14. Cảm Nghiệm Tình Chúa Yêu Tôi

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - NGƯỜI GIẾT CHA THANH

  •  
    phung phung
     
     

    Make Christianity Great As Always

    Cuộc gặp gỡ của yêu thương và tha thứ

    Hơn một tháng sau cái chết bi thảm của cha Giuse Trần Ngọc Thanh, gia đình của cha đã có cuộc gặp mặt với gia đình của người đã sát hại cha hiện đang bị bắt giữ.

    Cuộc gặp gỡ giữa một gia đình khá giả, đầy đủ của ăn của để nơi thành phố SG hoa lệ có đứa con trai tình nguyện rời chốn phồn hoa ấy để lên vùng rừng núi heo hút và chết một cách tức tưởi với một gia đình nghèo, ít học và khắc khổ có đứa con trai cờ bạc, rượu chè, hung hãn đã giết chết người con trai hiền lành của gia đình kia.

    Nhìn vào bức ảnh dường như không thấy sự hận thù hay những lời chì chiết... từ gia đình người bị hại, nhưng là sự cảm thông, cảm thông tuyệt đối và tha thứ tuyệt đối. Một điều khá khó hiểu và gần như không tưởng trong xã hội ngày nay. Nhưng sẽ dễ hình dung hơn, nếu bạn là người Công giáo.

    Mọi người vẫn chưa lãng quên cái chết của cha Thanh. Kẻ thủ ác cũng như mục đích thật sự của anh ta vẫn đang được làm rõ, nấm mộ cha nơi nhà Dòng vẫn phủ đầy hoa tươi từ bà con giáo dân lẫn anh em ngoại đạo gửi tới, những chương trình từ thiện mang tên cha vẫn được xúc tiến và nhận được sự quan tâm của các Mạnh Thường Quân khắp nơi thậm chí ở nước ngoài gửi tiền về hỗ trợ... Thì Cuộc Gặp Gỡ Này, cuộc gặp gỡ của yêu thương và tha thứ, cũng dường như thắp lên một niềm hy vọng mới nơi vùng đất cằn cỗi mà cha đã sống và đã chết. Từ niềm hy vọng ấy, những điều tốt đẹp sẽ nảy sinh...

    (Ảnh từ Fb cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT)
     
     
     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - XOT THƯƠNG

  •  
    LM MINH ANH
     


    CHÚC DIỄM HỒNG CÙNG CÁC BẠN MỘT MÙA CHAY THÁNH RẤT THÁNH.
     
     

     

    “XÓT THƯƠNG”, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!

    “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!”.

    Giáo sư Charles H. Spurgeon đã nhấn mạnh với lớp dạy của mình về tầm quan trọng của việc làm cho nét mặt hài hoà với bài giảng. “Khi nói về thiên đàng”, ông nói, “hãy để khuôn mặt bạn sáng lên, hãy để nó rạng rỡ bởi ánh sáng mặt trời, hãy để đôi mắt bạn ngời sáng bởi ánh quang phản chiếu! Nhưng khi nói về địa ngục, cứ để tự nhiên, khuôn mặt bình thường của bạn đã làm được điều đó! Còn khi nói về Thiên Chúa, chỉ cần bạn cúi đầu, nhìn xuống đất, để biết phận mình, những con người vốn bị đuổi khỏi địa đàng; Ngài, Đấng ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’, H. Spurgeon thật chí lý. Mùa Chay, mùa tuyệt vời để chúng ta hiểu rõ hơn về lòng thương xót! Phụng vụ Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro hôm nay cũng chỉ nói đến ngần ấy. Xót thương là thấu hiểu, là chia sẻ và liên luỵ với; vì thế, khi chúng ta kêu lên, “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!” như Thánh Vịnh đáp ca, là chúng ta đang kéo ghì Thiên Chúa xuống, và Ngài phải nhập cuộc với bao truân chuyên của mỗi người.

    Nói đến Mùa Chay, chúng ta thường sợ hãi, “Tôi phải từ bỏ một cái gì đó”; nhưng nếu đó là suy nghĩ thật, thì chúng ta đang mất điểm! Tôi “phải” từ bỏ một thứ gì đó? Vâng, có và không! Đúng là Chúa muốn điều này, và Ngài đã nói đến thực hành khổ chế cũng như kỷ luật bản thân cho chúng ta thông qua Giáo Hội; chẳng hạn, Tin Mừng hôm nay nói đến cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Điều đó đúng, nhưng đó là một lời mời gọi đến với ân sủng hơn là áp đặt một gánh nặng.

    Từ bỏ một điều gì đó thực sự mang ý nghĩa là tất cả sẽ chìm hẳn vào lòng xót thương thăm thẳm của Thiên Chúa ở một mức độ sâu hơn! Đó là được cởi bỏ khỏi tất cả những gì đang trói buộc, giúp chúng ta trải nghiệm một cuộc sống mới mà chúng ta đang hết lòng kiếm tìm. Từ bỏ một cái gì đó đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống; hoặc, có thể bất kỳ hành động cố ý nào đó vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Tại sao? Bởi việc từ bỏ đó tiếp sức cho chúng ta về tinh thần và ý chí; nó tăng lực để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở mức độ Chúa muốn. Thế nhưng, từ bỏ một cái gì đó, một điều gì đó để được ‘Một Ai đó’ thì rất đáng cho chúng ta từ bỏ! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để phản ánh thiên đàng, “Hãy để khuôn mặt của bạn sáng lên, hãy để nó rạng rỡ bởi ánh sáng mặt trời, hãy để đôi mắt của bạn ngời sáng bởi ánh quang phản chiếu!”.

    Vậy mà, trong cuộc sống, chúng ta thường bị thao túng bởi những cảm xúc và ham muốn; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Ấy thế, việc thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là bị chúng kiểm soát. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đồ ăn thức uống, nhưng còn cho nhiều điều tích cực hơn; nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái đối với tha nhân của mỗi người.

    ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’; trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cũng trải nghiệm Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là yêu theo cách Ngài yêu; đó là được tự do để tình yêu chiếm lấy chúng ta, chấp cánh cho chúng ta. Một khi được tình yêu chiếm lấy, chúng ta sẽ mẫn cảm hơn với Thiên Chúa; sợ mất lòng Ngài, muốn trở về làm hoà với Ngài như Gioel và Phaolô hôm nay mời gọi. Được tình yêu chiếm lấy, việc cầu nguyện, giữ chay và thực hành thương xót của chúng ta như Tin Mừng hôm nay đề nghị sẽ dễ dàng hơn biết bao!

    Anh Chị em,

    ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’. Đó là quà tặng miễn phí được trao hoàn toàn từ động lực của tình yêu; đó là tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta, phận người tro trấu, cách đặc biệt trong Mùa Chay. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn chúng ta suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, chúng ta dễ dàng thương xót nhau. Hãy biến Mùa Chay này thành mùa ân sủng tuyệt vời, đừng mắc kẹt với ý nghĩ, những hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho mỗi người!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con hiểu, ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’, đó là một quà tặng ân sủng Chúa ban cho con trong Mùa Chay này; để từ đó, con có thể ‘sống nó’ với anh chị em con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -

  •  
    Chi Tran CHUYỂN

     
     
    THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG VÀ LUÔN KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ

    Trải qua dòng lịch sử, chúng ta thấy luôn có sự đối nghịch giữa cách hành xử của con người và của Thiên Chúa. Con người thường nóng vội, mất kiên nhẫn, còn Thiên Chúa lại luôn kiên nhẫn đợi chờ. Kính Thánh Cựu Ước đã diễn tả lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa bằng những từ ngữ rất đẹp: Ngài chậm giận và giàu tình thương. Ngài chỉ giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.

    Thiên Chúa của chúng ta không nóng nảy như Trương Phi, nhưng trái lại, Ngài luôn thể hiện sự kiên nhẫn của một người cha, cho dù dân Chúa đã nhiều lần phản bội chống đối lại Ngài. Thiên Chúa luôn tin tưởng và cho con người có cơ hội để khắc phục sai lầm trong quá khứ, Ngài luôn tin vào tương lai biến đổi của mỗi người. 
     
    Sách Khôn Ngoan đã ca tụng sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu của Chúa. Ngài không phải là một cảnh sát rình rập để bắt lỗi con người, Ngài cũng không phải là ông thần có nhiệm vụ trừng phạt mỗi khi con người sai lỗi. Trước hết và trên hết, Ngài là Chúa tể, là Đấng tạo dựng nên trời đất vũ trụ và con người, vì thế, tất cả đều là con cái của Ngài. 
     
    Thiên Chúa là Đấng công minh, Ngài không phải là một người mẹ chiều chuộng con cái, cũng không làm ngơ trước sai lỗi của chúng. Ngài sửa dạy con người bằng tình yêu thương, đôi khi cả bằng roi vọt, nhưng trên hết, Ngài vẫn để cho tình thương điều khiển mọi hoạt động của mình. Vì thế, Thiên Chúa luôn chịu thiệt về mình và xét xử con người theo sự khoan hồng và bao dung, vì Ngài luôn hy vọng nơi tương lai con người.

    Lòng khoan dung và sự nhẫn nại của Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể qua chính con người của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa để cho thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa Thiên Chúa và con người.

    Đối diện với vấn đề sự dữ sự ác đang lan tràn trong xã hội và trong Giáo Hội, nhiều người dường như mất kiên nhẫn hoặc thất vọng. Họ cảm thấy chán nản và dường như muốn xa lìa Giáo Hội chỉ vì họ nhìn thấy nhiều gương xấu đang diễn ra trong Giáo Hội, đặc biệt nơi những người lãnh đạo. Họ đặt vấn đề rằng: Tại sao chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, mà trong Giáo Hội vẫn nhiều gương mù gương xấu? Tại sao Thiên Chúa là Đấng quyền năng và tốt lành, lại không dùng quyền năng để hủy diệt cái xấu, trừng trị kẻ ác? Suy nghĩ như thế chứng tỏ rằng: Con người muốn Thiên Chúa suy nghĩ và hành động theo kiểu của con người.

    Qua dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người đặt vấn đề và trách Chúa: Ông gieo toàn giống tốt trong ruộng thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? Câu chuyện cho thấy, Chúa là ông chủ khôn ngoan, chắc chắn, Ngài luôn gieo giống tốt trong ruộng mình. Tuy nhiên, kẻ thù là ma quỷ đã len lỏi vào ruộng của ông và gieo cỏ lùng vào trong các mảnh ruộng đó. Như thế, thủ phạm gieo cỏ lùng, tạo ra điều xấu chính là ma quỷ. Những người thợ nóng vội, họ muốn ngay lập tức xin chủ cho đi nhổ cỏ lùng. Nhưng Thiên Chúa là ông chủ đã không muốn như thế, Ngài trả lời cho những người thợ rằng: Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt, lúc đó, tôi sẽ cho thợ gom cỏ lùng lại mà đốt đi, còn lúa thì xếp vào kho lẫm.

    Cách hành xử của Thiên Chúa luôn là như thế. Người ta nói rằng: Không thể biến con sói thành con cừu, nhưng ở đây, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn để làm điều đó. Mặc dù biết rằng không thể biến cỏ lùng thành lúa, dù biết rằng cỏ lùng đang mọc chung với lúa, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ muốn để cho cả hai mọc lên, cho cả hai được hưởng sự chăm sóc tưới gội như nhau, cho đến ngày chúng trổ bông và kết trái. Có thể nói rằng, Thiên Chúa vẫn hy vọng với sự chăm sóc, bón phân đầy đủ, biết đâu có những cây cỏ lùng kia được biến đổi và trổ ra những hạt tốt chăng? Thiên Chúa vẫn đợi chúng cho đến mùa gặt, đó là thời gian, là cơ hội cuối cùng, nếu con người không thay đổi thì lúc đó, họ phải chịu sự thiêu đốt trong lò lửa.

    Đối với con người, thì sự kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa như trong câu chuyện dường như là vô lý, nhưng với Thiên Chúa thì vẫn là có lý, như dụ ngôn tiếp theo: Nước Trời giống như một hạt cải nhỏ bé, nhưng khi mọc lên nó trở thành một cây xum xuê; Nước Trời cũng giống như như nắm men được vùi trong thúng bột, nó làm cho cả thúng bột dậy mùi men. Hạt cải, xét về kích thước, chúng thật nhỏ bé không đáng kể, nhưng trong mỗi hạt cải lại có sức sống mạnh mẽ. Một khi bén rễ nẩy mầm, nó có thể phát triên thành một cây to khiến chim trời có thể nương náu. Điều đó cho thấy, hạt giống Nước Trời mà Thiên Chúa đã gieo vào thế giới và tâm hồn mỗi người, dù là người tốt hay kẻ xấu, thì với sức mạnh biến đổi của Thiên Chúa cùng với sự thiện chí của các tâm hồn, hạt giống đó sẽ trổ sinh thành cây lớn. Cũng vậy, Một nắm men không thấm vào đâu so với cả thúng bột, nhưng trong nắm men nhỏ bé ấy, có ẩn chứa một khả năng biển đổi mạnh mẽ, khi có những điều kiện thích hợp, nắm men nhỏ bé nơi tâm hồn mỗi người sẽ có dịp biến cả con người trở nên dậy mùi men Tin Mừng.

    Thế giới chúng ta đang sống bị đan xen bởi nhiều điều xấu điều tốt, điều xấu dường như ngày càng thắng thế và lấn át các điều tốt đẹp trong tâm hồn nhiều người. Khi đối diện với sự dữ sự ác như thế, nhiều người đã vội trách Chúa. Ví dụ: Tại sao Chúa không tiêu diệt hết bọn ác ôn? Tại sao bọn côn đồ ngang nhiên chiếm đất nhà dòng, đấp phá ảnh tượng Chúa, hành hung các thầy…, mà Thiên Chúa không phạt nó cho trắng mắt ra? Tại sao nhiều nơi, đạo Chúa đang bị bách hại mà Chúa không ra tay bênh vực hay trừng phạt những kẻ ác? Nếu mà Chúa cứ thẳng tay trừng trị những kẻ gian ác ngay lập tức như thế, có lẽ chúng đã biết sợ rồi.

    Nhìn lại cuộc sống mình, có khi chúng ta cũng không khác gì cỏ lùng trong ruộng lúa là Giáo Hội, mặc dù vẫn được chăm sóc tưới giội bằng ơn Chúa và các Bí Tích, nhưng chúng ta vẫn không sinh hoa trái tốt, chúng ta vẫn như những đám có lùng đang ngày ngày làm ảnh hưởng đến những người khác.

    Thiên Chúa cho tâm hồn chúng ta như mảnh đất tốt, nhưng do lâu ngày không nhổ cỏ bón phân nên mảnh đất ngày càng bạc màu, chai cứng. Có thể vì mảnh ruộng tâm hồn chúng ta không được rào chắn bằng giới răn lề luật của Chúa, do lối sống tự do buông thả, khiến cho dã thú là tội lỗi vào phá phách và kẻ thù là ma quỷ lén lút gieo vào tâm hồn ta những hạt cỏ đam mê, những thói hư tật xấu, những ham muốn hưởng thụ, khiến cho mảnh ruộng tâm hồn ta bị bao phủ bởi nhiều cỏ lùng cỏ dại.

    Gia đình là mảnh ruộng Thiên Chúa trao cho các cha mẹ chăm sóc bảo vệ, song vì mê ngủ, mê ăn uống, mê công việc, khiến cho ma quỷ lẻn vào gieo sự bất hòa, cãi vã trong gia đình, khiến cho gia đình trở nên lạnh lùng, bất hạnh.

    Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ và cho ta có cơ hội để thay đổi đời sống. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa, tận dụng cơ hội và ơn Chúa ban để làm mới lại bầu khí gia đình và trổ sinh hoa trái tốt lành. Xin cho chúng ta cũng biết kiên nhẫn và bao dung với những sai lỗi của nhau và cũng giúp nhau sống tốt mỗi ngày hơn. Amen
    Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Phú Cường
     
     
     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - LÀM VIỆC THIỆN

  •  
    Chi Tran

     
     
    HÃY LÀM ĐIỀU THIỆN VÀ TÌM KIẾM LẼ CÔNG BẰNG! ... 
     
    Tôi sinh ra trong một gia đình có Cha Mẹ không tâm đầu ý hợp. Do đó tôi cảm thấy mình không được yêu thương thông cảm. 
    Không có tình thương trong gia đình, tôi lang thang tìm kiếm tình thương trên vỉa hè đường phố, trong ma túy, dâm ô và bạo lực. Đúng là một tên ”tiểucôn-đồ” mất dạy! Thêm vào đó, năm lên 14 tuổi, tôi bị mổ tim. Từ đó tôi cứ đau ốm liên miên. Tất cả tình trạng này khiến tôi cảm thấy mình là một người bệnh hoạn, không bình thường và đáng ghét! 
    Tôi bỏ nhà ra đi không biết bao nhiêu lần. Lần đầu vào năm lên 13, lần thứ hai năm lên 14, rồi lần thứ ba năm lên 15. Đến năm 16 tuổi thì tôi dứt khoát bỏ nhà ra đi vĩnh viễn! Tôi lao mình vào ma túy. Trước đó, đã có mấy lần tôi toan tính tự tử, kết thúc cuộc đời ”ô trọc” buồn thảm nơi trần gian này! Nhưng dự tính đã không thành. Tôi lê lết đầu đường xó chợ, lang thang từ thành phố này sang thành phố khác. Tôi bất cần mọi sự và mọi người. 
     
    Tuy nhiên, suốt trong thời gian đen tối ấy, có một sợi dây vô hình vẫn ràng buộc tôi với Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đó là những lời kinh của mẹ tôi. Hình ảnh mẹ tôi đứng vững trong kinh nguyện luôn đậm nét trong tâm hồn tôi. Chính nhờ mẹ tôi mà Đức Chúa GIÊSU hằng hiện diện trong cuộc đời tôi. 
    Một ngày, tôi như chạm đến tận đáy nỗi khao khát của lòng mình. Không có độ ma túy nào có thể làm thỏa mãn được tôi. Cơn khát của tôi thật thăm thẳm không đáy. Đó là cơn khát Ánh Sáng, Tinh Khiết và Tình Yêu. Lạ lùng thay trong cơn khao khát tuyệt vọng, tôi bỗng tìm kiếm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. 
     
    Bị lạc loài mất hút trong sương mù, tôi cất tiếng khẩn thiết gọi danh thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Vào năm 17 tuổi, khi đi dự một buổi tĩnh tâm cuối tuần, tôi đã gặp một Linh Mục thánh thiện. Vị Linh Mục lắng nghe tôi tỏ bày tâm sự. Sau đó ngài nói với tôi về Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU, về cách thức Người yêu thương tôi như thế nào. Lắng nghe vị Linh Mục nói, tôi cảm nhận được tình thương vị Linh Mục dành cho tôi. Và qua tình thương của vị Linh Mục, tôi khám phá ra một tình thương khác: Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. 
    Ngay lúc đó, tôi tận hiến toàn thân tôi cho Chúa và nhất là tôi trao trọn cho Chúa tất cả khốn cùng của cuộc đời tôi: ma túy, phái tính và mọi tội lỗi. Trong phút chốc, tôi thấy gánh nặng của mình trở nên nhẹ nhàng. Và tôi cảm nghiệm Đức Chúa GIÊSU thật hiền dịu êm ái biết là chừng nào! 
    Từ đó Đức Chúa GIÊSU KITÔ trở thành Bạn của lòng tôi, Người Bạn tôi chưa từng có và một Tình Bạn không thể thiếu vắng. Chưa hết, từ Tình Bạn chuyển sang Tình Yêu. Tôi thật sự si tình, say mê Tình Yêu Chúa. 
     
    Một điều đáng nói là sau khi hồi tâm trở về với Tình Yêu của Chúa, tôi cảm thấy một nỗi khao khát sự trong sạch tinh khiết. Linh hồn tôi ao ước trở nên trong sạch, trắng tinh. Khi nhìn thấy màu trắng tinh tuyền của tuyết, tôi liền nghĩ đến sự trong trắng tinh khiết vô biên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Và tôi khẩn thiết kêu van Đức Chúa GIÊSU KITÔ giúp tôi đạt đến sự trong sạch của linh hồn, của con tim và của thân xác. Làm thế nào để linh hồn, con tim và thân xác tôi trở lại trắng tinh như ngày chịu phép rửa tội. Dĩ nhiên, chỉ duy nhất Đức Chúa GIÊSU KITÔ mới có thể giúp tôi đạt đến mức độ trắng tinh này. 
     
    Từ ngày trở về với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và khám phá ra Tình Yêu vô biên của THIÊN CHÚA, tôi cũng nhận ra sứ mệnh Đức Chúa GIÊSU trao phó cho tôi. Đó là lớn tiếng rao giảng cho mọi người nghe Đức Chúa GIÊSU cao đẹp biết là chừng nào! Ngoài ra tôi có bổn phận làm cho Tình Yêu Chúa được biết đến, được yêu mến và được lan rộng mãi mãi. Tôi có bổn phận nói với từng bạn trẻ: - Bạn có biết Đức Chúa GIÊSU thật đẹp ở trong lòng bạn không? Tôi có bổn phận nói với các bậc làm cha làm mẹ: - Quý ông bà có biết Đức Chúa GIÊSU thật đẹp nơi lòng ông bà và nơi con cái ông bà không? Tôi còn phải nói với những người khốn khổ, không được yêu thương: - Anh chị em được THIÊN CHÚA là CHA chúng ta ở trên trời yêu thương bằng một tình yêu điên rồ, vô biên và vĩnh cửu. 
    ... Chứng từ của anh André, thanh niên Công Giáo Canada. ... 
    ”Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình 
    .. Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” 
     
    Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
     
     
     
     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - THƠ

 
 
 
XUÂN HY VỌNG
“Cha ngã xuống…cho hồn con đứng dậy
Nhấp men cay…cho bừng tỉnh cơn mê.”
(Tưởng nhớ Cha Giuse Trần Ngọc Thanh)
Cha nằm xuống, muôn hoa tươi vẫn nở
Phủ mộ Cha trong ánh nắng chan hoà
Vẫn vẳng nghe ríu rít tiếng chim ca
Cả tiếng côn trùng hoà vui cùng gió mát.
Cha ngã xuống, tim triệu người tan nát
Nhưng nảy sinh hạt giống mới ân tình
Được tưới bằng nước mắt với hy sinh
Bằng nỗi nhục nhằn, đau thương trong thầm lặng.
Con tự hỏi, trong nỗi buồn sâu lắng
Sao Chúa lại cần một “Hy Lễ Chiều Xuân”?
Thánh Ý nào mà Chúa đã đong cân
Cho Giáo Hội Việt Nam được thay màu áo mới.
Câu trả lời trong thẳm sâu diệu vợi
Đất cằn cỗi…sao hạt giống trổ sinh?
Cây héo khô…sao hun đúc niềm tin
Nẩy lộc đâm chồi giữa cuồng phong bão tố?
Ý nhiệm mầu trong Chương Trình Cứu Độ
Ngài xới cày cho mảnh đất hồi sinh
Để nảy mầm muôn hạt giống đức tin
Cần được cày, tưới bằng nước mắt và máu người Công Chính.
Cha nằm đó, giữa đất trời thanh tịnh
Cho hồn con bừng cháy một niềm tin
Cho lữ khách mạnh mẽ bước hành trình
Vượt qua thung lũng sầu thương
bằng khúc hát…. Mùa Xuân Hy Vọng.
Mùng 4 Tết. 04.02.2022
A.P Mặc Trầm Cung
 ---------------------------------------------