SỨC MẠNH ĐỂ CHIẾN THẮNG NHỮNG CÁM DỖ

Theo các sách Tin Mừng, việc Chúa Giêsu bị cám dỗ ngay trước khởi đầu cuộc đời công khai của Ngài cho thấy một cách rất rõ ràng sẽ có sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của con người, vốn lâu nay nằm dưới ách thống trị của Thần dữ. Ngài mang đến cho nhân loại sự giải thoát qua công trình cứu chuộc của Ngài. Chúa Kitô, Thủ lãnh mới của nhân loại, đã bắt đầu cuộc giải thoát đó và sẽ chiến thắng quyền lực của Satan hoành hành nơi Ađam sa ngã. Vào giờ khổ nạn của Ngài, “hoàng tử của thế gian này” sẽ bị loại bỏ. Tin Mừng nói về cuộc cám dỗ báo trước sự chiến thắng của Đức Kitô.

Khi chọn lựa đoạn Tin Mừng này để bắt đầu Mùa Chay, Giáo hội tuyên bố rằng chiến thắng của Chúa Kitô cũng sẽ là chiến thắng của chúng ta. Chính cơn cám dỗ của Satan với Chúa Kitô, cuộc chiến đấu của Chúa Kitô, và chiến thắng của Chúa Kitô được kéo dài nơi chúng ta cũng như nơi mọi người mọi sự chung quanh chúng ta; cố gắng của chúng ta là nhờ Ngài và sức mạnh của chúng ta cũng đến từ Ngài; Ngài sẽ là chiến thắng của chúng ta trong lễ Phục sinh và nhất là trong ngày Cánh chung, ngày mà Thiên Chúa chiến thắng trong mọi sự.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Sáng Thế 2:7-9; 3:1-7 nói về sự sáng tạo và sự sa ngã của con người. Có một sự tương phản nổi bật giữa Tổ Tiên của chúng ta trong Vườn Địa Đàng: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (Stk 3: 6) và Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4: 10). Chính tội lỗi của Tổ Tiên chúng ta đã khiến Chúa Giêsu đến để phục hồi mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. “Ôi tội hồng phúc!” (O felix culpa!) như phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh nói về tội lỗi đầu tiên đó. Sự yếu đuối của Tổ Tiên chúng ta đã dẫn đến sự xuất hiện của Chúa Giêsu và tất cả những gì có ý nghĩa mà Ngài đem lại cho cuộc sống của chúng ta. Ngay cả đằng sau những biến cố tội lỗi đau thương khiến con người lạc lối thì trên thực tế tình yêu của Thiên Chúa vẫn tràn đầy, vẫn tìm kiếm đưa họ về trong yêu thương: “Thế mà Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 8) vì “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).

Trong bài đọc thứ hai là thư gửi tín hữu Rôma 5:12-19, Thánh Phaolô nói về một số hiệu quả lớn lao của ơn cứu độ do Chúa Kitô mang đến cho nhân loại: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội… Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Mt 5: 12-5). Thánh Phaolô nhấn mạnh sự kiện rằng Chúa Kitô, qua cái chết của Ngài, không chỉ chiến thắng tội lỗi mà còn tuôn đổ ân sủng thiêng liêng cách dồi dào và dư đầy trên nhân loại, khiến họ trở thành anh em của Ngài và nhờ đó họ trở nên con cái Thiên Chúa, đến nỗi không gì có thể so sánh được giữa thế giới được cứu độ nhờ cái chết của Chúa Kitô và thế gian tội lỗi chiếm ưu thế cho đến lúc đó. Thánh Phaolô so sánh Đấng Cứu Thế với Ađam của câu chuyện Sáng Thế: “Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật, còn Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1Cor 15: 45). Điều mà thánh Phaolô muốn đưa ra là sự vĩ đại vô song của Đấng Cứu Độ và những phúc lành mà Ngài mang lại cho nhân loại – được đem ra so sánh với con người đầu tiên sa ngã: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Mt 5: 17).

Tin Mừng trích từ Thánh Mátthêu 4:1-11 trình bầy biến cố đầu tiên chuẩn bị sứ mạng công khai của Chúa Giêsu: bốn mươi ngày đêm chay tịnh, sau đó là những cám dỗ. Trình thuật này đã được chọn làm bài đọc trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay để soi sáng chúng ta.

Những cơn cám dỗ mà Chúa Kitô đã để cho mình gánh chịu, đối với chúng ta là nguồn khích lệ và an ủi. Nếu Chúa Kitô là Chúa và là chủ của chúng ta bị cám dỗ, thì chúng ta không thể và không được mong đợi sống một đời sống Kitô hữu mà không trải qua những thử thách tương tự. Ba cám dỗ mà Satan đặt ra cho Chúa Kitô là những đề xuất khiến Ngài quên đi mục đích sống của mình – sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. Ngài bị thúc đẩy có được tất cả những tiện nghi trong cuộc sống, tất cả vinh quang mà con người có thể mang lại cho Ngài, tất cả của cải và quyền lực mà thế giới này mang lại. Các cơn cám dỗ đó cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về kinh nghiệm con người mà Chúa Giêsu đang trải qua. Ngài là Đấng, trong mầu nhiệm Nhập Thể, đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta cùng những cuộc chiến đấu – ngay cả những cám dỗ của chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15). Khi đưa ra định hướng và ý nghĩa cho cuộc sống của mình, chúng ta cũng bị cám dỗ tìm kiếm sự an toàn nơi những ngẫu tượng giả trá (Cl 3:5): lạc thú và của cải, quyền lực, địa vị và danh vọng. Những cám dỗ của Đấng Cứu Độ cũng liên quan đến những thứ giả trá này. Dù đói nhưng Ngài vẫn từ chối thức ăn lôi cuốn, Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra sự hão huyền về niềm vui và của cải, đồng thời tìm thấy sự an toàn của mình trong chân lý và đức tin vào Ngài. Khi quay lưng lại với chiến thắng kiểu trần thế mà nhiều người Israel đương thời gắn liền với sự xuất hiện của đấng Mêsia, Ngài mời gọi chúng ta nhận ra rằng việc thi hành quyền lực một cách ích kỷ đối với người khác chỉ dẫn đến cay đắng. Khi quyết không từ bỏ sứ mệnh thực hiện đường lối của Cha mình, không để mình bị lôi kéo tham gia vào chính trị của “các vương quốc trần gian”, Ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến hòa bình thực sự mà các dân tộc khao khát.

Những cám dỗ cơ bản của chúng ta trong cuộc sống đều giống như thế: những tiện nghi và thú vui thể xác, sự nể trọng giả tạo bề ngoài từ người khác, của cải và quyền lực. Có hàng triệu đàn ông và phụ nữ trên trái đất ngày nay – nhiều người trong số họ chỉ là những Kitô hữu trên danh nghĩa – đã đầu hàng trước những cám dỗ này và đang lãng phí cuộc đời của họ để theo đuổi những cái bóng không thể đạt được này. Nhưng ngay cả khi họ tìm cách có được một số cái bóng đó, họ sẽ sớm nhận ra rằng chúng chỉ là những món đồ trang sức hào nhoáng chóng qua. Họ sẽ phải rời xa chúng rất sớm.

Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn vào lòng mình và thành thật xem xét phản ứng của mình trước những cám dỗ này. Chúng ta có bắt chước Đấng Cứu Độ và vị lãnh đạo của chúng ta và nói “Hãy xéo đi Satan” (Mt 4: 10) không? Mục đích của chúng ta trong cuộc sống không phải là thu thập kho báu, danh dự hay thú vui của trần thế. Chúng ta chỉ ở đây trong một thời gian ngắn ngủi. Để xứng đáng với cuộc sống bất tận mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta, liệu chúng ta có dại dột đánh đổi gia sản thừa kế của mình để lấy một mớ hỗn độn giống như Êsau bán quyền trưởng nam cho Giacóp chỉ vì một bát cháo đậu không: “Êsau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Giacóp. Bấy giờ Giacóp cho Êsau bánh và cháo đậu. Êsau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Êsau đã coi thường quyền trưởng nam” (Stk 25:29-34)?

Chúa Giêsu bị cám dỗ và Ngài đối phó thê nào với Satan? Hôm nay, sau khi đi lễ về, bạn hãy trao đổi điều này với người thân trong gia đình của bạn, nhấn mạnh rằng bản thân sự cám dỗ không phải là một tội lỗi, nhưng chúng ta phải bám vào Lời Chúa để chống lại nó, như Chúa Kitô đã làm. Mùa Chay là một cơ hội vàng để nhìn lại quá khứ của chúng ta và đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai vĩnh cửu của chúng ta, vì như lời thánh Phaolô nói: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5: 17).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.