SỐNG TỈNH THỨC - NGÀY MAI VÀ NGÀY MAI
- Details
- Category: 16. Sống Tình Thức
-
Kim Vu
<image002.jpg>NGÀY MAI VÀ NGÀY MAITrong Tự thú của Thánh Augustinô, ngài mô tả việc trở lại đạo của ngài liên quan đến hai khoảnh khắc ân sủng riêng biệt, khoảnh khắc đầu tiên thuyết phục ngài về mặt trí tuệ, Kitô giáo là đúng, và khoảnh khắc thứ hai giúp ngài sống theo những gì ngài tin.
Phải mất gần chín năm trôi qua giữa hai lần trở lại này và trong chín năm này, ngài đã có lời cầu nguyện nổi tiếng: Lạy Chúa, xin Chúa làm cho con thành người tín hữu Kitô tốt và khiết tịnh – nhưng chưa phải bây giờ.
Thật lạ lùng, Thánh Ephraim người Syria (306-373), một người cùng thời với ngài cũng viết lời cầu nguyện tương tự: Hỡi người yêu dấu của tôi, mỗi ngày tôi làm sai rồi tôi lại ăn năn. Trong một giờ tôi xây và giờ sau đó tôi phá những gì tôi đã xây. Buổi tối, tôi nói, ngày mai tôi sẽ ăn năn, nhưng khi sáng mai đến, tôi vui vẻ lãng phí một ngày. Rồi đến tối, một lần nữa tôi nói, tôi sẽ thức suốt đêm và tôi sẽ xin Chúa thương xót tội lỗi của tôi. Nhưng khi đêm đến, tôi lại ngủ say.
Điều mà Thánh Augustinô và Thánh Ephraim mô tả là rõ ràng (không phải không có chút hài hước), một trong những khó khăn chúng ta thực sự gặp trong cuộc đấu tranh để lớn lên trong đức tin và trong sự trưởng thành của con người, là thói quen để cuộc đời qua đi khi nói: “Đúng, tôi cần phải làm tốt hơn. Tôi cần phải chịu đựng và cố gắng khắc phục những thói quen xấu của mình, nhưng chưa phải bây giờ!”
Và thật an ủi khi chúng ta biết đã có những thánh đấu tranh vất vả trong nhiều năm với sự tầm thường, lười biếng, với thói hư tật xấu trong nhiều năm, họ cũng nhún vai chịu thua như chúng ta: “Ngày mai, tôi sẽ bắt đầu một khởi đầu mới!” Trong vài năm, một trong những câu nói của Thánh Augustinô là, “ngày mai và ngày mai!”
“Đúng, phải thay đổi, nhưng chưa!” Điều này nói lên con người của chúng ta như thế nào? Tôi muốn là người tốt, là người tín hữu Kitô tốt. Tôi muốn sống theo đức tin nhiều hơn, bớt lười biếng, bớt ích kỷ, độ lượng với người khác hơn, chiêm niệm hơn, bớt giận dữ, bớt cay đắng, hoang tưởng và phán xét người khác. Tôi muốn dừng việc ngồi lê đôi mách và vu khống. Tôi muốn đóng góp nhiều hơn vào công lý. Tôi muốn có một đời sống cầu nguyện tốt hơn. Tôi muốn dành thời gian cho mọi việc, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, thưởng thức hương hoa, lái xe chậm hơn, kiên nhẫn hơn và ít vội vã hơn. Tôi có một số tật xấu cần phải thay đổi, tâm hồn tôi vẫn còn cay đắng, tôi đã lỗi lầm quá nhiều thứ, tôi thật sự cần phải thay đổi, nhưng chưa phải lúc này.
Trước tiên, tôi phải giải quyết một mối quan hệ cụ thể, tôi lớn lên, thay đổi công việc, kết hôn, nghỉ ngơi, có được sức khỏe, học xong, có thì giờ đi nghỉ hè vì rất cần thiết, để một số vết thương lành lại, để con cái tự lập, nghỉ hưu, dọn đến một giáo xứ mới, và thoát khỏi tình trạng này – sau đó tôi sẽ nghiêm túc xem lại việc thay đổi những chuyện xấu này. Lạy Chúa, xin làm cho con trở nên người trưởng thành hơn và là một tín hữu Kitô, nhưng chưa phải lúc này!
Cuối cùng, đó không phải là lời cầu nguyện tốt. Thánh Augustinô nói với chúng ta, trong nhiều năm, khi đọc lời cầu nguyện này, ngài đã hợp lý hóa sự tầm thường của mình. Tuy nhiên, một trận đại hồng thủy bắt đầu dấy lên trong tâm hồn ngài. Chúa đã vô cùng kiên nhẫn với chúng ta, nhưng sự kiên nhẫn của chúng ta với chính mình cuối cùng cũng cạn kiệt và đến một lúc nào đó, chúng ta không thể tiếp tục như trước nữa.
Trong quyển 8 của bộ sách Tự thú, Thánh Augustinô kể, một ngày nọ, khi đang ngồi trong vườn, ngài bị choáng vì sự thiếu trưởng thành và tầm thường của mình và “một cơn bão to lớn ập đến trong tôi, tôi bật khóc sướt mướt… Tôi gieo mình xuống gốc cây vả và để cho nước mắt tuôn trào… tôi khóc trong nỗi đau khổ: ‘Cho đến lúc nào tôi vẫn còn nói ngày mai, ngày mai đây. Tại sao không phải bây giờ?’” Khi ngài đứng lên, cuộc đời ngài đã thay đổi; ngài không còn chấm dứt lời cầu nguyện với câu “nhưng chưa” dù là manh nha trong đầu.
Chúng ta tất cả đều có một số thói quen nào đó trong cuộc sống mà chúng ta biết là xấu, nhưng vì nhiều lý do (lười biếng, nghiện ngập, thiếu sức mạnh tinh thần, mệt mỏi, tức giận, hoang tưởng, ghen tuông, bị áp lực của gia đình, của bạn bè) chúng ta không chịu ngưng. Chúng ta cảm nhận sự tầm thường của mình, nhưng tự an ủi, cho rằng mọi người (trừ các thánh) thường tự bào chữa, nói ra hoặc không nói ra trong lời cầu nguyện của họ: “Đúng, thưa Chúa, nhưng chưa phải lúc này!”
Thật vậy, trong lời cầu nguyện này có một an ủi xác đáng, nó nhận ra một điều gì đó quan trọng bên trong sự hiểu biết và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Tôi ngờ rằng Chúa đối phó với những lỗi lầm của chúng ta tốt hơn là chúng ta đối phó với lỗi lầm của mình và những người khác đối phó với chúng ta. Tuy nhiên, giống như Thánh Augustinô, ngay cả khi chúng ta nói, “ngày mai và ngày mai”, một cơn bão vẫn tiếp tục dấy lên trong lòng chúng ta, sớm hay muộn, sự tầm thường của chính chúng ta sẽ làm cho chúng ta phát điên lên để nói: “Tại sao không phải bây giờ?”
Khi tác giả Thánh vịnh viết: “Hãy hát lên một bài ca mới”, chúng ta tự hỏi, bài ca cũ là gì? Đó là lời cầu nguyện kết thúc, Đúng, lạy Chúa, nhưng chưa phải bây giờ!
Rev. Ron Rolheiser, OMI