ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CHUA CHỊU PHEP RỬA
- Details
- Category: 9. Đào Tạo Môn Đệ
-
Tinh Cao - Jan 11 at 6:06 AM
Chúa Nhật
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
HÃY NHÌN LẠI PHÉP RỬA CỦA TÔI LÀ:
*TƯ TẾ - NGÔN SỨ - VƯƠNG ĐẾ*
Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7
"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Ðáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Ðáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38
"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Mc 9, 7
Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 3, 13-17
"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Các mầu nhiệm về phép rửa của Chúa
Trích bài giảng của thánh Mác-xi-mô, giám mục Tô-ri-nô.
(Phụng Vụ Kinh Sách Thứ Sáu sau Hiển Linh)
Sách Tin Mừng thuật lại Chúa tới sông Gio-đan để chịu phép rửa và cũng trong dòng sông đó, Người muốn cho mọi người thấy rằng Người được dành riêng để phục vụ các mầu nhiệm trên trời.
Quả vậy, nếu sau ngày lễ Chúa Giáng Sinh mà chúng ta mừng ngày lễ hôm nay thì cũng là chuyện bình thường, cho dù hai biến cố có cách nhau nhiều năm, nhưng diễn ra cùng một thời kỳ. Theo thiển ý, cũng phải gọi ngày hôm nay là lễ Giáng Sinh nữa….
Vậy Chúa Giê-su đến chịu phép rửa và muốn cho Thân Thể chí thánh của Người được thanh tẩy trong nước.
Biết đâu chẳng có người nói : “Người là Thánh, tại sao lại muốn chịu phép rửa ?” Xin hãy nghe đây ! Đức Ki-tô chịu phép rửa không phải để được nước thánh hoá nhưng là để chính Người thánh hoá nước và dùng sự thanh sạch của Người mà thanh tẩy dòng nước đang bao bọc Người. Quả thật, khi Đức Ki-tô tự thánh hiến trong phép rửa thì Người cũng thánh hiến nước từ trong bản chất của yếu tố thiên nhiên này.
Khi Đấng Cứu Độ dìm mình trong nước, thì mọi nguồn nước cũng được thanh tẩy để dùng thanh tẩy chúng ta sau này : giếng nước được thanh tẩy, để từ nay ơn thanh tẩy được ban phát cho hậu thế. Vậy Đức Ki-tô chịu phép rửa trước, để dân Ki-tô hữu tin tưởng đi theo Người.
"Chúa Giêsu đã đến chính yếu là để bắt nhịp cầu nối kết cái khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa, ở chỗ, nếu Người hoàn toàn ở bên phía Thiên Chúa thì Người cũng hoàn toàn ở bên phía con người nữa, và Người muốn qui tụ lại những gì bị chia cách. Đó là lý do Người đã xin Thánh Gioan làm phép rửa cho Người để Người làm trọn mọi điều chính đáng"
(ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật ngày 9/1/2017)
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay, lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Phúc Âm (Mathêu 3:13-17) trình bày cho thấy một cảnh tượng đã diễn ra ở Sông Jordan, đó là giữa đám đông hối nhân đang tiến đến cùng Thánh Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa thì Chúa Giêsu cũng có mặt ở đó. Thánh Gioan đã ngăn Người lại mà rằng: "Chính tôi mới là người cần Ngài làm phép rửa cho mới phải" (Mathêu 3:14). Vị Tẩy Giả này đã nhận thức được khoảng cách khổng lồ giữa ngài và Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa Giêsu đã đến chính yếu là để bắt nhịp cầu nối kết cái khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa, ở chỗ, nếu Người hoàn toàn ở bên phía Thiên Chúa thì Người cũng hoàn toàn ở bên phía con người nữa, và Người muốn qui tụ lại những gì bị chia cách. Đó là lý do Người đã xin Thánh Gioan làm phép rửa cho Người để Người làm trọn mọi điều chính đáng (xem câu 15), tức là hiện thực dự án của Chúa Cha bằng đường lối tuân phục và liên kết với còn người mỏng dòn và tội lỗi, bằng con đường khiêm nhượng và thực sự gần gũi của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Vì Thiên Chúa rất gần gũi với con cái của Ngài, rất ư là gần!
Giây phút mà Thánh Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu, ở giòng nước Sông Jordan, tiếng của Thiên Chúa Cha đã vang lên từ trời: "Đây là Con Ta yêu dấu, Người mà Ta lấy làm hài lòng" (câu 17). Đồng thời Thánh Linh, như một con chim bồ câu, đậu xuống trên Chúa Giêsu, để bắt đầu công khai hóa sứ vụ cứu độ của Người, một sứ vụ có tính cách phục vụ, khiêm tốn và hiền lành, chất chứa thứ quyền năng của chân lý, như Tiên Tri Isaia đã loan báo: "Người sẽ không kêu la, không vang tiếng trên đường phố. Người sẽ không bẻ gẫy cây sậy bị bầm dập và không dập tắt ngọn bấc còn xông khói. Người sẽ trung thành mang lại những gì là công chính". Một người tôi tớ khiêm tốn và hiền lành.
Đó là kiểu cách truyền giáo của thành phần môn đệ Chúa Kitô, ở chỗ loan báo Phúc Âm một cách dịu dàng và mạnh mẽ, không ngạo mạn hay áp đặt. Việc truyền giáo thực sự không bao giờ là một thứ dụ giáo mà là việc thu hút đến cùng Chúa Kitô, từ mối hiệp nhất mạnh mẽ với Người trong cầu nguyện, tôn thờ và việc bác ái thực tế, tức là phục vụ Chúa Giêsu hiện diện nơi những người anh chị em hèn mọn nhất của Người. Trong việc noi gương bắt chước Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành và thương xót, và được ân sủng của Người tác động, chúng ta được kêu gọi làm cho đời sống của chúng ta trở thành một chứng từ hoan lạc chiếu soi con đường mang lại hy vọng và yêu thương.
Lễ này làm cho chúng ta tái nhận thức tặng ân và vẻ đẹp về việc được là một dân nước của thành phần lãnh nhận phép rửa, tức là của thành phần tội nhân được ân sủng của Chúa Kitô cứu độ, Đấng, nhờ Thánh Linh, thực sự đã tiến vào mối liên hệ con cái của Chúa Giêsu với Chúa Cha, và đã đón nhận vào lòng Mẹ Giáo Hội một tình huynh đệ vô biên giới và bất cách ngăn như thế.
Xin Trinh Nữ Maria giúp cho tất cả mọi Kitô hữu biết bảo tồn một nhận thức và lòng tri ân sống động gia tăng về phép rửa của chúng ta và trung thành theo đuổi con đường đã được bí tích tái sinh này của chúng ta khai mở.
https://zenit.org/articles/angelus-address-jan-8-on-our-baptism/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầuĐức Ki-tô chịu phép rửa
Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en.
(Phụng Vụ Kinh Sách Lễ Chúa Kitô chịu phép rửa)
Thánh Gio-an đang làm phép rửa, thì Đức Giê-su đến. Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo.
Vị Tẩy Giả không chấp nhận, nhưng Đức Giê-su vẫn nhất quyết đòi hỏi. Gio-an nói : Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, đó là đèn nói với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể nói với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà nói với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ nói với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai nói với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa và hãy thêm “để làm chứng cho Ngài”. Quả thật, con người ấy biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo, cũng như thánh Phê-rô, không phải chỉ có chân mới được rửa mà thôi.
Nhưng Đức Giê-su cũng từ dưới nước đi lên. Người nâng thế gian lên cao với Người. Người thấy trời bị xé và mở ra, vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào.
Bấy giờ Thánh Thần chứng nhận thần tính của Đức Giê-su, vì Thánh Thần đến với Đấng có cùng thần tính với mình. Khi ấy có tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác. Điều này cũng giống như chuyện xảy ra trước đây nhiều thế kỷ : chim bồ câu đến báo tin chấm dứt đại hồng thuỷ.
Chúa Giêsu muốn dìm mình xuống giòng sông nhân tính, để mang lấy những bại hoại và yếu hèn của con người,
để chia sẻ ước muốn được giải thoát của họ, cũng như để chế ngự tất cả những gì tách biệt họ với Thiên Chúa và coi anh em mình là những kẻ xa lạ.
(ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật ngày 8/1/2018)
Xin chào anh chị em thân mến!
Lễ Chúa Chịu Phép Rửa hôm nay là lễ chấm dứt mùa Giáng Sinh và mời gọi chúng ta nghĩ đến Phép Rửa của chúng ta. Chúa Giêsu muốn lãnh nhận phép rửa được rao giảng và thực hiện bởi Thánh Gioan Tẩy Giả ở sông Dược Đăng (Jordan). Đó là phép rửa thống hối: tất cả những ai đến với phép rửa này đều bày tỏ lòng ước muốn được thanh tẩy khỏi tội lỗi, và nhờ ơn Chúa giúp, quyết tâm sống một đời sống mới.
Vậy chúng ta hiểu được lòng khiêm nhượng của Chúa Giêsu thẳm sâu, Người là Đấng không phạm tội cũng sắp hàng cùng với các hối nhân, đứng lẫn lộn mình giữa họ, để được thánh tẩy trong nước của con sông này. Chúa Giêsu khiêm nhượng biết bao! Làm như thế, Người bộc lộ những gì chúng ta cử hành ở Lễ Giáng Sinh, ở chỗ, Chúa Giêsu muốn dìm mình xuống giòng sông nhân tính, để mang lấy những bại hoại và yếu hèn của con người, để chia sẻ ước muốn được giải thoát của họ, cũng như để chế ngự tất cả những gì tách biệt họ với Thiên Chúa và coi anh em mình là những kẻ xa lạ. Như ở Bêlem, dọc theo giòng sông Jordan, Thiên Chúa giữ lời hứa của Ngài trong việc đảm nhận số phận của loài người, và Chúa Giêsu là dấu hiệu hữu hình và vĩnh viễn về việc đảm trách này. Người đã đảm nhận lấy tất cả chúng ta, Người đảm nhận lấy tất cả chúng ta, trong đời sống, trong các ngày sống.
Bài Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh rằng "khi Người lên khỏi nước thì Người liền thấy Các Tầng Trời mở ra và Thần Linh đậu xuống trên Người như chim câu" (Marco 1:10). Thánh Linh, Đấng đã làm việc ngay từ ban đầu của việc Tạo Dựng và đã hướng dẫn Moise cùng dân chúng trong sa mạc, bấy giờ ngự xuống tràn đầy trên Chúa Giêsu, để ban cho Người sức mạnh trong việc thi hành sứ vụ của Người trên thế gian này. Vị Thần Linh này là vị sáng tạo tài tình nơi Phép Rửa Chúa Giêsu lãnh nhận cũng ở nơi cả Phép Rửa của chúng ta nữa. Chính vị Thần Linh này là Đấng mở mắt tâm can của chúng ta trước chân lý, trước tất cả sự thật. Người đẩy đưa cuộc đời của chúng ta trên con đường bác ái yêu thương. Ngài là tặng ân Cha ban cho mỗi người chúng ta vào ngày Rửa Tội của chúng ta. Ngài, Vị Thần Linh này, truyền đạt cho chúng ta niềm êm ái dịu dàng của ơn tha thứ thần linh. Cũng chính Ngài, Vị Thánh Linh ấy, làm cho Lời mạc khải của Thiên Chúa âm vang: "Con là Con yêu dấu của Cha" (câu 11).
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa mời gọi hết mọi Kitô hữu hãy nhớ đến Phép Rửa của mình. Tôi không thể hỏi anh chị em câu vấn nạn xem anh chị em có nhớ ngày anh chị em chịu Phép Rửa hay chăng, vì đa số anh chị em bấy giờ là thơ nhi, như tôi; chúng ta được rửa tội khi còn là những thơ nhi. Tuy nhiên, tôi có thể hỏi anh chị em một vấn nạn khác chăng? Anh chị em có nhớ ngày rửa tội của mình chăng? Anh chị em có biết ngày anh chị em lãnh nhận phép rửa chăng? Mỗi người anh chị em hãy nghĩ đến nó. Nếu anh chị em không biết ngày này hay quên mất rồi thì khi về nhà hãy hỏi mẹ của anh chị em, bà của anh chị em, chú bác cô dì của anh chị em, ông của anh chị em, bố mẹ đỡ đầu của anh chị em: ngày đó là ngày nào? Chúng ta bao giờ cũng phải nhớ đến ngày đó, vì nó là một ngày mừng vui, là ngày chúng ta đầu tiên được thánh hóa; là ngày Chúa Cha ban Thánh Linh để thúc đẩy chúng ta bước đi; là ngày tha thứ cả thể. Đừng quên: ngày rửa tội của tôi là ngày nào?
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Rất Thánh từ mẫu bảo vệ chúng ta để tất cả mọi Kitô hữu có thể càng ngày càng hiểu được tặng ân Phép Rửa và quyết tâm sống gắn bó với phép rửa này, trong việc làm chứng cho tình yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-feast-of-the-baptism-of-the-lord/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chỗ tự ý nhấn mạnh bằng mầu.
Thánh Thi Giờ Kinh Sáng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Thuở Gio-an thi hành sứ mệnh,
Con Chúa Trời xuống bến Gio-đan,
Thân dìm dưới nước lan tràn,
Đổi dòng sông ấy thành làn nước trong.Người giáng thế bởi lòng Trinh Nữ
Để Gio-an tẩy rửa thân mình,
Người đâu phải rửa tội tình
Nhưng là rửa tội nhân sinh bao đời.Bỗng có tiếng từ trời phán bảo :
“Này là Con tuyệt hảo của Ta.”
Rồi Bồ Câu trắng hiện ra
Tượng trưng cho Chúa Ngôi Ba Thánh Thần.Danh mầu nhiệm vang ngân cứu rỗi
Cả bốn phương Giáo Hội của Người
Nơi đây hiện diện Ba Ngôi,
Nhưng là một Chúa cao vời chí tôn.Ôi chân lý, ôi nguồn sống thật,
Ngài ban cho trái đất chan hoà,
Muôn vinh hiển, vạn lời ca
Dâng Ngài cùng với Ngôi Cha, Thánh Thần.(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Các Giờ Kinh)