20. Những Bài Về Đức Mẹ

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - LM LEO NÚI

 

 

LÒNG TỪ MẪU BAO LA CỦA ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC ❤️
Nơi sở bưu điện thành phố Lecco, thuộc miền Lombardia (Bắc Ý) có nữ nhân viên trẻ tuổi, duyên dáng và nhanh nhẹn. Ai ai cũng quý mến cô. Mọi người âu yếm gọi cô bằng tên Benedetta, trong nguyên ngữ Ý có nghĩa là người có phúc, được chúc lành ..
Bình thường cô Benedetta tiếp đón và phục vụ khách hàng hết sức chu đáo, lịch sự và nhã nhặn. Cô không tỏ ra cáu kỉnh bao giờ, kể cả đối với những khách hàng “ngu ngơ, lẩm cẩm” và hay quấy rầy nhất ..
Thế nhưng có sự kiện “bất thường”, không ai hiểu nổi và giải thích được, kể cả chính đương sự. Đó là hàng tuần, cô Benedetta chỉ nổi giận duy nhất vào ngày cô cầm trên tay để đóng dấu bưu điện thành phố Lecco vào tờ tuần san thông tin Công Giáo đến từ Lộ Đức, Trung Tâm Thánh Mẫu nổi tiếng của nước Pháp. Nguyên sự kiện nhìn thấy con dấu bưu điện mang tên Lộ Đức đủ làm cô Benedetta mất bình tĩnh. Thật tội nghiệp cho tờ tuần san bé nhỏ, khiêm tốn và trầm lặng.. Nào nó có làm gì nên tội cho cam! Vậy mà cô Benedetta giận dữ ghét bỏ nó, ném nó vào góc bàn, hoặc đôi khi mạnh tay vứt nó vào sọt rác .. Cơn giận vô cớ không thay đổi và giảm bớt theo thời gian, trái lại còn tăng mạnh thêm mãi.
Nhiều lần để hả giận cô Benedetta bèn lấy con dấu bưu điện thành phố Lecco và đóng tan tành, đóng chồng chất lên chữ LỘ ĐỨC, khiến không ai còn có thể đọc ra tên LỘ ĐỨC nữa. Lúc đó cô mới hả giận, chuyển tờ tuần san thông tin Công Giáo Lộ Đức đến tay người nhận!
Trinh Nữ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, từ trời cao, hẳn trông thấy từng cử chỉ nhỏ nhặt từng tâm tình kín ẩn của cô nhân viên trẻ tuổi sở bưu điện Lecco. Nhưng Đức Mẹ nhân từ, thay vì trừng phạt đứa con hỗn láo, Mẹ lại nhẫn nhục chờ đợi thời cơ thuận tiện, một con đường mới, một cách thức mới để chúc lành cho Benedetta, đúng theo tên gọi quý hóa của cô.
Một ngày theo thông lệ, tờ tuần san thông tin Công Giáo Lộ Đức tới bưu điện thành phố Lecco. Nhưng hôm đó tờ tuần san bị gấp lộn, nên một tờ bên trong tờ báo lại nằm ra bên ngoài với tựa đề thật lớn: “Một cuộc khỏi bệnh lạ lùng”. Vừa cầm tờ báo trên tay, lại đọc thêm hàng chữ lạ lùng đó, máu nóng của cô nhân viên dâng lên tới đầu. Con dấu bưu điện như bị đứng yên lơ lửng giữa vời .. trước tâm tình ngổn ngang của Benedetta. Sau cùng, bị tính tò mò thúc đẩy cô vội vàng đọc xem nội dung câu chuyện ra sao .. Đó là bài tường thuật về cuộc khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức của một phụ nữ Công Giáo, sau 14 năm bị tê bại hoàn toàn.
Đọc xong Benedetta thật sự xúc động. Phép lạ đầu tiên xảy ra. Cô không vứt tờ tuần san Lộ Đức vào một xó, cũng không bỏ vào sọt rác, nhưng lại để vào xách tay và mang về nhà. Về nhà, cô đọc đi đọc lại nhiều lần. Câu chuyện khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức tác động mạnh trên trí thông minh và trên con tim của cô. Sau cùng, con tim chiến thắng. Benedetta thành tâm thống hối về thái độ ngổ nghịch của mình đối với Đức Mẹ Lộ Đức, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Benedetta lấy giấy và viết thư cho phụ nữ Công Giáo may mắn, được Đức Mẹ chữa lành bệnh tật tại Lộ Đức. Thư gửi đi, không bao lâu sau, Benedetta nhận được thư trả lời của người khỏi bệnh. Từ đó, cuộc đời Benedetta hoàn toàn đổi khác.
Ba tháng sau, Benedetta chính thức lấy xe lửa đến Lộ Đức. Quỳ trước Hang Đá Đức Mẹ, Benedetta khiêm tốn thỏ thẻ: “Thưa Mẹ, lần này, người đóng dấu bưu điện chính là Mẹ. Chính Mẹ đã đóng dấu LỘ ĐỨC của Mẹ trên trái tim con. Nhờ thế trái tim con được biến đổi và được chúc lành. Từ nay, tên gọi LỘ ĐỨC trở thành tên gọi dấu ái và được ghi khắc mãi mãi trong trái tim con, không bao giờ mờ xóa” ..
(Sac. Pietro Ceccato, “Alla Scuola della Madonna”, Centro Mariano Montfortano, 1961, trang 222-223).
Nguồn: binhcang.com
 
 -----------------------------------------------
 
 

 

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ

  •  

    NGƯỜI CON GÁI TÊN MARIA

    Bài 3

    THĂM VIẾNG.

    Thiên Thần báo cho Maria một tin vui: Bà Êlisabet đã được Chúa viếng thăm. Bà đã mang thai được sáu tháng, con người bị coi là son sẻ. Sứ thần Chúa đi rồi, Maria vỗ tay reo mừng: “Chị Êlisabét đã mang thai được sáu tháng!” Còn gì vui sướng cho bằng !

    Được có con trong lúc tuổi già không là một điều tầm thường. Có lẽ bà Êlisabet đã khóc lên vì vui mừng, trái ngược với bà Xara, vợ của Abraham đã cười : “Chúa đã cất khỏi tôi  nỗi nhục nhằn tôi phải chịu”.

    Maria  nghĩ đến người chị họ già nua, ở xa. Hai vợ chồng già, “kính sợ Thiên Chúa”, rất đạo đức, và chị Êlisabet đã nặng nề lắm rồi. Chị cần phải có người giúp đỡ trong lúc nầy.

    Thánh Luca viết: “Maria vội vã lên đường

    Maria không đắn đo, ngập ngừng. Nàng vội vã ra đi.

    Sao Mẹ vội vàng như thế?

    Tình yêu nào không vội vã ráo riết ? Tình yêu nào không nóng sốt ?...Tình yêu bao giờ cũng đi tới, không lui. Tình yêu nào cũng liều lĩnh.

    Maria vội vã ra đi.

    Con lừa nhịp bước theo tiếng hát vui của Maria, còn nàng, nàng đang nghĩ đến những gì nàng sẽ làm cho người chị họ yêu dấu. Nàng có nghĩ rằng nàng đang mang theo trong mình một kho tàng mà trời đất nầy không thể chứa?

    Con đường từ Nadareth đến Ain-Karim dài hơn 100 cây số. Con đường đồi núi hiểm trở, nhưng Maria không ngại. Nàng vẫn ra đi trong tiếng hát.

    Ra đi để chia vui với người chị họ lâu năm mõi mòn chờ đợi trong tuyệt vọng. Bà mẹ của Samuen đã lên Đền thờ cầu nguyện khóc lóc, xin cho được một đứa con, và bà đã mãn nguyện vì Chúa đã đoái thương đến bà. Bà Êlisabet mõi mòn cầu xin, nhưng hình như Chúa vẫn lặng thinh. Hôm nay bà có thể vui mừng vì Chúa đã nhậm lời.

    Ra đi để giúp chị một tay khi chị chỉ có một mình trong tuổi già và đang mang nặng “tin vui”.

    Maria rộn vui trong ánh sáng ban mai. Tình thương rộn rã trong tim. Niềm vui đầy ắp như thủy triều. Nàng ra đi, mang trong tim tình yêu chớm nở, mang trong hồn quả phúc linh thiêng và niềm vui xao động.

    Maria không ngại đường dài nắng cháy.

    Ngồi trên lưng lừa, Maria hát những khúc ca lên đền quen thuộc: “Vui mừng biết bao khi người ta nói với tôi: chúng ta sẽ lên đền Thánh Chúa”...

    Mẹ là lữ khách trên dặm đường dài.

    Con lừa yêu dấu, hãy nhẹ bước chân nhé, để Mẹ yên hàn đến nơi nhà chị.

    Trên đường, Mẹ thấy gì?

    Những bông hoa nhỏ hân hoan cười ròn đón Mẹ?

    Những cây xương rồng sa mạc gai góc cũng vẫy tay chào?

    Hay những đồi cát êm nhẹ uốn éo?

    Ánh nắng chói chang hực nóng dừng lại đợi chờ?

    Con theo Mẹ trên con đường dài hiểm trở.

    Mẹ vẫn điềm nhiên lên giốc xuống đèo, ánh mắt đăm chiêu tư lự, nhìn những cụm cây gai góc.

    Con muốn là con lừa con đưa Mẹ đi thăm, không chỉ là bà Êlisabet, mà tất cả những bà mẹ trên thế giới, nhất là những bà mẹ khốn khổ, đang mang nặng đứa con vô thừa nhận, bơ vơ, những bà mẹ đang bị xiđa hoành hành, khóc cho con mình đang cưu mang... những bà mẹ bên bờ vực thẳm tuyệt vọng...

    Cho con theo Mẹ trên đường dài thống khổ của cuộc đời.

    Đi thăm, không phải những lăng tẩm của những người lưu danh trên thế giới, mà tên tuổi bị gió cuốn theo thời gian như những chiếc là vàng khô.

    Đi thăm những trẻ em đói rách chỉ còn da bọc xương trong một thế giới đầy những kho vũ khí giết người.

    Đi thăm những cô gái ngày nào ngây thơ, hôm nay chỉ là rác rưởi mua vui cho mọi người.

    Đi thăm những bệnh nhân chờ chết không thuốc men, không người chăm sóc.

    Đi thăm những ổ chut chứa đầy những tội ác làm nhơ bẩn thế giới.

    Đi thăm tất cả những thống khổ của con người hôm nay, gom tất cả những khổ đau câm lặng và...chấp tay... để tất cả trở thành hiến dâng.

    Đi thăm những tâm hồn khốn khổ, nhng mãnh vụn trôi giạt theo dòng đời, giúp họ biến đau khổ thành “xin vâng”.

    Đi thăm để chết đi từng ngày cho vùng đất hận thù nhỏ lại và tình yêu triển nở.

    Đau thương, thống khổ réo gọi, xin đừng để cho tim con dửng dưng khô héo, lạnh lùng nhắm mắt.

    Xin cho mắt con luôn mở rộng để nhìn thấy những người anh em khốn khổ để cảm thông, để yêu thương vô bờ.

    Cho con biết khóc như Chúa đã khóc trên Giêrusalem bạc tình, ngây dại.

    Maria vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabet

    Bà Êlisabet ngạc nhiên và vui mừng khôn tả khi nghe tiếng Maria.

    Một bất ngờ không thể hiểu được.

    Maria, một cô bé quê mùa đã vượt hàng trăm cây số để đến với người chi họ già nua. Êlisabet không thể ngờ là Maria có thể làm được điều nầy.

    Ngỡ ngàng biết bao khi thấy đứa em nhỏ bé của mình đã đến.

    Ôm Maria trong vòng tay, bà Êlisabet đã thốt lên những lời không phải là của bà: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến với tôi thế nầy?”

    Thánh Luca không ngại nói rõ: “Bà Êlisabet được đầy tràn Thánh Thần”.

    Thánh Thần Chúa đã mượn tiếng nói của bà Êlisabét để báo tin cho mọi người biết Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lần đầu tiên Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Và từ hai mươi thế kỷ nay, Giáo Hội luôn tôn kính Mẹ dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa.

    ThánhThần Chúa đã xác nhận hồng ân được trao ban.

    Mẹ Thiên Chúa đã đến. Niềm vui của bà Êlisabét nổ lên như pháo hoa...

    “Phúc cho chị biết bao ! Vì em đến,

    Vì em là Mẹ Thiên Chúa.

    Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.

    Phúc cho em vì em đã cưu mang Đấng được chúc phúc.

    Phúc cho em vì em đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.

    Maria đầy ơn phước.

    Ơn phước đó đã trào tràn trên thai nhi trong lòng bà Êlisabet: “Nầy đây, tai tôi vừa nghe lời em chào thì con chị đã nhảy mừng...”

    Mấy bà mẹ đang mang thai, nhất là phụ nữ Do thái rất hãnh diện vì con của mình. Bà Êlisabet nắm tay Maria đặt lên bụng mình: “Em xem, nó nhảy mừng đấy! Vui chưa?”

    Maria đón nhận lời chào của bà Êlisabeth bằng một khúc ca tạ ơn: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. ( còn tiếp)

    Lm Trầm Phúc

    Kính chuyền:

    Hồng

     

     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - LM TRẦM PHÚC

  •  LM TRẦM PHÚC

    NGƯỜI CON GÁI TÊN MARIA.

    Tôi muốn gom tất cả mọi giai điệu, mọi vần thơ trần thế dâng về Mẹ.

    Tôi muốn dâng về Mẹ con tim nhỏ bé của tôi và con tim của mọi người đang đập cho một nhịp sống khổ đau, trĩu nặng.

    Lý lịch.

    Maria, con ông Gioakim và bà Anna,

    Cư ngụ tại làng Nadaret, Xứ Galilê.

    Bông hoa nhỏ

    Trong Tin Mừng Gioan, khi Philipphê gặp Nathanaen và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, là Giêsu thành Nadaret…”

    Nathanaen nói: “Nadaret nào có gì hay đâu!”

    Ông lầm to!

    Ở Nadaret, một thôn làng nhỏ bé, vô danh, nhưng có một kho tàng quí báu tuyệt vời, một bông hoa nhỏ tên Maria, một bông hoa kín đáo, âm thầm mọc, không ai thấy, không ai để ý, nhưng ánh mắt của Thiên Chúa đã say mê ngắm nhìn, ngay từ buổi rạng đông của một kiếp người.

    Maria, vầng hồng diễm lệ!

    Bông hoa nhỏ ấy là mẹ tôi, sinh ra tôi trong trời chiều ảm đạm Canvê.

    Hạnh phúc của tôi là đây, là được làm con của một bà mẹ trinh vẹn tuyệt vời! Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.

    Tôi nhìn về bông hoa nhỏ ấy và tâm hồn tôi vang ca khúc hát tạ ơn…

    Tôi say sưa nhìn ngắm thật lâu…thật lâu… chiếc hoa âm thầm ở Nadaret:

    Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại,Danh Ngài chí thánh chí tôn…”

    Bông hoa nhỏ ấy tươi nở trong ánh vàng ân sủng: “ Thánh Thần Chúa sẽ đến với Bà…” Chỉ cần một bông hoa nhỏ đó thôi, Chúa thay đổi thế giới.

    Tại sao chúng ta không là những bông hoa nhỏ của Chúa? Vì thế mà thế gian đã ra tồi tệ và con người trở thành hiểm họa cho con người.

    Như một đứa trẻ lần giở lại quyển album cũ của gia đình, tìm lại những khuôn mặt yêu dấu, tôi lần tìm dấu vết của Mẹ, gợi lại trong tâm hồn khuôn mặt mà tôi vẫn yêu mến.

    Những tấm hình bất động trong quyển album cũ, đột nhiên mang lấy sự sống và một thế giới ngủ yên trong dĩ vãng đã trở thành hiện tại.

    Đây, hình ảnh của Mẹ lúc mười hai tuổi.

    Cái tuổi hồn nhiên tươi sáng ấy. Mẹ như thế nào?

    Không gì khác lạ, một cô gái quê bình dị. Một bông hoa nhỏ thôi. Maria vẫn vui tươi cười đùa với bạn bè hàng xóm, vui tươi giúp đỡ mọi người, nhưng… có lúc trầm tư suy nghĩ…

    Những lời Kinh Thánh được chăm chú lắng nghe ở Hội đường mỗi ngày sabbát, nàng khắc ghi trong lòng từng câu, từng đoạn và suy nghĩ.Chờ đợi Đấng Cứu Thế được loan báo.

    Maria như bao nhiêu thiếu nữ khác, hằng ngày vẫn đi kín nước ở giếng đầu làng, vẫn ngồi quay tơ, làm việc nhà, giặt giũ…

    Cuộc sống hằng ngày cũng bao nhiêu đó thôi, nhưng là cả một kho tàng quí giá mà không ai khám phá.

    Nhìn Mẹ trong ánh sáng trinh trong vô nhiễm nguyên tội, tôi nhìn thấy tình yêu Chúa tràn ngập trên khắp thế giới khốn khổ tội lụy của chúng ta.

    Nhìn Mẹ, tôi cảm thấy hừng đông của ơn cứu độ tỏa sáng trong tăm tối của trần gian.

    Vô Nhiễm nguyên tội.

    Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên tín : Mẹ Maria đã được Thiên Chúa giữ gìn vẹn toàn ngay từ khi mới tượng thai trong lòng mẹ. Mẹ được gọi là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.

    Giáo Hội lại thêm một tín điều. Trước khi Giáo Hội tuyên tín, ngay từ xa xưa, Mẹ Maria đã được  giáo dân khắp thế giới  công nhận và tôn kính như Đấng vô nhiễm nguyên tội. Và đến thế kỷ XIX mới được chính thức tuyên tín..

    Maria, người con gái quê, đơn sơ trong sáng đã được tuyển chọn.

    Vô tỳ tích, tuyền vẹn hồn xác, Mẹ mới đem lại cho Con Thiên Chúa nhập thể một thân thể toàn vẹn.

    Vô nhiễm nguyên tội !

    Một hồng ân có một không hai. Hãy nhìn Mẹ thật lâu… thật lâu, bạn sẽ thấy tâm hồn bạn ngời sáng.

    Chiêm niệm là đó, là nhìn ngắm lâu giờ, say mê…

    Nhìn Mẹ trong hồng ân vô nhiễm, chúng ta sẽ cảm thấy dâng tràn trong ta một ước vọng vô biên, ước vọng được biến đổi, được tinh tuyền. Chúng ta sẽ bay cao trong vùng trời yêu thương của Chúa, và trần gian sẽ lui bước nhường chỗ cho tình yêu ngự trị. Những xa hoa trần gian sẽ sẽ không còn hấp dẫn.

    Vô Nhiễm nguyên tội!

    Tôi muốn thành cô bé Bênađêta, đứng sững sờ trước hang đá Lộ-Đức, trước vẻ đẹp của một nàng trinh nữ đang mỉm cười.

    Bênađêta, một thiếu nữ quê mùa, dốt nát, bệnh hoạn (suyển) nhưng trong sáng đã được nhìn thấy Mẹ… và suốt đời không thể quên được khuôn mặt rực rỡ trinh trong và đáng yêu, và sau cùng đã nghe được lời ru ngọt ngào vinh hiển: “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”.

    Vô Nhiễm nguyên tội, Mẹ là “đền vàng” để Chúa có thể đến với chúng con, đến với thế gian tội lụy nầy.

    Đính hôn.

    Đến tuổi phải lấy chồng. Giuse được chọn để làm bạn đời của Maria và thánh Matthêu gọi ngài là “người công chính”. Thật là thích hợp. Qua những biến cố sau nầy, Giuse chứng tỏ sự công chính của mình.

    Trước mắt hai họ và mọi người, Maria đã được đính hôn chờ ngày rước về nhà chồng.

    Được đính hôn, Mẹ có vui không?

    Thiếu nữ Do thái, được đính hôn là một vinh dự, vinh dự được chọn , vinh dự sẽ được làm mẹ. Một cô gái không chồng là một nỗi nhục, là một khốn khổ ê chề.

    Son giá cũng là một sự khốn nạn vì đó là dấu bị Chúa ruồng bỏ.

    Mẹ có vui không?

    Theo thông thường, cô gái được đính hôn sẽ rộn vui, sẽ ngợp thở vì hạnh phúc, nhưng Maria bình thản, chấp nhận nhưng chắc không vui gì, vì tâm hồn nàng đang ước mong một cái gì đó đẹp hơn. Nàng chỉ muốn trọn vẹn cho Thiên Chúa của nàng.

    Chắc nàng cũng không xa lạ gì với những vần thơ yêu thương của  Diễm Ca, nghe đọc trong Hội đường.

    Nàng chỉ mong một người yêu duy nhất, thuộc trọn về người yêu duy nhất, đó là Thiên Chúa của nàng.

    Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng mau bước.

    Quân vương đã mời thiếp vào cung nội.

    Ngài là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em.

    Ân ái của Ngài chúng em quí hơn rượu.

    Thương yêu Ngài phải lẽ biết bao!”

    Người yêu của tôi lên tiếng bảo: “Dậy đi em, bạn tình của anh,

    Người đẹp của anh, bạn tình của anh,

    Người đẹp của anh , hãy ra đây nào!” (Diễm ca).

    Nàng đã nghe tiếng gọi  của trên cao. Tình yêu trần gian mờ nhạt.

    Đính hôn ở trần gian mà hồn như bay đâu…xa vời.

    Mối tình đầu đã bám vào con tim, mối tình nào sẽ tách ra được ? Nàng đã thuộc về Thiên Chúa của nàng thì chàng trai trần gian nào có thể chinh phục nàng ?

    Nàng sẽ mãi mãi trọn tình với Đấng đã yêu nàng từ thuở khai nguyên: “Người yêu của tôi thuộc trọn về tôi, và tôi thuộc trọn về chàng”. (Diễm ca”).

    Truyền tin.

    Nhưng mọi sự không như con người đặt định.Thiên Thần Chúa được sai đến với Maria, nghiên mình kính cẩn chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phước. Thiên Chúa ở cùng Bà…”

    Một cô gái quê được sứ thần kính cẩn nghiên mình bái chào!

    Một lời chào rất lạ khiến cô gái ngạc nhiên và bối rối. Sứ Thần Chúa không gọi tên cô bé là Maria mà gọi nàng là “Đầy ơn phước”.

    Lời chào là một thông báo: “Hãy vui lên!

    Hãy vui lên! Không phải chỉ có Maria rộn vui mà hôm nay chúng ta cũng rộn vui, vì qua tiếng nói của Sứ Thần, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người.Từ nay không còn khoản cách, không còn sợ sệt. Cửa địa đàng đã khép kín từ xa xưa, hôm nay rộng mở.Thiên Chúa đã đến cầu hôn với con người. Thiên Chúa đã đi bước trước. Tình yêu của Ngài đã tỏ hiện. Ngài đã tìm được “người yêu lý tưởng” để trao phó Con Một của Ngài.

    Nàng chỉ là một cô gái quê, vô danh, nhưng Ngài đã chọn và gìn giữ đến hôm nay.

    Chúng ta làm sao hiểu được giây phút đó trong sáng, tuyệt diệu như thế nào!

    Trời đất đã thông hiệp. Niềm vui thiên quốc đã đến thắp sáng trần gian u tối của chúng ta. Chỉ cần một lời chào! Chỉ cần một tiếng nói! Thiên Chúa đã nói lên ý định của Ngài khi chọn Maria mà Ngài đã cho “đầy ơn phước”. Một người con của trần gian đã được Thiên Chúa để ý đến. Sau nầy, chúng ta mới nghe Mẹ Maria nói: “Ngài đã nhìn đến phận hèn tớ nữ”. Nàng  “đầy ơn phước nghĩa là được Thiên Chúa tràn ngập: “Thiên Chúa ở cùng Bà”.

    Lời chào nầy, chúng ta thường lặp đi lặp lại trên môi miệng nhơ bẩn của chúng ta…Hãy vui mừng lặp lại lời chào linh thiêng ấy với tất cả niềm vui và biết ơn. Hạnh phúc của chúng ta sẽ tràn trề, vì từ nơi Mẹ, hồng ân của Chúa sẽ tràn ngập trên chúng ta. “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.

    Tiên tri Gioen đã báo trước niềm vui nầy: “Hỡi con cái Xion, hãy vui mừng hoan hỉ…Các ngươi sẽ biểt rằng giữa Itraen, có Ta hiện diện. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi”…

    Ngài hứa khôi phục lại tất cả, nhờ một thiếu nữ Xion.

    Sứ Thần vừa chào, Maria chưa vui mà băn khoăn tự hỏi: “Thế là sao?”

    Sứ Thần trấn an: “Maria đừng sợ, vì Bà  đẹp lòng Thiên Chúa. Và nầy đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, đặt tên là Giêsu… Ngài là Con Đấng Tối Cao”…

    Thụ thai? Con Đấng Tối Cao? Tất cả dồn dập trong tâm trí của Maria. Nàng vẫn chưa hết thắc mắc.: “Làm thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Maria đã đính hôn. Vài tháng nữa sẽ được rước về nhà chồng, sao lại “không biết đến việc vợ chồng?”

    Làm sao có thể như thế?

    Trong xã hội Do thái, người nữ hoàn toàn lệ thuộc vào người nam. Người nam có thể từ chối không nhận người con gái được đính hôn với mình và có thể “trả tự do cho nàng”.  Người nữ chỉ có quyền ưng thuận mà thôi. Sao Maria có thể nói là sẽ không có chồng?

    Thánh Luca đã nói rõ: “được đính hôn với một thanh niên tên là Giuse”. Quyền của phái nữ chỉ là “năn nỉ”. Maria, dù đã được đính hôn vẫn nuôi trong lòng ước vọng là sống độc thân và chắc sẽ phải năn nỉ Giuse trả tự do cho nàng.Nàng biết Giuse là một người tốt, có thể chấp nhận yêu cầu của nàng.

    Thiên Thần Chúa giải thích: Không, vấn đề vợ chồng là một chuyện, đây là một chuyện khác, đây là ý định của Thiên Chúa, Ngài sẽ trực tiếp can thiệp: “Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

    Maria có hiểu những lời đó không? Không gì rõ rệt hơn. Maria, tuy còn trẻ nhưng chắc chắn không là một thiếu nữ kém thông minh, vã lại nàng đã được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh từ nhỏ, không lẽ không hiểu?

    Những từ “Thánh Thần Chúa, Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa” đập mạnh vào tâm trí của nàng, không lẽ nàng không hiểu?

    Nhưng Sứ Thần nói rõ hơn:” Kìa, bà Êlisabet, chị họ của Bà, tuy già rồi mà cũng được cưu mang một đứa con trai… nay đã có thai được sáu tháng”. Một tin vui cho Maria đồng thời là một bằng chứng. Và sau cùng là một câu xác quyết mạnh mẽ:        “ Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được”.Sau nầy, Maria nói với bà Êlisabet: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng  đại, Danh Người thật chí thánh chí tôn.”

    Trong giây phút ấy, những gì Maria đã học biết trong Kinh Thánh, những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử vụt xuất hiện dồn dập trong tâm trí  nàng. Nàng cúi đầu vâng phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

    Maria đã trở thành nữ tỳ của Chúa, hoàn toàn là của Chúa, hoàn toàn phó thác trong tay Đấng Toàn Năng mà nàng đã tin tưởng. Nàng được bảo đảm về mọi mặt. Nàng không cần phải suy nghĩ gì cả, nàng chỉ vâng phục, một sự vâng phục tự do, đầy tin tưởng.

    Mẹ Maria,

    Con nhìn Mẹ. Mẹ trong sáng làm sao! Mẹ xuất hiện trước mắt con như một ánh sáng dịu êm, tỏa mát. Thái độ, những lời thân thưa khôn ngoan, rõ rệt của Mẹ, khiến con rộn vui.

    Những hồng ân Chúa ban cho Mẹ làm con sung sướng.

    Con muốn nhảy mừng khi nhìn Mẹ tuyệt vời trong sáng. Con muốn nép mình bên Mẹ để thì thầm một lời nói yêu thương: con yêu Mẹ.

    Cùng với Sứ Thần, cùng với bao nhiêu tâm hồn yêu Mẹ, con muốn nói:

    Kính mừng Maria đầy ơn phước,

    Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.

    Con muốn hòa tiếng với thi hào trứ danh Paul Claudel để nói lên với Mẹ những lời ân tình chan chứa:

    Mười hai giờ trưa.

     Con thấy nhà thờ mở cửa,

    Phải bước vào thôi.

    Lạy Mẹ Chúa Giêsu –Kitô,

    Con đến không phải để cầu xin.

    Con không có gì để dâng, và không có gì để xin.

    Con chỉ đến, thưa Mẹ, Chỉ để nhìn Mẹ thôi.

    Nhìn Mẹ, khóc lên vì sung sướng,

    Biết rằng con là con của Mẹ, và Mẹ đang ở đây.

    Chỉ cần một khoảnh khắc thôi khi mọi sự đều dừng lại.

    Mười hai giờ trưa!

    Ở với Mẹ trong nơi Mẹ đang có mặt,

    Không nói gì, nhìn khuôn mặt Mẹ thôi,

    Để cho con tim hát lên những khúc hát của riêng nó.

    Không nói gì, nhưng chỉ hát thôi, vì trái tim con quá đầy.

    Như con chim sáo cứ hát những giai điệu bất chợt theo ngôn ngữ của nó.

    Vì Mẹ đep,

    Vì Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.

    Người nữ rồi cũng được phục hồi trong Ân Thánh,

    Tạo vật, trong vinh dự đầu tiên và trong sự tươi nở cuối cùng của nó,

    Như thuở ban đầu xuất hiện từ bàn tay Thiên Chúa,

    Trong ánh ban mai của sự rực rỡ khai nguyên.

    Vẹn toàn khôn tả,

    Vì Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu,

    Trong tay Mẹ, Ngài là chân lý và là nguồn hy vọng duy nhất, và cũng là quả phúc độc nhất(…).

    Lạy Mẹ Chúa Giêsu,

    Con cám ơn Mẹ.

    Paul Claudel ( La Vierge à midi ).

    Lm Trầm Phúc.