7. Đời Sống Mới Trong Thần Khí

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - ĐTC NÓI VỀ TUỔI GIÀ

  •  
    Tinh Cao
     
    Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
     
    Tiếp tục với loạt bài về tuổi già, hôm qua, Thứ Tư 20/4/2022, trước hết ngài mở đầu bằng đoạn Sách Huấn Ca (3,3-6.12-13.16):
     
    Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
    ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
    Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
    khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
    Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
    ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng
    Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già ;
    bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
    Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
    chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
    Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
    ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.
      
     
    Sau nữa, ngài ngài đã nhấn mạnh đến thân phận hẩm hiu của tuổi già trong thế giới hiện đại ngày nay, ở những câu tiêu biểu như sau:
     
    “'Hãy thảo kính cha mẹ' là điều răn trọng thể, là điều răn đầu tiên của “phần thứ hai” trong Mười Điều Răn.   
     
    "Tôi mạn phép khuyên các bậc cha mẹ: làm ơn, hãy đưa con cái, trẻ nhỏ lại gần người già, hãy luôn xích lại gần họ hơn. 
    Và khi người già đau ốm, một chút lẫn trí, hãy luôn đến gần họ: hãy cho họ biết rằng đây là ruột thịt của chúng ta, rằng qua họ mà chúng ta ở đây bây giờ. Xin đừng quay lưng lại với những người già. 
    nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi họ đến viện dưỡng lão, thì xin hãy đến gặp họ và đưa con cái đi thăm họ: đó là vinh dự của nền văn minh của chúng ta, mà những người già đã mở ra. 
    Mà nhiều khi, con cái quên mất điều này.  
     
    "Loại bỏ người già, là nghĩ rằng người già là phế thải. Xin thưa: đó là một tội trọng."   
     
    Với tinh thần cầu nguyện cho các vị lão thành ngày nay, chúng ta theo dõi nguyên trọn bài Giáo lý của ngài ở những cái links tùy nghi sau đây:
     
     
     
     

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ -LM MINH ANH - ĐBĐM

MỘT NGÀY VỚI MẸ

Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”.

Tại các Giáo Phận, phần lớn giáo dân của các họ đạo truyền thống có thói quen ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu vào Mùa Chay. Riêng Tổng Giáo Phận Huế, kinh nguyện tuyệt vời này được ngắm vào Tuần Thánh; đặc biệt, sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Nó được gọi là Kinh Lễ Đèn, vì có đến 15 ngọn nến, hoặc đèn, được đốt lên trên cùng một giá.

Cách thức đọc Kinh Lễ Đèn được hướng dẫn đến từng chi tiết; cách chung, ngắm một chặng, tắt một cây nến, đọc 10 Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, ở Lễ Đèn 3, tức sáng thứ Bảy, ngọn nến thứ 15, sẽ không được tắt! Thật thú vị, nó được đem vào phòng thánh một chốc, đang khi cộng đoàn quỳ gối để ngắm “Thánh Mẫu Thống Khổ Kinh”; sau đó, nến được đem trở lại và đặt trước bàn thờ.

Ngọn nến này tượng trưng cho Chúa Giêsu! Ngài đã chết, nhưng thực ra, cái chết của Ngài chỉ như một sự nghỉ ngơi trong mồ. Vì thế, thứ Bảy Tuần Thánh được coi là ‘một ngày với Mẹ’, các Kitô hữu cùng với Mẹ mình, Mẹ Hội Thánh, lặng yên để đợi ngày Con Chúa phục sinh!

Kính thưa Anh Chị em,

Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội không có một Thánh Lễ nào, mãi cho đến buổi cử hành trọng thể đêm Vọng Phục Sinh. Hôm nay, Giáo Hội trầm mình để suy gẫm chậm rãi với Mẹ; và nắm lấy tay Mẹ, mỗi tín hữu tìm đến một ‘nơi vắng vẻ’ của lòng mình, để chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu, và nhất là, ‘một ngày với Mẹ’ Maria, chúng ta yên lặng chờ đợi Chúa Phục Sinh.

Phụng vụ của những ngày qua đầy cảm xúc với nhiều lễ nghi; thế nhưng, thứ Bảy Tuần Thánh lại trôi qua một cách thanh thản, lặng lẽ. Đó là một ngày để tận hưởng tất cả, một ngày của đan xen giữa những trầm buồn và niềm hy vọng! Đừng để thứ Bảy Tuần Thánh trôi qua chỉ như một ngày khác, hay chỉ là một ngày giữa thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Đó là ‘một ngày với Mẹ’ Thiên Chúa; và cùng Mẹ, chúng ta tĩnh lặng và chiêm ngắm.

Chỉ trong sự suy gẫm thầm lặng này, các tông đồ, và cả chúng ta mới có thể nhìn thấy mọi sự đã xảy ra phù hợp và trùng khít với nhau như thế nào. Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ tất cả những gì sẽ xảy ra với Ngài, kể cả sự phục sinh; Ngài đã nói cách rõ ràng với họ, nhưng tâm trí họ chưa chuẩn bị đủ để hiểu. Chỉ trong sự im lặng của thứ Bảy Tuần Thánh, và nhờ có ‘một ngày với Mẹ’ Chúa Giêsu, họ mới có thể hy vọng hiểu được những gì Thầy mình đã nói.

Cũng thế, đối với chúng ta; cùng với Mẹ Maria, chúng ta ghi nhớ những lời Chúa Giêsu đã nói, vì đôi khi tâm trí của chúng ta cũng đóng kín. Nhiều lần, chúng ta nghĩ, chúng ta biết Chúa Giêsu là ai và Ngài đang dạy chúng ta điều gì, nhưng thực sự, điều đó không đi vào trái tim của chúng ta; bằng chứng là cuộc sống của chúng ta chưa được biến đổi!

Chúng ta phải lắng nghe, cẩn thận suy gẫm những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, hầu mới hiểu được cách sâu sắc để áp dụng vào cuộc sống. Hãy làm điều này với Đức Mẹ và cho phép Đức Mẹ giúp chúng ta!

Anh Chị em,

Sự im lặng của ngày hôm nay giúp chúng ta suy gẫm về tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trong những ngày qua. Chúng ta biết, im lặng của ngày thứ Bảy Tuần Thánh không phải là im lặng của thoái chí và tuyệt vọng, nhưng là ‘im lặng thánh’, một sự im lặng của một niềm mong đợi lớn lao sẵn sàng bùng lên trong niềm vui ngập tràn của đêm Vọng Phục Sinh.

Chúng ta sẽ ‘đến mộ’ Chúa cùng với các thánh nữ, không phải để xức dầu cho một xác chết, nhưng để vui mừng với các thiên thần khi họ tuyên bố, “Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”; “Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”.

Và như thế, nhờ có ‘một ngày với Mẹ’, chúng ta sẽ vui mừng nói cùng Mẹ, “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia!”, và cùng Mẹ, chúng ta hát khúc ca khải hoàn, “Chúa Đã Sống Lại, Halleluia!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, xin cho con có một tâm hồn biết chờ đợi Chúa như Mẹ. Không chỉ hôm nay, khi con có ‘một ngày với Mẹ’; nhưng mỗi ngày, cùng Mẹ con chờ đợi Chúa”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

n

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Lễ Vọng Phục Sinh

Video Player
 
00:00
 
58:31
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ- 16 NỮ TU CAT MINH TỬ ĐẠO

ĐTC bắt đầu án phong thánh tương đương cho 16 nữ tu Cát Minh tử đạo trong thời Cách mạng Pháp

Ngày 22/2/2022, theo yêu cầu của các giám mục Pháp và Dòng Cát Minh Nhặt phép, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý mở một tiến trình đặc biệt, được Giáo hội Công giáo gọi là “phong thánh tương đương”, để tuyên thánh cho 16 vị tử đạo dòng Cát Minh ở Compiègne nước Pháp.

Việc phong thánh theo thủ tục “tương đương” không cần nghi lễ tôn phong như thủ tục phong thánh thông thường, nhưng được thực hiện bằng việc công bố tông sắc của Đức Thánh Cha về việc tuyên thánh. Có ba điều kiện để các vị chân phước được phong thánh “tương đương”; đó là các vị chân phước được tuyên thánh đã được tôn kính từ rất lâu, đã thể hiện các nhân đức anh hùng, và mặc dù không cần phép lạ mới nào, các ngài được tin là người chuyển cầu của những phép lạ. Các phép lạ xảy ra trước hoặc sau khi các ngài qua đời cũng được ban sử học của Bộ Phong thánh cứu xét.

Ít trường hợp phong thánh “tương đương” 

Trong lịch sử chỉ có một số ít trường hợp phong thánh “tương đương”. Gần đây nhất là trường hợp Đức Thánh Cha tuyên thánh cho thánh nữ Magherita Castello dòng Đaminh, một nữ giáo dân Dòng Ba Đa Minh người Ý bị mù và khuyết tật, sống vào thế kỷ XIV.

Margherita sinh khoảng năm 1287 tại Metola, gần Urbino, bị mù bẩm sinh và bị cong cột sống nặng, do đó phải sống một cuộc sống khổ cực, giam mình trong một căn phòng để tránh khỏi ánh mắt người đời. Năm 1303, cha mẹ Margherita đã bỏ rơi cô tại một đền thánh ở Città di Castello. Người dân địa phương đã tìm thấy cô và một gia đình đã nhận chăm sóc cho cô. Sau đó Margherita tiếp xúc với Dòng Đa Minh, mới được thành lập, và được nhận vào Dòng Ba Đa Minh. Cô được nhận tu phục Dòng Ba Đa Minh và mang nó suốt cuộc đời còn lại của mình. Để cảm ơn những người hàng xóm đã nuôi nấng mình, Margherita đã mở một ngôi trường nhỏ, nơi cô dạy các em những Thánh vịnh mà cô đã học thuộc lòng, và dạy dỗ các em trong đức tin Công giáo.

Margherita qua đời vào năm 1320 khi 33 tuổi, và được chôn cất bên trong nhà thờ. Sau đó nhiều dấu lạ, phép lạ và chữa lành đặc biệt cũng như những hiện tượng thần bí khác được tin là nhờ lời chuyển cầu của cô.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng áp dụng thủ tục phong thánh “tương đương” cho thánh Phêrô Favre, người Pháp, bạn đồng hành của thánh I-nhã, đấng sáng lập dòng Tên. Trước đó Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã tuyên thánh theo thủ tục này cho thánh nữ Hildegard của Bingen, người Đức, Tiến sĩ Hội thánh.

16 vị tử đạo dòng Cát Minh

16 vị tử đạo được Đức Thánh Cha phong thánh tương đương bao gồm 11 nữ đan sĩ, ba nữ trợ sĩ và hai nữ tu phục vụ bên ngoài. Các chị thuộc đan viện dòng Cát Minh ở Compiègne.

Tập sinh duy nhất trong số 16 nữ tu Cát Minh – người đầu tiên và trẻ nhất bị hành hình – đã tự phát xướng lên bài thánh thi “Laudate Dominum, omnes gentes” – Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa – khi tiến đến máy chém. Hành động của nữ tu trẻ này đã truyền cảm hứng cho tất cả các nữ tu còn lại. Từng người trong các chị đã tiến đến quì xuống trước Mẹ Bề trên, hôn ảnh Đức Mẹ trong tay Mẹ Bề trên, xin thực hiện lời khấn hy sinh sự sống cầu nguyện cho cuộc Cách mạng Pháp chấm dứt và cho Giáo hội Pháp, sau đó tiến lên các bậc thang lên máy chém trong khi miệng cất cao lời ca ngợi khen Chúa. Nữ tu Bề trên là người cuối cùng chịu tử đạo.

Đâu là lý do các chị phải nhận cái chết đẫm máu như thế?

Thời Kinh hoàng của cuộc Cách mạng Pháp

Ngày nay các du khách thăm Paris có thể đến Place de la Nation – Quảng trường Quốc gia, một trung tâm giao thông và thương mại ở hữu ngạn sông Seine, và có thể họ không bao giờ biết về những hành động đẫm máu của cuộc cách mạng đã diễn ra ở đó. Tại đây, vào mùa hè nóng nực cuối cùng của Thời Kinh hoàng của cuộc Cách mạng Pháp, vào ngày 17/7/1794, 16 nữ tu Cát Minh ở Compiègne đã bị giết vì đức tin Công giáo của họ.

Đan viện Cát Minh được thành lập vào năm 1641, chỉ cách Paris một giờ lái xe về phía bắc, và là nơi nổi tiếng về lòng nhiệt thành và thực hành tôn giáo. Các thành viên của đan viện đặc biệt thực hành và làm chứng cho lòng nhiệt thành đó trong suốt những năm Cách mạng Pháp.

Một năm sau cuộc Cách mạng Pháp, vào năm 1790, Nhà nước Pháp đã ban hành Hiến pháp dân sự bài Công giáo. Các nhà lãnh đạo của Quốc hội đã quyết định rằng các dòng kín, chuyên tâm cầu nguyện và giữ thinh lặng, không đóng góp gì cho lợi ích chung. Do đó họ giải thể các đan viện. Còn các linh mục và dòng tu hoạt động tông đồ đã trở thành nhân viên của nhà nước. Hiến pháp Dân sự về Giáo sĩ đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng đối với hàng giáo phẩm Công giáo. Nó đòi các giáo sĩ tuyên thệ trung thành, một sự trung thành mâu thuẫn với lời thề trung thành với Đức Giáo hoàng và với Giáo hội thánh thiện, công giáo và tông truyền. Các linh mục không tuyên thệ đã bị lưu đày, cầm tù và bị xử tử như những kẻ phản bội.

Năm 1794, Thời Kinh hoàng bắt đầu và việc đổ máu ngày càng gia tăng. Ngoài 17.000 người bị Ủy ban An ninh Công cộng hành quyết, 300.000 người bị bắt, khoảng 10.000 người trong số họ chết trong tù.

Ngay cả các yếu tố văn hóa của Ki-tô giáo cũng bị tấn công. Các nhà chức trách đã thay đổi tuần làm việc thành 10 ngày, để loại bỏ mọi dấu vết của Ki-tô giáo trong nền văn hóa, bao gồm cả việc thực hành nghỉ ngơi vào Chúa Nhật.

Thi hài của Voltaire, người được tôn xưng là bổn mạng của người vô thần trong Thời Kinh hoàng vì lập trường chống Công giáo và vô thần kịch liệt của ông, đã được khai quật và diễu hành khắp các đường phố. Nhà độc tài Maximilien Robespierre, người đã giám sát phần lớn các vụ đổ máu, cũng được rước qua các đường phố và được tuyên bố là một vị thần bên trong nhà thờ Đức Bà nổi tiếng. Nhà thờ Đức Bà bị sử dụng như một ngôi đền dành riêng cho nữ thần Lý trí.

Cuộc tử đạo anh hùng 

Vào ngày lễ Suy tôn Thánh giá, 14/9/1792, các đan sĩ dòng Cát Minh đã tái nhập vào một xã hội bị tàn phá bởi sự hỗn loạn đẫm máu của cuộc Cách mạng Pháp. Họ đã lên kế hoạch. Giới chức chính quyền đã đề nghị tự do và khen thưởng tiền bạc cho những người muốn rời dòng, nhưng không nữ tu nào chấp nhận lời đề nghị của họ. Thay vào đó, Mẹ Têrêsa Augustinô, bề trên tu viện, đã gợi ý cho các chị em một lời khấn bổ sung: dâng hiến mạng sống của mình với ý chỉ cầu cho cuộc Cách mạng Pháp chấm dứt và cầu cho Giáo hội Công giáo ở Pháp.

Khi tu viện bị giải tán vào ngày 14/9 sau khi chính phủ cướp bóc và tịch thu tất cả các nhà thờ Công giáo ở vùng lân cận, các nữ tu tiếp tục cuộc sống tu trì của mình cách âm thầm trong một tòa nhà chung cư ở Paris trong hai năm tiếp theo. Cuộc cách mạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn trước khi các nữ tu bị phát hiện và có cơ hội thực hiện lời khấn hứa hy sinh mạng sống cầu nguyện cho Giáo hội Pháp.

Tháng 6/1794, các quan chức chính quyền cách mạng đã tìm thấy tại căn hộ của các nữ tu ở Compiègne một bức chân dung của Vua Louis XVI và một lời kinh cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu cho nhà vua. Các nữ tu đã bị bắt và sau 26 ngày bị giam trong tù, ngày 17/7/1794, 16 thành viên của đan viện Dòng Cát Minh ở Compiègne bị đưa ra xét xử.

 Giống như rất nhiều phiên tòa trong Thời Kinh hoàng, quá trình tố tụng diễn ra không công bằng và các nữ tu đã phải chịu đựng những lời chế giễu về ơn gọi của họ trước khi bị Ủy ban An ninh Công cộng kết án là phản cách mạng và cuồng tín tôn giáo và kết án tử hình ngay ngày hôm đó.

Trên đường lên đoạn đầu đài, các nữ tu đã cùng nhau hát những bài thánh thi ngợi khen, bao gồm cả kinh Thương xót, kinh Lạy Nữ Vương, và giờ Kinh Chiều cùng với những kinh nguyện và các bài hát khác. Tại nơi hành quyết, các nữ tu hát cả kinh Chúa Thánh Thần và thánh thi Te Deum – Tạ Ơn Thiên Chúa, như truyền thống trong các lễ tuyên khấn, và sau đó, tập sinh duy nhất trong số 12 nữ tu, tên Constance, đã tuyên khấn. Mỗi nhát chém của máy chém làm câm lặng thêm một giọng hát cho đến khi Mẹ Bề trên bước lên bậc thang máy chém để chịu chết. Đám đông bình thường la ó cổ vũ khi đó đã im lặng một cách lạ thường.

Theo gương các Kitô hữu sơ khai

Sau khi Đức Thánh Cha khởi sự thủ tục phong thánh tương đương cho 16 nữ tu tử đạo dòng Cát Minh, cha John Hogan, cũng thuộc dòng Cát Mình đã viết trên Twitter: “Những nữ tu dòng Cát Minh này vẫn trung thành với Đức tin mặc dù Nhà nước yêu cầu họ chấp nhận điều cuối cùng là một tôn giáo mới – tôn thờ thế tục. Nhiều điểm tương đồng với những gì đang xảy ra hiện nay.”

Lòng trung thành với lời thề hứa và chứng tá nổi bật về cuộc tử đạo của các nữ tu đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, từ các sách truyện như “Bài hát và Đoạn đầu đài”, cho đến phim ảnh, và thậm chí là một vở opera nổi tiếng có tựa đề “Cuộc Đối thoại của những tu sĩ Cát Minh”, được lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của nhà văn và nhà bình luận Công giáo nổi tiếng Georges Bernanos.

Đón nhận cái chết trong sự hỗn loạn của một trong những cuộc đàn áp chống Công giáo dữ dội nhất mà Giáo hội phải đương đầu, các nữ tu đã theo cách thức của những Ki-tô hữu sơ khai, đón nhận cái chết với lòng đạo đức và hát các bài thánh thi và kinh nguyện truyền thống. (CNA 25/02/2022)

Hồng Thủy – Vatican News

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 

n

 
00:00
 
00:00
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 2 Mùa Chay C

Video Player
 
00:00
 
18:41
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - HỌC PHAM - VATICAN NEW-

 

 

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - LM THANH TRỞ BỀ NHÀ CHA

  •  
    Chi Tran CHUYỂN



    ĐẸP THAY NHỮNG TẤM GƯƠNG MỤC TỬ

    HY SINH MẠNG SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN

     

    Từ trước Tết Nguyên Đán 2022 đến nay, rất nhiều tín hữu Công giáo trong và ngoài nước đã tỏ ra hết sức bàng hoàng, đau xót khi hay tin một linh mục đang ngồi tòa để giải tội cho giáo dân tại nhà nguyện một giáo họ vùng sâu vùng xa thuộc giáo phận Kontum thì bị sát hại một cách dã man bởi hai nhát dao của một thanh niên ngoài 30 tuổi.
     

    Sự việc xảy ra lúc chập tối ngày thứ bảy 29 tháng 01 năm 2022 và đến khuya cùng ngày thì vị linh mục đó đã vĩnh viễn ra đi về Nhà Cha vì vết thương quá nặng. Từ đó đến nay, rất nhiều nguồn tin khác nhau đưa tin về biến cố đau thương này. Và cho đến sáng thứ sáu 4-2-2022, qua trang web của giáo phận Kontum, “Lá thư chung Tết Nhâm Dần” đã được phổ biến để thông tin chính thức và chi tiết vụ việc này, theo đó chúng ta được biết như sau:

     

    Sự việc đáng tiếc đã xảy ra vào chiều thử bảy, 29/1/2022: anh Nguyễn Văn Kiên đã ra tay sát hại Cha Giuse Thanh, lúc Cha đang ngồi tòa giải tội sau thánh lễ. Vì vết thương trên đầu quá nặng, nên Cha Giuse Thanh đã không qua khỏi. Cha mất tại bệnh viện vào lúc 23g30 thứ bảy, ngày 29 tháng 01 năm 2022.[1]

     

     

    Cũng theo lá thư chung trên, giáo phận Kontum vừa trải qua những ngày đau buồn vì sự ra đi quá đột ngột và đau thương của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, tu sĩ Dòng Đa Minh, người vừa được bổ nhiệm đặc trách giáo họ Sa Loong, thuộc giáo xứ Đak Mót. Giáo họ Sa Loong lâu nay vốn thuộc giáo xứ Đăk Mót. Thời gian gần đây, giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Và để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, Cha Giuse Thanh được bổ nhiệm về đây, thay thế cho người anh em cùng Dòng. Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.

     

    Riêng về bản thân người sát nhân tên Kiên, lá thư chung của TGM Kontum cũng cho biết như sau: Anh Nguyễn Văn Kiên thuộc gia đình Công giáo. Cha mẹ anh hiền lành, ngoan đạo. Anh có hai em trai và một em gái. Em gái học nội trú nhà các Soeurs. Tuy nhiên, bản thân anh Kiên thì lơ mơ, không sống đạo. Qua những thông tin có được từ cha mẹ anh Kiên, anh Kiên không phải là người điên khùng theo cách hiểu thông thường. Anh vẫn biết làm ruộng, làm rẫy, sửa xe,... Tuy nhiên, thỉnh thoảng, anh có thể nổi điên quậy phá, chửi bới, đập tivi, đánh đập ngay cả người nhà, thậm chí đập phá bàn thờ gia đình... Anh còn hoang tưởng bị người ta ức hiếp, ngăn cản không cho lấy vợ. Anh quát mắng mẹ anh khi bà phủ nhận lời anh nói như thế.

     

    Được biết trước đó, ngày 30 tháng 1 năm 2022, ĐGM giáo phận Kontum cũng có thư phân ưu gửi tới Cha Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và gia đình Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP, phần đầu có đoạn viết như sau:

     

    Thật bất ngờ và đau xót khi biết tin Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP đã đột ngột ra đi vĩnh viễn về với Chúa. Cái chết là một mầu nhiệm không ai biết xảy ra khi nào và ở đâu. Đối với Cha Giuse, ngài đón nhận cái chết trong hoàn cảnh có thể nói là rất đẹp, khi đang thi hành nhiệm vụ của một chủ chăn trao ban Bí tích in persona Christi.

     

    Chúng ta mất đi một người anh em trẻ trung, hăng say và dễ mến. Sự ra đi của Cha Giuse chắc chắn để lại niềm thương tiếc lớn lao cho gia đình, cho Nhà Dòng, cho giáo phận Kontum và cho giáo họ Sa Loong, Dak Mot. Chúng ta xin phó dâng Cha Giuse cho Chúa…[2]

     

    Qua vụ việc trên, dựa theo nhãn giới của đức tin và lòng mến Ki-tô giáo, chúng ta thấy rằng cái chết của Cha Giuse là một mầu nhiệm và do đó chúng ta không thể suy nghĩ và nhận định theo cái nhìn của thế gian. Đối với Cha Giuse đó là một biến cố quá bất ngờ, quá khủng khiếp nhưng không ngoài thánh ý Chúa và chắc chắn bây giờ ở trên trời ngài muốn gửi thông điệp rằng tình yêu chiến thắng tất cả và “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Nghe nói, trước khi nhắm mắt ngài đã thốt lên câu “Hãy tha thứ cho họ!”.

     

    Cái chết của Cha Giuse quả là một cái chết “đẹp”, một cái chết đáng tôn vinh như một vị anh hùng tử đạo vì ngài ngã gục khi đang thi hành nhiệm vụ của mục tử nhân danh Chúa Ki-tô. Nhân dịp này, chúng ta sẽ suy tư về ba nét đẹp của người mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì chiên. Đó là: 1- Con người linh mục: ơn gọi nên giống Chúa Ki-tô Mục Tử; 2- Đời sống linh mục: làm chứng cho tình yêu hiến tế; 3- Sứ vụ linh mục: một chọn lựa đầy hy sinh, thử thách.

     

    1.- Con người linh mục: ơn gọi nên giống Chúa Ki-tô Mục Tử

    Linh mục được kêu gọi theo Chúa và nên giống Chúa mọi đàng. Giống tức là người môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy mình. Người ta vẫn thường ca ngợi linh mục là Alter Christus, điều đó có nghĩa là linh mục là hiện thân của Đức Ki-tô ở trần gian. Mà môn đệ thì không hơn Thầy. Nếu Thầy nêu gương khó nghèo, từ bỏ thì môn đệ phải buông bỏ tất cả để theo Chúa. Nếu Thầy nêu gương hiền lành, khiêm nhường thì môn đệ cũng phải sống và phục vụ một cách khiêm nhu, hiền hòa. Nếu Thầy can đảm chịu thống khổ, chịu chết vì phần rỗi của nhân loại thì môn đệ cũng dám hy sinh và hiến mạng sống vì chiên.

     

    Cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh là một linh mục trẻ, tài giỏi, năng động, ngài đã tình nguyện đến phục vụ tại giáo họ Sa-Loong chủ yếu là người dân tộc Se-đăng. Ngài đến đây với tư cách là một nhà truyền giáo, ngài muốn đem Tin Mừng Đức Ki-tô đến cho những người nghèo, đói, thất học. Tự trong thâm tâm mình, chắc chắn Cha Giuse luôn nuôi hoài bão sẽ loan báo Tin Mừng và rao giảng Đức Ki-tô chết-sống lại. Và bản thân ngài đã làm gương điều đó. Ngài chính là tin mừng ở giữa cộng đoàn Sa Loong.  

     

    Trong bài viết có tựa đề Linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục hôm nay - Từ Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (PDV) đến ba yếu tố then chốt của linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục hôm nay, LM Tôma Aquinô Nguyễn Đức Khôi đã viết như sau:

     

    “Thật vậy, PDV đưa ra gợi ý thiết thực cho đời sống của linh mục là cắm rễ sâu đời mình vào Chúa Kitô, nghĩa là giữa Chúa Giêsu Kitô và linh mục là mối liên kết hữu thể qua việc linh mục được thánh hiến mang tính bí tích bởi Chúa Thánh Thần, để nhờ đó linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Trong đó, linh mục mang tâm tư và hành động như Chúa Kitô, Đấng là Mục Tử đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Vì thế, linh mục được mời gọi mặc lấy đức ái mục tử của Chúa Kitô bằng việc trao hiến hoàn toàn chính mình cho Hội Thánh, nó biểu lộ tình yêu của Chúa Kitô dành cho chiên của Người.”[3]

     

    2.- Đời sống linh mục: làm chứng cho tình yêu hiến tế

    Khi nghe tin linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh ngã xuống bởi hai nhát dao thấu sọ, máu tuôn lênh láng, nhiều người đã không kìm nén cảm xúc đau đớn và tỏ ra phẫn nộ trước cái chết oan ức của vị mục tử trẻ trung, hiền lành. Dường như có người muốn ra tay trừng phạt kẻ thủ ác và đòi hỏi công lý phải thực thi ngay lập tức.

     

    Nhưng thiết nghĩ, chúng ta cũng hãy bình tĩnh đọc lại đoạn viết trong lá thư chung (đã dẫn) của ĐGM GP Kontum ngày 3-2-2022, như sau: “Nói gì thì nói, máu người vô tội đã đổ! Trước nỗi mất mát này, là những người có niềm tin, ngoài những lời cầu nguyện dành cho Cha Giuse Thanh, ngoài những chia sẻ, ủi an và nâng đỡ dành cho gia đình Cha, cho Dòng Đa Minh, cách riêng cho các anh em Đa Minh đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo Kon Tum chúng ta, cho bà con giáo dân giáo họ Sa Loong, chúng ta được mời gọi sống chứng tá tình yêu và tha thứ. Mong sao hận thù và bạo lực lui xa, để yêu thương và hiệp nhất thêm tròn đầy, ngõ hầu “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11).

     

    Đây mới thực sự là ngôn ngữ của Tin Mừng Ki-tô giáo. Bởi đời sống của mục tử là những chuỗi ngày làm chứng cho tình yêu hiến tế. Ngài không còn sống cho mình hay chết cho mình nữa, như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 7-8).

     

    Trong bài giảng lễ cầu nguyện cho linh mục nhân dịp ngày năm thánh Lòng Thương Xót dành cho các linh mục ngày thứ sáu 3-6-2016, ĐTC Phan-xi-cô đã giúp các linh mục chiêm ngắm trái tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô.

     

    Ngài nhấn mạnh: Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không còn là một “con tim bị dao động” hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng, để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.

     

    Ngài cũng lưu ý các linh mục điểm quan trọng này: Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì chúng và không ai là người xa lạ với Ngài (Ga 10,11-14). Đàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là những ông chủ để rồi đàn chiên phải khiếp sợ, nhưng Ngài là Mục Tử đồng hành với đàn chiên và gọi đích danh từng con (Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp những chiên còn chưa trở về chuồng của Ngài (Ga 10,16). Đối với các linh mục của Chúa Kitô cũng vậy. Linh mục được xức dầu để phục vụ dân Thiên Chúa, chứ không phải được chọn để làm theo ý riêng của mình, nhưng là gần gũi với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của các mục tử, cũng không ai bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của các linh mục. Với cái nhìn đầy yêu thương và với trái tim của người cha, các linh mục đón nhận, hòa nhập và những khi cần phải sửa dạy ai đó, các linh mục phải gần gũi với con chiên của mình hơn. Họ không bao giờ được phép khinh thường một ai, nhưng phải sẵn sàng để bị ‘vấy bẩn’ đôi bàn tay của mình.

     

    Cách đây gần hai năm (Tháng 3-2020), báo chí Công giáo cũng nói nhiều đến trường hợp một linh mục khoác lại áo bác sĩ, đến bệnh viện giúp điều trị cho những người nhiễm virus corona. Ngài đã tuyên bố: “Bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh”.

     

    Trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch virus corona và nước Ý đang thiếu các nhân viên y tế, linh mục bác sĩ Alberto Debbi đã mặc lại chiếc áo trắng thầy thuốc, trở lại bệnh viện để giúp đỡ những người đang đau khổ trong phòng bệnh. Báo Gazzeta di Reggio Emilia và các báo địa phương khác đã tường thuật quyết định của cha Alberto Debbi, 44 tuổi, cha sở giáo xứ Correggio thuộc tỉnh Modena của Ý. Ngày 18-3-2020, cha Debbi trở lại phòng bệnh của bệnh viện ở Sassuolo để trợ giúp y tế tại khoa phổi, trung tâm Covid-19 ở khu vực Modena, cho đến cuối tháng tư. Cha tạm cất chiếc áo dòng đen của linh mục vào tủ để mặc chiếc áo choàng của bác sĩ và phụ giúp điều trị cho những người bị nhiễm virus corona.

     

    Cha Debbi đã gửi một tin trên Facebook để giải thích với các tín hữu về chọn lựa của mình: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Từ thứ Tư (18-03) tôi sẽ lại bắt đầu (tạm thời) nghề bác sĩ tại bệnh viện Sassuolo, ở khoa phổi, trung tâm Covid-19. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn khó khăn và đau khổ này, đây cũng là một cách để ‘bẻ chính mình ra’ và sẵn sàng phục vụ với mọi thứ chúng ta có. Nó đã là một phần của tôi, vẫn còn sống động, và bây giờ hơn bao giờ hết, nó thúc đẩy tôi phải dấn thân. Tôi cảm ơn Đức cha và cha Sergio đã cho tôi cơ hội để làm điều đó. Ngay cả khi ‘xa cách hơn một chút’ tôi vẫn có thể tiếp xúc bằng điện thoại di động và những cách khác ...Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện và cử hành thánh lễ cho tất cả anh chị em. Bây giờ, như một người bạn đã nói với tôi, bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh. Tôi chào tất cả mọi người! Can đảm lên!”. (Theo Avvenire 17-3-2020)

     

    Vậy có thể nói, cuộc đời của linh mục là Hy Lễ Thập Giá nối dài và con người của ngài là chính là lễ vật dâng lên Thiên Chúa với bao niềm vui, nước mắt, nỗi thống khổ cơ cực. Tất cả là vì lòng mến. Như thánh Phao-lô đã nói:

     

    Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 35-39)

     

    3.- Sứ vụ linh mục: một chọn lựa đầy hy sinh, thử thách

    Có thể nói, sứ vụ của linh mục là đem lòng mến Tin Mừng đến muôn người. Sứ vụ ấy luôn là một chọn lựa đầy hy sinh, thử thách, gian lao, cực khổ.

     

    Cố linh mục Giuse mà chúng ta đang nói tới đã chọn lựa thi hành sứ vụ mục tử tại một nơi truyền giáo ở vùng sâu chốn xa. Chắc chắn ngài đã biết rằng đời sống sẽ thiếu thốn trăm bề và sẽ phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn, vất vả, cực khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngài được bề trên giao phó chăm sóc một giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Bên cạnh đó, một người quen của ngài cũng cho biết ngài rất quan tâm tới thiếu nhi nên đang có dự án sẽ thành lập tủ sách cho các em và đang vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ dự định này.

     

    Chúng ta biết rằng, tại VN, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều linh mục, tu sĩ đã tình nguyện dấn thân phục vụ các bệnh nhân Covid trong bệnh viện và những cá nhân, gia đình rơi tình cảnh cơ cực do nhiễm virus corona. Từng đoàn tình nguyện viên từ các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, cộng đoàn…khăn gói lên đường đi vào vùng dịch mà không chút quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều tu sĩ nam nữ bị nhiễm virus do việc sống chung với bệnh nhân covid và một số không nhỏ trong các ngài đã tử vong.  

     

    Cũng có nhiều trường hợp khác, các linh mục chính xứ phó xứ cùng với giáo dân đã lăn xả vào các khu vực nguy hiểm để trợ giúp các gia đình gặp khó khăn vì bị cách ly. Có linh mục hằng ngày phải vượt cả mấy chục cây số để chuyên chở lương thực, thực phẩm về cho dân. Cũng có linh mục đứng ra điều hành các nhóm tự nguyện bất chấp ngày đêm, mưa nắng, đem các nhu yếu phẩm giúp đỡ cá nhân, gia đình đang trong tình cảnh thiếu thốn, khổ sở vì dịch.

     

    Chính lòng mến Chúa và tình thương cộng đoàn đã thúc đẩy các ngài ra đi, lên đường phục vụ. Việc các linh mục, tu sĩ bị đe dọa mạng sống hay bị sát hại khi đang thi hành mục vụ không phải là chuyện hiếm xảy ra tại VN cũng như tại nhiều nước trên thế giới. Trong những hoàn cảnh như vậy, Lời Chúa luôn là sức mạnh giúp các ngài vững tâm và sống bình an. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28); “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6, 50) ./.

     

    Aug. Trần Cao Khải