”; có cầu nguyện đi nữa, cũng “vào phòng đóng cửa” mà cầu nguyện. Có ăn chay, thì cũng “rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai biết mình ăn chay”, tất cả chỉ muốn một mình Chúa biết. Thế là được yên thân, được an tâm và được lãnh phần thưởng từ Chúa.

 

  Còn người thích khoe khoang, thì có bố thí được một chút, thì khua chiêng đánh trống, chụp hình, lên Face Book. Có cầu nguyện thì thích đứng cầu nguyện trong các Hội Đường, hoặc ngoài các ngã ba, ngã tư. Có ăn chay, thì cũng làm ra vẻ âu sầu, thiểu não, tất cả cốt cho người ta biết, người ta khen. Dù sao cũng được khen nhưng khen thì ít mà chê thì nhiều; lại nữa mất phần thưởng từ Chúa, “Vì đã được phần thưởng rồi” (x. Mt 6,2;5;16). Bỏ ra bao nhiêu công sức mà chỉ được một tí tiếng khen, có bõ công không và khi bị chê có buồn sầu, có bất an không?

 

  Người sống khiêm nhường thì ai cũng quí, cũng mến; có ai thích người kiêu ngạo đâu. Ngay cả người kiêu ngạo cũng không thích kẻ kiêu ngạo bao giờ. Người sống khiêm nhường không bị ghét bỏ; không có ai cạnh tranh; không có ai ghen tị. vì họ ham thích những việc hèn mọn; thích làm những việc người khác không muốn làm, những việc không tên, không tuổi; những việc nặng nhọc, vất vả. Có “bị khen”, họ cũng không lên mặt; có “được chê”, họ cũng không buồn phiền. Có điều khi họ làm xong hay sống như thế thì được nhiều người yêu mến và kính trọng; khi đó mới bị những kẻ xấu ganh tị và ghen ghét thôi. Dù có bị ganh tị hay ghen ghét, thì họ vẫn bình an, vì họ đâu có làm vì tiếng khen đâu. Họ được yêu mến là do người ta thấy chứ không do họ muốn khoe mẽ.

 

  Những người sống khiêm nhường và âm thầm là con cái của sự bình an, họ đáng được hưởng sự bình an của Chúa. Nên khi được chúc bình an, thì sự bình an sẽ ở lại với họ. Sự bình an này là sự bình an trong tâm hồn, nên không miễn trừ cho họ phải chiến đấu với thế gian và ma quỉ. Dù có phải chiến đấu, nhưng tâm hồn họ luôn bình an và vui mừng trong Chúa. Họ vui vì được ghi tên ở trên trời, chứ không phải vì được nhiều người yêu mến; họ được bình an vì họ là con cái của sự bình an. Còn những người kia, bình an không có chỗ, niềm vui không có cửa nên sẽ trở về với Chúa thôi.

 

  *SUY TU VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Vậy ta hãy quyết tâm sống khiêm nhường và yêu thích âm thầm, ta sẽ nên con cái của sự bình an và luôn sống trong bình an. Có sống khiêm nhường và âm thầm, ta mới lòng từ bi và nhân hậu; ta mới nên tốt lành và thánh thiện.

 

Lm. Bosco Dương Trung Tín

------------------------------------