8. Đời Sống Tâm Linh

7 ĐIỀU NÊN KIÊNG THEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Photo by Alberto PIZZOLI / AFP

Đây là một số gợi ý về những điều nên kiêng để sống Mùa Chay này tốt lành hơn theo Đức Thánh Cha Phanxicô!

Mùa Chay đánh dấu 40 ngày trước lễ Phục sinh, là thời gian người Công giáo được kêu gọi ăn chay và kiêng cữ một số thứ để chuẩn bị cử hành sự chiến thắng tội lỗi và sự chết. Dưới đây là 7 gợi ý rút ra từ các thông điệp, bài diễn văn và bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô!

  1. KHÔNG TRỐN TRÁNH THIÊN CHÚA

“Mùa Chay thực sự là ‘thời gian thuận lợi’ để trở về với những gì thiết yếu, để rũ bỏ tất cả những gì đè nặng chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa của Chúa Thánh Thần ẩn dưới đống tro tàn của nhân tính yếu đuối của chúng ta. ” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong bài giảng Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro vào ngày 22 tháng 2 năm 2023.

Đức Thánh Cha giải thích rằng “nghi thức xức tro là khởi đầu của cuộc hành trình trở về này,” nhắc nhở chúng ta “ai là Đấng Tạo Hóa và ai là tạo vật”. Cuộc hành trình này dẫn chúng ta đến “sự thật về bản thân” và giúp chúng ta thoát ra “khỏi pháo đài của sự tự lấy mình làm đủ”. Đó là một cơ hội để “trở về với Thiên Chúa và với các anh chị em của chúng ta.” 

  1. TRÁNH XA SỰ KIÊU CĂNG THIÊNG LIÊNG

Trong bài phát biểu trong buổi huấn từ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật ngày 23 tháng 10 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại “sự kiêu ngạo thiêng liêng”, là điều khiến chúng ta đặt mình phía trước người khác và phía trước Thiên Chúa. Điều đó ngăn cản chúng ta hướng tới người khác: “Ở đâu có quá nhiều cái tôi, thì ở đó có quá ít Thiên Chúa.”

“Tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào cái bẫy này. Điều đó khiến bạn tin rằng mình là công chính và phán xét người khác. […] Không nhận ra điều đó, bạn tôn thờ cái tôi của chính mình và lãng quên Thiên Chúa của bạn. Sự kiêu căng đó tập trung vào chính mình. Đức Thánh Cha giải thích Đây là lời cầu nguyện thiếu khiêm nhường. Chúng ta hãy xin sự chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, tôi tớ khiêm nhường của Chúa, hình ảnh sống động của những gì Chúa muốn hoàn thành, lật đổ những kẻ quyền thế khỏi ngai vàng của chúng và nâng cao những kẻ khiêm nhường.” 

  1. KIÊNG CÁC NỀN TẢNG TRUYỀN THÔNG KỸ THUẬT SỐ

Trong thông điệp Mùa Chay 2022 , Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thời gian phụng vụ này là thời điểm hoàn hảo để chống lại sự cám dỗ của các phương tiện kỹ thuật số, “thứ làm nghèo đi các mối tương quan của con người”. Ngài khuyến khích nuôi dưỡng “những cuộc gặp gỡ trực tiếp đích thực”.

Đây là lời cảnh báo mà Đức Thánh Cha thường đưa ra, chẳng hạn như trong một thông điệp vào tháng 7 năm 2022 tới SIGNIS, một hiệp hội Công giáo Quốc tế về Truyền thông. Mặc dù ngài thừa nhận “phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể mang chúng ta lại với nhau như thế nào” bằng cách “phổ biến thông tin thiết yếu” và “liên kết các gia đình và cộng đoàn giáo hội”, nhưng nó phải được sử dụng một cách khôn ngoan. “Đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội, đã đặt ra một số vấn đề nghiêm trọng về đạo đức” và nhiều “trang web truyền thông đã trở thành nơi độc hại, ngôn từ kích động thù địch và tin tức giả mạo”. 

  1. TRÁNH PHÂN CỰC VÀ CHIA RẼ

Bạn rất dễ bị cuốn vào những cuộc tranh luận và chia rẽ ảnh hưởng đến xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người Công giáo “không phải chọn điều này hoặc điều kia” mà là “cả hai và, kết hợp những khác biệt”. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Dòng Tên America, xuất bản vào tháng 11 năm 2022, ngài tuyên bố rõ ràng “sự phân cực không phải là Công giáo.”

“Người Công giáo kết hợp những người tốt và những người không tốt lắm. Chỉ có một dân Thiên Chúa. Khi có sự phân cực, não trạng chia rẽ nảy sinh, mang lại đặc quyền cho một số người và bỏ mặc những người khác. Người Công giáo luôn dung hòa những khác biệt,” ngài giải thích. 

  1. TRÁNH THỜ Ơ VỚI NGƯỜI KHÁC

“Sự thờ ơ với người lân cận và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Mỗi năm trong Mùa Chay, chúng ta cần một lần nữa nghe thấy tiếng nói của các vị tiên tri kêu lên và làm lương tâm chúng ta bối rối,” Đức Thánh Cha nói trong sứ điệp Mùa Chay 2015 của ngài.

Chăm sóc cho những người bị lãng quên, bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người đau khổ trong xã hội là trụ cột chính trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Ngài thường lên án “văn hóa vứt bỏ” và kêu gọi đề cao phẩm giá của mỗi con người. Ngài nói: “Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để thể hiện sự quan tâm này đối với người khác bằng những dấu hiệu nhỏ nhưng cụ thể về việc chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại.

  1. TRÁNH ỒN ÀO KHÔNG CẦN THIẾT

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự im lặng trong buổi tiếp kiến ​​chung vào ngày 15 tháng 12 năm 2021, khi ngài đang giảng một bài giáo lý về Thánh Giuse. Đức Thánh Cha nói, “Với sự im lặng của mình, Thánh Giuse mời gọi chúng ta nhường chỗ cho Sự Hiện diện của Ngôi Lời nhập thể, cho Chúa Giêsu” đồng thời giải thích tại sao trong các sách Tin Mừng không có một lời nào do bạn trăm năm của Đức Maria thốt ra.

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo thừa nhận rằng sự im lặng khiến nhiều người “sợ hãi”, vì nó buộc người ta phải nhìn vào cõi lòng mình. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng “đào luyện sự thinh lặng” là để “cho Chúa Thánh Thần cơ hội hồi phục chúng ta, khuyên giải chúng ta, sửa dạy chúng ta.”

Trong một bài phát biểu gần đây vào ngày 20 tháng 1 năm 2023 trước các nhà lãnh đạo phụng vụ của giáo phận, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng giải thích rằng sự im lặng trong Thánh lễ là đặc biệt quan trọng. Sự im lặng đó “giúp bạn chuẩn bị cho mầu nhiệm” Thánh Thể. Và Đức Giáo Hoàng có lòng sùng kính Đức Mẹ Im Lặng. 

  1. TRÁNH XA SỰ QUÁ SAY MÊ CHÍNH MÌNH, COI MÌNH LÀ NẠN NHÂN VÀ THÁI ĐỘ BI QUAN

Trong bài giảng Lễ Hiện Xuống năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định “ba kẻ thù chính” ngăn cản chúng ta đón nhận ân huệ Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn chúng ta: “sự quá say mê chính mình, coi mình là nạn nhân và thái độ bi quan”.

Đức Giáo Hoàng minh họa, “Sự quá say mê chính mình khiến chúng ta thần tượng hóa bản thân, chỉ quan tâm đến những gì tốt cho chúng ta. […] Các nạn nhân phàn nàn hàng ngày về người hàng xóm của họ […] Nghĩ rằng không ai hiểu chúng tôi và trải qua những gì chúng tôi trải qua. […] Người bi quan nổi giận với thế giới, chỉ ngồi đó và không làm gì hết, và nghĩ: ‘Cho đi có ích gì? Điều đó thật vô ích’.”

Thuốc giải độc cho những kẻ thù này là cầu nguyện. Đức Thánh Cha nói, “Xin Chúa Thánh Thần, ký ức của Thiên Chúa, làm sống lại trong chúng ta ký ức về hồng ân đã lãnh nhận,”

Tác giả: Isabella H. de Carvalho, Aleteia.org.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

Nguồn: daobinh.com

CON ĐƯỜNG NÀO THỰC SỰ DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC?

Có thể có nhiều con đường dẫn đến hạnh phúc, nhưng chỉ có một con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực.

Khát vọng hạnh phúc đã khắc sâu trong mỗi chúng ta. Và vì lý do chính đáng, chính Thiên Chúa đã đặt khát vọng đó vào trái tim của con người. Do đó, việc khát khao hạnh phúc là điều bình thường: chúng ta được tạo dựng nên để khát khao hạnh phúc đó! Điều quan trọng là đừng nhầm lẫn hạnh phúc. 

Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta, ma quỷ tìm cách gài bẫy chúng ta, treo lủng lẳng trước mắt chúng ta những thú vui giả tạo và những thỏa mãn tầm thường. Tuy nhiên, những thứ đó không thể làm chúng ta hài lòng, bởi vì chúng ta không được đẽo gọt cho vừa với thứ hạnh phúc rẻ tiền. Chúng ta được dựng nên để đạt tới hạnh phúc của Thiên Chúa. Do đó, tất cả những hạnh phúc giả tạo khác chỉ có thể làm chúng ta thất vọng và đói khát. Qua Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu nhắc lại ơn gọi hạnh phúc của chúng ta và mô tả “những chỉ dẫn sử dụng” (Mt 5, 1-2).

  1. “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất”

Con đường dẫn đến hạnh phúc mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi theo thật khó hiểu: đó là con đường nghèo đói, nước mắt, bắt bớ, đói khát. Hoàn toàn ngược lại với ý tưởng rằng thế giới có hạnh phúc! Bản thân chúng ta không mơ ước, cho chúng ta và cho con cái chúng ta, về một con đường dễ dàng sao? Về cơ bản, chúng ta muốn dung hòa giữa việc chinh phục hạnh phúc trần thế - tiện nghi vật chất, thành công xã hội, thắng lợi, thú vui - và việc tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng Chúa Giêsu thì rõ ràng: “Hãy qua cửa hẹp mà vào” (Mt 7:13); “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23); “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất” (Mt 6,19); “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16:13).

Chúng ta phải lựa chọn: chúng ta có thực sự muốn niềm hạnh phúc vô biên mà Thiên Chúa muốn đổ đầy cho chúng ta không? Nếu vậy, chúng ta hãy kiên quyết theo dấu chân của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể nửa vời hay hai lòng: một chút cho Thiên Chúa, một chút cho trần gian. Nhưng chọn một trong hai, hoặc điều này hoặc điều kia. Chúng ta tin cậy ai: Thiên Chúa, hay tài khoản ngân hàng của chúng ta? Chúng ta có tham vọng gì cho con cái mình: hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa (nói cách khác: nên thánh), hay thành công trần gian? “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Lc 12: 29-31). 

  1. Hạnh Phúc Vĩnh cửu với Thiên Chúa khó đạt được đến thế sao?

Hạnh phúc đến từ Thiên Chúa không phải là một lời hứa xa vời, hạnh phúc đó được ban tặng cho chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta đọc kỹ Tám Mối Phúc Thật, như Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta, thì chúng ta nhận thấy rằng mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám ở thì hiện tại: Nước Trời được ban ngay bây giờ cho những ai tìm kiếm nó. Bất cứ ai mong muốn những gì là công chính trước mặt Thiên Chúa, bất cứ ai mong đợi mọi sự từ Ngài, đều nếm trải niềm vui Thiên Đàng hôm nay, một cách cụ thể và hữu hình. 

Chúa Giêsu đã hứa điều đó với chúng ta: những gì chúng ta từ bỏ vì Ngài, thì từ nay trở đi, chúng ta sẽ được trả lại gấp trăm lần: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 29-30). Tìm kiếm Nước Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta chỉ biết đến những khó khăn và cay đắng ở dưới trần thế này: trái lại! Trái tim chúng ta càng gắn bó với Thiên Chúa bao nhiêu, thì tâm hồn chúng ta càng mở rộng ra để đón nhận những niềm vui mỗi ngày, dù nhỏ hay lớn, nhưng rất thực! Chúng ta càng tìm kiếm Nước Trời bao nhiêu, chúng ta càng được ban cho phần còn lại bấy nhiêu!

Nước Trời dường như khó đạt tới. Đây là một nhiệm vụ có vẻ phức tạp đối với chúng ta. Thế mà Thiên Chúa chỉ đặt ra một điều kiện: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18: 3). Trẻ thơ đồng nghĩa với tình yêu không giới hạn, phó thác cho cha mẹ trong mọi việc. Đứa trẻ, cũng giống như người nghèo, là người phó thác vô điều kiện cho tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta không dám đặt cược mọi sự vào Thiên Chúa, và chỉ mong hạnh phúc của chúng ta từ một mình Ngài, bởi vì chúng ta sợ Thập Giá. Nhưng Thiên Chúa không gửi đau khổ: Ngài ban niềm vui, ngay bây giờ. Và khi chúng ta gặp thử thách, Ngài đề nghị chúng ta sống thử thách với Ngài, thay vì cam chịu thử thách, và như thế, chúng ta tìm thấy ở đó sự nếm trước Hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta có muốn điều đó không? 

  1. Khát khao Thiên Chúa, con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc đích thực

Chỉ có một khát khao duy nhất trong đời, đó là được hiệp thông thường xuyên với Thiên Chúa, đó chẳng phải là điều điên rồ dành riêng cho các nhà thần bí sao? Tuy nhiên, mỗi người đều cảm thấy trong mình niềm khao khát vô tận. Dù đôi khi không biết gọi tên nó như thế nào, đôi khi chỉ biết im lặng, nhưng sự khao khát Thiên Chúa là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc thực sự.

Một bữa tối xã giao như bao bữa ăn khác. Các cuộc trò chuyện xoay quanh công việc, học tập hay chọn trường học cho con cái, những chuyến đi trong tương lai. Dù ý thức hay không ý thức, mỗi vị khách đều bắt đầu một câu chuyện cho thấy điều gì đang thống trị trên cuộc sống của người ấy. Đây là quy luật của cuộc sống như trong một trò chơi, mọi người đều biết điều đó: bạn phải chứng tỏ rằng bạn quản lý, rằng bạn quyết định, rằng bạn kiểm soát cuộc sống của mình một cách hiệu quả và thành công. Nếu không, chúng ta có nguy cơ bị coi là một kẻ thua cuộc, vô trách nhiệm hoặc ít nhất là một người “đầu óc trên mây” hoặc sống bên lề… Tất nhiên, không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra. Nhưng rất thường xuyên, rất khó để từ bỏ ý tưởng về việc làm chủ cuộc sống của chính mình. 

  1. Khao khát Thiên Chúa là để Ngài ngự trị trong mình.

Dấu hiệu của thời đại, theo Denis Marquet, tác giả của cuốn sách tuyệt vời Cầu nguyện hay nghệ thuật đón nhận (sẽ được Flammarion xuất bản ngày 17 tháng 2). Ông giải thích rằng chúng ta đang sống trong một thời đại đã thiết lập sự thống trị của cái tôi: “Cả cuộc đời chúng ta là một cuộc đấu tranh cho sự thống trị của cái tôi. Từ giờ trở đi, con người muốn trở thành tác giả câu chuyện của mình, con người từ chối việc người khác ngự trị cuộc đời họ: con người muốn cai trị chính mình”, ông viết. Một quan niệm về hạnh phúc bao gồm việc nói với chính mình: Tôi hạnh phúc khi mọi thứ diễn ra như tôi muốn. Chỉ có điều, sự thống trị này của cái tôi ngăn cản sự thống trị của Thiên Chúa. Tác giả viết tiếp, thế mà “khao khát Thiên Chúa là để Ngài ngự trị trong chính mình”. Với lòng khao khát Thiên Chúa, đó là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc đích thực.

  1. Sự thống trị của cái tôi hay sự thống trị của Thiên Chúa?

Khi những người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến?” Chúa Giêsu trả lời họ “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay Ở kia kìa! vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17, 20-21). Denis Marquet nhấn mạnh trong cuốn sách của mình: “Vì vậy, vấn đề không phải là chờ đợi Triều Đại Thiên Chúa đến, mà là cho phép Triều Đại Thiên Chúa đến, nghĩa là, cho phép Triều Đại Thiên Chúa tự biểu hiện ngay bây giờ. Làm cách nào? Bằng cách kết nối chúng ta với nội tâm của chúng ta”. 

Do đó, chìa khóa là quay lưng lại với thế giới bên ngoài, một thế giới vốn tạo ra nhu cầu và dự phóng của chúng ta, để hướng về nội tâm của mình. Chính ở đó, nơi trung tâm của sự thân mật, mà Triều đại của Thiên Chúa hiện diện, nơi ngự trị một tình yêu vô biên. Tác giả tiếp tục: “Vì lý do này, chỉ có một điều có thể cản trở sự biểu lộ của Triều đại Thiên Chúa: để cho một uy quyền khác ngoài Thiên Chúa ngự trị trong chính mình”. 

Thánh Bernarđô đã viết trong Khảo Luận của Ngài về Tình yêu của Thiên Chúa  “Thiên Chúa đã biến bạn thành một hữu thể biết khao khát và sự khao khát của bạn chính là Thiên Chúa.” Ngài được truyền cảm hứng từ Thánh Augustinô, vốn đã định nghĩa niềm khát khao là “đáy lòng”. Bằng cách khao khát Thiên Chúa, chúng ta làm cho mình có khả năng được Ngài đáp ứng. Để Thiên Chúa ngự trị trong mình dẫn đến hạnh phúc viên mãn.

  1. Khao khát Chúa, phải chăng là gạt bỏ những khao khát khác?

Thật thú vị khi nghĩ rằng niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong mỗi con người. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo mở đầu với sự cân nhắc này:

  • “Tận đáy lòng, con người khao khátThiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm. Sự khao khát Thiên Chúa được khắc ghi trong tâm hồn con người, vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng kiếm tìm” (số 27).

Nhưng khao khát Thiên Chúa có nghĩa là gạt bỏ những khao khát khác sang một bên không? Làm sao chúng ta có thể không sợ để mình bị lôi cuốn bởi ước muốn tuyệt đối về Thiên Chúa, và nhất thời từ bỏ những điều khác của cuộc sống, cũng là những điều đáng ao ước? Nếu con người “thường xuyên bị nhiều ham muốn lấn át, thì ước muốn cơ bản lớn lao của họ là khao khát vô tận về sự sung túc, ngay cả khi họ không biết gọi tên sự hấp dẫn không thể cưỡng lại này", Đức Bênêđictô XVI trả lời theo cách riêng của Ngài trong buổi tiếp kiến ​​chung ngày 07 tháng Mười một năm 2012 nhân dịp Năm Đức Tin.

Do đó, vấn đề không phải là từ bỏ những khát khao của mình, mà là hiểu rằng trong mỗi khát khao, thực sự có khát khao của Thiên Chúa. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn mọi thứ khác sẽ được thêm cho” (Mt, 6, 33). Khao khát Thiên Chúa là tiếp cận sự phong phú và ân sủng. Đó là đón nhận tình yêu vô bờ bến của Ngài.

  1. “Xin cho Nước Cha trị đến”,một trường học của sự khát vọng

Câu “Xin cho Nước Cha trị đến” từ Kinh Lạy Cha là lời khẳng định về khát khao của Thiên Chúa và sự ngự trị của Ngài nơi con người, loại trừ mọi quyền lực khác. Denis Marquet tiếp tục: “Muốn có triều đại của Thiên Chúa là từ bỏ bất cứ hình thức quyền lực nào khác ngoài quyền lực của Thiên Chúa”. Khao khát Thiên Chúa là luôn luôn sẵn sàng cho một sự gặp gỡ lòng với lòng ngày càng sâu xa hơn với Ngài. Thánh Augustinô mô tả điều đó một cách đáng thán phục:

  • “Thiên Chúa, bằng cách bắt mọi người chờ đợi,Ngài mở rộng khát khao của họ; bằng cách làm cho họ khát khao, Ngài mở rộng tâm hồn của họ; bằng cách mở rộng tâm hồn của họ, Ngài gia tăng khả năng đón nhận. (…) Giả sử rằng Thiên Chúa muốn đổ đầy mật ngọt vào bạn: nhưng bạn lại đầy giấm chua, bạn sẽ để mật ngọt này ở đâu? Bạn phải đổ những thứ bên trong chiếc bình ra, bạn phải tự làm sạch chiếc bình, bạn phải làm sạch nó bằng cách ra sức chùi rửa, bằng cách chà xát, để chiếc bình đó có khả năng tiếp nhận thứ khác. Thiên Chúa đã biến bạn thành một hữu thể có niềm khao khát và khao khát của bạn chính là Ngài, là Thiên Chúa” (Bài giảng của Thánh Augustinô về thư thứ nhất của Thánh Gioan)

Khi đó, lòng khao khát Thiên Chúa này, sự nghỉ ngơi này trong Thiên Chúa sẽ giúp con người đạt đến sự viên mãn, một sự viên mãn với hai ánh sáng cốt yếu: ân sủng và tình yêu.

 

Tác giả: Christine Ponsard, và Marzena Devoud, aleteia.org.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

SÁM HỐI

Quỳ đây con sám hối

Bao lỗi tội lâu nay

Đỏ thắm như máu đào

Nguyện Chúa dủ tình thương

Ban muôn ơn tha thứ

Giúp con thắng ba thù

Giăng mắc đầy trần gian

Xin cho con lòng mến

Yêu Chúa và tha nhân

Với tất cả tâm hồn

Luôn cậy tin tín thác

Chúa dắt dìu con đi

Trọn lộ trình dương thế

Xin vâng theo gương Mẹ

Sống cuộc đời khiêm cung

Lòng thành tâm sám hối

Hiệp hành cùng anh em

Bước vào mùa Chay Thánh

Loan báo trang Tin Mừng

Cuộc khổ đau cứu thế

Chúa tử nạn – Phục Sinh.

BCT

Mùa Chay Thánh 2023