ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CÁC THANH ANH HÀI

 

  •  
    BBT CGVN


    Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới

    Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity  

    (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)

    www.conggiaovietnam.net       This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

     

     QUÀ TẶNG TIN MỪNG:

    Lễ Các Thánh Anh Hài – 28/12

    1Ga 1,5-2,2 – Mt 2,13-18

    THÀ GIẾT LẦM!

     

     

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –

    Ban Mê Thuột.

    Kính mời theo dõi video tại đây:

    https://bit.ly/3zyt487

     

    Hằng năm đến ngày Lễ kính các Thánh Anh Hài (28/12), chúng ta ít nhiều vừa xót xa, vừa phẫn uất về sự độc ác của bạo vương Hêrôđê. Khi nghe các đạo sĩ Đông Phương đến thờ lạy vị minh quân Do Thái mới ra đời thì lòng Hêrôđê chắc chắn xao động. Triệu tập các Thượng tế và kinh sư trong dân để tìm hiểu nơi Đấng Thiên Sai ra đời và cặn kẽ hỏi các đạo sĩ về ngày giờ “ngôi sao lạ” xuất hiện và dặn rằng khi đã tìm thấy Hài Nhi thì về báo lại để vua cũng đi triều bái là một kế hoạch thâm độc của vua Hêrôđê hầu khử trừ mầm mống người mà như cách nghĩ của ông là sẽ lật đổ ngai vương của mình. Thế nhưng khi các đạo sĩ không trở lại vì được báo mộng là Hêrôđê có dã tâm thì ông hôn quân này đã quyết ra tay tàn bạo để diệt trừ hậu họa dù cho có rất nhiều trẻ em phải chết oan. 

     

     

     

    Lịch sử thế giới cho thấy chuyện người độc tôn trên ngai cao của mình đã từng sử dụng mọi thủ đoạn ác độc để bảo vệ quyền bính của mình mà không ngại ra tay kiểu “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” là chuyện không hiếm. Cũng đã từng có đó nhiều bạo vương giết cả người thân, giết cả ngay con ruột của mình chỉ vì chiếc ngai, mà Hêrôđê là một trong những số đó. Sự tàn ác của một cá nhân như hôn quân hay nhà độc tài thì rất dễ bị kết án và thiết nghĩ ngay chính bản thân những người ấy cũng khó yên lương tâm và thời gian cũng chẳng thể kéo dài.

     

     

     

    Tuy nhiên nếu sự tàn độc được nhân danh tập thể, nhân danh chủ nghĩa hay niềm tin tôn giáo thì thật đáng sợ khi những người ra tay khử trừ “đối thủ”, người khác niềm tin, khác chính kiến, khác chiến tuyến cách tàn bạo kiểu giết lầm hơn bỏ sót thì họ dễ tự trấn an lương tâm và hậu quả thì thường lâu dài và khó khắc phục.  Đã và đang có đó nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhân danh sự ổn định chính trị, trật tự xã hội hay nhân danh sức khỏe người dân mà sẵn sàng “mạnh tay trên mức cần thiết”, thậm chí là “vi phạm nhân quyền” khiến cho không ít người, nhất là những người thấp cổ bé phận mắc cảnh phải “bị giết lầm còn hơn bỏ sót”.

     

     

     

    Không dám mạo phạm các tôn giáo ngoài Kitô giáo về hiện thực này. Chân thành nhìn lại quá khứ của chính mình thì lịch sử Giáo Hội Công Giáo cũng vướng vết nhơ này, chẳng hạn các tòa án trừ tà và sự loại trừ nhau bằng án “tuyệt thông” giữa anh em cùng tin vào Chúa Kitô của một thời đã qua. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khiêm nhu hơn 100 lần thành thật xin lỗi công khai về những sai lỗi của Giáo Hội. Hy vọng rằng bài học lịch sử luôn nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng.

     

     
     

     

    Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định rằng “mục đích không thể biện mình cho phương tiện”. Dù không hành xử kiểu “giết bỏ” nhưng có đó tình trạng muốn được việc, muốn duy trì sự “hiệp nhất” (hay đồng nhất!) mà áp dụng các quy chế, luật lệ trong các tập thể cách đổ đồng, cào bằng thì có thể làm hại những mảnh đời bất hạnh, nghèo hèn, kém may mắn. Đây là một sự lầm lẫn đáng tiếc dường như đang tồn tại đó đây.

    Là Kitô hữu, dứt khoát không thể chấp nhận mọi hình thái “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Để chiến đấu chống lại chước cám dỗ này, chúng ta phải làm ngược lại đó là “thà thương lầm còn hơn bỏ sót”.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

     

      

    QUÀ TẶNG TIN MỪNG:

    Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh – Ga 3,22-30

    TÍNH CỤC BỘ

     

     

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –

    Ban Mê Thuột.

    Kính mời theo dõi video tại đây:

    https://bit.ly/3q4wvjG

     

    Vài chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt: Mở đầu Thánh Lễ, cha xứ nói: “Anh chị em, sáng nay chúng ta dâng lễ tạ ơn Chúa vì đã che chở chúng ta bình an. Đêm qua đạn pháo kích rơi lạc qua xóm bên lương hết, không rơi vào xóm đạo ta trái nào”. Một chuyện khác: Một bà “đạo đức”: “Cha ơi, Côrôna tùm lum tà la xứ đó đó. Xứ mình chưa can chi, chắc là Chúa gìn giữ”. Một chuyện khác mang dáng thần học hơn: Đã từng nghe bài giảng lễ online và đọc một vài chia sẻ Lời Chúa nội dung như sau: “Qua thông tin chúng ta xao xuyến lo âu về nhiều dữ kiện không hay trong Giáo hội Công giáo. Nhiều gương mù gương xấu không chỉ ở hàng tín hữu giáo dân mà còn ở tận hàng giáo sĩ, kể cả những vị cao cấp như Giám Mục, Hồng Y. Nhưng chúng ta phải vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái Chúa, là dân riêng của Chúa nên Chúa phải gìn giữ chúng ta. Giáo hội là con thuyền của Chúa Kitô nên Ngài phải bảo vệ Giáo hội.

     

     

     

    Tính cục bộ luôn có và còn đó dưới nhiều hình thức. Nhưng đáng quan ngại hơn khi nó mặc lấy hình thức địa phương tính, dân tộc tính, tôn giáo tính, giáo hội tính… Tính cục bộ nó khiến chúng ta không chỉ bảo vệ mà còn luôn đề cao tập thể của mình và đặt  lợi ích tập thể mình lên trên tập thể khác. Tin Mừng ngày thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh tường thuật chuyện tranh luận xảy ra giữa các môn đệ ông Gioan với một người Do Thái về việc Chúa Giêsu cũng làm phép thanh tẩy “và thiên hạ đều đến với Ngài” (Ga 3,22-26).

     

     

     

    Chắc hẳn nhiều môn đệ của Gioan cũng cảm thấy “sao sao đó” khi thấy thầy Gioan của mình đang bị thua kém sức ảnh hưởng so với vị thầy Giêsu. Và tính cục bộ đã làm nảy sinh sự tranh luận và hẳn có chút nào đó sự ganh tương. Dù Tin Mừng không tường thuật cách minh nhiên; nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán rằng các môn đệ Gioan không chỉ bảo vệ mà còn đề cao vai trò, vị thế của thầy mình mà chưa thể làm hài lòng người tranh luận, vì thế họ đến gặp trực tiếp Gioan.

    Các môn đệ của Gioan Tẩy Giả kinh ngạc trước câu giải thích của thầy mình: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài…, Ngài phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28-30). Xác định đúng vị trí, vai trò của mình là một trong những cách thế tránh khỏi chước cám dỗ của tính cục bộ. Chúng ta là ai trong toàn thể nhân loại từ cổ chí kim? Giáo Hội Công Giáo là gì trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa? Tôi là ai trong tập thể đoàn dân Thiên Chúa?

     

     

     

    Chúng ta chỉ là một tập thể bé nhỏ trong toàn thể nhân loại vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái và tất cả mọi người đều là con cái của Ngài. Ngài không muốn bất cứ ai phải hư mất, nhưng tìm mọi cách thế để mọi người được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã nói rằng: “Thiên hạ từ Đông chí Tây sẽ vào dự tiệc Nước Trời cùng với Abraham, Isaác, Giacob, nhưng con cái trong nhà lại bị loại ra chỗ tối tăm” (x. Mt 8,11).

     

     

     

    Giáo Hội là đoàn dân Thiên Chúa, là một tập thể người tin vào Chúa Kitô, được Ngài quy tụ để qua đó tiếp tục thông ban Tin Mừng cứu độ cho nhân trần. Giáo Hội là một phương thế Chúa Kitô dùng để ban hạnh phúc cho nhân loại. Như thế sự hiện hữu của Giáo Hội không vì chính bản thân mình nhưng là vì ơn cứu độ của nhân trần. Như Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội phải chân thành sống theo tôn chỉ: Ngài, tức Chúa Kitô, cần lớn lên, còn mình thì phải nhỏ lại”. Tôi là một thành viên của Đoàn Chiên Thiên Chúa. Một người, dù là chức cao, vị trọng không là Giáo Hội mà phải là tập thể. Là Giáo Hoàng, là Giám Mục thì cũng cần phải nhỏ lại để Giáo Hội, để Giáo Phận lớn lên, và dĩ nhiên là để Chúa Kitô lớn lên.

     

     
     
     
     

     

    Hãy đề phòng tính cục bộ vì nó không chỉ gây ra sự chia rẽ mà còn cám dỗ chúng ta nhìn sai chỗ đứng, vai trò và phận vụ của mình, đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

    Hẹn gặp lại