SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ NĂM CN6PS-B
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
nguyenthi leyenWed, May 12 at 11:19 PM
Nỗi buồn sẽ thành niềm vui.
13/05 – Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh.
“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Lời Chúa: Ga 16, 16-20
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.
Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”
Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
SUY NIỆM 1: Nỗi buồn trở thành niềm vui
Suy niệm:
Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly,
Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu:
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16).
Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta
vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi,
cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa.
Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau,
Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.
Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ.
Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này.
Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định
để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng.
Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại,
tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu.
Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai?
Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân.
Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần
vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng.
“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).
Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa,
khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng,
liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?
“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16)
và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20).
Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh,
lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em,
và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc.
Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống,
thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay.
Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng
Thầy mới là người chiến thắng.
Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn.
Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán.
Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày.
Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi.
Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào.
Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: HIỆN DIỆN PHỤC SINH
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Trước khi chịu khổ nạn. Chúa Giê-su loan báo cho các tông đồ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Khi Chúa chịu chết và an táng trong mộ, các tông đồ không còn trông thấy Thầy. Không phải chỉ không trông thấy, mà còn có tâm hồn trống rỗng, cô đơn, tuyệt vọng. Trái lại thế gian đắc thắng vui cười. Chúa đã chết. Đó là thắng lợi của trần gian. Họ niêm phong cửa mộ. Cắt đặt lính canh. Đắc thắng.
Nhưng khi Chúa phục sinh, các tông đồ lại tràn ngập niềm vui. Vui vì được gặp lại Chúa. Nhưng ở một chiều kích khác. Hai môn đệ đi đường Em-mau đi bên Chúa suốt mấy tiếng đồng hồ. Nhưng không nhận biết Chúa. Họ nhìn thấy nhưng không nhận ra. Trái lại khi Chúa đã biến đi rồi thì họ lại thấy Chúa, nhận ra Chúa đang hiện diện. Không thấy Chúa bằng đôi mắt thể xác. Họ thấy Chúa bằng ánh mắt nội tâm. Vì Chúa vắng mặt. Nhưng lại hiện diện tràn đầy. Đó là hiện diện phục sinh. Họ đã chết. Nhưng nay sống. Sống mãnh liệt. Sống phong phú. Đó là đời sống đức tin.
Chính ánh mắt nội tâm đó. Chính sự hiện diện phục sinh đó. Chính đời sống đức tin đó làm cho các tín hữu sơ khai. Dù bị bắt bớ, bị xua đuổi, kể cả bị giết chết, mà vẫn bình an. Và như thánh Phao-lô, bị chống đối mà vẫn bình tĩnh. Bị đánh đập mà vẫn kiên cường. Bị nhục mạ mà vẫn vui tươi. Vì có Chúa ở cùng. Chúa phục sinh luôn ở bên các ngài.
Đó là sức sống mới. Sức sống của Chúa phục sinh. Sức sống tràn trào thôi thúc các ngài đi rao giảng, làm chứng về Chúa. Hàng ngày phải lao động sinh nhai. Cuối tuần vẫn hăng say rao giảng: “Ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do thái, lẫn người Hy-lạp”. Bị chống đối nơi này thì đi nơi khác. Bị người này chống đối thì rao giảng cho người khác. “Bởi họ chống đối và nói lọng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại”.
Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện phục sinh của Chúa. Để con có niềm vui tươi hăng hái làm chứng cho Chúa.
-----------------------------------------------