8. Đời Sống Tâm Linh

Thánh Giuse – Mẫu gương của lao động

1.5 : Thứ Tư - Lễ Thánh Giuse lao công

Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa. 

Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Chúa Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. 

Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất… Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa… Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức…” 

Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ). 

“Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo…” 

Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse… Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 – 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ. 

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang… dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp… 

Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách… 

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực… 

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa. 

Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” 

Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài. 

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao… 

Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”.

Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse”\

 

Huệ Minh

ĐỢI, ĐÓN, ĐI ĐẾN GẶP GỠ!

“…có một vị đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết Người” (Ga 1: 26) 

Mùa Vọng là mùa chờ đợi!

Mùa trông ngóng, ngóng trông!

Chờ đợi là phải chờ đợi ai, cái gì. 

Trông ngóng là trông ngóng điều gì. 

Không ai chờ, không ai đợi không không. 

Không ai trông ngóng vô định. 

Không ai trông ngóng không có mục đích. 

Mùa Vọng, ta cứ hiểu theo cái nhìn thông thường, là mùa ĐỢI Chúa đến gặp gỡ con người. Theo các thánh giáo phụ, có ba cuộc Chúa đến. Chúa đến lần thứ nhất đã hơn 2000 năm trước, “đảm nhận lấy thân phận người hầu con người có thể trở nên con Thiên Chúa.” Lần hai, Chúa đến vào ngày sau hết của vũ trụ này, cuộc quang lâm. Lần hai này, Chúa đến trong uy nghi, vinh quang để phán xét nhân loại. “Người ngự giá mây trời mà đến.” Tuy nhiên,  giữa hai cuộc gặp gỡ ấy: cuộc đến lần đầu và lần cuối, là cuộc Chúa đến viếng thăm ta trong từng giây phút của hiện tại. Cuộc đến ở giữa này là cuộc đến HIỆN TẠI. Hoá ra, nếu hiểu như thế, không phải con người ĐỢI, CHỜ, ĐÓN, Chúa đến, nhưng phải là ngược lại. 

Thiên Chúa, Đấng đầy lòng yêu thương, Ngài đã luôn luôn đang đợi, đang chờ con người. Ngài ĐỢI con người từ ngàn xưa, luôn Đợi con người quay trở về với tình thương ơn cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đang luôn luôn chờ ĐÓN ta ĐI vào tình thương với Ngài.

Con người cứ tưởng mình ĐỢI, ĐÓN Thiên Chúa, nhưng ngược lại, chính Thiên Chúa luôn đi bước trước ĐỢI, ĐÓN con người. Vấn đề là con người có chịu ĐI ĐẾN, GẶP GỠ, và THEO Ngài hay không?

Người viết đọc ở đâu đó nội dung như sau:

Bạn có thể:

được sinh ra trong gia đình có đạo,

được rửa tội TRONG hội thánh,

được phục vụ TRONG hội thánh,

được kết hôn TRONG hội thánh,

được chết TRONG hội thánh,

và thậm chí, được “thắp nến” TRONG hội thánh,

nhưng, cuối cùng bạn vẫn rớt xuống hoả ngục.

Vì lẽ, bạn chỉ ở TRONG hội thánh,

mà KHÔNG ở TRONG Thiên Chúa.

Bạn có thể đã CHỜ, ĐỢI, ĐÓN, 

nhưng KHÔNG chịu đi đến để GẶP GỠ Thiên Chúa.

Bạn tự coi mình là người có niềm tôn giáo cũng vô ích,

nếu như bạn không phải là một người thánh thiện.

Nhiều người có tôn giáo, nhưng rất ít người thánh thiện.

Liệu bạn đang có niềm tin tôn giáo mà không thánh thiện? 

Hay bạn vừa có niềm tin tôn giáo, vừa thánh thiện?

Liệu bạn đang có niềm tin tôn giáo mà chưa bao giờ gặp gỡ Đấng mình tôn thờ? Hãy cẩn thận, kẻo, như những người thời Chúa Giêsu, bị Gioan Tiền Hô cảnh cáo “…có một vị đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết Người” (Ga 1: 26).

Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Chúa đợi, đón, chờ để gặp gỡ tôi, nhưng tôi có “mở cửa” đời tôi để gặp gỡ Ngài không? Tôi đang cố gắng sống thánh thiện hay chuộng những hình thức bề ngoài? Có thể tôi đang nhiệt thành làm những việc này việc kia, nhưng tôi có gặp được Chúa không hay chỉ là thói quen? Hay tôi làm để khoe mình? “Đừng toả sáng để những người khác có thể nhìn thấy bạn. Nhưng, hãy chiếu sáng, để những người khác có thể nhìn thấy Chúa Giêsu” (Don’t shine so that others can see you. Shine, so that through you, others can see Him) (C.S. Lewis). Tôi đang sống niềm tin ở mức độ tôn giáo: GIỮ luật hay mức độ vì YÊU mến?

Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.

Số 249: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)

THÁI ĐỘ NÀO CHO VIỆC ĐÓN CHỜ CHÚA?

SỐNG MÙA VỌNG 2023

"MARANATHA – LẠY CHÚA GIÊSU, XIN NGỰ ĐẾN!" (Kh 22, 20). Điệp khúc của mùa Vọng, tiếp tục vang lên trong mùa Vọng 2023 này.

Đó là lời cuối cùng trước khi kết thúc sách Khải Huyền, quyển sách cuối cùng của toàn bộ Thánh Kinh Kitô giáo do thánh Gioan Tông đồ, "Người môn đệ Chúa yêu" viết.

Mùa Vọng, Hội Thánh mượn tâm tình trông chờ Chúa Cứu Thế của Cựu Ước để sống niềm hy vọng Người kết thúc thời Tân Ước, dẫn đưa đoàn dân mới vào Giêrusalem mới có Trời mới Đất mới. Trong hy vọng cánh chung, Hội Thánh không ngớt cầu nguyện: "Maranatha – Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến".

Hội Thánh không những không bao giờ dừng hy vọng của mình nơi Chúa Giêsu, mà còn tin tưởng mạnh mẽ và tha thiết kêu nài Người dẫn đưa lịch sử đến nơi vừa là bến bờ, vừa là cội nguồn của hạnh phúc là chính Người. Hội Thánh dâng lên Người niềm cậy trông để hy vọng vào sự Người ngự đến (Kh 22, 20).

Nhưng chúng ta không chỉ hô to khẩu hiệu của mùa Vọng "xin Chúa ngự đến", mà không dấn thân để Chúa ngự đến trong chính tâm hồn mình, trong anh chị em xung quanh, trong thế giới mà mình đang hiện diện và đồng hành.

Vài đề nghị cần thực hiện ngay để sống mùa Vọng, nhờ đó, ta có thể lưu lại trong Chúa, Đấng hằng ngự đến trong cõi lòng ta và nơi mọi người:

 

  1. TỰ HÀO ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG.

Hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương ta. Nhìn nhận và tin tưởng vững chắc vào tình yêu của Chúa là một trong những bí quyết sống hạnh phúc.

Hãy luôn tin rằng, Chúa không bỏ rơi chúng ta vì Người là chính tình yêu. Nơi Người có đủ mọi năng lực yêu thương để thương xót, để tha thứ, để bao bọc, để chở che, để làm cho chúng ta sống và sống dồi dào...

Mỗi ngày sống trôi qua, không chỉ không nghi ngờ về lòng yêu thương của Chúa mà còn tăng thêm, phát triển thêm, xác tín thêm, dù ta có thế nào, Chúa vẫn đón nhận, vẫn không mệt mỏi nhưng chung thủy trong tình yêu và luôn dành cho ta một vị trí trong trái tim Người, ta sẽ càng cảm nhận cuộc sống đáng yêu, đáng sống. Đó chính là hạnh phúc vô bờ bến của người biết tin tưởng và cậy dựa vào tình yêu của Chúa.

Tự hào được Chúa yêu theo gương thánh Gioan tông đồ, người luôn khẳng định với mọi người, "môn đệ được Chúa yêu", sẽ giúp ta có nhiều và phát triển ngày một hơn về những hoa trái thánh thiện.

Tự hào được Chúa yêu, ta sẽ dễ dàng sống như thánh Phaolô hướng dẫn: "Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc. Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù. Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật... Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả..." (1Cr 13, 4-7).

Tự hào được Chúa yêu, ta đủ sức mạnh vượt thắng tội lỗi, vươn lên sống trọn ơn gọi nên thánh. Vì không ai biết mình, tự hào nơi mình có tình yêu Thiên Chúa mà lại có thể sống trong tội lỗi, hoặc lại có thể ở lỳ trong tội.

Vì thế, khi vươn tới sự thánh thiện, sống ơn gọi nên thánh và vượt thắng tội lỗi, là cách ta tự mình trình bày trước Chúa và trước anh em ta về nỗ lực đón Chúa Giêsu đến và thực sự được Chúa Giêsu ngự đến.

 

  1. NHÌN THẤY NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP.

Hãy có thái độ lạc quan. Hãy luôn sống như có Chúa ở cùng để giữ vững tinh thần lạc quan. Hãy phó thác và đặt vào tay Chúa mọi sự, mọi biến cố, mọi âu lo, mọi suy nghĩ, mọi toan tính của bản thân để củng cố luôn luôn nơi cuộc sống và suy nghĩ của chính mình niềm lạc quan và tin yêu vào cuộc sống. Có tích cực hướng về sự lạc quan, ta mới có khả năng nhìn thấy Ở MỌI THỨ VÀ MỌI NGƯỜI NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP.

Mỗi hoàn cảnh, mỗi vấn đề, mỗi biểu hiện của từng người trong cung cách sống của họ đều có nhiều khía cạnh để chúng ta có thể quan sát và đánh giá. Vì thế, dù đối diện với bất kỳ con người hay sự vật hay hoàn cảnh nào, cố gắng tìm ra điểm tích cực để có thể mang lại nhiều năng lượng sống cho chính mình.

Một khi bản thân được tiếng là người luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp, chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng xứng đáng mà mọi người dành cho.

Càng là người có ảnh hưởng bao nhiêu, càng cần nhìn theo hướng tích cực bấy nhiêu, để mọi môi trường, mọi nơi mình hiện diện lan tỏa sự lạc quan, tinh thần vượt thắng khó khăn, sự chung tay để đi đến chiến thắng.

Sống mùa Vọng bằng niềm tin vào những điều tốt đẹp, khiến bản thân, phần nào phản chiếu hình ảnh Chúa Giêsu đang ngự đến. Vì khi cùng sống với mọi người, trong lúc ta biết tỏa những năng lượng tích cực, là cách làm chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn ta.

Bởi một khi Chúa Giêsu ngự đến, Người đâu có hiện diện nơi nào xa xôi, Người đâu có xuất hiện trong những kỳ bí hay vỹ đại nào. Thái độ sống tích cực, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp của ta, niềm tin vào cõi lòng của từng người nơi ta... là cách ta thể hiện mạnh mẽ, dữ dội việc Chúa Giêsu đang ngự đến.

Chúa ngự đến trong cái bình thường của mọi người. Chúa ngự đến nơi từng khoảnh khắc thường nhật của tất cả chúng ta và của thế giới này.

 

  1. SỐNG CHU ĐÁO LÒNG BIẾT ƠN THIÊN CHÚA.

Mỗi chúng ta đều nhận lãnh tình yêu vô lượng và khôn cùng của Thiên Chúa. Từ hư không, chúng ta thành người. Nhưng không ai là kẻ vô danh. Trong bàn tay Chúa, trong trái tim Chúa, trong sự quan phòng kỳ diệu từ đời đời của Chúa, không chung chung, nhưng từng người, từng người một được Chúa biết đến, được Chúa gọi đích danh, được Chúa trọng ban tình yêu, ân sủng và sự cứu độ đời đời.

Chúng ta được sinh ra từ bàn tay của Chúa, được làm người và làm con Chúa đã là vinh dự, là hạnh phúc, là sự hãnh diện vô cùng tận. Vậy mà để sống trọn kiếp người và để bước vào cõi vinh thắng đời đời, từng người trong chúng ta đều được Chúa bao phủ cả cuộc đời bằng ân sủng lớn lao. Người không ngừng ban ơn để gìn giữ chúng ta trên từng chặng đường. Người không ngừng tha thứ mỗi khi chúng ta lỗi phạm để Người không mất chúng ta, và để chúng ta không mất Người đời đời.

Đã là con người, là thụ tạo thuộc bậc ưu tú, là kẻ được tha thứ, là kẻ được quyền nhận lãnh chính Người Con Một của Thiên Chúa, vị trí của chúng ta đã là vô cùng, đã là không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng nổi.

Vậy mà giờ đây trong Chúa Kitô, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa, mỗi chúng ta lại được chính Thiên Chúa nhìn nhận là con của Người, được hưởng gia nghiệp của Thiên Chúa, cùng đồng phận với Chúa Kitô. 

Quá đỗi kỳ diệu, quá đỗi phong nhiêu, quá đỗi mạnh mẽ. Niềm vui tuyệt đỉnh ấy chỉ còn biết vỡ òa trong hạnh phúc, trong hãnh diện, trong sự thần phục và lạy tạ mà thôi.

Hồng ân lớn lao không thể diễn tả hết, không thể thấu hiểu cho cùng đó chính là ta được Chúa trao ban Con Một của Người.

Làm sao mà những tội đồ lại có được chính Thiên Chúa làm người? Làm sao mà những kẻ vong thân và vong ân lại có thể nhận lãnh kho tàng và gia nghiệp là chính Đấng sang trọng từ trời cao đến nhập cuộc với mình? Làm sao mà những kẻ thấp hèn, xấu xa, nghèo nàn, dễ đổ vỡ, dễ ngã nhào, lại có thể có Đấng giàu sang, Đấng mà trời còn không thể chứa, biển không thể dò, núi cao vời vợi không thể đo lại có thể sớt chia và nên đồng phận với mình?

Vì thế, sống mùa Vọng bằng lòng biết ơn Thiên Chúa, từ nay, mỗi khi cất lên lời kinh: "Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời mà lại sinh ra con cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở. Lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì con. Lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp", các Kitô hữu hết lòng xưng tụng tình yêu của Chúa, hết lòng biết ơn Thiên Chúa, hết lòng dâng mình để cố mà đáp trả tình yêu Chúa dành cho mình.

Sống lòng biết ơn Thiên Chúa, chúng ta sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu, để cùng với Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa trong cùng một hiến tế duy nhất mà chính Chúa Giêsu thực hiện, chắc chắn sẽ vô cùng đẹp lòng Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa ưng nhận.

Sống lòng biết ơn Thiên Chúa trong sự hiện diện thánh thiện và bền bỉ của Chúa Giêsu là cách thế giúp ta ngày càng xác tín mạnh rằng: Chúa Giêsu vẫn luôn ngự đến. Người mãi mãi là Đấng hiện diện. Người không ngừng kết nối lòng ta, tâm hồn ta với Cha của Người và là Thiên Chúa của chúng ta.

Đó là vài đề nghị khả dĩ giúp chúng ta có được hạnh phúc trong đời sống, trong khi chờ đợi Chúa đến, trong khi cùng Hội Thánh kêu nài Chúa ngự đến.

Xin Chúa ban cho từng người niềm hạnh phúc trong hy vọng bền bỉ Chúa sẽ ngự đến.

Và dù phải đối diện với hoàn cảnh nào, ngay cả khi tưởng chừng bi đát nhất, tăm tối nhất, bế tắc nhất, vẫn đủ sáng suốt tìm cho mình một lối mở đi về phía Thiên Chúa, để với niềm hy vọng Chúa sẽ đến "mang theo theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm" (Kh 22, 12), mỗi người luôn tỉnh thức để chỉ sống cho Chúa, hành động cho Chúa, tư duy như Chúa, nỗ lực thực hành điều Chúa mong muốn trong từng ngày sống.

Chỉ có như thế, mầu nhiệm mong chờ Chúa trong lời cầu nguyện "MARANATHA – LẠY CHÚA GIÊSU, XIN NGỰ ĐẾN!", mới thực sự có giá trị, mới thực sự không là lời cầu nguyện hay mong ước suông, mới thực sự là niềm mong đợi tích cực, là sự trưởng thành làm thăng hoa đời sống Kitô hữu của từng cá nhân trong từng giây phút sống.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Sống Mùa Vọng

Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, từ động từ Advenire, tiếng Anh là Advent, có nghĩa là “đến gần”), với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Theo truyền thống Giáo Hội, Mùa Vọng có bốn ý nghĩa sau: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhấtMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thếMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng taMùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.

1/ Mùa Vọng là Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm.  Kỷ niệm ở đây không đơn thuần là hoài niệm, không chỉ là những hình ảnh hay biến cố để ghi nhớ, nhưng là một thực tại để sống.

Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi.  Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia.

Đấng Messia là Đức Kitô đã đến, ban đầu người ta cũng hồ hởi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài.  Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng và lòng chai dạ đá, nên các vị lãnh đạo tôn giáo muốn khai trừ Ngài.

Quả thật,“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).  Người Do Thái đã muốn nắn đúc Vị Cứu Tinh theo ý đồ và tham vọng của họ, muốn đúc khuôn một Vị Cứu Thế theo quan niệm và mơ ước của họ, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra Ngài.  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã chết cho những ảo tưởng, kiêu căng và tội lỗi của họ, và thật ra cũng là của nhân loại, của mỗi người chúng ta.

Cho tới ngày nay họ vẫn còn gục đầu vào bức tường than khóc để chờ đợi một Đấng Messia như lòng họ mong ước, chứ không như Thiên Chúa ước mong.  Như vậy, sống lại lịch sử của ơn cứu độ trong Mùa Vọng là để chúng ta xác tín rằng, thái độ mong đợi và chuẩn bị Chúa đến trước tiên phải là hành vi tẩy não và thanh lọc cuộc sống mình, để không rơi vào tình trạng vong thân và lạc mất ơn cứu độ như dân Do Thái xưa.

Nói đến tẩy não là vì trong đầu óc ta đầy những tạp niệm, định kiến, thành kiến, thiên kiến; cũng như những hình dung và quan niệm lệch lạc hoặc thiếu xót về Thiên Chúa, về chính mình và tha nhân, để từ đó sáng lên một cái nhìn trung thực, đúng đắn, rõ ràng và thâm sâu về mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Nói đến thanh lọc là vì bản thân ta luôn dễ bị ô nhiễm bởi nhiều ham muốn, đam mê, dục vọng, khiến ta sa lạc, và nô lệ cho tội lỗi.  Tội lỗi làm tâm trí ta trở nên đen tối không còn khả năng nhận diện và gặp gỡ Chúa.  Vì thế, tẩy não và thanh lọc bản thân điều kiện tối cần.  Đó cũng là hành vi tự cứu độ mình trước khi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2/ Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế.  Ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!” để xét xử phân minh.  Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Is 65, 17; 66, 22 ; Kh 21, 1-4).  Hoa quả của lòng tin chính là đức ái trong mọi tương quan hằng ngày.  Tiêu chuẩn chính yếu của ngày chung thẩm không có gì khác hơn là tình yêu mến, là đức ái (x. Mt 25, 32-55).

Dostoievski có lần kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng.  Thánh nhân yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng.  Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành.  Bà vội trình với thánh Phêrô và ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên.  Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên.  Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi!”  Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.

Tới lúc lên thiên đàng mà vẫn còn ích kỷ.  Câu chuyện này có thể làm ta liên tưởng đến hình ảnh các nhân vật tư tế và trợ tế trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10) khi họ vội vã lên đền thờ mà bỏ quên tha nhân trong cảnh đau khổ.  Thiếu tình yêu, thiếu bác ái với tha nhân, thì những cố gắng chu toàn các bổn phận thờ phượng có nghĩa lý gì? “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).

3- Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta.  Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng.  Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33).  Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23)

Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống cách tốt nhất.  Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất.”   Chúng ta chưa sống từng ngày đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết.  Đó cũng là cám dỗ của ma quỉ để ta mê say cuộc sống này mà mất đi sự cảnh giác.

Ai cũng dễ ham mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, muốn có uy tín hơn, sáng giá hơn, chức vụ cao hơn, ảnh hưởng lớn hơn, mọi người nể phục hơn, làm nên những công trình to tát hơn.  Ít có ai muốn sống âm thầm, hiền lành, khiêm tốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, chịu xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân.  Nhưng rồi tất cả những gì chúng ta gầy dựng để mong hưởng thụ cho riêng mình đều là hư vô, vì khi nằm xuống trong lòng đất rồi thì tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gì.  Chẳng ai còn nhớ đến, thế hệ tương lai cũng chẳng biết ta là ai, hiện hữu cũng vậy, không hiện hữu cũng thế, duy chỉ một mình Chúa biết.  Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi.  Vì thế, đừng bao giờ tìm kiếm những gì ngoài Chúa, những gì không phải là Chúa.

4. Thực tế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.  Thật sự ta chẳng bao giờ xứng đáng được với chính Chúa, Đấng thánh thiện vô ngần, nhưng chỉ là bớt bất xứng hơn.  Điều này đòi hỏi mỗi người cứ phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã hô hào, như Gioan Tẩy Giả đã loan báo, như trong thơ 2Phêrô 3-9 đã nhắc lại “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.

Nguyễn Trãi có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận.  Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ).  Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới.

Chúa Giáng Sinh không chỉ là một biến cố hồng phúc đối với Đức Maria ngày xưa, nhưng còn là một biến cố ân phúc đối với mỗi người chúng ta ngày nay.  Theo cha Zundel, điều này có nghĩa là Chúa cũng muốn cho chúng ta nên giống như Đức Mẹ là cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình.  Đây là điều chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh: “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.

         Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta được sinh ra từ Ngài.  Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta.  Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta, để từ đó ta mới có thể trao ban Chúa cách đích thực cho người khác.  Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra.  Nếu không như thế, thì đời sống thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ và truyền giáo đâu có nghĩa gì.  Đó cũng chính là sự thể hiện tính cách mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Hiểu như thế và xác tín thâm sâu như vậy, chúng ta mới thấy Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa trọng đại trong từng năm của cuộc đời mình.  Nhờ đó, ta biết chuẩn bị bằng cách cải đổi tâm hồn mình như thế nào để phát sinh hiệu quả ơn thánh và làm lớn mạnh công trình tình yêu mà Chúa muốn thực hiện nơi mỗi người chúng ta.

LM Thái Nguyên

DO BỞI MỘT NGƯỜI, MÀ MỌI NGƯỜI SẼ…

 

Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm 5,19). Do bởi sự bất tuân của Ađam mà tội lỗi đã vào thế gian khiến loài người phải chết, và do bởi sự vâng lời của Đức Giêsu mà sự sống đời đời được ban cho nhân loại. 

Sự không vâng phục của một người có ảnh hưởng lớn đến toàn thể nhân loại, đó là một sự thật hiển nhiên. Ngày xưa, khi quân đội của Giôsuê chinh phục thành Giêrikhô để vào đất Canaan: Do bởi một người phạm tội, là Akhan, mà dân Ítraen đã bại trong trận chiến chiếm thành Ai, và con đường đánh chiếm Canaan đã tạm thời bị tắc lại (x. Gs 7,1-26). Lịch sử này là chứng cứ xác thực, làm thức tỉnh chúng ta rằng: sự vâng phục của một người là quan trọng biết chừng nào. 

Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Hr 5,8-9). Qua sự vâng phục của Đức Giêsu, Người đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai vâng phục Người. Chúng ta luôn được mời gọi: bước theo Đức Kitô (sequela Christi), bắt chước Đức Kitô (imitatio Christi), để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trở thành một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus). Sứ mạng (Missio) của Đức Giêsu đến trần gian là để cứu độ nhân loại, và bằng thái độ vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, Người đã hoàn tất sứ mạng của mình. Chúng ta cũng được mời gọi mang lấy cùng một sứ mạng của Đức Giêsu để ơn cứu độ được thành toàn cho mình và cho toàn thể nhân loại. Chúng ta là một “Đấng Kitô khác”, vì thế, chúng ta phải ý thức rằng: chỉ một mình tôi vâng phục tuyệt đối ý muốn của Thiên Chúa, thì tất cả sẽ được đưa vào con đường sự sống, và ngược lại, chỉ một mình tôi không vâng phục, thì tất cả sẽ rơi vào con đường sự chết. Ai cũng nghĩ được như vậy, và nỗ lực cố gắng hoàn thành sứ mạng vâng phục của mình, thì chắc chắn, ơn cứu độ của Chúa sẽ sớm thành toàn nơi tất cả mọi người. 

Bằng hành vi vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, như Đức Giêsu, chúng ta sẽ trở thành vị cứu tinh của nhân loại, một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus). Bằng ngược lại, nếu chúng ta nghĩ: Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, chúng ta làm trái ý Người một số điều, thì cũng đâu có sao. Một khi có những ý tưởng như thế, thì chúng ta sẽ không thể vâng phục Thiên Chúa được, và sự bất tuân đó, không chỉ kéo một mình chúng ta, nhưng sẽ kéo toàn thể nhân loại đi vào con đường sự chết. Lúc bấy giờ, chúng ta không phải là một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus): vị cứu tinh của nhân loại, mà là, một “Ađam khác” (Alter Adam), một tên phản Kitô (Antichristus): kẻ hủy diệt nhân loại này. 

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta phải vâng phục Người. Điều đó, không có nghĩa là, Người độc tài độc đoán. Tất cả những gì Thiên Chúa dạy dỗ đều vì ơn cứu độ của chúng ta. Dân Ítraen không nghe theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, nên đã phải gánh chịu hậu quả đau thương. Tất cả những sự việc đã qua, được ghi chép lại trong Thánh Kinh, để làm thức tỉnh chúng ta rằng: mọi bất hạnh là do hậu quả của việc không vâng phục, còn mọi phúc lành là hoa trái của việc vâng phục.  Những người được cứu độ là những người luôn vâng lời Thiên Chúa. Nếu cứ làm theo ý riêng, thì chúng ta sẽ rơi vào chước cám dỗ của Satan: mắt ta sẽ thấy những điều sai trái thành những điều đúng đắn, tai ta sẽ nghe những điều xấu xa thành những điều tốt đẹp, như ông bà nguyên tổ xưa.

Chúa dẫn chúng ta đi trên những nẻo đường, mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới: Con đường mà Chúa dẫn dắt trông có vẻ thiệt thòi với chúng ta lúc này, nhưng, nếu chúng ta vâng phục Người, là Đấng biết trước tương lai chúng ta, và vì lợi ích chúng ta, thì sau này, phúc lành dư dật sẽ đến với chúng ta. Nhưng Người thề với ai: Sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người, nếu không phải là với những kẻ bất tuân? (Hr 3,18): Những kẻ không vâng phục, không được vào Đất Hứa, những người không vâng phục không thể vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa: chỉ một mình tôi vâng lời Thiên Chúa đến cùng, thì tất cả sẽ được hưởng ơn cứu độ.  Ước gì mỗi người chúng ta đều trở thành một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus), một vị cứu tinh của nhân loại như lòng Chúa ước mong.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.