2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG CƠN HOẢNG LOẠN CỦA TÔI

Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm A

        Chúng ta đã nghe khá nhiều bài giảng về đoạn Kinh thánh này, có người khen ngợi đức tin của Phêrô vì đã can đảm “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu” (Mt 14: 29) dù ông mới chỉ được nghe bóng người ấy nói: “Cứ đến!” (Mt 14:29) và chưa mấy tin rằng người đang đi trên mặt biển là Thầy Giêsu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14:28). Dường như ông không đặt vấn đề, lỡ ra đó không phải là Thầy Giêsu mà là một bóng ma hay một ảo ảnh gì đấy thì sao. Hành động của ông thật liều lĩnh nhưng cũng thật tin tưởng! Tuy nhiên, vấn đề mà người ta thường đặt ra là khi ông không nhìn vào Chúa Giêsu, thì đức tin của ông bắt đầu lung lay, và Chúa Giêsu ở đó để cứu ông. Vì vậy, bài giảng kết luận: hãy can đảm, ra khỏi thuyền, nhưng hãy tập trung vào Chúa Giêsu.

  1. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa toàn năng.

Đó là lời khích lệ tốt lành cho những ai muốn biến niềm tin của họ thành hành động. Đúng là đức tin cần hành động vì: “Quả vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17). Tuy nhiên, nhân vật chính của câu chuyện không phải là Phêrô. Thực tế là, “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14: 32-33). Người ta không thấy một môn đệ nào chúc mừng Phêrô vì đã bước đi trên nước khá tốt và chúc ông may mắn hơn vào lần sau! Vì thật ra, nhân vật trọng tâm thực sự trong câu chuyện là Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa, Đấng mà các môn đệ bái lạy; chi tiết này lần đầu tiên được thuật lại trong sách Tin mừng Mátthêu. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời, núi cao, biển sâu…quyền năng của Ngài “thực hiện giữa dòng nước lũ. Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn. Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc, bị quay cuồng, lảo đảo như say, khéo cùng khôn đã chìm đâu mất. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ” (Tv 107: 23-30). Tất cả những ai theo Chúa Giêsu cần phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài, suy phục và tín thác hoàn toàn sự sống của mình nơi quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Do vậy, khi họ “ngó quanh”, không nhìn vào Ngài nữa thì họ bắt đầu chìm xuống. Phêrô chỉ là một minh chứng; ông đã có thể “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu” khi ông còn tin cậy và tập trung vào Ngài, nhưng lại lung lay khi tập trung vào bản thân và hoàn cảnh của mình.

Chúng ta cũng bước đi trên mặt nước mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống. Có những cơn bão đi qua cuộc đời chúng ta và dường như không bao giờ kết thúc. Đôi khi chúng là những cơn bão buộc chúng ta phải lèo lái con thuyền nhỏ của mình bằng mọi cách để nó không bị vỡ tan trên những tảng đá ngầm vô vọng là “thế gian, ma quỷ, xác thịt”. Cuộc đời như một chuyến hành trình trên đại dương; trong đó con người giống như những người đi biển mang trong tim một khát vọng. Một số người không bao giờ có thể ra khơi. Những người khác thực hiện cuộc hành trình một cách liều lĩnh và cuối cùng bị lạc hướng vả cuốn trôi trong những cơn bão lớn, không bao giờ đạt được mục tiêu mong muốn của họ. Nhưng có những thủy thủ, dù bị vùi dập, vẫn xoay sở để đưa tàu của họ trở về bến cảng mong chờ nhờ tìm thấy và chăm chú nhìn vào ánh sao Bắc Đẩu. Cuộc sống của con người vốn như vậy, rất ít an toàn, bếp bênh luôn mãi, như con thuyền trên mặt biển đầy sóng gió gập ghềnh, như Phêrô “thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm” (Mt 14:30). Điều quyết định đến sự sống là Phêrô đã biết kêu lên Chúa Giêsu, Đấng vốn là Con Thiên Chúa toàn năng.

  1. Bàn tay Giêsu, bàn tay yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.

Trong cuộc hải hành trần gian, chúng ta cần phải lèo lái con thuyền đời mình trong sự tin cậy vào Thiên Chúa, và biết rằng sự tin tưởng cậy trông như thế là cần thiết đến nỗi chúng ta phải luôn kêu lên như Phêrô: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14: 30) để được bảo vệ trong những lúc đáng sợ nhất của cuộc đời, chẳng hạn như vào giờ chết. Để có thể được như vậy, chúng ta cần phải kêu cầu với Chúa Giêsu luôn mãi, ngay bây giờ, từng giây phút: “Muôn lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc, đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa con thờ. Lạy Chúa cứu độ con, xin Ngài mau phù trợ” (Tv 38: 22-23). 

Có những lúc trong cuộc sống dường như Chúa đã thực sự quên chúng ta và hy vọng của chúng ta bắt đầu tàn lụi. Có một sự im lặng không thể giải thích được cứ như buộc chúng ta phải tự mình vận dụng mọi sức lực trong chúng ta để tiếp tục sống. Các môn đệ hoảng sợ, sợ cái chết sắp xảy ra và dường như những gì họ đang thi hành theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu chỉ là ảo ảnh, là bóng ma: “Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên” (Mt 14:26). Như thể tâm trí và cõi lòng của họ đã từ bỏ niềm tin rằng Thiên Chúa vẫn nhớ đến họ. Các môn đệ phải bắt tay vào việc; họ phải khám phá ra cách đối mặt với những cơn bão bất ngờ của cuộc đời; họ buộc phải học cách cứu con tàu. Chính khi đương đầu với nỗi sợ hãi, các môn đệ sẽ nhìn ra những gì thực sự là con người của họ, họ đang mang trong lòng những gì. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài cảm nhận và thấy rõ sự yếu đuối bất lực của họ ngay chính nơi tưởng chừng như quá quen thuộc với họ, qua đó Ngài cũng chỉ cho họ thấy họ cần tin tưởng và cậy dựa không vào ai khác ngoài chính Ngài, Đấng đầy quyền năng và lòng yêu thương “đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14: 25). Khi chúng ta bị tra tấn bởi nỗi sợ hãi và sự nản lòng, chúng ta cần phải chiến đấu kiên trì để vững tin rằng cuối cùng Chúa Kitô cũng sẽ tỏ mình ra, “đưa tay nắm lấy” chúng ta và rồi chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện cứu độ của Ngài.

Bàn tay Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, là bàn tay luôn chìa ra cho con người. Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian là để chìa tay ra cho tất cả và mỗi người chúng ta, như ánh sao Phương Bắc chỉ đường, để hướng dẫn chúng ta, nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta vững vàng, và cứu chúng ta khỏi chìm xuống những đáy sâu tuyệt vọng của kiếp người muôn ngàn bất trắc. Một cái chạm tay của Chúa Giêsu đã cứu Phêrô khỏi hoảng sợ và khỏi chìm xuống: “Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14:31) và Phêrô tìm thấy sự cứu thoát nơi bàn tay nắm chặt của Chúa Giêsu.

  1. Kiên trì vững tin vào Chúa Giêsu.

Không phải các môn đệ là những người quyết định giong buồm ra khơi. Chính Chúa Giêsu đã buộc họ phải đương đầu với những nỗi sợ hãi của họ: “Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước” (Mt 14:22). Lúc đó là chiều tối rồi, nhưng họ phải “xuống thuyền”, bước vào cuộc sống với những mối nguy hiểm và đối mặt với sự mất an toàn của họ. Ra biển, đối với một người Do Thái, là đi vào nơi dễ chết chóc nhất. Các môn đệ vừa cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi sống đám đông (Mt 14: 15-21), thế nhưng kinh nghiệm đó về Thiên Chúa không giúp các ông thoát khỏi nỗi sợ hãi bị bỏ rơi: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Ngài vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:23-24). Sóng gió kéo dài lạ thường “Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:24), nó bắt đầu từ chiều tối nhưng mãi đến khi đêm gần tàn, Chúa Giêsu mới quyết định ra đón các ông: “Vào khoảng canh tư, Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14: 25).

Đôi khi giữa những cơn sóng nghi ngờ của một lý trí đầy suy nghĩ trăn trở về kiếp người, chúng ta không tin rằng mình có thể bước đi trên mặt nước xao động. Đoạn Tin mừng nhắc nhở chúng ta đừng như Phêrô, ban đầu bất chấp nỗi sợ hãi của chính mình, “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm”, mà hãy cùng với các anh em, dù có thể cũng đang hoảng hốt trong con tàu Giáo hội, chúng tay đừng rời mắt khỏi Chúa Giêsu và đừng cứ nhìn vào những yếu đuối, tội lỗi và giới hạn của chính mình, của người khác, là điều khiến chúng ta bắt đầu chìm xuống, nhưng hãy nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, vững tin không sợ chìm. 

  1. Kinh nghiệm về chết đuối và được cứu thoát

Phêrô hiểu rằng, tự mình, ông sẽ chẳng đi đến đâu; nếu không có Chúa Giêsu, chắc chắn ông sẽ chìm xuống dưới sức nặng của con người yếu đuối tội lỗi là chính mình. Tuy nhiên, chính khi ông đang chìm xuống, ông cầu cứu Chúa Giêsu “xin cứu con với” và ông cảm nghiệm được bị Ai đó tóm lấy và kéo ra khỏi vùng nước tuyệt vọng. Đây là kinh nghiệm được ghi khắc trong đức tin của mỗi người chúng ta: không có Chúa, chúng ta chết đuối, nhưng khi chúng ta đuối sức, Chúa đưa tay ra nắm chặt chúng ta và cứu chúng ta trong những cơn bão của cuộc đời. 

Kinh nghiệm về chết đuối và được cứu thoát này là kinh nghiệm của các Tông đồ, của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, và của tất cả các Kitô hữu mọi thời đại. Chúng ta thấy có hai câu nói, một cầu xin, một tuyên xưng: “Lạy Chúa, xin cứu con!” và “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa.” Toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một chuyển động giữa hai lời cầu xin và tuyên xưng này, từ bao nỗi sợ hãi trong cuộc sống, cuối cùng là cái chết không tránh khỏi, đến việc nhận ra rằng chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ, nhờ Chúa Giêsu Kitô.

Nhiều khi chúng ta không thể làm gì cho chính mình và cho những người chúng ta yêu thương ngoại trừ giao phó chính mình và những người chúng ta yêu thương trong bàn tay của Thiên Chúa, vì tin rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta và Ngài biết rõ hơn chúng ta những gì tốt lành cần phải làm cho chúng ta, như đã làm cho tiên tri Êlia trong bài đọc thứ nhất: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Chúa. Kìa Chúa đang đi qua” (1 V 19: 11). Thiên Chúa làm cho Êlia kiên vững trong đức tin và xác tín vào quyền năng của Chúa là Đấng thống trị trần gian, luôn bước đi và hành động ngay bên, để giữa cơn sóng gió làm chao đảo tâm hồn và cuộc sống của ông, ông vẫn vững tin có Chúa hiện diện với mình: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Chúa, nhưng Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây ?” (1 V 19: 11-13).

Hôm nay, Tin mừng đảm bảo với tất cả những ai, dù đức tin còn yếu ớt, nhưng đang dần lớn lên, rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu với Giáo hội của Ngài, trong các Bí tích, trong Lời Chúa, trong cộng đoàn Dân Chúa, và nơi những người anh em bé nhỏ nhất của Ngài, là một điểm tựa mà chúng ta có thể dựa vào, khi an lành cũng như lúc hoảng sợ, như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ hai rằng Chúa Kitô: “là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời. A-men” (Rm 9: 5).

Phêrô Phạm Văn Trung.

Tam Nhật Thánh Năm A

THỨ NĂM TUẦN THÁNH.

VƯỢT QUA

 

(Xh 12, 1-8.11-14; 1Cor 11, 23-26; Ga 13, 1-15). 

Hằng năm các tín hữu đạo Do-thái tưởng niệm lễ Vượt Qua một cách rất long trọng. Thiên Chúa đã cứu cha ông họ ra khỏi cảnh làm nô lệ nơi xứ Ai-cập. Trước khi ra đi, người Do-thái đã ăn bữa tiệc Vượt Qua với thịt chiên nướng, rau đắng và bánh không men. Chúng ta không thể tưởng tượng được biến cố lịch sử vĩ đại này. Đã có khoảng 600 ngàn người, không kể trẻ em đã rời Ai-cập để tiến vào miền Đất Hứa. Họ ra đi một cách vội vã và khẩn cấp cùng với đoàn súc vật.  Đã có hơn 430 năm lập nghiệp tại xứ người, cuộc sống và giang san của họ cũng đã ổn định. Chắc chắn họ cũng đã sở hữu đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và chợ búa xóm làng. Vâng lệnh Chúa, họ đã phải từ bỏ mọi gắn bó với cuộc sống qua nhiều đời. Một hy sinh vô cùng lớn lao.

Chúa Giêsu rất trung thành với các truyền thống tôn giáo, hằng năm Chúa đều trở về Giêrusalem ăn mừng lễ Vượt Qua. Để chu toàn sứ mệnh cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu không dừng lại ở việc tưởng niệm lễ Vượt Qua của người Do-thái. Chúa đã dẫn dắt lịch sử ơn cứu độ tới một lễ Vượt Qua trong giao ước mới. Giao ước tình yêu bằng giá máu của chính Ngài. Chúa Giêsu đã về tham dự lễ Vượt Qua cuối cùng tại Giêrusalem. Chúa hiểu rõ về sứ mệnh phải hoàn tất. Chúa Giêsu đã tỉ mỉ chuẩn bị tinh thần và dậy dỗ các tông đồ trong cách thế phục vụ và mục vụ. Một cử chỉ vô cùng ấn tượng là Chúa Giêsu lấy nước và cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ. Ngài đã tự hạ tới cùng để thi hành công việc của các đầy tớ. Bài học khiêm nhường này là nền tảng của các nhân đức trong việc phục vụ anh chị em.

Rửa chân cho nhau có nghĩa là phục vụ lẫn nhau, tha thứ cho nhau và yêu thương nhau. Đã dám cúi xuống rửa chân thì không còn phân biệt bàn chân dơ hay sạch, bàn chân người lạ hay quen và bàn chân của người thân hay kẻ thù, bài học của Chúa qua đỗi thẳm sâu. Chúa đã rửa chân cho tất cả các tông đồ. Ngài đã chuẩn bị tâm hồn các tông đồ để sẵn sàng lãnh nhận mầu nhiệm tình yêu hiến dâng. Chúng ta biết rằng thánh Phaolô không được tham dự các nghi lễ này cùng với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Phaolô cũng không học từ các tông đồ, nhưng được chính Chúa Kitô phục sinh mạc khải cho.

Cốt lõi của Giao Ước mới là hiến lễ của Chúa Kitô trên thập giá. Liên kiết giữa Bí tích Thánh Thể và Hy lễ hiến dâng là một. Mừng lễ Vượt Qua mới, Chúa Giêsu đã không dùng máu chiên bò tanh hôi, nhưng chính Máu Châu Báu của Ngài làm lễ dâng. Bí tích Tình Yêu được hoàn tất trên thánh giá. Thân xác của Chúa bị nộp, bị đánh tan nát bầm dập, bị gai nhọn đâm thấu và đinh đóng rách nát thị da. Máu Tân Ước là giá máu của những vết thương đòn đánh và lưỡi đòng đâm thấu trái tim. Thịt Máu của Chúa trở thành lễ dâng vô giá, có thể xóa sạch hết mọi tội nhơ. Chúa Kitô chỉ cần dâng hiến một lần là đủ. Trong tất cả các thánh đường Công Giáo, trước bàn thờ tế lễ luôn có tượng chịu nạn, Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Nhắc nhở chúng ta rằng hy tế hiến dâng lên Chúa Cha là Con xin vâng ý Cha mọi đàng. Chúa Kitô muốn hy tế được tiếp tục là dấu chỉ của tình yêu hiến dâng: Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta. Chúng ta tưởng nhớ đến việc Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ trần gian.

Lạy Chúa, chúng con bước vào Tam Nhật Thánh, cao điểm của tất cả các Nghi thức Phụng Vụ, xin cho chúng con được tham dự tích cực vào đời sống ân sủng mà Chúa đã trao ban cho Giáo Hội. Chúng con tưởng nhớ biến cố Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con.

  

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. 

TỪ TRẦN

(Is 52, 13-53, 12; Dt 4, 14-16. 5, 7-9; Ga 18, 1-19, 42).

Bầu khí ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nơi các thánh đường thật vắng lặng. Hôm nay, ngày duy nhất trong năm phụng vụ, không có cử hành thánh lễ. Chỉ có phần Nghi thức Phụng vụ Lời Chúa, Suy tôn hôn kính Thánh Giá và Rước lễ. Giáo Hội mời gọi các tín hữu dành thời gian suy gẫm về sự thương khó của Chúa Giêsu và ăn chay kiêng thịt. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa chiều nay, chúng ta nghe bài ca thứ tư về người Tôi Trung của tiên tri Isaia. Đây là hình bóng của Chúa Giêsu trong ngày chịu thương khó. Chúa Kitô đã mặc thấy thân phận của người tôi tớ và hoàn tất mọi lời các tiên tri đã loan báo.

Người Tôi Trung đã trải nghiệm mọi khổ đau của con người, để nhờ đó mà gánh lấy tội ác của chúng ta. Người ta coi người như kẻ bị Thiên Chúa đánh phạt, ruồng bỏ như kẻ phong cùi và bị nhuốc hổ. Người tôi trung không làm điều chi bất chính, nhưng đã chịu mọi sự xỉ nhục và thương tích để mọi người được chữa lànhNhờ sự đau khổ và sự chết, người tôi tớ trung thành đã hoán cải và mở đường cứu rỗi đem nhiều người trở về cùng Thiên Chúa Cha. Tiên tri Isaia đã tiên báo mọi chi tiết diễn tiến trong cuộc khổ nạn mà người tôi tớ Chúa sẽ phải chịu. Qua khổ ải, người tôi trung sẽ được vinh thăng tấn phát và cao cả tuyệt vời.

Chỉ vỏn vẹn trong ba năm, Chúa Giêsu đã đi rảo khắp vùng từ Galilêa, qua Samaria và Juđêa để rao truyền chân lý tin mừng. Chúa giảng đạo một cách công khai cho dân chúng khắp vùng. Chúa Giêsu có đời sống thanh bạch, rao giảng sự thật và làm các phép lạ công khai. Có nhiều người muốn bắt bẻ về cách hành xử và lời giảng của Chúa, nhưng Chúa đã đáp lại một cách rất khôn ngoan và chân thành. Tuy nhiên, não trạng của các nhà lãnh đạo tôn giáo không dễ đổi thay, nên đã gây nhiều cớ cho sự xúc phạm. Tâm trí của nhiều người bị che khuất, nên không thể nhận ra được sứ mệnh cứu thế thực sự của Chúa Kitô.

Cả hệ thống chính quyền và tôn giáo tìm cớ để kết án tử hình Chúa Giêsu. Bài thương khó của thánh Gioan có rất nhiều chi tiết về cuộc hành khổ Chúa. Chúa Giêsu trả lời một cách rất khẳng khái rõ ràng về sứ mệnh của Ngài. Nước của tôi không thuộc về thế gian này. Chúa đến để làm chứng cho sự thật. Sự thật của Tin mừng cứu độ. Chúa xuống trần để mở đường dẫn đưa con người vào chung hưởng hạnh phúc viên mãn, vì Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Có nghĩa là Chúa muốn giúp chúng ta tìm ra con đường giải thoát, con đường sự thật, sống trong bình an và hoan lạc cả đời này lẫn đời sau.

Làm sao chúng ta nhận biết đâu là chân lý? Chúa Giêsu nhắc nhở rằng ai thuộc về chân lý thì nghe Chúa: Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5, 37). Chúng ta đang sống trong một thế giới bát nháo, vàng thau lẫn lộn và khó phân biệt phải trái, đúng sai hoặc tốt xấu. Trào lưu xã hội đẩy đưa con người vào những thị hiếu choáng ngợp hấp dẫn. Việc gì cũng có thể làm. Với khoa học kỹ thuật công nghiệp tiến bộ ngoài sức tưởng tượng, người ta có thể tạo hình, ghép cảnh, ngụy ngôn, cắt xén sửa đổi thông tin, truyền thông bất cập, thông tin một chiều và nhiều hình thức ngụy trang khác. Chúng ta phải hết sức cẩn thận phân tích và kiểm chứng khi tìm đọc các tin tức trên sách vở, báo chí và các trang mạng. Đôi khi chúng ta lại thích chạy theo các tin tức giật gân, tin nóng và tin vịt mà không để tâm đến Tin Mừng của Chúa. Chúa Giêsu đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.

Chân lý là từ trên ban xuống. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Làm nhân chứng cho sự thật là làm nhân chứng cho Chúa. Sự thật thì sáng tỏ và đơn sơ. Lời Chúa là lời sự thật. Chúng ta hãy đọc, tìm hiểu, suy gẫm và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng vô tội. Chúa đã thắng vượt tất cả những thử thách, cạm bẫy và mưu mô của con người. Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn bản tính của Thiên Chúa và loài người. Con người của Chúa đã trải qua mọi sự đau khổ cùng cực nhất của kiếp người. Chúng ta hãy chạy đến với trái tim đầy lòng thương xót của Chúa. Chúa sẽ đón nhận mọi tâm tư cần thố lộ tâm tình và sự cảm thông nâng đỡ.

Lạy Chúa, chúng con tưởng niệm Chiều Tử Nạn, Chúa đã hoàn tất sứ mệnh nơi trần gian. Xin cho chúng con biết thông phần đau khổ để đền vì tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết vác thập giá hằng ngày mà đi theo Chúa cho tới cùng. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

 

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC

(Mt 28, 1-10).

Chiều thứ Sáu nơi đỉnh đồi Golgôtha, Chúa Giêsu đã trút hơi thở trên thánh giá. Xác Chúa được hạ xuống, tắm rửa, xức thuốc thơm và được mai táng trong mồ. Gần trong khu vườn có ngôi mộ mới, chưa chôn ai. Xác của Chúa được đặt trong ngôi mộ mới nầy và có tảng đá lấp cửa mồ.

Trong sự thinh lặng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng gẫm suy về những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu. Khởi đầu, Chúa Giêsu được sinh ra trong hang lừa máng cỏ tại Bethlehem. Ít ngày sau, qua mộng báo, cha Giuse và mẹ Maria đã đem Chúa trẻ thơ trốn chạy sang nước Ai-cập khỏi sự lùng giết của vua Hêrôđê. Sau khi vua Herôđê băng hà, gia đình thánh thất đã trở về làng Nazarét, vùng Galilêa để lập nghiệp. Chúa Giêsu đã âm thầm sinh sống và trưởng thành tại miền đất nhỏ bé nầy. Từ miền Nazarét, hằng năm Chúa Giêsu theo cha mẹ trẩy về thành thánh Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua của người Do-thái.

Tam thập như lập, Chúa đã ra rao giảng Tin mừng cứu độ, thực hiện các phép lạ và chọn lựa huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ mệnh. Vỏn vẹn ba năm trời, Chúa đã rảo khắp các vùng từ Galilêa xuống Giuđêa rao giảng, canh tân và mời gọi mọi người sám hối vì Nước Chúa đã đến gần.

Chúng ta có thể nhìn tổng quát hành trình giảng đạo của Chúa gần quê nhà, chung quanh vùng biển hồ Galilêa: Chúa Giêsu sinh sống bằng nghề mộc tại Nazarét, khởi đầu rao giảng và chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan, biến hình trên núi Tabor, dự tiệc cưới tại Cana và làm phép lạ hóa nước thành rượu, đi dọc bãi biển chọn gọi các môn đệ đầu tiên tại Magdala, giảng trên núi Tám Phúc, dậy dỗ tại Capernaum, làm phép lạ cho sóng biển yên lặng tại Tabgha và phép lạ bánh cá hóa nhiều tại Bethsaida, ngồi trên thuyền giảng đạo gần Chozarin, đi trên mặt nước biển hồ Galilêa, xua trừ quỷ ám khiến đàn heo xô xuống biển tại Gergesa, truyền các tông đồ thả lưới bên phải thuyền, truyền ông Phêro ra câu cá lấy đồng bạc đóng thuế gần Hippos và các tông đồ bứt lúa trên đường đi qua ruộng lúa vào ngày Sabát.

Chúa Giêsu đã hoàn tất những lời tiên báo của các tiên tri. Trong khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã mạc khải về Nước Trời, về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Mạc khải về chính mình qua lời giảng dậy có uy quyền biến đổi tâm can. Các phép lạ chữa lành các thứ bệnh tật, xua trừ ma quỷ, biến đổi thiên nhiên và cho kẻ chết sống lại. Qua các quyền phép lạ lùng đã chứng minh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa mở cửa Nước Trời đón nhận những ai tin vào Ngài.

Sáng thứ Bảy Tuần Thánh, khung cảnh nhà thờ vắng lặng, gian cung thánh không có hoa nến, nhà tạm bỏ ngỏ và không có cử hành bất cứ nghi thức phụng vụ nào cho đến tối vọng Phục Sinh. Giáo Hội khuyến khích mọi thành phần dân Chúa canh thức trong suy gẫm nguyện cầu. Thực tế cuộc sống đạo hôm nay, hình như ý nghĩa nhiệm mầu của ngày thứ Bảy Tuần Thánh bị phai nhạt dần sự thánh thiêng, bù lại là những tổ chức hình thức bên ngoài ồn ào lấp đầy khoảng trống im lặng. Có nhiều giáo xứ tổ chức rầm rộ mai táng Chúa, rồi hôn chân và rước nả xầm uất như ngày hội. Chúng ta đang đánh mất sự thinh lặng thánh trong khi tưởng niệm Chúa Giêsu còn chôn trong mồ đá.

Vào tối vọng Phục Sinh, Giáo Hội cử hành đại lễ, trang trí hoa đèn lộng lẫy. Trước thánh lễ, có nghi thức làm phép lửa, nến Phục Sinh được thắp lên và đoàn dân Chúa vừa tiến bước vào cung thánh vừa hát: Ánh sáng Chúa Kitô và mọi ngừoi thưa: Tạ ơn Chúa. Linh mục chủ tế sẽ xông hương và hát Mừng Vui Lên (Exultet). Tối nay, phần Phụng vụ lời Chúa dài với các bài đọc trích từ Sách Sáng Thế Ký, Xuất Hành, Sách Các Tiên Tri Isaia, Ezekien, Barúc…đáp ca các Thánh Vịnh và Lời nguyện. Tiếp theo là hát Kinh Vinh Danh trọng thể và chuông nhà thờ vang vọng inh ỏi. Sau khi nghe bài trích thơ của thánh Phaolô, cộng đoàn dân Chúa hát: Alleluia, Alleluia mừng Chúa Phục Sinh. Công bố tin mừng Chúa đã sống lại.

Vọng Phục Sinh là cao điểm nhất trong các cử hành trong năm Phụng Vụ. Giáo Hội khởi đầu một sứ vụ mới trong một niềm tin mới. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh trong một tổ chức tôn giáo mới, đó là Đạo Công Giáo. Đạo mới không còn giữ luật của ngày Sabát, nhưng sống ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

DÁM YÊU VỚI TẤT CẢ RỦI RO - Kính Thánh Giuse

“Giuse đã thực hiện như lời thiên thần truyền”.

Thật lạ, nghệ thuật Kitô giáo có xu hướng miêu tả thánh Giuse như một cụ già. Nhìn vào, người ta tưởng Giuse là ông nội, hơn là cha nuôi của Chúa Giêsu. Một ngoại lệ rất nổi bật là bức “Giuse” của El Greco, một nghệ sĩ Tây Ban Nha. Greco mô tả Giuse là một thanh niên cơ bắp, gân guốc, đáng tin cậy; trẻ Giêsu quấn lấy chân ngài. Điều này sẽ phù hợp với tính cách mô tả của Tin Mừng! Giuse, một người trẻ mạo hiểm, ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ hơn là một cụ già!

Kính thưa Anh Chị em,

‘Dám yêu với tất cả rủi ro’, đó là tính cách của thánh Giuse mà Tin Mừng hôm nay, ngày kính nhớ ngài, tiết lộ. Tình yêu luôn đòi hỏi một sự mạo hiểm! Cuộc tình Giuse và Maria không nằm ngoài quy luật đó, “Maria đã thụ thai”. May thay, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Giuse đã yêu với ‘đôi mắt mở to’, ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ khi “thực hiện như lời thiên thần truyền”.

Cuộc sống thường không như chúng ta tưởng tượng. Đặc biệt trong yêu đương, thật khó để đi từ logic phải lòng một ai sang logic một tình yêu trưởng thành. Nhưng chính xác là, khi những hoài bão xem ra kết thúc, thì chính tại ngõ cụt ấy, tình yêu đích thực bắt đầu bước vào! Thực tế, tình yêu không phải là những gì chúng ta kỳ vọng được người kia đáp ứng, phù hợp với trí tưởng tượng; thay vào đó, nó có nghĩa là tôi lựa chọn một cách hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm cho cuộc sống của người kia với bất cứ điều gì xảy ra. Đây là trải nghiệm cũng là bài học đắt giá của Giuse! Giuse đã đón nhận Maria với ‘đôi mắt mở to’, vì ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.

Trải nghiệm của Giuse cũng có thể là trải nghiệm của chúng ta; đó là mối nguy hiểm có thể tồn tại trong hành trình tâm linh của bất cứ người nào! Khi mọi thứ yên ả, công việc xuôi may, hay khi những người khác đánh giá cao các nỗ lực của tôi, cuộc sống tôi như đang thăng hoa. Nhưng khi mọi thứ trở nên khó khăn, nhục nhã hay đau đớn… phủ lên tôi như quầng mây xám, tôi có thể tự hỏi, liệu Chúa còn yêu tôi không? Hãy tin vào Chúa, và Giuse, tấm gương cho chúng ta; Giuse không dễ nản lòng khi chịu thử thách, vì Giuse đã ‘dám yêu với tất cả rủi ro’.

Vậy nhờ đâu Giuse có thể vượt qua? Một lương tâm trong sạch! Tin Mừng nói, “Giuse là người công chính”. Giuse yêu Maria, nhưng sự thật quá khắc nghiệt để có thể hiểu được; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Thế nhưng, với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới lấy Maria làm vợ để ly hôn trong lặng lẽ. Và Thiên Chúa nhìn thấy sự trung thực này, Ngài thổ lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của người thiếu nữ. Một thông điệp ngắn trong mơ đủ để thuyết phục trái tim Giuse, và Giuse đã đón nhận tất cả với đôi mắt mở to!

Thánh Bernard viết, “Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại ngày xưa bị bán sang Ai Cập, bạn sẽ nhận ra rằng, thánh Giuse không chỉ nhận được tên của ông mà còn nhận được sự trong trắng, vô tội và ân phúc của ông nữa. Giuse Cựu Ước giỏi đọc giấc mơ; Giuse Tân Ước giỏi tin giấc mơ. Giuse Cựu Ước đã tích trữ ngũ cốc cho một dân; Giuse Tân Ước trông coi Bánh Hằng Sống cho cả thế giới. Không còn nghi ngờ gì nữa, Giuse mà mẹ Đấng Cứu Rỗi đã đính hôn là một người đàn ông tốt lành và trung thành”. Còn hơn thế, Giuse Tân Ước bảo tồn những gì Thiên Chúa đã hứa cho dòng dõi Đavít được vững bền; bài đọc Samuel và Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận, “Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời!”.

Anh Chị em,

Thử hỏi, có ai ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ cho bằng Thiên Chúa? Nhìn lên thánh giá, ‘rủi ro vĩ đại’ của mọi rủi ro, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ của Ngài, một tình yêu cứu độ đòi hỏi mạo hiểm khi phải đánh cược bằng chính cái chết của Con Một. Và ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang chấp nhận rủi ro khi trao vào tay chúng ta những gì mà Đấng Phục Sinh của Ngài chưa hoàn tất. Liệu mỗi người chúng ta có một lương tâm trong sáng, một con tim chính trực, và ngay lành như thánh Giuse để cùng với Thánh Thần, tiếp tục công việc Thiên Chúa đã trao cho mình?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin lấy khỏi con mọi ích kỷ, đừng để con tìm cho mình bất kỳ một sự an thân nào. Cho con biết quảng đại đón nhận những gì Chúa trao, và ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

HAI TIẾNG XIN VÂNG

Xin vâng (Fiat) là hai tiếng huyền nhiệm đã được Đức Trinh Nữ Maria nói lên trong cuộc đối thoại giữa Người và Tổng Lãnh Thiên Thần Gabririen. Có thể khi đáp lại lời thiên sứ Mẹ vẫn không hiểu hoàn toàn thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhưng vì lòng tùng phục và yêu mến thẳm sâu đối Ngài nên Mẹ đã thưa “xin vâng”. Nhưng đó lại là hai tiếng đã làm Thiên Chúa vui lòng. Và ngay sau những lời này, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Mẹ.     

 

Ngôi Lời Nhập Thể [1]

 …khởi đầu từ căn phòng nhỏ bé tại Nazareth, nơi người thôn nữ khiêm hạ Maria đón nhận lời truyền tin của Tổng Thần Gabrien để làm Mẹ Thiên Chúa. Cũng tại nơi này, qua lời xin vâng (fiat) của Đức Maria, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đến giữa nhân loại.

 Thánh Sử Luca đã diễn tả chi tiết về biến cố Truyền Tin. Người được Thiên Chúa sai xuống đem tin vui là Tổng Thần Gabirien. Người đón nhận tin vui ấy là Trinh Nữ Maria. Nơi chốn xảy ra biến cố truyền tin là căn phòng nhỏ trong căn nhà ở Nazareth, thuộc xứ Galilêa. (x. Luca 1:26-38)

 Nếu chỉ đọc lướt qua câu truyện Truyền Tin có thể sẽ chẳng mấy ai cảm thấy xúc động, cảm thấy biết ơn Thiên Chúa, và cũng chẳng mấy ai để ý tìm hiểu tại sao nó lại quan trọng đến thế đối với toàn thể nhân loại và riêng cho mỗi người. Điều này cũng đã xảy ra với tôi, cho đến khi được đến tận nơi ghi dấu Tổng Lãnh Thiên Thần Gabririen đã đến và đã nói với Đức Maria những lời này: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:28). Tại sao? Tại sao lại có một món quà thần linh to lớn, quí giá như thế được Tổng Lãnh Thiên Thần mang đến nhân danh Chúa các đạo binh cho người thôn nữ đơn sơ, nghèo nàn như Đức Maria? Lý do gì đây? Thưa chính là lời đề nghị tiếp sau của Thiên Chúa: “Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1:31)

 

Emmanuel [2]

 “Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mà nhờ Người ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha được hoàn tất. Tuy nhiên, ngày của mọi ngày hôm nay đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh này của mầu nhiệm ấy – khía cạnh suối nguồn thần linh tuôn chảy qua một mạch nước đặc biệt đó là Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã nói về điều này bằng hình ảnh ‘aquaeductus’ sống động (cf. “Sermo in Nativitate B.V. Mariae”: PL 183, 437-448).” Thế nên, khi cử hành việc nhập thể của Người Con, chúng ta không thể không tôn vinh Mẹ của Người.

 Lời thiên thần loan báo cho Mẹ, Mẹ đã chấp nhận, và khi Mẹ đáp lại bằng tất cả tâm hồn của mình là ‘Này tôi… xin vâng như lời ngài truyền’ (Lk 1:38), thì Lời hằng hữu bắt đầu hiện hữu như là một con người trong thời gian.

 Mầu nhiệm khôn lường này không ngừng trở thành những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng từ đời nọ đến đời kia. Thánh Augustine tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa ngài và vị thiên thần Truyền Tin, khi đặt vấn đề là: ‘Ôi Thiên Thần, xin nói cho tôi hay là tại sao điều này đã xẩy ra nơi Mẹ Maria?’ Câu trả lời được vị thiên sứ đáp lại chất chứa chính những lời chào kính: ‘Kính mừng đầy ơn phúc’ (x Sermo 291.6). Thật vậy, vị thiên thần, ‘khi hiện ra với Mẹ’, đã không gọi Mẹ theo tên trần gian của Mẹ là Maria, mà bằng tên thần linh của Mẹ, ‘Đầy ơn phúc – gratia plena’, một tên theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘yêu dấu’ (x Lk 1:28) vì Mẹ luôn được Thiên Chúa biết đến và mang dấu vết Thiên Chúa. Giáo phụ Origen đã nhận định rằng không có danh xưng nào như thế được ban cho bất cứ một con người nào, và là một danh xưng duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh (cf ‘In Lucam’ 6:7). 

 Nó là một danh hiệu ở thể thụ động, thế nhưng ‘cái thụ động’ này của Mẹ Maria, người luôn được và đang được Chúa mãi mãi ‘yêu thương’, bao gồm việc tự do ưng thuận của Mẹ, việc đáp ứng cá nhân và nguyên vẹn của Mẹ: Khi được yêu thương, Mẹ Maria hoàn toàn chủ động, vì Mẹ chấp nhận một cách quảng đại làn sóng yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Mẹ. Cả ở việc này nữa, Mẹ cũng là người môn đệ trọn hảo của Con Mẹ, Đấng hiện thực tất cả tự do của mình qua việc tuân phục Chúa Cha.

 Chúng ta hãy nghe một đoạn tuyệt vời được tác giả của bức Thư gửi Do Thái viết khi dẫn giải Thánh Vịnh 39 theo ý nghĩa nhập thể của Chúa Kitô: “Khi Chúa Kitô vào trần gian, Người đã thưa… ‘Này Con đây, Con xin đến để làm theo ý Cha, Ôi Thiên Chúa’” (10:5-7). Trước mầu nhiệm của hai lời ‘Này con đây’ của Chúa Kitô và Vị Trinh Nữ, lời này phản ảnh trong lời kia, làm nên câu Amen duy nhất dâng lên ý muốn yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy đầy những ngỡ ngàng và tri ân cảm tạ, và chúng ta cúi mình xuống tôn thờ.”

 

Song lộc triều nguyên

 Hàn Mặc Tử ở trong trại cùi Qui Hòa, Qui Nhơn. Ông không đến được để kính viếng nơi Thiên sứ truyền tin, nhưng ông như được nhiệm hiệp, ngụp lặn trong ánh hào quang rực rỡ của giây phút Truyền Tin:

 
Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.


[…]

Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, – bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?

(Ave Maria – Hàn Mặc Tử)

Tâm hồn thi sĩ như hòa cùng những dòng chảy dạt dào của tư tưởng mà Đức Bênêđíctô XVI đã diễn tả. Tất cả là một bài ca dâng lên Thiên Chúa, chúc tụng danh Ngài và tình yêu Ngài đã thương nhìn đến người tớ nữ khiêm cung là Trinh Nữ Maria. Và cũng là lời chúc tụng Trinh Nữ diễm phúc vì đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và để làm Mẹ Chúa Con, Đấng cứu độ nhân loại.

Hòa cùng muôn thần thánh, chúng ta hãy dâng lên Nữ Vương rất thánh lời chúc mừng như Isave đã làm xưa trong lúc được đón tiếp Mẹ vào nhà mình: “Bà được chúc phúc trong các người nữ…Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa sẽ được thực hiện.” (Luca 1: 42,45)  

Lễ Mẹ Chịu Truyền Tin

25 tháng 3 

______

  1. Hồi Ký Tìm Về Dấu Chân Chúa, 2019. Trần Mỹ Duyệt
  2. ĐTC Biển Đức XVI chủ tế và giảng lễ Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy Lễ Mẹ Thai Lời ngày 25/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ.

 Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

TÂM TÌNH DÂNG CHÚA TRONG MÙA CHAY THÁNH

Cảm tạ Thiên Chúa ban cho chúng con tuổi già được thêm khôn ngoan bởi biết nhường nhịn mọi người và con cháu để có được cuộc sống bình yên!. Vì ở tuổi già thì "Ăn để mà sống" chớ không phải "Sống để mà ăn" nên có ăn là tốt rồi. Vả sức khỏe của người già cũng không đòi hỏi ăn nhiều vì mọi thứ của cơ thể đều dần rã rệu hết cả rồi. Nhất là người mang nhiều chứng bệnh, phải kiêng khem để tránh mỡ cao, đường cao, áp huyết cao, chưa kể người bị đau bao tử ... thì cái thèm càng cho vào miệng nhiều thì càng gây tai họa nhiều hơn.

---

Người tuổi già thì rất không nên để cho giận hờn nhiều do thiếu kiểm soát thì chính bản thân họ sẽ trở bệnh nặng chớ không phải ai khác cả. Nhịn để được có sức khỏe nên cố gắng nhịn tất cả mọi người trong gia đình; còn người ngoài thì để tâm làm chi cho mệt, nhất là chờ nghe từng lời độc hại họ thốt ra ... có thể ấm ức mà chết cách oan uổng.

**

Cảm tạ Thiên Chúa ban cho chúng trẻ (ai) luôn có cha mẹ để lo cho chúng, nhất là chúng cần phải biết những sự hy sinh lớn lao; như nhận biết cha mẹ chúng nhịn ăn, nhịn xài và nhịn tất cả chỉ cốt lo cho chúng con cái không thiếu thốn một thứ gì nhất là được đi học để có tương lai tươi sáng. Để không bị dốt chữ và không cực khổ, cực thân như cha mẹ của chúng vì đã không có cơ hội đến trường.

--

Ước gì sự hy sinh lớn lao đó được chúng con cái trả ơn bằng cách sống ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ; biết trên nhịn dưới nhường và quan tâm cho mọi thành phần trong gia đình. Phụ giúp việc nhà khi rảnh rỗi ... có nghĩa không ôm phôn tối ngày sáng đêm, học đòi những hành vi xấu xa của chúng bạn hay tải hình ảnh đồi trụy từ internet xuống để xem, v.v...

**

Cảm tạ Thiên Chúa luôn ban cho các cha mẹ trẻ có được con cái như lòng mong đợi!. Ban cho những cha mẹ này biết cách sống quan tâm cho con cái của mình ... có nghĩa biết thế nào là vừa đủ (tiền) để có cuộc sống dành thời giờ cho con cái, cho nhau và cho Chúa. Biết hướng dẫn con cái, luôn làm gương lành cho chúng sống tốt trong tinh thần chia sẻ và yêu thương người nghèo khổ, sống ở chung quanh. Vì chúng rất cần sự hướng dẫn đúng đắn để khi chúng lớn lên hiểu được bổn phận và trách nhiệm; trong gia đình, giáo xứ, giáo hội và trong xã hội. Có thế thì thế hệ trong tương lai mới có nhiều người tốt, mới có thể chung sống với nhau thuận hòa như một đại gia đình con Chúa.

**

Cảm tạ Thiên Chúa ban cho hết thảy chúng con mọi ơn lành trừ tội lỗi và lòng tham lam ... Trong Chúa chúng con luôn sống thuận hòa như đàn chiên được Chúa chăm nom và yêu thương vô bờ. Có Chúa trong đời thì chúng con còn ao ước điều gì nữa ngoài Chúa chứ?. Nhất là mong muốn có được những điều rất ảo, xa vời tầm tay; muốn lấy của người làm của mình, phạm đức công bằng và phạm tội làm mất lòng Chúa. Cho phép sự dữ tự do ra vào căn nhà tâm hồn của chúng con cách bất cẩn và bất cần ... Dẫn đến hậu quả kinh hoàng làm chết người không khác nào chúng mang virus độc ác, giết chết chúng con không chút xót thương. Trong cái chết đau đớn tột cùng và trong sự hối hận quá muộn màng.

**

Lạy Chúa là Thiên Chúa của yêu thương! Chúng con hết lòng hết dạ dâng lên Chúa tấm chân tình và lòng chân thật nhất mà chúng con có thể ... Để dâng lên Chúa những ngày chay tịnh trong sự cố gắng; để trở về sống bên cạnh Người Cha nhân hiền đã luôn chờ đợi đứa con nghịch tử, hoang đàng hay như con chiên ngu khờ đã rời khỏi ràn và xém bị phanh thây bởi hàm răng bén nhọn của chúng thú dữ. Xin Chúa thương xót và tha tội cho chúng con. Amen.


***

Y tá con Chúa,
Tuyết Mai
22 tháng 2, 2023

Video: Nhờ Chúa Con Đổi Đời