10. Bức Thư Tình - Tâm Thư CHÚA Gửi

BỨC THƯ TÌNH - TÂM THƯ CHÚA GỞI - 7 LỜI TRỐI CỦA CHÚA

  • QUÝ VÂN CHUYỂN
    Fri, Apr 15 at 7:40 AM
     
     
    7 LỜI TRỐI CỦA CHÚA GIÊSU
    Lm. Karl Rahner SJ
    (Lm.Phêrô Phan Văn Lợi biên dịch)
    *** Trầm tư đặt mình dưới chân Thánh giá, và lắng nghe 7 lời thì thào cuối cùng của Chúa Giêsu, để cảm nhận Tình Yêu của Vị Thiên Chúa dành cho chúng ta.
    Karl Rhaner, dòng Tên là một trong những nhà thần học lổi lạc nhất của HT.Công giáo.
     
    LỜI THỨ NHẤT: “CHA ƠI, XIN THA CHO HỌ, VÌ HỌ KHÔNG BIẾT VIỆC HỌ LÀM” (LC 23,34).
    Chúa bị treo trên Thánh giá, nơi họ đã đóng đinh Chúa vào; Chúa chẳng còn cách nào thoát khỏi trụ đài dựng đứng giữa trời và đất như thế nữa. Vết thương thiêu đốt toàn thân, mão gai xâu xé da đầu, đôi mắt đầm đìa máu thắm, tay và chân bị xuyên thâu như bởi một thanh sắt nung đỏ, tâm hồn Chúa là cả một đại dương sầu khổ và thất vọng.
    Những kẻ trách nhiệm còn đó, dưới chân Thánh giá; họ chưa chịu đi khuất để ít nhất bỏ Chúa chết một mình. Không, họ cứ đứng đó, cười đùa, tin chắc mình có lẽ phải. Cảnh tượng trước mắt không là một bằng chứng sờ sờ đó sao, không chứng minh rằng thái độ của họ đối với Chúa hoàn toàn phù hợp với công lý, khiến họ có quyền hãnh diện như là đã tôn vinh Thiên Chúa đó sao? Họ cười nói, đùa giỡn, xúc phạm; và ác tâm đó gây cho Chúa một nỗi thất vọng còn ghê gớm hơn mọi đau đớn trong thân mình. Làm sao có người lại đê tiện đến thế? Giữa Chúa và họ còn một chút liên hệ nào nữa không? Có ai lại đi làm khổ một người cho đến chết như vậy không? Làm khổ cho đến chết bằng sự dối trá, giả hình, điêu ngoa, bội phản, đê tiện, rồi còn mặc lấy cái vẻ của lẽ phải, tạo ra cái dáng của ngây thơ, khoác lên bộ diện của ông quan tòa liêm chính! Thiên Chúa lại để cho xảy ra cái đó trong vũ trụ của Người được sao? Tràng cười khinh mạn của các kẻ thù lại có thể vang lên cách mồn một và đắc thắng trong thế giới tạo vật của Thiên Chúa được sao? A! Lạy Chúa, nếu là chúng con thì sẽ giận dữ thất vọng đến mức nào! Nếu là chúng con thì sẽ nguyền rủa kẻ thù, nguyền rủa cả Thiên Chúa. Nếu là chúng con thì sẽ hét to lên, sẽ phát điên lên mà bứt tung bàn tay khỏi đinh thập giá để tống cho một quả vào mặt!
    Thế nhưng Chúa lại nói: “Cha ơi, xin tha cho họ, họ không biết mà!” Thực hết hiểu nổi Chúa! Trong tâm hồn xâu xé, đớn đau tột độ của Chúa, còn có chỗ cho một lời như vậy ư? Thực hết hiểu nổi Chúa! Chúa yêu mến kẻ thù Chúa, gởi gắm họ cho Chúa Cha, cầu xin cho họ. A! Lạy Chúa, con xin lỗi nói phạm đến Chúa: Chúa còn bày đặt cho họ một lời chữa tội vô lý nhất, khó tin nhất: họ không biết việc họ làm! Họ biết hết đó chứ! Họ chỉ giả vờ không biết thôi; mà giả vờ không biết tức là càng biết rõ. Đây là uẩn khúc sâu kín nhất của tâm hồn! Nhưng người ta ghét uẩn khúc đó, chẳng muốn cho nó ra ngoài ánh sáng ý thức. Thế mà Chúa lại bảo họ không biết việc họ làm! Họ chỉ không biết một điều thôi, đó là tình yêu của Chúa đối với họ, một tình yêu chẳng ai có thể biết nếu không đích thân yêu mến Chúa, vì chỉ tình yêu mới giúp hiểu Ân huệ Tình yêu.
    Chớ gì tình yêu không hiểu nổi của Chúa cũng thốt ra trên tội con lời tha thứ đó. Xin Chúa hãy nói với Chúa Cha cho con nữa: “Cha ơi, xin tha cho nó, nó không biết việc nó làm!”. Ồ, con biết chứ, con biết hết, con chỉ không biết tình yêu của Chúa thôi!
    Xin cho con nhớ lại lời thứ nhất này của Chúa trên Thánh giá mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, con nói cách máy móc thuộc lòng lời thứ tha cho những ai xúc phạm. Ôi lạy Chúa, không biết đã có lần nào con thực sự bị xúc phạm mà có thể tha thứ từ trên thập giá của tình yêu hay không? Nhưng dù sao, con cần sức mạnh của Chúa để tha thứ, tha thứ tận đáy lòng, cho những ai mà tính kiêu căng và ích kỷ của con coi như những thù địch.
     
    LỜI THỨ HAI: “TÔI BẢO THẬT ANH, HÔM NAY ANH SẼ ĐƯỢC Ở VỚI TÔI TRÊN THIÊN ĐÀNG” (LC 23,43).
    Chúa đang hấp hối, thế mà trong tâm hồn lai láng đau khổ của Chúa vẫn còn có chỗ cho nỗi khổ của tha nhân. Chúa sắp chết, thế mà Chúa vẫn băn khoăn về một tên tử tội vừa xưng thú là cuộc đời khốn nạn của hắn chỉ xứng với khổ hình ghê rợn hắn đang phải lãnh. Chúa trông thấy Mẹ yêu dấu, thế mà Chúa lại ngỏ lời trước với đứa con hư hỏng. Sự câm nín như bỏ rơi của Thiên Chúa làm ngẹn họng, thế mà Chúa lại nói đến Thiên đàng. Bóng tử thần lởn vởn trước mắt, thế mà Chúa vẫn nhận ra được ánh sáng vĩnh cửu. Khi hấp hối, chẳng phải con người chỉ còn biết nghĩ đến mình cô đơn và bị ruồng bỏ đó sao? Thế mà Chúa lại quan tâm đến những linh hồn sắp cùng Chúa bước qua ngưỡng cửa Vương quốc. Ôi tấm lòng từ ái! Ôi tấm lòng hào hiệp quảng đại! Một tên tử tội khốn khiếp tìm cách ép Chúa một tí mà Chúa lại hứa cho hắn trọn cả Thiên đàng. Phải chăng mọi sự đều đổi mới nhờ cái chết của Chúa? Phải chăng một đời bê tha tội lỗi được biến đổi ngay khi Chúa đến kề bên? Chúa thốt ra trên một đời người những lời khuynh đảo, và đó là lời tha lỗi, tha cả cuộc sống xấu xa đê tiện. Trước một biến đổi như thế, chả còn gì ngăn cản nó đi vào chốn thánh của Cha.
    Tuy nhiên, Chúa nghĩ xem, cùng lắm là ta sẽ lưu tâm đến dấu thiện chí của tên vô lại ấy để giúp hắn tí cơ may thoát hiểm. Nhưng còn những thói hư, tật xấu, hung ác, dơ bẩn, đê tiện… chẳng lẽ chỉ cần một xúc cảm tốt và một tia sáng hối hận lờ mờ trên thập giá là đủ hủy diệt hết ư? Chẳng lẽ hạng người như thế lại được nước Thiên đàng mau lẹ như những tâm hồn sám hối, lâu năm thanh tẩy, như những thánh nhân dành cả cuộc đời thánh hóa xác hồn để xứng đáng với Thiên Chúa ba lần thánh ư? Thật không thể chấp nhận nổi! Thế nhưng Chúa, Chúa lại đưa ra phán quyết vô điều kiện, và hồng ân ấy đi sâu vào tâm can tên trộm, biến ngọn lửa hỏa ngục của cơn hấp hối thành ngọn lửa ngời sáng tình yêu thiên linh. Tất cả những gì là công trình của Chúa Cha còn sót lại nơi hắn thì tình yêu ấy đã rọi sáng tức khắc; tất cả những gì xấu xa ghê tởm, chống lại Thiên Chúa trong cuộc đời hắn thì tình yêu ấy đã mau chóng tiêu diệt; và tên trộm cùng Chúa tay trong tay bước vào nhà Cha.
    Xin Chúa cũng ban cho con ơn không bao giờ ngã lòng, nhưng dám chờ đợi tất cả, và nói mạnh hơn, dám đòi hỏi tất cả nơi lòng tốt của Chúa. Ơn được can đảm thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin nhớ đến con khi Chúa vào trong Nước của Ngài”, dầu con là đứa tội lỗi tệ mạt.
    Ôi lạy Chúa, chớ gì Thánh giá của Chúa cũng dựng thẳng bên chân giường chết của con. Chớ gì miệng Chúa cũng hứa với con: “Quả thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ ở với Ta trên Thiên đàng!”. Chớ gì lời ấy khiến con nên xứng đáng đi với Chúa và trong Chúa vào Nước của Cha, với xác hồn hoàn toàn được cái chết của Chúa thánh hóa và xá giải.
     
    LỜI THỨ BA: “THƯA BÀ, ĐÂY LÀ CON BÀ – HỠI CON, NÀY LÀ MẸ CON” (GA 19,26).
    Nay đã đến giờ Mẹ Chúa lại phải đứng kề bên Chúa lần nữa… để chứng kiến Chúa hấp hối. Người mà Chúa đã phán với tại Ca-na: “Thưa bà, giữa tôi với bà nào có việc gì. Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4), người ấy nay không còn nài xin phép lạ nữa, nhưng vẫn phải có mặt. Đây là giờ liên kết Con với Mẹ nhưng cũng là giờ chia ly, giờ của cái chết, giờ rứt khỏi tay từ mẫu, khỏi tay sương phụ đứa con trai độc nhất của mình.
    Chúa đăm đăm nhìn Mẹ lần cuối. Chúa đã không trừ cho bà mẹ đó một điều gì cả. Chúa đã chẳng muốn là nguồn vui cho cuộc sống Người, trái lại chỉ là cớ đắng cay và sầu khổ. Tuy nhiên, đấy bao giờ cũng là ân sủng, vì đấy bao giờ cũng là tình yêu của Chúa. Và sở dĩ Chúa yêu Mẹ, ấy là bởi Mẹ đã nâng đỡ, phục vụ Chúa trong nỗi vui mừng cũng như trong sự đắng cay; vì chính như thế mà Người đã trở nên Mẹ Chúa trọn vẹn. Ai là mẹ, là anh em, là chị em của Chúa, nếu chẳng phải là kẻ thực hiện thánh ý Cha trên trời? Mặc dù đớn đau như cắt, tình yêu của Chúa cũng rung lên nét âu yếm mà trên thế gian này, vẫn thường nối kết đứa con với bà mẹ. Cái chết của Chúa còn thánh hiến, thánh hóa những giá trị cao quý và dịu dàng đó nữa, những giá trị khiến rung cảm tâm hồn và làm đẹp trần gian. Không, cái đó không thể chết trong con tim Chúa, dù con tim ấy bị tử thần nghiến nát ra trăm mảnh; Chúa muốn cứu nó để đưa lên trời. Và bởi lúc ấy Chúa cũng đã yêu mến trái đất, nên rồi đây sẽ có một đất trời mới; vì khi chết để ban cho chúng con ơn rỗi vĩnh cửu, Chúa đã cảm xúc trước những giọt nước mắt của một bà mẹ, đã băn khoăn về phận số của một sương phụ còn ở lại dương gian, đến nỗi đã ban cho bà mẹ ấy một đứa con và ban cho đứa con ấy một bà mẹ.
    Nhưng dưới chân Thánh giá, Mẹ không chỉ cảm thấy nỗi đớn đau của một bà mẹ có con bị người ta làm khổ. Mẹ đứng đó nhân danh chúng con, như bà mẹ của mọi kẻ sống, hiến tế Quý Tử cho chúng con. Nhân danh chúng con, Mẹ đã thốt lên lời xin vâng trước cái chết của Chúa. Dưới chân Thánh giá, Mẹ là Giáo hội, là dòng dõi E-va, đang tham gia vào trận chiến bao la giữa con rắn và Con của người nữ. Nên khi ban bà mẹ ấy cho môn đệ dấu yêu, là Chúa ban Mẹ Chúa cho chúng con tất cả. Vì Chúa cũng muốn nói với con: “Con ơi, đây là Mẹ của con!”
    Ôi lời đem lại cho chúng con một ân huệ vĩnh cửu! Lạy Chúa Giê-su, dưới chân Thánh giá, kẻ xứng danh môn đệ dấu yêu của Chúa là kẻ từ lúc ấy đem Mẹ Chúa về nhà mình, người mẹ mà đôi tay trinh trong hiền mẫu từ nay sẽ phát ban mọi ân huệ do cái chết của Chúa trào tuôn. Xin cho con ơn biết yêu mến và kính tôn Mẹ Chúa. Xin cũng nhìn con hèn yếu mà nói với Mẹ: “Mẹ ơi, con của Mẹ đây này!”.
    Vì một tấm lòng trung trinh và thanh khiết như Mẹ Chúa hẳn sẽ nhân danh vũ trụ mà chấp thuận đám cưới giữa Chiên Con với Hiền thê Hội thánh, với nhân loại đã được máu Chúa cứu chuộc và thanh tẩy. Sở dĩ con nghe Chúa phó mình cho trái tim từ mẫu của Mẹ, là vì Chúa đã không chết vô ích cho con; con sẽ có mặt vào lúc mở đầu tiệc cưới vĩnh cửu của Chúa, khi toàn thể nhân loại được biến đổi mãi mãi và kết hiệp với Chúa không cùng.
     
    LỜI THỨ TƯ: “LẠY THIÊN CHÚA CON, LẠY THIÊN CHÚA CON, NHÂN SAO NGÀI BỎ CON?” (MT 27,46).
    Cái chết đang lại gần, không phải là cái chết thể lý vốn đem đến giải thoát và bình an, nhưng là cái chết tượng trưng vực thẳm, tận diệt, tuyệt vọng. Cái chết đang lại gần, cái chết nói lên sự bất lực khủng khiếp, cô đơn nặng nề, tước bỏ trọn vẹn, lúc mà tất cả sụp đổ, chạy trốn, chỉ còn sót lại một  sự ruồng bỏ chua xót, đau thương. Và trong đêm tối của tinh thần, của giác quan ấy, trong sự trống rỗng con tim ấy, linh hồn Chúa vẫn kiên trì cầu nguyện; nỗi cô độc gớm ghê của con tim ngập tràn đau khổ ấy đã trở nên nơi Chúa một tiếng kêu van lạ lùng. Ôi lời cầu nguyện của đau khổ, lời cầu nguyện của cảnh bị bỏ rơi, lời cầu nguyện của bất lực vô bờ bến, ngươi quả đáng ca tụng. Lạy Chúa Giê-su, nếu Chúa đã biết cầu xin trong một nỗi khốn cùng như vậy, thì còn hoàn cảnh bi đát nào mà con người không thể kêu lên với Chúa Cha? Còn nỗi thất vọng nào mà không thể trở nên lời cầu nguyện khi tìm đến ẩn thân trong cảnh bị bỏ rơi của Chúa? Còn sự câm nín lớn lao nào mà lại quyết tâm không muốn biết rằng một tiếng kêu im lặng như thế vẫn có thể đạt được niềm vui thiên quốc?
    Để nói lên nỗi khốn cùng của Chúa, để biến cảnh cô đơn hoàn toàn của Chúa nên một lời kinh, Chúa đã xướng lên câu đầu tiên của một Thánh vịnh (Tv 22). Quả vậy, những lời Chúa nói: “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa con, nhân sao Ngài bỏ con?” là câu đầu tiên của khúc ai ca cổ xưa ấy, khúc ai ca mà chính Thánh Thần Chúa đã đặt trên môi, trên lòng vị hiền nhân Cựu Ước, như một tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Thành ra ngay cả Chúa, con dám nói thế, trên đỉnh cao sầu khổ, đã không muốn một lời cầu nguyện nào khác ngoài lời cầu nguyện muôn người trước Chúa đã thốt trên môi; và có thể nói là khi cử hành cuộc hy tế trang nghiêm mà mình là hy lễ, Chúa đã dùng những công thức sẵn mang tính cách phụng vụ, để qua đó nói lên trọn vẹn nỗi lòng.
    Xin cho con biết cầu nguyện với lời của Giáo hội Chúa, để những lời đó trở nên cách diễn tả của lòng con.
     
    LỜI THỨ NĂM: “TÔI KHÁT” (GA 19,28).
    Về lời ấy, Gioan thánh sử chú thích như sau: “Bấy giờ Đức Giê-su biết mọi sự đã hoàn tất, thì Người kêu to: “Tôi khát” để Thánh kinh nên trọn”.
    Chúa lại xác minh một lời Thánh kinh nữa, một lời Thánh vịnh được Thánh Thần linh ứng từ lâu trước cuộc Khổ nạn Chúa. Quả thế, trong Tv 22 câu 16, đã có nói đến Chúa thế này: “Cổ họng con khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau”. Và trong Tv 69 câu 22: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng. Con khát nước, lại cho uống dấm chua”.
    Ôi người nô lệ của Chúa Cha, đã vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá đau khổ. Bên kia những gì xảy ra cho Chúa, Chúa thấy cái mình phải tìm cách đạt được; bên kia những hành vi của Chúa, Chúa thấy cái mình phải hoàn thành; bên kia những chướng ngại tràn lan, Chúa thấy rõ ràng bổn phận. Ngay trong cơn hấp hối, giữa lúc nửa tỉnh nửa mê, Chúa vẫn lo sao để mọi chi tiết đời mình đều phù hợp với hình ảnh vĩnh cửu mà tâm trí Cha đã cưu mang.
    Nên thực chẳng phải vì nghĩ đến cơn khát không tên đang dày vò tấm thân đẫm máu của Chúa, tấm thân phủ đầy vết thương và trần phơi dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời chính ngọ, nhưng vì vâng phục đến cùng thánh ý Cha mà Chúa như muốn nói với một sự khiêm tốn thẳm sâu lạ lùng: “Vâng, điều thánh ý Cha đã tiên báo về tôi qua miệng các ngôn sứ, chính điều đó đang thực hiện. Vâng, tôi khát!” Ôi tâm hồn cao quý, vương giả, coi việc chịu khổ hình ghê gớm nơi thân xác chỉ là vấn đề tuân phục lệnh trên! Mà Chúa đã hiểu tất cả sự ghê tởm của cuộc Khổ nạn như thế: như một sứ mạng phải chu toàn chứ không là một đòn mù quáng của định mệnh, như thánh ý Chúa Cha chứ không phải tâm can độc dữ của con người, như tình yêu cứu chuộc chứ không là âm mưu của kẻ tội lỗi. Chúa đã gục xuống để chúng con được cứu thoát, Chúa đã chết để chúng con được sống, Chúa đã khát để chúng con được uống nơi nguồn nước mà Chúa mới mạc khải hôm nào đây, trong lễ Lều Trại: “Ai khát hãy đến với Ta, và hãy uống kẻ tin vào Ta; vì như lời Thánh kinh, tự lòng Người có những sông nước sống tuôn chảy” (Ga 7,37-38).
    Chúa đã khát vì con, Chúa đã khát tình con, ơn cứu rỗi con; nên như nai khát nước nguồn, Chúa ơi, hồn con cũng khát Chúa!
     
    LỜI THỨ SÁU: “MỌI SỰ ĐÃ HOÀN TẤT” (GA 19,30)
    Thực ra, Chúa đã nói: “Chấm dứt rồi!”. Vâng, lạy Chúa, giây phút chấm dứt của Chúa đã đến rồi: chấm dứt cuộc đời, chấm dứt danh dự, chấm dứt hy vọng nhân loại, chấm dứt chiến đấu và những công trình đã thực hiện lâu nay. Tất cả thực đã chấm dứt; tất cả đều trống rỗng và cuộc sống Chúa sắp tan biến. Bất lực! Tuyệt vọng!... Nhưng chính sự chấm dứt này lại hoàn thành đời Chúa, vì chấm dứt trong tình yêu và trung tín là một kết thúc rực rỡ. Thất bại của Chúa là một chiến thắng oai hùng.
    Ôi lạy Chúa, chừng nào con mới hiểu được quy luật này của đời Chúa, mà cũng là quy luật của đời con: chết là sống, từ bỏ là chiếm lại, khó nghèo là sung túc, khổ đau là ân sủng? Khi nao con mới hiểu: chấm dứt có nghĩa là được hoàn thành?
    Vâng, Chúa đã hoàn thành: hoàn thành sứ mạng Cha trao, nốc cạn một hơi chén đắng, gánh trọn cái chết kinh khủng, xong xuôi việc cứu rỗi đời. Chúa đã chiến thắng tử thần, đập tan tội lỗi, chinh phục ma vương, mở cửa sự sống, cho con cái Thiên Chúa được hoàn lại tự do! Cơn lốc Thánh Thần từ nay có thể mạnh thổi. Và thế giới âm u dần cháy lên với ngọn lửa tình yêu Chúa, vũ trụ sầu khổ phực thiêu trong hỏa lò thần tính Chúa, địa cầu chìm trong biển lửa hạnh phúc của sự sống Chúa! Mọi sự đã hoàn tất!
    Chúa là Đấng hoàn thành vũ trụ, xin cho con nên hoàn thiện trong tinh thần của Chúa, lạy Ngôi Lời của Cha, Đấng đã hoàn tất hết thảy trong thể xác và trong cái chết đớn đau của mình.
    Ước gì một ngày kia, lúc hoàng hôn cuộc sống, con cũng có thể nói: “Mọi sự đã hoàn tất. Con đã chu toàn sứ mạng Chúa giao cho con”. Ước gì con cũng có thể lặp lại theo Chúa lời kinh tế hiến, khi tử thần lảng vảng quanh con: “Cha ơi, giờ đã đến… Con đã tôn vinh Cha trên trần gian, khi hoàn tất công việc Cha giao con thực hiện. Thì giờ đây, xin hãy tôn vinh con bên Cha” (Ga 17,1-5).
    Ôi Giê-su, dù sứ mạng Chúa Cha trao cho con là lớn hay nhỏ, quan trọng hay tầm thường, êm ái hay cay đắng, thì xin vẫn ban cho con ơn hoàn thành theo gương Chúa, Đấng đã hoàn thành hết thảy, ngay cả cuộc đời con, để con sống đời con cho tốt đẹp.
     
     
    LỜI THỨ BẢY: “CHA ƠI, CON TRAO LẠI HỒN CON TRONG TAY CHA” (LC 23,46)
    Ôi Giê-su, kẻ bị bỏ rơi nhất trong loài người, ôi trái tim tan nát vì đau đớn, Chúa đã kiệt lực. Đây là lúc cùng tận, lúc mà hết thảy đều bị tước bỏ, ngay cả linh hồn, ngay cả tự do chọn lựa giữa ưng thuận hay từ chối, lúc mà ta không còn thuộc về ta. Bóng thần chết đã lấp ló đứng chờ. Nhưng ai tước bỏ như thế? Cái gì tước bỏ như thế? Hư vô ư? Định mệnh mù quáng ư? Thiên nhiên tàn nhẫn ư? Không! Chính là Cha, chính là vị Thiên Chúa khôn ngoan và lân mẫn. Do đó Chúa đã phó mình. Hoàn toàn tin tưởng, Chúa trao mình lại trong đôi tay vô hình hiền dịu của Cha, đôi tay mà chúng con, vì không tin, vì quá bám víu lấy mình, tưởng là thòng lọng gớm ghê của định mệnh mù quáng và của thần chết. Chúa biết đấy là tay Cha, và đôi mắt Chúa, tối mờ vì thần chết, vẫn còn nhận ra Cha, vẫn còn đặt trong ánh mắt an bình đầy tình hiền phụ của Cha, và miệng Chúa thốt lên lời cuối cùng đời Chúa: “Cha ơi, con trao lại hồn con trong tay Cha”.
    Chúa trao tất cả vào tay Đấng đã ban cho mình tất cả. Chúa đặt hết vào tay Cha, không đòi bảo chứng, không chút giới hạn. A! Nhiều lắm, nhưng cũng nặng trĩu và cay đắng biết bao! Cái làm nên gánh nặng đời Chúa: loài người, thô bạo, sứ mạng, thập giá, thất bại, cái chết, Chúa đã phải gánh lấy một mình. Nhưng bây giờ, chẳng còn gì phải gánh nữa, và Chúa có thể trao lại tất cả và chính mình trong tay Cha. Tất cả! Tay Cha mang rất tốt, rất dịu dàng. Đôi tay của người mẹ! Đôi tay đó úp lên hồn Chúa, như người ta ấp ủ một cánh chim non trong lòng bàn tay với cả ý tứ mến thương. Bây giờ chẳng còn gì nặng nữa. Tất cả đều nhẹ, đều là ánh sáng, ân sủng, an toàn dưới bóng con tim Cha. Nơi đây người ta có thể khóc hết nước mắt và được Cha lau khô bằng cái hôn hiền phụ.
    Ôi Giê-su, một ngày kia Chúa cũng trao linh hồn hèn hạ và thân xác khốn khổ của con vào trong tay Cha chứ? Lúc ấy, xin Chúa hãy đặt khối nặng đời con, khối nặng tội lỗi con đừng trên đĩa cân công lý nhưng trong tay Cha. Chạy trốn đâu, ẩn khuất đâu ngoài bên Chúa, người anh em đã cay đắng chịu mọi khổ hình vì tội con. Hôm nay, con đến với Chúa, quỳ trước Thánh giá Chúa, hôn đôi chân đã chảy máu vì im lặng bước theo con trên quãng đường quanh quéo của đời con. Con ôm lấy Thánh giá Chúa, ôi Bạn Tình vĩnh cửu, Lòng của muôn lòng, Trái Tim bị đâm thủng, trái tim hết sức kiên nhẫn, trái tim vô cùng quảng đại. Xin thương xót con. Xin đem con vào tình yêu Chúa. Và khi cuộc đời lữ thứ của con sắp chấm dứt, khi ngày đã gần tàn, khi bóng tử thần vây bọc lấy con, thì xin Chúa cũng thốt lên lời sau hết của Chúa: “Cha ơi, con trao lại hồn con trong tay Cha”, ôi Giê-su từ ái!
    A-men.
     
    Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi trích dịch từ Spiritualité pascale, phần Documents et Prières. Paris, DDB, 1957. Trang 275-278.
    ---------------------------------------------
     
     
     

BỨC THƯ TÌNH CHÚA GỞI - LM MINH ANH

  •  
    BỨC THƯ TÌNH - TÂM THƯ CHÚA GỞI

     
     

    KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

    “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”.

    Dr. Anthony Fortosis nói, “Những kẻ chinh phục hùng mạnh, với những đội quân dũng mãnh và vũ khí khủng khiếp, đã tìm cách khuất phục thế giới trong vô vọng! Đức Giêsu chinh phục cả thế giới với một vũ khí đơn giản là “Agapê, Tình Yêu”.

    Tim Ngài tan vỡ, để Ngài có thể trói buộc những kẻ tan vỡ. Vương quyền Ngài trị vì thế gian, nhưng Vương Quốc Ngài ‘không thuộc về thế gian!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Đúng như Dr. Anthony Fortosis nói, “Vương quyền Ngài trị vì thế gian, nhưng Vương Quốc Ngài ‘không thuộc về thế gian!”. Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta long trọng mừng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ. Ngài là Vua, Vua vạn vật, Vua vũ trụ, Vua thiên đàng, Vua các linh hồn! Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay, khi trả lời chất vấn của Philatô, Ngài nói rõ, Ngài là Vua, nhưng Vương Quốc Ngài ‘không thuộc về thế gian’ này. Vậy Vương Quốc của Ngài ở đâu?

    Chúng ta hãy xem xét tuyên bố của Chúa Giêsu từ hai quan điểm. Trước hết, nếu Chúa Giêsu nói, Ngài là một vị vua thế gian, một người có quyền dân sự, thì Philatô sẽ kết án Ngài là kẻ có tội lật đổ chính quyền Rôma. Điều này là bất hợp pháp và sẽ bị trừng phạt đến chết. Đang khi Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội; Ngài hoàn hảo mọi đàng, kể cả việc tuân giữ mọi luật dân sự hợp pháp.

    Ngài là Vua các vua, vương quyền Ngài đã được Đaniel tiên báo từ ngàn xưa qua bài đọc thứ nhất hôm nay, “Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ”; một vương quyền mà Ngài đã đổ máu ra để thiết lập như sách Khải Huyền viết, “Ngài đã dùng máu Ngài mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa” để mỗi người có thể tuyên xưng “Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

    Vì vậy, với tuyên bố, “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”, Chúa Giêsu muốn nói, Vương Quốc Ngài là Vương Quốc tình yêu; Ngài chiếm lãnh các trái tim, thống trị các tâm hồn; đó không phải là một đất nước đang cạnh tranh với chính quyền Rôma hoặc bất kỳ một cơ quan dân sự nào. Trước điều đó, Philatô tỏ ra lúng túng!

    Ngày nay và cho đến muôn đời, Thiên Chúa luôn ước mong Vương Quốc Ngài trị vì khắp mọi nơi, trong mọi người. Ngài bắt đầu công việc này bằng việc chiếm ngự tâm hồn mỗi người; Ngài mời gọi chúng ta mở lòng đón tiếp Ngài, cho phép Ngài bước vào và điều khiển cuộc sống chúng ta. Ngài muốn thống trị mọi đam mê, ước muốn, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu muốn Vương Quốc của Ngài phát triển! Nó phải lớn lên trong tâm trí và ý chí những ai thuộc về Ngài, trong mọi đấng bậc; tất cả cùng ‘hiệp hành’ để mọi người tùng phục sự cai quản của Ngài với tư cách là Vua. Điều này có nghĩa là, khi trái tim của các nhà lãnh đạo, bậc làm cha mẹ, những người đứng đầu được biến đổi, họ sẽ là người ủng hộ, cộng tác và xây dựng Vương Quốc.

    Điều đó có nghĩa là mọi người, không trừ ai, được kêu gọi trở nên những con người xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa ‘ở đây và lúc này’. Chúng ta làm tất cả những gì có thể để Chúa Giêsu với tư cách là Vua có thể ngự trị trong trái tim những ai được giao cho chúng ta, hướng dẫn họ đầu phục Ngài và đến lượt họ, họ tiếp tục xây dựng Vương Quốc Ngài trong môi trường mình.

    Anh Chị em,

    “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”; dẫu ở trong thế gian, nhưng các môn đệ Chúa Giêsu ‘không thuộc về thế gian’. Lễ Chúa Kitô Vua mời gọi chúng ta nhớ đến trách nhiệm của mình là phát triển Nước Thiên Chúa ‘ở đây và lúc này’; bắt đầu bằng cách cho phép vương quyền Ngài lớn lên trong tâm hồn, trong cộng đoàn và gia đình chúng ta. Từ đó, bằng mọi cách, chúng ta làm điều Chúa muốn hầu giúp người khác làm điều tương tự cho Vương Quốc Ngài.

    Chúa Giêsu là Vua, muốn trị vì mọi tâm hồn; ân sủng Ngài hằng tuôn đổ để nuôi dưỡng, Thánh Thần Ngài hằng run rủi để dẫn dắt. Hãy hợp tác với Ngài, và chắc chắn, Vương Quốc Ngài sẽ thực sự hiển trị!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin trị vì trái tim bất thường của con, xin dùng con để mở rộng Nước Chúa. NHỜ ƠN CHÚA cho con khôn ngoan, thận trọng và can đảm xây dựng vương quyền Chúa trong các tâm hồn”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

    --

     

THƯ TÌNH - TÂM THƯ CHÚA GỞI

 

  •  
    phung phung CHUYỂN
    Tue, Oct 5 at 7:57 AM
     
     

    Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa

     Hôm nay 05/10, Giáo hội mừng kính Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa, ước mong bạn cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

    Cha Vương

     

    Khi vị thánh nữ này cất tiếng khóc chào đời tại Ba Lan ngày 25 tháng Tám năm 1905, thì song thân thánh nữ đã đặt tên cho ngài là Helen. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Helen đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là dạy cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Khi được 25 tuổi, Helen vào tu trong dòng Chị Em Con Đức Mẹ Thương Xót, và nhận tên là sơ Maria Faustina.

         Công việc của sơ Maria Faustina thật giản dị. Sơ nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chỉ có sự tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được những chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của sơ Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho sơ Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình.

         Trong một thị kiến mà sơ Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa Giêsu nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” Chúa Giêsu đã nói với sơ Maria Faustina rằng Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót.

          Sơ Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa Giêsu muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu nói với Maria Faustina rằng thánh nữ chính là thư ký nhỏ của Người. Chính công việc đặc biệt của thánh nữ Maria Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa.

         Chúa Giêsu hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Tận hiến cho Lòng Thương Xót Chúa bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

         Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, sơ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày mùng 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.

         Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không? Vậy hôm nay mời bạn dành thời gian lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa để đền tội mình và tội lỗi của toàn thế giới. Sau đây là câu nói của ngài:

     Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh! Bao nhiêu lần hít thở, bao nhiêu lần nhịp tim đập, bao nhiêu lần dòng máu luân chuyển trong cơ thể con là bấy nhiêu ngàn lần con muốn tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. (Thánh Faustina)

    Chúa Thánh Thần không nói với một linh hồn chia trí và lắm lời. Chúa Thánh Thần nói qua những soi động lặng lẽ của người với một linh hồn tịnh tâm, một linh hồn biết giữ thinh lặng. (Thánh Faustina)

    Câu nào đánh động bạn nhất?

     

 

BỨC THƯ TÌNH - TÂM THƯ CHÚA GỞI

  •  
    Kim Vu

    CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

     

                “Đức Giêsu đáp: ‘Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.  Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy.  Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

    Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.  Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.  Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.  

                Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.  Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.  Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.  Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em.  Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.  Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.’” (Ga 14, 23-29)

     

    **************************************

                Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan trên đây rất sâu sắc và phong phú.  Để hiểu rõ đoạn Phúc Âm đó, thiết tưởng nên nhờ vào nguồn mạch minh triết của Thánh Tôma Aquinô

     

                Thiên Chúa ở trong hỏa ngục? 

     

                Thánh Tôma Aquinô trong sách “Summa Contra Gentiles” (“Tổng Luận Về Việc Đối Phó Với Dân Ngoại”) đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở khắp nơi không?”  Rồi tiếp theo đường lối luận lý khúc chiết như thường lệ, ngài đã hỏi thêm: “Thiên Chúa có ở trong hỏa ngục không?”  Và thánh nhân hỏi tiếp: “Thiên Chúa làm gì ở trong hỏa ngục?”  Sau cùng ngài tự trả lời: “Thiên Chúa ở trong hỏa ngục để yêu thương những kẻ bị đọa đày.” 

     

                Những người bị đọa đày ở trong hỏa ngục có thể từ chối việc yêu mến Thiên Chúa nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn Thiên Chúa yêu thương họ, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và “Thiên Chúa là tình yêu.”  Giờ đây, nếu chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi tiến trình suy luận đó có liên hệ gì đến đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan trên đây không?  Câu trả lời là có.

     

                Thánh Tôma chỉ làm chứng về sự kiện Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và yêu thương mãi mãi, bất kể chúng ta là ai hay chúng ta làm gì, và cho dù chúng ta sống trên đời nầy, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục. 

     

                Thánh Grêgôriô Nyssa sống vào cuối thế kỷ thứ tư ở miền Trung nước Thổ-Nhĩ-Kỳ, đã đặt câu hỏi như sau: “Các bạn có muốn biết sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và kiếp đọa đày, giữa thiên đàng và hỏa ngục không?

     

                Và đây là thí dụ mà Thánh Grêgôriô đã trưng dẫn: Bạn hãy nghĩ tới một ngày đẹp trời nào đó, với ánh nắng rực rỡ.  Khi bạn đi ra ngoài đường, dưới ánh nắng chói lọi, bạn sẽ có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời như là cái gì dễ chịu, thích thú, kỳ diệu, hứng khởi.  

     

                Rồi ngài nói tiếp: Giờ đây bạn thử tưởng tượng một người nào đó bị đau mắt nặng và cũng đi ra ngoài nắng như vậy.  Vì con mắt bị bệnh, người đó lại có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời một cách khác hẳn: ánh nắng mặt trời như là cái gì khó chịu, nhức nhối, tai hại, làm cho lòa mắt… và họ không thể chịu đựng được, chỉ muốn đi xa hẳn ánh nắng mặt trời.

               

     

    Và Thánh Grêgôriô kết luận: Đó, thiên đàng và hỏa ngục cũng hoàn toàn giống như thế đó.  Thiên đàng và hỏa ngục cũng là một.  Cả hai hoàn toàn giống nhau.  Sự khác biệt giữa hai thực thể đó là có người muốn thiên đàng và có người không muốn.

     

                Nếu bạn muốn thiên đàng, bạn sẽ run lên vì cảm động.  Nếu bạn không muốn thiên đàng – và điều đó thật tai hại – bạn vẫn sẽ được Thiên Chúa âu yếm nhưng trái với ý muốn của bạn, bởi vì bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa yêu thương bạn được.  Thiên Chúa là tình yêu.  Bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu.  Hỏa ngục chỉ có đối với Satan vì Satan được Thiên Chúa âu yếm trái với ý muốn của nó.” 

     

                Ân sủng 

     

                Chúng ta có một cụm từ đặc biệt để diễn tả tình yêu Thiên Chúa.  Đó là cụm từ “ân sủng” (“grace”).  Cụm từ đó xuất phát bởi tiếng La-tinh 'gratis' có nghĩa là “cho không” (free).  Ân sủng là một tặng phẩm “nhưng không” của Thiên Chúa.  Chúng ta không thể làm gì để được hưởng hay đáng được ân sủng.  Người ta bảo mọi sự là ân sủng của Thiên Chúa.  Người ta nói ân sủng của Thiên Chúa ở khắp nơi.  Chúng ta không thể xa rời ân sủng được.  

     

                Và người ta cũng thường nói là mọi sự hiện hữu được bởi vì Thiên Chúa yêu thương.  Tình yêu Thiên Chúa là lý do mà chúng ta tồn tại.  Cái ghế mà chúng ta đang ngồi trên đó cũng là ân sủng của Thiên Chúa.  Nếu Thiên Chúa không còn yêu thương cái ghế đó nữa tức thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt ngay.  

     

                Thực phẩm chúng ta ăn vào, những người chúng ta yêu thương… là những ân sủng của Thiên Chúa.   Mỗi một sinh vật hay sự vật đều được Thiên Chúa sáng tạo và Ngài yêu thương hết mọi tạo vật của Ngài, bởi vì Thiên Chúa đã cấu trúc toàn bộ hệ thống đó!

     

                Khi đề cập như trên, một vấn nạn được đặt ra, có tính cách siêu hình.  Chúng ta là chúa tể về việc lãng quên những thực tại kỳ diệu ở chung quanh chúng ta.  Chúng ta thật đáng trách vì thường xuyên quên bẵng những hồng ân Thiên Chúa ở trong đời sống chúng ta. 

     

                Cái nháy mắt và nhịp tim đập

     

                Khi chúng ta khởi đầu đọc bài suy niệm nầy, mắt chúng ta đã chớp liên hồi.  Và cho đến giây phút nầy đây, chúng ta đã không đếm số lần mắt mình đập là bao nhiêu, trừ khi chúng ta cảm thấy bài viết nầy vô vị, nhàm chán.  Nhưng biết đâu có người sẽ nói: “Tôi đã đếm được con số 5,666 cái chớp mắt!!!”  Đúng hay sai, chúng ta không rõ.  

     

                Vấn đề là khi chúng ta chớp mắt – cho dẫu chúng ta đã làm việc đó thường xuyên – chúng ta đã không nhận ra điều đó.  Chúng ta đã chớp mắt một cách tự động.  Chúng ta không nhận thấy mắt chớp, cho tới khi chúng ta không thể chớp mắt được nữa.  Chính khi chúng ta không thể chớp mắt được thì sự chớp mắt trở nên quan trọng.  Nếu chúng ta bị bệnh tê liệt Bell thì chúng ta không thể chớp mắt được.

     

                Cũng thế, con tim chúng ta đập không ngừng.  Nhưng chúng ta không bao giờ nhận ra nhịp đập của con tim cho tới khi tim đập nhanh lên, hay chậm lại, hoặc ngừng đập.  Nếu tim ngưng hẳn, chúng ta cũng không nhận ra nhịp tim đập nữa.  Đã quá trễ rồi!  Nhưng người khác sẽ nhận ra điều đó khi chúng ta ngã quỵ trên sàn nhà.  

               

    Đối với dưỡng khí cũng thế.  Không ai để ý cho tới khi dưỡng khí đã cạn kiệt và không còn khí thở nữa.  Chúng ta không để ý tới những gì luôn luôn có mặt ở đó, nơi bản thân chúng ta hay bên cạnh chúng ta.

     

                Thời gian linh thánh

     

                Có những thời gian được chúng ta gọi là “thời gian linh thánh.”  Dĩ nhiên, mọi thời gian là linh thánh hết.  Và nếu thế, tại sao có một số thời gian được chúng ta gọi là “thánh.  Chúng ta gọi Chúa nhật là thánh.  Chúng ta có những ngày nghỉ lễ (“holidays = “ngày thánh”) bắt buộc.  Chúng ta có Thứ Năm tuần Thánh, Thứ Sáu tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh.  Chúng ta có mùa Chay Thánh.  Ý nghĩa như thế nào khi chúng ta nói Bốn Mươi Ngày Chay Thánh là mùa thánh?

     

                Chắc chắn điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong bốn mươi ngày mùa Chay nhiều hơn trong ba trăm hai mươi lăm ngày kia còn lại trong năm.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn gọi Chúa nhật là ngày thánh.  Chúng ta gọi ngày đó là “ngày của Chúa.  Nhưng chúng ta không nói thứ năm là ngày của Chúa.  Chúng ta không nói Chúa tới văn phòng Chúa nhật mà không tới ngày thứ năm.  Nhiều người tưởng Chúa vắng mặt ở văn phòng từ thứ hai đến thứ bảy và Chúa chỉ xuất hiện vào Chúa nhật.  Thiên Chúa ở trong văn phòng chúng ta mỗi ngày bởi vì mỗi ngày là ngày của Chúa, và mỗi mùa là mùa thánh. 

     

                Nhưng chúng ta không thấy sự thật như vậy.  Đó là vấn đề của chúng ta và chúng ta phải chấp nhận điều đó.  Chúng ta không chú ý đến điều đang xảy ra với chúng ta và điều đó vẫn luôn luôn là vậy.  Vì lý do đó, chúng ta đã để Chúa nhật riêng ra ngõ hầu chúng ta là những thành phần của cộng đồng dân Chúa có thể quan tâm đến sự kiện kỳ diệu là mỗi ngày và mỗi mùa là những hồng ân của Thiên Chúa.

     

                Đó cũng là lý do tại sao chúng ta tề tựu ở trong nhà thờ để tạ ơn Chúa và gọi thánh đường là một nơi thánh.  Nhưng đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện ở trong nhà thờ nhiều hơn và Ngài hiện diện ít hơn ở bãi đậu xe, trên xa lộ, trong siêu thị, nơi quán rượu, ở phòng khách và tất cả những chỗ khác mà chúng ta thường lui tới?  Không, điều đó không hợp với sự hiểu biết về linh đạo Kitô giáo.

     

                Không gian thánh 

     

                Những địa điểm nói trên cũng là những nơi thánh, bởi vì hồng ân của Chúa ban phát khắp nơi.  Dĩ nhiên, chúng ta cần thánh hiến một nơi chốn riêng biệt, không phải vì Chúa ở nơi đó mà thôi, nhưng đúng hơn và kỳ diệu thay, Thiên Chúa ở khắp nơi trên quả địa cầu, trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục.  Đó là điểm tuyệt hảo đối với lối suy tư và linh đạo Kitô giáo.  Đó là tư duy và linh đạo nhằm nhào nắn chúng ta trở thành cộng đồng dân Chúa mà chúng ta được mời gọi.

     

                Elizabeth Barrett Browning đã đặt câu hỏi: “Nếu trái đất bừng cháy bởi ngọn lửa của Thiên Chúa, tại sao chúng ta ngồi đó đây để nhặt những quả dâu chín?”  Nữ sĩ muốn hỏi tại sao chúng ta đã mất ý niệm về ân sủng, ý niệm về thế giới là thánh, về mọi sự là thánh và mọi sự là một bí nhiệm?  Đó là những vấn nạn lớn lao.  

     

                Chúng ta rất cần một nhãn quan và một linh đạo gây cảm hứng cho chúng ta để sống một cuộc sống cao quí hơn.  Chúng ta cần tề tựu ở một nơi riêng biệt được gọi là thánh đường hay nhà thờ, từ Chúa nhật nầy sang Chúa nhật khác, để chúng ta có thể tán tụng hết mọi hồng ân Thiên Chúa và đặc biệt thay, chỗ độc nhất của Ngài là ở trong đời sống chúng ta và trong tạo vật của Ngài là chính chúng ta.

     

    LM Vincent Travers, OP, Nguyên Tác IN STEP WITH GOD

    Hương Vĩnh chuyển ngữ

     

     
    Download all attachments as a zip file
    • image002.jpg
      22.7kB
    • image001.jpg
      151.6kB
    •  
      CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC.docx
      143.8kB

THƯ TÌNH - TÂM THƯ CHÚA GỞI : ĐẤNG CHỮA LÀNH

  •  
    phung phung
     
     
    From: langthangchieutim
    Sent: 6/24/2021 12:19:24 AM Central Standard Time
    Subject: {snhn5} ĐẤNG CHỮA LÀNH

    ĐẤNG CHỮA LÀNH 

    Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.  Đã gần 2 năm, đại dịch gây biết bao hậu quả nghiêm trọng trong mọi lãnh vực.  Một con virus mắt thường không thấy mà có sức phá huỷ ghê gớm.  Số người chết vì Covid-19 tính đến giữa tháng 6-2021 đã lên tới gần 4 triệu người.  Một số người đã nhận định đại dịch là hình phạt của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta: không phải vậy.  Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ.  Không những thế, Ngài còn là Đấng chữa lành những thương tổn về tinh thần và thể xác của con người.

    Thiên Chúa không tạo nên sự ác. Ngài cũng không muốn cho con người phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan nói với chúng ta như vậy. Tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài tạo dựng vũ trụ trời đất và con người.  Một tác giả đã viết: yêu thương tức là muốn cho người khác hiệu hữu (Aimer, c’est vouloir que l’autre soit).  Chúng ta được hiện hữu trên đời là do kết quả tình yêu thương của Thiên Chúa.  Một câu hỏi được đặt ra: nếu Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, vậy sao con người vẫn phải chết?  Vì quỷ dữ ghen tỵ nên cái chết đã xuất hiện trên thế gian.  Vậy, tại sao sự dữ vẫn hiện hữu: thưa, do con người gây nên.  Con người không tuân thủ trật tự Chúa đã xếp đặt, đi ngược lại ý muốn của Đấng Tạo Hoá, phá huỷ công trình sáng tạo của Ngài, nên sự dữ vẫn tồn tại trên thế gian.

    Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai.  Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến thế gian để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (x. Lc 19,10).  Trong trình thuật của thánh Máccô hôm nay, chúng ta sẽ thấy có 4 nhân vật chính: Chúa Giêsu, người cha đang đau khổ, bé gái 12 tuổi đã chết và người phụ nữ mắc bệnh đã 12 năm.

    Hai nhân vật, ông trưởng Hội đường và người phụ nữ, đều có điểm giống nhau là đức tin, tuy mỗi người thể hiện một cách khác nhau.  Ông trưởng Hội đường thì trực tiếp đến gặp Chúa và xin Người chữa lành con gái ông đang đau nặng gần chết.  Người đàn bà thì kín đáo tế nhị hơn, vì bệnh của bà không tiện nói ra, nhưng ý chính là bà tin vào quyền năng xuất phát từ Chúa Giêsu.  Người phụ nữ chỉ mong sao chạm được vào áo Chúa; viên cai quản Hội đường lại sấp mình nài nỉ van xin.  Cả hai hình thức đức tin đều xuất phát từ lòng xác tín và cậy trông.  Hai người đều tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể làm được điều họ đang kêu xin.  Tuy vậy, xem ra sự xác tín của người phụ nữ có vẻ mạnh mẽ hơn.  Bà không dám được Chúa biết đến hay can thiệp.  Bà chỉ cần chạm vào áo Người.  Trong khi đó, viên cai quản Hội đường, khi thấy con mình đã chết, đã bị dao động băn khoăn.  Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều nhắc đến “đức tin.  Nếu Người ngỏ lời với người phụ nữ để khen đức tin của bà, thì với viên cai quản Hội đường, Người lại mời gọi ông hãy vững tin.  Người hiểu tâm trạng của ông khi nghe tin con mình đã chết.  Người cũng hiểu nỗi khổ đau của người phụ nữ mang bệnh lâu năm cần được chữa lành. 

    Trước nhu cầu của hai nhân vật này, Chúa Giêsu như một lang y vừa quyền thế vừa luôn sẵn sàng phục vụ.  Xin lưu ý: chủ đề chính của Tin Mừng thánh Máccô là trình bày Chúa Giêsu như một người phục vụ.  Hai phép lạ được trình bày đan xen, vừa gây sự hấp dẫn vừa diễn tả nhu cầu cấp thiết của các bệnh nhân: bé gái và người đàn bà.

    Vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x St 1,27), mỗi tín hữu có sứ mạng làm cho sự tốt lành của Chúa lan tỏa nơi lòng cuộc đời.  Nếu hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt để chữa lành những bệnh nhân, thì Người lại đang mượn cánh tay và tấm lòng của chúng ta để đem tình thương đến cho người bất hạnh, đem niềm vui cho người sầu khổ và đem tự do cho người bị giam cầm.  Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Côrinhtô hãy quảng đại trong cuộc lạc quyên giúp người nghèo.  Theo vị Tông đồ dân ngoại, Đức Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về lòng quảng đại, vì Người là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được giàu có” (Bài đọc II).  Mọi sự chúng ta có đều do Chúa ban.  Hơn nữa, chúng ta giàu có là do Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta.  Chính vì thế, san sẻ cho tha nhân là chúng ta làm cho hình ảnh Chúa trở nên rạng ngời nơi cuộc đời này.  Sự sẻ chia không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng trái lại, giúp cho chúng ta trở nên phú quý hơn trong cuộc sống.

    Người đàn bà bị bệnh đã mười hai năm được Chúa chữa lành.  Bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được Chúa cho sống lại….  Biết bao điều kỳ diệu hôm nay Chúa vẫn đang thực hiện nơi lòng cuộc đời, nếu chúng ta có đức tin vững vàng và lòng cậy trông sâu xa.  Ông Chesterton, văn sĩ, thần học gia và triết gia người Anh (1874-1936) đã viết: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa.  Hãy hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta.  Quả vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa và thiện chí của con người gặp gỡ nhau, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy đến trong cuộc đời. 

    TGM Vũ Văn Thiên

     

    Download all attachments as a zip file
    • image001.png
      1.5MB
    •  
      ĐẤNG CHỮA LÀNH.docx
      1.2MB
      : ĐẤNG CHỮA LÀNH