6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - BUỔI CHIỀU TRÊN NGHĨA TRANG

  •  
    Hoc Pham
     
    -  Chiều " thu phân " -
    Buổi chiều trên nghĩa trang  ( Trương Văn Dân )
     (  bởi xunauvn )
    Chiều  hôm đó  vợ chồng tôi lên nghĩa trang thăm mẹ. Lúc này là đầu tháng mười một, ngày tử vong nhân. Gió lạnh thổi  trên các cánh đồng, rít lên trên mấy hàng cây lá cành trơ trụi. Những đám mây cuồn cuộn trôi lững thững  trên bầu trời thấp và âm u. Không gian phủ một màu xám, mặt trời le lói, chiếu sáng mù mờ nên trông  như ánh trăng khuya. Chúng tôi bước đi  trên con đường nhỏ, trống trải và cái  rét nhè nhẹ len lỏi qua lớp áo choàng không dày lắm.
    Trời lúc này đã vào thu, không gian bàng bạc mơ hồ đã khiến tôi liên tưởng đến câu thơ cổ : “Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu ”  (một lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết mùa thu ) rồi chợt nhớ lần đầu  nhìn thấy cây ngô đồng trên đất thần kinh mà các vua lệnh trồng để phượng hoàng về đậu trong vườn thượng uyển. Ở đây, trên đất  Italia không có ngô đồng, nhưng  mọi người vẫn biết mùa thu đang tới vì những lá phong ven đường đã nhuốm  vàng và bắt đầu ửng đỏ.
    Vợ tôi mang theo bó hoa. Đến nơi, nàng không quên cắm vào bình và đặt viên chocolat, loại sinh thời bà rất thích, dưới chân chiếc lục bình. Tôi nhìn nụ cười phúc hậu của mẹ nàng trong ảnh. Người đàn bà tóc vàng, đôi mắt mở to sau đôi kính, như muốn nhắn gửi một điều gì cho con cháu. Trên vai bà có quàng một chiếc  khăn lụa trắng, lấm tấm những đoá hoa vàng trên nền  xanh da trời. Tấm ảnh ấy chúng tôi chụp trong mùa Giáng sinh năm nào  ở nhà bà. Mới đó, quây quần bên nhau ăn uống,  mà giờ đã ba năm.
    Mấy tháng trước đến đây, những hộc tro bên  chỗ nằm  muôn đời của mẹ hãy còn trống, mà bây giờ đã khép kín, gần đầy. Bên cạnh mẹ lại vừa có thêm di ảnh của một người Á châu, xác chắc mới được hỏa thiêu và vừa mang đến. Tôi ngắm khuôn mặt chưa già lắm của anh, chỉ chừng bốn mươi ngoài rồi lòng thầm hỏi:  Nếu đời là cát bụi, thì cát bụi ấy ĐẾN từ đâu mà lại TỤ ở nơi đây. Trên đất khách quê người?
    Từ mộ mẹ đi ra, tôi hay thả bộ, lững thững trên các con đường nhỏ  xung quanh nghĩa trang. Đó đây trên những tấm bia có những hàng chữ thường làm tôi chú ý: Chẳng hạn , bên cạnh  ngôi mộ của một cụ già  có lời  cầu nguyện  cho người ra đi  mãi mãi ngủ yên, bình an trong vòng tay nhân ái của Chúa: “Requiem Aeternam”, “Nơi an nghỉ  muôn đời”. Hoặc có khi  là một lời xót thương, tiếc nuối của người vợ  trẻ: “Yêu anh dễ, quên anh không thể “ (Amarti  è facile, dimenticarti è impossibile); hoặc một lời xác nhận: “Không ai có thể chết khi vẫn còn hiện diện trong tim người sống “.
    Phần đông những lời khắc trên bia là  những tiếc thương, nuối tiếc. Nhưng không phải trên tấm bia nào cũng chỉ có lời than thở, vì đôi khi cũng có những ý tưởng rất khác, thí dụ trên tấm bia chung, chắc của các con lập cho mẹ, mất  năm 1979, và cha, mất năm  2001, có ghi: “Trong niềm vui  ba má đã gặp  lại nhau, chúng con xin biến nỗi đau thành lời cầu chúc “ ( nella contentezza che vi siete ritrovati, il nostro dolore si trasformano in gioia )… vài hàng ngắn ngủi nhưng nó nói lên tất cả nỗi buồn  và quạnh quẽ của người cha, sống cô độc  hơn hai mươi năm, kể  từ khi mất vợ.
    Lang thang đây đó, nhưng rất nhiều lần trước khi về hẳn, tôi thường dừng lại bên một ngôi mộ thật lớn, nơi có bức tượng đồng một  nữ thiên thần đứng trên  chân phải, nửa người gập về phía trước, còn chân trái đưa cao, duỗi  thẳng ra sau  cùng với hai cánh tay giang rộng, vươn lên cao, chênh chếch về sau  thành hình đôi cánh mở tung, trong tư thế  sắp sửa  bay lên. Lần nào qua đây tôi cũng thấy rất nhiều hoa, loại đắt tiền. Người quản nghĩa trang có lần cho biết là gia  đình này mỗi ngày đều thay các bó hoa tươi, toàn những thứ hiếm và đẹp đã khiến tôi nghĩ ngợi rất nhiều về gia đình quý tộc này. Người thân của họ đã  không còn nữa mà họ vẫn còn  tiếp tục sống bằng kỷ niệm. Trong đó có những giây phút không quên của quá khứ,  mà những bó hoa kia không gì khác hơn là sự ngưng đọng  của các nỗi đau đớn triền miên. Kéo dài từ lúc người thân mất, đến hôm nay cho đến mãi mãi về sau.
    Trên nấm mộ sang trọng đó có tấm di ảnh một người thanh niên làm bằng đá mài, màu sắc linh động, nhất là đôi mắt mở to, miệng mỉm cười hướng về phía người đối diện. Cạnh đó có một tấm bảng bằng đồng khắc ghi hàng chữ: “  Xin đừng khóc. Con sẽ tiếp tục và mãi  mãi yêu thương ba má từ thế giới bên kia! Tình yêu là linh hồn, mà linh hồn thì bất tử“. Ai đã thốt lên điều đó? Chắc không phải của những người  lập mộ, vì có lẽ đó  là những lời cuối cùng của người trong ảnh, khi bàn chân đã bắt đầu giá lạnh mà  trái tim  hãy còn  hâm hấp nóng, thì thào để  an ủi những người thân đang nước mắt lưng tròng. Ngay lúc anh ý thức rằng  đời sống của mình sắp sửa lụy tàn.
    Tôi nghĩ là chính anh đã nói thế, vì có lẽ cho đến lúc ấy anh đã không sợ chết, có khi còn xem cái chết  là một phần của đời sống, điều tất nhiên phải đến trong cuộc đời, và  ý nghĩ đó đã khiến anh bình thản, sẵn sàng đối diện, để không phải quay đi mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Nói chung là anh biết chấp nhận chân lý của cuộc tử, sinh. Dù, ai lại không muốn sống một đời sống đẹp, dài lâu, có ý nghĩa, hữu ích cho đời, nhưng chắc là lúc ấy, khi đau đớn đang hoành hành trên  thân thể rã rời, trên xác thân sắp bắt đầu băng hoại, anh đã thấy là không còn gì để  tha thiết nữa. Chắc chắn anh đã nhìn cái chết của chính mình như một giải thoát, mà vướng bận cuối cùng chắc chỉ còn cho  những người thân còn ở lại. “ Tôi sẽ tiếp tục yêu thương các người từ thế giới bên kia! Tình yêu là linh hồn, mà linh hồn thì bất tử”. Lời xác nhận ấy thường làm  tôi  liên tưởng đến những người đã chết mà linh hồn như còn vảng vất đâu đây, quanh quẩn như còn muốn lưu lại trần thế, để phù hộ cho những người ruột thịt. Rồi cảm thấy mến anh, dù chưa hề quen biết .
    Chưa quen biết nhưng tôi vẫn cầu mong  là lúc về nước Chúa  lòng anh được bình an. Tôi hy vọng như thế. Bởi đứng trước cuộc chia ly, dù cứng rắn và ý thức đến đâu, nào ai tránh được nỗi buồn?  Lòng kẻ ra đi và người ở lại làm sao thoát khỏi đớn đau, quặn thắt? Vì, trong kiếp người, nếu quả là  mỗi người đều mang một mệnh số, có một đời sống và mộng ước khác nhau, nhưng trong suốt cuộc nhân sinh dường như ai ai cũng đều phải chịu những đau đớn triền miên. Kể từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi lìa bỏ cõi trần. Bởi  thân xác con người tuy bé nhỏ nhưng luôn phải gánh chịu những nỗi đau rất lớn. Thành ra xưa nay, đã có mấy ai ra đi vĩnh viễn mà lòng được  thanh thản nhẹ nhàng?
    Từ nghĩa trang ra về, lòng  tôi cứ mãi bâng khuâng.  Vợ tôi vẫn chìm trong yên lặng, có lẽ nàng đang nhớ lại những kỉ niệm êm đẹp với mẹ mình. Tôn trọng phút giây thiêng liêng ấy  tôi cũng trầm ngâm suy nghĩ, chẳng buồn gợi chuyện....
    ..........
         Trương Văn Dân (  Milano - một này đầu tháng 11 )
    Inline image
    Inline image



     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NHÂN ĐỨC THA THỨ

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     
     
     
     


     
    NHÂN ĐỨC TRONG GIA ĐÌNH: THA THỨ
     
    “Với những người phạm lỗi vì không biết, hãy sửa dạy và giúp họ sám hối vì Đức Chúa là Đấng tha thứ và giàu lòng thương xót”
    AL-QUR’AN 16:19
     
    1/ Tha thứ là gì?
    Mọi người đều có lầm lỗi. Tha thứ là cách bỏ qua lỗi lầm của người khác và yêu thương họ như trước khi họ phạm lỗi. Sự tha thứ không có nghĩa là bạn không hề cảm thấy bị tổn thương, hoặc coi những chọn lựa sai lầm của người khác là đúng đắn. Nhưng tha thứ là tự cõi lòng, bạn cho người khác một cơ hội.
    Mặc dù người khác sai trái, hoặc họ thực sự làm bạn bị tổn thương nhưng bạn có thể bỏ qua những gì họ đã làm. Bạn cũng không cứ vào lầm lỗi mà xét xử họ. Tha thứ là không trừng phạt người mắc lỗi cho dù họ đáng phải chịu như vậy.
    Bạn cũng có thể tha thứ cho chính mình; nhất là những khi bạn làm những việc nuối tiếc và ước rằng mình đã không làm. Tha thứ cho chính mình là không trừng phạt bản thân, và không tuyệt vọng vì sự sai lầm. Bạn bước tiếp, sẵn sàng làm khác đi với lòng thương cảm cho chính mình và tin rằng bản thân có thể thay đổi.
    2/ Tại sao cần thực hành tha thứ?
    Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta có khả năng tự do để chọn lựa. Có tự do nghĩa là chúng ta có khả năng thực hiện điều tốt hay xấu. Với nhiều và rất nhiều lý do, nhiều khi chúng ta chọn làm những việc sai trái và gây tổn thương người khác. Mọi người có thể một hoặc nhiều lần trong đời đã làm như vậy. Đôi khi nó có thể là việc nhỏ như bạn không thực hiện điều đã hứa; đôi khi là những sự việc lớn hơn như nói dối hay trộm vặt. Khi một người bị tổn thương hay thất vọng tha thứ cho ta, ta có một cơ hội mới. Chúng ta có thể bắt đầu lại và làm điều đúng đắn.
    Sự tha thứ rất quan trọng. Nếu bạn làm điều gì đó đáng hổ thẹn, nhưng bạn tha thứ cho chính mình, thì bạn có thể học được từ chính lỗi lầm đó. Những ai không tha thứ cho mình thì cũng khó tha thứ cho người khác.
    Nếu ai đó không biết tha thứ thì người xung quanh cảm thấy lo lắng khi ở bên họ. Những người không thực hành sự tha thứ, thường xét đoán và chỉ trích người khác; đồng thời, ít cho người khác cơ hội để cải thiện.
    Tha thứ là cách tốt nhất để động viên bản thân và người khác trở nên tốt hơn, cố gắng hơn và có những thay đổi cần thiết.
    3/ Cách thực hành sự tha thứ
    Trước hết, bạn có thể thực hành sự tha thứ bằng cách thừa nhận lỗi lầm của mình hay người khác đã gây ra. Đối diện với sự thật về những gì xảy ra cho chúng ta sự can đảm. Bạn có thể cảm thấy buồn và tức giận. Hãy để những cảm xúc đó đến và để chúng đi như chiếc lá trôi trên dòng nước.
    Khi bạn tha thứ, bạn không trừng phạt người khác bằng cách trả thù hay mang ác cảm. Bạn cũng không trừng phạt mình bằng cách gán cho mình cái tên không tốt.
    Hãy xem xét những gì xảy ra, trân trọng cảm xúc của bạn, hãy suy nghĩ, và quyết định điều gì cần thay đổi để sửa lại. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta nhìn nhận lỗi lầm. Bạn cũng có thể làm như vậy.
    Điều khó tha thứ nhất trong bạn là điều sai trái lặp đi lặp lại. Đó là thói quen bạn khó có kiểm soát được. Khi bạn biết thực sự tha thứ cho mình thì mọi sự sẽ suôn sẻ. Hãy thay thói quen cũ bằng những cách thức mới để tha thứ cho chính mình. Nếu ai đó liên tục gây ra cho bạn điều phiền toái mà không xin lỗi thì sự tha thứ sẽ giúp cho họ. Bạn cũng cần tránh những dịp để họ có thể gây tổn thương cho bản thân.
    Khi phạm một sai lầm, bạn xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho bạn sự can đảm để thay đổi. Tha thứ cho phép bạn học được từ chính sai lầm. Đôi khi bạn là người thầy tốt nhất cho chính mình.
    Một người có lòng tha thứ phản ứng thế nào?
    Một người bạn tình cờ làm vỡ món đồ mà bạn thích?
    Người khác trễ hẹn?
    Bạn làm điều bạn cảm thấy nuối tiếc?
    Bạn của bạn lấy đồ mà chưa hỏi ý kiến bạn?
    Người khác nổi nóng, và xin lỗi muộn màng?
    4/ Dấu hiệu của sự thành công
    Chúc mừng bạn! Bạn đang thực hành sự tha thứ khi:
    Ý thức rằng mọi người đều có lỗi
    Nhận trách nhiệm về lầm lỗi của mình
    Chia sẻ cảm xúc mà không trả thù
    Không tạo cơ hội cho người bất cẩn làm tổn thương bạn
    Sửa sai thay vì trừng phạt bản thân
    Đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa
    Hãy cố gắng khi
    Sợ nhìn nhận lỗi lầm của mình
    Xét đoán và chỉ trích người khác hay chính mình
    Trả thù hay giữ ác cảm
    Tạo dịp cho người bất cẩn làm tổn thương bạn
    Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực trước thói quen xấu
    Cứ phạm cùng một sai lầm mà không chịu học hỏi
    Khẳng định:
    Tôi tha thứ cho chính mình và cho người khác. Tôi học được từ chính sai lầm của tôi. Tôi có thể thay đổi để sự việc tốt hơn.
    Nguyên bản: The Family Virtues Guide: Simple Ways to Bring Out the Best in Our Children and Ourselves
    Tác giả: Linda Kavelin Popov
    Dịch giả: Hướng Dương
     
     
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - ÂN HẬN MUỘN MÀNG

  •  
    Chi Tran
     
     
     


     
    Nỗi ân hận muộn màng
     
    Sắp tới ngày giỗ mẹ, tôi bảo con gái: “Mẹ con đi công tác về không kịp, con ra chợ mua hoa quả như nho, táo, măng cụt, lê… để về chưng trên bàn thờ bà nội.
     
    Kỳ này có mấy bác của con bên Mỹ về nên phải làm chỉn chu một tí. Thức ăn thì khỏi bận tâm, đã có mấy cô lo rồi”. Con gái tôi vặn lại: “Mua trái cây nhiều quá có lãng phí không ba, hay mình mua mỗi thứ chút ít tượng trưng là được rồi? Còn thức ăn nhiều một chút đãi mấy bác thì tốt…”. Tôi nói với con rằng mấy loại trái này hồi xưa bà nội rất thích nên chưng để tưởng nhớ nội. Lập tức, con tôi ra vẻ trách:
    “Thế sao hồi nội còn sống, ba mẹ cứ dửng dưng chẳng mua cho nội ăn những thứ bà thích? Nhà mình xưa nay tuy không giàu nhưng cũng đâu đến nỗi tệ mà cho nội nhịn thèm?”. Giật mình vì câu trách móc của con, nhưng tôi cố giả lả cho qua chuyện: “Con biết gì mà nói! Cứ làm theo lời ba dặn đi, đừng có cãi!”.
    Thực ra, con gái nói rất đúng. Hồi mẹ tôi còn sống, nó cũng lên 10 tuổi rồi nên chứng kiến mọi thứ trong nhà. Tôi phải công nhận rằng lúc đó tôi đã sai khi đối xử với đấng sinh thành tệ bạc. Mọi chuyện cũng vì mẹ viết di chúc chia đất cho chị Ba nhiều hơn. Tôi thấy chán nên cứ bỏ mặc mẹ, chẳng quan tâm bà có thèm ăn gì hay không mà chỉ lo ngày ba bữa cơm. Mẹ con như lửa với nước nên suốt ngày mẹ chỉ lủi thủi với cái đài và làm bạn với con gái tôi.
     
    Sau này, tôi khám phá ra bí mật giữa mẹ và chị Ba. Ông chồng của chị trước đây nghiện cờ bạc, chị sợ sau này không có “cục đất chọi chim” nên mới tích cóp tiền bạc rồi lén đưa cho mẹ mua đất, mẹ đứng tên luôn. Nhưng khi tôi hiểu ra mọi chuyện thì đã quá muộn. Mẹ đã nằm yên dưới lòng đất lạnh. Tôi và vợ hối hận vô cùng.
    Suốt ngày cứ tự trách mình vì sao lại nông nổi đến thế. Dù mẹ có chia phần cho anh chị em nhiều hay ít thì cũng là khúc ruột do mẹ sinh ra, dưỡng dục lớn khôn. Tôi quá ích kỷ, quá sân si, cứ nghĩ mình là con út thì phải được chia đất nhiều hơn vì còn phải nuôi mẹ, chăm sóc mồ mả, giỗ chạp cho ông bà, tổ tiên…
    Chị Ba bảo tôi: “Chuyện qua lâu rồi thì hãy khép lại đi. Em trách mình hoài cũng chẳng được gì. Ai trong chúng ta không có một lần mắc lỗi. Giờ thời gian không còn nhiều, chị em mình nên học cách sống chậm, suy nghĩ thấu đáo để hiểu nhau hơn”.
     
    Chị tôi nói phải, trách mình mãi cũng chẳng được gì. Nhưng sao cảm giác có lỗi cứ vây lấy tôi, nhất là vào những ngày cận giỗ. Giờ tôi chỉ cầu mong mẹ ở cõi vĩnh hằng, hiểu và tha thứ cho đứa con bất hiếu này để lòng tôi thanh thản nhẹ nhàng!
    NGUYỄN HOÀNG DUY
    “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - HUY NGUYỄN - SUY TƯ

  •  
    Huy Nguyen -16/10/2022
     

    Hịch Cần Vương do vua Hàm Nghi xuống chiếu năm 1885 gồm 469 chữ Hán. Trong đó không có một chữ nào đả động đến người Công Giáo hoặc đổ thừa cho người Công Giáo là nguyên nhân của sự chiếm đất của người Pháp.

    Thay vào đó, nhà vua lại dùng các điển tích về các vua ở bên Trung Hoa để nói về tình trạng của mình. Một thông cáo bằng tiếng Hán cộng thêm việc dùng điển tích, chắc chắn người thường dân không đọc hoặc hiểu lời kêu gọi của vua. Vì vậy người thường dân chịu nhiều ảnh hưởng của những người có học, biết đọc và dễ bị họ lôi cuốn. Trái lại với sự thụ động của các quan lại trước sự hiện diện của người Pháp, giới văn sĩ đã sách động dân chúng để nổi lên chống ngoại xâm. Phong Trào Văn Thân khởi sự từ năm 1864 do những người có học thức khởi xướng. “Văn” để chỉ  những người học trò. “Thân” là dải thắt lưng bằng lụa của các viên quan chức nhỏ. Họ lấy khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” để làm mục tiêu.  Nhưng xấu hổ thay, thay vì đi tấn công đồn Pháp thì họ chỉ dám đi đốt phá các làng Công Giáo. Để cho có sự hổ trợ của người dân, họ đã vu khống, phao tin đồn thất thiệt về người Công Giáo để có cớ tàn sát, hủy diệt cơ sở, làng xóm và dồn người Công Giáo vào tư thế tự vệ. Rốt cuộc những điều này không làm tổn hại gì đến cho người Pháp trong việc “Bình Tây"  mà chỉ gây ra cảnh anh em chém giết lẫn nhau. Việc bác hại người Công Giáo không phải là trách nhiệm của riêng một người lãnh đạo như vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, hoặc Tự Đức mà là của một tập thể xã hội nói chung. Đây không phải là một cuộc bắt bớ vì tôn giáo hoặc chính trị nhưng là một cuộc tàn sát tập thể (wholesale massacre) chỉ vì giận cá, chém thớt.  Như vậy xã hội Việt Nam mang nợ người Công Giáo một điều xin lỗi. Trong lịch sử, khi có một cuộc thảm sát nào, dù chỉ vài ngàn người như 9/11 ở Mỹ hoặc hơn một triệu người ở Kampuchia, người ta đều xây những đài tưởng niệm để cho thế giới không quên được những tội ác và để hàn gắn những vết thương. Nước Đức và nước Nhật đã chính thức xin lỗi những nạn nhân chiến tranh trong Thế Chiến Thứ Hai. Đã có nhiều bài viết về việc người Cộng Sản không tôn trọng người lính Cộng Hòa sau cuộc chiến khác với việc người Mỹ đã làm sau cuộc Nội Chiến của họ. Một dân tộc mà không biết hối hận hoặc nhận lỗi của mình thì sẽ tiếp tục để cho tội ác xảy. Chúng ta cần nhìn nhận lỗi lầm của tiền nhân và dạy lại cho con cháu để cho xã hội Việt Nam tránh tiếp tục rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn. 

     

    Các nhà truyền giáo Pháp đã đóng một vai trò gì trong cuộc bách đạo của người Công Giáo? Lần trước tôi đã nói rằng họ khuyến khích người giáo dân giữ vững đức tin, sẵn sàng chịu tử đạo để lãnh nhận phần thưởng trên trời. Đây là một quyết định mà họ phải chọn lựa. Nếu không làm như vậy thì giáo hội tiên khởi vừa mới nhen nhúm sẽ bị dập tắt hoàn toàn. Vì vậy họ phải chấp nhận để cho máu đổ giống như Hội Thánh thủa ban đầu. Tuy nhiên chỉ chết để giữ vững đức tin không bảo toàn hội thánh. Bằng chứng là các nhà truyền giáo phải rời bỏ Nhật Bản trước sự cấm bách quá ngoặt nghẽo của các shogun để rồi hội thánh Nhật Bản không còn cơ hội sống sót.  Các nhà truyền giáo đã tìm ra được một giải pháp để cứu giáo dân của họ. Là những người chủ chăn, họ không thể khoang tay để tất cả các con chiên của họ bị giết hại. Tiền quyên được từ bên Pháp đã được các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) chuyển về Việt Nam để mua chuộc các quan lại để họ làm ngơ không giết hại người Công Giáo. Nhờ vậy mà giáo hội Việt Nam đã sống sót qua các cuộc bách đạo của triều đình không giống như ở bên Nhật Bản. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng các nhà truyền giáo vừa là nguyên nhân của các cuộc bách hại vừa là cứu tinh cho người Công Giáo Việt Nam. Khi người Pháp ký Hợp Ước Giáp Thân năm 1884, các cuộc bắt đạo của triều đình tưởng như là chấm dứt khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thì lại xảy ra những cuộc chém giết đẫm máu nhất trong lịch sử bởi vì nhóm Văn Thân. Lần này thì các giáo sĩ Pháp không giúp đỡ gì được cho giáo dân Việt Nam vì chính phủ của họ cố tình làm ngơ để cho người Việt xâu xé lẫn nhau và mang lại lợi thế  cho họ. Lịch sử có rất nhiều hậu quả mà không ai có thể ngờ được.

     

    Ở Châu Á có ba quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và đặc biệt là Khổng Giáo. Trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Vì các nho sĩ ở các nước này cho rằng Kitô giáo phản ngược với truyền thống Khổng giáo nên đã tìm cách triệt để. Kết quả là đạo Công Giáo đã bị bách hại tàn khốc tại ba quốc gia này. Việt Nam có 117 vị thánh tử đạo, Hàn Quốc có 103 vị, và Nhật Bản có 42 vị thánh tử đạo và hơn 400 chân phước. Ở Hàn Quốc sau các cơn bách hại và giai đoạn tối tăm nhất vào năm 1866, tổng số giáo dân xuống chỉ còn hơn 20000 người Công Giáo. Tuy nhiên giáo hội Công Giáo đã hồi sinh tại Hàn Quốc và phát triển mạnh mẽ sau Thế Chiến Thứ Hai. Hiện tại, một phần ba dân số Hàn Quốc là theo đạo Kitô giáo. Người Hàn Quốc coi đạo Kitô như là tôn giáo của giới trung lưu. Một phần là sự có mặt của các cơ sở Kitô giáo trong các cơ quan giáo dục của Hàn Quốc. Thí dụ một số trường đại học nổi tiếng là do người Công Giáo điều hành. Giáo hội Việt Nam sau hơn một trăm năm sống dưới sự bảo hộ của người Pháp và được nhận nhiều ưu đãi từ chính quyền đã phát triển mạnh mẻ trở lại. Nhưng khi chuyển qua chế độ Cộng Sản thì đạo Công Giáo không có cơ hội phát triển tự do như trước. Hiện tại tỉ lệ người Công Giáo ở Việt Nam là 7 % dân số nên vẫn còn thua xa Hàn Quốc. Ngược lại, đạo Công Giáo ở Nhật Bản không có cơ hội tái sinh như ở Hàn Quốc và Việt Nam. Xứ Phù Tang nơi cha Gioan X. Lộ đang phục vụ hiện tại có khoảng 431000 giáo dân chia ra thành 16 địa phận nhưng có lẽ tất cả chỉ bằng con số của một tổng giáo phận của Việt Nam.

     

    Trước khi chúng ta so sánh lý do giáo hội Công Giáo Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ hơn Giáo Hội Việt Nam hoặc tin đồn Cộng Sản Việt Nam muốn biến Phật Giáo thành một quốc giáo. Chúng ta hãy thử so sánh giữa hai quốc gia có sự tương đương như một quốc giáo. Thái Lan có hơn 95% tỉ lệ là Phật giáo. Phi Luật Tân có gần 90% tỉ lệ là Kitô giáo. Giữa hai nước này, chúng ta có thể khẳng định là nước nào công bằng, ít tội ác hoặc tệ nạn xã hội không? Trong hai nước, có nước nào mà chúng ta có thể nói rằng quốc gia họ phồn thịnh nhờ quốc giáo không? Nếu như vậy, tại sao chúng ta cần phải tranh đua xem tôn giáo nào có nhiều ảnh hưởng ở trong xã hội? Qua sự so sánh giữa Thái Lan và Phi Luật Tân, chúng ta thấy rằng tôn giáo không thay đổi được xã hội, chỉ có chính trị, luật lệ và phong tục mới có thể đem lại tôn ti, trật tự trong xã hội giống như một xã hội Nhật, đây chính là điều mà Khổng Tử mơ ước.

    Vì vậy đạo của Khổng Tử không phải là một tôn giáo nhưng là một triết lý sống. Tuy không thay đổi được xã hội, nhưng chúng ta biết tôn giáo có thể thay đổi được con người. Do đó việc đầu tiên mà người Công giáo và Phật giáo nên làm là biến đổi con người mình trước rồi sau đó mới mong thay đổi được xã hội.

     
     
    (\__/)
    (='.'=)
    (")_(")
    阮俊
     
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - GIỚI TRẺ HÔM ANY

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     

    GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

    Bài 60: NGHE LÀ LÀM THEO
     
    Hỏi: Làm thế nào để có thể lắng nghe thực sự được lời Chúa muốn nói và muốn mình thực hiện?

     

    Bạn thân mến,

    Bạn đã đặt ra một câu hỏi quan trọng không chỉ đối với bạn mà còn với bất cứ người tín hữu nào khác, bởi vì tin vào Chúa tức là ao ước được lắng nghe và thi hành ý muốn của Ngài. Giả như Chúa hiện ra với bạn và bảo bạn làm điều này điều kia, tôi tin chắc là bạn sẽ không ngần ngại làm theo. Thế nhưng một trường hợp giả định như thế lại chưa bao giờ và rất có thể là sẽ không bao giờ xảy ra trong cuộc đời của bạn.

     

    Có thể bạn đã từng nghe chuyện Chúa hay Đức Mẹ hiện ra với một số vị thánh và trao cho họ những sứ mạng đặc biệt. Thế nhưng đó chỉ là vài trường hợp rất họa hiếm. Vậy số đông các tín hữu lắng nghe lời Chúa bằng cách nào? Và bạn cũng đang tự đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình khi phân vân không biết những gì mình đang làm và ơn gọi mình đang sống có đúng là ý Chúa muốn hay không. Khi bạn nêu ra câu hỏi như vậy tức là bạn đã tin chắc rằng Chúa đang muốn bạn thực hiện một điều gì đó, vấn đề là bạn không biết phải làm thế nào để có thể nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Dường như có người nói mà chưa có người nghe, hoặc là người nghe vẫn chưa nghe được.

     

    Vì bạn tin rằng Thiên Chúa muốn ngỏ lời với bạn nên tôi sẽ bắt đầu chia sẻ từ điểm này: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa thích trò chuyện. Ngài không phải là Đấng câm lặng. Tôi đề cập điều này là bởi vì không phải ai cũng nghĩ như vậy. Không ít người cho rằng không có Thiên Chúa, hoặc nếu có thì Thiên Chúa đó xa cách ngàn dặm và bỏ mặc con người. Trong những tình huống khó khăn của cuộc sống như thiên tai, chiến tranh, tội ác, nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn, chết chóc… con người đã kêu lên Thiên Chúa nhưng không nghe thấy Ngài hồi âm.

     

    Trong những trường hợp như thế, thay vì mong muốn lắng nghe tiếng Chúa “như thế nào” thì nhiều người đã rơi vào tuyệt vọng và đặt vấn đề “có Chúa hay không.” Họ đã đánh đồng việc họ không nghe thấy tiếng Chúa với việc không có tiếng Chúa, hoặc thậm chí là không có Chúa. Đối với những người này thì tiếng Chúa, nếu có, cần phải rõ mười mươi, có thể được kiểm chứng dễ dàng, kiểu như xin cái gì là phải cho đúng cái đó mới “linh”!

     

    Như vậy, thay vì mở rộng tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống thì nhiều người đã khép lòng mình lại, ép Chúa phải nói theo cách họ muốn nghe, phải làm theo cách họ nghĩ. Một thái độ như thế chính là trở ngại lớn nhất trong việc lắng nghe và đón nhận tiếng Chúa. Do đó, nếu bạn muốn nghe được tiếng Chúa thì trước hết bạn phải tin rằng có Thiên Chúa đang nói chuyện với mình và xin ơn được mở lòng ra để hiểu và đón nhận lời ấy.

     

    Như bạn có thể đã biết, trong bất cứ cuộc trò chuyện nào thì người nghe luôn luôn ở thế thụ động, tức là họ chỉ “nghe” thấy những gì được nói ra và được truyền đạt tới, không có gì khác hơn. Yếu tố chủ động nơi người nghe chính là việc “lắng” đọng tâm hồn để đón nhận thông điệp. Người nghe không thể tự ý cắt xén hay bóp méo nội dung thông điệp được truyền tải. Như vậy, việc lắng nghe bao gồm thái độ bị động của phần “nghe” lẫn chủ động của phần “lắng.” Lắng nghe lời Chúa cũng vậy, tâm hồn bạn cần có độ lắng nhất định, chứ không phải cứ muốn nghe là nghe được ngay, cho dù Chúa vẫn hằng luôn trò chuyện với bạn.

     

    Thật dễ hiểu vì sao có rất nhiều người chọn tham gia các cuộc tĩnh tâm hàng năm hoặc là trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời họ. Những đợt tĩnh tâm được tổ chức nhằm tạo điều kiện giúp người ta lắng đọng tâm hồn trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, phản tỉnh về dữ kiện xảy ra trong cuộc sống, chú ý hơn đến những chuyển động cảm xúc trong tâm hồn dưới sự hướng dẫn đồng hành của người có nhiều kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng.

     

    Nếu bạn không có điều kiện tham gia những cuộc tĩnh tâm chính thức như vậy thì bạn vẫn có thể dành riêng cho Chúa không gian tĩnh lặng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn của mình để nghe được tiếng Ngài. Do đó, nếu bạn cảm thấy rằng mình không nghe được tiếng Chúa, câu hỏi cần đặt ra là bạn đã lắng đọng tâm hồn đủ để những lời thì thầm của Chúa được vang lên trong lòng mình hay chưa.

     

    Một điểm khác mà có lẽ bạn cũng đã có kinh nghiệm trải qua, đó là tính chọn lọc và cá vị (hay riêng tư) của việc lắng nghe. Tính chọn lọc ở đây không hẳn là thái độ phản kháng hay cố chấp, khước từ mọi thông điệp được truyền tải. Điều tôi muốn nói ở đây là ngay cả khi bạn thật lòng khao khát lắng nghe thì việc lắng nghe vẫn mang tính chọn lọc ở một mức độ nhất định. Nghĩa là bạn sẽ chỉ nghe rõ những điều gần gũi hay đụng chạm đến mình nhiều nhất, còn những điều khác dễ bị “bỏ ngoài tai” dù bạn không cố ý. Ví dụ, sau khi được nghe cùng một bài giảng ở nhà thờ, có người nhớ chi tiết này nhưng người khác lại nhớ chi tiết khác, tùy vào mối bận tâm riêng của họ. Nói cách khác, chúng ta chỉ đón nhận được những âm thanh có tần số phù hợp với ăng–ten của mình thôi.

     

    Trò chuyện với Chúa cũng vậy, nhiều lúc chúng ta không nhận ra và hiểu được tiếng Chúa chỉ vì chúng ta không đặt trọn tâm trí vào việc tìm kiếm và lắng nghe thánh ý của Ngài. Lời Chúa không thể lọt tai chúng ta được nếu tâm hồn chúng ta chỉ hướng đến những giá trị khác trái ngược với đức tin. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Như thế, muốn được, muốn thấy hay muốn mở cho thì trước hết chúng ta phải giữ thái độ tha thiết cầu xin, khao khát kiếm tìm, kiên trì gõ cửa nhà Chúa. Trong đời sống đức tin, những người càng thờ ơ nguội lạnh, không cố gắng xây dựng tương quan với Thiên Chúa, ít khi thao thức về đời sống thiêng liêng, sống kiểu được chăng hay chớ thì càng khó nghe được tiếng Chúa.

     

    Ngoài ra, lời Chúa không phải chỉ để nghe cho vui tai mà là để thực thi. Lời Chúa là lời của sự sống, chắc chắn sẽ làm trổ sinh hoa trái nơi đời sống người nghe. Do vậy rất nhiều khi chúng ta nghe được tiếng Chúa nhưng lại phớt lờ đi chỉ vì từ trong thâm tâm chúng ta không sẵn sàng hoặc là không muốn làm theo lời đó. Ví dụ khi bạn đang thù ghét một người nào đó thì bạn sẽ thấy lời Chúa dạy phải yêu thương mọi người ngay cả kẻ thù có lẽ chỉ dành cho ai khác chứ không phải cho mình, hoặc có thể là cho mình nhưng không phải lúc này! Như thế, nếu bạn không nghe được tiếng Chúa thì phải tự hỏi mình đã sẵn sàng và khao khát để được lời Chúa biến đổi con người mình ngay lúc này hay chưa.

     

    Bản chất siêu việt của Thiên Chúa không bị giới hạn trong thế giới vật chất, nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa không có cách ngỏ lời với con người. Lời của Thiên Chúa là lời nhập thể, tức là lời đó được diễn tả theo cách phù hợp với khả năng đón nhận của con người. Lời Chúa không phải là thứ ngôn ngữ huyền bí chỉ những người có khả năng đặc biệt mới nghe và hiểu được.

     

    Những gì xa lạ với kinh nghiệm con người thì không thể được coi là lời Chúa, bởi vì Thiên Chúa nói lời của Ngài là để con người nghe được và sống theo chứ không phải để chơi trò úp úp mở mở đánh đố con người. Quan trọng hơn cả, lời của Thiên Chúa không phải là âm thanh hay chữ viết nhưng chính là Ngôi Lời, tức là Lời mang lấy thân xác con người, ở giữa con người và nói cho con người về Thiên Chúa. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1–2)

     

    Suốt cuộc đời mình ở trần gian, đặc biệt là trong thời gian sứ vụ công khai, Đức Giêsu chính là hiện thân của lời Thiên Chúa nói với dân Ngài. Đức Giêsu đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, có quyền năng chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, ban sự sống mới cho con người khi hòa giải tội nhân với Chúa, giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi, kêu gọi con người hoán cải đón nhận giá trị Nước Trời. Như thế, lắng nghe lời Chúa chính là để Chúa Giêsu “lọt” vào đời mình. Kinh Thánh được viết ra cũng nhằm mục đích duy nhất là để giúp con người thêm hiểu biết, yêu mến và bước theo Đức Giêsu mỗi ngày một hơn.

     

    Tóm lại, hiểu theo nghĩa chung nhất thì những gì Chúa muốn con người thực hiện chính là kết hiệp nên một với Đức Giêsu Kitô trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Do đó, sẽ không còn khoảng cách thời gian và không gian giữa việc lắng nghe và làm theo lời Chúa. Không phải là “nghe để làm theo” hoặc “nghe và làm theo”, nhưng “nghe là làm theo.” Lắng nghe lời Chúa là để Đức Giêsu chiếm trọn con người mình, là trở thành một Đức Giêsu khác, là chứng nhân đức tin giữa lòng thế giới hôm nay.

     

    Để kết thúc, tôi xin đưa ra một ví dụ để giúp hiểu hơn về việc “nghe là làm theo.” Khi nhận xét một đứa trẻ biết “nghe lời” bố mẹ, chúng ta không có ý nhấn mạnh đến khả năng thính giác hay những lời “dạ vâng” mau mắn của nó. Trái lại, chúng ta muốn khẳng định rằng đứa trẻ này luôn sẵn sàng làm mọi điều đẹp lòng bố mẹ. Có những điều bố mẹ nó không cần phải nói ra nhưng nó vẫn hiểu và ngoan ngoãn thực hiện. Đối với lời Chúa cũng vậy, chúng ta được coi là biết “nghe lời” khi và chỉ khi toàn bộ đời sống chúng ta đều nhắm đến việc tìm kiếm và thi hành những điều đẹp lòng Chúa. Bởi vì khả năng giới hạn của con người, đôi khi rất khó để chúng ta có thể xác định rõ điều nào là đúng ý Chúa và điều nào là không phải. Tuy nhiên, chính thái độ khao khát được lắng nghe và thi hành ý Chúa đã là điều đẹp lòng Chúa rồi.

     

    Nếu chúng ta cần một mẫu gương để noi theo thì không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô. Trọn cuộc đời Ngài chỉ để nhằm một mục đích duy nhất là tìm kiếm và thi hành ý muốn của Chúa Cha, kể cả việc sẵn sàng đón nhận hậu quả nặng nề nhất là cái chết treo trên thập giá.

    Ước gì bạn, tôi và tất cả chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn ở điểm này, từ đó suốt cuộc đời của chúng ta không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm và thi hành lời Chúa mà còn trở thành chính lời Chúa cho người khác được lắng nghe.

     

    (Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

    WHĐ (10.10.2022)

    Giuse Lê Đắc Thắng, SJ